Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ kính Lòng Thương Xót 19/4/2020 tại nhà thờ Santo Spirito in Sassia

Lúc 11g sáng Chúa Nhật 19 tháng Tư, Chúa Nhật thứ Hai Mùa Phục sinh, cũng là Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dâng thánh lễ trong nhà thờ Santo Spirito in Sassia, nơi chứa thánh tích của cả Thánh Faustina Kowalska và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Chúa Nhật này đánh dấu kỷ niệm 20 năm lễ tuyên thánh cho Thánh Faustina, và cũng là 20 năm ngày Đức Gioan Phaolô II thiết định trong toàn thể Giáo Hội Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót vào Chúa Nhật thứ Hai Mùa Phục sinh.



Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Chúa Nhật tuần trước chúng ta đã cử hành sự phục sinh của Chúa; hôm nay chúng ta chứng kiến sự phục sinh của các môn đệ Ngài. Một tuần đã trôi qua, một tuần lễ kể từ khi các môn đệ đã thấy Chúa Phục Sinh, nhưng bất chấp điều đó, họ vẫn sợ hãi, co rúm đằng sau “những cánh cửa đóng kín” (Ga 20:26), thậm chí không có khả năng thuyết phục Tôma, là người duy nhất vắng mặt, về sự phục sinh của Chúa. Chúa Giêsu làm gì khi thấy sự nhút nhát thiếu niềm tin này? Ngài trở lại và, đứng ở cùng một chỗ, “ở giữa” các môn đệ, và lặp lại lời chào của Người: “Bình an cho anh em!” (Ga 20:19, 26). Rồi Người bắt đầu lại từ đầu. Sự phục sinh của môn đệ Người bắt đầu từ đây, từ lòng thương xót trung thành và kiên nhẫn này, từ khám phá rằng Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi vươn ra để nâng chúng ta dậy khi chúng ta té ngã. Người muốn chúng ta nhận ra nơi ngài, không phải như một người giao việc mà chúng ta phải giải trình công việc của mình, mà như người Cha của chúng ta, Đấng luôn nâng chúng ta dậy. Trong cuộc sống, chúng ta ngập ngừng tiến về phía trước, không chắc chắn, giống như một đứa trẻ mới chập chững bước vài bước và té ngã; một vài bước nữa và lại ngã nữa, nhưng mỗi lần cha đứa bé lại nâng nó dậy trên đôi chân của mình. Bàn tay luôn đặt chúng ta trở lại trên đôi chân của chúng ta là lòng thương xót: Chúa biết rằng nếu không có lòng thương xót của Người, chúng ta sẽ ở lại trên mặt đất; và Chúa biết rằng để tiếp tục bước đi, chúng ta cần phải được nâng dậy để đứng trên đôi chân của mình.

Anh chị em có thể phản đối: “Nhưng tôi cứ vấp ngã hoài!” Chúa biết điều này và Ngài luôn sẵn sàng nâng anh chị em dậy. Người không muốn chúng ta cứ tiếp tục suy nghĩ về những thất bại của chúng ta; đúng hơn, Chúa muốn chúng ta nhìn lên Ngài. Vì khi chúng ta ngã, Người thấy con trẻ cần được đặt trở lại trên đôi chân của chúng; trong những thất bại của chúng ta, Chúa thấy các con cái của Ngài cần đến tình yêu thương xót của Chúa. Hôm nay, trong nhà thờ đã trở thành đền thờ của lòng thương xót ở Rôma và cũng vào Chúa Nhật này, hai mươi năm trước, Thánh Gioan Phaolô II đã dành riêng cho Lòng thương xót Chúa, chúng ta vững dạ chào đón thông điệp này. Chúa Giêsu nói với Thánh Faustina: “Ta chính là tình yêu và lòng thương xót; không có sự đau khổ nhân sinh nào có thể vượt quá lòng thương xót của Ta” (Nhật ký, ngày 14 tháng 9 năm 1937). Có một lần, Thánh Nữ hài lòng nói với Chúa Giêsu rằng cô đã hiến dâng cho Người tất cả cuộc sống và tất cả những gì cô có. Nhưng câu trả lời của Chúa Giêsu làm cô choáng váng: “Con chưa dâng lên cho Ta những điều thực sự là của con”. Có điều gì đó người nữ tu thánh thiện này giữ riêng cho mình chăng? Chúa Giêsu từ ái nói với cô rằng: “Con gái Ta, hãy dâng lên cho Ta cả những thất bại của con nữa” (10 tháng 10 năm 1937). Chúng ta cũng có thể tự hỏi mình: “Tôi đã dâng những thất bại của tôi lên Chúa chưa? Tôi có để Người thấy tôi vấp ngã để Người có thể nâng tôi lên chưa?” Hoặc là có một cái gì đó tôi vẫn giữ trong tôi? Một tội lỗi, một sự hối tiếc về quá khứ, một vết thương mà tôi có bên trong lòng, một mối hận thù với ai đó, một ý tưởng về một người cụ thể. Chúa chờ đợi chúng ta dâng lên Người những thất bại của chúng ta để Người có thể giúp chúng ta trải nghiệm lòng thương xót của Người.

