Theo tin Zenit, ngày 1 tháng Sáu, 2018, Thánh Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống đã công bố một văn kiện mới tựa là “Hãy Hiến Tặng Hết Mình. Một Văn Kiện về Quan Điểm Kitô Giáo Đối Với Thể Thao và Con Người Nhân Bản”.
Nhân dịp này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi cho Đức Hồng Y Kevin Farrell, Bộ Trưởng Thánh Bộ, bức thư như sau:
Gửi Hiền Huynh Đáng Kính Hồng Y Kevin Farrell
Bộ Trưởng Thánh Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống
Với niềm vui, tôi được tin về việc xuất bản văn kiện “Dare il meglio di sé” (“Hãy Hiến Tặng Hết Mình”) theo quan điểm Kitô giáo về thể thao và con người nhân bản, Thánh Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống đã soạn thảo với mục đích làm nổi bật vai trò của Giáo Hội trong thế giới thể thao và cách thể thao có thể là một công cụ của cuộc gặp gỡ, đào tạo, truyền giáo và thánh hóa.
Thể thao là nơi gặp gỡ, nơi mọi người ở mọi bình diện và điều kiện xã hội đến với nhau để đạt được mục tiêu chung. Trong một nền văn hóa bị thống trị bởi chủ nghĩa cá nhân và khoảng cách giữa thế hệ trẻ và người cao tuổi, thể thao là một lãnh vực đặc tuyển mà quanh đó, người ta gặp gỡ không phân biệt chủng tộc, giới tính, tôn giáo hoặc ý thức hệ, và là nơi, chúng ta cảm nghiệm được niềm vui thi đua để cùng đạt một mục tiêu với nhau, tham gia vào một đội, nơi thành công hay thất bại được chia sẻ và khắc phục; điều này giúp chúng ta bác bỏ ý tưởng chinh phục một mục tiêu bằng cách chỉ tập chú vào chính mình. Việc cần người khác không chỉ bao gồm các đồng đội mà còn cả các nhà quản trị, huấn luyện viên, người ủng hộ, gia đình; nói tóm lại, tất cả những người, với cam kết và tận tâm, làm ta có thể “hiến tặng hết mình”. Tất cả những điều này làm cho thể thao trở thành một chất xúc tác cho các kinh nghiệm về cộng đồng, về gia đình nhân loại. Khi một người cha chơi với con trai, khi trẻ em chơi với nhau trong công viên hoặc ở trường, khi một vận động viên ăn mừng chiến thắng với những người ủng hộ mình, trong tất cả các môi trường này, chúng ta đều có thể thấy giá trị của các môn thể thao như là một nơi hợp nhất và gặp gỡ giữa con người. Chúng ta đạt được các kết quả tuyệt vời, trong thể thao cũng như trong cuộc sống, cùng nhau, như một đội!
Thể thao cũng là một phương tiện đào tạo. Ngày nay, có lẽ hơn bao giờ hết, chúng ta phải hướng mắt ta về giới trẻ, bởi vì diễn trình đào tạo càng bắt đầu sớm, sự phát triển toàn diện của con người qua thể thao càng trở nên dễ dàng hơn. Chúng ta biết các thế hệ mới nhìn vào các vận động viên và nhận được cảm hứng từ họ xiết bao! Do đó, sự tham gia của tất cả các vận động viên ở mọi lứa tuổi và bình diện là điều cần thiết; vì những người dự phần vào thế giới thể thao là điển hình của các nhân đức như đại lượng, khiêm tốn, hy sinh, kiên trì và vui tươi. Tương tự như vậy, họ nên đóng góp vào tinh thần nhóm, tôn trọng, thi đua lành mạnh và liên đới với những người khác. Điều chủ yếu là tất cả chúng ta phải nhận thức được tầm quan trọng của các điển hình trong thực hành thể thao, vì luống cày tốt trên đất màu mỡ rất thuận lợi cho mùa thu hoạch, miễn là nó được vun trồng và công việc được thực hiện đúng cách.
Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh vai trò của thể thao như một phương tiện truyền giáo và thánh hóa. Giáo Hội được kêu gọi trở thành dấu chỉ của Chúa Giêsu Kytô trong thế giới, cũng nhờ các môn thể thao thực hành trong các nguyện đường, giáo xứ, trường học, và hiệp hội… Mọi dịp đều tốt cho việc loan báo sứ điệp của Chúa Kitô, “bất kể lúc thuận lợi hay lúc không thuận lợi” (2 Tm 4: 2). Điều quan trọng là mang lại, là truyền đạt niềm vui này qua các môn thể thao, không là gì khác ngoài việc khám phá ra các tiềm năng của con người kích thích chúng ta bộc lộ vẻ đẹp của sáng thế và của con người nhân bản, được tạo dựng theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa. Thể thao có thể mở đường dẫn tới Chúa Kitô ở những nơi hoặc môi trường, trong đó, vì nhiều lý do khác nhau, không thể công bố Người cách trực tiếp; và những người thực hành một môn thể thao như một cộng đồng, với một chứng từ vui tươi, có thể là sứ giả của Tin Mừng.
Hiến tặng hết mình trong thể thao cũng là một lời mời gọi vươn tới sự thánh thiện. Tại cuộc gặp gỡ gần đây với giới trẻ để chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục, tôi đã bày tỏ niềm xác tín này: tất cả những người trẻ hiện diện ở đó, đích thân hoặc qua các mạng xã hội, đều có ước muốn và hy vọng được cống hiến hết mình họ. Tôi đã sử dụng cùng một cách phát biểu này trong Tông Huấn gần đây, nhắc nhớ rằng Chúa có cách độc đáo và chuyên biệt mời gọi mỗi người chúng ta vươn tới sự thánh thiện: “Điều quan trọng là mỗi tín hữu biện phân được con đường riêng của mình, họ rút ra được điều tốt nhất của mình, những hồng phúc có tính bản thân nhất mà Thiên Chúa đã đặt trong trái tim họ”(Gaudete et exsultate, 11).
Chúng ta cần phải làm sâu sắc thêm mối liên kết chặt chẽ giữa thể thao và cuộc sống, vốn có thể soi sáng lẫn nhau, sao cho nỗ lực vượt qua chính mình trong một môn thể thao cũng đóng vai trò kích thích để ta luôn cải thiện như một con người, trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Với sự giúp đỡ của ơn thánh Thiên Chúa, việc theo đuổi này đặt chúng ta trên con đường có thể dẫn chúng ta đến sự viên mãn của cuộc sống mà chúng ta gọi là sự thánh thiện. Thể thao chính là một nguồn rất phong phú gồm các giá trị và nhân đức giúp chúng ta trở thành những con người tốt hơn. Giống như các vận động viên trong quá trình huấn luyện, việc thực hành thể thao giúp chúng ta cho đi điều tốt nhất của chúng ta, khám phá ra các giới hạn của chúng ta mà không sợ hãi, và đấu tranh hàng ngày để cải thiện. Bằng cách này, “trong chừng mực mỗi Kitô hữu lớn lên trong sự thánh thiện, họ sẽ mang lại hoa trái lớn hơn cho thế giới của chúng ta” (sđd., 33). Do đó, đối với các vận động viên Kitô giáo, sự thánh thiện sẽ hệ ở việc sống các môn thể thao như một phương tiện gặp gỡ, đào tạo nhân cách, làm chứng và công bố niềm vui làm Kitô hữu với những người xung quanh mình.
Tôi cầu xin Chúa, nhờ sự cầu bầu của Đức Trinh Nữ Diễm Phúc, để văn kiện này có thể phát sinh ra hoa trái dồi dào, cả trong cam kết giáo hội đối với thừa tác vụ thể thao và ngoài cả phạm vi của Giáo Hội nữa. Tôi yêu cầu tất cả các vận động viên và công nhân mục vụ tự nhận ra mình trong “đội” vĩ đại của Chúa Giêsu vui lòng cầu nguyện cho tôi, và tôi gửi họ phước lành tự đáy lòng tôi.
Thành phố Vatican, ngày 1 tháng 6 năm 2018
Lễ nhớ Thánh Giustinô Tử Đạo
***
Sau đây là nguyên văn văn kiện mới, bản tiếng Anh do chính Tòa Thánh cung cấp:
Hãy Hiến Tặng Hết Mình ‘Một Văn Kiện về Quan Điểm Kitô Giáo đối với Thể Thao và Con Người Nhân Bản’
Chương Một: Các động lực và mục đích
Hãy Hiến Tặng Hết Mình
Hiến tặng hết mình là một chủ đề căn bản trong thể thao, vì các vận động viên, cả trong tư cách cá nhân lẫn trong tư cách tập thể, luôn phấn đấu để đạt được các mục tiêu của họ trong môn chơi của mình. Khi một người hiến tặng hết mình, họ cảm nghiệm được sự hài lòng và niềm vui thành tựu. Điều này cũng đúng trong đời sống con người nói chung và trong việc sống đức tin Kitô giáo. Tất cả chúng ta đều muốn, một ngày kia, có thể nói với Thánh Phaolô, “Tôi đã chiến đấu cho đến cùng cuộc chiến đấu tốt, đã kết thúc cuộc chạy đua của tôi, tôi đã giữ vững đức tin.” (2 Tm 4: 7). Văn kiện này cố gắng giúp người đọc hiểu được mối tương quan giữa việc hiến tặng hết mình ta trong các môn thể thao và trong việc sống đức tin Kitô giáo trong mọi khía cạnh của cuộc sống của chúng ta.
1.1 Động cơ của văn kiện này
Như Dân Thiên Chúa, Giáo Hội có một kinh nghiệm phong phú và sâu sắc về nhân loại. Với lòng khiêm tốn tuyệt vời, Giáo Hội muốn chia sẻ và đặt kinh nghiệm này để phục vụ thể thao. Giáo hội tiếp cận thế giới thể thao vì mong muốn đóng góp vào việc xây dựng một nền thể thao ngày càng chân chính, nhân đạo.
Thật vậy, “không có gì thực sự nhân bản mà không gây một tiếng vang” [1] trong trái tim các người theo Chúa Kitô. Thể thao là một điều phổ quát của con người và đã nhận được một tầm quan trọng mới trong thời đại chúng ta và vì vậy nó cũng đã tìm thấy một tiếng vang trong trái tim của dân Thiên Chúa.
Giáo Hội hiểu con người nhân bản như một đơn vị gồm thân xác, linh hồn và tinh thần, và tìm cách tránh bất cứ loại chủ thuyết duy giản lược nào trong thể thao có thể làm suy yếu nhân phẩm. “Giáo hội quan tâm đến thể thao bởi vì con người nằm trong trái tim Giáo Hội, toàn thể con người, và Giáo Hội nhìn nhận rằng hoạt động thể thao ảnh hưởng đến sự đào tạo, đến các mối tương quan và linh đạo của người ta” [2].
Văn kiện này dự định trình bày ngắn gọn về các quan điểm của Tòa Thánh và của Giáo Hội Công Giáo về thể thao. Một phần vì cách viết lịch sử thể thao, gần đây có xu hướng nghĩ rằng Giáo Hội Công Giáo chỉ có một cái nhìn và tác động tiêu cực đối với thể thao, đặc biệt là trong thời trung cổ và đầu thời hiện đại, vì thái độ tiêu cực của Công Giáo đối với thân xác. Nhưng điều này dựa trên một sự hiểu lầm về các thái độ của Công Giáo đối với thân xác trong những giai đoạn này và nó bỏ lỡ ảnh hưởng tích cực của các truyền thống thần học, tâm linh và giáo dục Công Giáo về thể thao như một khía cạnh của văn hóa [3].
“Thái độ Kitô giáo đối với thể thao cũng như đối với các biểu hiện khác của các khả năng tự nhiên của con người như khoa học, học tập, việc làm, nghệ thuật, tình yêu, và cam kết xã hội và chính trị không phải là một thái độ bác bỏ hay chạy trốn, mà là một thái độ tôn trọng, quí mến, mặc dù điều chỉnh và nâng cao chúng: tóm một lời, là một thái độ cứu chuộc”[4]. Thái độ cứu chuộc hiện diện trong thể thao khi tính ưu việt của nhân phẩm được tôn trọng và thể thao phục vụ con người nhân bản trong sự phát triển toàn diện của họ. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng nói, “sợi dây gắn bó giữa Giáo hội và thế giới thể thao là một thực tại đẹp đẽ đã được củng cố theo thời gian, vì trong thể thao, Cộng đồng Giáo hội nhìn thấy một công cụ mạnh mẽ cho sự phát triển toàn diện con người. Thực thế, tham gia vào các môn thể thao kích thích ta vượt quá bản thân ta và lợi ích riêng của ta một cách lành mạnh; nó huấn luyện tinh thần trong sự hy sinh và, nếu được tổ chức tốt, nó nuôi dưỡng lòng trung thành trong các mối tương quan liên ngã, tình bạn và tôn trọng các quy tắc”[5].
Giáo Hội Công Giáo ngỏ văn kiện này với mọi người thiện chí. Đặc biệt, Giáo hội quan tâm đến việc đối thoại với nhiều người và các tổ chức đang khai triển các chương trình để bảo vệ các giá trị nhân bản cố hữu trong thực hành thể thao.
Giáo Hội cũng muốn ngỏ văn kiện này với tất cả các tín hữu Công Giáo, bắt đầu với các giám mục và linh mục, nhưng đặc biệt là với các giáo dân, những người tiếp xúc nhiều nhất với thể thao như một thực tại sống. Nó nhằm trở thành một văn kiện nói với tất cả những người yêu mến và trân trọng thể thao, bất kể là vận động viên, giáo viên, huấn luyện viên, phụ huynh hoặc những người mà đối với thể thao vừa là công việc vừa là ơn gọi. Chúng tôi cũng muốn ngỏ rộng các suy nghĩ này tới các anh chị em của chúng tôi trong đức tin, những người đã và đang truyền giáo và cổ vũ các giá trị Kitô giáo trong thể thao hơn 50 năm nay [6].
Làm thế nào Giáo hội lại có thể không quan tâm cho được?
Giáo hội đã trở thành nhà tài trợ cho cái đẹp trong nghệ thuật, âm nhạc và các lĩnh vực hoạt động khác của con người trong suốt lịch sử của nó. Điều này cuối cùng là vì cái đẹp phát xuất từ Thiên Chúa, và do đó, sự đánh giá cao về nó được khắc ghi vào chúng ta như là những tạo vật yêu quý của Người. Thể thao có thể cho chúng ta cơ hội dự phần vào những khoảnh khắc đẹp đẽ, hoặc để xem chúng diễn ra. Bằng cách này, thể thao có tiềm năng nhắc nhở chúng ta rằng cái đẹp là một trong những phương cách chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa.
Tính phổ quát của trải nghiệm thể thao, sức mạnh truyền đạt và biểu tượng của nó, và tiềm năng giáo dục và đào tạo tuyệt vời của nó hiện nay rất hiển hiện. Thể thao hiện nay là một hiện tượng văn minh hoàn toàn nằm trong văn hóa đương đại và bàng bạc trong các phong cách và lựa chọn của cuộc sống nhiều người, nên chúng ta có thể tự hỏi mình như Đức Piô XII đã hỏi: “Do đó, làm thế nào Giáo hội lại có thể không quan tâm đến thể thao cho được?” [7]
Đức Piô XII và Đức Phaolô VI lúc ấy đã mạnh mẽ mở cuộc đối thoại giữa Giáo hội và thế giới thể thao trong thế kỷ 20, cổ vũ các khía cạnh chung cho cả thể thao lẫn đời sống Kitô hữu và nối kết các lý tưởng của phong trào Thế Vận Hội với các lý tưởng của người Công Giáo: nỗ lực thể lý, phẩm tính luân lý, tình yêu hòa bình: dựa trên ba điểm này, cuộc đối thoại được Giáo Hội duy trì với thế giới thể thao hết sức chân thành và thân thiện. Mong muốn của chúng ta là nó ngày càng rộng lớn hơn và có hiệu quả hơn” [8].
Sự cần thiết phải có việc chăm sóc mục vụ trong thể thao: một nhiệm vụ chủ yếu có tính giáo dục
Cuộc đối thoại giữa Giáo hội và thể thao đã phát sinh ra và tiếp tục phát sinh ra một đề xuất nhiều mặt về việc chăm sóc mục vụ, đặc biệt trong các trường học, giáo xứ và các hiệp hội Công Giáo. Đức Gioan Phaolô II ủng hộ diễn trình này, cả trong Huấn Quyền lẫn trong việc quyết định lần đầu tiên mở một Văn Phòng về Giáo Hội và Thể Thao trong Tòa Thánh.
“Giáo hội phải ở hàng ngũ tiên phong trong lãnh vực này, để lên kế hoạch cho một việc tông đồ đặc biệt thích nghi với nhu cầu của các vận động viên và đặc biệt để thúc đẩy các môn thể thao có thể tạo điều kiện cho cuộc sống giàu hy vọng” [9]. Giáo Hội không những chỉ khuyến khích việc thực hành thể thao mà còn muốn ở “trong” thể thao nữa, được coi như một Tiền Đình hiện đại dành cho người Ngoại Giáo và một đồi “areopagus” nơi Tin Mừng được công bố.
Huấn Quyền liên tục đề cập đến sự cần thiết phải cổ vũ “một nền thể thao vì con người” có khả năng mang lại ý nghĩa cho cuộc sống và phát triển con người đầy đủ về mặt luân lý, xã hội, đạo đức và tâm linh. Sự kết nối của Giáo Hội với các môn thể thao mang hình thức hiện diện mục vụ đa dạng và phổ biến lấy cảm hứng từ sự quan tâm của Giáo Hội đối với con người nhân bản.
1.2 Giáo hội và Thể thao cho đến bây giờ
Giáo hội đã dấn thân vào đối thoại với thể thao từ những năm đầu tiên hiện hữu của mình. Giáo Hội biết rõ rằng Thánh Phaolô sử dụng các ẩn dụ về thể thao để giải thích cuộc sống Kitô hữu cho người ngoại giáo. Trong thời trung cổ, giáo dân Công Giáo đã chơi trò chơi và thể thao vào những ngày lễ, chiếm một số lượng lớn trong năm, cũng như vào các Chúa Nhật. Các trò chơi như vậy đã tìm được sự hỗ trợ thần học trong các trước tác của Thánh Tôma Aquinô, người đã lập luận rằng có thể có “một nhân đức về trò chơi” vì nhân đức có liên quan tới sự điều độ, chừng mực. Theo cách giải thích này, người đạo đức không nên lúc nào cũng làm việc, nhưng cũng cần có thời gian để vui chơi và giải trí. Các nhà nhân bản học thời Phục hưng và các tu sĩ Dòng Tên thuở ban đầu đã sử dụng cái hiểu về nhân đức của Thánh Tôma Aquinô khi họ quyết định rằng học sinh cần thời gian để vui chơi và giải trí trong ngày học của chúng. Đây là lý do nguyên thủy của việc bao gồm trò chơi và thể thao vào các định chế giáo dục ở thế giới phương Tây [10].
Hơn nữa, từ đầu kỷ nguyên hiện đại, Giáo hội đã bày tỏ sự quan tâm đến hiện tượng này, khi đánh giá cao tiềm năng giáo dục của nó và cũng chia sẻ nhiều giá trị với thể thao. Giáo hội đã tích cực cổ vũ chính sự phát triển của thể thao qua các hình thức có tổ chức và có cấu trúc.
