Tại quảng trường Place des Nations, đối diện với trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Thuỵ Sĩ, có một chiếc ghế bằng gỗ thông Mỹ, cao 12 m và nặng 5,5 tấn với một chiếc chân gãy.
Chiếc ghế khổng lồ gãy chân này được đặt vào tháng 8 năm 1997 để nhắc nhở công chúng nhớ đến các nạn nhân của bom mìn.
Dự định ban đầu chiếc ghế này chỉ được đặt trong ba tháng, sau nó được giữ nguyên, để nhắc nhở các nguyên thủ quốc gia mỗi lần đến họp tại trụ sở LHQ, về trách nhiệm bảo vệ hoà bình thế giới, mỗi người như đang ngồi trên chiếc ghế gãy...
Quả thực nhân loại như đang ngồi trên mốt chiếc ghế gãy và còn tệ hơn như trên một thùng thuốc nổ, chiến tranh có thể xảy ra lúc nào. Và hơn lúc nào hết, hiện (4/2020) thế giới đang phải đối diện với cơn đại dịch Covid-19. Tính đến 7g sáng Chúa Nhật 19/4/2020 thế giới đã có 160. 456 người tử vong. Số tử vong mỗi ngày một tăng, vẫn chưa có dấu hiệu dừng. Thế nên thế giới rất cần sự đoàn kết hiệp lực..
Thế giới thật sự đang bất an. Tài trí con người có hạn, mạng sống thật mong manh. Nhân loại thật sự đang cần đến Lòng Thương Xót Của Thiên Chúa. Các nguyên thủ quốc gia như Brazil, Mỹ, Colombia và Burundi đã kêu gọi sự trợ giúp thiêng liêng chống lại đại dịch. Hôm 16/4/2020 ông John Pombe Magufuli, tổng thống Tanzania đã lên truyền hình kêu gọi toàn dân cùng nhau cầu nguyện trong ba ngày, để khẩn cầu “Đấng Tối Cao can thiệp chống lại virus corona”: “Hỡi đồng bào Tanzania, vì đại dịch, tôi mời gọi mọi người trong ba ngày, từ 17-19/4, cùng cầu nguyện, cầu xin sự che chở và chữa lành của Thiên Chúa”
Sau phục sinh, mỗi lần hiện ra với các môn đệ Chúa Giêsu không tỏ vinh quang sáng láng của mình cho các ông chiêm ngưỡng, cho bằng mời gọi Tôma động chạm vào vết thương của Ngài. “Hãy xỏ ngón tay vào lỗ đinh, hãy xọc bàn tay vào cạnh sườn...” (Ga 20, 27). Xỏ ngón tay vào lỗ đinh... là mời gọi nhân loại động chạm đến nổi đau của Ngài. Chỉ khi con người động chạm được vết thương của Thiên Chúa, con người mới hiểu được tình yêu thương, Lòng Thương Xót mà Thiên Chúa dành cho nhân loại. Và cũng chỉ khi con người chạm đến vết thương của mình họ mới cần được Thiên Chúa chữa lành. Nói khác đi, chỉ khi con người đạt đến giới hạn của mình, họ mới biết cầu xin, mới biết quỳ gối. Tại một vài vùng lãnh thổ hoặc quốc gia chưa bị dịch bệnh càn quét, nhiều người còn “ngẩng cao đầu”, có người còn ngạo mạn, thách thức: “Nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không xọc bàn tay vào cạnh sườn, còn lâu tôi mới tin!” (Ga 20, 25). Trong khi các nước Châu Âu, Châu Mỹ hầu như đã gập mình như lau sậy! Họ đã nhận thức: Con người sống trên trái đất này không là gì, không vĩ đại như mình tưởng.
Ngày 14/4/2020, ở Tây Ban Nha, cảnh sát quốc gia đã đưa linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đến Phòng khám Cristo Rey ở thủ đô Jaén, trong sự reo mừng chào đón tuyệt vời của các nhân viên y tế. Điều này cho thấy các y bác sĩ ở đây đang cần đến Đức Mẹ, cần đến Chúa.
Lulian Urban Lorenzo, một bác sĩ 38 tuổi, một người vô thần, đã từng nhạo cười khi thấy cha mẹ đi nhà thờ.
Là một bác sĩ tuyến đầu trong cơn đại dịch, có ngày anh đã chứng kiến 7 đến 8 trăm người chết. Trong số đó có một linh mục 75 tuổi hằng ngày đến bên các bệnh nhân đọc Kinh Thánh, lo các phép cuối cùng để họ ra đi bình an, hai tuần sau vị này cũng chết, anh cũng chứng kiến hai đồng nghiệp lặng lẽ ra đi, và rất nhiều người khác nhiễm bệnh.... Đã đến lúc anh nhận ra rằng sức lực, tài năng của con người có hạn, không thể một mình chống chọi với bệnh tật, anh đã quỳ xuống cầu nguyện, và đã tin...
Khi đã thấy vết thương của Chúa, Tôma không còn ưỡn ngực ngạo mạn nữa, ông đã khiêm tốn hơn. Thay vì đứng thẳng “ngẩng cao đầu” ông đã quỳ gối, và gập mình như cỏ lác: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20, 28) Xin Chúa thương xót và chữa lành con!
Và Chúa đã chữa lành ông!
Hoà Tiến, Chúa Nhật Kính Lòng Chúa Thương Xót
Đanlê
Tags:
Suy niệm A