Quả báo hay cuộc nổi loạn của thiên nhiên

QUẢ BÁO HAY CUỘC NỔI LOẠN CỦA THIÊN NHIÊN
(Dịch COVID-19 hay “Quả báo” trong viễn tượng LAUDATO SI’ và LỜI CHÚA)



“Thay vì thực thi vai trò của mình như là người cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo, con người lại tự đặt mình vào vị trí của Thiên Chúa và kết cục là kích động một cuộc nổi loạn của thiên nhiên” (LAUDATO SI’ 117)

Người ta đa phần đều chấp nhận thuyết “Nhân Quả”, tin cuộc đời có “Quả Báo” (Nhân quả - Báo ứng). Đạo Phật, Đạo Chúa, Đạo Cao Đài, Đạo Khổng…đều tin như thế, dù rằng các cách thuyên giải “nan đề” nầy không hẳn giống nhau! Cả những người từng vỗ ngực xưng mình là “vô thần thứ thiệt”, nhưng trước khi nhắm mắt xuôi tay đều di mệnh cho con cháu phải rước thầy tụng kinh gõ mõ, cầu siêu, xem giờ hậu sự, xem đất tử táng… để tránh “quả báo”! Đó là chưa kể, cả cái vùng đất được mệnh danh “văn hiến Trường An”, thấm nhuần hơn nửa thế kỷ “đạo đức Bác Hồ”, thuộc nằm lòng “triết lý Mác-Lê”, xem tín ngưỡng là bùa mê thuốc lú…, nhưng cứ mỗi mùa xuân đến, hàng hàng lớp lớp, giai nhân tài tử, đảng đoàn đủ hạng, công chức cán bộ, doanh nhân, đại gia…chen lẫn giẫm đạp đầy ngật các trung tâm lễ hội như chùa Hương, Đền Trần… để xin xăm, bốc quẻ, cúng dường…; thậm chí có người mang học vị kỷ sư, bác sĩ, tiến sĩ… cũng quỳ luỵ ở các chùa Bái Đính, Tam Chúc, Ba Vàng… để xin giải vong, hoặc hàng hàng lớp các “mệnh phụ của các quan chức cấp cao từ Bộ Chính Trị đến Uỷ viên Trung ương… chọn ngày lành tháng tốt, mồng một ngày rằm, lũ lượt tuôn đến thầy “Đồng Ngộ” ở tận Bình Định miền Trung, xin cầu an giải hạn, đoán mệnh tương lai hay cầu may phúc ẩm cho con đường thăng quan tiến chức!

Riêng những người “Đạo Chúa” thuộc lớp bình dân nơi các xứ đạo nhà quê, hễ cứ thấy ai đột nhiên mang “vạ gió tai bay”, nhất là những người khô khan nguội lạnh hay bỏ đạo, phản đạo…mà gặp phải tai ương hoạn nạn, thì cái câu cửa miệng phát ra đầu tiên để xét đoán đó là “Chúa phạt, Trời hành”! “Ăn ở như thế thì Chúa phạt nhãn tiền”…

Quan niệm một cách cực đoan và thiếu sự bình tâm để lý giải hiện tượng cách khách quan, khoa học, đôi lúc dẫn con người tới chỗ mê muội, hẹp hòi, cố chấp. Nhưng thái độ loại trừ mọi sự can thiệp của Thượng Đế, thần linh, ỷ lại sức mình…lại dẫn đến thái độ trịch thượng, cao ngạo, vô cảm.

I. MỘT THOÁNG “NHÂN QUẢ” (Theo viễn tượng Laudato Si’):

Trở lại với vấn đề “nhân quả”. Thật ra, với một “đầu óc và phán đoán bình thường” thôi, thì hầu hết nhân loại đều hiểu rằng: sự vận hành miên viễn của cả vũ trụ nầy không bao giờ là “ngẫu nhiên” bất chợt, hay “tự nhiên” theo một “quán tính” mù quáng, may nhờ rủi chịu…, nhưng được tính toán, sắp đặt một cách hoàn mỹ từ một “Đấng Toàn Năng”, theo một quy luật chính xác đến trăm phần trăm; vì nếu sự vận hành của cả vũ trụ nầy chỉ cần sai đi, lệch đi một phần ngàn, phần vạn thôi…thì e rằng mọi sự sẽ rơi vào hổn loạn, tiêu tán. Nói thế là nhằm để minh giải rằng: mọi biến thiên, vận hành, thành hoại … của vũ trụ, vạn vật, lịch sử, cuộc đời…đều được đan xen, tương tác bởi nhiều thành phần, nhân tố mà triết lý nhà Phật thường thuyên giải với các khái niệm “nhân, duyên, nghiệp, quả…”. (Xem thêm: Thích Thuận Ân. ẢNH HƯỞNG CỦA GIÁO LÝ NHÂN QUẢ TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HOÁ DÂN TỘC)[1]