Thể thao trong thế giới hiện đại phát sinh trong bối cảnh cuộc cách mạng kỹ nghệ mà cơ sở phong phú về mặt xã hội, chính trị và kinh tế đã mang đến cho thể thao những phương tiện để tiến bộ trên toàn thế giới. Thể thao là kết quả của tính hiện đại và đồng thời đã trở thành “người mang” tính hiện đại. Hơn nữa, trong thời đại ta, thể thao đang thay đổi sâu sắc và đang chịu áp lực nặng nề phải thay đổi. Chúng ta hy vọng rằng các chuyên gia thể thao không những chỉ “quản lý” sự thay đổi mà còn làm như vậy bằng cách tìm hiểu và nắm vững các nguyên tắc rất thân thiết với nền thể thao cổ đại và hiện đại: giáo dục và thăng tiến con người.
Năm 1904, Đức Piô X mở màn để Vatican chơi thể thao bằng cách tổ chức một biến cố thể dục cho giới trẻ. Các biên niên sử của thời gian đó không che giấu sự ngạc nhiên của họ đối với cử chỉ này. Một câu chuyện được tường thuật lại rằng đáp lại một câu hỏi từ một linh mục bối rối của giáo triều, “Chúng ta sẽ kết thúc ở đâu đây?” Đức Piô X trả lời, “Con yêu dấu, ở thiên đàng!” [11]
Nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, Thánh Gioan Phaolô II đã đặt việc tham gia và đối thoại với thể thao ở mức quan trọng nhất đối với phẩm trật của Giáo Hội Công Giáo. Sau Năm Thánh 2000, trong đó, ngài đã thuyết giảng trước 80,000 vận động viên trẻ tại Sân vận động Thế Vận ở Rôma, ngài quyết định thành lập văn phòng Giáo hội & Thể thao, một văn phòng từ năm 2004 đã nghiên cứu và cổ vũ một viễn kiến Kitô giáo về thể thao, biết nhấn mạnh tầm quan trọng của nó đối với việc xây dựng một xã hội nhân đạo, hòa bình và công bằng hơn cũng như cho việc truyền giảng Tin Mừng.
Không phải một nền thể thao Kitô giáo mà là một viễn kiến Kitô giáo về thể thao
Cho dù các liên đoàn và hiệp hội thể thao quốc gia hoặc quốc tế được tuyên bố công khai như là có nguồn gốc Công Giáo, mục đích không phải là tạo ra một nền thể thao “Kitô giáo” khác biệt, tách biệt hoặc thay thế, nhưng cung cấp một viễn kiến cho nền thể thao đặt cơ sở trên sự hiểu biết của Kitô giáo về con người nhân bản và một xã hội công bằng.
Tập chú vào một viễn kiến về thể thao này đã lớn mạnh một cách nhanh chóng. Trong một tài liệu về thể thao của họ, Hội đồng Giám mục Ý nói rằng, “nếu không có một nền thể thao Kitô giáo, thì thay vào đó, điều hoàn toàn hợp pháp là có một viễn kiến về nền thể thao; viễn kiến này không những chỉ cung cấp các giá trị đạo đức phổ quát chung cho thể thao mà còn thăng tiến viễn ảnh riêng của mình, một viễn ảnh có tính đổi mới và phục vụ chính thể thao, con người và xã hội”[12].
“Không hề phá hoại và làm mất hiệu lực bản chất chuyên biệt của thể thao, di sản của niềm tin Kitô giáo làm cho hoạt động này thoát khỏi mơ hồ và sai lệch, tạo điều kiện để nó thể hiện trọn vẹn” (13). Do đó, Kitô Giáo không phải là một “nhãn hiệu chỉ phẩm tính đạo đức” của thể thao, một nhãn hiệu được đặt bên cạnh nhưng ở bên ngoài nó. Kitô giáo được đề xuất như là một giá trị gia tăng giúp cho sự viên mãn của trải nghiệm thể thao.
1.3 Mục đích của văn kiện
Giáo hội coi trọng thể thao ngay trong bản chất của nó, như một đấu trường của hoạt động nhân bản, nơi các nhân đức điều độ, khiêm nhường, can cảm, kiên nhẫn có thể được nuôi dưỡng và những cuộc gặp gỡ với vẻ đẹp, lòng tốt, sự thật và niềm vui có thể được chứng kiến. Những loại kinh nghiệm này có thể có được nhờ người dân của tất cả các quốc gia và cộng đồng khắp thế giới bất kể tiêu chuẩn hay bình diện thể thao. Chính chiều kích này làm thể thao trở thành một hiện tượng hoàn cầu thực sự hiện đại và do đó là một điều được Giáo Hội hết sức quan tâm.
Vì thế, Giáo Hội muốn cất cao tiếng nói của mình để phục vụ thể thao. Giáo Hội cảm thấy cùng có trách nhiệm về thể thao và việc bảo vệ nó khỏi những trôi giạt vật vờ vốn đe dọa nó hằng ngày, đặc biệt là tính không trung thực, các thao túng và lạm dụng thương mại.
“Thể thao là niềm vui của cuộc sống, một trò chơi, một cử hành, và như thế nó phải được sử dụng đúng cách […] và giải thoát khỏi sự hoàn thiện kỹ thuật và tính chuyên nghiệp thái quá nhờ việc tái phục hồi bản chất tự do, khả năng tăng cường các sợi dây bằng hữu, cổ vũ đối thoại và cởi mở đối với người khác, nói lên sự phong phú của việc hiện hữu, có giá trị hơn và được đánh giá cao hơn việc sở hữu, và do đó, vượt xa các định luật khắc nghiệt của sản xuất và tiêu dùng và tất cả những cân nhắc hoàn toàn có tính thực dụng (utilitarian) và duy khoái lạc (hedonistic) khác trong cuộc sống” [14]. Ở bình diện này, đối thoại, hợp tác giữa Giáo hội và thể thao, sẽ là điều đem lại lợi ích.
Giáo hội cũng mong muốn được phục vụ cho tất cả những ai đang làm việc thể thao trong vai trò được trả tiền hoặc đại đa số trong vai trò thiện nguyện viên, như các viên chức, huấn luyện viên, giáo viên, quản trị viên, phụ huynh và chính các vận động viên.
Sau khi đã nói rõ các động lực và mục đích của cuộc đối thoại giữa Giáo hội và thể thao ở Chương 1, văn kiện sẽ khám phá trong Chương 2 thực tại thể thao từ nguồn gốc của nó cho đến các bối cảnh hiện đại của nó. Khi làm như vậy, văn kiện suy tư một định nghĩa về thể thao và sự liên quan của thể thao trong và cho thế giới. Sau đó, trong Chương 3, văn kiện sẽ đào sâu hơn vào khía cạnh nhân học của thể thao và tầm quan trọng của nó đặc biệt đối với con người như một sự thống nhất gồm thân xác, linh hồn và tinh thần. Sau đó, văn kiện bàn tới việc thể thao nói ra sao về việc chúng ta tìm kiếm nhiều hơn ý nghĩa cuối cùng, và cổ vũ quyền tự do và óc sáng tạo của con người. Kinh nghiệm thể thao là một kinh nghiệm liên quan đến công lý, hy sinh, niềm vui, sự hòa hợp, lòng can đảm, sự bình đẳng, tôn trọng và liên đới trong việc tìm kiếm ý nghĩa này. Ý nghĩa tối hậu theo cách hiểu của Kitô giáo là hạnh phúc tối hậu được tìm thấy trong việc cảm nghiệm được tình yêu và lòng thương xót bao la của Thiên Chúa như đã được thể hiện trong mối liên hệ với Chúa Giêsu Kitô trong Chúa Thánh Thần, vốn diễn ra và được sống trong cộng đồng đức tin.
Tiếp theo, trong Chương 4, văn kiện khám phá những thách thức chuyên biệt để cổ vũ một nền thể thao nhân đạo và công chính, trong đó có hạ giá thân xác, dùng chất kích thích (doping), tham nhũng, và đôi khi ảnh hưởng tiêu cực của khán giả. Giáo Hội công nhận trách nhiệm chung của mình với các nhà lãnh đạo thể thao trong việc chỉ ra các định hướng sai lầm và tác phong phi đạo đức và chỉ đạo thể thao theo phương cách cổ vũ sự phát triển của con người. Cuối cùng, trong Chương 5, văn kiện trình bày một tổng quan về các nỗ lực liên tục của Giáo Hội trong việc đóng góp vào việc nhân bản hóa các môn thể thao trong thế giới hiện đại. Trong các bối cảnh khác nhau của nó, chẳng hạn như đấu trường không chuyên nghiệp và chuyên nghiệp, thể thao vẫn có thể và phục vụ như một công cụ hữu hiệu cho việc giáo dục và đào tạo các giá trị nhân bản.
Chắc chắn, có nhiều chủ đề hơn liên quan đến các khả thể và thách đố của thể thao không được thảo luận trong văn kiện này. Bản văn này không nhằm được dùng như một bản tóm tắt đầy đủ các lý thuyết và thực tại liên quan đến thể thao mà đúng hơn tìm cách nói rõ cái hiểu của Giáo Hội về hiện tượng thể thao và mối tương quan của nó với đức tin.
Chương 2: Hiện tượng thể thao
Thể thao là một hiện tượng phổ quát. Bất cứ nơi nào và bất cứ khi nào con người sống chung với nhau, họ đều rất thích chơi các trò chơi, thưởng thức chuyển động của cơ thể họ, trong việc hoàn thiện các khả năng thể chất của họ hoặc thi đua với nhau. Thành thử có người cho rằng, ở mọi thời và mọi nơi, người ta đã thực hành những gì chúng ta ngày nay gọi là thể thao rồi. Trong bối cảnh này, không hề là một quan niệm sai lầm toàn diện khi ta coi thể thao như một loại hằng số nhân chủng học. Dĩ nhiên, thuật ngữ ‘thể thao’ chỉ mới có gần đây thôi. Nó phát xuất từ lối nói của Pháp ngày xưa desporter hoặc se desporter – vốn là một từ ngữ phát sinh từ chữ Latinh de (s) portare – và có nghĩa là giải trí cho chính mình. Cuối cùng, trong giai đoạn đầu thời đại hiện đại, chữ ‘thể thao’ được đặt ra, và từ đó, thuật ngữ được sử dụng để mô tả sự đa dạng của các hoạt động thu hút rất nhiều người trong tư cách vận động viên hoặc khán giả. [15]
Như đã được đề cập, với văn kiện này, Giáo Hội muốn cất cao tiếng nói của mình trong việc phục vụ thể thao. Do đó, Giáo Hội muốn dõi chút ánh sáng lên ý nghĩa nhân học của thể thao, các thách đố nó đang phải đối đầu và những cơ hội mục vụ mà nó mang lại. Tuy nhiên, trước khi làm việc này, điều hữu ích là có được một hiểu biết quen thuộc nào đó về chính hiện tượng này. Vì thế, ta nên biết, chẳng hạn như, làm thế nào thể thao đã nhận được hình dáng hiện nay của nó hoặc đâu là các đặc điểm chính của nó. Hơn nữa, cũng nên lưu ý tới các mối tương quan khác nhau của nó với các xã hội rộng lớn hơn mà nó vốn là một thành phần.
2.1 Sự ra đời của nền thể thao hiện đại
Có thể nói tất cả các nền văn hóa trong lịch sử đều khai triển các hoạt động giải trí, thể lý và thi đua gọi là thể thao. Như thế, thể thao đã tồn tại trong suốt lịch sử nhân loại. Thế nhưng, chính Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã gọi thể thao là “hiện tượng đặc trưng của thời hiện đại […] một ‘dấu chỉ thời gian’ có khả năng giải thích các nhu cầu mới và các kỳ vọng mới của con người”. Ngài nói tiếp: thể thao đã “lan truyền tới mọi ngõ ngách trên thế giới, vượt qua các dị biệt giữa càc nền văn hóa và quốc gia. Điều Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rất đúng ở đây là sự kiện này: thể thao, bất chấp lịch sử lâu đời của nó, đã trải qua một thay đổi triệt để trong hai thế kỷ qua. Trước đây, các môn thể thao được độc quyền định hình bởi các nền văn hóa đặc thù mà chúng thuộc về. Nền thể thao hiện đại, ngược lại, tương hợp với hầu như tất cả các khung cảnh văn hóa và do đó đã vượt qua những ranh giới văn hóa và quốc gia cũ. Tất nhiên, vẫn còn các hình thức thể thao địa phương và chúng đáng được hưởng sự nổi tiếng mỗi ngày một gia tăng, nhưng bên cạnh chúng, cũng hiện hữu một loại thể thao hoàn cầu – giống như một ngôn ngữ hoàn cầu – có thể được hiểu bởi hầu hết mọi con người nhân bản. Vì thế, câu hỏi đặt ra là: Thể thao đã trở thành một hiện tượng hoàn cầu như thế cách nào?
Trong các thế kỷ 16 và 17, mặc dù không phải tất cả [17], nhưng nhiều hoạt động thể thao ở phương Tây đã tách mình ra khỏi các bối cảnh tôn giáo và văn hóa mà trước đây chúng vốn thuộc về. Tất nhiên, điều này không có nghĩa thể thao nói chung đã trở thành một hiện tượng tách rời. Tuy nhiên, vào thời điểm ấy, chúng ta có thể quan sát thấy sự khởi đầu của việc định chế hóa, chuyên nghiệp hóa và thương mại hóa. [18] Chủ quyền ngày càng gia tăng của thể thao cùng với việc nhớ lại các lý tưởng sư phạm của thời cổ Hy Lạp đã dẫn khởi một sự phát triển trong đó các hoạt động thể lý ngày càng được coi là một phần chủ yếu của một nền giáo dục toàn diện. Trong chuỗi dài các nhà giáo dục tiến bộ – từ John Amos Comenius (1592-1670) qua người sáng lập ra phong trào từ thiện, Johann Bernhard Basedow (1724-1790) tới Thomas Arnold (1795-1842) – đã tiếp nối ý niệm toàn diện này và phiên dịch nó thành các học trình giáo dục biết nhấn mạnh tới đào tạo thể lý.
Nói chung, nền thể thao hiện đại có thể có nguyên lai từ hai nguồn, đó là, một đàng, các trò chơi và các cuộc thi đua diễn ra tại các trường công lập ở Anh trong tiền bán thế kỷ XIX và, đàng khác, các thao luyện và tập thể dục xuất phát từ phong trào Philanthropism (nhân ái), một phong trào cải cách giáo dục, và sau đó được phát triển bởi các nhà giáo dục Thụy Điển. Đề cập đến truyền thống đầu tiên, cần lưu ý rằng các trò chơi, thi đua và hoạt động giải trí thời trước đó đã được đưa vào các chương trình giáo dục của các trường công lập Anh. Là thành phần chính của nền giáo dục công cộng, thể thao dần dần mở rộng ra mọi tầng lớp và giai cấp xã hội trong xã hội Anh. Khi nước Anh trở thành một cường quốc hoàn cầu, hệ thống giáo dục đã được chuyển tới mọi bộ phận của Đế quốc Anh. Tuy nhiên, cũng nên nhắc ở đây rằng có nhiều hình thức đề kháng ở địa phương chống lại diễn trình này như, thí dụ, với Hiệp hội Thể thao Gaelic ở Ái Nhĩ Lan.
Một thời gian trước đó, phong trào Nhân ái đã xuất hiện. Như đã đề cập trên đây, phong trào Nhân ái đã gây một tác động lớn đến việc cải cách giáo dục của hệ thống trường công lập ở Anh. Mặt khác, nó cũng khai triển các năng động lực riêng của nó trên lục địa châu Âu và ở Scandinavia. Thoạt đầu, Nhân ái cũng là một lý tưởng sư phạm, chuyên biện hộ cho một nền giáo dục toàn diện. Tuy nhiên, một nền giáo dục như vậy không chỉ bao gồm các hoạt động thể lý như thể dục mà còn tìm cách cổ vũ việc thừa nhận quyền bình đẳng của con người và hình thành các nhân đức dân chủ. Ý niệm này đã được Thụy Điển tiếp nhận, nơi thể dục đã trở thành một phần của hệ thống trường học. Tương tự như vậy, nó cũng được dùng như một phương tiện giáo dục quân sự, thẩm mỹ hoặc sức khỏe. Ta có thể thấy sự quan trọng của hệ thống Thụy Điển qua sự kiện này là nó gây ảnh hưởng đáng kể trên việc phát triển ngành thể thao phụ nữ [19].
Vào cuối thế kỷ XIX, Pierre de Coubertin sáp nhập các truyền thống khác nhau lại với nhau và liên kết chúng với ý niệm Thế Vận Hội. Điều mà Coubertin có trong tâm trí là một chương trình sư phạm hoàn cầu để giáo dục giới trẻ thế giới. Mục tiêu chính của nó là hòa bình, dân chủ, hiểu biết quốc tế và hoàn thiện nhân bản. Để truyền bá ý niệm Thế Vận, Coubertin đã thành lập (hoặc hồi sinh) Các Trò Chơi Thế vận hội, tức là một biến cố bốn năm một lần trong đó, giới trẻ của thế giới sẽ gặp nhau. Tuy nhiên, mục tiêu ban đầu của Các Trò Chơi Thế vận không chỉ là sự thi đua thể thao mà còn là việc cử hành tính cao qúy và vẻ đẹp nhân bản. Phương châm Thế Vận, “citius, altius, forties” (nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn) – một phương châm mà, dù sao, Coubertin đã tiếp nhận của Linh Mục Dòng Đa Minh Henri Didon [20] – do đó không chỉ nói đến sự xuất sắc thể lý mà còn nói đến sự xuất sắc của con người nói chung. Vì lý do này, triển lãm nghệ thuật, âm nhạc và thơ ca cũng được xem là một phần thiết yếu của Thế vận hội. Về phương diện phê phán, cần nhắc lại rằng: đối với Coubertin, chủ nghĩa thế vận nhất quyết là một tôn giáo của thế gian này, vì ông đã minh nhiên gọi nó là một ‘religio athletae’ (tôn giáo của thể dục). Như chúng ta dễ dàng nhận thấy từ lễ khai mạc có tính nghi thức cao cũng như từ lễ trao giải hay lễ bế mạc, sự tiến hành thực sự các trò chơi Thế vận đã hoàn toàn làm nổi bật bản chất tôn giáo mà người ta vốn dự kiến cho chúng.
Các Trò Chơi Thế vận đầu tiên của thời hiện đại đã diễn ra tại Athens năm 1896, mặc dù trước đó đã có những Thế vận hội địa phương ở Hy Lạp, Anh và Đức. Nhưng chỉ có sáng kiến của Coubertin đã theo đuổi sự công nhận quốc tế và kết cục đã thành công rực rỡ. Kể từ thời điểm đó, các môn thể thao Thế Vận đã thực hiện một sự tiến bộ chưa từng có. Phụ nữ cuối cùng đã được phép tham gia Thế vận hội vào năm 1900. Một yếu tố khác để giải thích sự thành công của thể thao, tất nhiên, là sự xuất hiện của các phương tiện thông tin đại chúng ở tiền bán thế kỷ XX. Nhờ các phương tiện phim ảnh, truyền thanh và truyền hình, các biến cố thể thao vĩ đại đã được phát tuyến dễ dàng khắp nhiều quốc gia và sau đó trên toàn thế giới. Nhờ các phương tiện truyền thông đại chúng và internet, ngày nay, thể thao là một hiện tượng hoàn cầu mà hầu hết các quốc gia và dân tộc trên thế giới đều có cơ hội tiếp cận.
