“Trước mặt Thiên Chúa, Đấng đã phục vụ chúng ta đến nỗi hiến dâng mạng sống mình. Chúng ta cùng cầu xin Chúa ban cho chúng ta ơn biết phục vụ”.
Anh chị em thân mến
Chúa Giêsu “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ” (Phil 2,7). Chúng ta hãy để cho mình được hướng dẫn bởi những lời của thánh Phaolô Tông đồ trong những ngày của tuần thánh này, nơi Lời Chúa, như một điệp khúc trình bày Chúa Giêsu như người tôi tớ : Thứ năm Tuần thánh, người tôi tớ ấy sẽ rửa chân cho các môn đệ; Thứ sáu Tuần thánh Ngài được giới thiệu như người tôi tớ đau khổ và chiến thắng (x. Is 52, 13); rồi ngày mai tiên tri Isaia đã tiên báo về Ngài : “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ” (x. Is 52,13). Thiên Chúa cứu chuộc chúng ta bằng cách phục vụ chúng ta. Nói chung chúng ta nghĩ rằng chúng ta sống là để phục vụ Thiên Chúa. Không, Chúa đã phục vụ chúng ta cách nhưng không, bởi vì Ngài đã yêu chúng ta trước. Thật khó để yêu thương mà không được yêu. Và vẫn còn rất khó để phục vụ nếu chúng ta không để cho Thiên Chúa phục vụ mình.
Nhưng Chúa đã phục vụ chúng ta bằng cách nào? Ngài trao mạng sống của Ngài cho chúng ta. Chúng ta là những người thân của Ngài và Ngài đã trả giá cho người thân. Thánh nữ Angela thành Foligno đã làm chứng rằng, thánh nữ đã nghe những lời này từ Chúa Giêsu: “Ta đã không yêu con như một trò đùa”. Tình yêu của Chúa khiến Ngài đã tự hiến vì chúng ta, đã mang lấy nơi bản thân mọi tội lỗi của chúng ta. Đó là điều khiến chúng ta không nói thành lời: Thiên Chúa đã cứu độ chúng ta bằng cách mang nơi bản thân mình những tội lỗi của chúng ta. Không phản ứng, chỉ bằng sự khiêm nhường, kiên nhẫn và sự vâng phục của người tôi tớ, chỉ bằng sức mạnh của tình yêu. Và Chúa Cha đã ủng hộ sự phục vụ của Chúa Giêsu: đã không đánh bại sự dữ giáng xuống trên Ngài, nhưng nâng đỡ sự đau khổ của Ngài, để sự dữ nơi chúng ta được vinh thắng chỉ bằng điều thiện, để vượt qua sự dữ bằng tình yêu cho đến tận cùng. Chúa đã phục vụ chúng ta cho đến nỗi phải nếm trải những hoàn cảnh đau thương nhất dành cho người mình yêu thương: phản bội và từ bỏ.
Phản bội. Chúa Giêsu đã chịu sự phản bội của các môn đệ, người đã bán Ngài và người đã từ chối Ngài. Chúa bị phản bội bởi những người đã tán dương và rồi hò hét : “đóng đinh nó đi” (Mt 27,22). Chúa bị phản bội bởi thể chế tôn giáo đã lên án Ngài cách sai lầm và bởi thể chế chính trị đã rửa tay ngoảnh mặt. Chúng ta nghĩ đến những sự phản bội, nhỏ hoặc lớn, mà chúng ta phải chịu đựng trong cuộc sống. Thật khủng khiếp khi niềm tin đặt đúng chỗ hóa ra lại bị lừa dối. Sự thất vọng như vậy phát sinh từ tận đáy lòng, để rồi cuộc sống dường như chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Điều này xảy ra bởi vì chúng ta được sinh ra để được yêu thương và để sống yêu thương, và điều đau khổ nhất là bị phản bội bởi những người đã hứa sẽ trung thành và sát cánh với chúng ta. Thậm chí chúng ta không thể hình dung ra được nỗi đau đớn đã xảy ra thế nào đối với Thiên Chúa, Đấng là tình yêu.
Chúng ta hãy tự nhìn vào trong lòng. Nếu chúng ta chân thành với chính mình, chúng ta sẽ thấy được sự bất trung của chúng ta. Biết bao sai lầm, đạo đức giả và lọc lừa! Biết bao điều tốt bị phản bội! Biết bao lời hứa không giữ được! Biết bao dự định để lại tan biến mất! Thiên Chúa biết rõ tâm hồn chúng ta hơn cả chúng ta; Ngài biết chúng ta yếu đuối và hay thay đổi ra sao. Ngài biết rõ bao lần chúng ta sa ngã, chúng ta thấy khó khăn để đứng lên và khó khăn để chữa lành những vết thương ra sao. Và Chúa đã làm gì để gặp gỡ chúng ta, để phục vụ chúng ta? Những điều đó đã được nhắc đến nhờ vị tiên tri: “Ta sẽ chữa chúng khỏi tội bất trung, sẽ yêu thương chúng hết tình” (Hs 14,5). Ngài đã chữa lành chúng ta bằng cách gánh trên mình những bất trung của chúng ta, bằng cách tháo cởi những phản bội của chúng ta. Vì vậy, thay vì chán nản vì sợ hãi không làm được, chúng ta có thể ngước nhìn lên Thánh giá, đón nhận vòng tay của Chúa và nói : “Lạy Chúa Giêsu, đây là sự bất trung của con, con dâng lên Chúa. Xin Chúa mở rộng đôi tay, giúp con bằng tình yêu của Chúa, xin tiếp tục nâng đỡ con… để con tiếp tục tiến bước”.
