Dẫn nhập
Khi đề cập về việc nhận biết Thiên Chúa, thánh Augustinô nói rằng: “Điều cần phải nói ra đó là thành thật thú nhận về sự bất tri hơn là sự hiểu biết võ đoán. Tiến gần một chút về Thiên Chúa nhờ lý trí là một phúc lành lớn lao; còn để hiểu trọn vẹn Thiên Chúa là điều bất khả thi.”[1]
Bức tranh nổi tiếng thế giới của Andrew Roublev (1360-1430) trình bày cảnh tượng về sự đón tiếp của ông Ápraham và bà Sara dành cho ba thiên thần ngồi chung quanh bàn tiệc (St 18,1-15). Đây là một hình ảnh thúc đẩy người Kitô hữu suy tư nhiều về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Chén rượu ở trên bàn là biểu tượng của bí tích Thánh Thể, nhờ biến cố cứu độ và mạc khải về cuộc khổ nạn, chết và phục sinh của Chúa Kitô.
Icône này cũng có thể làm cho chúng ta suy tư về những cách thế mà niềm tin và Kinh Thánh Cựu Ước đã giúp các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu giải thích và rao giảng mầu nhiệm trung tâm của Kitô giáo, đó là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi mà họ đã có kinh nghiệm và đáp trả. Sự hiểu biết về Cựu Ước là cần thiết để nắm vững mạc khải Ba Ngôi và tính mới mẻ của Tân Ước.
Cựu Ước tiền chứa những cách thức và hình ảnh sẽ được sử dụng để trình bày về mầu nhiệm Ba Ngôi. Nếu nhìn một cách tiêu cực, một nền thần học mà phớt lờ hoặc hạ thấp Cựu Ước có thể chỉ là một nền thần học tự thân hoàn toàn thiếu sót. Có điều gì đó chính yếu bị đánh mất về ý nghĩa mà chúng ta hiểu về Ba Ngôi nếu chúng ta phớt lờ những nguồn gốc thuộc Do Thái của Chúa Giêsu và những môn đệ đầu tiên của Người. Cựu Ước đã chứa đựng nhiều quan niệm và hình ảnh nổi bật như Thiên Chúa là Cha, sự Khôn Ngoan, Lời và Thần Khí của Thiên Chúa. Đây là những dấu ấn về mạc khải mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Phần này sẽ tìm hiểu lần lượt tìm hiểu về những hình ảnh này.
I. THIÊN CHÚA NHƯ LÀ CHA
Ngày nay nhiều tranh luận cho rằng khi gọi Thiên Chúa là Cha, giáo huấn, thần học cũng như phụng vụ Kitô giáo nhằm bảo vệ và gìn giữ hệ tư tưởng “gia trưởng,” đồng thời loại bỏ khuynh hướng đề cao người người nữ trong xã hội và Giáo Hội.
Bởi thế, trong chương sau chúng ta sẽ bàn trực tiếp vấn đề này. Chương này sẽ tìm hiểu về những nguồn gốc Kinh Thánh lâu đời nhất liên quan đến tên gọi Thiên Chúa là Cha, một tên gọi đã minh nhiên có một vị trí trung tâm trong Kinh Tin Kính, phụng vụ, đời sống và cả nghệ thuật Kitô giáo.
Để bắt đầu nghiên cứu về những dữ kiện đặc biệt từ Cựu Ước, chúng ta cần nhớ lại rằng trong Do Thái Giáo, Kitô Giáo và Hồi Giáo không có diễn tả Thiên Chúa như một nữ thần. Đây là nét đặc trưng của những tôn giáo độc thần này[2] phân biệt với những nền văn hóa cổ xưa đã diễn tả các vị thần linh bằng ngôn ngữ như: nữ thần Tiamat trong thời kỳ Enuma Elish thuộc Babylon, nữ thần Asherah trong tôn giáo của người Canaan, nữ thần Fricka trong thiên sử thi của người Bắc Âu, và nữ thần Hera là chị và vợ của thần Zeus trong thần thoại Hy Lạp, được đồng hóa là nữ thần Juno do người La Mã.
Trong Kinh Thánh Cựu Ước, Thiên Chúa hiện hữu vượt trên phái tính và là Đấng hoàn toàn siêu việt. Dĩ nhiên, đôi khi nếu những hình ảnh về người nam và người nữ được áp dụng cho thần linh, thì nó không có nghĩa Thiên Chúa là đàn ông hay đàn bà và Người siêu việt hơn mọi lối diễn tả của thụ tạo. Cựu Ước cũng đã cấm con người không được tạc hình tạc tượng để diễn tả về hình ảnh Thiên Chúa. Tiên tri Hôsê minh chứng ý nghĩa của sự siêu việt Thiên Chúa khi Người nói với ông: “Ta là Thiên Chúa chứ không phải phàm nhân, là Đấng Thánh ở giữa các ngươi” (Hs 11,9). Điều này muốn nói rằng hữu thể của Giavê hoàn toàn thánh thiện và khác biệt với hữu thể con người. Vì thế Cựu Ước cấm dùng những hình ảnh vật chất để áp dụng cho Thiên Chúa và điều này cũng ảnh hưởng đến ngôn ngữ Cựu Ước dùng để diễn tả thần tính Thiên Chúa.
Trước khi tìm hiểu trong Cựu Ước lối sử dụng ngôn ngữ ẩn dụ (metaphor) “Thiên Chúa như là Cha,” chúng ta cũng cần lưu ý rằng Cựu Ước cũng đã nói về Thiên Chúa như một người “Mẹ,” nghĩa là sử dụng những sự tương tự của người mẹ để áp dụng cho Thiên Chúa. Thiên Chúa được so sáng một cách rất sinh động như một người phụ nữ đau đớn trong lúc sinh con (Is 42,14), hay so sánh Thiên Chúa như một người bà đỡ (Tv 22,9-10). Những lối so sánh về người mẹ và việc sinh con cũng được dùng trong Ngũ Thư (Ds 11,12; Đnl 32,18). Như một người mẹ thường làm, Thiên Chúa muốn an ủi dân đang gặp đau khổ (Is 66,13). Tình yêu Thiên Chúa vượt trên cả tình yêu của một người phụ nữ dành cho đứa con của mình: “Có phụ nữ nào quyên được đứa con thơ của mình hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15). Sự dịu dàng của Thiên Chúa vượt trên sự dịu dàng của một người mẹ được làm nổi bật trong sách Huấn Ca: “Con sẽ nên như người con của Đấng Tối Cao, và Người sẽ thương con hơn cả mẹ của con nữa” (Hc 4,10).
Để bắt đầu, chúng ta cần nhớ rằng những so sánh khác nhau thế nào từ lối ẩn dụ này. Trong một hoàn cảnh đặc biệt và để làm sáng tỏ điều muốn nói, người ta sử dụng một sự so sáng bằng cách dùng hình ảnh hay quan niệm thông thường của người đương thời để nói về một điều gì đó hay của một ai đó. Theo cách thức đó, Isaia (42,14) nói về sự can thiệp “mạnh tay” của Thiên Chúa giống như một người sản phụ lâm bồn, rên xiết và thở hổn hển khi sinh con. Sự ẩn dụ nới rộng việc sử dụng ngôn ngữ vượt trên cả ý nghĩa “thông thường” của nó để tạo ra những viễn tượng mới của thực tại nhờ việc quả quyết một căn tính giữa hai đối tượng so sánh. Chẳng hạn như lối so sánh: “Thiên Chúa là Cha đối với dân chúng.” Những lối trình bày sau này chứa đựng những mạc khải quan trọng về Thiên Chúa được Cựu Ước làm nổi bật và rồi sẽ được phát triển trong cuộc đời của Chúa Giêsu và trong các thế hệ đầu tiên của Kitô giáo.
Trong Kinh Thánh Cựu Ước, Thiên Chúa được biết đến qua rất nhiều danh xưng khác nhau, nhưng YHWH là danh xưng vượt trên tất cả các danh xưng khác (x. Xh 3,14; 6,6-8). Đây là danh xưng linh thánh nhất được sử dụng khoảng 6,800 lần trong Cựu Ước, cả hai hình thức kết hợp như YHWH Malak (“Vua”) (x. Tv 93,1). Một cách tổng quát, Thiên Chúa cũng được biết đến với danh hiệu là EL (Thiên Chúa Toàn Năng), và EL Shaddai: “Thiên Chúa, Đấng Thánh trên Núi” (x. 6,3); Nm 24,4-16), danh xưng Thiên Chúa được diễn tả ở số nhiều là Elohim “Thiên Chúa các thần linh” (x. St 1,1), và El Elyon (Thiên Chúa Đấng Tối Cao). Trong cuốn sách “God is King: Understanding and Israelite Metaphor,” Marc Zvi Brettler cho rằng : “Thiên Chúa là YHWH Malak” là lối ẩn dụ trổi vượt dành cho Thiên Chúa trong Cựu Ước, xuất hiện thường xuyên nhiều hơn so với lối ẩn dụ “Thiên Chúa là tình yêu, hay Thiên Chúa là hôn phu” (x. Gr 3; Ed 16 và Hs 2) hoặc “Thiên Chúa là một người cha” (Đnl 32,6; Is 63,16; Gr 3,19). Chúng ta sẽ tìm hiểu ý nghĩa của lối so sánh Thiên Chúa là Cha, là một trong tước hiệu đặc biệt đáng quan tâm ở đây.
Ít nhất có đến hơn 20 lần, Thiên Chúa được gọi hoặc được nói đến như là Cha trong Cựu Ước. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu ý nghĩa của tước hiệu này trong các sách thánh Quy Điển Cựu Ước.
1. Thiên Chúa như là Cha trong các Sách Thánh Tiền Quy điển[3]
Một trong những bản văn cổ nhất trong đó Thiên Chúa được gọi là Cha đến từ một bài hát được gán cho Môsê: “Hỡi dân tộc ngu si khờ dại, ngươi đáp đền ơn Đức Chúa vậy sao? Há chính Người chẳng phải cha ngươi, Đấng dựng nên ngươi, Đấng tạo thành, củng cố?” (Đnl 32,6). Ở đây và ở những nơi khác trong chương cuối cùng của Đệ Nhị Luật, Môsêđược mô tả như là sự nhớ lại sợi dây giao ước gần gũi giữa Thiên Chúa và dân Người. Do việc đi lại với những tôn giáo lân cận khác, dân riêng khước từ nguồn gốc đích thực của mình và hành xử giống như người con bất hiếu. Lòng trung thành yêu thương và lòng thương xót của Thiên Chúa hoàn toàn trái ngược với sự bất trung ngang bướng của dân Israel. Đây là bản văn từ Đệ Nhị Luật minh chứng cho thấy người Cha như thế nào, khi được dùng để chỉ về Thiên Chúa, thường quy chiếu về tương quan giao ước đặc biệt với Thiên Chúa của dân đã được giải thoát họ khỏi cảnh lưu đày và làm cho họ được gọi là con cái Thiên Chúa (con đầu lòng) (x. Xh 4,22-23; Hs 11,1) hoặc được gọi là “con trai và con gái của Thiên Chúa” (x. Đnl 32,19; Is 1,2-23; Hs 1,2; 30,1). Thiên Chúa sinh thành họ (Đnl 32,18) nhờ việc chọn và nhận họ làm con. Đây là sự chọn lựa lịch sử của Thiên Chúa và không phải nhờ bất cứ loại hoạt động tính dục và sinh sản thế lý nào (như trong trường hợp của các thần nam thần nữ ở xung quanh quốc gia), đã làm cho Thiên Chúa trở thành người Cha của họ.