Mặc dù, trong hầu hết các trường hợp, thể thao không còn cho mình là một tôn giáo hay có mối liên kết nội tại với các thành tựu khác của con người như nghệ thuật, âm nhạc hay thi ca, nó vẫn có nguy cơ bị lồng vào các mục đích ý thức hệ. Điều này có liên quan đến sự kiện này: trong thể thao, thân xác con người phấn đấu để đạt được sự hoàn hảo. Đặc biệt, các biến cố thể thao vĩ đại như Thế vận hội hoặc các Giải vô địch thế giới trình bầy với khán giả hoàn cầu các cuộc biểu diễn hàng đầu của các cơ thể con người. Tuy nhiên, việc biểu diễn hàng đầu cơ thể con người là một dấu hiệu có thể được giải thích theo một loạt các ý nghĩa khác nhau có thể được gán cho nó. Do đó, thể thao – và đặc biệt là thể thao ở bình diện ưu tú – thường được sử dụng để truyền đạt các sứ điệp chính trị, thương mại hoặc ý thức hệ [21]. Một mặt, việc có thể giải thích nhiều cách này giải thích được sức hấp dẫn hoàn cầu của thể thao, tuy nhiên, mặt khác, nó cũng phơi trần nhiều hiểm họa liên kết với thể thao. Vì thể thao nói chung là một dấu hiệu biểu cảm cao độ nhưng đồng thời cũng là một dấu hiệu thiếu xác định cao độ, không thể dùng cho việc giải thích chính nó. Do đó, nó phải được giải thích bởi nhân tố khác và những giải thích này có thể là ý thức hệ hay thậm chí phi luân lý và phi nhân đạo [22].
Theo một số học giả, thể thao hoàn cầu được sử dụng cho các mục đích ý thức hệ khi sân chơi nghiêng về phía Tây Phương và hướng về sự giàu có, và khi thể thao đơn giản củng cố các cơ cấu quyền lực hiện hữu hoặc truyền bá các giá trị văn hóa của giới ưu tú [23]. Các suy tư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về hoàn cầu hóa đã đóng góp một số điều vào việc chúng ta xem xét những loại vấn đề này trong thể thao hoàn cầu. Đề cập đến sự căng thẳng bẩm sinh giữa hoàn cầu hóa và địa phương hóa, Đức Thánh Cha viết trong Evangelii Gaudium, “Chúng ta cần chú ý đến hoàn cầu để tránh sự hẹp hòi và sự tầm thường. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải nhìn vào địa phương, một việc sẽ giữ bàn chân ta đứng vững trên mặt đất. […] Ở đây mô hình của chúng ta không phải là hình cầu […] nơi mà mọi điểm đều cách bằng nhau đối với trung tâm, và không có sự khác biệt nào giữa chúng. Thay vào đó, nó là một hình đa diện (polyhedron), phản ánh sự hội tụ mọi phần của nó, mỗi phần dy trì được tính khác biệt riêng của nó. Hoạt động cả mục vụ lẫn chính trị đều tìm cách tập hợp điều tốt nhất của mỗi hoạt động trong đa diện này”[24]. Đối với các biến cố thể thao hoàn cầu như Thế vận hội chẳng hạn, nếu nhiều nước không phải là Tây phương hơn được đại diện liên quan tới địa điểm các Trò Chơi cũng như nguồn gốc của các môn thể thao được chơi và có đại biểu ở IOC (Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế), họ sẽ còn thành công hơn nữa trong việc sống thực các sứ mệnh của chúng bằng cách thực sự hoàn cầu và cũng tập họp vì những điều tốt nhất của mỗi quốc gia.
2.2 Thể thao là gì?
Đã từ lâu, các nhà triết học và khoa học thể thao đã cố gắng cung cấp một định nghĩa thích hợp về thể thao. Rõ ràng, đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng vì không có định nghĩa được mọi người chấp nhận cho đến nay. Ngoài ra, cần lưu ý rằng các môn thể thao có thể chịu sự thay đổi lịch sử. Những gì chúng ta coi là thể thao ngày nay, có thể không được xem là thể thao vào ngày mai, và ngược lại. Vì vậy, sẽ không bao giờ có một định nghĩa cuối cùng về thể thao. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa: không thể nói đến một số nét chung mà chúng ta thường qui cho thể thao.
Trước nhất, khái niệm thể thao gắn liền với thân xác con người đang chuyển động. Tất nhiên, có những hoạt động đôi khi được kể là thể thao nhưng hầu như không thể hiện bất cứ chuyển động nào của cơ thể. Nhưng nói chung, thể thao được nhận diện với các cá nhân hoặc nhóm người chuyển động và luyện tập cơ thể họ.
Điểm thứ hai cần được đề cập là thể thao là một hoạt động giải trí. Điều này có nghĩa: thể thao không phải là một hoạt động để đạt một mục đích bên ngoài nhưng tự nó đã có mục đích riêng. Chẳng hạn, các mục đích nội tại như vậy là để hoàn thiện một chuyển động đặc thù nào đó, để vượt qua các thành tựu cũ của ta hoặc những thành tựu của những người khác, hoặc để chơi tốt với nhau như một đội để thắng một cuộc đua. Chắc chắn, nền thể thao hiện đại, đặc biệt là ngành thể thao chuyên nghiệp, cũng phục vụ các mục đích bên ngoài như đạt vinh quang cho đất nước, thể hiện uy quyền của một hệ thống chính trị hay đơn giản là kiếm tiền. Tuy nhiên, nếu mục đích bên ngoài chiếm ưu thế hoặc thậm chí xóa mất mục đích nội tại, thì chúng ta sẽ không còn nói tới trò chơi mà chỉ đơn giản gọi nó là việc làm hay lao công. Hơn nữa, các cuộc biểu diễn của các vận động viên chuyên nghiệp sẽ không bao giờ đạt đến cấp độ cao nhất, nếu họ thực hiện công việc của họ mà không có một thái độ giải trí.
Thứ ba, việc biểu diễn thể thao thường phải tuân theo các quy tắc nhất định. Do đó, mục đích nội tại của hoạt động thể thao có thể không đạt được bằng mọi phương tiện có thể có, nhưng phải tuân thủ các quy tắc của trò chơi. Thông thường, các quy tắc như vậy có mục đích làm phức tạp việc đạt được mục tiêu. Thí dụ, trong một cuộc thi bơi lội, các người bơi lội không được phép vượt khoảng cách, một trăm mét chẳng hạn, bằng cách sử dụng thuyền máy hoặc chạy dọc theo hồ bơi, nhưng họ phải bơi trong nước mà không cần dụng cụ và thực hiện một phong cách bơi lội đặc thù như trườn (crawl) hoặc bướm. Tất nhiên, các quy tắc có thể cho thấy các mức độ nghiêm ngặt khác nhau. Một vận động viên không chuyên nghiệp cá thể chạy ba lần một tuần trong một đoạn đường nào đó có thể chỉ cần đặt cho mình quy tắc là không chạy chậm hơn lần trước đó, trong khi một cuộc thi đua chuyên nghiệp ở cấp cao nhất được quy định bởi một bộ luật được san định gồm nhiều qui định và luật lệ khác nhau mà việc tuân giữ chúng, ngoài ra, còn được theo dõi bởi trọng tài chuyên ngành và thậm chí cả thiết bị kỹ thuật nữa. Do đó, thể thao mà không có bất cứ quy tắc nào là điều khó có thể tưởng tượng được.
Đặc điểm thứ tư của thể thao là tính cách đua tranh của nó. Một lần nữa, chúng ta có thể phản đối bằng cách nại tới một vận động viên cá thể không chuyên nghiệp, chỉ tập dượt bất thường và chỉ để cho vui mà thôi. Có lẽ, vận động viên này không tham dự vào một cuộc thi đấu. Nhưng điều này không hoàn toàn đúng. Vì cả vận động viên này cũng có thể thi đua với bản thân theo nghĩa họ tìm cách tập thể dục để không tệ hơn trước đây, hoặc để đi một khoảng xa nào đó, hoặc chạy, bơi hoặc leo trong một thời gian giới hạn và cố định nào đó và vân vân. Trong hầu hết các trường hợp khác, yếu tố thi đua của thể thao được khai triển nhiều hơn để chúng ta có thể khẳng định rằng sự thi đua cũng là một đặc điểm không thể thiếu của thể thao.
Thành tố cuối cùng có liên quan đến các thành tố trước đó, vì nếu thể thao thực sự là một cuộc thi đua được quy định bởi các quy tắc đặc thù của trò chơi, thì sự bình đẳng về cơ hội phải được bảo đảm. Sẽ đơn giản vô nghĩa khi có hai hoặc nhiều đối thủ hơn thi đua, bất kể là cá nhân hay đội, nhưng điều kiện bắt đầu của họ lại phần lớn không bình đẳng. Đó là lý do tại sao trong các cuộc thi đua thể thao thường có sự phân biệt giữa giới tính, trình độ biểu diễn, lớp tuổi, lớp cân nặng, mức độ khuyết tật và vân vân.
Tóm tắt năm đặc điểm này, chúng ta có thể nói rằng các môn thể thao là những chuyển động thân thể của các tác nhân cá thể hay tập thể, theo các quy tắc đặc thù của trò chơi, thể hiện các cuộc biểu diễn giải trí, những cuộc biểu diễn mà, với điều kiện phải có cơ hội bình đẳng, được so sánh với các cuộc biểu diễn tương tự của những người khác trong cuộc thi đua. Như đã được ghi nhận, đây không phải là một định nghĩa thấu đáo về thể thao vì nó cho thấy nhiều điều mơ hồ [25]. Tuy nhiên, định nghĩa này có thể đủ cho các mục đích của chúng ta.
Nhưng cần phải nói thêm đôi chút. Như chúng ta đã thấy, thể thao không chỉ là một hoạt động trong chính nó mà còn có khía cạnh bên ngoài nữa. Dù sao, những người ngoài cuộc không tham gia cũng có thể chú ý đến các môn thể thao, họ có thể quan sát chúng, đánh giá chúng, hài lòng hoặc bực bội về chúng, và họ có thể giải thích chúng theo nhiều cách khác nhau. Như đã nói ở trên, thân thể con người đang chuyển động là một dấu hiệu làm đầu đề cho nhiều cách giải thích khác nhau. Sau khi nói ra các đặc điểm giải trí, tuân theo quy tắc và thi đua của thể thao, việc có thể giải thích nhiều cách này có thể còn được giải thích thêm nữa. Theo một nghĩa nào đó, có thể hiểu một cuộc thi đua thể thao như một trình thuật kể về một cuộc thi đấu giữa hai hoặc nhiều bên thi đua với nhau để giành một đối tượng giả tạo mà không có một lý do đời thực nào để dự cuộc thi đấu này. Theo các quy tắc chuyên biệt của trò chơi, các bên cố gắng để đạt xuất sắc. Độc lập với các động lực chủ quan của họ, các bên tham gia đưa vào thực hành các hình thức thẩm mỹ và nghệ thuật người khác có thể hiểu được và do đó có thể được họ giải thích một cách tích cực. Cũng như với nhiều tác phẩm nghệ thuật khác, câu chuyện này cũng không có nội dung khác biệt, đây là lý do tại sao nó được gán cho các ý nghĩa khác nhau và thậm chí trái ngược nhau.
Để kết luận những suy tư này về khái niệm thể thao, bây giờ chúng ta có thể khẳng định rằng, một mặt, thể thao là một loại thế giới riêng của nó ở chỗ nó thể hiện đặc điểm của một trò chơi, lý tưởng mà nói, không theo đuổi một mục đích bên ngoài nào. Tuy nhiên, mặt khác, thế giới đóng hộp này cũng là một điều ngoại tại ở chỗ nó tự trình diện với người ngoại cuộc dưới hình thức một câu chuyện có tính biểu cảm cao, một câu truyện, tuy nhiên, không có nội dung chuyên biệt nào đến nỗi khiến người ta có thể gán cho nó các hình thức ý nghĩa khác nhau. Một lần nữa, chính việc có thể giải thích nhiều cách này đã khiến cho thể thao trở nên hấp dẫn đối với mọi người khắp nơi trên thế giới. tuy nhiên, cùng một lúc, đặc điểm có thể giải thích nhiều cách này cũng làm cho thể thao dễ bị bên ngoài chức năng hóa và thậm chí là ý thức hệ hóa.
2.3 Các bối cảnh của thể thao
Nhưng đó không phải là tất cả những gì có thể nói về thể thao, vì thể thao không bao giờ hiện hữu mà không có một bối cảnh. Đầu tiên, chúng ta phải nghĩ tới việc định chế hóa thể thao. Việc này bắt đầu với một nhóm trẻ em, hẹn gặp nhau vào buổi chiều ở sân sau để chơi các môn như bóng đá hay bóng rổ. Ở đây, việc hẹn cũng như thời gian và địa điểm đặc thù cho thấy một loại định chế khởi đầu. Đối với các môn thể thao cao cấp hơn, các chương trình huấn luyện phải được áp dụng, các cuộc thi phải được phối hợp, sân chơi phải được cung cấp và duy trì trong tình trạng tốt, việc vận chuyển các vận động viên và thiết bị thể thao phải được tổ chức, phải có sự tham gia của các trọng tài, kết quả phải được ghi lại và vv. Ở một bình diện lớn lao hơn, một thể chế pháp lý về thể thao phải được thiết lập, các chương trình giám sát dùng chất kích thích (doping) phải được thực hiện hoặc các biến cố thể thao vĩ đại phải được sắp xếp. Đây là nhiệm vụ của các tổ chức thể thao như các câu lạc bộ hoặc hiệp hội quốc gia và quốc tế. Nói chung, chúng ta có thể gọi những hình thức tổ chức thể thao này là hệ thống thể thao.
Bây giờ điều hiển nhiên là hệ thống thể thao không thể tự mình tạo ra các nguồn tài nguyên cần thiết. Để tạo thuận lợi cho các nhiệm vụ vừa đề cập, hệ thống thể thao cần các nhà hảo tâm bên ngoài – thí dụ, các nhân viên thiện nguyện, người ủng hộ viên chính trị hoặc nhà tài trợ – và đặc biệt là khách hàng sẵn sàng mua vé, bán các món hàng, hay lập các chương trình truyền hình. Chỉ bằng cách này, hệ thống thể thao mới có thể tạo ra các tài nguyên cần thiết. Sự phụ thuộc về cấu trúc của hệ thống thể thao, như chúng ta quen gọi nó, giải thích tại sao hệ thống này phải liên tục làm cho những người đóng góp ở bên ngoài biết sự hấp dẫn của nó. Nói cách khác, hệ thống thể thao phải lưu tâm tới vẻ bề ngoài của thể thao để vận động các người có tiềm năng hảo tâm để họ sẵn sàng đóng góp vào việc duy trì hay thậm chí tăng cường hệ thống. Tuy nhiên, điều này bao hàm việc trình bày thể thao sao cho phù hợp với sở thích khác nhau của các người có tiềm năng trở thành nhà hảo tâm. Và như vậy, thể thao trở thành một loại sản phẩm hứa hẹn sẽ thỏa mãn các sở thích của các cá nhân, các nhóm và các tổ chức khác nhau. Đó là lý do tại sao hệ thống thể thao lại sẵn sàng và dễ dàng có mặt để phục vụ các mục đích ý thức hệ, chính trị hay kinh tế của người khác, vì, nếu không, nó sẽ không thể tạo ra các tài nguyên cần thiết để sống còn.
Như chúng ta đã thấy, vì thể thao là một câu chuyện mang tính biểu cảm với rất ít nội dung khiến người ta có thể gán cho nó nhiều ý nghĩa khác nhau, nên hệ thống thể thao nói chung chứng tỏ rất thành công trong việc tạo ra các tài nguyên bên ngoài vì các người có tiềm năng trở thành nhà hảo tâm có thể sử dụng thể thao để truyền đạt các sứ điệp đặc thù của họ. Có thể chứng minh điều này bằng, thí dụ, các hợp doanh (partnerships) mà các vận động viên cá nhân cũng như các tổ chức thể thao lớn hơn đã ký kết với các doanh nghiệp thương mại và kỹ nghệ quảng cáo. Trong trường hợp này, thể thao quả đóng vai trò làm cỗ xe chuyên chở các sứ điệp kinh tế.
Sự phụ thuộc về cơ cấu của hệ thống thể thao vừa được mô tả không nhất thiết phải là một điều xấu, vì thể thao có thể phục vụ rất nhiều mục đích có thể chấp nhận được về mặt đạo đức và thậm chí còn thực sự nhân bản nữa. Thí dụ, nếu các chính trị gia sẵn sàng đầu tư tiền bạc công cộng vào hệ thống thể thao vì điều này hứa hẹn sẽ cải thiện sức khoẻ của dân chúng hoặc giáo dục toàn diện cho trẻ em và thanh thiếu niên, thì trong căn bản sẽ không sai nếu hệ thống thể thao trình bày thể thao phục vụ các mục đích này. Nhưng, mặt khác, điều cũng rõ là: sự phụ thuộc về cơ cấu của hệ thống thể thao mang rất nhiều nguy hiểm. Thí dụ, nếu một lượng tài nguyên lớn hơn có thể được tạo ra bằng cách làm cho hệ thống thể thao phụ thuộc vào hệ thống kinh tế hoặc các hệ thống ý thức hệ, thì xu hướng nghiêng về việc thực hiện chính điều này sẽ cao, cho dù mục đích của việc phục vụ này đáng ngờ về đạo đức hoặc vô nhân đạo. Điều này sẽ được đề cập chi tiết hơn trong chương thứ tư.
Chương 3: Tầm quan trọng của thể thao đối với con người nhân bản
3.1 Thân xác, linh hồn, tinh thần
Dù các nghiên cứu lịch sử về thể thao thường mô tả thái độ Công Giáo đối với thân thể hoàn toàn tiêu cực, trên thực tế, truyền thống thần học và tâm linh Công Giáo vốn nhấn mạnh rằng thế giới vật chất (và mọi vật hiện hữu) đều tốt vì được tạo ra bởi Thiên Chúa và con người là một hợp nhất gồm thân xác, linh hồn và tinh thần. Thật vậy, các nhà thần học thời sơ khai và thời trung cổ dành phần lớn thời gian của họ để phê phán các nhóm Ngộ Đạo và Manicheans, chính là vì những nhóm này liên kết thế giới vật chất và thân xác con người với sự ác. Một trong những khiếu nại của các tác giả Kitô giáo là Các nhóm Ngộ Đạo và Manicheans không bao gồm các sách thánh Do Thái như một phần của sách thánh Kitô giáo, và do đó không chấp nhận trình thuật trong sách Sáng Thế vốn mô tả Thiên Chúa tạo dựng thế giới và con người và gọi mọi sự “rất tốt lành”. Trái lại, các nhóm này đã xây dựng các trình thuật có tính thần thoại khá phức tạp về nguồn gốc của thế giới vật chất, một trình thuật liên kết nó với ‘sa ngã’ hay “nguyên lý tà ác”.
Đó là lý do tại sao họ coi thế giới vật chất và chính thân thể con người như là đối kháng với những gì thực sự tâm linh. Năm 1979, Thánh Gioan Phaolô II nói với các vận động viên người Ý và Á Căn Đình về những tranh cãi này: “Thật đáng nhắc lại rằng trong các thế kỷ đầu tiên, các nhà tư tưởng Kitô giáo đã kiên quyết phản đối một số ý thức hệ, lúc đó hết sức thời thượng, có đặc tính hạ giá thế giới vật lý một cách rõ ràng, nhân danh việc đề cao tinh thần một cách sai lầm. Ngược lại, dựa trên cơ sở dữ kiện Thánh Kinh, họ đã khẳng định một cách mạnh mẽ một cái nhìn thống nhất về con người” [26].
Quan điểm thống nhất về con người này vốn được phát biểu trong Thánh Kinh và bởi các nhà thần học hoặc như một sự hợp nhất của thân xác, linh hồn và tinh thần hay thân xác và linh hồn. Cách hiểu này về sự hợp nhất của con người nhân bản là kết quả hợp luận lý đối với việc định hình thái độ Kitô giáo đối với thể thao. Theo Đức Gioan Phaolô II, Giáo hội coi trọng thể thao vì Giáo Hội đánh giá cao “mọi điều góp phần vào sự phát triển hài hòa và hoàn chỉnh của con người, có thân xác và linh hồn. Do đó, Giáo Hội khuyến khích những gì nhằm mục đích giáo dục, phát triển và tăng cường thân thể con người, để nó có thể phục vụ tốt hơn cho việc đạt được sự trưởng thành bản thân” [27].
