Lm. Sebastianva Zhakala*, MC
Mùa Chay đã bắt đầu, chúng ta hãy dùng thời gian này để dọn mình chuẩn bị cho đại lễ Phục Sinh. Giống như Đức Giêsu và với Ngài, chúng ta cũng đi vào trong cô tịch của sa mạc để ở một mình với Đấng sẽ nói với tâm hồn chúng ta. Ở đó chúng ta sẽ nghe thấy tiếng Ngài trong thinh lặng và tĩnh lặng của tâm hồn.
Thế giới đang trải qua cơn thử thách lớn lao của đại dịch corona. Thiên Chúa muốn các quốc gia và dân tộc quay trở về với Ngài. Chúng ta không thể hiện hữu cũng không thể có được bình an, niềm vui, sức khỏe thật sự cũng như của cải lâu bền nếu không có Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và là Chúa chúng ta. Cầu cho thời gian thử thách này trở thành trường học để dạy chúng ta về sự cần thiết tuyệt đối phải tín thác vào Chúa, tôn vinh Ngài. Khi không nhận biết Thiên Chúa Cha và Đấng Tạo Dựng, nhân loại cố tự đặt mình làm trung tâm của thế giới. Cái cám dỗ thường hằng muốn xây dựng tháp Babel (cf. Stk 11,1-9), thờ lạy bò vàng (cf. Xh 32,1 tt.) ... thay thế cho Thiên Chúa, sẽ kết thúc bằng một thảm họa kinh hoàng.
Đây là thời gian chúng ta mở mắt ra để nhìn về Thiên Chúa, thức tỉnh và đọc thời điềm. Hôm nay, cũng như hôm qua, thế giới này thuộc về Thiên Chúa. Thế giới này là nhà khách chứ không phải nơi cư trú vĩnh viễn của chúng ta. Không có một thế giới không Thiên Chúa. Điều ấy cũng không tùy thuộc vào điều ta nghĩ thế nào hay nghĩ gì!
“Không phải là mười người được lành sạch sao, còn chín người kia đâu?” (Lc 17,11-19). Một trong mười người đã quay lại để nhìn nhận quyền năng Thiên Chúa, tỏ lòng biết ơn của mình. Ngày nay, có thể nói chúng ta được thịnh vượng, đầy đủ và độc lập, ta dễ dàng quên đi Thiên Chúa là Đấng tạo dựng; ta thờ lạy chính mình thay vì Thiên Chúa. Ta có khuynh hướng đặt mình ở trung tâm và xông hương chính mình. Sai lắm rồi! Ta đã phạm tội và tiếp tục rơi vào tội thờ lạy ngẫu tượng.
Bài đọc thứ nhất trong ngày thứ Tư Lễ Tro đã cho chúng ta một thoáng nhìn về cách tiếp cận và đối mặt với vấn đề phiền phức từ mọi phía. Đây là thời gian chúng ta phải quỳ gối xuống với bàn tay chắp lại để cầu cứu với Thiên Chúa. Không một quyền lực chính trị nào có thể thắng được Thiên Chúa, cũng không có thể tồn tại nếu Chúa không ở đó. Nếu chúng ta chối từ sự hiện diện của không khí mà chúng ta thở chỉ vì không thấy được nó thì không khí vẫn tiếp tục có đó. Chúng ta cũng đang làm điều gì đó giống như thế: ta nói rằng ta không nhìn thấy Thiên Chúa cũng không cần Ngài và rằng ta có thể tự lo liệu đời sống của chúng ta mà không có Ngài! Ngài gây phiền toái cho cuộc sống chúng ta. Chúng ta nghĩ rằng thật thoải mái khi sống mà không nhìn nhận Thiên Chúa và sự hiện diện của Ngài, cũng như hành động của Ngài trong đời sống của chúng ta, bất cần cả thế lực và vương quyền của Ngài nữa. Ta muốn thắng cả Thiên Chúa. Khi cố làm điều đó, chúng ta bị Thiên Chúa chinh phục qua sự đau khổ và đau đớn, dịch bệnh và thảm họa thiên nhiên. Chúng là những bài học có tính chữa trị để suy tư và thay đổi lối sống của chúng ta!
Mùa Chay là thời gian có tác động mạnh trong năm, mời gọi chúng ta cầu nguyện sốt sắng hơn, làm việc hy sinh, sám hối, bẻ bánh và chia sẻ với người nghèo khó nhiều hơn. Bẻ ra và chia sẻ chứ không phải cứ giữ lấy cho mình những của hay hư nát dường như chúng chẳng hề mất đi bao giờ, nhưng hãy bẻ ra và quảng đại chia sẻ cho ai thiếu thốn những nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Mùa Chay là thời gian suy nghĩ về tình yêu lớn lao của Thiên Chúa, được biểu lộ qua Đức Giêsu. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ”(cf. Ga 3,16-17); “ ... ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa …” (Ga 3,19).
