Sài Gòn, thành phố lớn nhất nước, trung tâm của miền Nam, đã có rất nhiều đổi thay, khiến người ta không khỏi thở than tiếc nuối…
Sài Gòn là điểm đến của mọi thứ, mọi ngành nghề, mọi người dân tứ xứ đều đổ xô về Sài Gòn. Trường học tốt nhất nằm ở Sài Gòn. Cứ tới mùa thi, người ta nhìn thấy các thí sinh và người thân lũ lượt từ miền Trung vào, từ cao nguyên xuống, từ miền Tây, kể cả miền Bắc, hành trang vào thi các trường đại học ở Sài Gòn. Thậm chí ngay từ bậc trung học, không tin tưởng các trường địa phương, một số phụ huynh đã cho con em lên thành phố học nội trú ở các trường tư thục.
Bệnh viện giỏi nhất cũng nằm ở Sài Gòn. Thành phố này là điểm đến của mọi người bệnh. Bệnh nhân nặng chuyển từ tỉnh lên, vì chỉ ở Sài Gòn mới có các bệnh viện chuyên khoa mắt, ung thư, tim mạch… Các bệnh viện lớn than thở mỗi ngày tiếp đến hàng ngàn bệnh nhân, chỉ vì hơi hơi bệnh, người ta đã lo chạy lên thành phố cho chắc.
Mà đâu phải chỉ có thể. Du lịch, khách sạn, thể thao, văn hóa, nghệ thuật… đều tập trung vào một nơi. Các món ngon vật lạ đều tập trung đến thành phố.
Do đó, Sài Gòn phải phát triển đầu tiên, phát triển vượt bậc để đáp ứng vị thế của mình.
Sài Gòn đã bành trướng khá rộng. Các quận 7, Bình Tân, Tân Phú… được thành lập để giải quyết cho dân số gia tăng đến chóng mặt. Chung cư, cư xá ồ ạt chen lấn nhau mọc ra nhanh chóng như được ông thần đèn của Aladin hóa phép. Và cũng không thiếu thảm họa mà việc này mang lại. Đơn cử như khu Phú Mỹ Hưng đã bị coi là một trong những nguyên nhân gây ngập nước, do xây dựng trên vùng trũng là chỗ thoát nước của thành phố.
Thế nhưng mọi người vẫn thích đổ xô vào trung tâm Sài Gòn để học hành, ăn chơi, chữa bệnh… Mà khu trung tâm thì nhỏ hẹp.
Trung tâm của thành phố là quận 1, quận 3, quận 5, theo câu nói dân chơi truyền tụng trước kia: Ăn quận 5, nằm quận 3, la cà quận 1. Quận 5 nổi tiếng với các nhà hàng Tàu, quận 3 lắm biệt thự trên những con đường yên tĩnh và quận 1 nhiều phòng trà, rạp hát… Trung tâm của khu này xiết lại là khu vực chợ Bến Thành tỏa ra xung quanh.
Từ trước 75, chính quyền đã có kế hoạch phát triển Thủ Thiêm thành khu đô thị mới, còn bên Sài Gòn giữ nguyên làm khu đô thị hành chính.
Nhưng rồi đến khi phía Thủ Thiêm thật sự được giải tỏa để xây dựng thì kéo theo bao nhiêu là bất cập. Có thời gian con đường chính hẹp, đất cát mịt mù; nhà cửa bị mua sang tay cả nhưng không thấy xây cất nhiều; đường xá, cầu cống chưa thấy nhúc nhích. Đó là chưa kể tới những chuyện đền bù. Nhà văn Dương Hà có một căn biệt thự ở bên này cầu Thủ Thiêm nhưng ông liên tục kêu buồn quá. Bạn bè không ai chịu đến chơi nên ngày nào, ông phải kêu xe ôm chở qua phía Sài Gòn tìm người nhậu nhẹt, trò chuyện.
Có hầm Thủ Thiêm, có cầu Thủ Thiêm, thành ra thừa phà. Trong những ngày cuối cùng hoạt động, con phà trăm năm chở đầy những người thành phố tiếc nuối. Một ông già cho biết từ sáng sớm ông đã xuống phà rồi theo con phà đi qua đi lại mãi mà không lên bờ. Người khác mang con nhỏ ra đứng nhìn lưu lại trong ký ức con phà, mai mốt may ra hiểu được câu ca dao:
Bắp non mà nướng lửa lò
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm
Nhiều câu ca dao nhắc đến địa danh như vậy đã trôi vào lịch sử. Những chuyến phà trong ngày cuối cùng ấy chỉ toàn người mê mải quay phim, chụp hình hơn là khách cần qua sông. Rồi con phà di cư qua Cát Lái. Chỉ còn mấy khẩu súng thần công đen bóng trên bờ vẫn nằm yên ngóng ra bến phà chuyển thành bến đậu cho thuyền cao tốc.