Cái hiểu về sự thống nhất của con người cũng là nền tảng cho sự nhấn mạnh trong giáo huấn của Giáo Hội rằng có một chiều kích tâm linh cho thể thao. Thật vậy, Đức Gioan Phaolô II mô tả thể thao là “một hình thức thể dục thân thể và tinh thần” [28]. Như ngài đã nói: “Hoạt động thể dục thể thao, trên thực tế, không chỉ làm nổi bật các khả năng thể chất có giá trị của con người mà thôi, mà còn là các khả năng tri thức và tâm linh của họ nữa. Nó không chỉ là sức mạnh thể lý và hiệu năng cơ bắp, mà còn có một linh hồn và phải biểu lộ trọn khuôn mặt hoàn chỉnh của nó nữa” [29].
3.2 Tự do, quy tắc, tính sáng tạo và sự hợp tác
Tự do, một hồng phúc Thiên Chúa ban cho chúng ta, cho thấy sự vĩ đại của bản chất con người. Được tạo dựng theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa, con người nam nữ được kêu gọi tham dự vào sự sáng tạo của Thiên Chúa. Nhưng tự do đi kèm với trách nhiệm, vì các lựa chọn tự do được thực hiện bởi mọi con người đều tác động đến các mối tương quan của họ, đến cộng đồng, và trong một số trường hợp, trọn cả sáng thế .
Ngày nay, nhiều người tin rằng tự do là làm những gì người ta muốn, vô giới hạn. Một quan điểm như vậy tách đôi tự do và trách nhiệm và thậm chí có thể loại bỏ sự quan tâm đến các hậu quả của hành vi nhân bản. Tuy nhiên, thể thao nhắc nhở chúng ta rằng tự do thực sự cũng phải có trách nhiệm.
Ngày nay, kỹ thuật cho phép con người ở nhiều nơi trên thế giới có thể xử lý nhiều thứ dễ dàng một cách đáng ngạc nhiên. Trong bối cảnh này, người ta dễ dàng không nhận ra sự cần thiết phải nỗ lực và hy sinh mới đạt được các mục đích của mình. Nhưng trong thể thao, bất cứ ai không phát triển các đức tính này cũng không kiên trì trong việc thực hành thể thao và do đó sẽ không đạt được bất cứ mục tiêu đề xuất nào. Ở đây, cái hiểu Kitô giáo về tự do áp dụng cho thể thao ở điểm này: tự do cho phép con người thực hiện các lựa chọn và hy sinh thích đáng ngay cả khi họ buộc phải đi qua “cửa hẹp” [30].
Hơn nữa, trong nền “văn hóa vứt bỏ” mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường nhắc nhở chúng ta, những cam kết lâu dài thường làm chúng ta sợ hãi. Thể thao giúp chúng ta trong phương diện này bằng cách dạy rằng chấp nhận các thách đố lâu dài là điều đáng giá. Việc huấn luyện và các nỗ lực kiên trì để cải thiện là điều đáng giá, vì các điều thiện cao quí nhất chỉ có thể đạt được khi người ta tìm kiếm chúng mà không xa tránh các bất trắc và thách đố đi kèm với các trách nhiệm đa dạng. Ngoài ra, khắc phục các khó khăn như chấn thương và chống lại những cám dỗ lừa đảo trong trò chơi giúp tăng cường tính cách của một con người qua sự kiên trì và tự chủ.
Phương châm của Ủy ban Thế Vận Quốc tế, citius, altius, fortius (nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn) [31] gợi lên lý tưởng kiên trì này. Theo một nghĩa nào đó, đời sống Kitô giáo giống như một cuộc chạy đua đường trường (marathon) hơn là chạy nước rút (sprint). Có nhiều giai đoạn, một số giai đoạn này rất khó khắc phục.
Thế nhưng, tại sao người ta lại chạy cuộc đua đường trường? Hẳn họ thích tận hưởng thách đố đến một mức nào đó. Đạt cho được sự cải thiện từng bước, từng dặm, gợi lên một cảm thức thỏa mãn mang lại niềm vui cho cuộc thách đố. Thánh Grêgôriô thành Nazianzus và các Giáo Phụ khác nghĩ tới đời sống Kitô giáo giống như một trò chơi. Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã nói về nó theo các ngôn từ này, nối kết thể loại chơi với niềm vui Kitô giáo [32].
Mỗi người hiến tặng những tài năng họ nhận được trong thực tại hàng ngày của cuộc sống họ, có thể bao gồm cả thể thao. Coi trọng các quy tắc và quy định của mỗi môn thể thao cùng với các chiến lược trò chơi do các huấn luyện viên xác định, mỗi vận động viên phát triển bản thân khi họ, bằng tự do và óc sáng tạo, nỗ lực đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong các thông số đã được thiết lập. Bằng cách này, các môn thể thao làm chứng cho công lý ở điểm chúng đòi phải vâng theo các quy tắc. Và để bảo đảm công lý như vậy, có những trọng tài, thẩm phán và thanh tra viên, và trong những năm gần đây, trợ cụ kỹ thuật. Không có các quy tắc, ý nghĩa của trò chơi và cuộc thi sẽ không còn. Trong bóng đá, chẳng hạn, nếu quả bóng không hoàn toàn vượt đường khung thành, thì không phải là cú thắng vào khung thành. Chỉ một milimet nhỏ cũng tạo nên sự khác biệt to lớn. Theo một cách nào đó, quy tắc đó giúp chúng ta hiểu rằng công lý không phải là một điều chỉ đơn thuần có tính chủ quan mà nó có một chiều kích khách quan, trong cả các hình thức trò chơi.
Trái ngược với những gì người ta có thể nghĩ, trong thể thao, các quy tắc không giới hạn óc sáng tạo của con người nhưng khuyến khích nó. Để đạt được mục tiêu của mình trong các tiêu chuẩn đã thiết lập, vận động viên phải rất sáng tạo. Họ phải tìm cách gây bất ngờ cho đối thủ cạnh tranh bằng một thủ thuật hoặc chiến thuật mới hoặc bất ngờ. Vì lý do này, các vận động viên sáng tạo được đánh giá cao.
Một điều tương tự xảy ra với tự do. Các quy tắc được thiết lập, mà tự chúng vốn là kết quả của óc sáng tạo nơi những người sáng lập ra từng môn thể thao, trở thành khách quan xét về mặt tuân thủ chúng. Tính khách quan này không làm mất đi tính chủ quan của vận động viên mà là giúp họ khai triển nó một cách tự do khi họ luyện tập môn thể thao của mình. Các quy tắc thì rõ ràng và được xác định, nhưng tuân giữ chúng làm cho vận động viên tự do hơn và sáng tạo hơn.
Con người tạo ra các quy tắc, và rồi đồng thuận chấp nhận các quy tắc cấu thành các môn thể thao khác nhau. Và những quy tắc này đặt thể thao ra ngoài các hoạt động khác của cuộc sống hàng ngày. Các học giả đã ghi nhận điều này: một trong những đặc điểm của các quy tắc cấu thành thể thao là chúng có một luận lý học nhưng không (gratuitous logic). Như đã đề cập trong chương trước, mọi môn thể thao đều có các mục tiêu của nó. Trong môn chơi cù (golf), chẳng hạn, mục tiêu là đưa bóng vào lỗ với con số ít nhất các cú đánh có thể có trên mười tám lỗ. Tuy nhiên, các quy tắc của sân cù cấm cách hữu hiệu nhất để thực hiện việc này, chẳng hạn như đi lên và thả bóng vào mỗi lỗ. Chúng nhưng không đưa ra các thách thức và trở ngại khiến việc đạt mục tiêu trở nên khó khăn hơn. Mỗi cầu thủ môn cù phải sử dụng một chiếc gậy chơi cù, khởi đi từ một khoảng cách được chỉ định cách xa mỗi lỗ, và tránh các ao và bẫy cát. Những người tham gia đồng thuận các quy tắc cấu thành môn cù vì họ thích tham gia trò chơi và cố gắng vượt qua các thách thức mà nó đưa ra. Điểm quan trọng của suy tư này là các môn thể thao của chúng ta không bắt buộc phải hiện hữu; chúng ta tạo ra chúng và chúng ta tự do tham gia vào chúng bởi vì chúng ta thích làm như vậy. Theo nghĩa này, các môn thể thao nằm trong lãnh vực nhưng không.
Như thế, thể thao dựa trên khởi điểm hợp tác và đồng thuận về các quy tắc cấu thành. Cũng có nhiều cách mà người tham gia cần hợp tác chỉ để làm một biến cố thể thao khả hữu. Thật vậy, sự hợp tác đi trước và là căn bản để thi đua. Theo nghĩa này, động lực của thể thao trái ngược với chiến tranh, là thứ diễn ra khi người ta tin rằng sự hợp tác không còn khả hữu nữa và khi thiếu sự đồng thuận về các quy tắc căn bản. Trong các môn thể thao, người thi đua tham gia vào một cuộc thi đua có quy tắc, chứ không chống lại một kẻ thù mà ta phải tận diệt. Thật vậy, chính đối thủ của họ đã rút ra được điều tốt nhất nơi một vận động viên, và do đó, trải nghiệm này có thể rất thú vị và hấp dẫn. Chữ thi đua ám chỉ trải nghiệm này, vì chữ này xuất phát từ hai gốc La Tinh “com” – với –và “petere” – phấn đấu hoặc tìm kiếm -. Các người thi đua đang “cùng nhau phấn đấu hoặc tìm kiếm” sự xuất sắc. Nhiều điển hình các vận động viên bắt tay và ôm hôn hoặc thậm chí đi lại làm quen hoặc chia sẻ một bữa ăn sau một cuộc thi kịch liệt đã dạy chúng ta rất nhiều về khía cạnh này.
Vì vậy, chúng ta thấy việc thực hành thể thao giúp con người phát triển như thế nào vì họ trở nên có khả năng tạo ra một môi trường biết kết hợp tự do và trách nhiệm, óc sáng tạo và việc tôn trọng các quy tắc, việc giải trí và sự nghiêm túc. Môi trường này có được là nhờ sự hợp tác và đồng hành với nhau trong việc phát triển tài năng và cá tính cá nhân.
Chơi đẹp
Trong những thập niên gần đây, đã có sự nhận thức ngày càng tăng về nhu cầu chơi đẹp trong thể thao, tức là trò chơi phải trong sạch. Các vận động viên tôn trọng việc chơi đẹp khi họ không những tuân thủ các quy tắc chính thức mà còn giữ công bằng đối với đối thủ của họ để mọi người thi đua có thể tự do tham gia trò chơi. Tuân thủ các quy tắc của trò chơi để tránh bị khiển trách bởi trọng tài hoặc chính thức bị loại vì vi phạm quy tắc là một điều. Nhưng điều khác là phải chú ý và tôn trọng đối thủ và quyền tự do của họ bất kể bất cứ lợi điểm về quy tắc nào. Làm như vậy bao gồm việc không sử dụng các chiến lược giấu giếm, chẳng hạn như dùng chất kích thích, có lợi thế bất hợp pháp so với đối thủ thi đua. Hoạt động thể thao “phải là một dịp không thể tránh để thực hành các nhân đức nhân bản và Kitô giáo về tình liên đới, lòng trung thành, tác phong tốt và biết tôn trọng người khác, những người phải được xem là những người thi đua chứ không phải chỉ là đối thủ hay địch thủ” [33]. Bằng cách này, các môn thể thao có thể đặt ra các mục tiêu cao hơn chiến thắng, hướng tới việc phát triển con người nhân bản trong một cộng đồng gồm các đồng đội và những người thi đua.
Chơi đẹp cho phép các môn thể thao trở thành phương tiện giáo dục cho tất cả xã hội, về các giá trị và đức hạnh tìm thấy trong thể thao, chẳng hạn như kiên trì, công bằng và lịch sự, ấy là chỉ mới nêu tên một vài điều mà Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI vốn nhấn mạnh.
“Các vận động viên thân yêu, các bạn gánh vác trách nhiệm – không kém phần quan trọng – là làm chứng cho các thái độ và niềm xác tín và, thể hiện chúng, vượt quá hoạt động thể thao, trong cơ cấu gia đình, văn hóa và tôn giáo. Khi làm như vậy, các bạn sẽ giúp đỡ người khác rất nhiều, đặc biệt là thanh thiếu niên, những người đang sống trong một xã hội đang phát triển nhanh chóng, nơi đang đánh mất nhiều giá trị và càng ngày càng mất phương hướng” [34].
Theo chiều hướng này, các vận động viên có sứ mệnh trở thành “các nhà giáo dục, vì thể thao có thể đào luyện một cách hữu hiệu nhiều giá trị cao hơn, như lòng trung thành, tình bạn và tinh thần đồng đội” [35].
3.3 Chủ nghĩa cá nhân và nhóm
Một điều rất đặc trưng của thế giới thể thao là mối tương quan hài hòa giữa cá nhân và toàn đội. Trong các môn thể thao đồng đội, như bóng đá, bóng bầu dục, bóng chuyền và bóng rổ và nhiều môn khác, thực tại đó được nhìn thấy rất rõ. Nhưng ngay trong các môn thể thao cá nhân như quần vợt hay bơi lội, luôn có một số hình thức làm việc theo nhóm nào đó.
Ngày nay chúng ta có thể thấy nhiều biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Xem ra các mục tiêu cá nhân đôi khi chiếm ưu thế hơn ích chung. Thể thao là một trường học làm việc theo nhóm giúp chúng ta vượt qua sự ích kỷ. Trong đó tính cá nhân của mỗi người chơi có liên quan đến nhóm đội cùng nhau làm việc để đạt được mục tiêu chung.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô, khi nói chuyện với những người trẻ tại lễ kỷ niệm lần thứ 70 của Trung tâm thể thao Ý, nói rằng: “Tôi cũng hy vọng các bạn có thể thưởng thức vẻ đẹp của tinh thần đồng đội, một điều rất quan trọng trong cuộc sống. Đừng có chủ nghĩa cá nhân! Đừng chơi cho riêng mình. Ở quê hương của tôi, khi một người chơi làm như thế, chúng tôi nói: ‘Anh chàng này muốn tự mình nghiến hết quả bóng!’ Không, đó là chủ nghĩa cá nhân: không nghiến trái bóng, hãy là những cầu thủ của toàn đội. Thuộc về một câu lạc bộ thể thao có nghĩa là bác bỏ mọi hình thức ích kỉ và cô lập, đây là một cơ hội để gặp gỡ và sống bên người khác, giúp đỡ lẫn nhau, thi đua trong lòng quí mến hỗ tương và phát triển trong tình huynh đệ”[36].
Mỗi thành viên đều độc đáo và đóng góp một cách đặc biệt cho toàn đội. Các cá nhân không mất hút trong toàn bộ, vì họ được trân qúi trong tính đặc thù của họ. Tất cả đều có một tầm quan trọng độc đáo làm cho đội mạnh hơn. Một đội ngũ tuyệt vời luôn được tạo thành từ những cá nhân tuyệt vời không chơi một mình mà cùng chơi với nhau.
Thí dụ, một đội bóng có thể được tạo thành từ những tiền vệ xuất sắc nhất thế giới, nhưng nó sẽ không phải là một đội tuyệt vời nếu không có thủ môn, hậu vệ, tiền đạo và thậm chí là một huấn luyện viên giỏi, chuyên gia vật lý trị liệu, v.v. Trong thể thao, thiên phú và tài năng của từng cá nhân nói riêng được xếp đặt để phục vụ cả đội.
3.4 Hy sinh
Người tham gia thể thao rất quen thuộc với khái niệm hy sinh. Bất kể trình độ chuyên môn hay loại hoạt động liên quan, tập chú vào đội hay cá nhân, vận động viên phải khép mình vào kỷ luật và tập chú vào nhiệm vụ hiện hữu nếu họ muốn học và thu lượm được kỹ năng cần thiết. Đạt được điều này thường có nghĩa là người đó phải theo một chương trình thường xuyên và có cấu trúc. Điều này được thực hiện tốt nhất khi người tham gia thể thao chấp nhận điều này: họ sẽ phải dấn thân vào một con đường bao gồm một mức độ gian khổ, từ bỏ mình và khiêm nhường nào đó. Sở dĩ như thế vì việc học tập và biểu diễn một môn thể thao luôn bao gồm việc có thể gặp gỡ với thất bại, ngã lòng và thách thức. Các vận động viên chuyên nghiệp thường sẽ trải nghiệm những thách thức tâm lý, thể lý và tinh thần như là một phần sự nghiệp của họ trong thể thao; thậm chí điều còn gây ấn tượng hơn nữa là những người tham gia thể thao cấp thấp và không chuyên nghiệp cũng sẵn sàng khép mình vào những đòi hỏi này, mặc dù với cường độ thấp hơn nhiều, để trở nên tốt hơn trong điều họ yêu thích [37].
Người tham gia để giải trí chịu huấn luyện để dự cuộc thi nửa đường trường (marathon) vì từ thiện, người chơi cù có chấp (handicap) cao cố gắng tập một cú đánh tốt hơn, hoặc cầu thủ bóng đá cố gắng ghi bàn thắng nhiều hơn cho đội, đều nhờ các trải nghiệm sống này của họ mà hiểu được rằng những hy sinh nhỏ này có ý nghĩa nhờ được thực hiện vì lòng yêu thích thể thao. Mặc dù ngỏ lời với các vận động viên thế vận, Thánh Gioan Phaolô II có điều sau đây để nói về giá trị của sự hy sinh trong thể thao với tất cả các vận động viên, bất kể trình độ của họ: “Tại Thế vận hội gần đây ở Sydney, chúng ta đã ngưỡng mộ những kỳ tích của các vận động viên vĩ đại, những người đã tự hy sinh nhiều năm, ngày qua ngày, để đạt được những thành quả đó. Đây là luận lý học của thể thao, đặc biệt là các môn thể thao thế vận; nó cũng là luận lý học của cuộc sống: không có các hy sinh, các thành quả quan trọng không có được, hoặc thậm chí không có sự hài lòng chân chính”[38].
Những lần gặp hy sinh trong thể thao đó có thể giúp các vận động viên đào tạo cá tính của họ một cách đặc thù. Họ có thể phát triển các nhân đức can đảm và khiêm nhường, kiên trì và dũng cảm. Kinh nghiệm chung của sự hy sinh trong thể thao cũng có thể giúp các tín hữu hiểu đầy đủ hơn ơn gọi của họ trong tư cách con cái của Thiên Chúa. Duy trì một cuộc sống cầu nguyện, một cuộc sống bí tích phong phú, và làm việc vì ích chung, thường đi kèm với nhiều trở ngại và khó khăn. Chúng ta cố gắng vượt qua các thách thức này bằng sự kiên trì kiên định và tự khép mình vào kỷ luật của chúng ta, và với ơn thánh tuôn chảy từ Thiên Chúa. “Kỷ luật nghiêm ngặt và việc tự chủ, sự khôn ngoan, tinh thần hy sinh và cống hiến”, theo Thánh Gioan Phaolô II, đại diện cho các phẩm tính tinh thần, tâm lý và thể lý đã được thử nghiệm trong nhiều môn thể thao. Các đòi hỏi và thách thức về tinh thần và thể chất của thể thao có thể giúp tăng cường tinh thần và việc tự ý thức về mình của người ta. Việc Công Giáo đánh giá cao giá trị nhân học của thể thao và sự hy sinh đã dựa trên cơ sở sinh hoạt hàng ngày của mọi người chơi. Qua kinh nghiệm sống của mình, họ biết rằng sự hy sinh và đau khổ có một bản chất đầy tiềm năng biến đổi.
