Lm Trăng Thập Tự - Ghi vội mùa Giáng sinh 2016
Trên đường đến Bêlem, một thiên sứ nhí hỏi:
- Nếu những người chăn chiên đang ngủ, làm sao mình báo tin cho họ được?
Một Sêraphim đáp:
- Thì mình thổi loa đánh thức họ dậy.
(Vô Ngôn Thư)
Sau bữa sáng 24-12-2016, một nữ tu ở Tòa Giám mục Qui Nhơn đặt tượng Hài đồng tí teo vào cái nôi nhựa nhỏ, phủ giấy bóng gương lên và thả xuống bể cạn trong hòn non bộ cạnh nhà hưu dưỡng. Hệt như người đàn bà họ Lêvi đem đứa con đỏ đặt vào thúng, thả vào đám sậy trên sông Nil. Lúc người nữ tu thả chiếc nôi xuống nước và lặng ngắm Đấng Emmanuel chia sẻ thân phận bèo trôi của người dân miền Trung khốn khổ, cũng là lúc tôi lên đường cử hành lễ Giáng sinh với anh chị em ở một họ đạo xa xôi hẻo lánh vừa bị nhận chìm trong lũ lụt.
NOEL VÙNG LŨ
Tỉnh lộ 639. Km 44,100 - rẽ trái, gặp ngã tư - rẽ phải 100 mét, có ngã ba bên trái. Tôi tiến vào khuôn viên nhà thờ An Mỹ, một Giáo họ biệt lập của Giáo xứ Phù Mỹ, nằm trên địa bàn thôn An Mỹ, xã Mỹ Cát, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Ngoại trừ nhà thờ, tất cả các nhà khác, kể cả nhà xứ, còn in ngấn nước trên tường 3 tấc, 5 tấc, một mét hoặc hơn... Nước lũ chỉ mới buông tha cho giáo họ chưa được 5 ngày để vừa quét dọn vừa chuẩn bị trang trí mừng lễ Giáng sinh. Chiều 24, gần 5 giờ cha quản nhiệm vẫn còn tất bật ở “công trường”. Hai nữ tì Chúa Giêsu Tình Thương và thầy xứ làm việc quần quật, chạy vào ăn vội chén bún rồi chạy ra lo cho các em nhỏ trong đội văn nghệ.
Bảy giờ, trời lại mưa. Đám đông chạy dạt lên hè nhà thờ, nhưng chỉ chừng 15 phút là thôi mưa, trời ấm. Lời chúc và thông điệp Giáng sinh được trao tận tay từng người qua cánh bướm màu photocopy. Chương trình canh thức lược tóm lịch sử cứu rỗi, nhấn vào chủ đề hạnh phúc gia đình. Giáo họ chỉ đếm được 300 người lớn nhỏ nhưng vẫn đủ những mục hát múa và thoại kịch đông vui. Nhiều người nhà xa hằng chục cây số vẫn có mặt trên sàn diễn. Bà con đến xem đứng chật sân nhà thờ. Sau diễn nguyện, các em nhỏ chen nhau nhận quà. Cộng đoàn chia tay bà con lương dân, rồi vào nhà thờ cử hành thánh lễ.
Sáng ngày 25, không có thánh lễ. Hai nữ tu sẽ về lại cộng đoàn ở Làng Sông trong buổi sáng, do đó giờ ăn sáng cũng là lúc nhìn lại mọi việc để rút kinh nghiệm cho năm sau. Ban chiều, lễ ở đây xong, cha quản nhiệm sẽ đi cử hành lễ Giáng sinh tại giáo điểm Mỹ An, cách nhà thờ hơn 20 cây số. Nghe nói sẽ có rửa tội cho hai gia đình, 10 người, tôi rất muốn tham dự, thế nhưng đã trót hẹn, phải về lại Qui Nhơn.
