I. Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì?
Một hôm có một thanh niên giàu có đến gần Chúa Giêsu (x. Mc 10,17-22; Mt 19,16-22; Lời Chúa 18,18-23). Anh ta hỏi Chúa Giêsu: "Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?" Chúa Giêsu trả lời: "Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa. Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt; hãy thảo kính cha mẹ". Người ấy thưa: "Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ". Bấy giờ Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: "Ngươi chỉ thiếu một điều, là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta". Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. (Mc 10,17-22).
Chàng thanh niên ấy hỏi một câu hỏi rất hay. Tất cả các bạn trẻ đều hỏi những câu hỏi giống nhau về ý nghĩa cuộc đời: “Làm thế nào để tôi có thể hạnh phúc?”. Người trẻ luôn đặt những câu hỏi tìm hiểu về cuộc sống, cuộc sống trên trái đất này và cuối cùng là sự sống vĩnh cửu, dù họ có nhận thức được hay không. Chỉ trong Chúa Giêsu, Thầy nhân lành, người trẻ mới tìm được câu trả lời thỏa đáng. Những chàng trai và cô gái phải học được bài học đầu tiên này. Chỉ có Thiên Chúa mới thật sự cao trọng trong cuộc đời chúng ta. Nếu chúng ta có tất cả mọi thứ trên đời mà chúng ta không biết Chúa Giêsu và Cha của Người thì chúng ta chẳng còn gì có giá trị vĩnh cửu.
Tình cảm mà Chúa Giêsu dành cho chàng thanh niên trong đoạn Phúc Âm thật cảm động: “Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương” (Mc 10,21). Thật sự, Chúa âu yếm nhìn từng người trẻ, không loại trừ một ai. Bằng chứng của tình yêu ấy là Thập giá, vì từ Thập giá, ánh mắt yêu thương của Thiên Chúa chiếu đến một chiều sâu mới. Đây là điều Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II hy vọng cho giới trẻ: “Ước chi bạn cảm nghiệm được ánh nhìn như thế! Ước chi bạn cảm nghiệm được sự thật này là Chúa Giêsu Kitô nhìn bạn với tình yêu, tình yêu Giêsu. Ước chi từng người trong các bạn khám phá được ánh nhìn này của Chúa Kitô và cảm nghiệm được tình yêu ấy ở mức độ thẳm sâu nhất. Con người cần đến ánh mắt yêu thương này. Họ cần biết rằng họ được yêu, được yêu muôn thuở và đã được chọn từ muôn đời” (Thư gửi Người Trẻ, số 7). Chúa Giêsu nói với chàng thanh niên “Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương” (Mc 10,21).
Chúa Kitô cũng mời gọi người trẻ ngày nay như thế. Không có tiếng gọi nào lớn lao hơn và vinh dự hơn. Là môn đệ của Chúa Giêsu, là người Kitô hữu là đặc quyền lớn lao nhất và là việc dấn bước cao quý nhất.
II. Anh ta có nhiều của cải
Thật đáng buồn, chàng thanh niên vẫn bỏ đi mặc cho Chúa Giêsu yêu thương mời gọi. Có bao nhiêu bạn trẻ ngày nay đang tính bỏ Chúa Giêsu mà đi? Bao nhiêu bạn trẻ đã ra đi? Xã hội chúng ta đầy dẫy những khuôn mặt buồn bã, bối rối và đầy đau khổ. Đó là khuôn mặt của những người không biết đến ánh mắt đầy yêu thương của Chúa Giêsu. Tại sao thế? Vấn đề nằm sâu trong bản tính con người sa ngã. Vì các bạn trẻ cũng mang trong mình bản tính sa ngã ấy nên năng lực và sức mạnh đang phát triển vốn là đặc tính của tuổi trẻ lại tạo thành xung lực biểu lộ mình dưới những hình thức mới mang tính phá hoại. Nhóm từ “có quá nhiều của cải” có thể có nhiều mức độ ngữ nghĩa khác nhau. Ý nghĩa rõ ràng nhất là có tài sản vật chất kếch xù. Trong nền văn hóa Tây phương, trẻ con được học từ rất sớm rằng tiền bạc rất cần thiết cho hạnh phúc và niềm vui trong cuộc sống này. Khi trẻ lớn lên, niềm đam mê này tăng dần lên khi những thú vui trần tục khác như xe hơi đắt tiền, nhà đẹp, những kỳ nghỉ xa hoa và quần áo lộng lẫy được bày ra đầy quyến rũ trước mặt họ. Đối với nhiều bạn trẻ, “cuộc sống tốt đẹp” là giấc mơ duy nhất có tính thực tế.
Tuổi trẻ tự nó là một kho tàng vô giá, là “tài sản lớn lao”. Các bạn trẻ tinh tế trong lối sống và say mê những gì cuộc sống mang đến cho họ. Tuy nhiên họ có thể đánh giá sai tuổi trẻ của họ. Người trẻ có thể xem tuổi trẻ như thời kỳ để thỏa mãn những đam mê và khát vọng của họ. Thường thì họ bị thôi thúc sử dụng sự tự do, tiềm năng và sức mạnh mới có được theo những cách có hại cho đời sống thiêng liêng. Chẳng hạn họ sử dụng tình dục sai lạc, lạm dụng ma túy, rượu chè hay các hình thức giải trí khác. Thái độ của họ chẳng khác gì thái độ của đứa con hoang đàng phung phí hết của cải mà người cha đã chia cho anh vì tham vọng và đam mê của tuổi trẻ (x. Lc 15,11-13).