Như thế, hy sinh là một thuật ngữ quen thuộc và được sử dụng nhiều trong thế giới thực của thể thao. Giáo hội cũng sử dụng thuật ngữ này một cách rất trực tiếp, thường xuyên và chuyên biệt. Giáo Hội biết rằng tình yêu Thiên Chúa và người lân cận của chúng ta thường đi kèm một giá đắt mà chúng ta phải trả. Nhiệm vụ của chúng ta trong tư cách Kitô hữu là chấp nhận các hy sinh và đau khổ mà chúng ta đang chịu đựng, bất kể lớn hay nhỏ, và được nâng đỡ bởi ơn thánh của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta, phấn đấu cho vương quốc ở đây trên trái đất và trên thế giới. Với điều này trong tâm trí, ta sẽ dễ hiểu hơn điều Thánh Phaolô nghĩ tới khi ngài yêu cầu chúng ta sẵn sàng để ‘đấu trận đấu tốt’ (Tm 6:12). Tất cả những hy sinh cao qúi mà chúng ta thực hiện đều quan trọng trong đời sống Kitô hữu, cả khi chúng diễn ra trong các hoạt động nhân bản bề ngoài không đáng kể như thể thao.
3.5 Niềm vui
Kể từ khi có Hiến chương Quốc tế về Giáo dục Thể lý, Sinh hoạt Thể lý và Thể thao vào năm 1978, thể thao đã trở thành một quyền lợi cho tất cả những người tham gia, không chỉ cho người trẻ, khỏe mạnh và có thể lực. Bất kể thể thao được thực hành bởi trẻ em, người cao tuổi hay người khuyết tật, thể thao đều mang lại niềm vui cho tất cả những ai tự do tham gia vào đó, ở mọi trình độ của cuộc chơi.
Ở trình độ mới bắt đầu, các vận động viên phải chịu đựng nhiều thất vọng và thậm chí xấu hổ về thất bại liên tiếp trong việc phấn đấu để thành thạo một hoạt động. Ở trình độ cao hơn về thể thao, các vận động viên thường sẵn sàng trải qua kỷ luật của các chương trình huấn luyện nghiêm ngặt. Niềm vui cho tất cả những ai thực hành thể thao thường xuất hiện song song với những khó khăn và thử thách gian nan. Trên khắp thế giới, chúng ta cũng thấy: nhiều người tham gia thể thao chỉ để tận hưởng cái cảm giác được vận động thân thể, có cơ hội giao tiếp với người khác, học một kỹ năng mới, hay cảm thấy một cảm thức được thuộc về. Niềm vui trong những bối cảnh này là phó sản của việc được làm điều chúng ta yêu thích hoặc tận hưởng. Chúng ta thấy cuối cùng niềm vui là một ơn phúc, và nó luôn luôn đặt cơ sở trên tình yêu, và công thức này áp dụng ở mọi tiêu chuẩn của thể thao [40]. Việc liên kết niềm vui này với tình yêu trong thể thao, do đó, có những sự thật quan trọng để dạy chúng ta về mối tương quan giữa Thiên Chúa, tình yêu và niềm vui trong đời sống thiêng liêng của chúng ta.
Việc đối với hầu hết mọi người, thể thao không được thực hiện để đạt lợi ích bên ngoài như tiền bạc hay danh tiếng càng làm cho nó trở nên mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, đối với các vận động viên có cam kết, những khoảnh khắc vui tươi trong thể thao thường đi song song với đau khổ hoặc hy sinh cách này hay cách khác và sau nỗ lực tinh thần và thể chất cao độ. Điều này dạy chúng ta rằng niềm vui thực sự, sâu sắc và lâu dài thường xuất hiện khi chúng ta cam kết mà không e dè điều chúng ta yêu thích. Tình yêu này có thể được hướng vào chính hành động thể thao, hoặc hướng tới các thành viên khác của một đội khi các mối tương quan được sâu sắc hơn trong việc theo đuổi một mục tiêu chung. Nếu niềm vui kết nối với tình yêu một môn thể thao và các đồng đội của ta là một thực tại mà các nhà tâm lý học thể thao liên kết với các lần biểu diễn hay nhất của chúng ta và là điều khiến các người chơi hết lần này tới lần khác trở lại tham gia, thì đây có thể là một cách để huấn luyện viên hay các nhà lãnh đạo thể thao rút tỉa được các song hành giữa thực hành thể thao và thực hành đức tin.
Về khía cạnh này, điều quan trọng cần nhắc lại dụ ngôn Chúa Giêsu nói về kho báu chôn ở một thửa ruộng để minh họa triều đại Thiên Chúa. Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng chính “vì niềm vui” mà người khám phá ra kho báu ấy đã bán mọi thứ mình có và mua lấy thửa ruộng (Mt 13:44). Vì vậy, việc chúng ta theo chân Chúa Giêsu và công bố triều đại Thiên Chúa đã gần kề cũng phải phát xuất từ niềm vui được cảm nghiệm tình yêu và lòng thương xót chan chứa của Thiên Chúa vốn là đặc trưng của triều đại này. Khi chúng ta theo Chúa Giêsu và làm việc hướng tới việc xây dựng triều đại của Thiên Chúa, chúng ta sẽ gặp khó khăn và gian khổ, và thậm chí được mời gọi vác thánh giá của chúng ta.
Nhưng các thử thách và đau khổ không thể dập tắt niềm vui này. Thậm chí cả cái chết cũng không thể làm thế. Sau khi nói với các môn đệ rằng như Chúa Cha yêu thương Người, Người cũng yêu thương họ và bảo họ hãy ở lại trong tình yêu của Người, Chúa Giêsu nói với họ rằng Người nói những điều này “để niềm vui của Thầy ở trong các con và niềm vui của các con nên trọn” (Ga 15:11) ). Khi tới lúc gần chịu thống khổ và chịu chết, Người nói với họ, “Nên giờ đây, các con lo âu xao xuyến. Nhưng Thầy sẽ gặp lại các con, và lòng các con sẽ vui mừng, và không ai lấy mất niềm vui của các con”(Ga 16:22).
“Niềm vui Tin Mừng tràn đầy trái tim và trọn cuộc sống những ai gặp gỡ Chúa Giêsu” (41). Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã làm nổi bật tính trung tâm của niềm vui trong đời sống tín hữu, nó là món quà để chia sẻ với mọi người. Cùng cách đó, thể thao chỉ có nghĩa bao lâu nó cổ vũ một không gian của niềm vui chung. Đây không phải là một vấn đề phủ nhận các hy sinh và đau đớn do việc huấn luyện và thực hành thể thao, nhưng cuối cùng, thể thao được mời gọi mang lại niềm vui cho những người thực hành nó và thậm chí cho tất cả những người đam mê theo đuổi một môn thể thao trên toàn thế giới.
3.6 Hài hòa
Sự phát triển hài hòa của con người phải luôn luôn ở hàng đầu đối với tất cả những người có trách nhiệm về thể thao, bất luận là huấn luyện viên, người hướng dẫn hoặc quản trị viên. Chữ hài hòa này chỉ sự cân bằng và hạnh phúc và là điều chủ yếu đối với hạnh phúc thực sự cần được trải nghiệm. Tuy nhiên, có nhiều thế lực trên thế giới hiện nay cám dỗ con người từ bỏ nhân đức quan trọng này để ủng hộ quan điểm một chiều và mất cân bằng. Người ta chỉ cần nghĩ đến việc thương mại hóa một số môn thể thao, và sự phụ thuộc quá đáng vào các giải pháp khoa học tách biệt khỏi các quan ngại về đạo đức, là đủ để lo ngại. Khi thể thao được theo đuổi theo những cách thức trong đó thân thể con người được xem như một đồ vật vật chất đơn thuần hoặc coi con người chỉ như một loại hàng hóa, thì chúng ta có nguy cơ gây tổn hại lớn lao cho các con người và các cộng đồng.
Mặt khác, sự phát triển hài hòa con người trong các chiều kích thể lý, xã hội và tinh thần của họ từ lâu vốn được công nhận là đóng góp cho sự lành mạnh tâm lý và sự triển nở của họ. Chúng ta đang bắt đầu chứng kiến các phát triển tích cực ở nhiều nơi, tại đó, “mọi người cảm thấy cần phải tìm ra các hình thức thể dục thích hợp giúp khôi phục sự cân bằng lành mạnh của tâm trí và thân thể” [42]. Liên quan đến điều này, trong những năm gần đây, nhiều hình thức thể thao mới và các quan niệm khác nhau về thi đua đã bắt đầu xuất hiện để đáp ứng nhu cầu hiện hữu phải có sự hòa hợp lớn hơn nữa giữa tâm trí và thân thể. Công đồng Vatican thứ hai cũng lưu ý rằng liên quan đến việc xây dựng các cộng đồng hài hòa, thể thao có thể, “phát huy các mối tương quan thân thiện giữa người thuộc mọi giai cấp, quốc gia và chủng tộc” [43].
Thường bị bỏ qua trong các môi trường, nơi con người không còn được xem là những tạo vật yêu quý của Thiên Chúa nữa, là tầm quan trọng của việc đào tạo tâm linh con người. Hài hòa ngụ ý sự cân bằng, và đến lượt nó, sự cân bằng này liên quan đến toàn bộ con người nhân bản – đời sống luân lý, thể lý, xã hội và tâm lý của họ. Thể thao là một trong những bối cảnh hữu hiệu nhất trong đó người ta có thể phát triển một cách toàn diện.
Một cách nghịch lý, chính nhờ việc tham gia vào những gì bề mặt trông giống như các hoạt động thể lý thuần túy như thể thao, chúng ta mới có thể phát triển kiến thức của ta về tinh thần, và thấy việc bỏ qua một khía cạnh này trong con người chúng ta đã làm hại sự tăng trưởng, sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta ra sao. Xu hướng phớt lờ yếu tố tinh thần, hoặc rút gọn nó vào yếu tố thuần túy tâm lý (một đặc điểm rất phổ biến ở một số nơi trên thế giới ngày nay), rất phổ biến hiện nay và có thể nguy hại, nhất là với giới trẻ và những người thiếu giáo huấn tôn giáo và tâm linh. Trong sự khôn ngoan của mình, Giáo hội cung cấp cho chúng ta một viễn kiến rất cần thiết và thúc bách về khía cạnh này. Chúng ta được yêu cầu sống thể thao của chúng ta trong và với Thánh Linh, vì như Thánh Gioan Phaolô II từng nói, “Các bạn là các vận động viên thực sự khi các bạn tự chuẩn bị không những bằng cách huấn luyện thân thể của mình mà còn bằng cách liên tục huấn luyện các chiều kích tinh thần của con người các bạn để có được sự phát triển hài hòa mọi tài năng nhân bản của các bạn”[44].
3.7 Can đảm
Theo Thánh Tôma Aquinô, Giáo hội dạy rằng lòng can đảm đại diện cho trung điểm giữa sự hèn nhát một mặt và sự thiếu thận trọng ở mặt kia. Và Giáo Hội đã nhấn mạnh rằng hành vi can đảm luôn liên quan đến luân lý. Sở dĩ như thế vì, can đảm đòi hỏi chúng ta phải làm điều đúng, điều tốt, chứ không phải điều có lợi nhất, hay dễ dàng.
Khái niệm can đảm cũng có thể được hiểu như một điều luôn được chính bản thân quyết định. Chúng ta không thể làm cho ai đó can đảm, mặc dù các huấn luyện viên, các nhà giáo dục và nhiều người khác có thể phát triển khả năng có điều này nơi những người họ làm việc với. Thật vậy, chúng ta có thể lý luận rằng lòng can đảm được thấy thường xuyên hơn trước, trong và sau khi thất bại và thua lỗ. Tiếp tục tiến bước khi rủi ro chồng chất bất lợi cho bạn hoặc nhóm của bạn, cố gắng làm điều đúng đắn về phương diện luân lý và thể lý, khi bạn đang thua đậm, giữ cho nhóm gắn bó với nhau như một đội khi bị coi là những kẻ dưới cơ – tất cả những dịp này đều có thể cung cấp bằng chứng thuyết phục rằng thể thao đầy những khoảnh khắc can đảm lớn lao.
3.8 Bình đẳng và tôn trọng
Mỗi con người nhân bản đều được tạo dựng theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa và có quyền sống cuộc sống của họ với phẩm giá và được đối xử một cách tôn trọng. Mọi người đều có cùng một quyền được trải nghiệm và thành toàn trong nhiều khía cạnh của văn hóa và thể thao khác nhau. Mọi người đều có cùng một quyền được phát huy các khả năng cá nhân của mình cũng như tôn trọng đối với các hạn chế cá nhân của mình.
Tuy nhiên, sự bình đẳng về quyền lợi cho mỗi cá nhân không có nghĩa là độc dạng hay như nhau. Ngược lại, vì nó cũng có nghĩa là tôn trọng tính đa nguyên và tính đa dạng của sự sống con người liên quan tới giới tính, tuổi tác, bối cảnh hay truyền thống văn hóa. Điều này áp dụng cân bằng đối với ngành thể thao. Điều dễ hiểu là có những khác nhau chuyên biệt về độ tuổi trong các hạng mục biểu diễn thể thao hoặc trong hầu hết các môn thể thao, đàn ông và đàn bà không thi đấu với nhau. Những người có khả năng thể lý sai biệt cách đáng kể so với khả năng dự kiến trung bình, thí dụ, vì khuyết tật (impairment), có thể được phán định và lượng giá cách khác nhau.
Với tất cả sự lưu ý tới tính đa nguyên của các điều kiện, các tài năng và khả năng, các hạng mục biểu diễn khác nhau không nên dẫn đến việc xếp hạng hoặc phân cấp giấu giếm hoặc thậm chí đến việc phân ranh (delimitation) quá chặt chẽ giữa các nhóm nhân bản khác nhau. Điều này phá hủy cảm quan đơn nhất nguyên ủy của gia đình nhân loại. Điều mà Thánh Tông đồ Phaolô yêu cầu cộng đồng Kitô hữu hiểu như một sự phản ảnh thân thể của Chúa Giêsu Kytô nên được cảm nghiệm trong thể thao: “Con mắt không thể nói với bàn tay, ‘tao không cần mày”, hay đầu nói với chân, ‘tao không cần mày”. Ngược lại, những bộ phận của thân thể xem ra yếu ớt hơn đó thực ra không thể nào thiếu được […] Nếu một phần bị đau, thì mọi bộ phận đều phải đau với nó. Nếu một phần được ca ngợi, mọi phần đều hân hoan với nó. Giờ đây, anh chị em là thân thể của Chúa Kitô và từng mỗi anh chị em là chi thể của nó ” [45].
Thể thao là một hoạt động có thể và nên cổ vũ sự bình đẳng của những con người nhân bản. “Giáo hội coi thể thao như một công cụ giáo dục khi nó phát huy các lý tưởng cao về nhân bản và tâm linh và khi nó đào tạo giới trẻ một cách toàn diện để phát triển các giá trị như lòng trung thành, kiên trì, tình bạn, liên đới và hòa bình” (46). Thể thao là một lãnh vực trong xã hội chúng ta nhằm cổ vũ cuộc gặp gỡ của toàn thể nhân loại, và có thể vượt qua các rào cản kinh tế xã hội, chủng tộc, văn hóa và tôn giáo.
Mọi người đều bình đẳng vì phẩm giá của họ được tạo ra giống hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều là anh chị em từ cùng một Đấng Tạo Hóa. Nhưng thế giới của chúng ta vẫn phải đối đầu với những bất bình đẳng bén rễ rất sâu, và nhiệm vụ của các Kitô hữu là giải quyết thực tại này. Thể thao là không gian để các Kitô hữu có thể tìm cách cổ vũ sự bình đẳng, vì “nếu không có các cơ hội bình đẳng, các hình thức gây hấn và xung đột khác nhau sẽ tìm được mảnh đất màu mỡ để lớn lên và cuối cùng phát nổ” [47].
Có rất nhiều thí dụ cho thấy thể thao đã tạo ra sự thống nhất và bình đẳng giữa con người như thế nào trong xã hội. Nhiều môn thể thao bình dân đã vận động chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và đã cổ vũ cho hòa bình, liên đới và hòa nhập. “Thể thao có thể mang chúng ta lại với nhau trong tinh thần hiệp thông giữa các dân tộc và văn hóa. Thể thao thực sự là một dấu hiệu cho thấy hòa bình là điều có thể ”[48].
3.9 Liên đới
Sứ điệp của Giáo hội về tình liên đới cho chúng ta thấy rằng có một mối liên kết chặt chẽ giữa liên đới và ích chung, giữa liên đới và đích đến phổ quát của hàng hóa, giữa liên đới và bình đẳng giữa các dân tộc, giữa liên đới và hòa bình trên thế giới [49].
Tình liên đới trong một đội thể thao chỉ sự hợp nhất có thể phát triển giữa các đồng đội khi họ cùng phấn đấu với nhau để đạt được cùng một mục tiêu. Một trải nghiệm như vậy cung cấp cho mọi người tham gia một cảm giác được chú ý và quí mến đích thân. Tuy nhiên, tình liên đới, theo nghĩa Kitô giáo, vượt quá các thành viên của một nhóm riêng. Thậm chí nó có thể bao gồm cả đối thủ khi họ té ngã và không có khả năng đứng lên nếu không có sự giúp đỡ. Ở đây hỗ trợ và liên đới là cần thiết mà không cần phải hỏi liệu sự thất bại của người khác là lỗi của họ hay do một chuỗi các sự kiện không may.
Các vận động viên, đặc biệt là những người nổi tiếng nhất, có trách nhiệm xã hội không thể tránh khỏi. Điều quan trọng là họ ý thức được ngày càng nhiều về vai trò của họ đối với tình liên đới và điều này được chú ý trong xã hội: “Các bạn, những người chơi thể thao, là những người biểu diễn một hoạt động thể thao, một hoạt động mỗi cuối tuần tụ tập rất nhiều người vào sân vận động và là một hoạt động được các phương tiện truyền thông xã hội dành cho nhiều không gian lớn lao. Vì lý do này, các bạn có một trách nhiệm đặc biệt. ”[50] Đức Giáo Hoàng Phanxicô rõ ràng mời các vận động viên “tham gia với những người khác và với Thiên Chúa, cống hiến hết mình các bạn, hiến đời sống các bạn cho một điều thực sự đáng giá và kéo dài mãi mãi. Đặt tài năng của các bạn vào việc phục vụ cuộc gặp gỡ của những con người, tình bạn, sự hòa nhập” [51].
Thánh Gioan Phaolô II khuyên người ta liên kết với thể thao để “cổ vũ việc xây dựng một thế giới huynh đệ và đoàn kết hơn, do đó giúp khắc phục các tình huống hiểu lầm lẫn nhau giữa các cá nhân và dân tộc” [52].
Thể thao phải luôn đi đôi với tình liên đới, bởi vì hoạt động thể thao được mời gọi tỏa sáng các giá trị cao cả nhất ra khắp xã hội, đặc biệt là cổ vũ sự hợp nhất của các dân tộc, các chủng tộc, các tôn giáo và văn hóa, nhờ thế, giúp vượt qua nhiều chia rẽ mà thế giới chúng ta vẫn còn trải nhiệm ngày nay [53].
3.10 Thể thao vén màn cho thấy việc tìm kiếm ý nghĩa tối hậu
Thể thao cho thấy sự căng thẳng giữa sức mạnh và sự yếu đuối, cả hai kinh nghiệm đều nhất thiết thuộc nhân sinh. Thể thao là một lãnh vực mà trong đó, con người có thể, một cách chân chính, sống thực tài năng và óc sáng tạo của họ nhưng đồng thời cảm nghiệm các giới hạn và tính hữu hạn của họ, vì thành công không hề được bảo đảm.
