Tối hôm qua, khi màn đêm buông xuống, các anh chị em Do Thái của chúng ta đã bắt đầu lễ Vượt qua hàng năm. Các chi tiết về bữa ăn được cử hành trong đêm Vượt qua đã được kể lại trong bài đọc đầu tiên mà chúng ta đã nghe trong Thánh lễ này (x. Xh 12, 3-4). Có nghĩa đây là một cuộc tụ họp mang tính gia đình. Các quy định để mời bạn bè, họ hàng đến tham dự cũng đã được bàn tới ... Nhưng năm nay, Lễ Vượt Qua được trải nghiệm bằng một cách rất khác. Trên khắp thế giới, các gia đình tập trung quanh bàn ăn của họ, nhưng năm nay không có vị khách nào được mời vì chúng ta đang ở giữa tâm của đại dịch và tất cả chúng ta cần phải làm theo lời khuyên của các cơ quan y tế muốn chúng ta duy trì khoảng cách xã hội. Vì không thể tụ tập với bạn bè, ở một số nơi trên thế giới, mọi người ăn mừng bằng cách mở cửa sổ và cửa ra vào, gọi điện chào hỏi hàng xóm và bạn bè của họ. Lần đầu tiên, người Do Thái Chính thống - những người thường nhíu mày chặc lưỡi lúc sử dụng công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh của những khoảnh khắc thiêng liêng này, đã cho phép sử dụng điện thoại thông minh để những người không thể có mặt ít nhất có thể chào nhau.
Giống như anh chị em của chúng ta trong đức tin, chúng ta cũng tập trung vào đêm này để bắt đầu lễ kỷ niệm Lễ Phục sinh. Phụng vụ tối nay có ba phần: thông thường, chúng ta tái hiện việc rửa chân trong phụng vụ của ngày Thứ Năm Thánh, sau đó chúng ta tập trung vào Thứ Sáu Tuần Thánh để tưởng niệm Cuộc Khổ Nạn và cái chết của Chúa Giêsu, và ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, chúng ta tụ họp vào buổi tối gọi là Vọng Phục sinh, để hướng tới việc thực hiện lời hứa của Chúa Giêsu sẽ sống lại từ cõi chết. Các cử hành phụng vụ này thường tập trung đông người, vì giống như người Do Thái, chúng ta cũng cùng nhau ngồi quanh bàn để lắng nghe câu chuyện về đức tin của chúng ta và cùng nhau bẻ bánh như Chúa Giêsu đã làm với các môn đệ của mình (x. 1Cr 11, 23-26), tuy nhiên thời điểm này đây không phải là thời gian bình thường.
Thật thú vị khi thấy rằng đoạn Phúc âm mà chúng ta đã nghe tối nay không nói về những chi tiết liên quan đến bữa ăn được Chúa Giêsu và các môn đệ chia sẻ trong đêm đó. Thay vào đó, điểm nổi bật được đặt nơi một cử chỉ rất đáng ngạc nhiên. Theo phong tục truyền thống, nhiệm vụ rửa chân cho những vị khách đến nhà của ai đó là công việc của những đứa trẻ hoặc một trong những người hầu. Đây là lý do tại sao các môn đệ cảm thấy rất sốc khi chứng kiến Chúa Giêsu đứng dậy khỏi bàn, cởi áo choàng, buộc khăn quanh người, đổ nước vào chậu và rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13, 4-5). Không ai trong số họ có thể hiểu được những gì Ngài đang làm. Ngay cả khi Ngài giải thích với Simon Phêrô: Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy (Ga 13, 8), các môn đệ vẫn còn bối rối. Chúa Giêsu biết đây là sự thật. Khi Ngài hoàn tất sứ mạng của mình, tất cả những gì Ngài nói : Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? ... nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau (Ga 13, 12-14).
Trong mấy tháng qua, tất cả chúng ta đều nhận ra một tình huống vượt xa tầm kiểm soát của chính mình. Chúng ta đang theo dõi một cách bất lực sự hoành hành của con virus mới, đang lây lan rất nhanh cho nhiều quốc gia trên thế giới, nhiều người đã chết. Chúng ta chưa có thuốc để chống lại nó. Chúng ta buộc phải dùng một số phương pháp tạm thời để làm chậm sự phát triển của nó, điều mà trước đây chúng ta chưa bao giờ từng làm. Trong khi đó, chúng ta đều biết, cuộc sống của con người trên thế giới đã thay đổi rất nhiều. Những người thường xuyên đi lại, xuyên quốc gia, nay phải ở nhà, cách ly xã hội. Những người hiếm khi nói chuyện với nhau bằng các phương tiện truyền thông giờ này lại dành nhiều thời gian cho nó. Dường như ở giữa thời điểm khó khăn này, Chúa đang tìm cách để dạy chúng ta rửa chân cho nhau.
Các bác sĩ, y tá và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe đang rửa chân cho các anh chị em của chúng ta, những người bị nhiễm virus mới này. Các linh mục, tu sĩ cũng đã dấn thân rửa chân cho anh chị em mình bằng cách chăm sóc các bệnh nhân trong cơn bỉ cực. Và rất nhiều người khác nữa trên thế giới trong cơn đại dịch hiện nay đã rửa chân cho anh chị em mình.
Tối nay, Chúa Giêsu đã cho chúng ta một ví dụ về cách làm môn đệ Chúa trong hành động. Chúa mời gọi chúng ta bước theo Chúa. Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau (Ga 13, 12-14).
G. Võ Tá Hoàng
Tags:
Suy niệm A