Vì tình trạng khẩn cấp về bệnh dịch, quảng trường thánh Phêrô đóng cửa, buổi đọc kinh Truyền tin hôm nay của ĐTC được truyền trực tiếp qua kênh truyền thông của Vatican. Trước bài chia sẻ liên quan đến Tin mừng Chúa nhật III Mùa chay, ĐTC đã khen ngợi sự gần gũi dân chúng của Đức TGM và các linh mục ở Italia. Sau cùng ngài bày tỏ lòng biết ơn và gần gũi các bệnh nhân cũng như các săn sóc viên trong mùa đại dịch này. Dưới đây là bài chia sẻ của ĐTC.
Anh chị em thân mến!
Ngay lúc này đây, thánh lễ được Đức TGM ở Milan cử hành trong phòng khám đa khoa dành cho các bệnh nhân, bác sĩ, y tá và tình nguyện viên đang được kết thúc. Đức TGM đã gần gũi với giáo dân của mình và cũng gần gũi với Chúa khi cầu nguyện. Tôi nhớ lại những hình ảnh một tuần trước đây, Đức TGM - Mario Enrico Delpini - một mình trên đỉnh của nhà thờ chính tòa cầu nguyện với Đức Mẹ. Tôi cũng xin cảm ơn các linh mục với những sáng kiến của các ngài. Rất nhiều thông tin truyền đi từ Bologna về những sáng kiến này. Thật vậy, Bologna đã bị ảnh hưởng rất nhiều. Các linh mục với lòng nhiệt thành tông đồ hiểu rõ rằng, trong thời điểm của đại dịch, Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta. Cám anh em rất nhiều.
Ngay lúc này đây, thánh lễ được Đức TGM ở Milan cử hành trong phòng khám đa khoa dành cho các bệnh nhân, bác sĩ, y tá và tình nguyện viên đang được kết thúc. Đức TGM đã gần gũi với giáo dân của mình và cũng gần gũi với Chúa khi cầu nguyện. Tôi nhớ lại những hình ảnh một tuần trước đây, Đức TGM - Mario Enrico Delpini - một mình trên đỉnh của nhà thờ chính tòa cầu nguyện với Đức Mẹ. Tôi cũng xin cảm ơn các linh mục với những sáng kiến của các ngài. Rất nhiều thông tin truyền đi từ Bologna về những sáng kiến này. Thật vậy, Bologna đã bị ảnh hưởng rất nhiều. Các linh mục với lòng nhiệt thành tông đồ hiểu rõ rằng, trong thời điểm của đại dịch, Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta. Cám anh em rất nhiều.
Đoạn Tin Mừng của Chúa nhật thứ 3 Mùa Chay hôm nay, tường thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với người phụ nữ Samaria (x. Ga 4,5-42). Ngài đang đi với các môn đệ và dừng lại bên bờ giếng ở Samari. Người Samari bị người Do thái coi là dị giáo, bị khinh miệt rất nhiều, họ như những công dân hạng hai. Chúa Giêsu thấy mệt và khát nước. Lúc bấy giờ có một người phụ nữ đến lấy nước và Ngài đã xin cô ấy : “Chị cho tôi xin chút nước uống” (c.7). Và như thế, mọi rào cản đã bị phá vỡ, một cuộc đối thoại bắt đầu, qua đó Chúa Giêsu tiết lộ cho người phụ nữ mầu nhiệm của nước hằng sống, tức là Chúa Thánh Thần, ơn sủng của Thiên Chúa. Thật vậy, trước phản ứng đầy ngạc nhiên của người phụ nữ, Chúa Giêsu trả lời: "Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: "Cho tôi chút nước uống", thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống"(c.10).