Mùa Chay nói với chúng ta về Thập Giá, bằng chứng một tình yêu lớn lao được thể hiện trên Thập Giá. Cánh tay của Đức Giêsu giăng ra, đóng vào cây Thập Giá. Trong sách Xuất Hành (17,10-13), ta thấy ông Môisê ngồi trên hòn đá, các ông Aharôn và Khua đỡ lấy cánh ta ông trong cuộc chiến chống lại quân Amalếch. Bao lâu cánh tay Môisê còn giăng ra thì quân Israel thắng trận. Chúng ta cũng đang ở trong một cuộc chiến: cuộc chiến với chính mình, với ma quỷ và sự dữ trong thế giới. Đây là cuộc chiến thiêng liêng. Khác với cánh tay của ông Môisê được hai người đỡ lấy, cánh tay Đức Giêsu giăng ra và bị đóng vào Thập Giá, vì thế luôn luôn can thiệp với Chúa Cha cho nhân loại tội lỗi. “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
Mùa Chay mời gọi chúng ta hoán cải - metanoia, một lời mời gọi chuyển hướng đời sống tận căn sống, thay đổi thái độ. Đây là lời mời gọi chuyển tiếp từ cách nhìn, phán đoán và hành động của chúng ta sang cách nhìn của Thiên Chúa về mọi sự, cách phán đoán và hành động của chúng ta sang đường lối hành động của Thiên Chúa. Đây là điều tiềm ẩn trong lời mời gọi “hãy hoán cải” của Đức Giêsu. Thế nên Mùa Chay là thời gian để Đức Giêsu ngự trong tâm hồn, tâm trí và mắt nhìn.
Trong Mùa Chay, chay tịnh có một chiều kích mới. Việc ăn chay bao gồm cả ngũ quan, cũng như sự tự nguyện. Hơn nữa, ăn chay phải chống lại cả bảy mối tội đầu: Phẫn Nộ, Tham Lam, Đố Kỵ, Lười Biếng, Kiêu Ngạo, Mê Ăn Uống, và Ham Muốn. Trong thời gian đòi hỏi của Mùa Chay này, chúng ta phải chiến đấu với ba thù thiêng liêng: thế gian, ma quỷ và chính mình (sarx – xác thịt). Đồng thời, trái tim và tinh thần của Mùa Chay liên quan đến việc chia sẻ theo ba cách: bác ái, cầu nguyện và chay tịnh (cf. Mt 6,1-6, 16-18). Có cả niềm vui lẫn sự đau đớn: vui vì đức ái nội tâm của một tâm hồn hướng về Chúa và tha nhân; buồn vì sự thờ ơ mà ta gặp thấy nơi người ta muốn giúp đỡ. Tình yêu phải vượt qua những thử thách gắt gao của đau đớn và đau khổ. Ta phải kinh nghiệm sự đau đớn khổ nhọc khi sinh ra những linh hồn mới. Tình yêu cứu rỗi có thể gây buồn khổ nhưng đáng để kinh nghiệm. Đức Giêsu nói với Thánh Têrêsa Calcutta rằng: “Ơn gọi của con là yêu, chịu đau khổ và cứu các linh hồn”. Tình yêu ở đây trở thành tình yêu chịu đau khổ, tình yêu hy sinh, tình yêu lao nhọc. Ta kinh nghiệm được niềm vui vì một linh hồn mới được cứu chuộc qua tình yêu lao nhọc, qua tình yêu cứu rỗi.