Như đã đề cập ở đầu chương này, thể thao giống như một lãnh vực có thể tiết lộ sự thật về tự do của con người. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói “Tự do là một điều tuyệt diệu, nhưng nó cũng có thể tiêu tan và mất đi” [54]. Thể thao tôn trọng tự do của con người ở chỗ bên trong các giới hạn của một bộ quy tắc chuyên biệt, nó không ngăn cản óc sáng tạo mà, đúng hơn, nuôi dưỡng nó. Do đó, cảm nghiệm được tự do là chính mình không bị mất đi.
Mối tương quan nội tại giữa tự do cá nhân và việc chấp nhận các quy tắc cũng cho thấy: người ta được điều hướng hướng về một cộng đồng với những người khác. Thực thế, người ta không bao giờ là một thực thể cô lập mà là “một hữu thể xã hội, và trừ phi liên hệ với người khác, họ không thể sống và phát triển tiềm năng của mình được” (55). Thể thao toàn đội và sự hiện diện của các khán giả cho thấy mối tương quan giữa các cá nhân và cộng đồng. Hơn nữa, ngay cả thể thao cá nhân cũng không thể được thực hiện mà không có sự đóng góp của nhiều người khác. Vì vậy, có thể dùng thể thao như một mô hình để minh họa việc con người có thể trở thành chính họ như thế nào nhờ cảm nghiệm cộng đồng.
Cuối cùng, trong bối cảnh thế giới hiện đại, thể thao có lẽ là điển hình nổi bật nhất về sự hợp nhất của thân thể và linh hồn. Cần nhấn mạnh rằng cách giải thích một chiều các kinh nghiệm vừa đề cập dẫn đến một khái niệm sai lầm về hữu thể con người. Chỉ tập chú vào sức mạnh, chẳng hạn, có thể gợi ý cho rằng con người là những sinh tự mãn. Khái niệm một chiều về tự do bao hàm ý tưởng về một cái tôi vô trách nhiệm chỉ biết tuân thủ các quy tắc của riêng mình. Tương tự như vậy, việc quá nhấn mạnh đến cộng đồng sẽ dẫn đến sự đánh giá thấp về phẩm giá của con người cá thể. Và cuối cùng, bỏ qua sự hợp nhất của thân thể và linh hồn sẽ đem đến một thái độ một là hoàn toàn làm ngơ thân thể hai là nuôi dưỡng một chủ nghĩa duy vật thế gian. Do đó, phải tính đến mọi chiều kích mới hiểu được những gì thực sự cấu thành con người.
Tóm lại, như thế, chúng ta có thể nói rằng trong thể thao các hữu thể nhân bản trải nghiệm một cách đặc biệt sự căng thẳng giữa sức mạnh và sự yếu đuối, sự tự do tùng phục các quy tắc tổng quát tạo nên một thực hành chung, tính cá nhân đã được điều hướng về phía cộng đồng, và sự hợp nhất của thân thể và linh hồn. Ngoài ra, nhờ thể thao, các hữu thể nhân bản có thể trải nghiệm vẻ đẹp. Như Hans Urs von Balthasar đã nhấn mạnh rất đúng, khả năng thẩm mỹ của hữu thể nhân bản cũng là một đặc tính quyết định kích thích việc tìm kiếm ý nghĩa tối hậu [56]. Nếu một quan điểm nhân chủng học toàn diện như thế được áp dụng, thì thể thao quả có thể được xem như một lãnh vực phi thường nơi hữu thể nhân bản cảm nghiệm được một số sự thật quan trọng về bản thân họ trong việc họ tìm kiếm ý nghĩa tối hậu.
Ý nghĩa tối hậu theo quan điểm Kitô giáo
Con người nhân bản tìm thấy chân lý sâu xa nhất của chúng ta về việc chúng ta là ai trong hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa, vì đây là cách Người đã tạo nên chúng ta (St 1:27). Mặc dù, đúng là thể thao thể hiện việc theo đuổi một loại hạnh phúc nào đó, mà Công đồng Vatican thứ hai vốn mô tả là “một cuộc sống trọn vẹn và tự do xứng đáng với nhân loại; một cuộc sống trong đó [các con người và các xã hội] có thể bắt mọi thứ mà thế giới hiện đại có thể cung cấp cho họ một cách dư dật phải phục vụ phúc lợi riêng của họ”[57], nhưng điều cũng đúng là chúng ta được tạo nên cho một hạnh phúc còn lớn hơn thế. Hạnh phúc này được làm cho khả hữu quà phúc nhưng không của ơn thánh Thiên Chúa. Điều quan trọng là nhấn mạnh rằng ơn thánh của Thiên Chúa không phá hủy bất cứ điều gì là nhân bản, nhưng đúng hơn, nó “hoàn thiện hóa tự nhiên” [58] hoặc nâng chúng ta vào sự hiệp thông với Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Linh và vào hiệp thông với nhau.
Một trong những cách quan trọng mà chúng ta cảm nghiệm được ơn thánh Thiên Chúa là trong lòng thương xót của Người. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh trong suốt triều giáo hoàng của ngài, và đặc biệt trong năm của lòng thương xót, Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ cho chúng ta. Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô điều kiện. Ngay cả khi chúng ta phạm sai lầm hoặc phạm tội, Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn với chúng ta và luôn ban cho chúng ta sự tha thứ và cơ hội thứ hai. Sự tha thứ của Thiên Chúa – cũng như sự tha thứ của chúng ta đối với nhau – mang đến sự chữa lành và phục hồi hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa trong chúng ta. Như Thánh Phaolô đã đề cập đến nó trong lá thư của ngài gửi tín hữu Côlôsê: “Đừng nói dối nhau, vì anh em đã từ bỏ cái tôi cũ với các thực hành của nó và đã mặc lấy cái tôi mới, một cái tôi đang được đổi mới theo hình ảnh của Đấng Tạo Dựng ra nó, để được ơn thông hiểu”(Cl 3:10). Và một lần nữa, ngài viết cho tín hữu Côrintô: “Tất cả chúng ta, mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí.” (2 Cr 3:18) . Nếu quá trình cứu chuộc có nghĩa: chúng ta đang được đổi mới và thay đổi thành hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Linh, thì điều này có nghĩa hiểu ra rằng chúng ta có tính tương quan từ căn bản và được tạo dựng để hiệp thông với Chúa và với nhau.
Chương 4: Các thách thức dưới ánh sáng Tin Mừng
4.1 Một nền thể thao nhân bản và công chính
Chúng ta đã nói về các khía cạnh ý nghĩa của thể thao cũng như vị trí của nó trong việc tìm kiếm điều tốt và sự thật. Tuy nhiên giống bất cứ thực tại nhân bản nào khác, thể thao có thể quay mặt chống lại nhân phẩm và nhân quyền. Do đó Giáo Hội lên tiếng khi thấy nhân phẩm và hạnh phúc thực sự của con người bị đe dọa.
Cổ vũ các giá trị nhân bản trong thể thao
Sự phát triển hiện nay trong thể thao phải được đánh giá theo việc liệu chúng có khởi đi từ việc nhìn nhận phẩm giá con người và thể hiện sự tôn trọng thỏa đáng đối với người khác, đối với mọi tạo vật và môi trường hay không. Hơn nữa, Giáo Hội nhìn nhận tầm quan trọng của niềm vui được tham gia vào thể thao và sự trung thành cùng hiện hữu với nhau của người ta. Khi các quy tắc thể thao được đồng thuận ở bình diện quốc tế, thì các vận động viên từ các nền văn hóa, các quốc gia và tôn giáo khác nhau được hưởng trải nghiệm chung về việc thi đua công bằng và vui tươi, một điều có thể giúp cổ vũ sự đơn nhất của gia đình nhân loại.
Bằng cách tham gia vào thể thao, người ta có thể cảm nghiệm sự hiện hữu bằng thân xác của họ một cách đơn giản và tích cực. Bằng cách chơi trong một đội, các vận động viên nhận thấy các cảm nghiệm thỏa mãn nhất xảy ra khi người chơi có mối liên kết chặt chẽ với nhau và chơi đẹp với nhau.
Phê phán việc chỉ đường sai
Từ quan điểm này, một loạt các hiện tượng và phát triển phải được đánh giá một cách có phê phán. Điều này áp dụng vào thể thao hệt như vào các lãnh vực khác của cuộc sống trong xã hội. Giáo huấn xã hội của Giáo Hội luôn nhắc nhở chúng ta rằng những người tham gia chính trị, kinh tế, hay khoa học phải tự hỏi liệu các hành động của họ có phục vụ con người nhân bản và trật tự công chính hay không. Những người tham gia vào thể thao cũng phải đối đầu với câu hỏi này.
Phẩm tính có cường độ cao của các kinh nghiệm thể thao là cơ sở cho sức hấp dẫn của nó. Tuy nhiên, vì cường độ này, thể thao cũng có thể trôi dạt theo các chính sách và thực hành không phục vụ cho con người nhân bản. Điều này áp dụng vào các người tham gia cũng như khán giả và người ủng hộ. Sư quan trọng lớn lao của thể thao đối với nhiều người có thể làm nó thoái hóa, biến nó thành một phương tiện đạt các lợi ích khác, vì các mục đích chính trị và chứng tỏ uy quyền, vì mù quáng mưu cầu lợi ích tài chính hay tự quyết duy quốc gia. Bằng cách này, quyền tự lập của thể thao và thiện ích nội bộ của nó bị đe dọa. Các quyền lợi không còn là quyền lợi thể thao nữa, mà đúng hơn là các quyền lợi chính trị, kinh tế hoặc liên quan đến truyền thông, lúc đó, sẽ bắt đầu ra lệnh cho các động lực của thể thao và ngay cả các kinh nghiệm của chính các vận động viên. Thể thao luôn là thành phần của một xã hội phức tạp với nhiều bộ phận và tham gia vào sinh hoạt của xã hội này, ấy thế nhưng, mặt khác, phải cẩn thận đừng đặt quyền tự lập của nó vào thế nguy nan. Phát biểu trước một phái đoàn các đội bóng đá chuyên nghiệp Ý, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc lại những lần, lúc còn nhỏ tuổi, ngài vui vẻ tới sân vận động bóng đá cùng với gia đình ngài và điệu bộ mừng vui về những ngày này. Ngài nói với các cầu thủ và các nhà dìu dắt: “Tôi hy vọng rằng bóng đá và mọi môn thể thao phổ thông khác có thể lặp lại yếu tố mừng vui đó. Ngày nay bóng đá cũng hoạt động trong thế giới kinh doanh, tiếp thị, truyền hình, vv… Nhưng khía cạnh kinh tế không được trổi vượt hơn khía cạnh thể thao; [khi trổi vượt] nó có nguy cơ gây ô nhiễm mọi điều ở bình diện quốc tế, quốc gia và thậm chí cả địa phương nữa”[59].
Khi thể thao được thực hành với thái độ “thắng bằng mọi giá”, chính thể thao sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Chỉ tập chú hoàn toàn vào thành công thể thao, cho dù vì các lý do cá nhân, chính trị hay kinh tế, đều làm cho quyền lợi và phúc lợi của những người tham gia trở thành không đáng kể. Đối với thân thể của chính người ta, mong muốn lên cao hơn bằng bất cứ giá nào xác định ra tác phong và có hậu quả nghiêm trọng. Tiêu chuẩn mà theo đó, mọi thứ khác phải tùy thuộc không còn là phẩm giá của con người nữa, mà là hiệu năng của họ, và điều này có thể kéo theo nguy cơ cho sức khỏe của họ và của bạn đồng hành của họ. Phẩm giá và quyền lợi của người ta không bao giờ có thể bị tùy thuộc một cách võ đoán vào các quyền lợi khác. Các vận động viên cũng không thể trở thành một loại hàng hóa. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng nói với các thành viên của Ủy ban Thế Vận Châu Âu: “Khi các môn thể thao chỉ được xem xét bên trong các thông số kinh tế hoặc vì phải thắng bằng mọi giá, thì người ta có nguy cơ rút gọn các vận động viên đến chỉ còn là hàng hóa để tăng lợi nhuận. Cũng các vận động viên này đã gia nhập một hệ thống có nhiệm vụ xóa sạch họ, họ mất hết ý nghĩa thực sự nơi hoạt động của họ, mất cả niềm vui được chơi vốn thu hút họ lúc còn nhỏ và truyền cảm hứng để họ thực hiện nhiều hy sinh thực sự và trở thành các nhà vô địch”[60].
Các quyền tổng quát được sống có phẩm giá và tự do phải được bảo vệ trong các môn thể thao. Chúng đặc biệt áp dụng đối với người nghèo và người yếu, đặc biệt là các trẻ em; chúng có quyền được bảo vệ trong sự toàn vẹn thân thể của chúng. Các điển hình lạm dụng trẻ em, bất kể về thể xác, về tình dục hay xúc cảm của huấn luyện viên, người huấn luyện hay các người lớn khác là một sự nhục mạ trực tiếp đối với người trẻ vốn được tạo dựng giống hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa và do đó giống Thiên Chúa. Các định chế tài trợ cho các chương trình thể thao của giới trẻ, kể cả ở bình diện ưu tú, phải phát triển các chính sách với sự giúp đỡ của các chuyên gia nhằm đảm bảo sự an toàn của mọi trẻ em.
Các vận động viên cũng có quyền lập hội và cùng nhau đại diện cho lợi ích của họ. Không được ngăn cản họ tự do phát biểu trong tư cách công dân và theo lương tâm của họ. Họ phải được đối xử như những con người với mọi quyền lợi của họ. Bất cứ hình thức kỳ thị nào vì nguồn gốc xã hội hoặc quốc gia, giới tính, sắc tộc, chủng tộc, vóc dáng thể lý hoặc tôn giáo cũng không bao giờ được chấp nhận trong thể thao. Nhưng ngoài cả các biến cố thể trực tiếp, thể thao cũng chịu trách nhiệm đối với những gì xảy ra cho môi trường của nó. Nhiều người bị ảnh hưởng bởi việc chuẩn bị và thực hiện các biến cố thể thao lớn, và các quyền lợi và điều kiện sống hợp pháp của họ phải được tôn trọng.
4.2 Trách nhiệm chung đối với một nền thể thao tốt đẹp
Thể thao là một thực tại đa diện. Các nhà phê bình về thể thao không nên hoàn toàn nghi ngờ về điều này, cũng không nên đánh giá các khía cạnh tích cực của nó như là ngây ngô. Ngoài ra, chúng ta cần phân biệt các tác nhân và tổ chức nào trong thể thao có trách nhiệm cụ thể trong các tình huống đặc thù. Thực thế, không chỉ những người tham gia hoặc các vận động viên có trách nhiệm mà cả nhiều người khác, như gia đình, huấn luyện viên và các phụ tá, bác sĩ, người quản lý, khán giả và những người có liên hệ với thể thao trong các bộ phận khác, trong đó có các nhà khoa học thể thao, các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh và các đại diện truyền thông.
Khán giả và những người ủng hộ tham gia các hoạt động thể thao trực tiếp hoặc qua các phương tiện truyền thông có trách nhiệm chung trong các biến cố thể thao. Họ có thể biểu lộ lòng tôn trọng đối với các cầu thủ của cả hai bên thi đấu và nói lên sự phản đối của họ đối với tác phong phi thể thao. Chơi đẹp cũng phải có nơi các khán giả biết ủng hộ đội đối phương. Bất cứ loại miệt thị hoặc bạo lực nào đều bị lên án và những người chịu trách nhiệm về thể thao phải làm hết sức để phản công loại tác phong này. Có những mô hình có thể giải quyết bạo lực trong môi trường thể thao. Thí dụ, một số câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp ở châu Âu và các nơi khác đào tạo các thiện nguyện viên làm việc với các người hâm mộ để phản công tác phong phi thể thao và cả bạo lực hâm mộ (fan violence) vốn trở thành một phần quá quen thuộc trong các trận bóng đá những năm gần đây. Trách nhiệm ở đây không thể lấy khỏi thể thao mà gán cho các tổ chức khác được.
Nhiều người tích cực thực hành thể thao trong môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, hoạt động thể thao không để môi trường này nguyên vẹn. Nó gây một tác động, trong một số trường hợp, khá lâu dài. Vì vậy, các vận động viên và người tài trợ các biến cố thể thao có trách nhiệm bổ sung, là nhiệm vụ đối sử với sáng thế một cách hết sức tôn trọng. Một lần nữa, trách nhiệm này thuộc rất nhiều người. Mọi người không những phải xem xét đâu là các thiệt hại sinh thái có thể liên hệ đến môn thể thao của họ. Nhưng những nhà tài trợ cho các biến cố thể thao lớn cũng phải cân nhắc xem họ có tìm ra một khuôn khổ có thể chịu đựng được lâu dài đối với môi trường hay không.
Hơn nữa, trong các môn thể thao, có liên quan tới động vật, phải lưu ý để bảo đảm rằng chúng được đối xử một cách thích đáng về luân lý chứ không phải chỉ như những đồ vật đơn thuần.
Giáo Hội nhấn mạnh trách nhiệm của mỗi người trong thế giới thể thao và kêu gọi lương tâm mỗi người trong việc dấn thân vào việc cổ vũ một nền thể thao nhân đạo và công bằng bao nhiêu có thể. Tuy nhiên, sẽ không hợp tình hợp lý chút nào khi chỉ đặt gánh nặng trách nhiệm đối với một nền thể thao tốt đẹp lên các vận động viên cá thể. Chúng ta cũng phải lưu ý đến các cơ cấu xã hội gây ảnh hưởng đến cách chúng ta suy nghĩ và hành động. “Đó là toàn bộ các định chế và thực hành mà mọi người đã thấy hiện có hoặc họ tạo ra, trên bình diện quốc gia và quốc tế, và là các cơ cấu định hướng hoặc tổ chức đời sống kinh tế, xã hội và chính trị” (61). Các cơ cấu như thế có thể ảnh hưởng tới hành động một cách khó mà duy trì được lòng trung thành đối với các thiện ích và giá trị nội tại của thể thao. Tuy nhiên, những cơ cấu này không phải là định mệnh. “Chúng luôn tùy thuộc vào trách nhiệm của con người nhân bản, những người có thể thay đổi chúng, chứ không tùy thuộc một định mệnh thuyết về lịch sử.” [62] Vì vậy, chúng vẫn nằm trong phạm vi trách nhiệm của chúng ta. Tầm quan trọng xã hội của các tổ chức và định chế thể thao khác nhau ở bình diện khu vực, quốc gia và quốc tế là rất đáng kể và do đó cũng là trách nhiệm đạo đức của họ. Họ phải phục vụ các thiện ích nội tại của thể thao và lợi ích của con người nhân bản.
4.3 Bốn phát triển đầy thách thức chuyên biệt
Có bốn phát triển mà Giáo Hội coi là những thách thức đặc biệt nghiêm trọng đối với thể thao trong thời đại chúng ta mà văn kiện này tìm cách giải quyết. Có thể hiểu chúng như kết quả của một xu hướng không giới hạn nhằm đạt thành công và những lợi ích kinh tế và chính trị to lớn phát sinh từ các cuộc thi đấu thể thao. Các tác nhân khác nhau tham gia vào các biến cố thể thao – các vận động viên, các khán giả, giới truyền thông, các doanh nhân hay chính trị gia – càng nhấn mạnh đến việc trình diễn lớn lao hơn hay chiến thắng nhiều hơn bằng bất cứ giá nào, thì càng có nhiều áp lực quá đáng đối với các nhà thể thao và họ càng tìm cách nâng cao việc biểu diễn đáng ngờ vực về mặt luân lý.