Một “tài sản lớn lao” khác lôi cuốn giới trẻ xa cách Chúa Giêsu là tương lai của họ. Nhiều bạn trẻ nghĩ rằng thời gian là tài sản dồi dào nhất của họ. Họ có một quãng đời dài trước mặt. Cái chết chỉ là một cái gì mơ hồ xa xăm trong tương lai dường như bất tận. Chính vì thế mà người trẻ có khuynh hướng bảo vệ tương lai của họ một cách ích kỷ. Họ không xem tương lai là cơ hội để sống Tin Mừng, nhưng là theo đuổi sự nghiệp và tìm thành công về vật chất. Hoặc có thể họ cảm thấy thôi thúc muốn tìm và cưới một người bạn đời thích hợp. Họ chạy theo tương lai và đánh giá các chọn lựa của mình chỉ qua viễn cảnh thế tục mà thôi.
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhắc nhở các bạn trẻ: “Kitô giáo dạy chúng ta hiểu biết về cuộc sống ở đời tạm này từ viễn tượng của vương quốc Thiên Chúa. Nếu không có sự sống vĩnh cửu thì cuộc sống ở đời này dù có phong phú hay phát triển cao về mọi phương diện thì cuối cùng cũng chẳng đem đến cho chúng ta điều gì ngoài cái chết mà thôi” (Thư gửi các bạn trẻ, số 5)
III. Đến với Bí tích Hòa giải
Khi các bạn trẻ đến với Bí tích Hòa giải, họ đến đối diện với mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa. Bí tích này giúp họ cảm nghiệm được sự tha thứ của Thiên Chúa trước tiên. Và đầy niềm hy vọng, họ sẽ đi đến chỗ cảm nghiệm được “cái nhìn đầy yêu thương” của Chúa Giêsu. Tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ như thế nào?
1. Các bạn trẻ cảm nghiệm được sự tự do phát sinh từ việc đặt tội lỗi của mình trong ánh sáng Chúa Kitô (x. Ga 3,20-21). Mọi thứ bên trong người trẻ có thể la lên: “Tôi không muốn đi xưng tội!”. Sự xung đột nội tâm như thế không phải chỉ người trẻ mới có. Bất cứ ai đem tội lỗi mình ra ánh sáng cũng có xung đột tương tự. Nói tội lỗi của mình ra làm cho bản tính sa ngã của chúng ta thấy khó chịu. Tuy nhiên, Bí tích Hòa Giải thúc đẩy tất cả chúng ta (kể cả các bạn tuổi mới lớn) đi vào trong ánh sáng chân lý của Chúa Kitô để cảm nghiệm được sự tha thứ của Người. Đối với người trẻ thì đây là cơ hội cảm nghiệm được sự tự do, thoát khỏi sự quấy nhiễu và rối trí do tội gây ra. Chắc chắn họ được chúc phúc nhờ được Chúa Thánh Thần tẩy sạch tội lỗi, nhờ đó tâm hồn được bình an. Lòng đầy niềm hy vọng, họ cảm nghiệm được thực tại mà Thánh Gioan mô tả: “Máu thánh của Chúa Giêsu con Thiên Chúa tẩy sạch tội lỗi chúng ta… Nếu chúng ta xưng thú tội lỗi thì Người là Đấng trung tín và công chính sẽ tha thứ tội lỗi chúng ta và thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính” (1Ga 1,7-9)
2. Bí tích Hòa Giải giúp các bạn trẻ hiểu rõ rằng họ chịu trách nhiệm về cuộc sống của họ, về cách họ suy nghĩ và hành động. Họ phải xét mình để xem những lời nói và hành động của họ đã làm tổn thương và xúc phạm đến người khác như thế nào. Họ phải xét xem đời sống của họ có phản ánh lề luật Thiên Chúa hay không. Bí tích Hòa Giải thúc ép họ nhìn nhận rằng họ không phải là những cá nhân tách biệt riêng lẻ, nhưng là những chi thể của Nhiệm thể Chúa Kitô và là thành phần của gia đình nhân loại. Tội lỗi của họ làm tổn thương Nhiệm thể ấy và làm ảnh hưởng đến sự toàn vẹn của những người khác. Bí tích Hòa Giải nhấn mạnh khía cạnh xã hội của tội lỗi và việc giao hòa.
3. Qua Bí tích Hòa Giải, Chúa Giêsu đổ tràn Chúa Thánh Thần xuống để ban sức mạnh cho người trẻ sống đời sống thánh thiện. Những lời Thánh Gioan nói với người trẻ có thể thành hiện thực. Ngài kêu gọi: “Hỡi các bạn trẻ, tôi viết cho anh em vì anh em đã thắng ác thần. Hỡi các bạn trẻ, tôi đã viết cho anh em vì anh em là những người mạnh mẽ, Lời Thiên Chúa ở lại trong anh em và anh em đã thắng ác thần” (1 Ga 2,13-14).