Cho nên khi luận bàn về “Nhân Quả”, có thể nói được, là chạm đến các vấn đề về “tương quan”. Mà đây, không chỉ là những mối tương quan thuần lý tính, nhưng là các mối tương quan tự nhiên, như cách nhận định của Thái Minh Trung: “Nhân quả không phải là một khái niệm tôn giáo (dogma) mà là một quy luật thiên nhiên (natural law) ảnh hưởng thế giới nội tâm và thế giới vật chất. Nhân quả còn là một lực (force) gắn liền hai biến cố với nhau qua không gian và thời gian.”[2]

1. Nhân quả trong tương quan: người với vạn vật, thiên nhiên:   
       
Ngày nay, người ta nói rất nhiều tới hiện tượng “trái đất nóng lên”, “băng tan ở Bắc, Nam cực”, bầu khí quyển bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu [3], khan hiếm nguồn nước và đánh mất sự đa dạng sinh học[4], động đất, sóng thần, bão lũ, hạn hán, cháy rừng… đột biến gia tăng, mà căn nguyên một phần do chính con người; vâng, con người chính là thủ phạm, là tác nhân chính trong việc huỷ hoại môi sinh, làm mất sự cân bằng sinh thái…, như nhận xét chí lý của Đức đương kim Giáo Hoàng Phanxicô, trong Thông điệp về môi sinh Laudato Si’: “Người chị này giờ đây đang kêu khóc vì chúng ta đã tiêm nhiễm lên chị những mối nguy qua cách sử dụng vô trách nhiệm và lạm dụng của cải vật chất Thiên Chúa ban tặng. Chúng ta tự xem mình là chủ nhân của trái đất này và muốn bóc lột ra sao tùy ý. Bạo lực trong tâm hồn chúng ta do tội lỗi gây nên cũng phản chiếu trong những triệu chứng của bệnh tật nơi đất đai, nguồn nước, trong không khí và mọi dạng thức của sự sống. Đây là lý do vì sao mà chính trái đất, bị đè nặng và sử dụng lãng phí, lại là một trong số những người bị bỏ rơi và đối xử tàn tệ nhất trong số những người nghèo; chị đang “rên siết và quằn quại” (Rm 8,22).[5]

Cũng trong Thông điệp nầy, Đức Phanxicô đã nhắc lại những lời đanh thép của Đức Thượng Phụ Batôlômêô, khi vị Giáo chủ nầy xác nhận việc xúc phạm, huỷ hoại môi trường đó chính là tội ác chống lại con người và Thiên Chúa cần phải được thú nhận và hoán cải: “Vì con người... huỷ diệt sự đa dạng sinh thái của công trình do Thiên Chúa sáng tạo; vì con người làm suy giảm tính thống nhất của trái đất bằng việc tạo ra những biến đổi khí hậu, bằng việc tước khỏi trái đất những khu rừng thiên nhiên hoặc huỷ diệt những vùng đất ngập nước; vì con người làm ô nhiễm nguồn nước, đất đai, không khí và sự sống của trái đất – những điều này đều là tội lỗi”. Bởi lẽ “thực hiện một tội ác chống lại thế giới tự nhiên là một tội chống lại chính bản thân chúng ta và chống lại chính Thiên Chúa”.[6]

Trong lãnh vực hoá sinh cũng thế, nhiều loại virus mới xuất hiện (HIV, Sars, Ebola, Mers, Corona…), mang theo dịch bệnh lây lan khủng khiếp…cũng một phần do sự bừa bãi, bất cẩn, ô uế cùng với những tham vọng độc ác tìm kiếm những loại vũ khí sinh học tuyệt kỷ…. mà ra. Chúng ta tiếp tục lắng nghe nhận xét của Laudato Si’: “Chiến tranh luôn luôn gây ra sự nguy hại nghiêm trọng đối với môi trường và sự phong phú văn hoá của các dân tộc, những mối nguy sẽ càng kinh khủng khi người ta xét đến các loại vũ khí hạt nhân và các vũ khí sinh học. “Bất chấp những thoả thuận quốc tế đang ngăn cấm chiến tranh hoá học, vi sinh và sinh học, sự thật các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm vẫn tiếp tục phát triển những loại vũ khí tấn công mới có khả năng làm biến đổi sự quân bình của thiên nhiên”[7]. (Xem thêm bài viết mới nhất: Chính phủ Liên Bang Nga chính thức công bố: Virus viêm phổi Vũ Hán là “nhân tạo”[8]

Nói cách khác, lý giải bao hiện tượng “khốn đốn” của thế giới hôm nay dưới cái nhìn “nhân quả”, thì đó là “gieo gió” ắt “gặt bão”.

