SUY NIỆM LỜI CHÚA CHÚA NHẬT VII TN A 2020
Văn chương tiểu thuyết kiếp hiệp của Tàu, có thể nói được, hầu hết xoay quanh chủ đề “oán thù”, ân oán thù hận. Oán thù giữa môn phái nầy với môn phái khác, giữa dòng tộc nầy với dòng tộc khác, giữa dân miền nầy với dân miền khác, giữa cá nhân nầy với cá nhân khác…đan xen, vướng vít, tồn tại miên viễn qua các loại thù: “tình ái thù” (Đinh Điển- Lăng Sương Hoa trong Liên Thành quyết), “phụ mẫu thù” (Quách Tĩnh-Dương Khang trong Anh hùng Xạ điêu), “sĩ diện thù” (Chu chỉ Nhược trong Cô gái Đồ Long), “quyền lực thù” (Nhạc Bất Quần-Đông phương Bất bại trong Tiếu ngạo giang hồ), “phu thê thù” (Tiêu Viễn Sơn trong Thiên Long bát bộ hay còn có tên khác là Lục Mạch thần kiếm)…
Dưới ngòi bút đầy tính nhân văn của cố đại văn hào Kim Dung, oán thù chỉ được hoá giải qua những mối tình si của các “cặp đôi” mà mỗi người thuộc một phe đối nghịch thâm thù. Vâng, chính nhờ những mối tình bất chấp mọi trái ngang, vượt qua mọi thù oán của họ mà cái gút của hận thù oan khúc mới được hoá giải: Hoàng Dung và Quách Tỉnh, Nhậm Doanh Doanh và Lệnh Hồ Xung, Triệu Mẫn (Minh) và Trương Vô Kỵ…; và có lẽ một dấu chỉ, một hình tượng bi tráng và ấn tượng nhất để thuyết minh cho luận đề “tình yêu hoá giải hận thù” đó chính là cô hiệp nữ hiền diệu A Châu sẵn sàng dùng thân mình đón nhận phát chưởng ngộ nhận của người yêu Tiêu Phong (Kiều Phong), lấy cái chết để hoá giải mối thâm thù dòng tộc; và sau đó, tại Nhạn Môn quan, chính Tiêu Phong bẻ tên đâm ngực tự vẫn để Liêu quốc và Trung Nguyên dừng cơn huyết hận… (Thiên Long bát bộ).
Ý nghĩa và hình tượng của những mối tình ở “đôi bờ thù oán” trên nơi tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung phương Đông, chúng ta lại gặp thấy một cặp đôi đầy ấn tượng dưới ngòi bút của văn hào người Anh Shakespeare qua tác phẩm bi hùng kịch lừng danh Romeo-Juliette. Vâng, chỉ sau cái chết đầy oan nghiệt của đôi bạn trẻ yêu nhau nầy mà hai dòng họ không đội trời chung Montague và Capulet cùng sắp hàng theo sau hai chiếc áo quan để cùng tiến vào Thánh đường hiệp dâng Thánh lễ…
Nhưng chuyện hận thù, oan khúc đâu phải chỉ là chuyện của ngày xưa hay trong tiểu thuyết, mà là chuyện xảy ra hằng ngày như cơm bữa trong xã hội chúng ta hôm nay: Vợ giết chồng, người yêu đâm chết người yêu, cha giết con, cháu hại ông bà, bạn bè thanh toán lẫn nhau…Trên bình diện quốc gia và quốc tế cũng chẳng khá hơn gì: hận thù tôn giáo, sắc tộc, tranh chấp đất đai, quyền lợi kinh tế…đã làm dấy lên ngọn lửa oán thù, bạo lực chiến tranh liên miên hết nơi nầy đế nơi khác, thời nầy đến thời nọ. Cái chết oan khúc của cụ Lê Đình Kình mới đây trong “biến nạn Đồng Tâm” là một thí dụ điển hình !
Quả đúng như Cicéron diễn giả Lamã đã từng nói: “Con người là kẻ thù khủng khiếp nhất của chính mình”. Và rồi thù oán mang theo oán thù. Oan oan tương báo. Cái vòng lẫn quẫn “oán thù” sẽ trói buộc con người trong nổi bất an và bất hạnh triền miên. Đức Khổng Tử cũng đã từng cảnh báo các đồ đệ phải tránh xa việc trả thù khi ngài phát biểu một ẩn dụ thâm thúy: “Trước khi lên đường báo thù, hãy đào hai cái huyệt”.