Mùa Chay là thời gian hy vọng. Ngay cả khi mọi sự chung quanh trở nên đen tối, ta vẫn hy vọng. Mùa Chay là phương tiện hướng và dẫn ta đến Phục Sinh. Mùa Chay không Phục Sinh thì rất buồn. Hãy tưởng tượng Mùa Chay mà không có Chúa Nhật Phục Sinh. Chính Chúa Nhật Phục Sinh mới đem lại cho ta sức mạnh, lòng cam đảm và sức sống, định hướng thật sự và niềm vui trong đời sống cầu nguyện mỗi ngày, sự thống hối, hy sinh, khiêm hạ, và chỉnh đốn cách hiểu sai lạc. Mùa Chay giúp ta hiểu ý nghĩa Kitô giáo của sự đau khổ nơi con người. Đau khổ tự thân không phải là sự chấm hết. Nó là phương tiện cần thiết để cứu rỗi các linh hồn, một Salvifici Doloris – sự đau khổ cứu rỗi. Chính trong ý nghĩa này mà Thánh Gioan Phaolô II đã nói: “Đau khổ là một ơn gọi”, bởi vì nó có tính cứu rỗi; nó cứu rỗi chính ta và tha nhân. Cũng chính trong ý nghĩa này mà các Tông đồ khi rời khỏi Hội đồng Sanhedrin thì họ cảm thấy được niềm vui vì thấy mình chịu đau khổ xứng đáng vì danh Đức Giêsu (cf. Cv5,41). Không lấy gì ngạc nhiên khi Đức Giêsu đòi hỏi Thánh Têrêsa Calcutta và Dòng Thừa sai Bác ái phải “là nạn nhân của tình yêu Chúa, … phủ đầy sự nghèo khó của Thập Giá, sự vâng phục và bác ái của Thập Giá”. Không gì ngạc nhiên khi Đức Giêsu nói bà là hiền thê của Đức Giêsu bị đóng đinh. Ngài đòi hỏi bà dâng nhiều hy sinh hơn nữa, cười dịu dàng hơn nữa và cầu nguyện sốt sắng hơn nữa. Không gì ngạc nhiên khi Đức Giêsu bảo Thánh Têrêsa, MC, rằng “trong sự hiến tế mình, khi làm ngọn lửa của tình yêu Đức Giêsu giữa những người nghèo khó, họ sẽ được nhìn thấy Đức Giêsu, biết Ngài và mong muốn Ngài”. Vì thế, sự đau khổ và đau đớn, thập giá và gian lao là những phương tiện mạnh mẽ để nhìn thấy Đức Giêsu, như thế sẽ được cứu thoát và cứu chuộc.
Chúng ta phải nắm bắt những gì chính yếu trong đời sống. Thế giới hiện đại đang đau đớn và buồn sầu vì đã nắm lấy những gì là phù du và tạm bợ, trong khi vẫn thờ ơ với thực tại trọng yếu của Thiên Chúa. Với Ngài, ta có thể leo lên những đỉnh núi cao, đối mặt với thách đố và chiến thắng ma quỷ. Tôi muốn trích lại một suy tư hay của Thánh Phêrô Kim ngôn ở đây:
“Anh em thân mến, có ba việc giúp cho đức tin được đứng vững, lòng đạo được chắc chắn và nhân đức được bền bỉ. Ba việc đó là cầu nguyện, ăn chay và làm phúc. Cầu nguyện là gõ cửa, ăn chay là được nhậm lời, làm phúc là nhận lãnh. Cầu nguyện, ăn chay, làm phúc: ba việc ấy chỉ là một và bổ túc lẫn cho nhau.
Thật vậy, chay tịnh là linh hồn của cầu nguyện, và làm phúc là sự sống của chay tịnh. Đừng ai tách rời ba việc ấy, vì chúng không thể tách rời nhau được. Ai chỉ làm một trong ba, hay không làm đủ cả ba một trật, là chẳng làm gì hết. Vì thế, ai cầu nguyện thì cũng phải giữ chay, ai giữ chay thì cũng phải làm phúc. Ai cầu xin mà ao ước được Chúa nhậm lời thì phải nghe lời người khác xin mình. Ai không từ chối lắng nghe lời người khác xin thì dễ dàng được Chúa lắng nghe.
Người giữ chay phải tìm hiểu việc ăn chay. Ai mong ước được Thiên Chúa thông cảm điều mình đói khát, hãy thông cảm với người đang đói khát. Ai mong được thương xót, hãy thể hiện lòng thương xót. Ai kiếm tìm lòng tốt, hãy làm điều tốt. Ai muốn được người ta cho mình, thì hãy cho người khác. Người cầu xin cho mình điều chính mình đã từ chối người khác, quả là người bất lương.
Này bạn, bạn hãy trở nên mẫu mực về lòng thương xót. Nếu bạn muốn được thương xót như thế nào, bao nhiêu, mau lẹ chừng nào, thì chính bạn hãy thương xót người khác cách mau lẹ cũng chừng ấy và cũng một cách thế như vậy. Vì thế, cầu nguyện, làm phúc và ăn chay, cả ba việc họp lại thành một, vừa là lời bênh vực, vừa là lời biện hộ, vừa là lời cầu xin cho chúng ta theo ba hình thức” (Bài giảng 43; Kinh Sách, thứ Ba tuần III, Mùa Chay).
* Đồng sáng lập (với Mẹ Têrêsa) Dòng Các Anh em chiêm niệm Thừa sai Bác ái (Missionaries of Charity Contemplative Brothers)
(Osservatore Romano, ngày 13 tháng Ba 2020)
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
Tags:
Mùa Chay