- Loài người càng chặt phá rừng, phủ trọc đồi xanh, xây nhiều đập thuỷ điện ngăn dòng chảy tự nhiên, xây dựng nhiều nhà máy tha hồ thải vào không gian khí thải carbonic, đô thị hoá và công nghiệp hoá bất kể chỉ vì lợi nhuận…, thì trái đất sẽ nóng lên, khí hậu biến đổi bất thường, lũ lụt, động đất, sóng thần sẽ gia tăng tàn phá…

- Loài người càng chạy theo lợi nhuận, ham kết quả nhiều và sẵn sàng dùng vô tội vạ các loại thuốc diệt cỏ, trừ sâu, kính thích tăng trưởng, biến đổi gen, các loại thuốc bảo quản, tàn sát động vật hoang dã để phục vụ những thú mê ăn uống quái dị… sẽ nhận lãnh những mầm bệnh quái ác, những loài vi khuẩn bất trị, sẽ tự đầu độc lẫn nhau ngay trên bàn cơm mỗi ngày, và dẫn tới cái chết với đủ loại dịch bệnh hoạn nan y …

- Loài người càng ăn ở lăng loàng, đam mê nhục dục trái tự nhiên, sử dụng bừa bãi các loại thuốc ngừa thai, phá thai, kích dục, các chất kích thích, ma tuý…sẽ tự giết mình và dẫn tới những hậu quả triệt tiêu nòi giống…(Xem thêm Laudato Si’ CHƯƠNG MỘT: ĐIỀU ĐANG XẢY RA CHO NGÔI NHÀ CHUNG CỦA CHÚNG TA).

Có thể tóm kết ý nghĩa và bài học về nhân quả trong tương quan với vạn vật thiên nhiên qua những lời giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong thông điệp Laudato Si’: “Tất cả các loài thụ tạo đều có liên hệ với nhau, mỗi loài phải được nuôi dưỡng bằng tình yêu và sự tôn trọng, vì tất cả chúng ta là những sinh vật sống lệ thuộc vào nhau.”[9]

2. Nhân quả trong tương quan: người với người:

Nhưng có một “quy luật nhân quả” khác mà con người hay cố tình né tránh hoặc bao biện với nhiều lý do để “cả vú lấp miệng em”. Đó là “nhân quả tinh thần”, một thứ “quy luật nhân quả” phát xuất từ tâm thức, từ trí óc và con tim của chính con người, và “tự vận hành” trong những mối tương quan giữa người với người. Đây chính là “cái bên trong” mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn nhấn mạnh: “Có lẽ không hữu ích nếu chỉ mô tả các triệu chứng bên ngoài mà không nhận biết nguồn gốc nhân bản của cuộc khủng hoảng sinh thái. Có một cách hiểu về đời sống và hoạt động của con người lệch lạc đến mức làm đổ nát nghiêm trọng thế giới xung quanh.”[10]

- Trong tương quan gia đình: Cha mẹ nào yêu thương con cái, làm tròn trách nhiệm trong việc chăm sóc giáo dục, nêu gương thiện toàn…thì sẽ có những đứa con tốt lành, hiếu đạo. Trái lại thì gia đạo tang hoang…

- Trong tương quan chính trị: chính quyền nào thương dân, tận tuỵ xả thân phục vụ cho công ích, mưu cầu hạnh phúc cho mọi người, luôn nêu gương liêm chính, lấy dân làm gốc trong mọi quốc kế dân sinh… thì toàn dân sẽ tâm phục, đất nước yên hoà, dân tâm một lòng một ý…Nếu làm trái lại thì đất nước băng hoại, lòng người xiêu tán, trên bảo dưới không nghe, hận thù phát sinh, oan khiên chồng chất…

- Trong tương quan xã hội: nhất là xã hội của thương trường, của kinh tế trong thời đại toàn cầu hoá, thì nguyên tắc “nhân quả” vẫn cần thiết tuyệt đối: công ty xí nghiệp nào làm ăn chơn chính, công bằng; kẻ điều hành, lãnh đạo có thiện tâm mưu cầu phúc lợi cho cộng đồng, người công nhân lao công có ý thức và  tinh thần trách nhiệm “là của chính mình”; thương hiệu luôn lấy chữ “tín” làm đầu, lợi nhuận là kết quả của nỗ lực và đồng cam cọng khổ sáng tạo…thì chắc chắn những công ty, xí nghiệp ấy sẽ phát triển bền vững. Nếu làm trái lại thì công ty, xí nghiệp một sớm một chiều sẽ phá sản, thất bại. Nếu có thành công thì chẳng qua chỉ là “chụp giật” may rủi…

- Tương quan tôn giáo, tín ngưỡng: cộng đồng tôn giáo tín ngưỡng nào có được mối hài hoà, tương kính giữa hàng ngủ chức sắc lãnh đạo với tín hữu, trên đạo cao đức trọng, dưới thuận thảo chân tình, tất cả cùng hướng thiện quy phục nẻo chính đường ngay của đạo pháp, phát huy giáo lý, nghiêm thủ giáo luật, cần chuyên đạo tràng, thực hành bác ái từ bi, thành tâm hoán cải tu tâm tích đức…thì cộng đồng tôn giáo đó sẽ như “cây lớn”, như “đất lành” để “chim đậu”. Nếu làm trái lại, cộng đồng tôn giáo, tín ngưỡng sẽ mai một, đạo hữu và cả người ngoài mất niềm tin, dẫn đến lãnh đạm, thờ ơ, chán ghét.