Một đoạn văn sau này nhắc lại lời hứa về giao ước của Thiên Chúa, được diễn tả trong một sấm ngôn qua miệng tiên tri Nathan gửi cho vua Đavít: “Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi – một người do chính ngươi sinh ra-, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con. Khi nó phạm lỗi, Ta sẽ sửa phạt nó bằng roi của người phàm, bằng đòn của con người. Tình thương của Ta không rời khỏi nó, như Ta đã cho rời khỏi Saun, kẻ Ta đã bắt rời khỏi mặt ngươi. Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của người sẽ vững bền mãi mãi” (2 Sm 7,12-15). Trong thời Ai Cập cổ đại và những nơi khác ở Trung Đông, những người cầm quyền được gọi là “con Trời.” Từ đó sẽ không ngạc nhiên khi tìm thấy lời hứa của Thiên Chúa trong 2 Samuel về một vương quyền Đavít tồn tại đến muôn đời khi nói về Solomon, con của Đavít và người kế vị. Các Vinh Gia nhà vua suy tư niềm tin mà vua được xức dầu, được tuyển chọn một cách thần linh và được xem như là con nhận của Thiên Chúa: “Con là con Ta, hôm nay Ta đã sinh ra con” (Tv 2,7). Thánh Vịnh này quy chiếu về ngày mà vua sẽ được đặt làm người lãnh đạo của Dân Chúa.
Vua có vai trò lãnh đạo nhờ sự tuyển chọn thần linh và sức mạnh của Thiên Chúa, để hoàn thành mục đích của Thiên Chúa. Được ngự trên núi Sion nơi người ta tin rằng Thiên Chúa hiện diện (Tv 2,6), hoàng tử Đavít được gọi là “con Thiên Chúa” và Thiên Chúa là Cha của vua. Tước hiệu “con Thiên Chúa” ở đây không có nghĩa là con theo thể lý (nghĩa đen là con được Thiên Chúa sinh ra), cũng không theo nghĩa được “thần hóa” hoặc được làm cho trở nên một vị thần.
Nhờ việc gọi Thiên Chúa là Cha, trong sấm ngôn mình Nathan 2 Samuen 7 trình bày tính vô điều kiện của lời hứa và tương quan phụ tử này. Theo đó, sự chọn lựa của Thiên Chúa đối với vương quyền Đavít giống như sự chọn lựa của Thiên Chúa đối với toàn thể dân riêng. Thiên Chúa thiết lập một tương quan bền vững: Thiên Chúa sẽ luôn giữ lòng trung thành như người Cha đối với dân và vua của họ. Thiên Chúa kỷ luật dân và vương triều của họ nhưng Người sẽ làm như thế với một tình yêu bao la. Sau thời kỳ Lưu đày ở Babylon, sự thất bại của những cố gắng để tái lập triều đại Đavít đã tạo ra những vấn đề cho lời hứa mà Nathan loan báo.
Chúng ta tìm thấy sự giống nhau giữa 2 Samuen 7,12-15 và 1 Biên Niên Sử 17,11-15; 22,9-10; 28,5-6, một công trình xuất hiện và tồn tại khoảng năm 350 đến 300 TCN và đôi lúc bản văn này như lấy lại từng chữ một từ sách của Samuen và sách Các Vua nhưng không đề cập đến chúng một cách cụ thể. Cả ba bản văn trong 1 Biên Niên Sử đều lặp lại sấm ngôn của Nathan và lời hứa của Thiên Chúa là Cha đối với vua, người được Thiên Chúa nhận như là con. Sự thân mật của tương quan “Thiên Chúa – vua” được nói đến trong cả ba đoạn của 1 Biên Niên Sử. Trong đoạn thứ nhất, mọi quy chiếu về kỷ luật thì hoàn toàn bị bỏ qua. Đoạn thứ hai có mục đích nhằm khích lệ Salomon tuân giữ luật của Thiên Chúa, khi đưa ra những lời cảnh báo về điều sẽ xảy ra nếu vua mắc phải sai lầm như thế: “Chỉ mong sao Đức Chúa ban cho con được khôn ngoan sáng suốt khi đặt con lãnh đạo Israel, để con tuân giữ lề luật của Đức Chúa, Thiên Chúa của con. Chắc chắn con sẽ thành công, miễn là con để tâm thi hành các quy định và lề luật mà Đức Chúa đã chỉ thị cho ông Môsê truyền lại cho Israel. Phải can đảm và cương quyết! Đừng sợ hãi, đừng nao núng!” (1Sb 22,12-13).
Đoạn thứ ba cũng thêm vào một số lời từ Thiên Chúa, Đấng đòi hỏi sự trung thành với lễ luật: “Ta sẽ củng cố vương quyền của nó đến muôn đời nếu nó cố gắng thi hành mệnh lệnh và luật pháp của ta như hiện nay” (1 Sb 28,7). Ở đây có sự báo trước về những hậu quả xấu nếu nhà vua mắc sai lầm trong quyết định, nhưng không có nói một cách thẳng thắn về việc kỷ luật đi theo điều tội lỗi. Điều này chúng ta tìm thấy trong 2 Samuel và trong phiên bản của nó nơi sấm ngôn của Nathan. Trong khi 1 Sử Biên Niên giảm nhẹ yếu tố kỷ luật trong lối so sánh theo kiểu của người cha, kết quả là để làm sáng tỏ hơn Thiên Chúa là như thế nào và Người sẽ là một người cha nhân hậu và luôn chăm sóc con cái.
Các Thánh Vịnh mang lại ít nhất hai đoạn trực tiếp và gián tiếp nói (như trong Tv 2) về tình phụ tử của Thiên Chúa. Rõ ràng đây là kết quả của một lịch sử dài, Thánh Vịnh 68 ca ngợi Thiên Chúa trên trời dưới danh hiệu là Cha của những kẻ cô thế cô thân.
“Còn những người công chính
múa nhảy mừng vui trước mặt Chúa Trời,
niềm hoan lạc trào dâng.
Hãy hát mừng Thiên Chúa, đàn ca kính danh Người,
hãy dọn đường cho Đấng ngự giá đằng vân.
Danh Người là ĐỨC CHÚA;
trước Thánh Nhan, hãy vui mừng hớn hở.
Cha nuôi dưỡng cô nhi, Đấng đỡ bênh quả phụ,
chính là Thiên Chúa ngự trong thánh điện Người
Kẻ cô thân, Thiên Chúa cho nhà cửa,
hạng tù đày, Người trả lại tự do hạnh phúc,
còn quân phản nghịch phải ở nơi khô cằn (Tv 68,4-7).
Vị Thiên Chúa mà sức mạnh của Người được diễn tả qua hình ảnh nổi bật “người cưỡi trên các tầng mây.” Người dùng sức mạnh của mình để giúp đỡ người yếu đuối, người bị bỏ rơi, và người bị giam giữ. Thiên Chúa hoạt động như là Cha đối với tất cả những người này.
Trong một lời cầu nguyện trọng thể cho sự giải phóng, Thánh Vịnh 89 gọi Thiên Chúa như là Cha, dẫu rằng lời này được Thiên Chúa đặt trên môi miệng của vua. Thiên Chúa nói về vị vua trung tín của Người là Đavít:
“Thế lực Người, ta cho trải dài đến Đại Dương,
chủ quyền Người, cho mở rộng đến miền Sông Cả.
Người sẽ thưa với Ta: "Ngài chính là Thân Phụ,
là Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con được cứu độ!"
Phần Ta, Ta sẽ đặt Người làm trưởng tử,
cao cả hơn vua chúa trần gian.
Ta sẽ yêu thương Người đến muôn thuở
và thành tín giữ giao ước với Người (Tv 89,26-29).
Vua Đavít sẽ gọi Thiên Chúa là Cha, vị Thiên Chúa luôn trung tín đối với tình yêu đã được ký kết. Sự trung tín sắt son này cho phép gọi Thiên Chúa là “núi đá của ơn cứu độ.” Với ngôn ngữ làm nhớ lại 2 Sm 7,14-15, Thánh Vịnh cũng cảnh báo rằng khi vi phạm luật Thiên Chúa sẽ mang án phạt và tình yêu bền vững của Thiên Chúa sẽ không bao giờ bị rút lại (Tv 89,30-33).
Trở lại với văn chương ngôn sứ, chúng ta có thể bắt đầu với Giêrêmia và các sấm ngôn từ hậu thế kỷ VII, khi Giuđa bị đe dạo bởi cả những thế lực bên ngoài lẫn sự bội tín bên trong. Trong đoạn đầu, YHWH được trình bày vừa là Cha và vừa như là Chàng Rể (hoặc là bạn). Đoạn thứ hai lại được trình bày Thiên Chúa như là Cha đối với con cái mình. Trong cả hai đoạn, con người được mạnh mẽ khích lệ gọi Thiên Chúa là Cha mình. Trong đoạn thứ nhất, YHWH kêu gọi con người hoán cải vì sự bội tín của họ: “Ta đã nói: Có cách nào để Ta đặt ngươi trong hàng con cái? Ta sẽ ban cho ngươi một miền đất hoan lạc làm phần gia nghiệp cao quý nhất giữa chư dân. Ta đã nói: ngươi sẽ gọi Ta: “Cha ơi!” Và ngươi sẽ không lìa xa Ta nữa” (Gr 3,19).
Một sự tương phản rất rõ nét đến từ hai đoạn này. Thiên Chúa theo con người bằng tình yêu và sự trung của người cha, nhưng họ đã sống bất trung và nuông chiều theo những thái độ thờ ngẫu tượng, đến nỗi họ nói với một khúc gỗ rằng: “Ngài là cha của con” (Gr 2,27).