Tôi nhờ thầy xứ chở bằng xe máy ngược đường tỉnh 639 để thăm một vài gia đình. Nhà anh Tưởng cách nhà thờ hơn chục cây số, mới được ơn trở lại, đang học giáo lý. Do bị mất giống lần thứ ba, vừa sạ lại, sáng nay vợ chồng anh tranh thủ ra thăm nước. Ở nhà chỉ có người con dâu và bà cụ, gần 90 tuổi, bị lòa. Nghe có linh mục đến thăm, bà mừng muốn khóc:
- Cha ơi, tôi không thấy gì cả, nhưng mừng lắm. Cha thằng Tưởng mất khi nó mới bốn tuổi, nay nó đã 56. Sau 75, đâu còn nhà thờ nhà thánh gì, tôi ở đây một mình, chỉ đọc kinh sáng kinh tối một mình. Ăn cơm, tôi làm dấu, con nó hỏi, phải nói tránh đi: Cứ gần ăn cơm là má bị ngứa trán, má gãi chút mà! Bây giờ nó được ơn trở lại, có cha có thầy đến, mừng sao là mừng.
CHÚT LÒNG MUỐN NGHE TRONG CÕI VẮNG
Về nhà đã 12 giờ. Tôi ghé hòn non bộ viếng Chúa Hài Nhi. Lá rơi trên bể cạn, chiếc nôi bập bềnh thê lương, có lẽ đã chẳng mấy ai để ý. Cơn lũ giết người cũng lùi vào quá khứ, những nạn nhân của nó chỉ mới hơn một tuần cũng đã bị trôi dần vào quên lãng. Chúa Hài Nhi của người nữ tu bị bỏ rơi trong góc vắng. Phải chi đêm qua tôi ở nhà, hẳn tôi đã làm cái gì đó để các bạn trẻ chú ý tới tác phẩm của chị. Họ sẽ kéo nhau đến chụp hình. Tôi sẽ kể cho họ câu chuyện Môsê ngày xưa và Môsê của thời Tân ước. Rồi chờ khi họ động lòng với câu chuyện, tôi sẽ bảo họ:
- Này em, tên của Hài Nhi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài vẫn ở với em trên mọi nẻo đường, cả khi em chới với một mình giữa mưa dày lũ cuốn. Hãy thầm nói với Ngài một đôi lời rồi em sẽ thấy sáng bừng lên sự thật, và em sẽ hiểu ra Ngài chấp nhận bị bỏ rơi để cho em cũng như bất cứ ai khác trong loài người không còn thấy lẻ loi giữa những bế tắc trong cuộc sống.
Lời đã làm người. Lời đang gọi nhưng hỏi có ai nghe chăng? Thưa có. Trên điện thoại của tôi, có không ít tin nhắn và cuộc gọi của anh chị em lương dân hướng về niềm vui ngày lễ, và một cách nào đó cũng là đang hướng về Chúa Cứu Thế.
Hai giờ có điện thoại. Một giảng viên Đại học hẹn gặp. Ba giờ chiều, chị đến cùng một bạn đồng nghiệp, cũng là tín hữu. Ồ, tại sao các chị lại chọn lúc này mà đến thăm? Có biết bao bạn hữu của các chị, đã ghé tới khuôn viên các nhà thờ đêm qua, và hôm nay đang mở lòng muốn nghe các chị nói! Tại sao các chị không đáp ứng? Tôi chỉ nghĩ thế thôi, không nỡ nói ra điều mình nghĩ. Có lẽ Chúa đang gửi họ đến cho tôi như một món quà, như một gợi ý và cũng để tôi giúp họ đôi phần trong nỗi băn khoăn của người tín hữu trí thức. Phố thị bên ngoài ồn ã, nhưng tại những góc thinh lặng nào đó, không thiếu những con cái Chúa đang đến với nhau trong đức tin và đức mến. Trong cái vắng lặng của nhà hưu dưỡng này cũng thế, có hai tâm hồn đang muốn biết mình phải làm gì cho Chúa. Tôi đã lắng nghe và chia sẻ với họ gần một tiếng đồng hồ.
Đúng 5 giờ, anh T. nhờ một người bạn đến đón tôi. T. tổ chức bữa ăn mừng lễ với một nhóm bạn. Ngoài chủ nhà, có một giáo dân “đạo gốc”, chính là người vừa làm tài xế xe ôm đón tôi, một vị lão thành mới lãnh bí tích thánh tẩy hơn ba năm, một người sau nhiều năm lưu lạc nay đang trên đường hội nhập lại vào đời sống Hội thánh, một dự tòng, một nhà báo rất gần gũi với Đạo Chúa và một linh mục. Người trẻ nhất trong nhóm đã hơn năm mươi tuổi. Trong bầu khí ấm áp, chúng tôi chia sẻ cho nhau những ghi nhận, suy tư và cảm nghiệm về cuộc sống, về nỗi đau của con người và về ơn cứu rỗi. Các bạn cũng nêu những câu hỏi liên quan đến Kinh thánh để mọi người cùng góp ý.
