Cùng nhau chúng ta đọc lại thánh vịnh 50 (51) trong những ngày cuối cùng của Mùa chay, với những tâm tình được gợi lên trong những câu đầu của thánh vịnh trong suy tư Đức cố Hồng Y Carlo Maria Martini.[1] Xin được lược dịch và gửi đến mọi người như một lời mời gọi nhìn về chính mình, và đặc biệt nhìn về tâm tình thống hối của chính mình trong tương quan đối thoại với Đấng chịu khổ hình và đóng đinh trước hết và trên hết vì chính chúng ta và cho chính chúng ta.
Nhìn nhận tội mình nói lên việc hoán cải nội tâm. Nội tâm là nơi quyết định cho con người trên hành trình hướng về sự thật, là khả năng trở lại với chính mình, để hiểu ý nghĩa của hành động đã thực hiện và đang thực hiện, bởi vì chỉ trong nội tâm mới có thể đánh giá và phán định.
Kinh nghiệm cho thấy có một mối tương giao không thể tách rời giữa việc hoán cải tâm hồn và việc hoà giải xã hội. Không thể có được một sự hoà giải xã hội chân thực, bền vững, ổn định và lâu dài nếu không có sự hoán cải tâm hồn; như thể không có sự hoán cải tâm hồn nào không là một tia sáng, một vang vọng cho việc hoà giải xã hội.
Đây là chủ đề đặc biệt quan trọng, và để hiểu được chúng ta cùng suy tư thánh vịnh 50 (hay 51 theo lối đánh số Do Thái), thánh vịnh được khởi đầu với lời cầu xin “Misere”, “Xin Thương Xót”. Thánh vịnh này thực sự là nguồn phong phú bất tận trong suốt lịch sử giáo hội cũng như lịch sử linh đạo: nó là dàn bài nội tâm của cuốn Tự Thuật của thánh Augustinô; nó được thánh Grêgôriô Cả yêu mến, suy gẫm, chiêm niệm; nó trở nên dấu chứng cho việc nhiệt thành bảo vệ cho hình ảnh của Thiên Chúa trong những bài giảng nổi tiếng và nẩy lửa của Savonarola và là khẩu hiệu để hi vọng cho quân binh của thánh Jeanne d’Arc; được Martin Luther nghiên cứu sâu xa và để lại những trước tác bất hủ; là tấm gương phản chiếu cho nội tâm của những nhân vật của Dostoevskij và là chìa khoá để đọc những tiểu thuyết của ông.
Thánh vịnh “Xin Thương Xót” là thánh vịnh của những con người vĩ đại của Chúa. Các nhạc sĩ lừng danh như Bach, Mozart, Donizetti và một số nhạc sĩ cận đại đã suy ngắm lại thánh vịnh này bằng âm nhạc. Những hoạ sĩ nổi tiếng đã diễn tả nội dung thánh vịnh qua những tuyệt tác.
Thánh vịnh đã là nhịp đập con tim cho lời cầu nguyện của toàn giáo hội, của hàng triệu triệu con người biết bao đời nay, đặc biệt trong kinh sáng của kinh nguyện thần vụ mỗi ngày thứ sáu, cả trong ngày thứ sáu cao vời nhất để tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa trong Tam Nhật Thánh. Nhưng trên hết và cao trọng hơn hết, vì thánh vịnh này cũng như những thánh vịnh khác chính là lời cầu nguyện hằng ngày của chính Chúa Giêsu, ngài đã cầu xin như một tội nhân, cho dù ngài không hề phạm tội. Như cả trong những hơi thở cuối cùng của một con người, ngài cũng dâng lên Chúa Cha lời nguyện xin bằng thánh vịnh 22: “Lạy Chúa, sao ngài nỡ bỏ con”!
Thánh vịnh “Xin Thương Xót” đã đồng hành với những dòng nước mắt, những nỗi khốn khổ của biết bao nhiêu người, nam cũng như nữ, đã tìm được sự an ủi và ánh sáng trong những giây phút tăm tối và nặng nề của cuộc sống. Nó dành cho cả lịch sử nhân loại chứ không chỉ cho lịch sử của Đông phương Do Thái giáo hay cho nền văn minh Kitô giáo Tây phương. Suy niệm thánh vịnh này chúng ta đi vào con tim của con người, con tim của lịch sử nhân loại:
Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,
mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.