Sự từ bỏ. Trên thập giá, trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ nói một câu, duy nhất một câu: "Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, tại sao Chúa đã bỏ con?" ( Mt 27,46). Đó là một cụm từ mạnh mẽ. Chúa Giêsu đã chịu sự từ bỏ của các môn đệ, những người đã bỏ chạy. Nhưng Chúa Cha vẫn ở đó. Giờ này, trong vực thẳm của nỗi cô độc, để lần đầu tiên Ngài gọi Cha với tên chung là “Thiên Chúa”. Và Ngài đã “kêu lớn tiếng” “tại sao”?, đau lòng hơn: “nhưng sao Chúa đã bỏ con”?. Những lời đó thực sự là những lời của Thánh vịnh (x. 22,2) : chúng nói cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã mang nó vào trong lời cầu nguyện ngay cả khi nỗi khổ sầu lên đến cùng cực. Nhưng vẫn còn sự kiện là Ngài đã nếm trải điều đó: Ngài đã nếm trải sự từ bỏ quá lớn, mà các Tin mừng đã minh chứng bằng cách trích dẫn những lời nguyên gốc của Ngài : Elì, Elì, lemà sabactàni?
Tại sao tất cả lại như vậy? Một lần nữa là vì chúng ta, để phục vụ chúng ta. Để khi chúng ta cảm thấy không còn lối thoát, khi thấy mình rơi vào ngõ cụt, không có ánh sáng, khi chúng ta cảm thấy dường như Chúa không đáp lời, chúng ta hãy nhớ rằng, chúng ta không cô đơn. Chúa Giêsu đã trải qua sự từ bỏ hoàn toàn, tình thế xa lạ nhất đối với Ngài, để liên đới với tất cả chúng ta trong mọi sự. Ngài đã thực hiện điều đó cho tôi, cho bạn, Ngài nói với bạn: “Đừng sợ, Ta không để con một mình. Ta đã cảm nhận được mọi ưu sầu của con để luôn ở cạnh con”. Chúa Giêsu đã phục vụ chúng ta, từ việc đã tự hạ xuống tận vực thẳm đau khổ ác liệt nhất của chúng ta, cho đến sự phản bội và từ bỏ của chúng ta. Hôm nay, trong thảm kịch của đại dịch, đứng trước nhiều điều chắc chắn đang vỡ tan, đứng trước nhiều điều kỳ vọng bị phản bội, theo nghĩa từ bỏ, như đang thúc bách tâm hồn chúng ta, Chúa Giêsu nói với mọi người: “Can đảm lên, hãy mở lòng ra cho tình yêu của Ta. Con sẽ cảm nhận được sự an ủi của Thiên Chúa, Đấng nâng đỡ con”.
Anh chị em thân mến, chúng ta có thể làm gì trước mặt Chúa, Đấng đã phục vụ chúng ta đến nỗi phải nếm trải sự phản bội và từ bỏ? Có thể chúng ta không phản bội lại Đấng mà nhờ Ngài chúng ta được tạo ra, không từ bỏ những gì có giá trị. Chúng ta ở trong thế gian để yêu thương Chúa và yêu thương người khác. Cái còn lại đã trôi qua, điều này vẫn còn. Thảm kịch mà chúng ta đang trải qua thúc đẩy chúng ta thực hiện nghiêm túc những gì là nghiêm túc, thúc đẩy chúng ta đừng đánh mất chính mình nơi những điều tầm thường; để tái khám phá ra rằng cuộc sống không có ích gì nếu không được phục vụ. Bởi vì cuộc sống được đo bằng tình yêu. Vì vậy, trong những ngày thánh này, ở nhà, chúng ta hãy đứng trước Thánh giá Chúa, thước đo tình yêu của Chúa dành cho chúng ta. Trước mặt Chúa, Đấng đã phục vụ chúng ta đến nỗi trao ban mạng sống, chúng ta xin Chúa ban cho chúng ta ơn biết sống phục vụ. Chúng ta hãy cố gắng tiếp xúc với những người đau khổ, cô đơn và đang túng thiếu. Chúng ta đừng chỉ nghĩ về những gì chúng ta đang thiếu mà hãy đến điều tốt đẹp mà chúng ta có thể làm.
Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ. Chúa Cha, Đấng đã nâng đỡ Chúa Giêsu trong cuộc thương khó, cũng khuyến khích chúng ta trong sự phục vụ. Tất nhiên, yêu thương, cầu nguyện, tha thứ, chăm sóc tha nhân, trong gia đình cũng như ngoài xã hội, có thể phải trả giá. Có thể đó là đường thánh giá. Nhưng con đường phục vụ là con đường chiến thắng, đã cứu chuộc chúng ta và cứu mạng sống chúng ta.
Cách đặc biệt, tôi muốn nói các bạn trẻ, trong ngày Giới trẻ lần thứ 35 dành cho họ. Các con thân mến, các con hãy nhìn vào những vị anh hùng đích thực, mà trong những ngày này được đưa ra ánh sáng: họ không phải là những người có danh tiếng, tiền bạc và thành công, nhưng họ là những người đã hiến dâng mạng sống mình để phục vụ người khác. Các con hãy cảm thấy như được kêu gọi để đặt cược cuộc sống. Các con đừng sợ hao mòn cuộc đời mình vì Thiên Chúa và tha nhân, các con sẽ tìm lại được nó! Bởi vì cuộc sống là một ơn mà chúng ta nhận được bằng cách hiến dâng chính mình. Và bởi vì niềm vui lớn lao nhất là nói lời thưa vâng cho tình yêu, không có “nếu” và cũng không có “nhưng” gì hết. Giống như Chúa Giêsu đã vì chúng ta.
G. Võ Tá Hoàng
Tags:
Mùa Chay