Tôi hỏi anh T., tổ chức bữa ăn Giáng sinh gia đình, sao lại không có ai khác trong nhà cùng tham dự? Câu trả lời thật bất ngờ:
- Vị lão thành trong bàn ăn hôm nay là một Phật tử kỳ cựu, đọc nhiều hiểu rộng, đến tuổi 72 mới ngộ ra rằng ngoài Chúa Kitô, không thể tìm thấy ai khác là Đấng Cứu Rỗi. Thế nhưng cụ vẫn còn phải mất hai năm để chọn giữa những hướng tuyên xưng khác nhau trong Kitô giáo. Trước đó, một người con rể của cụ là thành viên “Chứng nhân Giê-hô-va” đã từng thuyết phục cụ theo giáo phái này nhưng cụ không quan tâm. Cuối chặng đường đời, sự ngập ngừng của cụ là giữa Hội thánh Tin lành Việt Nam và Hội thánh Công giáo. Năm qua, người con rể từ Úc về thăm mấy tháng, đã mượn phòng khách nhà bố vợ, quy tụ một số người vào chiều Thứ Bảy hằng tuần để diễn giải Kinh thánh. Con may mắn có mặt ở đó kể như từ đầu. Sau mấy lần tham dự, con tự thấy nhu cầu phải tìm hiểu Kinh thánh, đồng thời tự hỏi: Người ấy có khác gì mình đâu? Anh ta chỉ là một thành viên thường, không phải là chức sắc gì của giáo phái, tại sao anh ta làm chứng nồng nhiệt đến thế, còn mình dù từ nhỏ đã biết đến sứ mạng làm chứng của người tín hữu mà mãi gần cuối đời vẫn còn ngập ngừng chưa dám nói và chưa biết nói về Đấng Cứu Thế của mình? Thưa cha, lý do là như thế.
Dự tính ban đầu của tôi cho chiều ngày lễ Giáng sinh là cùng đi với một anh em linh mục tới dự giờ hát thánh ca và chia sẻ của một Hội thánh Tin Lành nhưng rồi “mộng chưa thành”, tôi nhận lời dự buổi chia sẻ ở nhà anh T. Ai ngờ tại đây Chúa đã cho tôi được gặp những anh chị em các hệ phái khác qua một đường dây vô hình. Mà sao vẫn cứ thấy còn ray còn rứt? Hình như chỉ gặp gỡ trong tâm tưởng thôi không đủ, bởi lẽ: “Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh... Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-têm; chỉ có một Đức Chúa Trời và một Cha của mọi người, Ngài là trên cả mọi người, giữa mọi người và ở trong mọi người” (Ê-phê-sô 4,4-6 - Các trích dẫn Kinh thánh trong bài đều trích theo bản dịch Tin lành, ấn bản 1990). Những người tôi gặp chiều nay đều là trí thức, nếu họ hỏi tại sao các môn đệ Chúa lại chia rẽ, tôi có thể trả lời không khó. Thế nhưng làm sao trả lời gãy gọn được nếu một học sinh hỏi rằng: “Mấy người cứ bảo là đạo yêu thương, thế tại sao người Công giáo lại bôi bác người Tin lành và người Tin lành lại bêu xấu người Công giáo?” “Mấy người đã rủ người lương chúng tôi đi cứu trợ lũ lụt, còn Công giáo và Tin lành sao chưa thấy rủ nhau?”
Hơn 9 giờ tối, tôi qua cổng nhà thờ lớn về lại nhà hưu dưỡng. Trong khuôn viên nhà thờ Chính Tòa và chủng viện, người lương đi chơi lễ thật đông, đa số là thanh niên nam nữ và các phụ huynh trẻ. Phải chi tôi kịp lôi những tấm panô ở An Mỹ về đây giăng đầy dãy hàng rào xung quanh để khách đi chơi có cơ hội học biết sứ điệp Giáng sinh. Phải chi tôi còn trẻ, tôi sẽ đứng đây đến khuya, đến lúc người khách cuối cùng ra về, tôi sẽ rao bán Kinh thánh với một giá rẻ rề và sẽ cho người mua cả số điện thoại của tôi để họ có thể gọi bất cứ lúc nào họ cần đến. Thế nhưng, rồi chợt thấy nặng lòng: Làm sao người ta có thể tin được khi chính các con cái Chúa chưa yêu thương hiệp nhất với nhau?
