DOUGLAS SOUSA, Editor
Douglas Sousa, Cử nhân Triết & Anh Đại Học Saint John, Brighton, MA;
Cử nhân thần học Đại Học Giáo Hoàng Gregorio, Rome;
Thần học luân lý Giáo Hoàng Học Viện Anphongso, Rome.
Cử nhân thần học Đại Học Giáo Hoàng Gregorio, Rome;
Thần học luân lý Giáo Hoàng Học Viện Anphongso, Rome.
Giúp soạn bài giảng – tư liệu giúp soạn một bài giảng tốt.
Như một phần sứ vụ của tôi là cung cấp tư liệu cho việc truyền đạt Lời Chúa, tôi sẽ mô tả những nét chính của một chuỗi các đề mục để làm sao chúng ta có thể soạn được một bài giảng tốt. Trong tiến trình các bước, chúng tôi hy vọng không chỉ cung cấp cho đọc giả những bước cần thiết để xây dựng một bài giảng hiệu quả nhưng còn cho thấy ý nghĩa thần học của một bài giảng cũng như vai trò của bài giảng trong phụng vụ. Hướng đến mục tiêu đó, tôi sẽ bắt đầu nói đến mục đích của bài giảng là gì, vai trò của bài giảng trong phụng vụ và chỗ đứng của bài giảng trong việc hình thành dân Chúa.
MỤC ĐÍCH CỦA BÀI GIẢNG
PHẦN GIỚI THIỆU
Sau lễ Ngũ Tuần, khi các cộng đoàn Kitô hữu Palestine bắt đầu xuất hiện thì ở đó chưa có một cuốn Tân Ước nào. Tất cả những gì làm nên Thánh Kinh của các Kitô hữu đều được bắt đầu trước tiên với Lời rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu. Các tông đồ đã làm một lúc hai việc. Họ kể lại câu chuyện cuộc đời Chúa Giêsu, sự chết và sự phục sinh của Ngài; sau đó, được Cựu Ước soi sáng, các ngài chứng thực Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, đỉnh cao của mọi lời hứa Thiên Chúa dành cho con cái Abraham và cho mọi dân mọi nước. Chính việc rao giảng của các tông đồ trong quyền năng của Chúa Thánh Thần mà Giáo Hội được quy tụ và thiết lập. Giáo Hội, tự cốt lõi là sự tập hợp tất cả những ai tin vào Tin Mừng của Chúa Giêsu cũng là Tin Mừng các tông đồ rao giảng. Do đó, trong suốt lịch sử của mình, việc rao giảng là trọng tâm bản sắc, sứ vụ và đời sống của Giáo Hội.
Thông thường, việc giảng thuyết xảy ra ở các diễn đàn công cọng như các khu chợ hoặc các đường phố; tuy nhiên, một khi Giáo Hội đã bén rễ và lan rộng, việc rao giảng ngày càng phải diễn ra trong bối cảnh cử hành Thánh Thể. Vị trí của bài giảng trong Thánh Lễ mang đến cho nó một mục đích và một ý nghĩa khác biệt đáng kể so với bất cứ một loại hình diễn văn hay diễn thuyết nào.
Bài giảng là một hành vi thờ phượng hơn là một bài giáo lý hay một bài cỗ võ đạo đức. Điều này luôn luôn cần được ghi nhớ trong khi chuẩn bị bài giảng hoặc lắng nghe bài giảng. Và với suy nghĩ này, chúng ta bắt đầu bàn đến mục đích của bài giảng.
Vậy những ai mang lấy trách nhiệm cao cả của việc bước lên bục giảng để giảng Lời Chúa sẽ hy vọng đạt được điều gì? Theo tôi, mục đích của bài giảng và nhiệm vụ của người giảng có thể được tóm tắt với ba chữ “I” viết tắt. 1. Illustrate, hãy minh họa; 2. Instruct, hãy hướng dẫn; và 3. Invite, hãy mời gọi.
