Hôm nay thứ tư 19/02/2020, trong buổi tiếp kiến chung tại hội trường Phaolô VI, Đức Thánh cha Phanxicô tiếp tục loạt bài giáo lý về các mối phúc theo Tin mừng Matthêu. Sáng nay ĐTC tập trung vào mối phúc thứ ba : "Phúc cho ai hiền lành vì họ sẽ được đất nước làm gia nghiệp". Sau đây là nguyên văn bài chia sẻ của ĐTC.
Giáo lý về các mối phúc : 4. Phúc cho ai hiền lành.
Anh chị em thân mến,
Trong bài giáo lý hôm nay, chúng ta tập trung vào mối phúc thứ ba trong 8 mối phúc của Tin mừng Matthêu : “Phúc cho ai hiền lành vì họ sẽ được đất nước làm gia nghiệp” (Mt 5,5).
Từ “hiền lành” được sử dụng ở đây, theo nghĩa đen, muốn nói đến sự ngọt ngào, dịu dàng, dễ thương, không bạo lực. Sự hiền lành được thể hiện trong những khi xung đột, cho thấy cách người ta phản ứng lại một tình huống chống đối. Bất cứ ai cũng có thể làm ra vẻ hiền lành trong khi tất cả mọi người đều an tĩnh, nhưng chúng ta phản ứng thế nào trước “áp lực”, nếu bị công kích, bị xúc phạm, bị tấn công?
Trong một đoạn thư, Thánh Phaolô nhắc về “sự hiền lành và dịu dàng của Chúa Kitô (2Cor 10,1). Và thánh Phêrô cũng lần lượt nhắc đến thái độ của Chúa Giêsu trong cuộc Khổ nạn: Người đã không đáp lại hay đe dọa bởi vì “Người phó thác cho Đấng xét xử công bình” (1Pr 2,23). Và sự hiền lành của Chúa Giêsu được thể hiện rõ ràng trong cuộc khổ nạn của Người.
Trong Kinh thánh, từ “hiền lành” còn ám chỉ đến người không có gì làm tư hữu; và do đó chúng ta bị đánh động bởi thực tế là mối phúc thứ ba nói rõ rằng những người hiền lành “sẽ thừa hưởng đất nước làm gia nghiệp”.
Thực ra, mối phúc này trích dẫn Thánh vịnh 37 mà chúng ta đã nghe lúc bắt đầu bài giáo lý. Ở đó sự hiền lành và sở hữu đất đai cũng có liên quan với nhau. Hai điều này, dường như không tương hợp nhau. Thật vậy, sở hữu đất đai là tham vọng điển hình của xung đột: người ta thường tranh đấu vì lãnh thổ, hay vì dành quyền bá chủ trên một khu vực nhất định. Trong các cuộc chiến, kẻ mạnh thắng thế và xâm chiếm các vùng đất khác.
Nhưng chúng ta hãy xem kỹ động từ được sử dụng để chỉ sự sở hữu của những người hiền lành: họ không chiếm hữu đất đai; đừng nói là “phúc cho người hiền lành vì họ sẽ chiếm hữu đất đai”. Họ “sẽ thừa hưởng” nó. Phúc cho người hiền lành vì họ sẽ “thừa hưởng” đất đai. Trong Kinh thánh, động từ “thừa hưởng” còn có nghĩa rộng hơn. Dân Thiên Chúa được gọi là dân “thừa hưởng” phần gia sản của Israel, đó là Đất Hứa.
Vùng đất đó là một lời hứa và là món quà dành cho dân của Thiên Chúa, và nó trở thành dấu chỉ của điều gì đó lớn hơn cả một lãnh thổ đơn giản. Có một “vùng đất” – cho phép tôi chơi chữ - là Thiên đàng, nghĩa là vùng đất mà chúng ta đang đi tới: trời mới và đất mới nơi chúng ta hướng tới (x. Is 65,17; 66,22; 2 Pr 3,13; Kh 21,1).
Cho nên người hiền lành là người “thừa hưởng” cái tuyệt vời nhất của đất đai. Họ không phải là kẻ hèn nhát, “yếu nhược”, tìm cách để đứng bên ngoài mọi vấn đề. Trái lại, đó là người nhận được quyền thừa kế và không muốn tiêu tán nó. Người hiền lành không phải là người dễ dãi nhưng là môn đệ của Chúa Kitô, là người đã học được cách bảo vệ vùng đất khác. Người đó bảo vệ sự bình an của mình, bảo vệ mối tương quan của mình với Chúa, bảo vệ những món quà của mình, những ân sủng của Thiên Chúa, bằng cách gìn giữ lòng từ bi, tình huynh đệ, tin tưởng và hy vọng. Bởi vì người hiền lành là người biết xót thương, biết sống tình huynh đệ, tin tưởng và hy vọng.
Ở đây chúng ta phải nói đến tội giận dữ, một động tác hung bạo mà tất cả mọi người chúng ta đều biết. Ai trong chúng ta không có đôi lần tức giận? Tất cả đều có. Chúng ta phải đảo lại các mối phúc và tự đặt ra câu hỏi: biết bao thứ chúng ta đã phá đổ vì giận dữ? Chúng ta đã để mất bao nhiêu điều? Tức giận chốc lát có thể phá đổ mọi thứ; chúng ta mất kiểm soát và không đánh giá điều gì thực sự quan trọng, chúng ta có thể phá hỏng mối quan hệ với anh em, mà đôi khi không có biện pháp khắc phục. Vì tức giận, nhiều anh em không còn nói chuyện với nhau nữa, họ dần xa nhau. Điều đó trái ngược với sự hiền lành. Hiền lành thì qui tụ, giận dữ thì phân chia.
Sự dịu dàng là thành tựu của nhiều thứ. Dịu dàng là khả năng chiến thắng tâm hồn, cứu vãn tình bạn và còn hơn thế nữa, bởi vì nhiều người tức giận nhưng sau đó bình tĩnh được, suy nghĩ lại và quay lại với lối đi của họ, và vì vậy người ta có thể xây dựng lại với sự dịu dàng.
“Vùng đất” được chinh phục bằng sự hiền hòa là phương tiện cứu rỗi cho người anh em đó, điều mà chính Tin mừng Matthêu nói đến: “Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em” (Mt 18,15). Không có “vùng đất” nào đẹp hơn con tim của người khác, không có lãnh thổ nào dễ thương bởi yêu chuộng hòa bình cho bằng tìm lại được người anh em. Đó là vùng đất được thừa hưởng từ sự hiền hòa.
Tags:
Đức Thánh cha