Chúng ta có thể lắng nghe những lời sau đây của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong thông điệp Laudato Si’ để rút ra kết luận cho những nội dung “nhân quả” trong tương quan con người vừa nêu: “Khi con người không tìm thấy vị trí thật sự của họ trong thế giới này, họ sẽ hiểu lầm chính họ và hành động chống lại chính bản thân: “Thiên Chúa không chỉ ban cho con người trái đất để sử dụng và tôn trọng mục đích tốt lành nguyên thuỷ của nó, nhưng con người còn là quà tặng của Thiên Chúa dành cho chính con người. Do đó, con người phải tôn trọng cấu trúc tự nhiên và luân lý đã được phú ban”[11]. (Xem thêm các bài bình luận của các tác giả sau:
- Linh mục Cao Gia An SJ: Chuyện đại dịch Corona - chuyện mắc dịch của lòng người.[12]
- Khuyết danh: Thống khổ lớn nhất của người Vũ Hán không phải trên thể xác, mà là ở tâm hồn.[13])

3. Nhân quả trong tương quan: người với Thượng Đế:
           
Với những người thấm nhuần chủ nghĩa vô thần, hoặc trong lý thuyết hoặc trong thực hành, thì khinh thường, dè bĩu “mối tương quan nhân quả” nầy; bởi chưng, đối với họ, Thượng Đế chỉ là một “khái niệm không tưởng”, một “phóng chiếu tâm lý” của những kẻ mê muội, vong thân. (Đọc thêm các khảo luận về chủ đề nầy theo lý luận của triết gia vô thần người Đức – Friederich Nietzsche: “Thượng Đế đã chết”; và nếu Ngài không chết thì “phải giết cho chết”[14]).
            
Còn hơn thế nữa, khi ý thức hệ vô thần lại được một đảng cầm quyền độc tài lựa chọn như chủ trương, như hệ thống lý luận cơ bản xuyên suốt, thì “niềm tin vào tâm linh”, vào Thượng Đế, vào những giá trị vĩnh hằng thiêng thánh, chẳng những bị bài xích, xuyên tạc, loại trừ, mà còn đề xuất những biện pháp đàn áp tàn bạo và khắc nghiệt, để củng cố việc “độc tôn” của ý thức hệ, như phát biểu của Giang Trạch Dân, trước ngày đàn áp Pháp Luân Công:

“Chủ nghĩa Mác-xít mà người cộng sản chúng ta có, chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa vô thần mà chúng ta tin không thể chiến thắng được những điều của Pháp Luân Công hay sao? Nếu đúng là như vậy, nó sẽ là một trò cười lớn có phải không?”[15]
           
Và sau đó... “Ngày 20/7/1999, Giang Trạch Dân huy động toàn bộ lực lượng vũ trang, quân đội tràn ra khắp Trung Quốc bắt bớ, tống giam, tra tấn và cưỡng bức người tu luyện Pháp Luân Công từ bỏ đức tin.”[16]

Nhưng, như sách Khôn ngoan trong Kinh Thánh Cựu Ước đã luận:

“Chúng suy tính như vậy thật sai lầm,
vì ác độc mà chúng ra mù quáng.
Chúng không biết những bí nhiệm của Thiên Chúa,
chẳng trông chờ người thánh thiện sẽ được thưởng công,
cũng không tin kẻ tinh tuyền sẽ được ân thưởng.” (Kn 2,21-22)

Và có lẽ không lời nào đanh thép hơn, dứt khoát hơn, là chính Lời của Thiên Chúa trực tiếp phán dạy dân Ít-ra-en qua vị lãnh tụ và nhà giải phóng Mô-sê, khi họ vừa chạm bờ rìa Đất Hứa: “Vậy hôm nay, anh em phải biết và để tâm suy niệm điều này: trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa. Anh em phải giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Người, mà hôm nay tôi truyền cho anh em; như vậy anh em và con cháu anh em sau này sẽ được hạnh phúc, và anh em sẽ được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, vĩnh viễn ban cho anh em." (Đnl 4,39-40)

Và một hậu quả tồi tệ sẽ ập đến nếu dân Ít-ra-en không trung tín:

“Nhưng nếu anh (em) không nghe tiếng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, không lo đem ra thực hành tất cả những mệnh lệnh và thánh chỉ của Người mà tôi truyền cho anh em hôm nay, thì những lời nguyền rủa sau đây sẽ đến với anh em và bao trùm anh em…ĐỨC CHÚA sẽ khiến anh em mắc tai hoạ, phải hoảng sợ, bị đe doạ, trong mọi công việc tay anh em làm, cho đến khi anh em bị tiêu diệt và mau lẹ biến mất, vì sự gian ác anh em làm khi lìa bỏ ĐỨC CHÚA. ĐỨC CHÚA sẽ cho ôn dịch bám vào anh em, cho đến khi nó tận diệt anh em, khiến anh em không còn trên đất anh em sắp vào chiếm hữu. ĐỨC CHÚA sẽ làm cho anh em bị suy mòn, nóng sốt, viêm, phỏng, bị hạn hán, và làm cho lúa mì bị úa vàng, bị sâu đục: các thứ đó sẽ theo sát anh em cho đến khi anh em biến mất….”. (Đnl 28,15.20-22)  

