Sáng nay Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ mừng kính trọng thể hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Thánh lễ được cử hành tại đền thờ thánh Phêrô với một số ít người tham dự. Và đây là lần đầu tiên không có phái đoàn Tòa Thượng Phụ Constantinople tham dự Thánh lễ theo truyền thống như mọi năm. Trước khi cử hành Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã đến hôn chân tượng Thánh Phêrô và cầu nguyện trước mộ của thánh Phêrô ít phút. Sau thánh lễ, như thường lệ, Đức Thánh Cha đã chia sẻ và đọc kinh Truyền tin với mọi người tại quãng trường thánh Phêrô. Dưới đây là bài chia sẻ của ngài.
Anh chị em thân mến
Hôm nay chúng ta mừng lễ hai vị thánh bảo trợ thành Rôma, Tông đồ Phêrô và Phaolô. Đó là một món quà để chúng ta gặp gỡ cầu nguyện nơi đây, cạnh nơi thánh Phêrô đã tử đạo và được mai táng. Tuy nhiên, phụng vụ hôm nay nhắc đến một sự việc hoàn toàn khác: nó cho chúng ta biết rằng, vài năm trước thánh Phêrô được giải thoát khỏi cái chết. Ngài bị bắt, bị bỏ tù và Giáo hội lo cho mạng sống của ngài, đã không ngừng cầu nguyện cho ngài. Lúc bấy giờ thiên thần xuất hiện để giải thoát Phêrô khỏi ngục (x. Cv 12,1-11). Nhưng nhiều năm sau, khi Phêrô bị tù ở Roma, Giáo hội tất nhiên đã cầu nguyện cho ngài. Tuy nhiên, trong dịp đó, Phêrô không được tha. Tại sao lần đầu ngài được giải thoát còn lần sau thì không?
Bởi vì có một quãng đường trong cuộc đời của thánh Phêrô, có thể soi sáng con đường của cuộc đời chúng ta. Thiên Chúa ban cho Phêrô nhiều ơn và đã giải thoát ngài khỏi sự dữ: Chúa cũng làm điều đó cho chúng ta. Thật vậy, chúng ta thường chạy đến với Chúa chỉ trong những lúc cần để xin giúp đỡ mà thôi. Nhưng Thiên Chúa đã thấy trước và Ngài mời chúng ta đi xa hơn để tìm kiếm không chỉ ơn sủng của Ngài mà còn tìm kiếm Ngài, vì Ngài là Chúa của tất cả mọi ơn lành; để giao phó cho Chúa không chỉ là những vấn đề mà còn là cuộc sống của chúng ta nữa. Theo cách này, cuối cùng Chúa có thể ban cho chúng ta ơn sủng lớn lao hơn đó là cuộc sống. Đúng thế, ban tặng cuộc sống. Điều quan trọng nhất của cuộc đời là làm cho cuộc sống thành quà tặng. Điều này giá trị với hết tất cả mọi người: cho cha mẹ đối với con cái và con cái đối với cha mẹ già của họ. Và ở đây trong tâm trí tôi xuất hiện rất nhiều người già, bị gia đình bỏ rơi một mình – cho phép tôi nói – như như thể vứt bỏ vật dụng. Đây là bi kịch của thời đại chúng ta: sự cô độc của tuổi già. Cuộc sống của con cái, cháu chắt không trở thành món quà cho người già. Chúng ta hãy trở thành quà tặng cho những người đã kết hôn, cho những người sống đời thánh hiến; áp dụng được khắp nơi, ở nhà, nơi làm việc và hướng đến những người gần gũi với chúng ta. Chúa muốn chúng ta lớn lên trong ân sủng: chỉ như vậy chúng ta mới có thể trở thành những con người vĩ đại. Chúng ta sẽ lớn lên nếu chúng ta trao tặng chính mình cho người khác. Chúng ta hãy nhìn thánh Phêrô xem: ngài không trở thành anh hùng vì được giải thoát khỏi nhà tù, nhưng vì đã hiến dâng mạng sống ở đây. Món quà của ngài là đã biến nơi hành hình thành nơi tuyệt đẹp của niềm hy vọng, nơi mà chúng ta đang tìm kiếm.
Đây là những điều chúng ta cầu xin Chúa: không chỉ là ơn lành trong phút này, nhưng ơn lành cho cuộc sống. Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy chính xác cuộc đối thoại đã làm thay đổi cuộc sống của thánh Phêrô. Ngài nghe Chúa Giêsu hỏi: “Các con bảo Thầy là ai?”. Và Phêrô trả lời: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Và Chúa Giêsu nói: “Hỡi Simon con ông Giona, anh thật có phúc” (Mt 16,16-17). Chúa Giêsu nói ông có phúc, chính xác là hạnh phúc. Con hạnh phúc vì đã nói điều này. Chúng ta hãy chú ý: Chúa Giêsu gọi Phêrô là người có phúc vì đã nói rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa hằng sống. Vậy bí quyết của cuộc sống có phúc là gì, đâu là bí quyết của một cuộc đời hanh phúc? Là tái nhận ra Chúa Giêsu, như là Thiên Chúa hằng sống chứ không như một bức tượng. Bởi vì không hề gì khi biết rằng Chúa Giêsu là người vĩ đại trong lịch sử, nên việc đánh giá cao những gì Chúa nói hay làm đều không quan trọng: quan trọng ở chỗ tôi đã dành cho Chúa vị trí nào trong cuộc sống của tôi, trong con tim của tôi. Đó chính là điểm mà Simon đã nghe Chúa Giêsu nói: “Con là đá và trên đá này, Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy” (c. 18). Không được gọi Phêrô là đá bởi vì ông là một con người chắc chắn và đáng tin. Không được, ông sẽ phạm nhiều sai lầm sau này, hoàn toàn không đáng tin, ông sẽ gây ra nhiều sai lầm, đến độ từ chối Thầy. Tuy nhiên, Phêrô đã chọn xây dựng cuộc đời mình trên đá tảng là Chúa Giêsu; không phải xây dựng trên máu thịt, nghĩa là trên chính ông, trên năng lực của ông, nhưng trên Chúa Giêsu (c. 17), là đá tảng. Chúa Giêsu là đá tảng, trên đó Simon được trở thành đá. Chúng ta có thể nói tương tự như vậy về thánh Phaolô, người hoàn toàn hiến mình vì Tin mừng, khi xem tất cả những thứ còn lại là rác rưởi để chỉ tìm kiếm Chúa Kitô.
Hôm nay, trước mặt các Tông đồ, chúng ta có thể tự hỏi : “Làm thế nào đặt nền móng cho cuộc sống của tôi? Tôi chỉ nghĩ đến những điều cần trong lúc này hay tôi tin rằng nhu cầu thực sự của tôi là Chúa Giêsu, Đấng làm cho tôi trở thành một món quà? Và làm thế nào để xây dựng cuộc sống, dựa trên khả năng của tôi hay dựa vào Thiên Chúa hằng sống?”.
Xin Đức Mẹ, người đã tín thác mọi sự cho Chúa, giúp chúng ta biết đặt nền tảng nơi Ngài mỗi ngày; và xin Mẹ cầu bầu cho chúng ta để chúng ta có thể, nhờ ơn Chúa giúp, biến đời sống của mình thành quà tặng.
\
G. Võ Tá Hoàng
Tags:
Đức Thánh cha