Bài giáo lý của ĐTC Phanxicô về sách Công vụ Tông đồ, tại quảng trường thánh Phêrô, sáng thứ tư ngày 16/10/2019
12. “Thiên Chúa không thiên vị người nào” (Cv 10, 34). Thánh Phêrô và việc tuôn đổ Thánh Thần trên dân ngoại.
Anh chị em thân mến!
Hành trình của Tin mừng trên thế gian mà thánh Luca tường thuật trong sách Công vụ Tông đồ, đi kèm với sự sáng tạo tuyệt đỉnh của Thiên Chúa được Ngài thực hiện cách kinh ngạc. Thiên Chúa muốn con cái của mình vượt qua sự thiên vị để mở ra ơn cứu độ phổ quát. Đó là mục đích của Ngài: vượt qua óc cục bộ và mở ra ơn cứu độ phổ quát, vì Thiên Chúa muốn cứu độ mọi người. Con người được tái sinh từ nước và Thần khí – được rửa tội – họ được mời gọi bước ra khỏi chính mình và mở lòng cho tha nhân, để sống gần gũi, sống với nhau, biến đổi mối tương quan cá nhân thành kinh nghiệm của tình huynh đệ (x. EG số 87).
Chứng nhân của tiến trình “huynh đệ” mà Thánh linh muốn khởi sự trong lịch sử là Thánh Phêrô, nhân vật chính trong Công vụ Tông đồ cùng với Phaolô. Thánh Phêrô sống với biến cố, qua đó đánh dấu một bước ngoặt quyết định cho cuộc đời ngài. Đang khi cầu nguyện, ngài nhận được một thị kiến, như một sự “đánh động” thiêng liêng, nhằm đánh thức nơi ngài sự thay đổi não trạng. Thánh Phêrô thấy một chiếc khăn lớn sà xuống từ trên cao, trong khăn chứa đủ loại động vật khác nhau : con thú bốn chân và rắn rết sống trên đất, cùng mọi thứ chim trời. Ông nghe có tiếng mời ông hãy ăn thịt những con thú đó. Như một người Do thái chân chính, Phêrô phản ứng lại bằng cách khẳng định rằng không bao giờ được ăn những gì ô uế và không thanh sạch, như Luật Chúa đòi hỏi (x. Lv 11). Lúc ấy có tiếng phán bảo ông lần thứ hai: "Những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh sạch, thì ngươi chớ gọi là ô uế" (Cv 10,15).
Qua sự việc này, Chúa muốn Phêrô đừng đánh giá các sự kiện và con người theo các phạm trù thanh sạch hay ô uế nữa, nhưng hãy học cách tiến xa hơn, để nhìn vào con người và những mục đích của tâm hồn mình. Thật vậy, điều làm con người ra ô uế không đến từ bên ngoài, nhưng chỉ đến từ bên trong, từ tâm hồn (x. Mc 7,21). Chúa Giêsu đã nói cho Phêrô biết rõ điều đó.
Sau thị kiến đó, Chúa sai Phêrô đến nhà của một người ngoại giáo chưa được cắt bì, người đó là Cornêliô, “làm đại đội trưởng thuộc cơ đội gọi là cơ đội I-ta-li-a. Ông là người đạo đức và kính sợ Thiên Chúa… ông rộng tay cứu trợ dân và luôn luôn cầu nguyện cùng Thiên Chúa” (Cv 10,1-2), nhưng ông không phải là người Do thái.
Trong nhà của người ngoại giáo ấy, thánh Phêrô giảng dạy về Chúa Kitô chịu đóng đinh, phục sinh và tha thứ tội lỗi cho bất cứ ai tin vào Ngài. Và trong khi Phêrô nói, Chúa Thánh Thần tuôn đổ trên Cornêliô và gia đình của ông. Và thánh Phêrô đã rửa tội cho họ nhân danh Chúa Giêsu Kitô (x. Cv 10, 48).
Đây là một sự kiện phi thường – lần đầu tiên xảy ra điều như vậy – ai cũng biết ở Giêrusalem, các anh em [những người thuộc giới cắt bì] đã phẫn nộ bởi hành vi của Phêrô, họ đã chỉ trích ngài cách gay gắt (x. Cv 11,1-3). Thánh Phêrô đã làm điều vượt quá phong tục, lề luật và vì vậy họ đã trách mắn ngài. Nhưng sau khi gặp Cornêliô, Phêrô được tự do hơn, hiệp thông với Chúa và tha nhân nhiều hơn, bởi vì ngài nhận ra được ý muốn của Thiên Chúa qua hoạt động của Thánh Thần. Do đó, ngài có thể hiểu rằng việc tuyển chọn dân Israel không phải là phần thưởng vì xứng đáng, nhưng là dấu chỉ của lời kêu gọi nhưng không để trở nên trung gian cho phúc lành thiêng liêng giữa dân ngoại.
Anh chị em thân mến, từ vị thủ lãnh các Tông đồ, chúng ta học biết rằng, người truyền giáo không thể là một chướng ngại cho công trình sáng tạo của Thiên Chúa, vì “Chúa muốn tất cả mọi người được cứu độ” (1Tm 2,4), nhưng là người tạo thuận lợi cho các tâm hồn gặp gỡ Thiên Chúa. Phần chúng ta, chúng ta cư xử như thế nào đối với anh chị em của mình, đặc biệt với những người không phải là kitô hữu? Phải chăng chúng ta là chướng ngại trong cuộc gặp gỡ Thiên Chúa? Chúng ta cản trở họ trong cuộc gặp gỡ Chúa Cha hay chúng ta giúp họ?.
Hôm nay chúng ta cầu xin cho mình ơn biết kinh ngạc trước những bất ngờ của Thiên Chúa, đừng ngăn cản sự sáng tạo của Ngài, nhưng nhận ra và ủng hộ những cách thức luôn luôn mới mẻ để qua đó Đấng Phục sinh tuôn đổ Thánh Thần cho thế giới và lôi kéo mọi tâm hồn nhận biết Thiên Chúa là “Chúa của tất cả mọi người” (Cv 10,36). Cám ơn.
G. Võ Tá Hoàng
Tags:
Kiến thức công giáo