Trong những năm qua, thế giới đã nói nhiều về tình trạng “bách hại tôn giáo” và các sinh hoạt tâm linh của chính quyền độc tài Trung Cộng: Phật giáo của Tây Tạng, Hồi giáo của người Duy Ngô Nhĩ, các Giáo Hội Kitô (Công Giáo, Tin Lành), Pháp Luân Công…; ngay trong những ngày nầy đang xảy ra đâu đó trên nhiều vùng miền đất nước Trung quốc những giọt nước mắt uất nghẹn của các tín hữu mà nhà thờ và thánh giá của họ bị phá đổ, các vị chủ chăn của họ bị đánh đuổi khỏi nơi thờ tự để lang thang màn trời chiếu đất, họ bị nhốt trong những nhà tù khắc nghiệt, họ bị phân biệt đối xử, trù dập, đố kỵ và bỏ rơi chỉ vì một lý do duy nhất: tôn thờ Thiên Chúa và trung thành với đức tin của mình…

Với cái tội “đất không dung trời không tha” đó, là sao không lãnh nhận “quả báo”.

Đây cũng chính là điều được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tái khẳng định trong Thông điệp Laudato Si’: Một khi con người tuyên bố độc lập khỏi thực tại và hành xử bằng sự thống trị tuyệt đối, các nền tảng chính yếu của cuộc sống bắt đầu suy sụp, “thay vì thực thi vai trò của mình như là người cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo, con người lại tự đặt mình vào vị trí của Thiên Chúa và kết cục là kích động một cuộc nổi loạn của thiên nhiên”[17]

II. QUẢ BÁO THUỘC VỀ AI (Theo viễn tương Kinh Thánh).

Thế giới trong những ngày nầy tràn ngập các thông tin, cảnh báo, nhận định, phê bình về một sự kiện thời sự rất nóng: DỊCH COVID-19, hay dịch “viêm dường hô hấp cấp do virus corona mới (nCoV), cùng với những cuộc “truy lùng” sự xuất hiện của con virus độc hại qua đủ thứ thuyết minh, luận giải, vừa trong viễn kiến khoa học, vừa theo các “thuyết âm mưu”.    

Trong bài tham luận nhỏ nầy, chỉ xin được chia sẻ một góc nhìn về khía cạnh “nhân quả của dịch bệnh” trong ý nghĩa đức tin và dưới ánh sáng của Lời Chúa.

1. Cựu ước: quả báo thuộc về các nhà lãnh đạo vì cố chấp và kiêu căng trước Thiên Chúa.
           
Thật vậy, xin đan cử hai bằng chứng Kinh Thánh qua hai nhà lãnh đạo lừng danh của thời Cựu Ước: Vua Pha-ra-ô của vương quốc Ai Cập thời Xuất Hành và Vua Đa-vít của vương quốc Ít-ra-en thời quân chủ cường thịnh. Chính qua những quyết sách, chủ trương của những ông vua nầy mà toàn dân phải lãnh “quả báo”. Nói cách khác, quả báo trước tiên, thuộc về những nhà lãnh đạo.

1.1. Vua Pha-ra-ô nhận “quả báo” vì cố chấp trước ý định và chương trình của Thiên Chúa:

- Xh 1,8-11: Thời ấy có một vua mới lên trị vì nước Ai-cập, vua này không biết ông Giu-se. Vua nói với dân mình: "Này đám dân con cái Ít-ra-en đông đúc và hùng mạnh hơn chúng ta. Chúng ta hãy dùng những biện pháp khôn ngoan đối với dân đó, đừng để chúng nên đông đúc, kẻo khi có chiến tranh, chúng hùa với địch mà đánh lại chúng ta, rồi ra khỏi xứ." Người ta bèn đặt lên đầu lên cổ họ những viên đốc công, để hành hạ họ bằng những việc khổ sai; họ phải xây cho Pha-ra-ô các thành làm kho lương thực là Pi-thôm và Ram-xết.

- Xh 9,1-7: ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê: "Hãy đến với Pha-ra-ô và nói với vua: ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của người Híp-ri, phán thế này: Hãy thả dân Ta ra, để chúng đi thờ phượng Ta. Nếu ngươi không chịu thả cho chúng đi, mà cứ cầm giữ lại, thì này tay của ĐỨC CHÚA sẽ giáng ôn dịch rất nặng xuống trên súc vật của ngươi ở ngoài đồng, trên ngựa, lừa, lạc đà, bò bê và chiên cừu. ĐỨC CHÚA sẽ đối xử với súc vật của Ít-ra-en khác súc vật của Ai-cập, và không có gì thuộc về con cái Ít-ra-en sẽ phải chết." Và ĐỨC CHÚA ấn định thời gian, Người phán: "Ngày mai, ĐỨC CHÚA sẽ làm điều ấy trong xứ." Ngay hôm sau, ĐỨC CHÚA làm điều ấy: tất cả súc vật của người Ai-cập đều chết, còn trong đàn súc vật của con cái Ít-ra-en, thì không con nào chết cả. Pha-ra-ô sai người đi xem, thì này trong đàn súc vật của Ít-ra-en, không con nào chết cả. Nhưng lòng Pha-ra-ô đã ra nặng nề cứng cỏi; vua không thả cho dân đi.