Xin rửa con sạch hết lỗi lầm
tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.
Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.
Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,
dám làm điều dữ trái mắt Ngài.
Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án,
liêm chính khi xét xử.
Ngài thấy cho : lúc chào đời con đã vương lầm lỗi,
đã mang tội khi mẹ mới hoài thai.
Nhưng Ngài yêu thích tâm hồn chân thật,
dạy con thấu triệt lẽ khôn ngoan.
Xin dùng cành hương thảo
rảy nước thanh tẩy con, con sẽ được tinh tuyền ;
xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết.
Xin cho con được nghe
tiếng reo mừng hoan hỷ,
để xương cốt bị Ngài nghiền nát được nhảy múa tưng bừng.
Xin ngoảnh mặt đừng nhìn bao tội lỗi
và xoá bỏ hết mọi lỗi lầm.
Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng,
đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ.
Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh,
đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.
Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ,
và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con ;
Đường lối Ngài, con sẽ dạy cho người tội lỗi,
ai lạc bước sẽ trở lại cùng Ngài.
Lạy Thiên Chúa con thờ là Thiên Chúa cứu độ,
xin tha chết cho con, con sẽ tung hô Ngài công chính.
Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con,
cho con cất tiếng ngợi khen Ngài.
Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm,
con có thượng tiến lễ toàn thiêu,
Ngài cũng không chấp nhận.
Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát,
một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê.
Xin rộng lòng tuôn đổ hồng phúc xuống Xi-on,
thành luỹ Giê-ru-sa-lem, xin Ngài xây dựng lại.
Bấy giờ Ngài vui nhận tế phẩm luật truyền,
lễ vật toàn thiêu, lễ vật hiến tế.
Bấy giờ thiên hạ giết bò tơ dâng trên bàn thờ Chúa.[2]
Phần thứ nhất của thánh vịnh (câu 3-8) nói lên việc thừa nhận một tình trạng. Các động từ đều ở thể trình bày và biểu lộ (indicative), làm nổi bật những sự kiện: thừa nhận tội mình, tôi đã có tội chống lại ngài, ngài công chính khi xét xử, trong cõi thâm sâu ngài dạy con sự khôn ngoan. Phần thứ hai (câu 9-14; “Xin dùng cành hương thảo rảy nước thanh tẩy con…”) diễn tả lời nguyện xin. Đoạn văn thay đổi cung điệu và hầu như tất cả các động từ đều ở thể truyền khiến (imperative): Xin thanh tẩy con, xin rửa con, xin làm cho con cảm thấy niềm vui, xin ngoảnh mặt đi, xin xoá, xin tạo cho con, xin đừng xua đuổi, đừng tước khỏi con, mang lại cho con niềm vui, xin hổ trợ con. Phần ba (câu 15-21)“Con sẽ dạy cho người tội lỗi…”) là một dự phóng cho tương lai và các động từ ở thì tương lai: con sẽ dạy, miệng con sẽ ca ngợi, ngài sẽ nhận.
Điểm xuất phát
Những câu đầu tiên của thánh vịnh giới thiệu điểm xuất phát cho chúng ta bằng những lời như sau: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm/Xin rửa con sạch hết lỗi lầm /tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.
Điểm xuất phát trên hành trình hoán cải tâm hồn là sự chủ động thần thiêng của lòng thương xót: Chúa luôn đưa tay ra trước, và bàn cân luôn nghiêng về phía lòng nhân hậu của ngài.
