Đức Hồng Y Robert Sarah, tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, vừa cho ra mắt cuốn sách “The Day Is Now Far Spent”, nghĩa là “Ngày Sắp Tàn”. Nhân dịp này, ngài đã dành cho phóng viên Edward Pentin thường trú tại Rôma của tờ National Catholic Register một cuộc phỏng vấn.
Trong cuộc phỏng vấn này, Đức Hồng Y cho biết ngài viết cuốn sách này để đề cập đến cuộc khủng hoảng hiện nay trong Giáo Hội và xã hội. Ngài tin rằng cuộc khủng hoảng này được thúc đẩy chủ yếu bởi chủ nghĩa vô thần, không đặt Thiên Chúa ở trung tâm của cuộc sống chúng ta; cũng như bởi một mong muốn rất thịnh hành ngày nay là áp đặt “ý kiến cá nhân của mình như là chân lý”. Ngài cảnh báo rằng, những ai công cáo về một “cuộc cách mạng và những thay đổi tận gốc” chỉ là “các tiên tri giả” không “đoái hoài gì đến lợi ích của đàn chiên.” Theo vị Hồng Y người Guinea, ân sủng lớn nhất của Phi châu là được mãi mãi là “con cái Thiên Chúa”, tránh xa các trào lưu ý thức hệ đang rất thịnh hành tại Âu châu.
Trong cuốn sách, Đức Hồng Y cũng thảo luận đến những tác động tích cực và tiêu cực trong cải tổ phụng vụ, và than phiền rằng có một “con quỷ” ao ước “cái chết tinh thần của chúng ta” khi cấm đoán các Thánh lễ theo hình thức ngoại thường của Nghi lễ Rôma. “Làm sao chúng ta có thể không ngạc nhiên và choáng váng một cách sâu sắc rằng một điều là quy tắc của ngày hôm qua lại có thể bị cấm vào ngày hôm nay?” Ngài nêu câu hỏi, và kêu gọi “thoát ra khỏi những chống đối có tính địa phương.”
Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng cuốn sách này là “Cri de Coeur” – “Tiếng Khóc trong Tâm Hồn” của ngài. “Tôi không phát triển luận văn cá nhân hoặc nghiên cứu học thuật. Cuốn sách này là tiếng khóc từ trái tim tôi như một linh mục và một mục tử.”
Ngài giải thích điều này như sau:
“Tôi đau khổ rất nhiều khi nhìn thấy Giáo Hội bị xé toang từng mảnh và đầy hoang mang. Tôi đau khổ rất nhiều khi nhìn thấy Phúc Âm và giáo lý Công Giáo bị coi thường, Bí tích Thánh Thể bị phớt lờ và xúc phạm. Tôi đau khổ rất nhiều khi nhìn thấy các linh mục bị bỏ rơi, chán nản và [chứng kiến] đức tin của nhiều người đã trở nên nguội lạnh”.
“Sự suy giảm niềm tin vào sự Hiện diện Thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể là trung tâm của cuộc khủng hoảng hiện nay và sự suy tàn của của Giáo Hội, đặc biệt là ở phương Tây. Chúng ta, các giám mục, linh mục và giáo dân đều phải chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng đức tin, khủng hoảng của Giáo Hội, khủng hoảng linh mục và tình trạng phi Kitô giáo hóa phương Tây. Georges Bernanos viết trước chiến tranh [thế giới lần thứ Hai] rằng: ‘Chúng ta liên tục lặp lại, với những giọt nước mắt bất lực, với sự lười biếng hay tự hào, rằng thế gian đang trở nên phi Kitô giáo. Nhưng thế gian chưa từng tiếp nhận Chúa Kitô - non pro mundo rogo - chính chúng ta là người đã tiếp nhận Ngài; và chính là từ trái tim của chúng ta mà Thiên Chúa phải rút lui; thật bất hạnh là chính chúng ta là người phi Kitô giáo hóa chính mình!’ (xem ‘Nous Autres, Français’, ‘Người Pháp chúng ta’, hay ‘Scandale de la vérité’, ‘Tai tiếng Chân lý’, các nhà xuất bản Points và Seuil, 1984).