- Xh 10, 1.4-6: ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê: "Ta sẽ giáng một tai ương nữa xuống Pha-ra-ô và Ai-cập. Sau đó, vua ấy sẽ thả các ngươi ra khỏi đây. … Ông Mô-sê nói: "ĐỨC CHÚA phán thế này: vào quãng nửa đêm, Ta sẽ rảo khắp Ai-cập. Mọi con đầu lòng trong đất Ai-cập sẽ phải chết, từ con đầu lòng của vị Pha-ra-ô đang ngồi trên ngai báu, đến con đầu lòng của đứa đầy tớ gái ngồi sau cối xay, đến mọi con đầu lòng của loài vật. Trong khắp đất Ai-cập, sẽ vang lên tiếng kêu la như chưa từng có và không bao giờ có nữa.

1.2. Vua Đa-vít nhận “quả báo” vì thái độ kiêu căng muốn loại trừ uy quyền của Chúa:

- 2 Sm 24, 10-17: Vua Đa-vít áy náy trong lòng sau khi đã kiểm tra dân số như vậy. Vua Đa-vít thưa cùng ĐỨC CHÚA: "Con đã phạm tội nặng khi làm như thế. Giờ đây, lạy ĐỨC CHÚA, xin bỏ qua lỗi lầm của tôi tớ Ngài, vì con đã hành động rất ngu xuẩn." Sáng hôm sau, khi vua Đa-vít dậy, đã có lời ĐỨC CHÚA phán với ngôn sứ Gát, thầy chiêm của vua Đa-vít, rằng: "Hãy đi nói với Đa-vít: ĐỨC CHÚA phán thế này: "Ta đưa ra cho ngươi ba điều. Ngươi hãy chọn lấy một trong ba, và Ta sẽ thực hiện cho ngươi." Vậy ông Gát đến gặp vua Đa-vít, báo cho vua và nói: "Ngài muốn điều gì xảy ra: hoặc bảy năm đói trong toàn nước ngài, hoặc ba tháng chạy trốn trước mặt kẻ thù đuổi theo ngài, hoặc ba ngày ôn dịch? Bây giờ xin ngài suy nghĩ xem tôi phải trả lời thế nào cho Đấng đã sai tôi." Vua Đa-vít nói với ông Gát: "Tôi lâm vào cảnh rất ngặt nghèo. Thà chúng ta sa vào tay ĐỨC CHÚA còn hơn, vì lòng thương của Người bao la, nhưng ước chi tôi đừng sa vào tay người phàm! " ĐỨC CHÚA giáng ôn dịch xuống Ít-ra-en từ sáng hôm đó cho đến lúc đã định, và từ Đan tới Bơ-e Se-va, có bảy mươi ngàn người trong dân đã chết. Thiên sứ đưa tay về phía Giê-ru-sa-lem để tàn phá thành, nhưng ĐỨC CHÚA hối tiếc vì tai hoạ đó, và Người bảo thiên sứ có nhiệm vụ tiêu diệt dân: "Đủ rồi! Bây giờ rút tay lại." Thiên sứ của ĐỨC CHÚA đang ở gần sân lúa của ông A-rau-na, người Giơ-vút. Vua Đa-vít thưa với ĐỨC CHÚA, khi thấy thiên sứ có nhiệm vụ đánh phạt dân, ông nói: "Ngài coi, chính con đã phạm tội, chính con có lỗi; nhưng đàn chiên đó đã làm gì? Xin tay Ngài cứ đè trên con và nhà cha con! "

Không phải chỉ trong Kinh Thánh mới cho thấy vai trò và trách nhiệm của các nhà lãnh đạo trong sự an sinh cũng như trong các tai ương hoạn nạn của dân chúng. Lịch sử của nhân loại muôn nơi muôn thuở đã chứng minh rành rành: chính những người được cắt đặt (hoặc tự cướp) quyền cai trị, làm cha mẹ con dân, thường rất nhiều trong số đó, đã mang đến tai ương khôn lường, những “đại dịch hận thù” cho nhân loại: Thế giới điêu linh với trên dưới 60 triệu người bị tiêu diệt trong thế chiến 2 nào chẳng phải do đầu óc ngông cuồng của một Hiler?. Chính Mao Trạch Đông, trong suốt thời gian cai trị với Đảng Cọng sản độc tài của ông đã nướng trọn cũng khoảng bấy nhiêu triệu người Trung quốc. Lê-Nin, Stalin đã tiêu diệt không thương tiếc bao nhiêu triệu người Slaves trên con đường thực thi cách mạng Bônsêvich tại Liên Sô. Một dân tộc bé nhỏ như Campuchia chỉ với mấy triệu dân mà trong thời cách mạng vô sản của Pônpốt hơn hai triệu công dân đã bị tàn sát…

Cũng trong ý nghĩa đó, linh mục Cao Gia An đã có những nhận định thật xác đáng về cơn đại dịch “Corona Vũ Hán”:
“Như thế, thất bại của những người có trách nhiệm trực tiếp trong cơn đại dịch Corona thật ra không phải chỉ là thất bại của một đường lối chính trị hay một chiến lược quản trị. Đúng hơn và sâu xa hơn, đó là thất bại của một nền luân lý đã không đặt giá trị sinh mạng con người ở mức tối thượng. Đó là thất bại của một thể chế đã không thực sự xem dân là gốc. Bất cứ một thể chế nào cũng phải xây dựng trên lòng dân và giá trị của người dân. Khi mạng sống người dân có nguy cơ bị xem như cỏ rác, làm gì có thể chế nào bền vững trên đống cỏ rác!”[18]