Sự hạ giá thân xác
Trong khi việc tham gia thể thao có thể là một cách tích cực để cảm nghiệm việc mang thân xác của một con người, nó cũng có thể là một bối cảnh trong đó thân xác con người bị giản lược xuống hàng đồ vật hoặc chỉ còn được cảm nghiệm về mặt vật chất. Như một cầu thủ bóng đá người Mỹ đã bình luận sau khi sự nghiệp của anh kết thúc, “Một cách nghịch lý, tôi nhận ra việc mình bị cắt đứt và tách rời thân xác mình như thế nào. Tôi biết thân xác mình một cách thấu đáo hơn hầu hết người khác có thể biết, nhưng tôi đã sử dụng nó và nghĩ về nó như một cỗ máy, một đồ vật cần được dầu mỡ tốt, được nuôi dưỡng đầy đủ và được chăm sóc cẩn thận, để làm một công việc chuyên biệt”[63]. Khi những người trẻ được đào luyện về cơ thể theo cách này, họ có nguy cơ trở thành xa lạ với cảm tính của chính họ, điều này làm tổn hại khả năng thân mật của họ, một nhiệm vụ phát triển quan trọng đối với người trẻ [64]. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng hiện diện của họ trong mối tương quan thể lý và xúc cảm, vốn là một trong những ơn ban và ơn thánh cho cuộc sống hôn nhân.
Cha mẹ, các huấn luyện viên và các xã hội thường tham dự vào việc tự động hóa các vận động viên để đảm bảo thành công và thỏa mãn các hy vọng đoạt huy chương, kỷ lục, học bổng, hợp đồng quảng cáo béo bở và giàu có. Có thể thấy các sai lầm của loại này trong các môn thể thao thi đấu cao của trẻ em. Càng ngày càng trở nên phổ biến việc người trẻ được đặt vào tay cha mẹ, các huấn luyện viên và quản trị viên chỉ biết quan tâm đến việc chuyên môn hóa một chiều một tài năng duy nhất nào đó. Tuy nhiên, vì thân xác người trẻ không có khả năng chịu đựng việc huấn luyện quanh năm trong một môn thể thao, nên việc chuyên môn hóa sớm sủa như vậy thường là dẫn đến thương tích quá mức. Trong trường hợp các môn thể dục dụng cụ ưu tú của phụ nữ, loại thân thể lý tưởng đã thay đổi trong nhiều năm qua để trở thành một thân thể mảnh mai, tiền kinh kỳ. Và điều này, trong một số bối cảnh, đã dẫn đến việc huấn luyện các cô gái rất trẻ trong một số giờ quá đáng mỗi ngày trong tuần. Trong những tình huống này, các cô gái thường xuyên lo lắng đến việc phải mảnh mai, điều sẽ dẫn đến các rối loạn ăn uống với phần trăm cao hơn nhiều so với dân số nói chung của trẻ nữ và phụ nữ. Thí dụ này cho thấy tầm quan trọng của vai trò cha mẹ các vận động viên trẻ trong mọi môn thể thao. Phụ huynh có trách nhiệm chỉ cho con cái thấy rằng chúng có thế nào, chúng được yêu thương thế ấy, chứ không phải vì các thành công, ngoại hình hay khả năng thể lý của chúng.
Các môn thể thao nào không tránh khỏi việc gây hại nghiêm trọng cho cơ thể con người thì không thể được biện minh về đạo đức. Trong những trường hợp gần đây, trong đó chúng ta biết rõ các hậu quả tác hại của một môn thể thao đặc thù đối với cơ thể, kể cả tổn hại đến não, điều quan trọng là mọi người thuộc mọi bộ phận của xã hội phải đưa ra các quyết định về các môn thể thao nào biết đặt phẩm giá con người nhân bản và phúc lợi của họ lên hàng đầu.
Dùng chất kích thích
Vấn đề dùng chất kích thích (doping) ảnh hưởng đến cái hiểu căn bản về thể thao. Và không may, hiện nay, nó được thực hành bởi các vận động viên cá nhân cũng như các đội và thậm chí cả các quốc gia. Dùng chất kích thích làm nảy sinh hàng loạt vấn đề luân lý khó khăn vì nó không tương ứng với các giá trị sức khỏe và việc chơi đẹp. Đây cũng là một thí dụ tốt cho thấy não trạng “thắng bằng mọi giá” làm hỏng các môn thể thao thế nào bằng cách dẫn đến việc vi phạm các quy tắc cấu thành ra nó. Trong diễn trình này, “khung chơi” bị bẻ gẫy và các thiện ích nội tại của các môn thể thao vốn tùy thuộc việc chấp nhận các quy tắc, bị mất đi. Trong những trường hợp như vậy, điều quan trọng hơn kỹ năng hoặc đào tạo thể thao của một người là năng lực của những người cố gắng tăng gia các khả năng của họ bằng mọi phương tiện có thể có và có thể tưởng tượng được. Cơ thể của vận động viên bị hạ giá để trở thành một đồ vật nhằm chứng tỏ hiệu năng của y khoa.
Trong một số môn thể thao sử dụng phương tiện cơ giới (đua xe đạp, đua xe gắn máy thể thao, Đua xe “Formula One”), việc chơi đẹp sẽ tệ đi do việc sử dụng gian lận cơ khí hoặc dùng chất kích thích. Việc gian lận này có thể được thực hiện cá thể bởi các vận động viên, nhưng cũng có thể bởi một nhóm lớn hơn, với sự giúp đỡ của phụ tá cơ khí và được thúc đẩy bởi các nhà tài trợ hoặc thậm chí bị thao túng trên một quy mô lớn hơn.
Để chống lại các nguy hiểm của việc dùng chất kích thích thể lý và cơ khí và để hỗ trợ việc chơi trong các cuộc thi đấu thể thao, chỉ kêu gọi tới đạo đức cá nhân của các vận động viên là điều không đủ. Vấn đề dùng chất kích thích không thể chỉ bị qui cho cá nhân chơi thể thao mà thôi, cho dù cá nhân đó có lỗi đến mức nào. Đây là một vấn đề rộng lớn hơn. Trách nhiệm của các tổ chức thể thao là tạo ra các quy tắc hữu hiệu và các điều kiện định chế căn bản để hỗ trợ và tưởng thưởng các cá nhân thể thao vì trách nhiệm của họ và giảm thiểu bất cứ sự khuyến khích dùng chất kích thích nào. Trong thế giới thể thao hoàn cầu hóa, cần có những nỗ lực quốc tế hữu hiệu và được phối hợp. Những người khác nào gây ảnh hưởng đáng kể trong thể thao ngày nay như các phương tiện truyền thông và các tác nhân tài chính và chính trị, cũng phải can dự vào.
Các khán giả cũng phải xem xét liệu các kỳ vọng và mong muốn ngày càng gia tăng của họ đối với các quá lạm ngoạn mục trong các biến cố thể thao có khiến cho các diễn viên thể thao phải sử dụng các chất kích thích thể lý hoặc cơ khí hay không.
Tham nhũng
Không kém việc dùng chất kích thích, tham nhũng có thể phá nát thể thao. Nó được sử dụng để tước hết ý nghĩa của việc thi đua thể thao nơi người chơi và khán giả, những người bị lừa bịp và gian dối. Tham nhũng không chỉ liên quan đến một sự kiện thể thao đơn nhất mà thôi vì nó có thể lan vào các chính sách thể thao. Bởi thế, có việc các quyết định liên quan đến thể thao được đưa ra bởi các tác nhân bên ngoài vì các quyền lợi tài chính hoặc chính trị. Điều cũng đáng trách không kém là các loại hối lộ liên quan đến việc cá độ thể thao. Nếu vô số những người thể thao và đam mê thể thao bị lừa dối chỉ để một ít người có thể làm giàu bản thân một cách trơ trẽn, thì điều này cũng sẽ đe dọa tính toàn vẹn của thể thao. Cũng như trong trường hợp dùng chất kích thích, các cá nhân liên hệ phải bị cảnh cáo về việc này cũng như các tổ chức thể thao phải có quy tắc minh bạch và hữu hiệu để ngăn chặn các giá trị của họ bị xói mòn. Thể thao không được là một nơi vô quyền, trong đó vắng bóng các tiêu chuẩn luân lý của việc chung sống một cách trung thành và nhân bản.
Khán giả
Khán giả trong các hoạt động thể thao và các trò chơi cùng nhau xem và hỗ trợ như một khối người hâm mộ. Cảm quan chung thuộc mọi lứa tuổi, giới tính, chủng tộc, niềm tin tôn giáo này quả là một nguồn hân hoan và đẹp đẽ tuyệt vời. Người hâm mộ thuộc cùng một cộng đồng khi đội của họ thắng, nhưng cả trong lúc đối diện với thua và thất bại nữa. Họ đứng đàng sau các cầu thủ của họ và tôn trọng cả các cầu thủ lẫn người hâm mộ của đội kia và trọng tài trong một lối chơi đẹp hỗ tương. Đó là những giây phút, những biến cố và tác phong làm cho chúng ta nhận thức được niềm vui, sức mạnh và ý nghĩa của nền thể thao hài hòa. Tuy nhiên, vai trò của khán giả trong thể thao có thể mơ hồ. Trong một số trường hợp, khán giả khinh miệt các cầu thủ đối lập và những người ủng hộ họ hoặc các trọng tài. Hành vi này có thể biến thái thành bạo lực, hoặc bằng lời nói (bằng cách hát những bài hát kỳ thị) hoặc bằng thể lý. Các trận đánh đấm giữa những người hâm mộ cạnh tranh nhau xuất hiện và vi phạm lối chơi đẹp, là lối chơi vốn luôn phải thắng thế trong các biến cố thể thao. Việc đồng hóa quá đáng với một vận động viên hoặc một đội cũng có thể làm trầm trọng thêm sự căng thẳng vốn đã có giữa các nhóm văn hóa, quốc gia hoặc tôn giáo khác nhau. Đôi khi người hâm mộ có thể sử dụng một biến cố thể thao để truyền bá chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, hoặc ý thức hệ cực đoan. Các khán giả nào không tôn trọng các vận động viên cũng có lúc tấn công họ về thể lý hoặc liên tục nhục mạ hoặc bôi lọ họ. Sự thiếu tôn trọng như vậy đôi khi cũng xảy ra đối với các vận động viên thuộc đội của các khán giả giả này lúc đội chơi không khá. Các đội, các hiệp hội và liên đoàn, bất kể ở trường học, ở bình diện ưu tú hoặc trong các môn thể thao chuyên nghiệp, có trách nhiệm đảm bảo để tác phong của khán giả tôn trọng phẩm giá của tất cả những ai tham gia hoặc tham dự các biến cố thể thao.
Chương 5: Giáo hội như người chủ đạo chính của thể thao
Từ đầu cho tới đây, văn kiện đã tìm cách lượng giá và đánh giá thể thao, ý nghĩa và các chiều kích khác nhau của nó, được nhìn trong khuôn khổ cái hiểu của Kitô giáo về con người và xã hội công chính. Trong khi các cơ hội và tiềm năng thể thao to lớn được đánh giá, các nguy hiểm, đe dọa và thách thức mà nó đặt ra cũng được xem xét.
Trong tư cách dân Thiên Chúa, Giáo Hội được nối kết và thực sự quan tâm đến thể thao như một thực tại đương đại của con người. Đương nhiên, Giáo Hội cảm thấy được kêu gọi làm mọi điều có thể làm trong phạm vi ảnh hưởng trực tiếp của mình để bảo đảm thể thao được thực hiện một cách nhân đạo và hợp lý.
“Việc chăm sóc mục vụ thể thao là một thời điểm cần thiết và là một phần không thể thiếu trong việc chăm sóc mục vụ thông thường của cộng đồng. Mục đích đầu tiên và chuyên biệt của Giáo hội trong lĩnh vực thể thao được biểu hiện như một cam kết mang lại ý nghĩa, giá trị và quan điểm cho việc thực hành thể thao như một sự kiện nhân bản, bản thân và xã hội”[65].
5.1 Giáo hội thoải mái trong thể thao
Như đã nhấn mạnh trong chương đầu tiên, Giáo Hội có một mối liên hệ phong phú với nền thể thao hiện đại, từ đầu thế kỷ hai mươi đã quyết định sống trong môi trường này, tự ý can dự vào nó một cách tích cực và chủ động.
Một sự hiện diện có trách nhiệm
Giáo hội không tránh việc cùng chịu trách nhiệm trong việc phát triển thể thao và số phận của nó. Vì thế, Giáo hội mong muốn tham gia cuộc đối thoại với các tổ chức và các cơ quan quản lý thể thao khác nhau nhằm cổ động cho việc nhân bản hóa các môn thể thao đương đại. Giáo Hội tích cực tìm cách cải thiện các thực hành, các hệ thống và thủ tục thể thao qua các hùn hạp đối tác với các tổ chức thể thao. Giáo hội có thể cung cấp một viễn kiến luân lý trong bối cảnh các thực hành sai trái như dùng chất kích thích, tham nhũng, bạo lực khán giả và thương mại hóa lan tràn có thể làm xói mòn tinh thần thể thao.
Giáo Hội hiện diện một cách có tổ chức và định chế trong thế giới thể thao để giúp mình cổ vũ một viễn kiến Kitô giáo về thể thao, qua nhiều hình thức khác nhau ở các bình diện khác nhau. Trong cơ cấu tổ chức riêng của mình, Tòa Thánh có các bộ phận khác nhau quan tâm đến hiện tượng thể thao nhằm theo dõi và cổ vũ thể thao theo quan điểm định chế, mục vụ và văn hóa.
Ở một số quốc gia, các Hội Đồng Giám Mục quốc gia làm việc trong mối tương quan chặt chẽ với các hiệp hội thể thao quốc gia và quốc tế để cổ vũ thể thao. Tại một số nước, các câu lạc bộ thể thao và hiệp hội giáo hội đã hiện hữu hơn một trăm năm và ngày nay can dự vào rất nhiều biến cố thể thao địa phương và toàn quốc. Các tổ chức này, ngược lại, có thể nối kết, lập mạng và tạo thành các cơ quan thể thao lớn hơn ở bình diện quốc gia và quốc tế. Ngoài việc tông đồ của nhiều tín hữu giáo dân, nhiều linh mục can dự vào các nhóm thể thao tài tử tại các giáo xứ, vào các hiệp hội thể thao hoặc phục vụ như là các tuyên úy trong các câu lạc bộ chuyên nghiệp hoặc tại Thế vận hội.
Một Giáo Hội đi ra ngoài
Thể thao là một bối cảnh trong đó việc cảm nghiệm cụ thể lời mời trở thành một Giáo hội đi ra ngoài, không phải để xây dựng các bức tường và biên giới, nhưng các quảng trường và bệnh viện dã chiến.
Hơn nhiều diễn đàn khác, thể thao tập hợp những người bị chà đạp, những người bị gạt ra ngoài, người nhập cư, người bản xứ, người giàu, người quyền thế và người nghèo quanh một sở thích chung và đôi khi trong cùng một không gian. Đối với Giáo Hội, bất cứ thực tại nào như thế đều có dáng dấp một lời mời gặp gỡ người từ nhiều bối cảnh khác nhau và trong các hoàn cảnh sống rất khác nhau. Trong khi chào đón mọi người đến với mình, Giáo hội cũng đi vào thế giới. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói, “con đường của Giáo Hội, chính là để bốn bức tường ở lại phía sau và đi ra ngoài để tìm kiếm những người ở xa, những người ở ‘ngoại ô’ của cuộc sống. […] Không chỉ chào đón và tái hòa nhập, bằng lòng can đảm Tin Mừng, tất cả những người gõ cửa chúng ta, mà còn đi ra ngoài và tìm kiếm, không sợ hãi và không thành kiến, những người ở xa, chia sẻ nhưng không những gì chúng ta đã nhận được cách nhưng không” [66].
Tiền Đình hiện đại của người ngoại giáo
Ở một số nơi trên thế giới hiện đã có một truyền thống mở các cơ sở vật chất của Giáo hội cho giới trẻ – những người thường đến với nhau trong bối cảnh thể thao và trò chơi. Trong môi trường văn hóa đa dạng ngày nay, một không gian như vậy trở thành một trong những đường dẫn tạo điều kiện cho các tương tác hài hòa khắp các cộng đồng, nền văn hóa và tôn giáo. Như đã đề cập, Giáo Hội thấy giá trị lớn trong những tương tác như vậy; chúng có thể phát huy ý thức về sự đơn nhất của gia đình nhân loại. Một không gian như vậy cũng có thể làm thành khả hữu, theo lời của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, cuộc đối thoại với những người “mà đối với họ, Thiên Chúa chưa được biết tới nhưng họ không muốn để mình mãi vô thần, nhưng đúng hơn, được kéo lại gần Người, dù như Đấng Vô Minh” (67). Ngài nói đến việc Giáo Hội được sai đến với những người như vậy: “Ngày nay, tôi cũng nghĩ rằng Giáo Hội nên mở một loại ‘Tiền Đình dành cho dân ngoại’ trong đó người ta có thể, một cách nào đó, hé thấy Thiên Chúa, tuy không biết Người và trước khi được tiếp cận với mầu nhiệm về Người; đời sống bên trong của Giáo Hội có đó để phục vụ những người này”[68].
Do đó Giáo hội nhận thức được một loạt các khả thể có thể sử dụng trong bối cảnh thực tại thể thao đương thời. Những điều này đặc biệt có liên quan khi chúng phù hợp với sứ mệnh lớn hơn của Giáo Hội.
5.2 Thể thao thoải mái trong Giáo hội
Viễn kiến thể thao của Huấn Quyền đã được cụ thể hóa trong một đề xuất mục vụ rất tích cực nhờ thể thao; đề xuất này, trong yếu tính, có hình thức một cam kết giáo dục đối với những người, đến lượt họ, họ tạo ra một cam kết xã hội đối với cộng đồng.
Thể thao như một kinh nghiệm giáo dục nhân bản hóa
Con người vì được tạo dựng giống hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa nên quan trọng hơn thể thao. Con người không hiện hữu để phục vụ thể thao, mà đúng hơn, thể thao phải phục vụ con người trong sự phát triển toàn diện của họ.
Như đã đề cập, con người đó là một sự thống nhất gồm thân xác, linh hồn và tinh thần, điều này có nghĩa: những kinh nghiệm mang thể xác của trò chơi và thể thao nhất thiết cũng can dự vào và tác động đến giới trẻ ở bình diện linh hồn và tinh thần. Vì thế, chúng có thể là một phần của việc giáo dục toàn diện con người. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khuyến khích việc xem trò chơi và thể thao như một phần của nền giáo dục toàn diện cả đầu óc, trái tim và bàn tay, hay điều người ta suy nghĩ, cảm nhận và thực hiện. Theo Đức Thánh Cha, việc giáo dục chính thức trong thời đại chúng ta đã trở nên quá gắn liền một cách hẹp hòi với “tính kỹ thuật trí thức và ngôn ngữ đầu óc” [69]. Ngài khuyến khích chúng ta cởi mở chấp nhận các hình thức giáo dục phi chính thức, chẳng hạn như thể thao. Như ngài từng nói, khép kín trong tính độc quyền cứng ngắc của nền giáo dục chính thức “sẽ không có chủ nghĩa nhân bản, và nơi nào không có chủ nghĩa nhân bản, Chúa Kitô không thể bước vào được!” [70]
Giáo dục thể thao và giáo dục Công Giáo
Làm thế nào Giáo hội có thể bắt đầu tích hợp hoạt động thể lý hay thể thao vào khuôn khổ căn bản của mình? Làm thế nào viễn kiến của Giáo hội về thể thao thấm nhiễm vào các hội đồng, các giáo phận và giáo xứ của vị giám mục? Điều này có lẽ nên bắt đầu với việc thành lập hữu hình một ngành hoạt động tông đồ dành cho thể thao. Ngành hoạt động tông đồ như thế sẽ là một biểu hiện cụ thể cho thấy sự cam kết của Giáo Hội đối với con người nhân bản trong thể thao và cũng sẽ trang bị cho các cơ quan khác nhau của Giáo Hội trong việc trực tiếp khởi động các hoạt động liên quan đến thể thao.