Thời trước, nhiều người truyền miệng về một chủ trương giữ nguyên vẹn khu trung tâm Sài Gòn này, nhất là các con đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn, Hàm Nghi… nhưng xem ra chủ trương đó chỉ là mơ ước của người dân mà thôi. Bởi vì ở đây là đất vàng nên không thể bảo tồn được.
“Tứ giác vàng” phải thương lượng mấy năm vì mấy gia đình kiện cáo tới phút cuối là khu Eden nổi tiếng với rạp ciné Eden, passage Eden, tiệm bánh Givral, hiệu sách Xuân Thu, nhà hàng Pagode… Quán Cái Chùa bị Sài Gòn Tourist lấy từ lâu nên khi giải tỏa, mọi người chỉ kêu inh ỏi tiếc nhà hàng Givral. Givral đổi sang vài nơi, Xuân Thu chuyển tới Trần Hưng Đạo… nhưng xem chừng ở những địa chỉ mới, mặc dù cố gắng giữ hình thức như cũ, những hàng quán này trông vẫn lạc lõng làm sao.
Bây giờ ở đó tua tủa sắt thép, để rồi sẽ mọc lên một Vincom mới, đối diện phía bên kia quay mặt trên đường Lê Thánh Tôn, tòa cao ốc nằm trên ngọn đồi Sở Giáo Dục cũ, chèn ép biến công viên Chi Lăng như trở thành mảnh vườn nhỏ của Trung tâm thương mại này, và thêm cao ốc Parkson ngay đó thi đua. Đường Đồng Khởi (Tự Do) được xem là bà đầm Pháp bởi dãy nhà theo kiến trúc Pháp nằm dưới hai hàng cây rợp bóng mát, so sánh với Nguyễn Huệ là cô đầm Mỹ với những tòa nhà mới xây sau này. Giới kiến trúc rên rỉ ghê lắm vẫn không kềm nổi mấy tòa nhà như Metropolitan, Sheraton… sừng sững mọc lên ở con đường thanh lịch này.
Các chủ đầu tư ngoại quốc nhất định chen chúc vào khu trung tâm của trung tâm này, ngày càng nhỏ xíu bởi các tòa cao ốc cao vòi vọi vội vã cuống cuồng mọc lên khiến nạn kẹt xe ngày càng nhức nhối. Báo chí cứ đổ tại cho nhiều nguyên nhân đâu đâu: lô cốt choán đường, số lượng xe gắn máy và ô tô gia tăng… Thế nhưng lô cốt trên đường đã dẹp rồi vẫn kẹt xe. Giờ học giờ làm có thay đổi như Hà Nội, trời tối sập học sinh mới được thả ra về thì xe vẫn kẹt. Một quan chức Hà Nội còn tuyên bố ai bảo dân cứ thích sắm xe đi thì ráng chịu! Còn nguyên nhân chính yếu là những tòa cao ốc hàng mấy chục tầng san sát nhau trên một diện tích nhỏ hẹp, thu hút số lượng rất lớn người ở, xe cộ, nhân viên làm việc ra vào thì ít có ai nhắc tới, thì “chẳng” nhắc tới làm chi…
Khu Chợ Cũ có tòa nhà Hoa Sen cao 262 mét. Bưu điện quận 1 cũ cũng nhường chỗ cho Sài Gòn Center thay thế, nay chiếm một gian sang trọng tầng trệt nhưng kín đáo quá, ít ai qua đường ghé vào mua con tem hoặc gửi gói bưu phẩm như xưa. Khu Eden còn ngổn ngang chưa hoàn tất thì một khu khác đang bị hóa kiếp. Cùng lúc giải thể với phà là khu tứ giác “vàng” Phạm Ngũ Lão, Yersin, Lê thị Hồng Gấm, Phó Đức Chính nhìn xéo qua chợ Bến Thành. Ngay góc đường là nhà hàng, khiêu vũ, tiệc cưới Vân Cảnh, dãy phố Phạm Ngũ Lão với nhà sách Lê Phan, hãng đĩa hát Asia và nhà xuất bản Sóng Nhạc ở số 37, một chi nhánh tiệm bánh Brodart… đang bị đập nát để xây cao ốc năm mươi lăm tầng mà nghe nói còn cao hơn tòa nhà Bitexco hiện giờ cao nhất Sài Gòn.
Hai vợ chồng anh bạn dẫn đám con ra góc đường Phạm Ngũ Lão-Calmette tiếc nuối chỉ đống gạch vụn nói: “Hồi xưa cha mẹ làm đám cưới ở đây”. Ngày xưa khi nhà hàng chưa tràn lan như bây giờ thì Vân Cảnh, cũng như Đồng Khánh, Ái Huê… là nơi tổ chức đám cưới quen thuộc.
