Mục tử phải tỉnh thức, biết chăm sóc bản thân và chăm lo cho đoàn chiên
Bài giáo lý của ĐTC Phanxicô về sách Công vụ Tông đồ trong buổi tiếp kiến chung tại quảng trường thánh Phêrô, sáng thứ tư, 04/12/2019.
17. “Anh em hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên” (Cv 20, 28). Phận vụ của Phaolô tại Êphêsô và từ biệt các kỳ lão.
Anh chị em thân mến!
Hành trình Tin mừng đi khắp thế gian tiếp tục tiến triển trong sách Công vụ Tông đồ, và ngang qua thành Êphêsô, cho chúng ta thấy được cả tầm quan trọng cứu độ của Tin mừng. Nhờ thánh Phaolô, khoảng 12 người nhận phép rửa nhân danh Chúa Giêsu và họ cảm nghiệm được sự tuôn đổ Chúa Thánh Thần, Đấng tái sinh họ (x. Cv 19,1-7). Còn có một số phép lạ khác xảy ra nhờ sự can thiệp của vị Tông đồ: những người đau yếu được chữa lành và người mất trí được giải thoát (x. Cv 19,11-12). Điều này xảy ra vì người môn đệ cũng giống Thầy của mình (Lc 6,40), làm cho Chúa hiện diện bằng cách thông truyền cho anh em chính cuộc sống mới đã lãnh nhận từ Chúa.
Sức mạnh của Thiên Chúa bùng lên ở Êphêsô, vạch trần những người muốn nhân danh Chúa Giêsu để thực hiện việc trừ tà mà không hề có năng quyền thiêng liêng để làm việc đó (x. Cv 19,13-17), và cho thấy sự yếu kém của trò ma thuật, bị số đông người rời bỏ để chọn Chúa Kitô và họ từ bỏ cả trò ma quái ấy (x. Cv 19,18-19). Một sự đảo ngược thực sự đối với một thành phố như Êphêsô, là trung tâm nổi tiếng để thực hiện trò ma thuật! Thánh Luca nhấn mạnh đến xung khắc giữa đức tin vào Chúa Kitô và vào ma thuật. Nếu chọn Chúa Kitô, bạn không thể cậy nhờ phù thủy: tin là phó thác hoàn toàn trong tay Chúa đáng tin cậy, Đấng được biết đến không qua các thực hành huyền bí nhưng nhờ mạc khải và tình yêu nhưng không. Có thể một số người trong anh chị em sẽ nói với tôi rằng : “ma thuật là cái gì đó cũ xưa lắm rồi, ngày nay sẽ không xảy ra với nền văn minh Kitô giáo nữa”. Nhưng anh chị em hãy chú ý! Tôi hỏi anh chị em: bao nhiêu người trong anh chị em nghiện chơi bài tarô [nd: một loại bài có 78 lá thường dùng để coi bói], bao nhiêu người trong anh chị em hay tới thầy coi chỉ tay hay coi bói bài? Ngay cả ngày nay tại các thành phố lớn các kitô hữu đang làm những nghề này. Và câu hỏi nữa: “nhưng tại sao, nếu bạn tin vào Chúa Kitô việc gì bạn phải đến với ma thuật, với thầy bói, với những người này?”, họ trả lời: “Tôi tin vào Chúa Giêsu Kitô, nhưng để xả xui nên tôi đến với họ”. Làm ơn, ma thuật không phải là Kitô giáo! Những điều họ làm để đoán trước tương lai hay đoán đủ thứ việc, hoặc thay đổi hoàn cảnh sống, những thứ đó không phải là Kitô giáo. Ơn sủng của Chúa Kitô sẽ đem đến cho bạn mọi thứ: hãy cầu nguyện và tin tưởng vào Chúa.
