Mỗi tác giả tin mừng đều có một nét riêng nơi trình thuật khổ nạn với những điểm nhấn thần học trong tác phẩm của mình. Ta hãy nhìn thoáng qua ba nét đặc biệt nơi trình thuật Khổ Nạn của Matthêô.
Trước hết, ta thấy rằng ngay từ đầu tin mừng Matthêô đã cho ta thấy Đức Giêsu bị đe dọa. Hêrôđê “tìm cách hãm hại trẻ Giêsu mới vừa được hạ sinh”, ông đã nhìn thấy nơi con trẻ là một người cạnh tranh (2, 13.20). Những từ “tìm” và “giết” cứ trở đi trở lại trong tin mừng này. Sau khi hiểu dụ ngôn những người thợ vườn nho sát nhân, các thủ lĩnh “tìm” giết Đức Giêsu (21, 46). Sau khi ngài chữa bệnh trong ngày Sabát, người Pharisiêu âm mưu tìm cách “giết” ngài (12, 14). Ý muốn này cũng đạt đến đỉnh điểm trong trình thuật khổ nạn khi các thượng tế và kỳ lão khích động đám đông giết Đức Giêsu (27, 20). Như vậy Matthêô làm cho độc giả hiểu rằng từ đầu cho đến cuối cuộc đời, Đức Giêsu luôn ở dưới sự đe dọa bị loại bỏ. Việc kết án Ngài chỉ như là cái kết của một loạt những quyết định chống lại Ngài của giới thẩm quyền vì họ không chịu nổi cách Ngài hành động, dạy dỗ và làm chứng về Thiên Chúa.
Viết cho các Kitô hữu phần lớn có nguồn gốc từ Do Thái giáo, suốt tin mừng của mình, Matthêô luôn quan tâm chứng minh rằng Đức Giêsu ứng nghiệm sách Lề Luật và các Ngôn Sứ. Thật quan trọng khi nhấn mạnh đến sự thống nhất và tiếp nối mạc khải của Thiên Chúa trong lịch sử. Ta cũng thấy sự quan tâm này trong trình thuật khổ nạn: ta thấy ở đấy những câu trích dẫn được ứng nghiệm, những tham chiếu về các ngôn sứ, gợi lên hình ảnh Người tôi tớ đau khổ. Chẳng hạn, khi bị bắt, Đức Giêsu khẳng định về mình: Nhưng như thế, thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được? Vì theo đó, mọi sự phải xảy ra như vậy (26, 54). Ta cũng thấy những ví dụ khác. Thương vụ của Giuđa có liên quan đến 30 đồng bạc trong sách Dacaria 11, 12-13: “Bấy giờ tôi bảo họ: "Nếu các ông cho là phải, thì trả công cho tôi; không thì thôi vậy." Họ tính công cho tôi là ba mươi đồng bạc. Đức Chúa liền phán bảo tôi: "Ném số tiền đó vào kho bạc đi! Chúng đánh giá Ta chỉ có bấy nhiêu thôi! " Vậy tôi đã đem ba mươi đồng bạc mà quẳng vào kho bạc Nhà Đức Chúa”. Những đồng tiền bị ném trả lại Đền Thờ và các thượng tế lấy mua mảnh vườn của người thợ gốm được nói đến sách Giêrêmia 19, 1-4.6.10-11: “Ngươi sẽ đập vỡ cái bình trước mặt những người cùng đi với ngươi, rồi nói với chúng: Đức Chúa các đạo binh phán thế này: Cũng vậy, Ta sẽ đập tan dân này và thành này như người ta đập vỡ cái vò của thợ gốm, mà không thể hàn gắn lại được nữa” (cc. 10-11). Giấm mà người ta đưa cho Ngài uống đã ứng nghiệm lời Thánh Vịnh 69, 22: “Con khát nước, chúng lại cho uống giấm chua”.
Cuối cùng là sự đồng nhất chặc chẽ nơi Đức Giêsu. Trong cuộc khổ nạn, Ngài thực hiện hết những gì mình đã đòi buộc các môn đệ, nhất là những điều trong bài giảng trên núi. Ngài khẳng định rằng các môn đệ phải thi hành thánh ý Chúa Cha (7, 21) và cầu nguyện cho ý Chúa Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời (6, 10), và chính Ngài đã kết thúc cuộc đời khi vâng phục ý muốn này vào lúc hấp hối: “Xin vâng ý Cha” (26, 42). Chính Ngài đã cấm mọi hành vi bạo lực và mời gọi yêu thương kẻ thù (5, 38-42), và Ngài đã khiển trách một trong các môn đệ đã chém đứt tai người đầy tớ của vị thượng tế (26, 52). Ngài đã tuyên bố phúc cho những ai chịu bách hại vì sự công chính, thì chính bà vợ của ông Philatô được mạc khải trong giấc mơ đã tuyên bố Ngài là người công chính: “Lúc tổng trấn đang ngồi xử án, thì bà vợ sai người đến nói với ông: ‘Ông đừng nhúng tay vào vụ xử người công chính này, vì hôm nay, tôi chiêm bao thấy mình phải khổ nhiều vì ông ấy’" (27, 19).
Lm. Yves Guillemette
(interbible.org)
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
Tags:
Thần học