Từ vựng tiếng Việt được dịch để nói lên những gì con người đã làm - tội lỗi, lỗi lầm- không diễn tả cân xứng với ý nghĩa nguyên gốc. Bản văn tiếng Do Thái có ba từ vựng khác nghĩa với những gì chúng ta đang có: “…xoá sự nổi loạn của con (rebellion), rửa con sạch hết sự không hoà hợp (disharmony), thanh tẩy và đưa con ra khỏi mọi điều bối rối, hoang mang của con (confusion, bewilderment). Những từ ngữ được xử dụng để giải thích nội dung của những sai lầm được sách Sáng Thế tường thuật. Tội lỗi là một sai lầm nền tảng của con người, một sự bóp méo, mất hài hòa, một sự nỗi loạn, một ý muốn định thay thế và chống lại chương trình của Thiên Chúa.
Những từ ngữ nói lên bước đi của con người được đặt đối lại với những từ ngữ nói lên những tính chất của Thiên Chúa: “xót thương…, nhân hậu… tình yêu”. Một bên là tội lỗi con người - với những chối từ được mô tả bằng những từ ngữ khác nhau – bên kia là ba đặc tính của Thiên Chúa. Điều này nói lên điểm nhấn không nằm ở con người tội lỗi, ở sự khốn khó của mọi người chúng ta, nhưng là ở tính cách vô biên, vô tận của Thiên Chúa.
“Lạy Thiên Chúa, xin xót thương con” trong tiếng Do Thái đơn giản là: “Ân sủng, xin ban ân sủng cho con, Lạy Chúa”. Lời cầu xin Chúa là ân sủng cho chúng ta, là Đấng nhìn đến những ai đang gặp điều dữ, đang gặp khó khăn. Đây là chính cảm nghiệm của mẹ Maria khi mẹ ca lên bài ca Magnificat (Lc 1,47-55).
Bản chất của Thiên Chúa là nhưng không, nên khi chúng ta nói Ngài chẳng lưu tâm nghĩ về chúng ta, lo lắng cho chúng ta, là nói lên một suy nghĩ sai lầm về Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn yêu thích cho đi cho người đang cần được nâng đở, cho người nghĩ mình không là gì, hay nghĩ mình thấp hèn; ngài muốn thông ban những giá trị của ngài cho chúng ta, và không suy xét những giá trị của chúng ta.
“Theo lòng nhân hậu Chúa”. Điều đặc biệt đáng lưu ý ở đây là ngay ở lối diễn tả : “theo lòng nhân hậu Chúa”, mà không ‘nơi hay do lòng nhân hậu Chúa”, hay “vì Chúa là đấng nhân hậu”.[3] Thánh Vịnh gia nói lên mức độ vô biên vô tận của lòng nhân hậu của Thiên Chúa, mà con người vô phương hiểu thấu. Trong tiếng Do Thái, từ ngữ hésed (lòng nhân hậu, lòng thương xót) có một lịch sử dài về sự phong phú ý nghĩa: là một thái độ tiêu biểu của Thiên Chúa đối với dân người, qua việc đối xử trung thực, hoà nhã, trung thành, tốt lành, dịu dàng, kiên trì trong việc lưu tâm và trong tình yêu. Có thể dịch là “sự tử tế”, trong ý nghĩa là sự dịu dàng không chối từ và không bao giờ mất đi. Chúng ta dịch hésed là lòng nhân hậu, lòng thương xót, lòng nhân nghĩa vì sự tử tế của Chúa càng dịu dàng hơn khi chúng ta yếu đuối, mỏng giòn, tội lỗi, hay thay đổi, hay chúng ta nghĩ rằng Thiên Chúa có lý do nên không nhớ đến chúng ta.
“Vì đức từ tâm hải hà”.[4] Trong tiếng Do Thái viết là rahamìm, có nghĩa là ‘trái tim, lòng’. Hạn từ này mang sâu đậm ý nghĩa về người mẹ, người có được khả năng cưu mang người khác trong mình, giống như tình trạng người đó sống trong chính thân xác mình, để vui hay buồn như chính họ. Thuộc tính này của Thiên Chúa có thể hiểu được phần nào như khi người ta yêu mến một tao vật khác với tình yêu trọn vẹn, theo bản năng, đam mê, nồng nhiệt. Chúng ta hầu như có thể dịch: “Lạy Chúa, xin thương xót con, theo như sự đam mê nồng nhiệt của Ngài đối với con người”.