Thiên Chúa không chấp nhận sự thù hận chống lại con người nhưng chờ đợi một tình yêu cao thượng để họ không chỉ biết gọi Người là Cha mình mà còn biết hành động một cách phù hợp với danh xưng đó. Đoạn thứ nhất xem ra hòa hợp hình ảnh cha và bạn với nhau bởi vì tình yêu phụ tử và mẫu tử diễn tả sự chung phần giao ước mà Thiên Chúa giữ đối với dân Người. Hình ảnh sau này, Thiên Chúa như là Hôn Phu đối với dân Chúa tái xuất hiện trong văn chương ngôn sứ (x. Is 54,4-8; Gr 2,2; Ed 16,1-63; Hs 2,7,19) và có lẽ nó đã giúp gìn giữ lời của YHWH như là Cha đối với một người bé mọn nhất. Cựu Ước đặc biệt áp dụng cho Thiên Chúa hình ảnh người Cha (và không bao giờ dùng hình ảnh người Mẹ). Bởi vì, việc sử dụng như thế này có thể gợi lên những hành động “tự nhiên” và sinh sản như được gán cho thần Baal, Asherah và những thần nam và thần nữ khác ở Cận Đông. Vượt lên trên dạng thức là cha mẹ về phương diện sinh học và thể lý, YHWH không có sự kết giao. Tính phụ tử của Thiên Chúa (và tình trạng tương ứng của Israen như là con trai và con gái của Thiên Chúa) được hiểu, như chúng ta đã thấy, như là kết quả từ sự chọn lựa tự do và nhờ hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ.
Bất chấp việc nghiêm cấm gọi Thiên Chúa là Cha, tên gọi này được lặp lại nhiều lần hơn trong Giêrêmia và những sách tiên tri. Sức mạnh phụ tử của Thiên Chúa sẽ mang những người lưu đày bị tản mác khắp nơi về nhà:
“Chúng trở về, nước mắt tuôn rơi,
Ta sẽ an ủi và dẫn đưa chúng,
dẫn đưa tới dòng nước, qua con đường thẳng băng,
trên đó chúng không còn vấp ngã.
Vì đối với Israel, Ta là một người Cha,
còn đối với Ta, Épraim chính là con trưởng” (Gr 31,9).
Khi hành xử như một người cha yêu thương, YHWH sẽ tập hợp và hướng dẫn dân Chúa trên một cuộc xuất hành mới được miêu tả với hình ảnh “suối nước” và “một lối đi thẳng tắp,” được trình thuật trong trích đoạn nổi tiếng của Isaia (x. Is 40,3-4; 42,16; 43,19-20).
Chương cuối cùng của Isaia mang lại hai dẫn chứng rõ ràng hơn cho đề tài của chúng ta. Ít ra một số những người lưu đầy trở về từ Babylon về Giêrusalem, khi tiên tri trình bày những lời than vản của cộng đoàn trong một trích đoạn rất hiếm hoi. Trong đó, Thiên Chúa được gọi như là Cha và quả thật, Người được gọi là Cha chúng tôi:
“Quả chính Ngài là Cha chúng con!
Chúng con không được ông Ápraham biết đến,
không được ông Israen nhìn nhận,
còn Ngài, lạy ĐỨC CHÚA, Ngài mới là Cha,
là Đấng cứu chuộc chúng con:
đó là danh Ngài từ muôn thuở” (Is 63,16).
Các tổ phụ, Ápraham và Israen (Giacóp) đã chết và không được sống lại. Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ của dân khỏi sự tàn lụy, là Đấng bất tử và như “Cha chúng con” làm sống lại niềm hy vọng về ơn cứu độ. Trong một lời nguyện xin Thiên Chúa mạc khải mình và hành động trở lại với sức mạnh, tiên tri tuyên cáo không chỉ những tội lỗi và sự cô thế cô thân của dân mà còn cả niềm tin của họ vào Cha, Đấng tác thành nên họ:
“Không có ai cầu khẩn danh Chúa, cũng chẳng ai tỉnh dậy mà níu lấy Ngài, vì Ngài đã nghoảnh mặt không nhìn đến, và để cho tội ác chúng con phạm mặc sức hành hạnh chúng con. Thế nhưng, lạy Đức Chúa, Ngài là Cha chúng con; chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài, chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con” (Is 64,6-7).
Sách tiên tri Isaia bắt đầu bằng việc gọi Thiên Chúa là “Chúa chúng con” (Is 1,10); và kết thúc bằng việc thưa với YHWH như là “Cha chúng con,” Thiên Chúa của dân Người sẽ chăm sóc họ trong lúc họ buồn phiền và kiên nhẫn nhào nặn họ như một người thợ gốm nhào nặn đất sét.
Một sấm ngôn Thiên Chúa từ Malakhi sử dụng hình ảnh người cha để minh chứng sự bất trung của dân Người: “Con phải kính trọng cha; tôi tớ kính trọng chủ. Vậy nếu Ta là cha, thì đâu là lòng kính trọng Ta? Và nếu Ta là chủ, thì đâu là niềm kính sợ Ta? ĐỨC CHÚA các đạo binh phán với các ngươi là những tư tế khinh thường danh Ta. - Nhưng các ngươi nói: Chúng con khinh thường danh Ngài ở chỗ nào?” (Mk 1,6). Cha được đồng hóa với chủ để gợi lên quyền của vị Chủ Thần Linh mà Israen phải phục vụ Người. Nhưng trong bối cảnh này, bản văn muốn nhấn mạnh về Thiên Chúa như là người Cha yêu thương, đã đón nhận dân vào trong tương quan giao ước mà họ đã phản bội với giao ước: “Ta đã yêu thương các người, Đức Chúa phán” (Mk 1,2). Hình ảnh của Malakhi gợi lại điều mà một Thánh Vịnh nói về sự tùng phục khiêm nhường của dân như là những tôi tớ nam nữ của Thiên Chúa, với hình ảnh Thiên Chúa như là ông chủ và bà chủ:
“Quả thực như mắt của gia nhân hướng nhìn tay ông chủ, như mắt của nữ tỳ hướng nhìn tay bà chủ, mắt chúng ta cũng hướng nhìn lên CHÚA là Thiên Chúa chúng ta, tới khi Người xót thương chút phận” (Tv 123,2).
Một trích đoạn khác trong Malakhi trực tiếp chống lại hôn nhân với người ngoại bang, một việc thực hành đã gây tổn thương cho sự hiệp nhất tôn giáo của dân: “Tất cả chúng ta chẳng có cùng một cha sao? Chẳng phải cùng một Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta sao? Thế mà sao chúng ta lại phản bội nhau mà vi phạm giao ước của cha ông chúng ta?” (Mk 2,10).
Lề luật ngăn cấm hôn nhân dị chủng với những người ngoại bang (Đnl 7,1-4); x. Xh 34,10-17). Những sự vi phạm giao ước cũ như thế giống như là sự ly dị với những người vợ Do Thái trung thành và chống lại những cuộc hôn nhân mới với những người phụ nữ ngoại bang thì không thể so sánh với lòng trung thành hướng tới một gia đình rộng lớn của đức tin; tất cả những người Israen là con cái của một Cha là Thiên Chúa, như Malakhi 1,6 đã nói (x. Ga 8,41-42). Hôn nhân dị chủng không chỉ có nghĩa là bất trung mà còn có nguy cơ đe dọa sự hiệp nhất của dân tộc. Tuy nhiên, ở đây nó phải được lưu ý rằng “một Cha” có thể quy chiếu về Ápraham, trên phạm vị nhân loại, người đã mang lại cho dân tộc sự hiệp nhất (x. Mt 3,9; Lc 3,8; Ga 8,33,37,39). Có thể “giao ước của các tổ phụ” gợi lại giao ước được ký kết với Ápraham, hoặc nó có thể cho thấy trong một cách tổng quát một luật buộc được kế thừa từ quá khứ mà không có ý ám chỉ đến bất kỳ giao ước nào cụ thể cả (x. Am 1,9).
2) Cha trong các sách Đệ Nhị Quy Điển[4]
Quay sang với những sách Đệ Nhị Quy Điển (gồm những cuốn Tôbia, Giuđitha, 1 và 2 Macabê, Khôn Ngoan, Huấn Ca, Barúc, và các phụ lục của sách Étte và Đanien. Đây là các gọi của Quy Điển Công Giáo, còn Quy Điển Tin Lành gọi 7 cuốn sách này là “ngụy thư.” Những cuốn sách được viết bằng tiếng Hy Lạp), chúng ta bắt đầu với thánh thi ngợi ca đến từ phần cuối của sách Tôbia:
“Tại đó, Người đã cho anh em thấy:
Người là Đấng cao cả muôn trùng.
Trước toàn thể sinh linh, nào hãy suy tôn Chúa!
Bởi Người là Chúa Tể, là Thiên Chúa ta thờ,
là Thân Phụ của ta, là Thiên Chúa đến muôn thuở muôn đời” (Tb 7,4).
Cũng như những trích đoạn khác chúng ta sẽ nghiên cứu, lời cầu nguyện ngợi ca làm sáng tỏ thái độ cá vị đối với Thiên Chúa, nó làm nhớ lại trích đoạn Isaia 64,8 và báo trước tương quan của Tân Ước khi Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa như là “Cha chúng con.” Sách Tôbia là một phần của sự hư cấu để khuyến thiện và thu hút người khác nhờ những nhân vật chính của cuốn sách (Tôbít, con trai Tôbia và Sara, con dâu sắp cưới) là những mẫu gương sống động về đức tin trung kiên khi bị thử thách bởi những thách đố của đức tin và cả những thử thách đau khổ. Thánh thi ca ngợi Thiên Chúa như là Cha chúng ta và như là Chúa chúng ta đến muôn đời có thể được thêm vào sau này. Ở trong tất cả các sự kiện, cuốn sách và thánh thi kết thúc bằng việc trình bày Thiên Chúa là Đấng tự do, công bình và trung thành trong đời sống của các nhân vật chính này. Thiên Chúa cho thấy sự quan tâm yêu thương và đầy tình cha đối với Tobít, gia đình ông, và tất cả những ai chịu đau khổ trong thời lưu đày (Tb 13,3-5).
Sách Huấn Ca cẩn thận ngỏ với Thiên Chúa như là “Chúa, Cha, và Người Cai Trị cuộc đời con” (Hc 23,1) và sự thay đổi tinh tế là “Chúa, Cha, và Chúa của đời con” (Hc 23,4). Những lời này xuất hiện trong một lời cầu nguyện xin ơn khôn ngoan và ơn làm chủ đời mình. Ơn khôn ngoan đích thực có thể được sống bởi những ai kiên trì cầu xin Thiên Chúa ban sự trợ giúp khi Người cứu những người sa ngã trong tội lỗi. Trong cuốn sách này, lời cầu nguyện nơi một Thánh Thi tạ ơn gợi lại lời cầu xin với “Thân Phụ” của Thánh Vịnh 89,27. Lời cầu này diễn tả Thiên Chúa như người cha luôn trợ giúp người con gặp cảnh khốn cùng: “Tôi kêu cầu Đức Chúa là Cha của Chúa tôi: Xin đừng bỏ rơi con trong những ngày khốn quẫn, khi bè lũ kiêu căng hoành hành mà chẳng có người nào trợ giúp” (Hc 51,10). Quyền năng của Thiên Chúa bảo đảm ơn cứu độ cho những ai trong cảnh đau buồn biết cầu khẩn lên Người.