XIN CHO HỌ ĐƯỢC NÊN MỘT ĐỂ THẾ GIAN TIN
Tối 27-12. Đèn màu của chủng viện và nhà thờ Chính tòa vẫn còn thu hút một số người đến chụp hình và xem hang đá. Phải chăng đây là những người đã “nghe chuyện bọn chăn chiên nói và lấy làm lạ” (Lu-ca 2,18). Tôi nhìn quanh không thấy “bọn chăn chiên” đâu cả. Nhưng kìa, đã có em bé vừa sinh giữa cánh đồng Bết-lê-hem (x. Ma-thi-ơ 2,1), để sẽ trở thành người chăn chiên đích thật và duy nhất (x. Giăng 10,2). Tôi chợt nghe văng vẳng: “Ta là người chăn hiền lành; người chăn hiền lành vì chiên mình mà phó sự sống mình. Ta là người chăn hiền lành, ta quen chiên ta, và chiên ta quen ta. Ta còn có chiên khác chẳng thuộc về chuồng nầy; ta cũng phải dẫn nó về nữa, chiên đó sẽ nghe tiếng ta, rồi sẽ chỉ có một bầy, và một người chăn mà thôi” (Giăng 1,11.14.16).
Tôi thấy tiếc nhớ làm sao cái dự định không thành, muốn thông công đôi chút với anh em Tin lành nhân mùa Giáng sinh, trước khi bước vào thời khắc kỷ niệm 500 năm cuộc Cải Cách của Martin Luther và 50 năm hành trình tìm về đoàn tụ. Hầu như ai cũng biết các môn đệ của Chúa Cứu Thế đã chia rẽ nhau nhưng ít ai biết rằng hơn một thế kỷ nay, Đức Thánh Linh/Chúa Thánh Thần đã thổi xuống trên tâm hồn các Cơ đốc nhân/Kitô hữu một luồng gió mới, một nỗi khát khao hiệp một/hiệp nhất. Thế nhưng ít ai biết được, trong 50 năm qua, cuộc đối thoại giữa Hội thánh Công giáo và các hệ phái ly khai đã tiến nhanh tới mức nào. Cụ thể tại Việt Nam này, rất ít ai biết, kể cả giữa vòng các tín hữu Tin lành và Công giáo. Hỏi mấy ai biết đến bản tuyên bố chung 1999 giữa Công giáo và Tin lành cùng khẳng định một giáo lý về ơn cứu rỗi (trong tiếng Anh và tiếng Pháp là “justification”, còn trong tiếng Việt, thuật ngữ Tin lành gọi là “sự xưng công nghĩa”, thuật ngữ Công giáo gọi là “ơn công chính hóa”)? Hỏi mấy người đọc được nó khi mà đã 17 năm rồi nó vẫn chưa được dịch sang tiếng Việt? Tôi thấy mình đang cùng thổn thức với Đấng Christ/Đức Kitô Cứu Thế qua ý nguyện của Ngài trong đêm cuối đời: “Ấy chẳng những vì họ mà Con cầu xin thôi đâu, nhưng cũng vì kẻ sẽ nghe lời họ mà tin đến Con nữa, để cho ai nấy hiệp làm một, như Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha; lại để cho cả họ cũng ở trong chúng ta, đặng thế gian tin rằng chính Cha đã sai Con đến” (Giăng 17,20-21).
Tôi muốn tìm một ai đó đã dự một phần trong các cử hành Giáng sinh năm nay của anh em Tin lành để hỏi thăm, nhưng rồi lại tự nhủ: tại sao mình không đến thẳng nhà thờ Tin lành mà hỏi? Phút chốc, tôi rời cổng nhà thờ Chính tòa, thả bộ lên Hội thánh Tin lành ở đường Hai Bà Trưng. Mặt tiền và khuôn viên nhà thờ đã trở lại dáng vẻ ngày thường, như một Bêt-lê-hem thầm lặng, không đèn hoa nào lôi cuốn người qua đường phải chú ý. Riêng văn phòng Mục sư vẫn mở cửa, sáng đèn. Cổng lớn đóng nhưng may mắn, cổng nhỏ đang mở. Tôi vừa chào, Mục sư Nguyễn An Toàn đã nhận ra. Ba năm trước đây, tôi đã có lần cùng cụ Trương Hồ đến thăm Mục sư.