Chúng ta hãy trở lại với các môn đệ. Họ đã bỏ rơi Chúa trong cuộc thương khó của Người và cảm thấy có lỗi. Nhưng khi gặp họ, Chúa Giêsu không đưa ra một bài giảng dài. Đối với họ, những người đã bị tổn thương trong lòng, Người cho họ thấy vết thương của chính mình. Bây giờ Tôma có thể chạm vào những vết thương ấy và nhận ra tình yêu của Chúa Giêsu và những đau khổ Chúa Giêsu đã phải chịu đựng cho mình, mặc dù ông đã bỏ rơi Người. Trong những vết thương đó, ông Tôma đã chạm vào đôi bàn tay dịu dàng của Chúa. Tôma đến muộn, nhưng một khi nhận được lòng thương xót, ông đã vượt qua các môn đệ khác: ông tin không chỉ mầu nhiệm phục sinh, mà còn cả tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Và ông đã thực hiện một lời tuyên xưng đơn sơ nhất và xinh đẹp nhất: “Lạy Chúa và Thiên Chúa của con!” (V. 28). Đây là sự phục sinh của người môn đệ: nó được hoàn thành khi con người yếu đuối và bị thương của anh ta bước vào trong Chúa Giêsu. Ở đó, mọi nghi ngờ được giải quyết; ở đó, Thiên Chúa trở thành Thiên Chúa của tôi; ở đó, chúng ta bắt đầu chấp nhận bản thân và yêu cuộc sống như nó là.

Anh chị em thân mến, trong thời gian thử thách mà chúng ta hiện đang trải qua, cũng như Tôma, với nỗi sợ hãi và nghi ngờ, chúng ta đã trải nghiệm sự yếu đuối của mình. Chúng ta cần Chúa, Đấng nhìn thấy vẻ đẹp không thể kiềm chế vượt lên trên sự yếu đuối của chúng ta. Với Người, chúng ta tái khám phá rằng chúng ta quý giá như thế nào ngay trong sự mỏng dòn của chúng ta. Chúng ta khám phá ra rằng chúng ta giống như những viên pha lê đẹp, mỏng manh nhưng đồng thời quý giá. Và, nếu là pha lê, chúng ta phải trong suốt trước mặt Người, để ánh sáng của Người - ánh sáng của lòng thương xót – có thể tỏa sáng trong chúng ta và thông qua chúng ta lan ra thế giới. Như Thư của Phêrô cho biết, đây là một lý do để “hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách” (1 Pt 1: 6).

