Bài giáo lý của ĐTC Phanxicô về sách Công vụ Tông đồ trong buổi tiếp kiến chung, sáng thứ Tư ngày 11/12/2019 tại đền thờ thánh Phêrô.
18. "Chút nữa là ông thuyết phục được tôi trở thành Ki-tô hữu rồi đấy!”(Cv 26,28). Tù nhân Phaolô trước mặt vua Agrippa
Anh chị em thân mến!
Trong sách Công vụ Tông đồ, hành trình Tin mừng tiếp tục đi khắp thế gian và chứng từ của Thánh Phaolô ngày càng được ghi dấu bằng dấu ấn đau khổ. Nhưng đó là điều phát triển theo thời gian trong cuộc đời của thánh Phaolô. Thánh nhân không chỉ là nhà rao giảng Tin mừng đầy nhiệt huyết, nhà truyền giáo dũng cảm giữa những người ngoại giáo, đem lại đời sống mới cho cộng đoàn Kitô hữu, mà còn là chứng nhân đau khổ của Chúa Phục sinh (x. Cv 9,15-16).
Sự xuất hiện của vị Tông đồ ở Giêrusalem, được mô tả trong chương 12 của sách Công vụ, kích động lòng căm thù dữ dội đối với ngài, họ chỉ trích ngài rằng: “Đây là kẻ đã từng bắt bớ! Anh em đừng tin vào hắn!”. Như đã xảy ra với Chúa Giêsu, đối với thánh Phaolô cũng thế, Giêrusalem là một thành phố thù địch. Sau khi tới đền thờ, Phaolô bị nhận diện, bị điệu ra ngoài để hành hình và được những người lính Rôma cứu thoát trong phút chót. Bị buộc tội giảng dạy chống lại Lề luật và đền thờ, thánh Phaolô bị bắt và bắt đầu những cuộc viễn du trong ngục tù của mình, đầu tiên là đến trước Hội đồng, sau là đến trước công tố viên Rôma tại Cesarea, và cuối cùng là trước vua Agrippa. Luca nhấn mạnh sự tương đồng giữa thánh Phaolô và Chúa Giêsu, cả hai đều bị đối thủ ghét bỏ, bị buộc tội cách công khai và được công nhận là vô tội bởi nhà cầm quyền đế quốc; vì vậy Phaolô được dự phần vào cuộc thương khó của Thầy mình, và cuộc thương khó của ngài trở thành Tin mừng sống động.
Tôi đến đây từ đền thờ thánh Phêrô và ở đó, sáng nay, tôi đã có buổi tiếp kiến đầu tiên, với khách hành hương Ucraina thuộc giáo phận Ucraina. Đây cũng là một dân tộc bị bách hại; họ đã phải chịu biết bao đau khổ vì Tin mừng! Nhưng họ đã không thỏa hiệp đức tin. Họ là một ví dụ. Thế giới ngày nay, tại Châu âu, nhiều Kitô hữu bị bắt bớ và họ đã hiến dâng mạng sống vì niềm tin của mình, hoặc họ bị bách hại bởi những đôi găng tay trắng, tức là bị bỏ rơi, loại ra ngoài lề xã hội... Tử đạo là hơi thở của cuộc sống người tín hữu, của cộng đoàn tín hữu. Lúc nào cũng có các vị tử đạo giữa chúng ta: đó là dấu chỉ cho thấy chúng ta đang đi trên con đường của Chúa Giêsu. Đó là chúc lành của Thiên Chúa, khi có người nào đó trong dân tộc của Chúa làm chứng cho cuộc tử đạo này.
Phaolô được kêu gọi tự bảo vệ mình trước những lời tố cáo, và cuối cùng trước sự chứng kiến của vua Agrippa II, lời biện hộ của ngài biến thành bằng chứng hữu hiệu của đức tin (x. Cv 26,1-23).
Thánh Phaolô kể về việc hoán cải của mình: Chúa Kitô Phục sinh đã làm cho ngài thành kitô hữu và đã ủy thác cho ngài sứ mạng giữa muôn dân “để họ rời bỏ bóng tối mà trở về cùng ánh sáng, rời khỏi quyền lực Satan mà trở về cùng Thiên Chúa, và họ sẽ nhận được ơn tha tội và được hưởng phần gia tài cùng với các người đã được thánh hiến nhờ đức tin" (Cv 26,18). Phaolô đã tuân theo nhiệm vụ này và không làm gì khác ngoài việc cho thấy điều mà các tiên và Môsê đã tiên báo, giờ đây ngài loan báo, rằng: “Đấng Kitô sẽ chịu đau khổ và là người đầu tiên sống lại từ cõi chết, để loan báo ánh sáng cho dân Do thái cũng như cho các dân ngoại” (Cv 26,23). Lời chứng đầy say mê của thánh Phaolô chạm đến con tim của vua Agrippa, người chỉ còn thiếu bước quyết định. Vua nói thế này: “Chút nữa là ông thuyết phục được tôi trở thành Kitô hữu rồi đấy!” (Cv 26, 28). Phaolô được tuyên bố là vô tội, nhưng ngài không được phóng thích vì bị kháng cáo lên Hoàng đến Cesare. Và thế là tiếp tục hành trình không ngừng nghỉ của Lời Chúa hướng đến Rôma. Phaolô, bị xiềng, cuộc đời ngài sẽ kết thúc ở Rôma.
Kể từ giây phút này, bức họa về Phaolô là một tù nhân bị xiềng xích lại là dấu chỉ của lòng trung thành của ngài đối với Tin mừng và lời chứng hiệu quả đối với Đấng Phục sinh.
Xiềng xích, tất nhiên đó là một thử thách đầy nhục nhã với vị Tông đồ, người xuất hiện trước mặt thế giới như tên gian phi (2Tm 2,9). Nhưng tình yêu ngài dành cho Chúa Kitô thật là mãnh liệt, đến nỗi xiềng xích này cũng được đọc dưới con mắt đức tin: đối với Phaolô, đức tin không phải là “mớ lý thuyết, một quan điểm về Thiên Chúa và về thế giới”, nhưng đức tin là “tác động của tình yêu Thiên Chúa nơi con tim của ngài, [...] đó là tình yêu đối với Chúa Kitô” (Bênêđictô XVI, bài giảng lễ Năm Thánh Phaolô, ngày 28/6/2008).
Anh chị em thân mến, Thánh Phaolô dạy chúng ta kiên trì trong thử thách và khả năng đọc mọi thứ bằng con mắt đức tin. Hôm nay, chúng ta cầu xin Chúa, nhờ lời cầu bầu của vị Tông đồ, xin Chúa làm sống lại đức tin của chúng ta và giúp chúng ta trung thành cho đến cùng ơn gọi của người Kitô hữu, của người môn đệ Chúa, và của sứ mạng rao giảng Tin mừng.
Võ Tá Hoàng
Tags:
Kiến thức công giáo