Ba thuộc tính trên của Thiên Chúa cho chúng ta sắc thái của thánh vịnh 50 (51), là một bài ca để gặp gỡ Thiên Chúa như chính Ngài; mời gọi chúng ta trước tiên có được một ý tưởng đúng đắn về dung mạo của Thiên Chúa.
Thừa nhận một tình trạng
“Con biết tội mình đã phạm,/ lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm./Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,/dám làm điều dữ trái mắt Ngài./… Ngài thấy cho : lúc chào đời con đã vương lầm lỗi,/đã mang tội khi mẹ mới hoài thai./Nhưng Ngài yêu thích tâm hồn chân thật,/ (nơi riêng tư) dạy con thấu triệt lẽ khôn ngoan.”
Sau khi xét đến ba thuộc tính của Thiên Chúa, bây gìờ chúng ta dừng lại ba chủ thể hành động được trình bày. Chủ thể thường xuất hiện nhất là chính con người: tôi (con). Con nhận biết tội lỗi của mình, con có tội chống lại Ngài, con làm điều dữ. Một chủ thể khác, ở ngôi thứ ba, là tội lỗi. Tội lỗi và thực tại tội lỗi mà con người bị vướng vào: con được sinh ra trong tội lỗi, trong tội lỗi mẹ đã cưu mang con. Chủ thể hành động thứ ba mang tính quyết định, là chìa khoá để hiểu được tất cả đoạn văn, là Ngài (ngôi thứ hai). Có tôi là người thừa nhận, có một sự xác quyết tổng quát về tình trạng lỗi lầm, có Ngài là điểm tập chú: “Ngài yêu thích tâm hồn chân thật, nơi riêng tư Ngài dạy con thấu triệt lẽ khôn ngoan”.
Lối diễn tả “Ngài yêu thích tâm hồn chân thật” (Ngài yêu thích sự chân thật trong tâm hồn) trong nguyên bản tiếng Do Thái khó hiểu hơn: “Ngài yêu thích sự thật trong tăm tối”, có nghĩa là Ngài yêu sự thật, là ánh sáng, cả trong nơi con người lạc lối trong những uẩn khúc của lương tâm. “Nơi riêng tư (nơi bí mật) Ngài dạy con thấu triệt lẽ khôn ngoan”. Sự khôn ngoan là một trong những thực tại cao vời và sâu xa nhất của Cựu Ước: khôn ngoan là trật tự, cân đối, thông minh, sức sáng tạo, là kế hoạch cứu chuộc của Chúa.
Như vậy ý nghĩa chủ chốt của phần đầu thánh vịnh là: Thiên chúa, trong sáng kiến của tình yêu và lòng thương xót của ngài, chiếu dọi trong tăm tối của tinh thần, trong lương tâm của chúng ta, ánh sáng của kế hoạch của Ngài. Và như vậy làm cho chúng ta khám phá ra sự thật về chính chúng ta, cho chúng ta hơi thở của cuộc sống, giúp chúng ta biết trân trọng những gì chúng ta được gọi để trở nên, về những gì chúng ta phải trở nên, về những gì nhờ ân sủng của Ngài chúng ta có thể trở nên. Sự thật và sự khôn ngoan của Chúa là ánh sáng thật, sinh ích, thân thiện, đi vào tâm hồn mà chúng ta không hay, để dạy dỗ và đưa chúng ta đến sự chân thực về chính chúng ta.