Khi tố giác những ai tin tưởng các thần để đưa họ và những đàn cừu vượt qua biển an toàn, sách Khôn Ngoan hướng lên Thiên Chúa và tuyên xưng: “Thế nhưng lạy Cha, chính Cha mới quan phòng hướng dẫn vì Cha đã vạch đường giữa biển, rẽ lối an toàn trên sóng nước” (Kn 14,3). Sự quan phòng của Thiên Chúa như người Cha điều khiển cách mạnh mẽ các đàn cừu, biển cả và mọi thụ tạo. Trước đó, trình thuật của sách Khôn Ngoan nói về con đường sai trái mà những người vô đạo thích thú và đi theo, bao gồm cả những dự định của họ làm đau khổ và giết chết những người công chính, người bị họ coi là “hênh hoang vì có Thiên Chúa là cha” (Kn 2,16).
3) Những lối so sánh và những hệ luận
Để hoàn tất việc khảo cứu về danh xưng Cha dành cho Thiên Chúa trong Cựu Ước, chúng ta cần nhớ lại lối sử dụng so sánh, một số hệ luận và một số dữ kiện từ văn chương liên giao ước (intertestamental literature).[5] Trước hết, một số những trích đoạn so sánh hoạt động của Thiên Chúa đối với dân Người với hoạt động của một người cha lý tưởng. Trong cảnh điêu tàn, Thiên chúa đã tài tình “dẫn đưa” dân đến nơi của họ “như một người cha dẫn đưa con mình” (Đnl 1,31); trong sa mạc, Người cũng “giáo dục” họ như “một người cha giáo dục con mình” (Đnl 8,5; x. Kn 11,9-10). Hình ảnh về sự giáo dục không phải được hiểu Thiên Chúa như một người cha lạnh lùng, độc tài, lại càng không phải là một người cha tàn bạo và thích luận phạt. Nó được giải thích bởi tình yêu mà từ đó thúc đẩy Thiên Chúa quan tâm đến việc huấn luyện người con yêu dấu của mình. Để khích lệ một sự tin tưởng khôn ngoan và thành tâm vào Thiên Chúa, Đấng giáo dục con cái Người, sách Châm Ngôn cho rằng: “Vì ĐỨC CHÚA khiển trách kẻ Người thương, như người cha xử với con yêu quý” (Cn 3,12).
Những ai kính sợ và phục vụ Thiên Chúa có thể gặp cảnh rủi ro, nhưng sách Châm Ngôn khích lệ họ hãy nhìn những gian truân như thế trong tương quan thân mật gần gũi với Thiên Chúa và như là những thử thách của ân huệ Thiên Chúa. Một trong các Thánh Vịnh dẫn nhập điều căn bản là chính sự so sánh để ca ngợi sự giúp đỡ đầy yêu thương của Thiên Chúa đối với từng người và với dân được tuyển chọn cũng như toàn thể mọi người: “Như người cha chạnh lòng thương con cái, CHÚA cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn” (Tv 103,13).
Cuối cùng, khi nói về những người thờ phượng đích thực là những ai sẽ được dành riêng trong ngày chung thẩm, Thiên Chúa được so sánh như một người cha: “Vào ngày Ta hành động, chúng sẽ thuộc về Ta như sở hữu riêng, - ĐỨC CHÚA các đạo binh phán, Ta sẽ xót thương chúng như người cha xót thương đứa con phụng dưỡng mình” (Ml 3,17).
Như chúng ta đã lưu ý ở trên về sự kiện là Cựu Ước hiếm khi áp dụng cho Thiên Chúa sự so sánh của người Cha; đoạn cuối cho thấy rằng những lối so sánh như người cha dành cho Thiên Chúa cũng khá hiếm. Trong một cách thế nào đó không tương xứng, Cựu Ước đã sử dụng cách quảng đại hơn hệ luận của tình cha khi nói về những người con của Thiên Chúa (x. Đnl 14,1) hoặc con cái (x. Is 45,11). Ítraen đã trở thành “con đầu lòng” của Thiên Chúa (x. Ex 4,22), “con cái” hoặc “con” (x. Hs 11,1; Kn 18,13). Mặc đầu ý nghĩa về phận làm con tập thể đã chiếm ưu thế trong Do Thái Giáo tiền Kitô Giáo, những con người trung thành và công chính thì cũng thỉnh thoảng được tách ra. Vua, người đứng giữa Thiên Chúa và dân, sẽ được tôn làm vua như là công cụ của ý muốn Vua thần linh, và sẽ được gọi là “con” Thiên Chúa (x. Tv 2,7). Trong truyền thống khôn ngoan, một người công chính có thể được gọi là “con cái” Thiên Chúa hoặc “con” Thiên Chúa (Kn 2,13,18; 5,5). Người đàn ông chăm sóc những người góa bụa và những trẻ mồ côi “sẽ giống như một người con của Đấng Tối Cao” (Hc 4,10), nhưng trước tiên nó được hiểu cho dân như một tập thể, nhờ sự tuyển chọn và hành động giải phóng của Thiên Chúa, họ được gia nhập vào tình trạng làm con cái Thiên Chúa (x. Gr 3,22), “những người con trai và con gái” (x. Đnl 32,19; Is 30,1), hoặc “con cái” (Is 1,2, x. Gr 31,20). Ngôn ngữ này diễn tả sự gần gũi thân mật về tương quan của Ítraen với Thiên Chúa, và không có nơi nào rõ hơn trong Hôsê 11,1-4.
Trong khi ở nơi khác tiên tri sử dụng lối so sánh Thiên Chúa như Hiền Thê đối với dân, ở đây ông trình bày lối so sánh dịu dàng và gây xúc động về cha mẹ yêu thương cưu mang con cái của họ. Thiên Chúa đã không ngừng kêu gọi dân riêng từ bỏ việc tôn thờ ngẫu tượng vì nó làm cho họ trở thành những người con hỗn xược và vô ơn, nhưng Thiên Chúa càng kêu gọi, họ càng bỏ đi (Hs 11,1-2). Sấm ngôn của Thiên Chúa mô tả những hoạt động của Thiên Chúa rất từ tâm và nhân hậu như sau: “Ta đã tập đi cho Épraim, đã đỡ cánh tay nó, nhưng chúng không hiểu là Ta chữa lành chúng. Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng.
Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn” (Hs 11,3-4).
Không có đoạn nào trong Cựu Ước ngoài đoạn này để diễn tả sự chăm sóc đầy dịu hiền và yêu thương của Thiên Chúa đối với những đứa con bất trị của Người. Trong đó, lề luật cho phép cha mẹ bán một người con bất trị cho những bậc kỳ lão và sau đó ném đá cho đến chết (Đnl 21,18-21), tình yêu như người cha của Thiên Chúa sẽ không giao nộp dân cho những chọn lựa tội lỗi của họ. Thiên Chúa là người yêu thương nhất hơn cả cha mẹ, cả khi đối diện với những người con luôn bất hiếu và vô trách nhiệm.
Văn chương liên Giao Ước (intertestamental literature) chứa đựng một ít kiểu nói như người cha và người mẹ dành cho Thiên Chúa. Không gì trỗi vượt hơn sự dịu dàng của một trích đoạn từ thánh thi Tạ Ơn của Qumran, nó áp dụng cho Thiên Chúa một so sánh (“Ngài là một người cha”) và hai so sánh (“như người phụ nữ” và như người “cha nuôi”): “Vì Ngài là một người cha cho tất cả (con cái) của sự thật Ngài, và như một người phụ nữ yêu thương cách dịu dàng con thơ mình, như thế Ngài vui trong họ; và như một người cha nuôi cưu mang đứa con trên cánh tay mình, Ngài chăm sóc mọi thụ tạo của Ngài.”[6] Tuy nhiên, một trích đoạn cho biết rằng trong một ít nơi mà những cuộn da Biển Chết giới thiệu chủ đề về tình cha của Thiên Chúa và tình trạng làm con của con người (4Q373.1.16), tương quan vẫn còn chưa được nối kết với ‘Thần Khí của Thiên Chúa.” Như chúng ta sẻ thấy sau này, Chúa Giêsu và Thánh Thần của Người sẽ đi vào bức tranh khi Phaolô quy chiếu về việc chúng ta được nhận làm nghĩa tử Thiên Chúa (x. Rm 8,14-17; Gl 4,4-6).
Để kết thúc, việc gọi Thiên Chúa là Cha diễn tả sự can dự sâu xa của Người vào trong lịch sử của Israel, những người lãnh đạo, vua chúa, và những người công chính của họ. Tên gọi này không muốn nói đến việc Thiên Chúa sinh họ về mặt thể lý; vua Ítraen không hiểu là được thần hóa, cũng như theo nghĩa được sinh ra từ thần linh. Việc sử dụng lối ẩn dụ Cha muốn nhấn mạnh việc Thiên Chúa chọn lựa dân riêng cách tự do và đầy tính sáng tạo. Danh xưng này chứa đựng sự cam kết yêu thương và tình yêu say mê của Thiên Chúa trong việc bảo vệ, yêu thương và nuôi nấng một dân, nhưng họ bất trung nên Thiên Chúa cần giáo dục họ. Nhưng ngoài những sai lầm tội lỗi, bất trung với giao ước với Thiên Chúa, họ vẫn luôn có thể gọi Thiên Chúa là Cha của mình. Khi tìm thấy sự đa dạng của những bản văn lịch sử, ngôn sứ và khôn ngoan, tên gọi thần linh này không thể được gọi thường xuyên trong Cựu Ước, nhưng nó sẽ trở thành tên gọi rất được ưu thích trong Tân Ước, như chúng ta sẽ thấy sau này.
II. MẠC KHẢI VỀ KHÔN NGOAN, LỜI VÀ THẦN KHÍ
Trong lịch sử của Ítraen và trong các sách Kinh Thánh, Cựu Ước quan niệm Khôn Ngoan, Lời và Thần Khí được dùng như là những tác nhân được nhân cách hóa để diễn tả hoạt động của Thiên Chúa. Vì là những lối nhân cách hóa nên chúng không được nhìn nhận một cách chính thức như là những ngôi vị, dầu chúng mang những đặc tính ngôi vị, hay như những chủ vị. Bởi niềm tin của Cựu Ước là niềm tin độc thần.