“Tôi muốn mở lòng mình ra mà chia sẻ một điều chắc chắn này: Cuộc khủng hoảng sâu sắc mà Giáo Hội đang trải qua trên thế giới và đặc biệt là ở phương Tây là kết quả của sự lãng quên Thiên Chúa. Nếu mối quan tâm đầu tiên của chúng ta không phải là Chúa, thì mọi thứ khác sẽ sụp đổ. Tại gốc rễ của tất cả các cuộc khủng hoảng, dù là nhân chủng học, chính trị, xã hội, văn hóa, hay địa chính trị, có sự quên lãng tính tối thượng của Thiên Chúa. Như Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI nói trong cuộc họp của ngài với thế giới văn hóa tại Đại Học Bernardins vào ngày 12 tháng 9 năm 2008, ‘quaerere Deum’ – ‘việc tìm kiếm Thiên Chúa’, chú tâm đến Thiên Chúa như một thực tại thiết yếu chính là trục trung tâm mà trên đó tất cả các nền văn minh và văn hóa được xây dựng. Điều gì đã tạo nên nền văn hóa Âu châu – đó là việc tìm kiếm Thiên Chúa và sẵn sàng để cho mình được tìm thấy bởi Người, lắng nghe Người - vẫn là nền tảng của mọi nền văn hóa thực sự và là điều kiện không thể thiếu cho sự sống còn của nhân loại chúng ta. Trái lại, từ khước Thiên Chúa hoặc thờ ơ hoàn toàn với Ngài là thái độ diệt vong của nhân loại”.
“Tôi đã cố gắng chỉ ra trong cuốn sách này rằng gốc rễ chung của tất cả các cuộc khủng hoảng hiện nay được tìm thấy trong chủ nghĩa vô thần linh hoạt này, nó không thẳng thừng phủ nhận Thiên Chúa, nhưng trong thực tế sống như thể Ngài không hề tồn tại.”
“Trong phần kết của cuốn sách, tôi nói về chất độc này mà tất cả chúng ta đều là nạn nhân: đó là thuyết vô thần linh hoạt này. Nó xâm nhập vào tất cả mọi thứ, ngay cả các bài phát biểu của chúng tôi trong tư cách là các giáo sĩ. Nó bao gồm việc thừa nhận, bên cạnh đức tin, những tư tưởng hoàn toàn là ngoại giáo, những cách suy nghĩ hoặc sống rất trần tục. Và chính chúng ta lại thỏa mãn với sự sống chung bất tự nhiên này! Điều này cho thấy đức tin của chúng ta đã trở nên lỏng lẻo và không nhất quán! Cải cách đầu tiên phải được thực hiện là trong trái tim của chúng ta. Nó bao gồm việc đoạn tuyệt với mọi thứ thỏa hiệp với dối trá. Đức tin vừa là kho báu mà chúng ta muốn bảo vệ vừa là sức mạnh cho phép chúng ta bảo vệ đức tin ấy.”
Đức Hồng Y đặc biệt cảnh báo rằng:
“Phong trào hiện nay bao gồm việc ‘đặt Thiên Chúa sang một bên,’ và đặt Thiên Chúa trở thành một thực tại thứ yếu, đã chạm vào trái tim của các linh mục và giám mục.”
“Thiên Chúa không chiếm trung tâm của cuộc sống, suy nghĩ và hành động của họ. Cuộc sống cầu nguyện không còn là trung tâm. Tôi tin chắc rằng các linh mục phải tuyên bố tính trung tâm của Thiên Chúa thông qua cuộc sống của chính mình. Một Giáo Hội trong đó các linh mục không còn mang thông điệp này là một Giáo Hội bệnh hoạn. Cuộc sống của một linh mục phải công bố với thế giới rằng ‘chỉ một mình Thiên Chúa là đủ’, và rằng cầu nguyện, nghĩa là mối quan hệ thân mật và cá vị với Chúa, là trung tâm của cuộc đời mình. Đây là lý do sâu sắc cho sự độc thân linh mục.”
“Sự lãng quên Thiên Chúa thể hiện trước hết và nghiêm trọng hơn hết trong lối sống tục hóa của các linh mục. Các ngài phải là những người đầu tiên làm chứng cho Tin mừng. Nếu cuộc sống cá nhân của các ngài không phản ánh điều này, thì chủ nghĩa vô thần thực tế sẽ lan rộng khắp Giáo Hội và xã hội.”
“Tôi tin rằng chúng ta đang ở một bước ngoặt trong lịch sử của Giáo Hội. Vâng, Giáo Hội cần một cuộc cải cách sâu sắc và triệt để, và phải bắt đầu bằng một cuộc cải cách về cách nghĩ và cách sống của các linh mục. Giáo Hội tự mình là thánh thiện. Nhưng chúng ta ngăn chặn sự thánh thiện này tỏa sáng bằng tội lỗi và những mối quan tâm trần tục của chúng ta.”
Đức Hồng Y kết luận rằng:
“Đã đến lúc chúng ta cần vứt bỏ tất cả những gánh nặng này và cuối cùng để cho Giáo Hội được tỏ hiện như Chúa đã định hình. Đôi khi người ta tin rằng lịch sử của Giáo Hội được đánh dấu bằng những cải cách cấu trúc. Nhưng tôi xác tín rằng chính những vị thánh là những người thay đổi lịch sử, rồi mới đến các cấu trúc, và các cấu trúc này phải không ngừng thể hiện tác động của các thánh.”
Đặng Tự Do
VietcatholicNews
Tags:
Giáo hội