Nếu chúng ta hiểu sâu xa hơn một chút ý nghĩa của những chữ này, chúng ta sẽ đọc những lời này cách sâu sắc hơn: “Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa”. Con đã làm điều không phải trước mặt Ngài. Trước tiên, xem ra lối diển tả này hơi kỳ lạ, nếu chỉ về con người mà Thánh vịnh này tường thuật là vua Đavít và tội của ông. Vua không chỉ phạm tội chống lại Thiên Chúa! Đavít đã phạm tội chống lại một người anh em, một người bạn; vua tìm cách giết chết ông cách xảo trá, cướp vợ ông; vì vậy vua vừa giết người vừa phản bội. Nhưng điểm nhấn là mối tương quan với Thiên Chúa, và qua những hành động này đã được phục hồi. Và có lẽ ở đây muốn diễn tả điều nào đó phát xuất từ câu chuyện của vua Đavít. Thực tế là không ai biết tội của vua Đavít, cả những tình tiết dối lừa của vua, chỉ có tiên tri Nathan mới tố cáo và quở trách vua. Tuy nhiên, chỉ khi những dan díu và mưu đồ bị công bố rõ ràng, Đavít phải đối diện với sự thực khủng khiếp trong lương tâm. Phạm tội với bạn vừa phản bội, vừa bất trung vừa ngoại tình, Đavít đã chống lại chính Thiên Chúa và những ai mà Thiên Chúa bảo vệ như thuộc về chính Ngài.
Chúng ta còn nhớ vua Đavít là con người rất tốt, vua còn không muốn điều xấu cho kẻ thù; là con người rất thẳng thắn; sự trung thực và ngay thẳng của vua đã thành danh ngôn trong lịch sử Israel. Khi vua gặp bà Bét Seva, vợ ông Urigia, vua đã là người đàn ông trưởng thành, không thiếu kinh nghiệm tình cảm, và lúc này vua cũng đã có được những gì mình muốn, hiểu được những giới hạn và những yếu đuối con người của mình. Tuy nhiên, sau một loạt những hoàn cảnh nhỏ không có ý nghĩa lắm, người hùng Đavít trở nên gian lận, bất trung, phản bội. Và trong đoạn văn thật hay của chương 11, sách II Samuel, chúng ta đọc thấy xác quyết này: ‘Nhưng hành động của vua (phạm) không đẹp lòng Đức Chúa” (c.27). Chúa đã sai ngôn sứ Nathan đến với Đavít, thuật cho ông câu chuyện hai người, một giàu một nghèo. Dụ ngôn này từ từ tái lập sự thật trong con người Đavít khiến vua phải xưng thú: “Tôi đã đắc tội với Đức Chúa” (12,13).
“Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa”. Lối diễn tả này thật tương đồng với những lời trọng tâm của dụ ngôn người con hoang đàng trong Phúc Âm theo thánh Luca: “Thưa cha con thật đắc tội với Trời và với cha” (Lc 15,21). Tất cả những gì người con đã làm: đời sống phóng đãng, hoang đàng, tất cả những lầm lỗi, những xúc phạm thương tổn mà anh gây ra. Tất cả điều này qui về mối tương quan của anh với người cha, của anh với Thiên Chúa. Con người được Thiên Chúa dạy dỗ, đi vào trong chính sự thật về mình, nhận ra trong đối thoại rằng lỗi lầm của mình, trong mình hay quanh mình, lớn hay nhỏ, đã làm thương tổn hình ảnh của Thiên Chúa, làm thương tổn mối tương quan với Ngài.
Điều quan trọng chúng ta đừng quên là phải xác định và nhấn mạnh đến chiều kích xã hội của tội lỗi: tội lỗi không chỉ phạm đến Chúa, mà còn động đến Giáo Hội, thương tổn cộng đoàn, tạo đổ vỡ cho xã hội. Chúng ta nhớ là Thiên Chúa luôn ở với mỗi người, mỗi cá nhân mà chúng ta xữ tệ, lừa dối hay coi thường. Chúng ta chống lại chính Chúa mỗi khi chúng ta chối từ những anh chị em đang gần chúng ta và đang mong nơi chúng ta một nghĩa cử bác ái hay công bằng. Tất cả những vấn nạn của lịch sử, của đạo đức, của công lý, của tương quan gia đình, của cá nhân, của xã hội đều là những vấn nạn của con người trong tương quan với Đấng thương yêu, hiểu biết và trợ giúp cho chúng ta hiểu chính sư thật về mình.
