Chuyện gì đã xảy ra trong những ngày này?
Trong khi Mùa Chay mời gọi chúng ta sống sự từ bỏ nội tâm để đón nhận sự sống của Đức Kitô thì cả thế giới oằn mình sợ hãi một con virus đang đe dọa chúng ta. Và chúng ta đã bị lấy mất điều là trung tâm, là cội nguồn và là đỉnh điểm của đời sống Kitô giáo: Thánh Lễ. Lại nữa, chúng ta cũng bị lấy mất cộng đoàn, một cộng đoàn mà Đức Kitô ngự đến mỗi Chúa Nhật và nói với chúng ta rằng: “Bình an ở cùng các con”, Đấng được nhận biết trong nghi thức bẻ bánh như là Chúa của sự sống chúng ta.
Không tụ họp ngày Chúa Nhật và như thế cũng không có Thánh Lễ, các tín hữu được mời gọi sống sự hiệp thông được gọi là bằng “lòng ao ước”. Từ lâu, Giáo Hội đã biết đến việc rước lễ thiêng liêng này. Đây là phương tiện ưu tiên để kết hiệp với Đức Kitô trong những tình huống không thể hiệp thông bằng thân xác như vì bệnh tật hay lớn tuổi, hoặc trong những hoàn cảnh đặc biệt ngăn cản sự hiệp thông với thân xác thánh thể của Đức Kitô.
Bị ảnh hưởng đầu tiên là cộng đoàn hội họp nhau.
Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, cộng đoàn bị ảnh hưởng đầu tiên. Quả thật, đó là điều hiển nhiên: không còn cộng đoàn hội họp, không cử hành Thánh Lễ, không tấm bánh được chia sẻ giữa các tín hữu, không rước lễ. Kinh nghiệm đau thương này – mà chúng ta sống mỗi Chúa Nhật trong thời gian này – đã làm cho chúng ta khám phá hoặc tái khám phá một điều trọng yếu: lòng ao ước hiệp thông của chúng ta phải luôn quay về tấm bánh được thánh hiến đã trở nên thân thể bí tích của Đức Kitô và về cộng đoàn, một hình thức khác của thân thể Đức Kitô là Giáo Hội, không thể tách rời nhau.
Ta hãy nhớ lại nghi thức hiệp lễ trong cử hành thánh lễ bắt đầu bằng Kinh Lạy Cha – ta luôn có thể cùng đọc với nhau qua điện thoại – rồi chúc bình an – cũng có thể bằng cùng một cách – và rồi kết hiệp với thân xác thánh thể của Đức Kitô bằng lòng ao ước.
Chúng ta biết rằng các Kitô hữu họp nhau ngày Chúa Nhật và như thế là biểu hiện của Giáo Hội. Khi không có hội họp ngày Chúa Nhật, chúng ta thật sự đau khổ, đau khổ vì không được gặp gỡ những người được rửa tội khác, và những tân tòng nữa, để cử hành Mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô.
Vào năm 304, các tử đạo thành Abitène, một thành phố nhỏ của Tunisie hiện nay, đã hoàn toàn hiểu rõ ý nghĩa thâm sâu của lời khẳng định đánh đổi cái chết của họ: “Sine dominico non possumus” – chúng tôi không thể sống mà không hội họp ngày Chúa Nhật.
Không hơn gì họ, chúng ta cũng không sống mà không hội họp ngày Chúa Nhật.
Vậy thì làm thế nào để đem lại ý nghĩa cho ngày Chúa Nhật của chúng ta khi không có cộng đoàn và thánh lễ?
Để đem lại ý nghĩa cho ngày Chúa Nhật không hội họp và thánh lễ, chúng ta được mời gọi kết hiệp cách khác với Đức Kitô, Đấng là Đầu của thân thể mình là Giáo Hội. Chúng ta tìm thấy tha nhân khi Ngài đến gặp gỡ chúng ta qua những phương tiện của Giáo Hội và Giáo Hội khẳng định rằng Đức Kitô hiện diện qua những phương tiện ấy: “Người hiện diện thiết thực trong lời của Người vì chính Người nói khi người ta đọc Thánh Kinh trong Giáo Hội. Sau hết Người hiện diện khi Giáo Hội khẩn cầu và hát Thánh Vịnh, như chính Người đã hứa: "Ðâu có hai, ba người nhân danh Thầy mà họp lại, Thầy sẽ ở giữa họ" (Mt 18,20)” (SC 7).
Dù chúng ta bị cô lập do hoàn cảnh, nhưng khi chúng ta bỏ thời gian để hiệp thông với các anh chị em mình cũng đang bị cô lập thì Đức Kitô lại nhập đoàn với chúng ta trong Lời của Ngài. Ngài ở đó khi chúng ta đọc Kinh Thần Vụ và khi chúng ta cầu cho “vinh danh Chúa và thế gian được rỗi” như trong thánh lễ.
Khi hiệp thông thiêng liêng với tha nhân, chúng ta được tụ họp qua Đức Kitô là Đấng làm cho chúng ta thành thân thể của Ngài. Chính khi ấy chúng ta có sự sống thánh thể, nghĩa là thánh lễ tạ ơn (ý nghĩa của từ “thánh lễ”, εὐχαριστία trong tiếng Hy Lạp), với hoặc không có bí tích thánh thể.
Chúng ta hiểu rằng hiệp thông thánh thể không bao giờ tách biệt với hiệp thông Giáo Hội. Chính trong toàn bộ này, christi fideles, mà chúng ta sống sự hiệp thông trọn vẹn với Đức Kitô, được hiện thực trọn vẹn trong Nước Trời. Đây không chỉ là ước muốn do hoàn cảnh thực tế hiện nay mà là ước muốn không ngừng được canh tân từ hai ngàn năm nay của Giáo Hội: “Lạy Chúa, xin hãy đến!”
Sống hiệp thông như thế nào?
Để báo hiệu thời gian hội họp cầu nguyện, dù bị những bức tường nhà ngăn cách, tại sao chúng ta không rung chuông nhà thờ hay các nhà thờ cùng một giờ? Đây sẽ là dấu hiệu dễ nhận biết cho các tín hữu bị chia cách vì dịch bệnh được hội họp lại với nhau trong cùng lời cầu nguyện mà Đức Kitô sẽ hiện diện với mỗi người cũng như giúp họ hiệp thông với nhau, đặc biệt với những người ở xa cách nhất. Sáng kiến này và rất nhiều ý tưởng khác sẽ giúp chúng ta tiếp tục thánh hóa ngày Chúa Nhật.
Đừng ngại tham khảo các trang web của giáo xứ, của giáo phận (http://gpquinhon.org chẳng hạn) để lớn lên trong đời sống thánh thể mọi ngày, hiệp thông với người khác.
(liturgie.catholique.fr)
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ý
Tags:
Chia sẻ