Đêm qua, Thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chủ sự các chặng Đàng Thánh Giá tại quảng trường thánh Phêrô. Cũng như tất cả những hoạt động khác của Phụng vụ Tuần thánh, nghi lễ Tưởng niệm Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu Kitô và Đàng Thánh Giá diễn ra trong bầu khí trầm lắng, không có giáo dân tham dự.
Các bài suy niệm Đàng Thánh giá năm nay được chuẩn bị bởi cha tuyên úy của nhà tù “Due Palazzi” ở Padua. Đức Giáo hoàng đã mời 14 người viết về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô, qua đó chia sẻ về những hoàn cảnh họ phải chịu đựng. Các bài suy niệm được viết bởi 5 tù nhân, một gia đình là nạn nhân của một vụ giết người, một cô gái con của một người đàn ông bị kết án tù chung thân, một giảng viên nhà tù, một thẩm phán dân sự, mẹ của một tù nhân, một giáo lý viên, một tu sĩ tình nguyện, một quản giáo trại giam và một linh mục đã bị buộc tội và cuối cùng được tha bổng sau sáu năm bị xét xử bất công.
Đức Thánh Cha đã cảm ơn họ vì những suy tư mạnh mẽ của họ và nhắc nhở họ rằng Ngài đã luôn mang họ trong lòng. Ngài cũng yêu cầu họ cầu nguyện cho mình.
Đồng hành cùng với Chúa Kitô trên đường thập giá, qua những giọng nói khô ráp của những người sống sau các bức tường của nhà tù, là cơ hội để nhìn xem cuộc chiến vĩ đại giữa sự sống và cái chết, để khám phá những sợi chỉ giữa thiện và ác không thể đan dệt nhau như thế nào. Khi chiêm ngắm đồi Calvario từ sau song sắt là tin rằng toàn bộ cuộc sống có thể được kết thúc trong vài giây lát, như đã từng xảy ra với tên trộm lành. Tất cả những gì xảy ra là để lấp đầy những khoảnh khắc đó bằng sự thật: sự hối hận do tội lỗi gây ra, nhận ra rằng cái chết không phải là tất cả, đoan chắc rằng Chúa Kitô là người vô tội bị nhạo báng cách bất công. Mọi thứ đều đáng tin đối với những ai tin, bởi vì ngay cả trong bóng đêm của tù đày vẫn còn vang lên những lời tuyên bố đầy hy vọng: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể” (Lc 1,37). Nếu có ai đó nắm lấy tay họ, chắc hẳn những kẻ đã từng phạm những tội tày trời, khủng khiếp nhất, có thể thay đổi và hồi sinh cách không ngờ. Chúng ta có thể tin chắc rằng “Ngay cả khi kể về điều ác, chúng ta cũng cần học cách dành chỗ để nói về ơn cứu độ; ở giữa cái ác, chúng ta vẫn có thể nhận ra thiện đang hoạt động và hãy dành chỗ để nói về điều này” (Sứ điệp Ngày Truyền thông Thế giới 2020).
Vì thê cho nên, Đường Thánh Giá trở thành Đường Ánh Sáng.
Các văn bản này được soạn thảo bởi Cha Marco Pozza và thầy Tatiana Mario, được viết ở ngôi thứ nhất, nhưng các vị đã quyết định không nêu tên, vì những người tham gia vào buổi suy niệm này muốn cho mượn giọng nói của họ để nói thay cho mọi người trên toàn thế giới đang ở trong tình trạng tương tự. Tối nay, trong sự im lặng của nhà tù, tiếng nói của một người mong muốn trở thành tiếng nói của tất cả.
Đường Thánh Giá bắt đầu bằng lời nguyện sau:
Lạy Chúa, Cha toàn năng,
trong Chúa Giêsu Kitô, Con Chúa,
Chúa đã gánh lấy những vết thương và đau khổ của nhân loại.
Hôm nay chúng con can đảm cầu xin Chúa, như người trộm lành : Xin hãy nhớ đến tôi!
Giờ đây, trước mặt Chúa, trong bóng đêm của nhà tù này: nghèo đói, trần truồng, đói khát và bị coi khinh, con cầu xin Chúa hãy tuôn đổ trên những vết thương của con hương thơm của ơn tha thứ và ủi an, rượu của sự liên đới củng cố cho tâm hồn.
Xin dùng ân sủng Chúa mà chữa lành con và dạy cho con biết sống hy vọng giữa những tuyệt vọng.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con tin tưởng vào Chúa; Xin giúp con là những con người bất tin.
Lạy Cha nhân từ, xin tiếp tục tin tưởng con, cho con những cơ hội tươi mới, để ôm lấy con trong tình yêu muôn thuở của Chúa.
Nhờ sự nâng đỡ của Chúa và nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, con có thể nhận biết Chúa và phục vụ Chúa trong anh chị em.
Amen.
G. Võ Tá Hoàng
Tags:
Suy niệm