Lời của thánh vịnh không nói: con đã phạm tội, con đã lỗi lầm, nhưng nói: “Phản nghịch cùng Ngài, chỉ mình Ngài, con đã phạm tội” (Against you, you alone, I have sinned). Việc cá nhân hoá tội lỗi đi cùng với một sự thật sâu xa và rất rõ ràng, vì việc chân nhận này của một người được dạy dỗ để nói thế, không chút nhụt chí nản lòng vì tội lỗi. Tất cả chúng ta đều trải qua những khoảnh khắc của buồn sầu khôn nguôi, của giận dữ, của bực bội, của trả thù chính mình: những đau khổ vô ích đó phát sinh từ ý nghĩa tội lỗi không ở trong tương quan đối thoại cùng Thiên Chúa, những đau khổ không thể làm cho chúng ta tốt hơn.
Những lời của thánh vịnh mở cho chúng ta thấy sự khác biệt của việc xét mình được thực hiện trong tương quan đối thoại với Thiên Chúa đối với tất cả những phân tích về tội lỗi, về sự yếu đuối, thấp hèn mà mỗi người nhận ra trong chính mình là cái làm cho tinh thần thực sự ngả lòng, mỏi mệt và không còn sức chiến đấu.
Trong thánh vịnh này, được viết cách đây hơn hai ngàn năm, chúng ta nhận ra một con người tìm được con đường đúng để thống hối, con đường nhận ra những tội lỗi nặng nề nhưng được bày tỏ trước Đấng làm thay đổi lòng người. Chúng ta cũng lưu ý đến tính cách riêng tư, đầy tình cảm của lối diễn tả: “Dám làm điều dữ trái mắt Ngài”. Trái mắt, trái với tình yêu đã tạo thành, thương yêu, và hoạch định chương trình. Thực tại này khác hẵn với cái gọi là “hối nhân” theo xét xử! Sự thống hối do xét xử của toà án hay pháp luật chắc chắn cũng có nhiều lợi điểm theo tính cách con người, do sự cộng tác của hối nhân, nhưng không có sức mạnh thanh luyện lương tâm. “Hối nhân”còn có thể nói tội của tôi luôn ở trước mặt tôi. Điều đó không đi vào tiến trình mầu nhiệm của việc biến đổi tâm hồn con người, làm cho con người hoàn toàn khác đi: “Lạy Chúa xin tạo cho con một tâm hồn mới”; tiến trình biến đổi là tiến trình tín thác vào quyền năng Thiên Chúa và cho phép một hiện hữu mới.
Đau đớn vì tội lỗi
Đau đớn vì tội lỗi được diễn tả trong câu 6b: “Ngài thật công bình khi tuyên án, liêm chính khi xét xử”. Từ ngữ “đau đớn” gợi lên trong chúng ta cảm xúc lo lắng bực dọc hay bất mãn.
Đương nhiên, trong cảm nghiệm của thân xác, đau đớn là một điều rõ ràng nhất, hiển nhiên nhất, không phải cảm xúc giả tạo: tôi cảm thấy đau trong thân xác, dù tôi không muốn. Đau đớn về luân lý cũng là một điều rất thật trong chính chúng ta: như khi chúng bị dồn ép đến mất ngủ. Vậy đau đớn vì tội là gì mà xem ra không giống với cảm xúc sinh động và ngay trước mắt của đau đớn thể lý và luân lý?
Chúng ta bắt đầu với những suy tư tổng quát. Có những hành vi, nặng hay nhẹ, mà ai cũng muốn ước gì mình đừng làm. Có những lối cư xử không tương hợp chút nào với những gì mà chúng ta muốn: trong cách làm, cách nghĩ, cách đáp trả, cách hành xử. Đôi khi chúng ta cho rằng nó không tùy thuộc nơi chúng ta chút nào vì đó là những kết quả của thói quen trước đây, hay do bất ngờ, ngẫu nhiên. Tuy nhiên nó cũng mang những yếu tố bên trong làm cho chúng ta không thể tự mãn được.