Hằng tuần vào tối thứ Ba, cả trong và ngoài Thành phố có 17 nhóm học Kinh thánh dành cho chị em phụ nữ, mỗi nhóm vài ba chục người, tất cả đều học đồng loạt vào cùng một giờ để vừa học, vừa hiệp thông trong tâm tình cầu nguyện. Tối Thứ Ba nào Mục sư Toàn cũng đi dự giờ học với một nhóm, riêng tối nay người đứng đầu lớp học tại đây vắng mặt, vị Mục sư phải ở nhà giúp thay. Có thế, chúng tôi mới may mắn được gặp nhau.
Tôi hỏi thăm và vui mừng tạ ơn Chúa vì những ơn lớn lao Thiên Chúa đang ban cho Hội Thánh Tin Lành Quy Nhơn. Chỉ khoảng nửa giờ thôi nhưng tôi nhận được nhiều thông tin lý thú. Nhiệm kỳ phục vụ của các mục sư tại mỗi Hội thánh là 4 năm. Mục sư Toàn về đây được 5 năm, đang phục vụ năm đầu của nhiệm kỳ thứ hai. Với những Hội thánh còn ở giai đoạn tự dưỡng, Hội đồng Tổng liên hội chủ động bổ nhiệm mục sư, không cần hỏi ý kiến tín hữu. Với những Hội thánh đã có khả năng tự trị, Tổng liên hội cử đến ba ứng viên để anh chị em tín hữu bầu chọn. Mỗi vị trong ba ứng viên sẽ giảng lễ một chúa nhật, rồi tín hữu bỏ phiếu. Vị nào được nhiều phiếu hơn cả, và phải hơn 50% số phiếu, sẽ được bổ nhiệm. Hết nhiệm kỳ I, sẽ có bỏ phiếu tín nhiệm, phải được hơn 60% số phiếu, vị mục sư mới có thể tiếp tục nhiệm kỳ II. Sau nhiệm kỳ II, phải đạt tới 80% số phiếu mới có thể tiếp tục nhiệm kỳ III. Cách làm việc này tạo điều kiện thuận lợi cho sự hiệp nhất mạnh mẽ giữa mục sư và cộng đồng tín hữu.
Ngày Mục sư Toàn mới nhận nhiệm sở, mọi hoạt động đều tập trung tại nhà thờ ở đường Hai Bà Trưng này. Nay thì nhà thờ ở Chợ Dinh đã là trụ sở của một Hội thánh tự trị. Mục sư Toàn phụ trách mười điểm nhóm tại nội thành Quy Nhơn và trên địa bàn huyện Tuy Phước, mấy năm qua đã có thêm nhà nguyện tại Phú Tài và Phước Sơn. Mùa Giáng sinh năm nay, do chỉ có một mình, vị Mục sư phải phân bố cả một chương trình 8 ngày, từ 17 đến 25-12, mới truyền giảng đều khắp cả mười điểm nhóm. Không riêng tại Quy Nhơn và Tuy Phước, khó khăn lớn chung cho Hội thánh Tin lành Việt Nam hiện nay là thiếu nhân sự. Vừa qua, một trường đào tạo trung cấp đã được mở tại Đà Lạt. Các học viên học hai năm, thực tập hai năm rồi quay lại học thêm một năm, mới có thể ra trường làm Thầy Truyền đạo. Nói chung, những năm gần đây, nhờ ơn Chúa, Hội thánh Tin lành đang lan rộng.
Đầu tháng 12, cha Lê Kim Ánh, cha sở Chính Tòa và là Hạt trưởng Giáo hạt Qui Nhơn đã trao đổi với Mục sư Toàn để thực hiện một buổi hát thánh ca chung mừng lễ Giáng sinh 2016, nhưng thời giờ quá eo hẹp, không kịp chuẩn bị, nên năm nay dự án tốt đẹp ấy chưa thực hiện được. Tuy nhiên, trước mắt chúng ta sắp có tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp một các Cơ đốc nhân (nói theo người Công giáo là sự hiệp nhất các Kitô hữu), 18-25 tháng Giêng, nếu xúc tiến ngay thì vẫn không muộn để đánh dấu kỷ niệm lịch sử của 500 năm chia cách và 50 năm tìm về đoàn tụ.
