Thánh Luca xếp đặt sứ vụ của Đức Giêsu trong khuôn khổ một chuyến đi lên đền thờ Giêrusalem kéo dài. Khi gần đến thành thánh, bất chợt Đức Giêsu gặp gỡ ba người trên đường đi. Ba nhân vật này là ông thủ lãnh giàu có (Lc 18, 18-27), người mù ăn xin (18, 35-43) và người thu thuế Dakêu (19, 1-10). Cả ba đều có những kinh nghiệm sống rất khác nhau. Người thì đạo đức: trung thành tuân giữ Lề Luật, ta có thể cho rằng ông gầy dựng gia sản cách lương thiện. Kẻ khác là một người mù: sự tật nguyền đã kết án ông phải phụ thuộc người khác và nghèo túng. Cuối cùng, người thu thuế bị tẩy chay vì bị cho rằng tích góp tài sản cách đáng ngờ. Tuy nhiên, họ có điểm chung là đều tìm gặp Đức Giêsu, mỗi người theo cách của mình.
Đi tìm
Ba người này đi tìm và tiếp cận Đức Giêsu theo cách nào? Người thủ lãnh chừng như là một tín hữu có thể kể ra kinh nghiệm đạo đức của mình. Ông đến để tham khảo một người thầy biết dẫn dắt ông cách đem lại ý nghĩa cho cuộc sống mình để nó nên hoàn hảo: Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?
Về người mù, anh không mất đi giác quan nghe và nói. Anh cảm nhận đám đông rộn ràng quanh mình và hỏi xem chuyện gì xảy ra. Khi người ta cho anh biết về sự hiện diện của Đức Giêsu, anh bắt đầu kêu xin: Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi! Có người thấy tiếng la không đúng chỗ và quấy rầy nên quát mắng bảo anh im đi. Họ tự cho mình có nhiệm vụ kiểm duyệt những lời cầu xin. Vô ích thôi. Khi gọi Đức Giêsu là Con vua Đavít, người mù chứng tỏ rằng mình đã biết về danh ntiếng của Ngài và hơn thế nữa anh đã có một trực giác nào đó về mầu nhiệm Đức Giêsu.
Cuối cùng, ông Dakêu biểu lộ sự tìm kiếm Đức Giêsu của mình bằng một ngôn ngữ không lời. Ông lách mình qua đám đông, trèo lên một cây cao và nhìn Đức Giêsu. Trái với anh mù, ông thấy và quan sát được nhưng vẫn giữ thinh lặng. Không có lời nào để nói lên ước muốn trong ông nhưng hành động của ông đã nói lên tất cả. Phải chăng ông sợ bị đám đông phê phán? Phải chăng ông tự hỏi đám đông nghĩ gì về mình, một người thu thuế, cộng tác viên của quân chiếm đóng Rôma? Hay là sau khi nghe rằng Matthêô, một trong những đồng nghiệp của ông ở Capharnaum, đã trở nên môn đệ của Đức Giêsu, nhưng ông không đủ can đảm cần thiết để quên đi những miệt thị gắn liền với nghề nghiệp của mình? Dù sao đây chỉ là những giả định. Nhưng Luca giữ mãi sự hồi hộp trong trình thuật của mình cho đến khi tiết lộ tiếng xầm xì trong đám đông. Dakêu đã có lý khi giữ mình kín đáo hết sức có thể: đó là một người tội lỗi mà Đức Giêsu không nên lui tới.
Quan sát những trình thuật này, ta nhận thấy rằng, từ lúc mà ba nhân vật này quyết định tiếp cận Đức Giêsu, họ đã mở ra một không gian để đón nhận Ngài, như thế cho phép Ngài chia sẻ kinh nghiệm sống của họ. Họ chấp nhận rằng Ngài có thể can thiệp và đáp ứng nhu cầu của họ: Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy … (Kh 3, 20).
Lắng nghe
Người thủ lãnh, anh mù và ông Dakêu đã lắng nghe tiếng nói của Đức Giêsu mỗi người theo cách của mình và đã mở cánh cửa đời mình cho Ngài. Đức Giêsu đã bước vào đấy khi lắng nghe họ.