Hôm nay, Lời Chúa đề nghị cho chúng ta một con đường, một phương thế để thiết lập mối tương quan hoà bình huynh đệ giữa con người, để loại bỏ oán thù và thiết lập một nền văn minh tình yêu và sự sống trên mặt đất: Đó chính là con đường tìm về sự thánh thiện của Thiên Chúa “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Sách Lêvi trong BĐ 1), “hãy nên trọn lành như Chúa Cha trên trời là Đấng trọn lành” (Bài Tin Mừng) ; và sự trọn lành hay “hoàn thiện” mà Thiên Chúa gọi mời con người chiêm ngưỡng và bắt chước Ngài lại chính là TÌNH YÊU, là lòng nhân từ. Bởi, như Thánh Gioan Tông Đồ định nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8); và việc “hãy hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48) cũng đồng nghĩa với việc “hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36).
Vâng, tình yêu thương chính là con đường tìm lại căn tính đích thực của chính mình “đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em” (Thư 1 Côrintô trong BĐ 2) và cũng là con đường “cách mạng nội tâm” để xây dựng lại mối tương quan mới trong cung cách ứng xử của cái tôi thường tình “oan đền oán trả”: “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Bài Tin Mừng). Chính Đức Kitô, không phải chỉ bằng lời nói, nhưng bằng chính hành động: đón nhận cái chết vì tình yêu và sẵn sàng tha thứ và cầu xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết hại Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
Quả thật, chỉ với con đường “mới mẻ của Tin Mừng” nầy mới mong đẩy lùi nền “văn hoá oán thù”, nền “văn minh sự chết”, như cách định nghĩ của Michel Quoist: “Hành động duy nhất có thể làm đứt đoạn dây chuyền bạo lực, đó là tha thứ và yêu thương. Ai dám đưa cả má trái mình ra, đó là người mạnh nhất.”
Giữa một thế giới, một xã hội, một đất nước mà bạo lực, oán thù, ghen ghét đã trở thành một “phản ứng đương nhiên và thường xuyên” của con người, thì thật là thích hợp khi sứ điệp lời Chúa hôm nay vang lên lời mời gọi: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”, “Hãy nên trọn lành như Chúa Cha là Đấng trọn lành”. Và như thế, lời cầu nguyện dành cho nhau và cho cả thế giới không bao giờ lỗi thời lại chính là lời Kinh Hoà Bình của Thánh Phanxicô Assisi: “Lạy Chúa Từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục….”.
Và thực ra, đã có những người con của Chúa thực thi huấn lệnh nầy để gieo mầm yêu thương, khoan dung, tha thứ, cho dù phải chấp nhận cái giá là hy sinh chính mạng sống mình, như linh mục Maximilien Kolbe chết thay người bạn trong trại tù của Quốc xã Đức vào thời đệ nhị thế chiến, hay như mục sư Martin Luther King Jr. chết để hoá giải cho cuộc kỳ thị lẫn nhau, phân biệt chủng tộc giữa những người da trắng và da màu. Cùng với cái chết như một lời chứng của hoà hợp, yêu thương, chính vị mục sư nầy đã chú giải thêm sứ điệp Tin Mừng hôm nay bằng những lời cũng thật thâm thuý: “Bóng tối không thể xua tan bóng tối, chỉ ánh sáng mới làm được. Hận thù không thể xua đuổi hận thù, chỉ tình yêu mới làm được” (Darkness cannot drive out darkness, only light can do that. Hate cannot drive out hate, only love can do that).
Và có lẽ chúng ta đều đồng ý với “quy luật vật lý” cơ bản nầy của Nicola Tesla: “Nếu hận thù ghen ghét biến thành điện, thì cả thế giới sẽ được thắp sáng” (If your hate could be turned into electricity, it would light up the whole world). Hận thù chắc chắn sẽ không bao giờ trở thành “điện”; nhưng chắc một điều: tình yêu sẽ trở thành ánh sáng. Hãy yêu thương để biến ước mơ và cũng là mệnh lệnh của chính Đức Kitô trở thành hiện thực: “Các con là ánh sáng thế gian” (Mt 5,14).
Trương Đình Hiền
Tags:
Suy niệm A