Tôi được phân công phụ trách giáo lý lớp 11. Còn hơn một năm nữa các học sinh của tôi mới tốt nghiệp, nhưng không khí của tấm bằng tú tài, của phiếu báo danh đại học đã nóng lắm.
Mỗi tuần chương trình giáo lý chỉ là một giờ sau lễ nhì buổi sáng ngày chủ nhật, ngỡ rằng như thế đức tin sẽ được ưu tiên, nhưng không, cái ưu tiên vẫn là những con chữ. Chỉ cần ở trường có một tiết ngoại khóa là sáng hôm ấy các em cùng xin vắng mặt. Nhiều bữa nhìn lớp vắng hơn một nữa mà thấy buồn. Nhưng chẳng thể trách các em được. Công sức học hành mười mấy năm dường như chỉ được quyết định trong quãng thời gian nước rút này. Sẽ tung cánh bay khỏi cái tỉnh lẻ hay vẫn ở nhà với mẹ...
Mỗi lần lên lớp thấy ánh mắt các em nhìn vào chốn mông lung, không hiểu sao tôi cứ cho rằng các em đang nhìn tới cái phiếu báo danh đại học. Và rồi tôi tự hỏi những gì mình đang dạy đây, những hiểu biết về các bí tích, về phụng vụ, về luân lý Ki tô giáo… sẽ chiếm vị trí nào trong tâm hồn các em.
Xã hội này chỉ dành ưu tiên cho những ai giống như họ, một cái “giống” có nhiều khi đi ngược lại đức tin Kitô. Ai không giống sẽ bị bỏ lại phía sau. Mà ở đời hễ đã chậm chân thì đành phải uống nước đục. Trước cám dỗ đó, các em có giữ vững niềm tin, có đủ sức nhịn khát hầu giữ cho tâm hồn mình được trong hay là lại nhanh tay dành lấy thứ “nước trong” cuộc đời ấy mà uống. Các em sẽ sống đạo hay sẽ quên đi cái ấn tín đức tin của mình. Một câu hỏi và cũng là một thử thách.
Trên đường lữ thứ trần gian, chúng ta như những người mang đèn đi trong gió, phải làm sao cho khi tới đích mà đèn vẫn sáng. Mong sao những giờ giáo lý, những giờ kinh gia đình, những thánh lễ, những sinh hoạt giáo xứ sẽ là cái la bàn, là chút dầu giúp các em vững bước trên đường đời mà vẫn giữ ngọn lửa hồn mình sáng.
Cũng mong một ngày nào đó khi phải sống xa nhà, giữa lúc một mình cô đơn trong phòng trọ, giữa lúc đang phân vân trước những chọn lựa cuộc đời, các em sẽ nhớ mình là người có đạo, biết cái gì là đúng, cái gì là sai để quỳ gối xuống và ... đưa tay lên làm dấu.
Clê Mến
Tags:
Chia sẻ