2. Tân ước: quả báo để con người hoán cải và suy phục Thiên Chúa.

Vào thời Chúa Giêsu, Tin Mừng không cho thấy có những trận đại dịch; tuy nhiên, tai ương, hoạn nạn, và nhất là bệnh tật đủ loại thì nhan nhản. Chúng ta thử đan cử hai trường hợp khi đối diện với tật bệnh và tai ương hoạn nạn của chính Chúa Giêsu:

- Ga 9,1-3: Đi ngang qua, Đức Giê-su nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. Các môn đệ hỏi Người: "Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta? " Đức Giê-su trả lời: "Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh.”

- Lc 13,1-5: Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Đức Giê-su đáp lại rằng: "Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy."

Qua hai trích đoạn Tin Mừng trên, chúng ta có thể đọc thấy thái độ và giáo huấn của Chúa Giêsu khi đối diện với tật bệnh, tai ương hoạn nạn. Trước hết, Chúa Giêsu luôn tỏ lòng thương xót đối với những ai đang mang tật bệnh và đã biểu lộ lòng thương xót cũng như quyền năng khi dùng các dấu lạ chữa lành. Tật bệnh đối với Ngài trở thành cơ hội, phương thế để con người ý thức thân phận nghèo hèn túng quẩn…mà hướng về Chúa với tâm tình và thái độ phó thác tin yêu. Trong khi đó, trước các tai ương hoạn nạn xảy ra, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy nhìn vào đó như dấu chỉ để lắng nghe tiếng gọi của Thiên Chúa mà hoán cải trở về.

Nếu đặt cơn đại dịch “COVID-19” đang diễn ra trong những ngày này trong viễn tượng “hoán cải” mà chúng ta vừa chia sẻ, có lẽ những nhà lãnh đạo thế giới, đạo cũng như đời, nhất là những người đang cầm nguyền tại Trung Quốc, cần học thái độ và cách hành xử của vua Đa-vít trong kỳ đại dịch tàn phá đất nước Ít-ra-en gần 3000 năm trước; hay vào thời thế kỷ 14 Trung cổ, bắt chước cách hành xử của vua Edward III của vương quốc Anh và một số người thuộc các tôn giáo khi đối diện với cơn đại dịch “Cái Chết Đen”[19]:

“Một số người, như vua Anh Edward III, quay sang ăn chay và cầu nguyện, và Edward đề nghị các Giám Mục của ông cũng làm theo. Những sổ tay tiêng Á Rập viết vào khoảng 1350 chỉ dẫn các tín hữu Hồi Giáo làm tương tự, khuyên họ rằng đọc một bài kinh cụ thể 11 lần sẽ có ích, và rằng ca vang những bài liên quan tới cuộc đời Muhammad sẽ giúp bảo vệ họ khỏi nhọt dịch hạch. Ở Rome, những lễ rước nghiêm trang được tổ chức nơi những người sám hối và sợ hải đi chân trần, mặc áo tang, tự lấy roi đánh mình để cho thấy sự ăn năn tội lỗi của họ”[20]

Kết:

Trước cơ đại dịch “COVID-19” đang trong những ngày đĩnh điểm gây nhiều hoang mang lo sợ cho cả thế giới nầy, không còn là chuyện đổ thừa “quả báo thuộc về ai”, mà điều cần thiết là cùng nhau lựa chọn một thái độ và cách hành xử thích hợp, cần thiết, đầy đạo đức và nhân bản, để giúp nhau khắc phục và tồn tại. Riêng, đối với những người có trách nhiệm lớn lao trong việc chăm lo cho đời sống của con người, của các công dân thuộc quyền, cần phải hết sức khôn ngoan, tỉnh táo, thành tâm và khiêm nhượng, lựa chọn những phương án tối ưu trên hợp ý Trời, dưới hợp lòng dân”. Có như thế, cho dù có hy sinh, có phải gánh chịu những thiệt hại, thì vẫn đem lại thiện ích cho nhiều người, không chỉ thế hệ hôm nay mà còn cho các thế hệ mai sau, như cách hành xử của làng Eyam miền Bắc nước Anh đối diện với nạn dịch “Cái chết đen” vào thế kỷ 14 mà lời khuyên của vị linh mục vẫn còn lưu lại: “Không ai trong chúng ta biết rằng dân phía bắc có nhiễm bệnh hay không. Nếu đã nhiễm bệnh, dù chạy trốn hay không đều phải chết, thoát khỏi nơi đây nhất định sẽ làm nhiều người hơn nữa bị lây nhiễm. Xin mọi người hãy ở lại, mang sự thiện lương của chúng ta truyền tới đời sau, để các thế hệ tương lai được ban phước lành, nhân họa đắc phúc”.[21]