Trọng tâm của cuộc đối thoại là nước. Một mặt, nước được xem như là yếu tố cần thiết cho sự sống, làm thỏa mãn cơn khát của thể xác và hỗ trợ sự sống. Mặt khác, nước như là biểu tượng của ân sủng Thiên Chúa, đem lại sự sống đời đời. Theo truyền thống Kinh thánh, Thiên Chúa là mạch nước hằng sống – như đã nói trong các Thánh vịnh và các Ngôn sứ - : họ rời xa Thiên Chúa, nguồn mạch sự sống, và rời xa Lề luật gây ra sự khô khát tồi tệ. Đó là kinh nghiệm của dân tộc Israel trong sa mạc. Trong hành trình dài tiến đến tự do, họ bị thiêu đốt vì khát, vì không có nước họ nổi loạn chống lại Môsê và chống lại Thiên Chúa. Và sau đó, theo lệnh Chúa, Môsê đã làm cho nước vọt ra từ tảng đá, tựa như dấu chỉ quan phòng của Thiên Chúa, Đấng luôn đồng hành với dân của Ngài và ban cho họ sự sống (Xh 17,1-7)
Tông đồ Phaolô giải thích rằng, tảng đá đó là biểu tượng của Chúa Kitô. Ngài nói : “Đá tảng là Chúa Kitô” (1Cor 10,4). Đó là hình ảnh đầy bí ẩn đối với sự hiện diện của Ngài giữa dân Chúa khi đang lữ hành. Thật vậy, Chúa Kitô là Đền thờ, theo cái nhìn của các Ngôn sứ, từ đó tuôn trào Chúa Thánh Thần, tức là nước hằng sống, thanh tẩy và trao ban sự sống. Bất cứ ai khao khát được cứu rỗi đều có thể múc lấy một cách nhưng không từ nơi Chúa Giêsu, và Chúa Thánh Thần sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước trường sinh và sống động. Lời hứa về nước sự sống mà Chúa Giêsu đã ban cho người phụ nữ Samaria đã trở thành hiện thực trong cuộc Phục sinh của Ngài : Máu và nước đã chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu (Ga 19,34). Chúa Kitô, Con Chiên hy tế và phục sinh, là suối nguồn từ đó tuôn đổ Thánh Thần, thứ tha mọi tội lỗi và tái sinh cuộc sống mới.
Ơn sủng này cũng là nguồn mạch của lời chứng. Giống như người phụ nữ Samaria, bất cứ ai gặp gỡ Chúa Giêsu hằng sống đều cảm thấy cần phải kể cho người khác về Ngài, để tất cả đều chạy đến mà tuyên xưng rằng Chúa Giêsu “thật sự là Đấng cứu độ thế gian” (Ga 4,42), như người đồng hương của người phụ nữ ấy đã nói. Cả chúng ta nữa, chúng ta được sinh ra cho sự sống mới nhờ Bí tích Rửa tội, chúng ta được kêu gọi làm chứng cho cuộc sống và hy vọng đang hiện diện nơi chúng ta. Nếu sự tìm kiếm và khát khao của chúng ta được trọn vẹn nơi Chúa Kitô, chúng ta sẽ cho thấy rằng ơn cứu rỗi không nằm nơi “vật chất” của thế giới này, để rồi tạo ra sự khô cạn, nhưng trong Đấng đã yêu thương chúng ta và luôn yêu thương chúng ta : Chúa Giêsu Đấng cứu độ chúng ta trong nước hằng sống mà Ngài đã ban cho chúng ta.
Xin Mẹ Maria rất thánh giúp chúng ta biết nuôi dưỡng niềm khát khao Chúa Kitô, nguồn mạch sự sống, là nơi duy nhất có thể làm thỏa mãn cơn khát của cuộc sống và của tình yêu mà chúng ta đang mang trong tâm hồn.
Sau Kinh Truyền tin, ĐTC nói:
Anh chị em thân mến,
Những ngày này quảng trường thánh Phêrô đóng cửa, vì vậy tôi gửi lời chào đến anh chị em trực tiếp qua các phương tiện truyền thông.
Trong tình hình dịch bệnh này, chúng ta thấy cuộc sống ít nhiều bị cô lập, qua đó chúng ta được mời gọi tái khám phá chiều sâu giá trị của sự hiệp thông, hiệp nhất mọi thành phần trong Giáo hội. Được kết hiệp với Chúa Kitô chúng ta không bao giờ cô đơn, nhưng hình thành nên một Thân thể duy nhất có Chúa Kitô là Đầu. Đó là một sự kết hiệp được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện cùng với việc Rước Lễ thiêng liêng, đó là một thực hành luôn được khuyến khích khi không thể lãnh nhận Bí tích. Tôi nói điều này cho tất cả mọi người, đặc biệt là cho những người đang sống một mình.
Lần nữa, tôi bày tỏ sự gần gũi của tôi đến tất cả các bệnh nhân và những người đang chăm sóc họ, cũng như với các nhân viên và tình nguyện viên đang giúp đỡ những người không thể ra khỏi nhà, và những người đang gặp gỡ những người nghèo và vô gia cư.
Tôi cám ơn anh chị em rất nhiều vì mọi nỗ lực mà mọi người đã làm để giúp đỡ trong thời điểm thật khó khăn này. Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em. Xin Đức Maria gìn giữ anh chị em; và cũng đừng quên cầu nguyện cho tôi.
G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
Vatican.va
Tags:
Đức Thánh cha