Chúng ta hãy tìm hiểu về những diễn tả nhân cách hóa này qua các hình ảnh trong Cựu Ước. Chúng sẽ là những ngôn ngữ được dùng trong Tân Ước để diễn tả kinh nghiệm về Thiên Chúa Ba Ngôi. Trước hết, chúng ta tìm hiểu về Khôn Ngoan.
1. Khôn Ngoan - Sophia
Hokmah – Khôn Ngoan (như một danh từ, một tính từ, hoặc một động từ) xuất hiện 318 lần trong Cựu Ước, và gần 75 % lần xuất hiện diễn ra trong sách Gióp, sách Châm Ngôn, sách Giảng Viên, sách Huấn Ca và sách Khôn Ngoan.
Những lời khuyên Khôn Ngoan cũng được tìm thấy ở một số nơi khác: ví dụ, Tobia 4,3-21; 12,6-13; và Baruc 3,9-4; 4. Khôn Ngoan được nhân cách hóa hoặc Sophia có mối liên hệ mật thiết với công trình sáng tạo, quan phòng và cứu độ của Thiên Chúa. Khôn Ngoan phát triển trong phẩm giá và sức mạnh song song với tư tưởng minh triết của Cựu Ước. Ở trong niềm tin độc thần, Khôn Ngoan có những chức năng và phẩm tính của YHWH, và trong một tôn giáo rất nặng tính gia trưởng, Khôn Ngoan nỗi bật những đặc tính hay cách thế thuộc nữ tính. Chúng ta hãy tìm hiểu sự phát triển theo thời gian của nó, bao nhiêu có thể, từ sách Gióp đến sách Khôn Ngoan.
Có lẽ được biên soạn vào thế kỷ thứ VII TCN và sau đó người ta thêm vào một số dữ kiện, sách Gióp bất ngờ trình bày Khôn Ngoan ngay ở phần cuối của một cuộc đối thoại dài giữa Gióp và ba người bạn của ông trong một bài thơ mà các nhà chú giải gọi bằng những từ khác nhau: màn xen vào, một cầu nối, hoặc là một sự lồng vào. Bài thơ nhấn mạnh tính bất khả thấu huyền nhiệm của Khôn Ngoan Thiên Chúa, mà nó hoàn toàn vượt trên sự tìm kiếm của con người (G 28,12-14, 20-21), rất quý giá (G 28,15-19), và chỉ có Thiên Chúa mới thông hiểu và thấu suốt (G 28,23-27).
Tại giai đoạn đầu suy tư này, Gióp 28 ca tụng và không có nhân cách hóa một cách chính thức Khôn Ngoan. Ở đây, sự Khôn Ngoan xuất hiện vì có liên hệ với các công trình tạo thành, và đã phân biệt với bất kỳ công trình tạo thành đặc thù nào. Thiên Chúa, Đấng điều khiển gió, biển cả, mưa, và sấm chớp, chỉ mình Người có thể thấy và biết được con đường tới Khôn Ngoan. Mặc dầu nhiều tính chất đến sau của Khôn Ngoan không được thể hiện trong bài thơ này từ sách Gióp, một nét đặc trưng thường hằng nổi lên: tính bất khả thẩm thấu của nó. Khôn Ngoan sẽ luôn luôn được nhìn nhưng là quà tặng thần linh hơn là những thành tựu của con người. Các sách Châm Ngôn, Huấn Ca và Khôn Ngoan có lẽ trình bày tính năng động của Khôn Ngoan, Đấng mời gọi mọi người tới dự lễ của mình, Đấng ngự ở Giêrusalem, và ân cần xuất hiện với những ai yêu mến Đức Khôn Ngoan.
Tuy nhiên, sự khởi đầu vẫn là của Đức Khôn Ngoan. Tính bất khả thấu huyền nhiệm này sẽ được suy tư trong lời giáo huấn của thánh Phaolô về Đức Giêsu chịu đóng đinh. Chỉ có những ai để cho Thiên Chúa làm như vậy mới có thể nhận ra Người là sức mạnh và là sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Điều mà họ tuyên xưng xuất hiện một cách điên rồ đối với tất cả những ai chạy theo sự khôn ngoan của thế gian và đã không đón nhận ân sủng để biện phân Khôn Ngoan thần linh trong con người, mà đối với họ đời sống kết thúc trên cây thập giá (1Cr 1,18-2,8).
Khi đã xem lại một số hoặc cả những bản văn rất lâu đời, sách Châm Ngôn hình như biên soạn từ sau thế kỷ VI hoặc trước thế kỷ V TCN. Khôn Ngoan xuất hiện phần lớn ở trong chín chương đầu cuốn sách (1,20-33; 3,13-24; 4,5-9; 8,1-9,6). Giống như một tiên tri, Khôn Ngoan công bố sứ điệp của mình, khi đặt trước các thính giả một chọn lựa: hoặc là điên rồ và chuốc lấy tai họa hoặc kính sợ Thiên Chúa và sống mãi (Cn 3,15. 18). Quý hơn cả đồ trang sức, Khôn Ngoan minh chứng cây sự sống cho những ai biết ôm lấy nó (Cn 3,15.18). Yêu sách của Khôn Ngoan thì rất bi thảm: lắng nghe lời Khôn Ngoan sẽ mang lại ơn cứu độ, trong khi bất tuân phục sẽ chuốc lấy sự hủy diệt. Vai trò của Khôn Ngoan trong tạo thành được loan báo (Cn 3,19), và được phát triển khi diễn tả rất đắc địa về tương quan nguyên thủy với Thiên Chúa và tạo thành (Cn 8,22-31). “Được sinh ra” hoặc “được tạo thành” “xa xưa” như là con đầu lòng của Thiên Chúa (Cn 8,22), Sophia không chỉ hiện hữu với Thiên Chúa trước khi có mọi sự mà còn cộng tác trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa (Cn 8,30-31). Vui thích trong việc cộng tác của Thiên Chúa và cả trong cộng đoàn nhân loại, Sophia được mạc khải ở đây có sự liên hệ sâu xa với Thiên Chúa, với tất cả thụ tạo, và trong một cách thế đặc biệt, với con người. Cuối cùng, Châm Ngôn 9,1-6 miêu tả Khôn Ngoan như là xây dựng căn nhà mình và mời những người đơn sơ đến tham dự tiệc với thức ăn và rượu là biểu tưởng của giáo huấn và nhân đức đến từ Thiên Chúa.[7]
Căn nhà của Bà Chúa Khôn Ngoan và bữa tiệc sẽ cung cấp ngôn ngữ cho Tân Ước và khoa chú giải sau Tân Ước về Chúa Giêsu, Đức Khôn Ngoan Thiên Chúa trong ngôi vị.
Trong những Sách Đệ Nhị Quy Điển cổ nhất và những sách lâu đời nhất của Kinh Thánh, sách Huấn Ca chứa đựng mẫu gương khái quát nhất về văn chương Khôn Ngoan Do Thái mà chúng ta có. Nó được viết bằng tiếng Do Thái vào khoảng năm 180 TCN và hai thế hệ sau được dịch sang tiếng Hy Lạp.[8] Khôn Ngoan xuất hiện ngay ở trang đầu của cuốn sách (Hc 1,1-30), ở giữa cuốn sách (Hc 24,1-34), và ở cuối sách (Hc 51,1-27). Tại tòa án trên trời, Sophia tuyên bố nguồn gốc thần linh của mình:
“Ta phát xuất từ miệng Đấng Tối Cao
và như mây mù, Ta bao phủ cõi đất.
Ta cắm lều trên nơi cao thẳm
và đặt ngai Ta trên cột mây.
Duy có mình Ta đi vòng cả bầu trời
và rảo bước khắp vực sâu thăm thẳm.
Trên sóng biển, trên toàn cõi đất,
trên mọi nước mọi dân, Ta nắm trọn chủ quyền.
Giữa chúng hết thảy, Ta tìm chốn nghỉ ngơi,
xem có gia nghiệp của ai để Ta cư ngụ” (Hc 24,3-7).
Sophia đi ra “từ miệng của Đấng Tối Cao” giống như Lời thần linh, cư ngụ giống Thiên Chúa “trên trời cao,” và được ngự trên ngai như Thiên Chúa “ngự trên một cột mây.” Giống Thiên Chúa, Đức Khôn Ngoan hiện diện khắp mọi nơi (từ “các vòm trời” đến “đáy các vực thẳm” và trên “mỗi người và mỗi dân tộc”). Đức Khôn Ngoan bao phủ “địa cầu giống như sương mai,” đồng thời giống với Thần Khí Thiên Chúa hoặc Hơi Thở bao phủ mặt nước lúc tạo thành (St 1,2).
Đức Khôn Ngoan tìm kiếm một ngôi nhà vĩnh viễn (‘một chốn nghỉ ngơi’). Trong một cuộc đối thoại với Đức Khôn Ngoan (mà không đối chiếu với trường hợp Lời và Thần Khí), Đấng Tạo Thành đã chọn một nơi cho Người ngự:
“Bấy giờ, Đấng tác thành vạn vật truyền lệnh cho Ta,
Đấng tạo thành Ta dựng lều cho Ta ở.
Người phán: "Hãy cắm lều ở Gia-cóp,
hãy hưởng phần sản nghiệp ở Ít-ra-en."
Người đã dựng nên Ta trước muôn đời, từ khởi thuỷ,
và Ta sẽ tồn tại mãi đến muôn đời.
Trong lều thánh, trước nhan Người, Ta thi hành thánh vụ
và như thế, Ta định cư tại Xi-on.
Ta cũng nghỉ ngơi trong thành đô yêu dấu,
tại Giêrusalem, Ta nắm chủ quyền” (Hc 24,8-11).
Khi hiện hữu với Thiên Chúa “ngay từ nguyên thủy” và khi tận hưởng sự tồn tại vĩnh hằng, Sophia đã theo đuổi sự chọn lựa thần linh của Ítraen và lấy Giêrusalem làm nhà mình. Được định cư ở thành thánh, Người gửi lời mời tới dự bàn tiệc cao quý của mình: “Hỡi những kẻ khao khát Ta, nào hãy đến,
hãy ăn cho no thoả hoa trái của Ta.
Vì nhớ đến Ta thì ngọt ngào hơn mật
và được Ta làm gia sản thì ngọt hơn tảng mật ong.
Ai ăn Ta sẽ còn đói, ai uống Ta sẽ còn khát” (Hc 24,19-21).
Ở đây chính Sophia là thức ăn và của uống, nguồn của lương thực và sự sống. Tân Ước sẽ áp dụng ngôn ngữ này cho Chúa Giêsu (Mt 11,28), trong khi Gioan sẽ đi xa hơn sách Huấn Ca khi phác họa chân dung Chúa Giêsu như là sự thỏa mãn vĩnh cửu: “Ai đến với Tôi sẽ không bao giờ đói, và ai tin vào Tôi sẽ không khát bao giờ” (Ga 6,35).