Trong ngày lễ Lòng Thương Xót này, thông điệp đẹp nhất đến từ Tôma, người môn đệ đến muộn; ông là người duy nhất mất tích. Nhưng Chúa chờ đợi Tôma. Lòng thương xót không bỏ rơi những người rơi lại phía sau. Bây giờ, trong khi chúng ta đang mong chờ sự hồi phục chậm chạp và cam go từ đại dịch này, có một mối nguy hiểm là chúng ta sẽ quên những người bị bỏ lại phía sau. Rủi ro là khi đó chúng ta có thể bị tấn công bởi một loại virus thậm chí còn tồi tệ hơn, đó là sự thờ ơ ích kỷ. Một loại virus lây lan bởi suy nghĩ rằng cuộc sống sẽ tốt hơn nếu nó tốt hơn cho tôi, và mọi thứ sẽ ổn nếu nó ổn với tôi. Nó bắt đầu từ đó và cuối cùng chọn người này hơn người khác, loại bỏ người nghèo và hy sinh những người bị bỏ lại trên bàn thờ những tiến bộ. Tuy nhiên, đại dịch hiện nay nhắc nhở chúng ta rằng không có sự khác biệt hay biên giới giữa những người phải chịu đựng. Tất cả chúng ta đều yếu đuối, tất cả đều bình đẳng, tất cả đều quý giá. Cầu xin cho chúng ta có thể bị rúng động sâu sắc bởi những gì đang xảy ra xung quanh chúng ta: đã đến lúc xóa bỏ sự bất bình đẳng, để hàn gắn sự bất công đang làm suy yếu sức khỏe của cả gia đình nhân loại! Chúng ta hãy học hỏi từ cộng đồng Kitô giáo sơ khai được mô tả trong Tông đồ Công vụ. Họ nhận được lòng thương xót và sống với lòng thương xót: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung.45 Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu.” (Cv 2:44-45). Đây không phải là một ý thức hệ: đó chính là Kitô giáo.

Trong cộng đồng đó, sau khi Chúa Giêsu phục sinh, chỉ có một người bị bỏ lại phía sau và những người khác chờ đợi anh ta. Ngày nay, xem ra lại xảy ra điều ngược lại: một phần nhỏ của gia đình nhân loại đã tiến lên phía trước, trong khi phần lớn vẫn còn ở phía sau. Mỗi người chúng ta có thể bị cám dỗ để nói: “Đây là những vấn đề phức tạp, chăm sóc cho những người nghèo không phải là công việc của tôi, những người khác phải quan tâm đến chuyện đó!” Thánh Faustina, sau khi gặp gỡ Chúa Giêsu, đã viết: “Trong một linh hồn đang đau khổ chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu trên thập tự giá, chứ không phải là một ký sinh trùng hay là một gánh nặng. Chúa ban cho chúng ta cơ hội để thực hành những hành vi thương xót, và cơ hội để thực hành những phán đoán” (Nhật ký 06 tháng 9 năm 1937). Tuy nhiên, một ngày nọ, chính cô đã phàn nàn với Chúa Giêsu rằng, người có lòng thương xót thường bị người đời cho là ngây thơ. Cô nói: “Lạy Chúa, họ thường lợi dụng lòng tốt của con”. Và Chúa Giêsu trả lời: “Đừng bận tâm về chuyện đó, đừng để điều đó làm phiền con, hãy luôn có lòng thương xót với tất cả mọi người” (ngày 24 tháng 12 năm 1937). Đối với mọi người: chúng ta đừng chỉ nghĩ về lợi ích của chúng ta, cho dù là những lợi ích chính đáng của chúng ta. Chúng ta hãy chào đón thời gian thử thách này như một cơ hội để chuẩn bị cho tương lai chung của chúng ta. Bởi vì không có một tầm nhìn bao quát, sẽ không có tương lai cho bất cứ ai.

Ngày nay, tình yêu đơn sơ và chậm bất bình của Chúa Giêsu làm sống lại trái tim của người môn đệ. Giống như tông đồ Tôma, chúng ta hãy đón nhận lòng thương xót, là sự cứu rỗi của thế giới. Và chúng ta hãy thể hiện lòng thương xót đối với những người dễ bị tổn thương nhất; chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể xây dựng một thế giới mới.


Đặng Minh An chuyển ngữ

Vietcatholic New





Mới hơn Cũ hơn