Khả năng xét đoán này tự nó chưa phải là đau đớn vì tội lỗi: nó chỉ là tiền đề. Bởi vì, chúng ta không thể hối cải nếu không phải cùng một lúc là của tôi và không đúng, tôi đã làm và tôi không chấp nhận. Con đường thanh luyện Kitô giáo luôn cần có một khả năng xét đoán chính mình, biết phân tách ra những khía cạnh nào chúng ta không thể chấp nhận trong chúng ta. Biết làm điều này là một dấu hiệu của sự tự do trong hành trình, là một dấu hiệu của sự trưỏng thành nhân bản và luân lý. Một người luôn tố cáo những người khác và luôn thoả mãn về mình, là rất đáng nghi ngờ. Nếu chúng ta tố cáo người khác mà không tố cáo mình, tỏ cho thấy thậm chí chúng ta không hoàn thành bước đầu tiên của việc hối cải Kitô giáo. Mặc khác, thực tế là việc hoán cải của chúng ta đôi khi bị bế tắc vì chúng ta không xác quyết là từ đâu chúng ta kết tội chính mình về những gì không đúng trong chúng ta. Chúng ta không nhận hết đó là lỗi của chúng ta. Có khi việc thống hối cũng bị bế tắc vì chúng ta không xác quyết rằng việc chúng ta làm là điều không đúng hay không được làm: cho dù truyền thống hay giáo lý nói đó là sai, nhưng tự thâm tâm chúng ta nghĩ không thực là như vậy. Trong trường hợp này, sự đau đớn, việc thống hối là gượng ép, hời hợt, giả tạo.
Chúng ta phải làm gì nếu nhận ra việc thống hối của mình không hợp, bị bế tắc vì những lý do liên quan đến việc phán xử ban đầu về chính chúng ta?
Câu trả lời là phải đi từ cách đánh giá hấp tấp thiếu suy nghĩ của chúng ta đến cách đánh giá thực tiển và cân nhắc hơn, qua suy nghĩ và cầu nguyện.
Trở lại với câu 6b của thánh vịnh: “Ngài liêm chính khi xét xử, công bình khi tuyên án”. Chúng ta có thể lập tức giải thích và đặt Chúa vào vai trò quan toà; chúng ta thấy cả hai phần đều qui về việc xét xử, và Chúa ở giữa.
Cả hai phần, nếu xét đến tính cách lịch sử của thánh vịnh, là Đavít và Urigia, chồng bà Bét-seva, người bị giết cách xảo trá theo lệnh của vua Đavít. Thiên Chúa như quan toà không thiên tư ở giữa, cho Đavít là sai và kết án ông. Vua chấp nhận việc kết án và thưa cùng Chúa: ngài công chính khi xét xử.
Cách chú giải này xem ra không có sức thuyết phục. Theo đó, Thiên Chúa như vị trọng tài kết án tử tội nhân, không cho cơ hội kháng án.
Thực tế mà thánh vịnh muốn nói lên thì sâu xa hơn rất nhiều. Thiên Chúa không là quan toà: Ngài là bên nguyên đơn. Ngài là nguyên lý của mọi sư trung thành của mọi tình yêu, bị thương tổn nặng nề vì Đavít, lề luật của Ngài bị vi phạm. Vì thế đã trách mắng Đavít và ông đã nhận lời trách mắng và hiểu rằng phán xử của Thiên Chúa là chính đáng và cũng là phán quyết tha thứ.Thiên Chúa, phía bị hại, đã quở trách Đavít vì muốn ông sống chứ không muốn ông chết, dù ông muốn giết chết chính Thiên Chúa, nhưng Ngài vẫn muốn cứu ông sống.
Chính từ đây phát xuất ra việc thống hối theo Thánh Kinh, lý do của nỗi đau đớn của con người: con người đứng trước Đấng bị thương tích, Đấng bị chối từ không còn tín nhiệm, vẫn tiếp tục giang rộng tay tín nhiệm. Nếu chúng ta hỏi làm sao những xúc phạm của chúng ta với những người thân cận lại quy về và làm tổn thương Thiên Chúa. Ngài sẽ trả lời cho chúng ta như trong sách Xuất hành, trong thị kiến bụi gai rực lửa. Vua Pharaô áp bức dân Do thái và Thiên Chúa khi hiện ra với Môisê trong vị trí người bị hại, và bắt đầu hành động chống lại kẻ áp bức bằng những lời sau: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Aicập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, ta biết các nỗi đau của chúng. Ta xuống giải thoát chúng” (Xh 3,7-8).