Câu chuyện chia sẻ tới đây thì chị em học viên của lớp giáo lý bắt đầu đến. Tôi lưu luyến ra về để Mục sư bắt đầu giờ lớp.
NHỮNG BẦY VỊT VÀ CƠN LŨ
Rời phòng khách vị Mục sư, tôi có một niềm vui rất siêu nhiên, đồng thời cũng có một nỗi buồn vừa rất siêu nhiên vừa có phần nhân loại. Niềm vui là niềm vui Thánh Phaolô nói trong thư Phi-líp: “Song có hề gì! Dẫu thế nào đi nữa, hoặc làm bộ, hoặc thật thà, Đấng Christ cũng được rao truyền; ấy vì đó tôi đương mừng rỡ, và sẽ còn mừng rỡ hơn nữa” (Phi 1,18). Kết quả việc truyền giảng những thập niên qua của anh em Tin lành rất cao. Những con số thống kê cho phép người ta dự đoán rằng muộn lắm là 15 năm nữa, số tín hữu Tin lành tại Việt Nam sẽ đạt tới 10 triệu người.
Nỗi buồn của tôi là, với cách nói, cách làm, cách nghĩ và cách sống hiện nay, vào cũng thời điểm ấy, liệu Giáo hội Công giáo có đạt tới con số ấy chưa? Mà đó lại chính là lúc người Công giáo đang nô nức kỷ niệm 500 năm Tin mừng đến với Dân tộc (1533-2033)! Thiên Chúa và tiền nhân đang đợi chờ gì nơi ta vào thời điểm ấy? Có phải lúc ấy Giáo hội trên khắp 26 giáo phận Việt Nam sẽ dâng lên Chúa Cứu Thế cái cảnh nức lòng, đâu đâu cũng nườm nượp những đoàn người gánh lúa về kĩu cà kĩu kịt? Hay lại cũng chỉ có những lễ hội hoành tráng như bao nhiêu lễ hội hoành tráng khác đã qua đi, chỉ nửa ngày sau khi bế mạc là trôi theo cơn lũ, để lại những rệu rã, mệt mỏi, chán chường và phân hóa?
Tôi không thể không nghĩ tới kinh nghiệm ở Hàn Quốc. Người Tin lành đến Hàn Quốc (1884) saungười Công giáo (1603) đúng 281 năm, và rồi “vào năm 1945 cả hai hệ phái (Công giáo và Tin lành) chiếm khoảng 2% dân số. Sau đó họ tăng trưởng rất nhanh: năm 1991, có 18,4% dân số (8,0 triệu) là Tin Lành, và 6,7% (2,5 triệu) là Công giáo” (https://en.wikipedia.org/wiki/Christianity_in_Korea). Theo thống kê mới cập nhật tháng 8-2016 thì hiện nay Công giáo chỉ chiếm 7.6% dân số, đang khi Tin lành chiếm 24% (http://www.indexmundi.com/).
Trong những yếu tố đem lại kết quả cho mùa gặt Tin lành tại Hàn, có một chi tiết rất đáng ghi nhận: “Năm 1924, người Tin Lành thành lập Hội đồng Kitô giáo Toàn quốc Hàn để điều phối hoạt động bằng cách chia thành các khu vực được phân công cụ thể cho các hệ phái Tin Lành khác nhau” (https://en.wikipedia.org/wiki/Christianity_in_Korea).
Tôi nhớ câu chuyện một mục sư trẻ đã kể cho tôi. Ở một vùng nọ người ta nuôi rất nhiều vịt. Mỗi bầy vịt có một người lùa đi ăn, rồi lại lùa về chuồng. Bọn vịt chỉ nhìn thấy những bầy vịt khác từ xa, chẳng khi nào có dịp giao lưu gặp gỡ. Một hôm chẳng biết do đâu, lũ về dâng cao đột ngột. Ai nấy hớt hải chạy người, chạy của. Trâu, bò, mèo, chó, heo, gà đều hoảng hốt tìm đường sống sót. Chỉ có bọn vịt là nước càng lớn, càng mừng reo thỏa thích. Rồi mọi hàng rào của các chuồng vịt đều lần lượt bị nhận chìm dưới sâu, những người chăn vịt bó tay, mọi con vịt đều đang bơi trên đỉnh lũ, chúng í ới chào gọi nhau, chẳng còn ai phân biệt được vịt nào của chuồng nào...