Qua những hành động của Chúa Giêsu, nhờ quyền năng Thánh Thần của Người, các bạn trẻ nam cũng như nữ có thể chiến thắng tội lỗi trong cuộc đời mình. Chúa Giêsu bẻ gãy xiềng xích mà Satan đã đặt lên người trẻ qua sự dục vọng của đôi mắt và sự cậy mình trong cuộc sống của họ (1 Ga 2,16). Chúng ta đừng coi thường hiệu quả thiêng liêng trong cuộc sống người trẻ nhờ việc họ năng lãnh nhận bí tích Giao Hòa.
4. Bằng việc lãnh nhận Bí Tích Giao Hòa, người trẻ mặc nhiên, nếu không phải là rõ ràng, tái cam kết gắn bó cuộc đời mình với Tin Mừng. Người trẻ nói: “Tôi muốn xa lánh tội lỗi. Tôi muốn cố gắng hết mình một lần nữa đề sống theo giới luật của Thiên Chúa. Tôi muốn sống dưới uy quyền của Ngài. Tôi khát khao quyền năng và sự sống của Thần Khí Chúa Giêsu hoạt động trong cuộc đời tôi”. Hiển nhiên là người trẻ, cũng như tất cả chúng ta, có thể sa ngã phạm tội nữa. Tuy nhiên, việc ăn năn hối cải luôn cần thiết cho đời sống thiêng liêng ngày càng tăng trưởng. Chúa Giêsu sẽ vui lòng khi chúng ta quay về, cam kết gắn bó đời mình với Người và với Tin Mừng của Người.
IV. Bản xét mình dành cho giới trẻ
1. Bổn phận đối với Thiên Chúa
Tôi có đi Lễ Chúa Nhật hay tôi chống đối, bướng bỉnh về việc tham dự Thánh Lễ?
Tôi có tích cực tham dự Thánh Lễ hay ngồi đó mơ màng?
Tôi có cầu nguyện hàng ngày không?
Tôi có đọc Kinh Thánh không?
Tôi có chống đối Thiên Chúa và các mệnh lệnh của Chúa không?
Tôi có dùng Danh Chúa mà thề thốt hay nguyền rủa không?
Tôi có thưa với Đức Chúa Cha rằng tôi yêu Ngài vì Ngài đã tạo nên tôi và cho tôi được làm con của Ngài không?
Tôi có cám ơn Chúa Giêsu vì Người đã làm người, chịu chết để chuộc tội cho tôi và đã phục sinh để ban cho tôi sự sống vĩnh cửu không?
Tôi có cầu xin Đức Chúa Thánh Thần giúp tôi chiến thắng tội lỗi và cám dỗ, giúp tôi vâng theo các lệnh truyền của Thiên Chúa không?
2. Bổn phận đối với người khác và với chính bản thân tôi:
Tôi có nổi loạn, không vâng lời hoặc không kính trọng cha mẹ, thầy giáo và những người có quyền trên tôi?
Tôi có nói dối hay đánh lừa cha mẹ và những người khác không?
Tôi có kiêu ngạo hay cứng đầu không?
Tôi có cãi lời cha mẹ và những người có quyền trên tôi không?
Tôi có giận dữ hay giữ trong lòng sự ác cảm hay giận ghét không? Tôi có từ chối tha thứ cho người khác không? Tôi có giữ lòng thù ghét không?
Tôi có những ý nghĩ dâm ô không? Tôi có nhìn người khác với lòng dâm ô không?
Tôi có đọc sách, truyện dâm ô hay xem phim ảnh dâm ô không?
Tôi có thủ dâm không?
Tôi có hôn ai một cách dâm ô hoặc sờ mó đụng chạm người khác với ý tà dâm không? Tôi có quan hệ tình dục không?
Tôi có phạm tội phá thai hay khuyến khích người khác phá thai không?
Tôi có nói hành nói xấu người khác không? Tôi có vu khống cho ai không? Tôi có nói dối về người khác không? Tôi có chế nhạo hoặc chọc ghẹo người khác không?
Tôi có nói dối hay lừa lọc không? Tôi có ăn cắp cái gì không? Tôi đã trả lại chưa?
Tôi có ích kỷ hoặc hằn học với người khác không? Tôi có ganh tỵ không?
Tôi có uống bia rượu say hay sử dụng ma túy không?
Tôi có tham gia vào những việc dị đoan như cầu cơ, bói toán, lên đồng, tử vi không?
Tôi có kiên nhẫn, hiền lành và tự chủ không?
Khi lương tâm tôi thúc đẩy tôi làm điều tốt, tôi đã làm hay tôi bỏ qua, không thực hiện?
Linh mục Thomas Weinandy
Gioan Lê Quang Vinh chuyển ngữ từ usccb.org
Nguồn: Truyền thông HĐGMVN
Tags:
Mùa Chay