Trong số 8 biểu tượng liên quan đến Chúa Thánh Thần được liệt kê cách rõ ràng trong sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, ngón tay là một biểu tượng đầy bất ngờ.
Giáo lý Hội Thánh Công giáo cung cấp cho các tín hữu một cách sâu rộng những phần dành riêng cho mỗi tín điều mà chúng ta tuyên xưng trong kinh “Tin kính”, trong đó bao gồm lời tuyên xưng “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần”. Di sản phong phú về giáo lý và thiêng liêng này xếp sẵn cho chúng ta trong phần hai của Sách Giáo lý - Tuyên xưng đức tin của người tín hữu -, chương thứ III - Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần.
Trong chương này có rất nhiều chủ đề khác nhau liên quan đến Ngôi Ba trong Ba Ngôi Chí Thánh, trong đó có các “biểu tượng về Chúa Thánh Thần”, chúng gồm:
Nước
Dầu
Lửa
Mây và Ánh sáng
Ấn tín
Bàn tay
Ngón tay
Chim bồ câu.
Thật ngạc nhiên khi ngón tay được xem là biểu tượng của Chúa Thánh Thần. Thật ra, chúng ta thường liên kết Chúa Thánh Thần với hình ảnh chim bồ câu; hình ảnh này hiện diện rất nhiều trong nghệ thuật Kitô giáo.
Sách Giáo lý, số 700, đã đưa ra lời giải thích cho biểu tượng này.
Ngón tay. Đức Giêsu "nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ" (Lc 11,20). Nếu ngày xưa "Thiên Chúa lấy ngón tay" ghi lề luật trên bia đá (Xh 31,18), thì ngày nay Thiên Chúa hằng sống cũng dùng Thánh Thần, để viết "bức thư của Đức Kitô" được giao phó cho các tông đồ, "không phải ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng thịt, tức là lòng người" (2 Cr 3,3). Thánh thi : "Veni Creator Spiritus" khẩn cầu Thánh Thần như là "ngón tay hữu Chúa Cha".
Thực tế, một trong những hình ảnh nổi tiếng nhất về tranh ảnh Kitô giáo cho chúng ta thấy Thiên Chúa Tạo Hóa đã ban sự sống cho con người đầu tiên là Ađam bằng ngón tay của Ngài, đặc biệt qua hình ảnh ngón tay chìa thẳng về Ađam.
“Sự sáng tạo Ađam” là một bức họa do Michelangelo Buonarroti, một họa sĩ thời phục hưng vẽ trên vòm nhà nguyện sistina, tại Vatican, khoảng năm 1511.
Aleteia.org
G. Võ Tá Hoàng
Tags:
Kiến thức công giáo