MỘT ĐỀ XUẤT CỤ THỂ ĐỂ
TRỞ THÀNH “GIÁO HỘI TẠI GIA”
(Trong Đại Dịch Covid-19)
“Nhan Thiên Chúa cư ngụ trong các gia đình cụ thể, có thực chất, với mọi rắc rối và đấu tranh, mọi vui tươi và hy vọng hàng ngày của họ” (Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương 315).
Trong Giáo hội chúng ta có một kho tàng ẩn giấu: đó là Gia Đình. Thiên Chúa luôn đồng hành với mọi khủng hoảng của dân tộc Ngài bằng những thông điệp ngoại thường và dường như Ngài cũng thực hiện điều đó trước đại dịch này, một đại dịch dường như đang thúc ép chúng ta buộc phải lui về trong căn nhà của mình. Các cử hành tạm ngưng, nhiều nhà thờ đóng cửa và thật nguy hiểm khi đi đến nhà thờ. Chúng ta cảm thấy đơn độc, bị cách ly và chính trong sự cách ly này Chúa Thánh Thần nhắc nhớ chúng ta tái khám phá Bí tích Hôn nhân, nhờ vào những căn nhà của chúng ta, bởi sự hiện diện thường hằng của Chúa Kitô trong mối tương quan thánh hiến của vợ chồng, là một giáo hội nhỏ tại gia.
Thật vậy, trong các gia đình, vợ chồng đảm bảo cho sự hiện diện của Chúa Giêsu suốt 24 giờ trong ngày. Một chân lý mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh trong Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương “Chúa Kitô ‘đã gặp gỡ các đôi vợ chồng trong bí tích hôn nhân’ và ở lại với họ” (67). Chúa Giêsu không rời xa họ mà ở với họ, Ngài hiện diện diện trong gia đình họ, không chỉ những lúc họp mặt và cầu nguyện, mà mọi lúc.
Nhờ vào thực tế đó, chúng ta có thể làm cho thời gian đặc biệt này sinh hoa kết trái, giống như thời gian mà mỗi gia đình Kitô giáo có thể tái khám phá đó là: sự biểu lộ chân thật của mầu nhiệm, là Giáo hội giống như thân thể của Chúa Kitô. Quả vậy, các đôi vợ chồng “xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô và tạo lập một Giáo hội tại gia” (Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương, 67). Nơi nhiệm thể này, mỗi gia đình là một thành phần thiết yếu, được xây dựng khởi đi từ những hành động nhỏ hằng ngày, nơi có Chúa Giêsu hiện diện cách trường tồn.
Đây là thời gian thao luyện mà chúng ta đang dâng lên Thiên Chúa, hầu mong đánh bại đại họa này. Đây cũng là thời gian mà chúng ta đang sống trong sự chật chội tại nhà mình, và chúng ta tiếp tục được kêu gọi thực hành đức ái. Biết bao lần trong ngày, trong các giờ mà Chúa đã trao cho chúng ta cơ hội để chăm sóc con cái với sự dịu dàng, với sự kiên nhẫn đầy yêu thương của vợ chồng; để chúng ta bớt to tiếng khi tồn tại xung quanh chúng ta những bừa bộn, lộn xộn không mong đợi; để chúng ta giáo dục con cái biết dùng tốt thời gian kéo dài này ở nhà, dường như chưa từng trải qua như vậy; để chúng ta giáo dục con cái đối thoại bằng cách biết lắng nghe người khác, biết bình tĩnh nội tâm, biết tôn trọng người khác ngay cả khi họ làm trái ý mình. Đây là thời điểm để mỗi người chúng ta lớn lên, phải học cách quản lý nhịp sống từng ngày, khi chúng ta không còn bị chi phối bởi say mê công việc và việc quản lý gia đình. Thời điểm cho chúng ta có khả năng nhường chỗ cho người khác giữa những bức tường chật chội của mình. Trong góc độ mới mà trong đó chúng ta bị gạt bỏ, tuyệt vời biết mấy khi hai vợ chồng biết nhìn nhau và nói chuyện với nhau, lên kế hoạch chung cho một ngày sống, để ý thức rằng, giữa những bức tường trong gia đình còn có một