Ở điểm này, Huấn Ca làm mới mẻ hơn khi đồng hóa Sophia với biểu tượng trung tâm này về ý muốn và sự hướng dẫn Thiên Chúa cho con người, đó là Tôra của Israel: “Tất cả những điều ấy đều có trong sách Giao ước của Thiên Chúa Tối Cao, trong Lề Luật ông Mô-sê đã truyền, để các cộng đồng Gia-cóp nhận làm gia nghiệp” (Hc 24,23; x. Br 4,1-4).
Sự đồng hóa này xem ra như là một phúc lành kết hợp: Một đàng, nó mở rộng sự ảnh hưởng của Sophia vào trong địa hạt thánh thiêng nhất của tương quan Ítraen với Thiên Chúa; đàng khác, sự đồng hóa này cũng có thể được nhìn để rút ngắn Sophia bằng cách giới hạn Khôn Ngoan vào “những giới hạn có thể nắm bắt được của một cuốn sách.”[9]
Trong bài thơ cuối cùng (Hc 51,1-27), tác giả Huấn Ca (Ben Sirach) nói như một người đầy kinh nghiệm, đồng thời cũng đồng hóa mình với Đức Khôn Ngoan được quý chuộng, Đấng đã mang lại cho ông sự thỏa mãn thẳm sâu và sự an nhiên tự tại:
“Hỡi những người không được giáo huấn, hãy đến gần tôi và thụ huấn với tôi. Sao các bạn nói mình còn thiếu những điều ấy, và tâm hồn các bạn còn khao khát nhiều như vậy?
Tôi đã mở miệng và lên tiếng: Hãy thu nhận những điều ấy, không phải trả đồng nào. Hãy tra cổ vào ách, và đón nhận giáo huấn vào tâm hồn; giáo huấn này, các bạn có thể tìm thấy ngay ở bên cạnh mình. Hãy đưa mắt mình; tôi đâu có vất vả bao nhiêu, và chính tôi đã được nghỉ ngơi an nhàn” (Hc 51,23-27).
Lời mời gọi này cho những người “không được giáo dục” và khát khao lẽ phải sẽ được vang vọng trong sự hiến mình của Chúa Giêsu cho những người nghèo hèn và đau khổ (Mt 11,28-30. Như là Đức Khôn Ngoan trong ngôi vị, Chúa Giêsu mời gọi những người nghe mình hãy mang lấy ách của Lời Chúa vào cổ họ hơn là để đó hoặc là bỏ mặc chúng dưới ách của lề luật.
Trước khi rời khỏi sách Huấn Ca, chúng ta có thể nhận định rằng cuốn sách này đã tiên báo về hai khía cạnh sứ vụ “cứu độ” của Chúa Con như là sự Khôn Ngoan Thần Linh. Một đàng, khi Đức Khôn Ngoan hiện diện cho “mỗi người và mỗi dân tộc” (Hc 24,6), nhờ sự chọn lựa của Thiên Chúa, Đức Khôn Ngoan cư ngụ trong Ítraen và tìm thấy nhà mình ở Giêrusalem (Hc 24,8-11). Một sự hiện diện phổ quát không ngăn cản việc Thiên Chúa chọn lựa một nơi đặc biệt để cho Khôn Ngoan cư ngụ. Mặt khác, sự chọn lựa đặc biệt như thế không có nghĩa là Khôn Ngoan không có mặt ở những nơi khác trên thế giới và nó không có giá trị cho toàn thể nhân loại.
Có lẽ được viết cách vắn gọn trước khi Chúa Giêsu sinh ra và trong bất cứ trường hợp nào, cuốn sách cuối cùng của Cựu Ước, sách về Khôn Ngoan mang lại nhiều ích lợi cho chủ đề của chúng ta từ nữa phần đầu (Kn 1,1-11,1), mà nó được chia ra hai phần. Phần thứ nhất (Kn 1,1-6-20) nói về sự trừng phạt vì điều lành và điều dữ và nói về sự bất tử mà Sophia có thể mang lại. Phần thứ hai mô tả Sophia và công việc của nó trong thế giới, đồng thời giải thích làm sao để tìm thấy Đức Khôn Ngoan (Kn 6,21-11,1). Mặc dầu được đồng hóa một cách mật thiết và đặc biệt với Thiên Chúa, Đức Khôn Ngoan làm cho mình được đón nhận: “Ai từ sáng sớm đã tìm Đức Khôn Ngoan, thì không phải nhọc nhằn vất vả. Họ sẽ thấy Đức Khôn Ngoan ngồi ngay trước cửa nhà” (Kn 6,16).
Phần thứ hai đáng chúng ta chú ý. Nó mô tả Khôn Ngoan và vua Salomon gắn bó với nó như thế nào: Nổi tiếng là một người khôn ngoan cách tuyệt vời, vua tìm kiếm sự Khôn Ngoan và được chúc phúc nhờ Khôn Ngoan. Như là một người thợ thần linh làm việc trong mọi thụ tạo (Kn 8,6), Đức Khôn Ngoan dạy vua (Kn 7,22). Có 21 phẩm tính của Khôn Ngoan (x. đây là con số hoàn hảo từ số 7 x 3 = 21) diễn tả Sophia có thể dạy tất cả mọi thứ:
“Quả vậy, nơi Đức Khôn Ngoan,
có một thần khí tinh tường và thánh thiện,
duy nhất và đa năng, tinh tế và mau lẹ,
minh mẫn và tinh tuyền, trong sáng và thản nhiên,
lanh lợi và chuộng điều lành,
bất khuất, từ bi và nhân ái,
cương quyết, vững vàng và điềm tĩnh,
làm được mọi sự và quan tâm đến mọi điều,
thấu suốt mọi tâm can,
kể cả tâm can của những người trong sạch,
thông minh, tinh tế nhất.
Vì chuyển động của Đức Khôn Ngoan thì mau lẹ hơn tất cả các chuyển động.
Do tính thuần khiết, Đức Khôn Ngoan thâm nhập
và xuyên thấu mọi vật mọi loài” (Kn 7,22-24).
Ở đây Sophia được đồng hóa với Thần Khí, một Thần Khí “thấm nhập vào mọi sự” và như thế tự tại ở khắp mọi nơi. Sự tự tại này được làm cho cân bằng nhờ tính siêu việt bởi vì Sophia được được phác họa như là “thánh thiện, duy nhất, quyền năng và thấu suốt mọi sự.”
Trong một đoạn cổ điển, sách Khôn Ngoan trình bày tương quan của Sophia với Thiên Chúa:
“Đức Khôn Ngoan toả ra từ quyền năng Thiên Chúa
và rực lên trong ngần từ vinh hiển Đấng Toàn Năng,
nên không thể vương một tì ố.
Đức Khôn Ngoan phản chiếu ánh sáng vĩnh cửu,
là tấm gương trong phản ánh hoạt động của Thiên Chúa,
là hình ảnh lòng nhân hậu của Người.
Dầu chỉ một mình,
Đức Khôn Ngoan vẫn có thể làm được mọi sự ;
luôn luôn bất biến,
Đức Khôn Ngoan đổi mới được muôn loài.
Từ thế hệ này qua thế hệ khác,
Đức Khôn Ngoan ngự vào những tâm hồn thánh thiện,
biến họ nên bạn hữu của Thiên Chúa,
nên ngôn sứ của Người.
Thiên Chúa chỉ yêu chuộng
những người chung sống với Đức Khôn Ngoan.
Đức Khôn Ngoan rực rỡ hơn mặt trời, trổi vượt muôn tinh tú.
So với Đức Khôn Ngoan, ánh sáng còn kém xa.
Bởi trước màn đêm, ánh sáng đành phải lui bước.
Còn Đức Khôn Ngoan, chẳng gian tà nào thắng nổi.
Từ chân trời này,
Đức Khôn Ngoan vươn mạnh tới chân trời kia,
cai quản mọi loài thật tốt đẹp.
Đức Khôn Ngoan, hiền thê lý tưởng” (Kn 7,21-8,1).
Chính xác từ sách Gióp, Sophia đã có liên hệ một cách sâu xa với Thiên Chúa. Bây giờ sự liên hệ của nó được diễn tả trong một cách thế mà nó vượt trên cả việc “sinh ra” (Cn 8,22) hoặc “đi ra từ miệng của Thiên Chúa” (Hc 24,3).
Như R. E. Murphy nói rằng trong một hình thức của việc tuôn đổ, chiếu tỏa hoặc sự phát ra từ thần tính, Đức Khôn Ngoan nổi lên như một “sự phản chiếu” hoặc như “bức ảnh trong gương” về Thiên Chúa.[10] Ngôn ngữ đặc biệt cũng được dùng để nói về công việc của Khôn Ngoan trong tạo dựng, quan phòng thế giới. Sau khi gọi Sophia là “mẹ và là người trình bày” của mọi sự (Kn 7,22), tác giả sách Khôn Ngoan bây giờ ca ngợi vai trò của nó trong việc làm mới lại và làm cho mọi thứ trật tự (Kn 7,27; 8,1) – điều này để nói rằng Khôn Ngoan có vai trò định hình và hướng dẫn công trình tạo thành. Tóm lại, Khôn Ngoan không chỉ “sống với Thiên Chúa” nhưng còn liên lỉ cộng tác với mọi công trình của Thiên Chúa (Kn 8,4).
Chủ đề về hiệp nhất giữa Sophia và Thiên Chúa mang lại một ý nghĩa cao điểm trong chương 10 khi trình bày những vai trò cứu độ của nó. Sau khi chương 9 đã nói rằng con người được “cứu độ” nhờ Sophia (Kn 9,18, tác giả Kinh Thánh tái giải thích lịch sử Ítraen bằng việc gán cho Sophia những hành động cứu độ mà thông thường là gán cho YHWH. Đó là Sophia đã hành động để che chở Adam, Nôê, Ápraham, Lót, Giacóp và Giuse. Đó là Sophia mà qua Môisê đã giải phóng dân Do Thái trong cuộc xuất hành:
“Đức Khôn Ngoan đã giải thoát dân thánh,
đã giải thoát dòng giống vẹn toàn, khỏi một dân bách hại.
Đức Khôn Ngoan nhập vào hồn tôi trung Đức Chúa,
dùng điềm thiêng dấu lạ chống bạo quyền.
Đức Khôn Ngoan trả công
cho dân thánh đã từng chịu gian khó,
dẫn họ trên những nẻo đường kỳ diệu,
thành bóng mát che họ ban ngày,
thành ánh sáng soi họ ban đêm,
đưa họ qua Biển Đỏ, dẫn họ qua làn nước mênh mông” (Kn 10,15-18).