1. HÃY MINH HOẠ
Thông thường, theo sự khôn ngoan, mỗi bài giảng nên bắt đầu bằng một câu chuyện để thu hút sự chú ý của cộng đoàn và giới thiệu chủ đề. Chính Chúa Giêsu đã hiểu sức mạnh của việc kể chuyện, Ngài đã sử dụng các dụ ngôn để giảng về Nước Trời. Tương tự như thế, câu chuyện về cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu cũng là trọng tâm rao giảng của các tông đồ. Những câu chuyện là một công cụ hữu hiệu trong việc giảng dạy bởi chúng lôi kéo trí tưởng tượng của cộng đoàn vào việc tìm kiếm đức tin và sự hiểu biết. Các câu chuyện sẽ rọi sáng một trong những mục đích trọng tâm của bài giảng và làm sáng tỏ bằng cách nào Lời Chúa được rao truyền bởi các tiên tri, bởi Chúa Giêsu và bởi các tông đồ vẫn đang có ý nghĩa cho thời đại chúng ta. Niềm vui cũng như thách đố của cuộc sống hiện đại là những tiếng vang của những cuộc chiến và ủi an được tìm thấy trong Thánh Kinh. Nhiệm vụ của người giảng chính là sử dụng Thánh Kinh để làm sáng tỏ bất cứ vấn đề nào có thể gặp phải nơi những người đang dự lễ, hoặc ở cấp độ cá nhân (những căng thẳng, thất nghiệp, cuộc sống gia đình, .v.v.) hoặc ở cấp độ liên cá nhân (vấn đề vô gia cư, kinh tế, phá thai, .v.v.).
Với niềm tin rằng, Thánh Kinh là kim chỉ nam chắc chắn cho cuộc sống thế kỷ hai mươi mốt, người giảng tìm cách giúp cộng đoàn thấy rõ bằng cách nào Lời Chúa vốn đã được công bố hàng ngàn năm vẫn có thể áp dụng cho những lựa chọn của chúng ta hôm nay. Những câu chuyện, dù được lấy từ hạnh các thánh hay một tờ báo nào đó vẫn là một phương tiện hữu ích để thực hiện mục đích này. Tuy nhiên, chúng không nhất thiết là cách duy nhất. Cũng có thể đặt cho cộng đoàn những thách đố khi mời họ nghĩ đến cách thức áp dụng Tin Mừng vào trong cuộc sống thường ngày của mình bằng việc đưa ra một chuỗi các câu hỏi (chẳng hạn yêu thương là gì? Chúng ta làm gì khi yêu thương?) hoặc đơn giản là nêu rõ Tin Mừng phải áp dụng đúng đắn thế nào trong hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống (trả thuế, nuôi con). Điều quan trọng là bài giảng không luôn luôn phải làm sáng tỏ một điểm nào đó nhưng quan trọng là, bất cứ phương tiện nào mà người giảng đã chọn lựa đều phải có khả năng lưu lại nơi mỗi thành viên của cộng đoàn một thách đố mà họ sẽ mang về nhà, trường học, nơi làm việc những lời mà họ đã nghe công bố trong phần phụng vụ này. Do đó, một trong những mục đích hàng đầu của bài giảng là rọi chiếu thế nào để lời mời gọi hãy sám hối và tin vào Tin Mừng của Chúa Kitô được sống trong thế giới của ngày hôm nay.
2. HÃY HƯỚNG DẪN
Cách chung, trước Công Đồng Vaticano II, vị giảng lễ dùng toà giảng để hướng dẫn cộng đoàn về các vấn đề đức tin và luân lý. Lắm lúc, vị giảng lễ đưa ra một chuỗi các suy niệm vào một số Chúa Nhật về các ơn của Chúa Thánh Thần hoặc tám mối phước thật mà không cần biết chúng có liên quan đến các bài đọc Chúa Nhật hôm đó hay không; và nếu quả như thế thì bài giảng đã thật sự xa rời phụng vụ.
Như vậy, thay vì là một phần không thể thiếu của buổi cử hành phụng vụ bắt nguồn từ các chủ đề của Thánh Kinh vừa được công bố, thì bài giảng xem ra đã là một cái gì được ghép vào cách thô thiển lên phần còn lại của phụng vụ. Bài giảng giờ đây tạo nên một sự nghi ngờ rằng, xem ra vị giảng lễ đã phải tìm một cái gì đó bên ngoài các bài đọc để nói, và như thế, những bài đọc của ngày hôm ấy không có ý nghĩa gì đối với cuộc sống của cộng đoàn hôm nay.
Suốt 55 năm qua, vai trò của bài giảng đã được dịch chuyển, nó đã được coi là một phần không thể thiếu của Phụng Vụ Lời Chúa; bài giảng đưa ra các chủ đề vốn được rút ra từ các bản văn Thánh Kinh và phụng vụ của ngày lễ. Nói như thế không có nghĩa là giờ đây nhiệm vụ hướng dẫn cộng đoàn không còn là chủ tâm của người giảng lễ, không phải vậy. Nhưng với ảnh hưởng ngày càng tăng của các phương tiện truyền thông thế tục và sự suy giảm chất lượng của nền giáo dục cộng đồng, nên việc hướng dẫn những chân lý đức tin và giải thích rõ ràng các giáo huấn luân lý của Giáo Hội cũng quan trọng như nó đã từng quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta phải lấy gợi ý từ các bài đọc trong ngày. Sách các bài đọc là sách Giáo Hội dẫn các suy tư của chúng ta xuyên suốt các mùa phụng vụ; nó bảo đảm các chân lý nòng cốt của đức tin như Nhập Thể, Khổ Nạn, Phục Sinh, Hiện Xuống .v.v. vốn được chiêm ngắm và cử hành liên lỉ.
