Vào lúc 18g00, giờ Roma, Thứ Năm Tuần Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Thánh lễ tiệc ly tại đền thờ thánh Phêrô, bắt đầu Tam nhật Vượt qua. Tuy nhiên, ngày hôm nay thực sự đặc biệt, vì những hạn chế do đại dịch gây ra đã làm thay đổi cuộc sống của mọi người. Ngay cả đại lễ Phục sinh, trung tâm của phụng vụ và của đời sống đức tin Kitô hữu, thánh lễ được diễn ra nhưng không có sự hiện diện của giáo dân. Điều đó cũng không ngoại trừ các nghi thức phụng vụ do Đức Giáo hoàng cử hành trong tuần này. Sáng hôm nay không có thánh lễ Truyền dầu như thường lệ tại Vatican.
Thánh lễ chiều nay, Vương cung thánh đường Phêrô trống rỗng, chỉ một vài người được phép hiện diện: các đọc viên, ca viên, một ít linh mục, giám mục và hồng y. Tất cả đều ở một khoảng cách an toàn. Không cử hành nghi thức rửa chân truyền thống.
Trong bài giảng hôm nay, Đức Thánh cha nhấn mạnh đến ba điều : Bí tích Thánh Thể - Phục vụ - Xức dầu. Bắt đầu bài giảng, ngài nói:
Thực tại mà hôm nay chúng ta sống, trong thánh lễ này: Thiên Chúa muốn ở cùng chúng ta trong Bí tích Thánh thể. Và chúng ta luôn trở thành nhà tạm của Chúa, chúng ta mang Chúa đi cùng chúng ta; đến nỗi chính Ngài đã nói với chúng ta rằng: nếu các con không ăn thịt và uống máu Thầy, các con sẽ không được vào Nước Trời. Đây là Mầu nhiệm của bánh và rượu, của vị Thiên Chúa ở cùng chúng ta, trong chúng ta và ở với chúng ta.
Thực tại mà hôm nay chúng ta sống, trong thánh lễ này: Thiên Chúa muốn ở cùng chúng ta trong Bí tích Thánh thể. Và chúng ta luôn trở thành nhà tạm của Chúa, chúng ta mang Chúa đi cùng chúng ta; đến nỗi chính Ngài đã nói với chúng ta rằng: nếu các con không ăn thịt và uống máu Thầy, các con sẽ không được vào Nước Trời. Đây là Mầu nhiệm của bánh và rượu, của vị Thiên Chúa ở cùng chúng ta, trong chúng ta và ở với chúng ta.
Phục vụ. Cử chỉ này là điều kiện để được vào Nước Trời. Vâng đó là phục vụ tất cả mọi người. Nhưng trong cuộc nói chuyện trao đổi với thánh Phêrô (Ga 13, 6-9), Chúa cho ông hiểu rằng để được vào Nước Trời chúng ta cần phải để Chúa phục vụ chúng ta, người Tôi tớ của Thiên Chúa cũng là đầy tớ của chúng ta. Và điều này thật là khó hiểu. Nếu tôi không để cho Chúa trở nên người phục vụ của tôi, để Chúa rửa chân tôi, để Chúa làm cho tôi lớn lên, tha thứ cho tôi, tôi sẽ không được vào Nước Trời.
Chức tư tế. Hôm nay tôi muốn được gần gũi các linh mục, với tất cả các linh mục, từ người được truyền chức gần đây nhất đến Giáo hoàng. Chúng ta đều là linh mục. Các giám mục, tất cả ... Chúng ta được Chúa xức dầu; được xức dầu để cử hành Bí tích Thánh Thể, được xức dầu để phục vụ.