sự hiện diện tuyệt vời nảy sinh từ mối quan hệ của họ: đó là Chúa Giêsu. Bởi vì đây không chỉ là thời gian thao luyện về nhân bản mà còn thao luyện về tâm linh. Đó là thời kỳ tiền rao giảng phúc âm, trong và nhờ những ngôi nhà, như thời các cộng đoàn kitô hữu tiên khởi, trong suốt thời gian đó, Thiên Chúa mời gọi chúng ta tập họp lại như một gia đình, và cùng nhau cầu nguyện xung quanh một ngọn nến sáng, để chúng ta nhớ rằng có một Đấng đang hiệp nhất chúng ta lại với nhau, và ngay cả trong tình trạng bất lực này, Ngài muốn chúng ta yêu thương nhau. Rồi đến lúc chúng ta sẽ được phép trở lại cử hành thánh lễ trong các nhà thờ để ý thức và để mạnh mẽ hơn về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
Do đó, chúng ta hãy cố gắng chấp nhận lời mời mà Thiên Chúa gửi đến chúng ta nơi căn nhà của mình: ngày Chúa nhật, chúng ta hãy tập họp lại, như một gia đình, để cử hành một cách trang trọng nhất phụng vụ tại gia như thường lệ, nhờ vào sự hiện diện của Chúa Giêsu, được thực hiện thông qua giữa những cử chỉ mà các vợ chồng dành cho nhau “các dấu hiệu của lòng yêu thương trong lịch sử cuộc sống của đôi vợ chồng, tất cả trở thành “liên tục bất tận của ngôn ngữ phụng vụ” và “cuộc sống lứa đôi, theo một nghĩa nào đó, trở thành phụng vụ” (Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương 215).
Cách thực hiện rất đơn giản, chúng ta có thể gặp nhau trong một căn phòng, đọc một Thánh vịnh ngợi khen, xin tha thứ cho nhau bằng một lời nói hay một cử chỉ giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái; đọc Tin Mừng của ngày Chúa Nhật, chia sẻ suy tư về những gì Lời Chúa đánh động mỗi người chúng ta, tự phát một lời nguyện cho những cần thiết của gia đình, cho những người chúng ta yêu thương, cho Giáo hội và thế giới. Cuối cùng, chúng ta phó thác gia đình chúng ta và các gia đình mà chúng ta biết trong sự chăm sóc của Mẹ Maria.
Tất cả các gia đình đều có thể thực hiện điều này, vì Chúa Giêsu đã nói: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20). Và tại sao chúng ta không thử hình thành một cộng đoàn, cầu nguyện vào ngày Chúa nhật với nhiều gia đình khác nữa, bằng cách tận dụng ưu thế của các công nghệ hiện đại, qua ứng dụng Skype, hoặc các hệ thống âm thanh hay video hội nghị khác? Đổi lại, chúng ta có thể để cho con cái đọc, hoặc xen kẽ tiếng nói của các cặp đôi và các gia đình khác đang kết nối.
Chúng ta hãy nhớ rằng, các đôi vợ chồng là dấu chỉ của mầu nhiệm Vượt Qua được cử hành trong mọi cử hành Thánh Thể (“Cặp vợ chồng, do đó, là một nhắc nhở thường xuyên để Giáo Hội nhớ tới điều đã diễn ra trên thập giá” - Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương 72). Họ là lời tiên tri, một lời loan báo được nhập thể vào đời sống thường nhật bằng những cử chỉ nhỏ nhoi, diễn tả hồng ân của bản thân, như Chúa Giêsu đã thực hiện. Chúng ta hãy tận dụng thời gian hơi kỳ lạ này để đón nhận và sống ơn của Thánh Thần trong gia đình của mình, tái khám phá kho tàng và ân sủng của giáo hội tại gia của chúng ta cùng với Chúa Giêsu, Đấng đang ngụ giữa chúng ta.
Tác giả: Đức Hồng Y Kevin Farrell – Tổng trưởng thánh bộ giáo dân, gia đình và sự sống.
Nguồn: Báo Osservatore Romano, số ra Anno CLX n.66 (48.390), ra ngày 22/3/2020, trang 8.
Chuyển ngữ: Phêrô Bùi Huy Ngọc
Tags:
Chia sẻ