Chẳng biết có sự kiện nào tương tự xảy ra tại Bình Định này trong đợt cuồng lũ cuối năm nay chăng nhưng trên thế giới thì có. Cơn lũ tục hóa đã khiến nhiều bầy vịt là con cái Chúa bị bó buộc phải gặp nhau. Đức Thánh Cha Phanxicô đang hô hào sự gặp gỡ, đang lớn tiếng kêu gào các bầy vịt ngoi đầu lên khỏi cơn lũ, bơi xích lại gần nhau. Kính thưa Đức Thánh Cha, nghe lời Cha, đêm nay ở cái xứ sở năm nào cũng lũ lụt này, có một con vịt Công giáo bơi sang thăm chuồng vịt Tin lành.
RỒI SẼ CHỈ CÓ MỘT BẦY VÀ MỘT NGƯỜI CHĂN
Tôi về đến nhà thờ Chính Tòa mới hơn 8 giờ. Điện vẫn sáng choang rực rỡ. Các cây xanh ở chủng viện vẫn thả xuống những chuỗi đèn màu huyền hoặc. Tại khuôn viên Tòa Giám mục chỉ có mấy dây đèn màu trên hòn non bộ. Tôi nhìn xuống kiếm tìm, phải chú ý lắm mới thấy chiếc nôi của Chúa Cứu Thế dạt vào một mé của bể nước. Bóng điện nhỏ đặt trên chiếc nôi chiếu sáng khuôn mặt Hài Nhi đã hết pin, mấy bóng màu chớp nháy trên khối đá không đủ soi xuống bể nước. Chính lúc này, hình ảnh những trẻ sơ sinh bị bỏ rơi và những thai bị gạt khỏi cuộc sống, mới xoáy sâu vào lòng tôi.
Mầu nhiệm Giáng sinh là mầu nhiệm người chăn cừu trở thành con cừu và nói bằng tiếng nói loài cừu, người chăn vịt trở thành con vịt và dùng ngôn ngữ của vịt, Đấng làm ra con người trở thành con người cho ta được mắt thấy tai nghe. “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật giống như vinh hiển của Con Một đến từ nơi Cha” (Giăng 1,14).
Nơi chiếc nôi bé bỏng, tôi hiểu ra rồi. “Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối chúng ta, bèn có một thầy tế lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội” (Hê-bơ-rơ 4,15). Tôi hiểu ra rằng chính là để đoàn tụ chúng ta mà Chúa Cứu Thế đã sẵn lòng để mình bị bỏ rơi. “Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta; mà chúng ta lại tưởng rằng người đã bị Đức Chúa Trời đánh và đập, và làm cho khốn khổ. Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người chịu, chúng ta được bình an, bởi lằn roi người, chúng ta được lành bịnh. Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy: Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người” (Ê-sai 53,4-6). “Đức Chúa Jêsus sẽ vì dân mà chết; mà không những vì dân thôi, mà cũng để nhóm con cái Đức Chúa Trời đã tản lạc lại làm một đoàn” (Giăng 11,51-52).
Tất cả những hang đá huy hoàng trong mọi nhà thờ trên thế giới đều bắt nguồn từ một giờ chiêm niệm của Thánh Phanxicô Assisi. Cả Thánh Gioan Thánh Giá cũng lắm lần ngắm nhìn ngây ngất, rồi ôm lấy Hài Nhi vào lòng mà múa nhảy. Thế nhưng ngày nay, dưới những ánh điện sáng choang, hang đá Bê Lem có còn đủ sự giản đơn nghèo khó để dọi ánh sáng vào lòng người tăm tối? Cả tiếng chuông vang, cả lời kinh ngân nga dìu dặt, những bài thánh ca và âm nhạc đã từng có sứ mạng dẫn dắt lòng người vào chiều sâu chiêm niệm, nhưng thử hỏi ngày nay chúng còn đóng đúng vai trò ấy chăng hay chỉ là những lợi khí giúp cuộc đời biến việc cử hành lễ Giáng sinh thành một lễ hội dân gian trần tục? Cứ đều đặn hằng năm, khi mùa đông đến, người ta lại theo thông lệ rước tượng Hài Đồng về để tổ chức lễ hội. Ôi Chúa Cứu Thế, Đấng Emmanuel, khi được long trọng mời về dự ngày lễ của chính Người, Người buồn hay vui?