Ngài còn trả lời như trong Phúc âm theo thánh Mátthêu, trong trình thuật về cảnh phán xét chung, khi Chúa Giêsu đặt mình vào phía bị hại bất cứ ở đâu người đói không được cho ăn và kẻ tù đày không ai thăm viếng: “Ta bảo thật các ngươi…là các ngươi đã không làm cho chính Ta” (xem Mt 25,31-46).
Một đoạn Phúc âm theo thánh Luca có thể giúp chúng ta hiểu sâu xa về cảm nghiệm của đau đớn vì tội lỗi, mà chúng ta được khai mở do những lời của vua Đavít trong thánh vịnh. Đó là trình thuật Phêrô chối Chúa ba lần: “Ngay lúc ông còn đang nói, thì gà gáy. Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: “Hôm nay gà chưa gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần”. Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết. (Lc 22,54-62).
Tại sao Phêrô bật khóc?
Đến lúc này, lương tâm bị khuấy động, cho dù có khi còn mù mờ, vì đã làm sai, vì hổ thẹn, vì đã phản bội một người bạn. Nhưng chỉ khi Chúa Giêsu quay lại và nhìn ông, Phêrô mời bật khóc. Lúc đó ông chỉ còn biết một điều: tôi đã chối người và người đang đi chết cho tôi! Một sự tín nhiệm và lưu tâm vô bờ bến đối với người đã sai phạm, làm phát sinh mâu thuẫn.
Sự đau đớn vì tội theo ý nghĩa Kitô giáo được sản sinh từ việc hiểu được mâu thuẫn này, sản sinh do việc gặp gỡ Chúa Kitô, Đấng bị xúc phạm trong chính Ngài và trong tình yêu đối với con người, đối lại Ngài đã đáp trả bằng một cái nhìn đầy ắp tình thân.
Tội lỗi của người Kitô hữu được tỏ lộ do gặp gỡ với Chúa Kitô, với Lời Chúa, với chính cá nhân Ngài. Việc gặp gỡ này chặn đứng sự nghiêm khắc trong phán xử về chính mình, một lối phán xử luôn bất nhất, không kiên định và lúng túng, và đưa chúng ta đến một sự hối cải chân thật, một sự bất mãn nội tâm vì đã xúc phạm đến chính Chúa Kitô, bất mãn vì chúng ta đã sai trong tương giao thân hữu, vì vi phạm chuẩn mực của danh dự và lòng nhân hậu, vì không lưu tâm và coi thường mối tương quan vô cùng quý giá.
Thiết nghĩ những suy tư về một vài câu đầu của thánh vịnh “Xin xót thương” cũng đủ cho chúng ta hiểu phần hai của thánh vịnh (c. 9-14), là những lời khẩn cầu, tiếng kêu thống thiết từ đáy lòng, và phần ba (c.15-21) nói lên những dự định, một dự phóng cho tương lai. Đây chính là hành trình mà thánh vịnh mời chúng ta thực hiện.
[1] Martini, Carlo Maria, Ritrovare se stessi – C’è un momento dell’anno per fermarsi e cercare, Milan: Piemme, V ed. 2005, pp.103-112.
[2] Bản dịch của Nhóm Phiên dịch các Giờ Kinh Phụng Vụ (CGKPV)
[3] Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con” (không dịch theo); bản dịch của Cha Nguyễn Thế Thuấn: “Lạy Thiên Chúa xin thương xót tôi theo lòng nhân nghĩa của Người”.
[4] Theo bản dịch của Nguyễn Thế Thuấn; bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV : “mở lượng hải hà”. (Latin (VUL): et secundum multitudinem miserationum tuarum, tiếng Pháp (JER): en ta grande tendresse; tiếng Ý (CEI): nel tuo grande amore; tiếng Anh (NJB): in your great tenderness).
Tác giả bài viết: Lm. Antôn Bùi Kim Phong lược dịch
Tags:
Thần học