Nhờ việc gán cho Sophia những hành động cứu độ của Thiên Chúa trong lịch sử Cựu Ước, sách Khôn Ngoan đồng hóa giữa Sophia và YHWH một cách mật thiết hơn bao giờ hết.
Tân Ước sẻ dành cho Chúa Giêsu danh hiệu là Đấng Khôn Ngoan (1 Cor 1,24). Nó cũng có nhiều điều để nói về con người của Chúa Giêsu có liên quan giống như Bà Chúa Khôn Ngoan trong tạo thành và gìn giữ thế giới (x. 1 Cr 8,6; Cl 1,16-17; Dt 1,1-2).
Những Kitô hữu tiên khởi đã nhận biết rằng Chúa Giêsu đã mang cho chúng cuộc tạo dựng mới của đời sống ân sủng nhờ cái chết và phục sinh, là đỉnh cao của lịch sử cứu độ, hay hoạt động cứu độ của Thiên Chúa cho thế giới. Như là tác nhân của cuộc tạo dựng mới này, Chúa Giêsu cũng phải là tác nhân thần linh đối với công trình tạo dựng nguyên thủy của mọi sự. Giống như tác nhân chính của lịch sử cứu độ, Người cũng được nhìn như là Đấng hoạt động trong việc tạo dựng thế giới và lịch sử này trước khi nhập thể (x. Ga 12,41; 1 Cr 10,4). Được thúc đẩy cách đặc biệt từ cách dùng của Tin Mừng Thứ Tư về Logos ở lời mở đầu, các tác giả Kitô giáo sưu tập thành chủ đề hoạt động của Đức Kitô trước khi nhập thể, vừa trong sáng tạo và trong lịch sử cứu độ, bằng những hạn từ Logos, hoặc Lời Thiên Chúa, hơn là những hạn từ về Khôn Ngoan. Thánh Giustinô và Irênêô và các giáo phụ khác làm sáng tỏ sự hiện diện tiền hữu của Logos và hoạt động nhân danh dân được chọn. Họ giải thích “Logophanies – Lời tỏ hiện” trong toàn bộ Cựu Ước là những cuộc thần hiện (theophanies) hoặc là những cuộc hiện ra của Thiên Chúa.
Trước khi rời sách Khôn Ngoan, chúng ta phải nhớ rằng cuốn sách chia sẻ một ý nghĩa mạnh mẽ về tính siêu việt vô hình của Thiên Chúa với những tác giả Kitô giáo thuộc thế kỷ thứ hai và một tác giả Do Thái thuộc thế kỷ thứ nhất, đó là Philo thành Alexandria. Hoạt động của Bà Chúa Khôn Ngoan (sách Khôn Ngoan) hay một cách tương tự, hoạt động của Logos (Philo, Giustinô và Irênêô) nhằm bảo vệ tính siêu việt này. Thiên chúa hoàn toàn vượt trên thế giới chúng ta. Công trình tạo thành và quan phòng mọi sự cũng như hoạt động thần linh trong lịch sử cứu độ phải xảy ra nhờ tác động của Khôn Ngoan hoặc Logos. Bây giờ chúng ta quay sang tìm hiểu Lời như mà một sự nhân cách hóa nổi bật của hoạt động thần linh.
2. Lời - Logos
Giống như Bà Chúa Khôn Ngoan, Lời ở với Thiên Chúa và có sức sáng tạo cách mạnh mẽ ngay từ nguyên thủy (St 1,1-2,4). Cần trích dẫn một đoạn kinh điển từ sách Đệ Nhị Isaia:
“Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời
không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất,
chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc,
cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn,
thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta,
sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả,
chưa thực hiện ý muốn của Ta,
chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Is 55,10-11).
Thánh Vịnh ca ngợi Lời sáng tạo và quan phòng của Thiên Chúa: “Cả địa cầu phải kính sợ CHÚA, mọi thế nhân hãy khiếp oai Người.
Vì Người đã phán, và muôn loài xuất hiện, Người ra lệnh truyền, tất cả được dựng nên” (Tv 33,8-9; x. Tv 148,5).
Huấn Ca cũng đánh giá Lời thần linh hoạt động như thế nào để gìn giữ công trình tạo thành: nhờ “Lời (của Thiên Chúa) giữ cho mọi sự với nhau” (Hc 43,26), một tình cảm sẽ được áp dụng cho Đức Kitô trong thư gửi tín hữu Côlôsê 1,17.
Đồng thời, Cựu Ước đặt Lời trong sự song đối với Thần Khí hoặc Hơi Thở như là những phương tiện của tạo thành: “Một lời CHÚA phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Tv 33,6). “Muôn loài Ngài dựng lên phải phụng thờ Ngài, vì Ngài đã phán, chúng liền xuất hiện, Ngài gửi sinh khí tới, chúng được tác thành” (Gđt 16,14). Lời cầu nguyện nổi tiếng của Salomon dùng lời và Khôn Ngoan như là những tác nhân đồng nghĩa của việc tạo thành thần linh: “Đức Khôn Ngoan đã xây cất nhà mình, dựng lên bảy cây cột, hạ thú vật, pha chế rượu, dọn bàn ăn” (Kn 9,1-2). Lời cũng nhân cách hóa hoạt động thần linh trong lịch sử của việc giải phóng dân được chọn thoát khỏi Ai Cập, ít nhất là khi các con đầu lòng của người Ai Cập chết. Trong một sự nhân cách hóa rất sống động về Lời, sách Khôn Ngoan tuyên bố: “Khi vạn vật chìm sâu trong thinh lặng, lúc đêm trường chừng như điểm canh ba, thì từ trời cao thẳm, lời toàn năng của Ngài đã rời bỏ ngôi báu, ví tựa người chiến sĩ can trường xông vào giữa miền đất bị tru diệt, mang theo bản án không thể huỷ của Ngài như lưỡi gươm sắc bén. Nó đứng và làm cho vũ trụ đầy chết chóc, đầu đụng trời chân đạp đất” (Kn 18,14-16). Lời cũng thường xuyên diễn tả tương quan lịch sử và cứu độ của Thiên Chúa gián tiếp trong một cách thế đặc biệt nhờ các tin tri Cựu Ước. Lời của Thiên Chúa đến với họ; từ đó họ có thể thông truyền những sấm ngôn thần linh và tuyên bố: “Đức Chúa nói như vậy.” Các tiên tri truyền những lời thần linh về sự phán xét trên dân cùng với những chỉ dẫn về ý muốn của Thiên Chúa cho họ. Tóm lại, Lời sánh với Khôn Ngoan như mà một cách thế diễn tả hoạt động sáng tạo, hướng dẫn và cứu độ của Thiên Chúa.
3. Thần Khí - Ruah
Thần Khí xuất hiện nhiều lần trong Cựu Ước (khoảng gần 400 lần) như là cách thức thứ ba để nói về hoạt động sáng tạo, quan phòng và cứu chuộc của Thiên Chúa. Khi đề cập về Thần Khí của Đức Chúa (tiếng Do Thái Ruah; tiếng Hy Lạp Pneuma), Cựu Ước làm sáng tỏ sức mạnh của nó như là gió, như là hơi thở của sự sống, hoặc như là sự linh ứng thần linh xuống trên các tiên tri. Khi tạo thành “Thần Khí” của Đức Chúa bay là là trên mặt nước (St 1,2). Một cách rất ý nghĩa, Thần Khí chiếm hữu các tiên tri và sai họ đi nói lời Thiên Chúa. Nó ý nghĩa bởi vì điều này cho thấy xa hơn nữa trong Do Thái Giáo tiền – Kitô Lời, Khôn Ngoan và Thần Khí một cách cụ thể là những cách thế giống nhau để nói về sự bày tỏ và hoạt động đầy quyền năng của Thiên Chúa trong thế giới. Khi ca ngợi quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa, Thánh Vịnh, như chúng ta đã thấy ở trên, sử dụng Lời và Hơi Thở (hoặc thần khí) như là những song đối tương đương: “Một lời CHÚA phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Tv 33,6; x. Tv 147,18). Công trình tạo thành có thể được diễn tả trong từ ngữ là Lời và Thần Khí của Thiên Chúa, như lời tạ ơn Thiên Chúa của Giuđitha minh họa: “Muôn loài Ngài dựng lên phải phụng thờ Ngài, vì Ngài đã phán, chúng liền xuất hiện, Ngài gửi sinh khí tới, chúng được tác thành. Tiếng Ngài phán ra, nào ai chống nổi!” (Gđt 16,14; x. Tv 104,29-30).
Thần Khí và Khôn Ngoan được đồng hóa giống nhau: Khi Thiên Chúa ban khôn ngoan, điều này có nghĩa là người sai “Thần Khí thánh” (Kn 9,17; x. 1,4-5; 7,7,22,25). Một cuốn sách Cựu Ước liên kết và cũng đồng hóa Thần Khí và Khôn Ngoan (Đnl 34,9; G 32,8-9; Is 11,2). Tóm lại, giống như Lời và Khôn Ngoan, Thần Khí cũng là một cách thế để diển tả về hoạt động và mạc khải của Thiên Chúa trong thế giới.
III. KẾT LUẬN
Tân Ước và hậu Tân Ước, ngôn ngữ Kitô giáo được dùng để nói về Chúa Ba Ngôi đến từ Kinh Thánh Do Thái. Thứ ngôn ngữ này được thay đổi một cách sâu xa nhờ ánh sáng của cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu – cùng với việc đổ tràn đầy Thánh Thần. Tuy nhiên, việc gọi Thiên Chúa là Cha, Con (Lời hoặc Khôn Ngoan) và Thánh Thần đã có nguồn gốc của nó trong Cựu Ước.
Khôn Ngoan, Lời và Thần Khí nắm giữ vai trò giống nhau là giúp cho con người nhận biết rằng Thiên Chúa siêu việt nhưng rất gần gũi với thế giới và dân được chọn. Tuy nhiên, sự gần gũi này không làm tổn thương đến sự siêu việt thần linh, cũng không có nghĩa là đặt Thiên Chúa “trên” mọi hữu thể khác. Trong những can dự sáng tạo, quan phòng và cứu độ của chúng, Khôn Ngoan và Thần Khí giữ những vai trò thần linh, khi ở trong sự điều khiển của Thiên Chúa. Đôi khi, hầu như được đồng hóa với Thiên Chúa (x. Kn 7,25-26), chúng lại phân biệt nhau trong vai trò của mình (Kn 9,4). Những ý tưởng này sẽ giúp cho các môn đệ của Chúa Giêsu khi họ cố gắng trình bày sứ mạng “cứu độ” trong lịch sử cứu độ của Chúa Con (như là Khôn Ngoan và Lời) và của Chúa Thánh Thần, cũng như vai trò không thể tách biệt của họ trong việc sáng tạo, gìn giữ toàn thể vũ trụ.