Và như thế, Thánh Kinh phải là nguồn tư liệu hướng dẫn của người giảng lễ. Vị giảng lễ không bao giờ được phép quên rằng, bài giảng có thể là cơ hội duy nhất để nhiều tín hữu được nghe giáo huấn của Giáo Hội vốn được trình bày một cách rõ ràng và đầy đủ. Vì thế, một trong những mục đích trung tâm của bài giảng là dẫn dắt tín hữu đến với những chân lý đức tin công giáo của chúng ta.
3. HÃY MỜI GỌI
Lời Chúa không chỉ mang ý nghĩa để lắng nghe mà còn để hành động. Khi Lời Chúa được rao giảng một cách hiệu quả, nó gợi lên một sự đáp trả từ phía người nghe cho dù đó là một ao ước điều chỉnh cuộc sống hay để thực hiện một cam kết sâu sắc hơn của họ đối với Chúa Kitô và Giáo Hội của mình. Vì thế, một trong những mục đích chính của bài giảng là mời gọi cộng đoàn hoán cải. Mời gọi này lặp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu khi Ngài bắt đầu sứ vụ công khai khắp miền Galilê kêu gọi mọi người “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Lời mời gọi này tiếp tục là nhiệm vụ của toàn thể Giáo Hội hôm nay, kêu mời mọi người nhớ đến tình yêu của Chúa Kitô và thiết lập lại các giá trị và ưu tiên của họ sao cho phù hợp với tình yêu Ngài.
Tự nhiên, ai trong chúng ta cũng muốn có một cuộc sống tốt hơn với những quyết định và cam kết; điều tương tự cũng đúng với những chiều kích thiêng liêng. Khi Lời Chúa khuấy động tâm hồn, nó dẫn chúng ta đến việc thay đổi đời sống mà chúng ta cử hành trong các bí tích; Lời Chúa hướng chúng ta về phía các bí tích. Và như vậy, mục đích của bài giảng không chỉ là mời người nghe hoán cải nhưng còn mời họ thực hành sự hoán cải đó qua các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Thật vậy, bài giảng, thực sự đóng vai trò một chiếc cầu liên kết Phụng Vụ Lời Chúa với Phụng Vụ Thánh Thể. Cũng như mỗi bài giảng nên bắt đầu với một câu chuyện hoặc một minh họa, thì mỗi bài giảng cũng nên kết thúc bằng cách hướng về Bí Tích Thánh Thể mà cộng đoàn đang chuẩn bị cử hành và lãnh nhận. Qua bài giảng, Chúa Kitô gửi một lời mời đến tất cả những ai sẽ chấp nhận lời kêu gọi hoán cải của Ngài đến dự tiệc Mình và Máu Ngài. Và như thế, mục đích trọng tâm của bài giảng là mời gọi cộng đoàn hoán cải tâm hồn và cử hành điều cam kết mới mẻ đó bằng việc mời họ đến bàn tiệc Mình Máu Chúa Kitô.
KẾT LUẬN
Tóm lại, những mục đích chính của bài giảng là làm sáng tỏ bằng cách nào Lời Chúa được sống trong ngày sống riêng của mỗi người, để hướng dẫn tín hữu đến những chân lý đức tin của giáo lý Kitô giáo và để mời gọi cộng đoàn hoán cải, giao hòa và đến với các bí tích. Đó là những đặc điểm nổi bật của một bài giảng đáng nhớ và hiệu quả. Đó cũng là điều chúng ta phải luôn ghi nhớ khi soạn bài giảng cũng như khi giảng.
Việc tập trung vào những điểm đó sẽ bảo đảm rằng, việc giảng dạy của chúng ta sẽ luôn luôn quy về Chúa Kitô và Lời của Ngài; bằng cách ấy, chúng ta sẽ tiếp tục công việc của các tông đồ, những người xây dựng Hội Thánh trên Lời của Thiên Chúa và cộng tác vào sự phát triển Hội Thánh nhanh chóng bằng việc trung thành với giáo huấn của Chúa Giêsu, Thầy mình.
Nguồn: https://romancatholichomilies.com/how-to-write-a-great-homily/
Tags:
Kiến thức công giáo