[1] THÍCH THUẬN ÂN. Ảnh hưởng của giáo lý Nhân Quả trong đời sống văn hoá dân tộc. Nguồn: Trang mạng Thư viện Hoa Sen. Link: https://thuvienhoasen.org/a14323/anh-huong-cua-giao-ly-nhan-qua-trong-doi-song-van-hoa-dan-toc
[2] THÁI MINH TRUNG. Luật Nhân Quả trong cuộc sống xã hội và khoa học. Nguồn: Trang mạng: Phật pháp ứng dụng. Link: https://phatphapungdung.com/luat-nhan-qua-trong-cuoc-song-xa-hoi-va-khoa-hoc-138165.html
[3] ĐGH PHANXICO, LAUDATO SI’, Thông điệp về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Chuyển ngữ: Uỷ Ban Bác ái xã hội – Caritas Việt Nam. CHƯƠNG MỘT, PHẦN I. Ô nhiễm và biến đổi khí hậu. Số 20-26, tr. 18-23.
[4] Ibid. PHẦN II. Vấn đề về nước; PHẦN III. Đánh mất sự đa dạng sinh học. Số 27-42, tr. 23-31.
[5] Ibid. PHẦN DẪN NHẬP. Số 2, tr. 5.
[6] Ibid. Số 8, tr. 10.
[7] Ibid. PHẦN VI. PHẢN ỨNG YẾU ỚT. Số 57, tr. 40-41.
[8] HẢI TRIỀU: Chính phủ Liên Bang Nga chính thức công bố: Virus viêm phổi Vũ Hán là “nhân tạo”. Nguồn:
https://tinhhoa.net/chinh-phu-lien-bang-nga-chinh-thuc-cong-bo-virus-viem-phoi-vu-han-la-virus-duoc-tai-to-hop.html
[9] Ibid. CHƯƠNG MỘT, PHẦN III. Số 42, tr. 31.
[10] Ibid. CHƯƠNG BA. NGUỒN GỐC NHÂN BẢN CỦA CUỘC KHỦNG HOẢNG SINH THÁI. Số 101, tr. 71.
[11] Ibid. CHƯƠNG BA, PHẦN III: KHỦNG HOẢNG VÀ NHỮNG ẢNH HƯỞNG CỦA CHỦ THUYẾT HIỆN ĐẠI CON NGƯỜI LÀ TRUNG TÂM (ANTHROPOCENTRISM). Số 115, tr. 80-81.
[12] CAO GIA AN S.J. Chuyện đại dịch Corona - chuyện mắc dịch của lòng người. Nguồn: Trang Vatican news. Link: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2020-02/chuyen-dai-dich-corona-chuyen-mac-dich-cua-long-nguoi.html
[13] KHUYẾT DANH: Thống khổ lớn nhất của người Vũ Hán không phải trên thể xác, mà là ở tâm hồnĐăng lại từ Facebook Pham Thi Thuy, do Facebook Vũ Thế Minh dẫn lại. Tựa bài do TTVN đặt. Vui lòng xem bài dẫn lại tại đây.
[14] ĐINH VĂN TRỌNG S.J. Tư tưởng của Friedrich Nietzsche phá đổ hay xây dựng tôn giáo?. Nguồn:
https://sjjs.edu.vn/blog/2017/12/24/tu-tuong-cua-friedrich-nietzsche-pha-do-hay-xay-dung-ton-giao/
HỒNG LIÊN. Tà không thể thắng chính: Cuộc bức hại Pháp Luân Công cuối cùng cũng đang đến hồi kết. Nguồn: Trang mạng TINH HOA. Link:
[16] Ibid.
[17] ĐGH PHANXICO, LAUDATO SI’, Thông điệp về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Chuyển ngữ: Uỷ Ban Bác ái xã hội – Caritas Việt Nam. CHƯƠNG III, PHẦN III. KHỦNG HOẢNG VÀ NHỮNG ẢNH HƯỞNG CỦA CHỦ THUYẾT HIỆN ĐẠI CON NGƯỜI LÀ TRUNG TÂM. Số 117, tr. 82.
[18] CAO GIA AN S.J. Chuyện đại dịch Corona - chuyện mắc dịch của lòng người. Nguồn: Trang Vatican news. Link: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2020-02/chuyen-dai-dich-corona-chuyen-mac-dich-cua-long-nguoi.html
[19] PETER FRANCOPAN, The Silk road, a new history of the world. Những con đường tơ lụa, một lịch sử mới về thế giới. Trần Trọng Hải Minh dịch và Huỳnh Hoa hiệu đính. NXB. Đà Nẵng 2019. PHẦN 10: CON ĐƯỜNG CỦA CÁI CHẾT VÀ SỰ HUỶ DIỆT. Tr. 310-352.
[20] Ibid. Tr. 333.
[21] KHUYẾT DANH: Thống khổ lớn nhất của người Vũ Hán không phải trên thể xác, mà là ở tâm hồnĐăng lại từ Facebook Pham Thi Thuy, do Facebook Vũ Thế Minh dẫn lại. Tựa bài do TTVN đặt. Vui lòng xem bài dẫn lại tại đây.
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Trương Đình Hiền
Mới hơn Cũ hơn