Như vậy, những ý niệm này mở ra khả năng để nhận biệt công trình tổng quát của Chúa Con (được gọi là Khôn Ngoan) vừa “trên toàn thể trái đất” và “đối với mọi người và mọi dân tộc” (Hc 24,6), và cho nhưng ai được kêu gọi trong lịch sử đặc biệt của ơn cứu độ (x. Hc 24,8-11; Kn 10,15-18). Lời thần linh hoạt động cả trong trật tự chung của tạo thành và trong trật tự riêng của cứu độ. Đó là Lời, Đấng tạo thành mọi sự và mọi người (Gđt 16,14; Kn 9,1-2) hoạt động chống lại con đầu lòng của người Ai Cập (Kn 18,15-160, và phán bảo qua các tiên tri cho dân được Thiên Chúa tuyển chọn. Cũng vậy, Thần Khí Thiên Chúa không chỉ chiếm lấy các tiên tri của Cựu Ước mà còn thúc đẩy một người không thuộc dân Ítraen, ông Balaam, thốt ra những sấm ngôn quan trọng (Ds 24,2; x. Ds 22,1-24,25). Trong những cách thức như thế, Cựu Ước cung cấp những đường nét để phân biệt và kết hợp với nhau giữa vai trò của Chúa Con (Khôn Ngoan, Lời) và Thần Khí cả trong lịch sử cứu độ chung và riêng. Cựu Ước trình bày cách phong phú những ý tưởng về vai trò sáng tạo, quan phòng và cứu độ của Lời, Khôn Ngoan và Thần Khí đối với lịch sử của Dân Chúa và đi ra ngoài, vào trong lịch sử của mọi người và toàn thể trật tự tạo thành.
Trích đoạn cuối đề cập Lời, Khôn Ngoan và Thần Khí như là những sự nhân cách hóa một cách giống nhau về hoạt động của Thiên Chúa. Ở đây, chúng ta gợi lên hai ưu thế của Khôn Ngoan. Trước hết, Khôn Ngoan có một khôn mặt phân biệt rõ ràng hơn so với Lời và Thần Khí; không giống như chúng, Khôn Ngoan dấn thân vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa (Hc 24,8). Thứ đến, nhờ Thần Khí và Lời ảnh hưởng đến dòng chảy lịch sử cứu độ (x. nhờ việc sai đi và loan báo qua các tiên tri), Kinh Thánh gán cho một mình Khôn Ngoan một vai trò tổng quát của những hành vi cứu độ mà một cách bình thường được gán cho YHWH trong việc giải phóng dân khỏi sự nô lệ ở Ai Cập (Kn 10,15-18). Tuy nhiên, đoạn này không nên bỏ qua một ưu thế của Thần Khí, khi được so sánh với Khôn Ngoan và Lời: chúng chưa được nhìn nhận là quà tặng thần linh trong ngày cánh chung. Nhờ tiên tri Gioel, Thiên Chúa hứa đổ “Thần Khí Người” hơn là đổ “Khôn Ngoan Người” hay “Lời Người” (Ge 2,28-29: x. Cv 2,17-18; Ed 11,19;39,29).
Nét đặc trưng giá trị nhất của Khôn Ngoan, Lời và Thần Khí là sự diễn tả về hoạt động của thiên Chúa đối với loài người và toàn thể thế giới. Nó thể hiện qua những thực tại của chúng không phải bằng những nguyên lý trìu tượng nhưng bằng những sự nhân cách hóa sống động. Đặc biệt là nó có gì đó rất cụ thể trong trường hợp của Khôn Ngoan. Khôn Ngoan mời gọi mọi người lắng nghe sứ điệp của nó và đi theo nó. Như thế, đây là cách thức chuẩn bị mãnh đất tốt cho việc Chúa Giêsu đến một cách hữu hình và Thánh Thần của Người. Không ai có thể đánh giá hay hơn điều mà Gerhard von Rad viết:
“Khôn Ngoan là một hình dạng mà trong đó ý muốn của YHWH và sự đồng hành của Người (ơn cứu độ của Người) đến được với con người. Khôn Ngoan là cốt lõi của điều mà người nam và người nữ cần cho cuộc sống mình và cốt lõi của điều mà Thiên Chúa muốn ban cho họ. Dầu vậy, điều quan trọng nhất là Khôn Ngoan không hướng về con người theo một hình thức của một “điều gì đó” (it), như giáo huấn, sự hướng dẫn, ơn cứu độ hoặc sự vui thích, nhưng là một ngôi vị, một hình thức của “Tôi” (I). Vì thế, Khôn Ngoan thực sự là hình thức mà trong đó YHWH làm cho mình hiện diện và Người mong muốn được con người tìm kiếm. “Ai tìm ta, sẽ tìm thấy sự sống” (Cn 8,35). Chỉ có YHWH mới có thể nói trong cách thức như thế.”[11]
Ông cũng thêm rằng: Chỉ có Chúa Giêsu được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần mới có thể nói trong cách thức này. Những sự nhân cách hóa sống động của Khôn Ngoan, Lời và Thần Khí mở ra con đường hướng tới việc nhận biết Thiên Chúa là Ba Ngôi. Bởi vì, chúng vừa được đồng hóa với Thiên Chúa và hoạt động của Người, vừa phân biệt với Thiên Chúa.
Bước nhảy từ những nhân cách hóa đến các ngôi vị phân biệt nhau chắc chắn là một bước nhảy lớn lao. Tuy nhiên, nếu không có những nhân cách hóa này của Cựu Ước (và ngôn ngữ Cha/Con áp dụng cho Thiên Chúa), việc nhận biết Ba Ngôi không được rõ ràng và nhờ sự quan phòng, chúng báo trước và chuẩn bị cho mạc khải mới mẻ của Chúa Giêsu trong Tân Ước.
+++++++++++++++
Thư mục tham khảo
1. Gerald O’ Collins S.J., The Tripersonal God. Understanding anhd Interpreting the Trinity, (Paulist Press: New York/ Mahawah, N.J., 1999).
2. R. E. Murphy, The Tree of Life: An Exploration of Biblical Wisdom Literature (New York: Doubleday, 1990.
3. M. Scott, Sophia and the Johannine Jesus (Sheffield: JSOT Press, 1992).
4. C. V. Camp, Wisdom and the Feminine in the Book of Proverbs (Sheffield: Almond Press, 1987).
5. P. W. Skehan and A. A. Di Lella, The Wisdom of Ben Sira, Anchor Bible 39 (New York: Doubleday, 1987).
6. M. Rose, “Names of God in the OT,” ABC, vol. 4,1001-11.
7. A. Schenker, “Le monothéisme israélite: un dieu qui transcende le monde e les dieux,” Biblica 78 (1997), 436-348.
8. Augustinô, Sermones, 117.
9. D. F. Morgan, Wisdom in Old Testament Traditions (Oxford: Blackwell, 1987).
10. G. von Rad, Old Testament Theology, trans. D. M. G. Stalker, vol. 1 (London: Oliver & Boyd, 1962).
[1] Augustinô, Sermones, 117.
[2] Cf. A. Schenker, “Le monothéisme israélite: un dieu qui transcende le monde e les dieux,” Biblica 78 (1997), 436-348).
[3] Bao gồm các sách mà Kitô giáo gọi là Cựu Ước, phần được viết bằng tiếng Hípri và Aram, tức là 39 cuốn thuộc Quy Điển Palestina của Dothái giáo, cụ thể là các sách: Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số, Đệ Nhị Luật; Giôsuê, Thủ lãnh, Rút, 2 sách Samuen, 2 sách Các Vua, 2 sách Sử ký, Étra, Nơkhêmia, Étte, Gióp, Thánh Vịnh, Châm Ngôn; Giảng Viên; Diễm Ca; Isaia, Giêrêmia, Aica, Êdêkien, Đanien, Hôsê, Giôen, Amốt, Ôvađia, Giôna, Mikha, Nakhum, Khabacúc, Xôphônia, Khácgai, Dacaria, Malakhi.
[4] Đây là cách gọi của Quy Điển Công Giáo, còn Quy Điển Tin Lành gọi 7 quyển ấy là “ngụy thư” (Apocrypha). Nhóm này bao gồm 7 quyển được viết bằng tiếng Hylạp: Tôbia, Giuđitha, 1 và 2 Macabê, Khôn Ngoan, Huấn Ca, Barúc, và các phụ lục của sách Étte và Đanien.
[5] Đây là các tác phẩm văn chương Do Thái nằm vào giai đoạn chuyển tiếp từ Cựu Ước sang Tân Ước, kể từ thời điểm biên soạn cuốn sách cuối cùng của Cựu Ước đến cuốn đầu tiên của Tân Ước (tức từ khi sau biên soạn sách Khôn Ngoan vào khoảng 130 TCN đến khi thư 1 Thêxalônica vào năm 51 CN). Tuy nhiên, trên thực tế, giai đoạn này kéo dài song song đến hết thời kỳ biên soạn các sách Tân Ước. Các sách này cũng hàm chứa những nội dung thần học và giáo lý của Do Thái giáo và của Kitô giáo, nhưng có một số điểm không phù hợp với các tiêu chuẩn của một cuốn sách của sách được linh hứng. Công Giáo gọi các sách này là “Ngụy thư.” Phần lớn các sách vào thời kỳ đầu của nhóm này thường thuộc thể loại văn chương khải huyền. Có thể nêu lên một số cuốn như: Khải huyền của Ábraham; Khải huyền của Ađam; Khải huyền của Barúc; Khải huyền của Đanien; Khải huyền của Êlia; Khải huyền của Étra; Mạc khải của Gabrien; Khải huyền của Laméc; Khải huyền của Metatron; Khải huyền của Môsê; Khải huyền của Sedrach; Khải huyền của Dêphania; Khải huyền của Dêrúbbaben… Tuy nhiên, có một số cuốn sách thuộc văn chương Dothái nổi tiếng cũng thời, nhưng không được kể vòa trong nhóm này. Chẳng hạn như: Tài liệu Qumran, các sách của sử gia Philone, hoặc của sử gia Josephus Flavius.
[6] M. Rose, “Names of God in the OT,” ABC, vol. 4,1001-11.
[7] Cf. C. V. Camp, Wisdom and the Feminine in the Book of Proverbs (Sheffield: Almond Press, 1987).
[8] Cf. P. W. Skehan and A. A. Di Lella, The Wisdom of Ben Sira, Anchor Bible 39 (New York: Doubleday, 1987).
[9] Cf. M. Scott, Sophia and the Johannine Jesus, 54.
[10] R. E. Murphy, The Tree of Life, 144.
[11] G. von Rad, Old Testament Theology, trans. D. M. G. Stalker, vol. 1 (London: Oliver & Boyd, 1962), 444.
Tags:
Thần học