Nhà thương Sài Gòn ngay đường Lê Lợi kế chợ, bến xe bus, kế bờ sông… tiện đường giao thông. Trước kia hễ bệnh cấp cứu là chở thẳng vào đó. Bệnh viện do “chú Hỏa” Hui Bon Hoa qua trăm năm xây dựng nay đã cũ kỹ. Do vị trí quá đẹp khiến bệnh viện khó tiếp tục yên thân sống ở đó. Các tập đoàn công ty lớn dòm ngó nhưng chưa ngã ngũ giá cả khiến bệnh viện lâm vào cảnh “quy hoạch treo”. Bệnh viện không sửa sang, không trang bị thêm máy móc vì sẽ bị đập bỏ bất cứ lúc nào. Bởi vậy vào bên trong thấy khung cảnh vắng vẻ, đìu hiu ở tình trạng không biết lúc nào “di dời”.
Những nơi cùng hoàn cảnh như thế là Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (Sùng Chính cũ) nằm trên đường Trần Hưng Đạo. Bệnh viện này đã được đề nghị đổi cho một khu đất khác ở quận 7 mà mãi vẫn chưa thấy nhúc nhích. Các bệnh viện lớn khác nghẹt cứng bệnh nhân nên đều có dự định dời ra ngoại thành. Chờ đợi lâu quá nên Từ Dũ sốt ruột bèn xây lên tòa lầu mới. Chỉ có điều mấy tầng lầu nguy nga nhưng không có hầm giữ xe, còn bãi giữ xe thì nhỏ xíu chật cứng nên sáng sớm đến bệnh viện tìm chỗ gửi xe là cả một vấn đề.
Luật mới đưa ra các trường đại học phải có tiêu chuẩn đầu tiên là diện tích rộng rãi. Trường đại học Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội Nhân văn (Văn khoa cũ)… đã chuyển bớt một phần ra Thủ Đức. Phần nào còn lại dĩ nhiên đập đi xây lại hết. Đại học Sư phạm cũng đã xây mới.
Người Sài Gòn hồi đó chắc ai cũng có lần đặt chân vào Sở Thú gọi văn vẻ là Thảo Cầm Viên để xem thú, dạo chơi, trốn học… Chưa kể trong đó còn có đền Hùng, viện Bảo tàng… Bây giờ dân quê lên thành phố đi chơi siêu thị, trung tâm thương mại, các công viên mới mở chứ không đi Sở Thú như xưa. Ở giữa Sài Gòn, lại có một khoảng đất rộng rãi, vị trí quá đẹp mà chỉ để mấy con thú ở thì thật phí phạm nên thú cũng chuẩn bị dời qua Củ Chi. Còn “đất vàng” lại để tiếp tục xây cao ốc.
Siêu thị lớn, siêu thị mini ở các chung cư mở ra hàng loạt giành bớt khách của các chợ. Chợ Nancy giải tán để thành cầu Nguyễn Văn Cừ. Giờ mảnh đất trống của nhà lồng vẫn còn đó xây nhà lẻ thì hơi to, xây chung cư thì hơi nhỏ chưa biết làm gì. Chợ cá Trần Quốc Toản thành Siêu thị Sài Gòn, cầu Ông Lãnh (mới) dẹp mất chợ Cầu Ông Lãnh. Chợ Thái Bình cũng bị hăm dẹp bỏ vì đâu có cạnh tranh nổi với ba siêu thị lớn ở kề chung quanh. Các tập đoàn ngoại quốc nhiều vốn nên thường mua luôn nguyên một ô tiếp giáp bốn mặt đường như Eden, Vân Cảnh chứ không mua lẻ tẻ vài căn nhỏ. Vì thế nguyên khu trường Thaleman (trường Cô Giang, Tôn Thọ Tường cũ), khu Nancy nằm giữa Trần Hưng Đạo, Nguyễn Biểu, Nguyễn Trãi, Nguyễn Văn Cừ (Cộng Hòa cũ) đều đã bị nhăm nhe đo đạc. Dân chung chưa biết giải tỏa lúc nào.
Xa xa như nghĩa trang Bình Hưng Hòa rồi cũng lần lượt giãn ra Bình Dương, Long An…
Mai mốt đây thôi, những người đi xa lâu mới về Sài Gòn có lẽ sẽ như Từ Thức quay về lối xưa, không còn nhận ra chốn cũ nữa… Trăm năm đành lỡ hẹn hò. Cây đa bến cũ đâu còn mà chỉ thấy nhà chọc trời, cầu, đường… và kẹt xe…
Một thành phố mới mẻ?
Cho nên Sài Gòn không chỉ mất ở cái tên…
Đăng lại từ bài viết “Lối xưa”, bút danh Sài Gòn Cô Nương, đăng trên Forum.trungtamasia.com
Tags:
Đời sống