Việc truyền bá Tin mừng ở Êphêsô gây thiệt hại cho các tay thợ bạc, những người sản xuất các tượng nữ thần Artemis, khiến việc thực hành tôn giáo trở thành thương mại thực sự. Tôi xin anh chị em hãy suy nghĩ về điều này. Khi thấy hoạt động đem lại nhiều lợi nhuận bị suy giảm, những người thợ bạc đã tổ chức một cuộc bạo loạn chống lại Phaolô, và các Kitô hữu bị buộc tội gây ra những khủng hoảng cho tầng lớp thợ thủ công, cho đền thờ của nữ thần Artemis và việc tôn sùng vị thần này (x. Cv 19,23-28)
Sau đó Phaolô rời Êphêsô đến Giêrusalem và rồi đến Mileto (x. Cv 20,1-6). Tại đây ngài gửi lời kêu gọi đến các vị bô lão của Giáo hội Êphêsô – các kỳ mục: có thể là các vị tư tế - để thực hiện một cuộc chuyển giao “mục vụ” (Cv 20,17-35). Chúng ta đang ở giai đoạn cuối sứ vụ tông đồ của Phaolô và Luca giới thiệu cho chúng ta bài từ biệt của mình, một loại di chúc thiêng liêng mà vị Tông đồ nhắn gửi đến những người sẽ phải tiếp tục hướng dẫn cộng đoàn Êphêsô, sau khi ngài ra đi. Và đây là một trong những trang thư đẹp nhất của sách Công vụ Tông đồ. Tôi khuyên anh chị em hôm nay hãy mở Tân ước, sách Công vụ Tông đồ, chương XX và đọc lời từ biệt của Phaolô dành cho các kỳ mục ở Êphêsô, và cũng vậy ở Mileto. Đó là phương thức để hiểu cách mà các Tông đồ cũng như các linh mục hôm nay phải từ biệt và cả tất cả mọi kitô hữu cũng phải từ biệt. Đó là trang thư hay nhất.
Trong phần kêu gọi, Phaolô khích lệ những người lãnh đạo cộng đoàn, ngài thấy đây là lần cuối cùng. Và thánh Phaolô nói với họ điều gì? “Anh em hãy tự lo cho mình và lo cho đàn chiên nữa”. Đây là công việc của người mục tử: hãy biết chăm lo, chăm sóc bản thân và đoàn chiên. Người mục tử phải tỉnh thức, cha xứ phải tỉnh thức, chăm lo, các Linh mục phải tỉnh thức, Giám mục hay Giáo hoàng cũng vậy. Hãy tỉnh thức để bảo vệ đoàn chiên và chăm lo cho bản thân, hãy tự vấn lương tâm và nhìn xem nhiệm vụ chăm sóc này phải được thực hiện thế nào. Thánh Phaolô nói: “Anh em hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc, hãy chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh Người đã mua bằng máu của chính mình” (Cv 20,28). Các Tòa giám mục được yêu cầu tối đa gần gũi hơn với đoàn chiên, được chuộc bằng máu châu báu của Chúa Kitô, và mau chóng bảo vệ họ khỏi “sói dữ” (c. 29). Các Giám mục phải sống gần gũi với dân để gìn giữ họ, bảo vệ họ, không để mình xa dân.
Sau khi giao trách nhiệm này cho các vị lãnh đạo ở Êphêsô, Phaolô phó thác họ trong tay Chúa và cho “lời ân sủng của Ngài” (c. 32), kích thích mọi tăng trưởng và bước đi thánh thiện trong Giáo hội, bằng cách mời họ làm việc bằng chính đôi tay của mình, giống như Phaolô, để không trở thành gánh nặng cho ai khác, để săn sóc những người yếu đau và cảm nghiệm được rằng “cho thì có phúc hơn là nhận” (c. 35).
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy xin Chúa đổi mới trong chúng ta tình yêu dành cho Giáo hội và kho tàng đức tin mà Giáo hội bảo vệ; và xin Ngài làm cho tất cả chúng ta biết chung chia trách nhiệm bảo vệ đoàn chiên, bằng cách nâng đỡ các mục tử trong lời cầu nguyện, để họ thể hiện được sự kiên định và dịu dàng của người Mục tử theo lòng Chúa mong ước.
Võ Tá Hoàng
Võ Tá Hoàng
Tags:
Kiến thức công giáo