Hôm nay không có Thánh lễ Truyền dầu – tôi hy vọng rằng chúng ta có thể cử hành lễ này trước lễ Hiện Xuống, nếu không chúng ta sẽ phải hoãn lại cho đến năm sau – nhưng tôi không thể để thánh lễ này trôi qua mà không nhớ đến các linh mục. Các linh mục là những người đã dâng hiến mạng sống vì Chúa, các ngài là những người đầy tớ. Trong những ngày này, đã có hơn 60 linh mục qua đời ở đây, Italy, qua việc chăm sóc các bệnh nhân trong các bệnh viện, và cả với các bác sĩ, y tá… Các linh mục là “những vị thánh cạnh nhà”, phục vụ bằng cách đã hiến dâng mạng sống mình. Và tôi nghĩ đến các linh mục ở xa nữa. Hôm nay tôi nhận được một lá thư của một linh mục, là tuyên úy của một nhà tù rất xa, kể về cách ngài sống Tuần Thánh này với các tù nhân. Ngài là linh mục dòng Phanxicô. Các linh mục đi thật xa để mang Tin mừng và họ chết ở đó. Một giám mục đã từng nói, khi đến những địa điểm truyền giáo, điều đầu tiên ngài đã làm là đến nghĩa trang, bên mộ của các linh mục, những người đã bỏ mạng nơi đó vì bệnh dịch hạch tại chỗ [dịch hạch địa phương]: họ không được chuẩn bị, không có kháng thể. Không ai biết tên họ là gì: các linh mục vô danh. Các cha xứ vùng quê là cha sở của bốn, năm, bảy giáo họ miền núi, và các ngài đi từ nơi này đến nơi kia để gặp gỡ giáo dân…. Có lần một linh mục nói với tôi rằng, ngài biết tên của tất cả người dân ở những nơi đó. “Thật vậy không?”, tôi hỏi. Và ngài nói với tôi: “Kể cả tên những con chó!”. Các linh mục biết hết. Sự gần gũi của các linh mục. Tuyệt vời, hoan hô các linh mục.
Hôm nay tôi mang anh em trong trái tim tôi và tôi đưa anh em đến bàn thờ. Các Linh mục bị vu khống. Ngày nay chuyện đó xảy ra rất nhiều, khiến họ không thể ra đường bởi vì người ta nói xấu các ngài, liên quan đến bi kịch mà chúng ta đã thấy qua việc phát hiện các linh mục làm những điều xấu. Một vài người nói với tôi rằng họ không thể rời khỏi nhà với áo clegymen vì người ta xúc phạm họ; và họ tiếp tục làm điều này. Các linh mục tội lỗi, cùng với các giám mục và Giáo hoàng tội lỗi không quên xin tha thứ và học cách thứ tha, bởi vì họ biết rằng họ cần kêu xin tha thứ và biết thứ tha. Tất cả chúng ta là tội nhân. Các linh mục đang đau khổ vì khủng hoảng, không biết phải làm gì, họ đang ở trong bóng tối.
Hôm nay tất cả các anh em linh mục, đang ở cùng với tôi nơi bàn thờ, các anh em, những người được thánh hiến. Tôi chỉ nói cho anh em một điều: đừng bướng bỉnh như Phêrô. Hãy để chân anh em được rửa sạch. Chúa là đầy tớ của anh em, Ngài ở cạnh anh em để ban cho anh em sức mạnh để anh em rửa chân cho nhau.
Và vì vậy, với nhận thức về sự cần thiết để được rửa chân này, anh em là những người tha thứ tuyệt vời! Anh em hãy tha thứ! với con tim rộng lượng thứ tha. Đây là thước đo mà chúng ta sẽ được đo. Anh em đã tha thứ thế nào thì cũng sẽ được thứ tha như vậy: cùng một phép đo. Đừng ngại tha thứ. Đôi khi xảy ra những nghi ngờ… Anh em hãy nhìn lên Chúa Kitô [Đấng chịu đóng đinh]. Ở đó có ơn thứ tha cho tất cả mọi người. Anh em hãy can đảm, ngay cả trong rủi ro, trong tha thứ, để an ủi. Và nếu anh em không thể ban bí tích tha thứ vào lúc đó, thì ít ra anh em hãy đưa ra lời an ủi với tư cách của một người đi cùng và mở cửa cho người đó trở về.