Ngài lắng nghe ông thủ lãnh đang tìm kiếm ý nghĩa trọn hảo cho đời mình. Ngài đưa ông về với kinh nghiệm thực hành tôn giáo của riêng mình: Hẳn ông đã biết các điều răn …. Như thế, Ngài đã mời gọi ông phân định về ý nghĩa của việc tuân giữ tỉ mỉ những nguyên tắc Lề Luật. Tuy nhiên, chính người thủ lĩnh mới là người có trách nhiệm đánh giá cách sống cụ thể đức tin của mình cũng như ước muốn đi xa hơn nữa. Về anh mù, những tiếng kêu xin đã nói lên sự đau đớn vô cùng. Đó là lời cầu khẩn mà người cầu nguyện gởi đến Thiên Chúa từ nỗi thất vọng cùng cực của mình: Xin thương xót tôi. Khi hỏi anh rằng: Anh muốn tôi làm gì cho anh? Đức Giêsu đã sẵn sàng cho sự đau khổ và nghèo nàn của anh, cho nhu cầu được cứu thoát và hạnh phúc của anh. Còn Đức Giêsu lắng nghe lắng nghe ông Dakêu như thế nào? Bằng cách dùng một ngôn ngữ mà dường như ông này biết rất rõ: ngôn ngữ của ánh mắt. Nhưng chính Đức Giêsu đã nói lên ước muốn của Dakêu: đón tiếp Ngài tại nhà ông ấy.
Thái độ của Đức Giêsu cho ta thấy rằng lắng nghe là bước đầu tiên cho phép chia sẻ kinh nghiệm sống của một con người. Nó tạo nên môi trường thuận lợi cho sự gặp gỡ giữa người kiếm tìm và Đức Giêsu, người quan tâm đến ước muốn ẩn chứa bên trong người kiếm tìm.
Gặp gỡ
Bằng lời nói và hành động, Đức Giêsu đã có sáng kiến gợi lên cuộc gặp gỡ. Ông thủ lãnh, người đặt đời sống tôn giáo của mình trong lãnh vực “làm”, thấy mình được đề nghị một cách “làm” khác, đòi hỏi hơn: theo Đức Giêsu sau khi bán hết tài sản và chia sẻ cho những kẻ khó nghèo. Ngài đòi hỏi ông không gì hơn là tách mình ra khỏi những an toàn vật chất và tôn giáo trong hành động tín thác hoàn toàn vào Đức Giêsu. Nhờ đó, ông sẽ có sự sống toàn vẹn mà mình ra sức kiếm tìm. Nhưng đó là trở ngại mà mong muốn của ông vấp phải. Không thể dấn thân, ông nhận lấy di sản là nổi buồn của sự bất mãn không được lấp đầy sẽ tiếp tục dày vò ông. Ông hoàn toàn khác với hai người kia. Trước câu hỏi đặt ra cho người mù: Anh muốn tôi làm gì cho anh? Câu trả lời là tự phát: Xin cho tôi được nhìn thấy! Không chỉ anh nhìn thấy được mà từ nay anh còn thấy Đức Giêsu như là Đấng mà anh gặp gỡ Thiên Chúa ở trong Ngài. Trong hành động đức tin, anh trở nên môn đệ Ngài và đi theo Ngài với niềm vui rạng rỡ. Ông Dakêu cũng bước vào niềm vui cứu rỗi khi đón tiếp Đức Giêsu vào nhà mình. Hành động rất khiêu khích này – bằng chứng là nhận xét của đám đông: Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ! – đã trở thành dấu hiệu mạc khải lòng thương xót của Thiên Chúa đối với ông Dakêu. Sự gặp gỡ Đức Giêsu đã gợi ý cho ông điều mà người thủ lãnh không thể làm được: chia sẻ của cải và giao hòa với tha nhân. Nhưng còn có điều lớn lao hơn nữa: Đức Giêsu nhận thấy ông là người con thật sự của Abraham, một con người tự do bắt đầu lên đường, được hướng dẫn với lòng khát khao Thiên Chúa của mình.
Vì được gộp lại chung một nhóm, ông thủ lãnh, anh mù và ông Dakêu đã cho chúng ta chứng từ về kinh nghiệm của họ. Ta khám phá ra rằng sự gặp gỡ với Đức Giêsu sẽ đạt được thành công khi một người chấp nhận mình bị bất ổn vì sức mạnh của lời Đức Giêsu. Sự bất ổn định này tạo nên sự sống mới, đặt nền tảng trong ơn cứu rỗi được Thiên Chúa đề nghị và được con người đón nhận, và Đức Giêsu là trung gian. Gặp gỡ Đức Giêsu khiến ta thành một môn đệ tìm thấy đời sống nhân sinh của mình đạt được ý nghĩa trọn vẹn trong đức tin.
Yves Guillemette
(interbible.org)
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
Tags:
Thần học