Hãy để cho lễ hội qua đi. Hãy về lại với đêm sâu chiêm niệm. Hãy nghe điều Thánh Gioan Thánh Giá nói: “Chúa Cha chỉ nói một lời rằng đó là Con Ngài. Ngài hằng nói lời ấy mãi trong thinh lặng vĩnh cửu, thì linh hồn cũng phải lắng nghe Ngài trong thinh lặng” (Châm ngôn, 99).
MẸ ƠI, MẸ Ở ĐÂU?
Sáng 30-12, nơi hang đá trong phòng nguyện nhà hưu dưỡng, Chúa Hài Nhi tỏa ánh sáng ấm cúng của Ngài, chiếu lên khuôn mặt Thánh cả Giuse và Đức Mẹ. Gia đình bé nhỏ này thật sự là Thánh vì có Chúa Giêsu ở giữa. Khuôn mẫu ấy gợi hứng cho các gia đình con cái Chúa hướng về hạnh phúc thật. Sau thánh lễ, tôi dừng chân trước máng cỏ cầu nguyện cho các gia đình trên thế giới. Tôi nhớ đến những gia đình ở An Mỹ. Chiều hôm qua cha Mai gọi vào cho biết, gió quá mạnh đã thổi bay cả hang đá ngoài sân nhà thờ, Thánh Gia lâm cảnh màn trời chiếu đất. Bão nữa chăng? Tôi ra ngoài, lân la lại gần bên ngọn non bộ. Chiếc nôi bị bỏ quên trong bể cạn, chiếc nôi được cảm hứng từ câu chuyện của em bé người Hípri mới ba tháng tuổi. Ba tháng, em chưa có từ và chưa có ý nhưng đã có cảm xúc. Tôi lặng nhìn và đọc ra nơi tâm hồn bé bỏng ấy cái chấn động thảng thốt: “Mẹ! Mẹ! Mẹ ở đâu? Mẹ ở đâu?”
Ở nhà, Mẹ của bé đứng ngồi không yên, thấp thỏm mong chờ đưa con gái đem tin lành về. Đang khi đó, bên bờ sông, chị đứa bé làm như đang ngồi vọc cát, mắt không ngừng hướng về phía chiếc nôi, miệng cứ mấp máy: “Em ơi, đừng sợ! Mẹ đang lo cho em và đang có chị ở đây!”
Tôi nhìn chiếc nôi Hài Nhi lênh đênh trong bể cạn mà hiểu ra người mẹ của Hài Nhi không xa đây, và hơn nữa tôi còn hiểu ra mẹ của Hài Nhi cũng là mẹ của tôi, mẹ của Đầu cũng là mẹ của mọi chi thể, cả Công giáo lẫn Tin lành. Làm sao chúng ta có thể ngập ngừng không dám gọi Mẹ Đấng Cứu Thế là mẹ chúng ta khi mà chính Ngài không thẹn gọi chúng ta là anh em Ngài? (x. Hê-bơ-rơ 2,11). Bất giác, tôi nhớ ra một điều kỳ diệu: ngày đầu năm dương lịch này, bắt đầu kỷ niệm 500 năm chia cắt và 50 năm tìm gặp lại, cũng là ngày lễ của Mẹ và cũng là bắt đầu kỷ niệm 100 năm Mẹ ngỏ lời tại Fatima để ủi an và gọi mời nhân loại. Thì ra, Mẹ ở đây. Mẹ vẫn ở đây với chúng con, chăm lo cho chúng con, để giữa lũ chồng lũ, chúng con tìm thấy suối hồng ân, và sau cuồng phong bão táp lại là ngọn gió yên lành của Thánh Linh Thiên Chúa .
Qui Nhơn, 01-01-2017
Linh mục Trăng Thập Tự
Tags:
Văn hóa