Kể từ nguồn gốc của Kitô giáo, thể thao đã xuất hiện như một ẩn dụ hữu hiệu của đời sống Kitô hữu: Thánh Tông Đồ Phaolô không ngần ngại lồng thể thao vào các giá trị nhân bản; điều này được dùng như một điểm hỗ trợ và tham khảo để đối thoại với những người thuộc thời ngài. Có nhiều khả thể giới thiệu các môn thể thao, trò chơi và các hoạt động vui chơi khác để hướng dẫn những người trẻ hướng tới một sự hiểu biết sâu sắc hơn về sách thánh, giáo huấn Giáo Hội hay các bí tích.
Khi thể thao được sống theo cách tôn trọng phẩm giá con người và thoát khỏi các khai thác kinh tế, truyền thông hay chính trị, nó có thể trở thành một mô hình cho mọi lĩnh vực của cuộc sống. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô vốn nói “Khi như thế này, thể thao vượt lên trên bình diện thể lý hoàn toàn và đưa chúng ta vào lãnh vực tinh thần và thậm chí cả mầu nhiệm nữa” [71]. Giáo dục theo Kitô giáo là đào tạo nơi con người các giá trị nhân bản trong toàn bộ thực tại, bao gồm cả siêu việt. Ý nghĩa sâu xa của thể thao là nó có thể giáo dục về sự viên mãn của cuộc sống và sự cởi mở đối với trải nghiệm siêu việt.
Thể thao cũng là một cách để dẫn nhập giới trẻ vào các nhân đức dũng cảm, điều độ, khôn ngoan và công bằng và tạo điều kiện để chúng lớn lên trong họ. Trong lĩnh vực giáo dục thể lý, Thánh Gioan Bosco, năm 1847 chỉ là một tuyên úy tuổi trẻ ở Turin, có lẽ là nhà giáo dục Công Giáo đầu tiên nhận ra tầm quan trọng của việc chuyển động, trò chơi và thể thao đối với sự phát triển toàn diện nhân cách của người trẻ. Đối với Don Bosco, giáo dục bằng thể thao có nghĩa là vun sới việc đích thân đồng hành với người trẻ cũng như tôn trọng lẫn nhau, cả trong lúc thi đua.
Thể thao để tạo ra một nền văn hóa gặp gỡ và hòa bình
Trong một thế giới đầy rẫy các vấn đề về di dân, chủ nghĩa duy quốc gia và căn tính cá nhân, ngày càng có nhiều người phải vật lộn với việc sống chung với những người khác về văn hóa hoặc giữ các hệ thống tín ngưỡng khác với mình. Các biên giới, nhận thức và ranh giới liên tục được vẽ tới vẽ lui. Trong bối cảnh này, chúng ta phải nhớ rằng các môn thể thao là một trong số ít thực tại ngày nay đã vượt lên trên các ranh giới của tôn giáo và văn hóa. Lời kêu gọi của Giáo Hội phổ quát muốn ta làm việc hướng đến sự đơn nhất của gia đình nhân loại có ý nghĩa đặc biệt khi được nhìn trong bối cảnh thể thao. Theo nghĩa này, chính ý tưởng làm ‘Công Giáo’ đã đi đôi với điều tốt nhất trong tinh thần thể thao. Trong thế giới thể thao, Giáo hội có thể đóng một vai trò quan trọng bằng cách giúp xây những cây cầu, mở các cánh cửa và cổ vũ các chính nghĩa chung – thấm nhuần các xã hội như ‘men’.
Thể thao như một việc thương xót
Thể thao cũng có thể trở thành một phương tiện mạnh mẽ bằng cách tự làm cho nó hiện diện đối với những người bị cho ra rìa và bị thiệt thòi. Có rất nhiều cơ quan quản trị thể thao quốc tế, các định chế tư nhân và các tổ chức phi lợi nhuận nhằm cổ vũ và sử dụng các môn thể thao như một công cụ tích cực giúp giới trẻ và thiếu niên đang sống trong các môi trường dễ bị bạo lực băng đảng, lạm dụng ma túy và buôn người biết tham gia. Các cộng đồng Kitô giáo trên khắp thế giới vốn đã can dự vào các sáng kiến biết sử dụng các thực hành, việc huấn luyện và các biến cố thể thao như các công cụ có liên quan để kéo giới trẻ ra khỏi ma túy và bạo lực.
Thể thao để tạo ra một nền văn hóa bao gồm
Vì có những sự thiện nhân bản liên quan đến thể thao, tất cả những ai muốn tham gia đều phải được làm như vậy. Điều này đặc biệt đúng đối với trẻ em nghèo hoặc di tản, người khuyết tật về thể lý hoặc tri thức, người vô gia cư và người tị nạn. Hơn nữa, ở một số nơi trên thế giới, các trẻ gái và phụ nữ bị từ chối quyền tham gia thể thao và do đó không thể cảm nghiệm được niềm vui và lợi ích của các hoạt động này. Mọi người đều có thể được phong phú hóa nhờ cơ hội gia tăng để mọi người có thể tham gia thể thao. Thí dụ, các vận động viên cấp ưu tú, khi xem vận động viên khuyết tật chơi, được nhắc nhở điều gì thực sự là thể thao: niềm vui được tham gia và thi đua đối với đối thủ và chính mình. Những thí dụ như thế giúp tái định hướng mọi người hướng đến việc nhân bản hóa tiềm năng của thể thao [72].
Sự phát triển của Thế Vận Khuyết Tật (Paralympic) và Thế vận đặc biệt là dấu hiệu hữu hình cho thấy thể thao có thể là một cơ hội tuyệt vời của việc hòa nhập(inclusion) ra sao, và có khả năng mang lại ý nghĩa cho cuộc sống và là một dấu hiệu của hy vọng. Việc tạo ra đội Thế Vận Tị Nạn đầu tiên vào năm 2016 cũng thế và cả việc khai triển ra Giải Bóng Đá Thế Giới Vô Gia Cư là những cách quan trọng để nhận thức ích chung mà thể thao cổ vũ, đã được mở rộng để những người di tản hay đang trải qua các khó khăn liên quan tới nghèo đói cũng có cơ hội tham gia.
5.3 Môi trường của thừa tác mục vụ thể thao
Cam kết thể thao của Giáo hội là bảo đảm để thể thao luôn là một kinh nghiệm có khả năng mang lại ý nghĩa và giá trị cho cuộc sống của người ta, ở bất cứ bình diện nào nó được cổ vũ hoặc thực hành, tại bất kỳ nơi nào hoặc môi trường nào nó được tổ chức. Thể thao phải luôn nhắm vào việc đào tạo tòan diện con người, cải thiện các điều kiện xã hội và xây dựng các mối tương quan liên ngã. Đây là lý do tại sao việc chăm sóc mục vụ đối với thể thao là điều thích hợp trong nhiều môi trường và có thể được cổ vũ trong nhiều bối cảnh.
Cha mẹ là thầy cô đầu tiên
Cha mẹ thường là các thầy cô đầu tiên dạy đức tin và thể thao cho con cái của họ. Nếu cha mẹ không là những người trực tiếp dạy con cái của họ cách ném một trái bóng chày (baseball), thì ít nhất, họ nên đóng vai trò ký kết để chúng tham gia các các đội thể thao giải trí, khuyến khích chúng thử tham gia một đội thi đấu hoặc chuyên chở chúng đến các buổi thực hành và trận đấu của chúng. Chúng thường hiện diện trong đám đông để cổ vũ các vận động viên của chúng trên sân chơi. Những ví dụ này cho chúng ta thấy thể thao thường là nguồn nối kết giữa cha mẹ và con cái như thế nào. Việc nối kết này giúp các cha mẹ giáo dục con cái về các nhân đức và giá trị nhân bản vốn nội tại ngay trong các môn thể thao. Nếu thể thao có nguy cơ trở thành dịp gây chia rẽ gia đình và làm suy giảm tính thánh thiêng của Chúa Nhật như một ngày thánh phải giữ, thì nó cũng có thể giúp kết hợp một gia đình với các gia đình khác trong việc cử hành Chúa Nhật, không chỉ trong phụng vụ mà còn trong cuộc sống của cộng đồng. Điều này không có nghĩa là các trận đấu thể thao không nên diễn ra vào các Chúa Nhật, nhưng đúng hơn, các biến cố như vậy không được miễn chước cho các gia đình việc tham dự Thánh Lễ, trái lại chúng nên cổ vũ cuộc sống của gia đình bên trong bối cảnh cộng đồng.
Giáo xứ (và các nguyện dường hay trung tâm giới trẻ)
Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng nói, “Quả đẹp đẽ khi một giáo xứ có một câu lạc bộ thể thao và một điều gì đó sẽ thiếu nếu không có một câu lạc bộ như thế” [73]. Tuy nhiên, một câu lạc bộ thể thao trong một giáo xứ cần phải nhất quán với các cam kết đức tin của giáo xứ và được bám vào một dự án giáo dục và mục vụ. Các câu lạc bộ thể thao giáo xứ cũng cung cấp một cơ hội để giới trẻ gặp gỡ nhau ở bình diện giáo phận hoặc quốc gia qua các cuộc thi đấu thân thiện. Ngoài ra, các giáo xứ có thể và nên cổ vũ các hoạt động thể thao không những cho thanh thiếu niên mà còn cho các thành viên cao tuổi của họ nữa.
Bất cứ thực tại nhân bản chân chính nào cũng buộc phải được suy tư trong Giáo Hội. Giáo hội nên luôn sát cánh với thế giới thể thao, đọc các dấu hiệu của thời đại trong lĩnh vực thể thao. Các linh mục nên được khuyến khích hiểu biết một cách hợp lý về các thực tại và xu hướng thể thao đương đại, đặc biệt khi chúng ảnh hưởng đến tuổi trẻ, và nối kết thể thao với đức tin trong các bài giảng khi điều này có ý nghĩa.
Các trường học và đại học
Các trường học và đại học là những nơi lý tưởng để cổ vũ một sự hiểu biết về thể thao nhằm mục đích giáo dục, bao gồm và phát huy con người. Phụ huynh và gia đình đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đối thoại với các thầy cô và ban quản trị nhà trường, trong việc lên khuôn các hoạt động thể thao của trường theo đường hướng chúng sẽ dẫn đến việc phát triển toàn diện học sinh sinh viên. Các đại học ở nhiều nước cũng đã đảm nhận nhiệm vụ nghiên cứu thể thao. Các khóa học và chương trình nghiên cứu tìm cách giáo dục, đào tạo và huấn luyện các nhóm huấn luyện viên, quản lý thể thao, nhà khoa học và quản trị viên thể thao lớp kế tiếp. Bối cảnh này đem lại một cơ hội tuyệt vời để Giáo hội đối thoại với những người có trách nhiệm chuyên biệt trong việc giáo dục các nhà lãnh đạo thể thao hiện tại và tương lai lúc họ giúp phát triển thể thao theo phương hướng phục vụ con người nhân bản và xây dựng một xã hội công chính.
Các câu lạc bộ thể thao và hiệp hội thể thao không chuyên nghiệp
Các huấn luyện viên và quản lý viên thể thao có ảnh hưởng lớn đến các vận động viên của họ, do đó, hành động mục vụ và giáo dục đòi phải liên minh với họ. Trong khi công nhận bản chất chuyên biệt việc làm của các câu lạc bộ và các hiệp hội thể thao, điều quan trọng là tìm cách đối thoại với họ, đặc biệt trong vấn đề đặt kế hoạch về sư phạm và văn hóa.
Nền thể thao chuyên nghiệp
Thể thao ở bình diện ưu tú và chuyên nghiệp là một thực tại quốc tế bao trùm người chơi, khán giả / người hâm mộ, các tổ chức thể thao, các phương tiện truyền thông, tổ chức tiếp thị và thậm chí cả các chính phủ nữa. Nó là một hiện tượng có phạm vi truyền đạt lớn lao, có thể ảnh hưởng sâu xa không những đến thể thao của giới trẻ và người không chuyên nghiệp, mà là lối sống của toàn xã hội.
Vì những lý do này, Giáo Hội phải tiếp tục cải thiện việc khai triển các năng quyền có liên quan và đào tạo các tuyên úy hoặc cố vấn có huấn luyện để trợ giúp việc chăm sóc mục vụ và tâm linh cho các huấn luyện viên và vận động viên tham gia các biến cố thể thao quốc tế như Thế Vận Hội hay Giải Bóng Đá Thế Giới.
Giáo hội nên phát triển các kế hoạch mục vụ thích hợp cho việc đồng hành với các cầu thủ và vận động viên, mà nhiều người gây ảnh hưởng đáng kể trong thế giới thể thao và thế giới nói chung. Một phần trong việc đồng hành này nên dành cho việc giúp các vận động viên ý thức được ý nghĩa nội tại của việc tham gia của họ vào thể thao. “Chiều kích chuyên nghiệp này không bao giờ được đẩy sang một bên ơn gọi khởi thủy của một vận động viên hay một đội: hãy là những nhà tài tử, không chuyên nghiệp. Một vận động viên, kể cả một vận động viên chuyên nghiệp, khi đã nuôi dưỡng được chiều kích làm một ‘tài tử’ [74] này, thì xã hội sẽ được hưởng lợi và người này sẽ củng cố ích chung bằng các giá trị như đại lượng, tình bạn và cái đẹp”[75]. Giáo Hội nên đồng hành với các vận động viên này trong hành trình bản thân của họ, hỗ trợ họ trong việc hiểu biết và tăng tiến trách nhiệm của họ trở thành các sứ giả của nhân loại.
Việc đồng hành mục vụ và chăm sóc tinh thần phải mở rộng quá bên kia sinh hoạt thể thao tích cực của một cá nhân. Thế giới đã thấy nhiều cầu thủ và vận động viên hàng đầu, những người ở cuối sự nghiệp của họ cảm thấy trống rỗng và trầm cảm, đôi khi rơi vào một cuộc sống lệ thuộc rượu chè hoặc ma túy. Một kế hoạch đồng hành nhất quán có thể giúp những người như vậy khám phá ra căn tính của họ, có thể là lần đầu, ở bên ngoài thể thao. Theo nghĩa căn bản nhất, căn tính và giá trị của họ phát xuất từ việc được tạo dựng theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa, Đấng tiếp tục kêu gọi họ, dù theo những cách mới mẻ. Chăm sóc mục vụ với các vận động viên sau khi sự nghiệp của họ đã kết thúc, do đó, cần phải bao gồm việc giúp họ biện phân được cách phải sử dụng ra sao tài năng và thiên phú của họ trong tương lai.
Ngày nay, khán giả tạo thành một phần rất có liên quan của môi trường thể thao chuyên nghiệp. Lan rộng khắp thế giới, các câu lạc bộ hâm mộ, các diễn đàn trực tuyến và bán hàng xoay quanh các khán giả. Những người ủng hộ và hâm mộ thường cảm nghiệm niềm đam mê thể thao một cách tuyệt đối, cách này dẫn người ta đến chỗ quá đáng và sai lệch. Giáo hội, cùng với các nhà lãnh đạo của các truyền thống tôn giáo khác, có thể giúp nhắc nhở mọi người giữ cho thể thao ở trong viễn ảnh của nó. Mặc dù trò chơi và thể thao là những điều tốt và nhằm để được theo đuổi một cách đam mê và vui hưởng, chúng không phải là những điều quan trọng nhất trong đời.
Các phương tiện truyền thông như cây cầu nối
Các phương tiện truyền thông là một đối tác đàm đạo chính của Giáo hội khi nói đến thể thao. Chính các phương tiện truyền thông – đặc biệt là phương tiện truyền thông xã hội – đã lên khuôn hình ảnh thể thao trong con mắt của đa số công chúng. Do đó, Giáo hội với nhiều diễn đàn truyền thông xã hội hết sức tích cực của mình có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tiếp cận với thế giới khán giả và các nhà tạo công luận trong thể thao.
Điều bắt buộc là Giáo Hội phải đáp ứng một cách có ý nghĩa đối với các biến cố và vấn đề thể thao. Thực thế, các tín hữu ít khi nhận thức được việc Giáo Hội chấp nhận và nhìn các môn thể thao một cách tích cực. Những phản ứng như vậy còn lâu mới có thể giúp thế hệ trẻ cảm thấy nối kết với Giáo Hội.
Các khoa học chuyên ngành
Giáo hội cũng nên đối thoại với những người làm việc trong các lĩnh vực khoa học và y học thể thao. Trong cuộc đàm đạo với họ, Giáo Hội có thể thu được kiến thức rộng lớn về thực tại đương đại của thể thao, để các phán đoán của mình thông thạo và chính xác. Tuy nhiên, trên hết, các cuộc đàm đạo hỗn hợp này nên thăm dò cách làm thế nào để lên khuôn việc thực hành thể thao và các môi trường xung quanh của nó theo cách tương ứng với, hoặc đến gần hơn với, nền văn hóa cơ thể nhân bản hóa. Cuộc đàm đạo của Giáo hội với các ngành khoa học khác, như khoa học sự sống, các khoa học văn hóa hay xã hội cũng có thể cung cấp những hiểu biết sâu sắc có ý nghĩa về thể thao và các cách thức chúng có thể trở thành một hoạt động có ích lợi suốt đời.
Những địa điểm thể thao mới
Ngoài ra còn có các trung tâm và công viên thể dục, nơi có thể gặp các thanh thiếu niên, người lớn tuổi và người cao tuổi biết quan tâm đến một nền văn hóa phúc lợi và cởi mở đối với một lối giải thích toàn diện và nhân bản hóa về sự sống, về sự hợp nhất giữa thân xác, linh hồn và tinh thần.
Ngoài các địa điểm thể thao truyền thống, cũng cần lưu ý tới những nơi không chính thức, những nơi người ta, đặc biệt là những người trẻ bác bỏ các bối cảnh có tổ chức và có quy luật, thực hành các loại thể thao mới ở đường phố.
Nguy cơ của những môi trường này là thể thao được thực hành trong “cảnh cô độc”, thích chủ nghĩa cá nhân, nơi không có mục đích giáo dục hoặc xã hội. Hơn nữa, hiện nay điều chủ yếu là có một cuộc đối thoại tích cực với các phương tiện truyền thông thể thao và thể thao điện tử.
5.4 Chăm sóc các người làm việc mục vụ cho thể thao
Không có việc chăm sóc mục vụ thể thao nào mà không có một chiến lược giáo dục. Điều này liên hệ đến vai trò tích cực của mọi người đã chọn phục vụ Giáo Hội qua thể thao, nhiều cách khác nhau. Thể thao cần các nhà giáo dục chứ không chỉ là các nhà cung cấp dịch vụ. Chăm sóc mục vụ qua thể thao không thể tùy hứng, nhưng cần những người được huấn luyện và có động lực để tái khám phá ý nghĩa thể thao trong một bối cảnh giáo dục và can dự vào việc phục vụ một viễn kiến Kitô giáo về thể thao.
Các nhà giáo dục thể thao
Khi nói đến thể thao, các huấn luyện viên, trọng tài, giáo viên và người quản lý đóng một vai trò quan trọng đối với các thái độ của cầu thủ hoặc vận động viên. Một kế hoạch huấn luyện tinh thần / mục vụ có liên quan cho họ, do đó, sẽ đóng một vai trò chủ chốt trong việc nhân bản hóa thể thao. Thực thế, hầu hết trong số họ luôn tìm kiếm kế hoạch tốt nhất, toàn diện nhất và độc đáo cho cầu thủ của họ.
Giáo Hội cần mở một cuộc đối thoại với các cơ quan huấn luyện thể thao, hợp tác với họ hoặc cổ vũ các đường huấn luyện bổ sung về các khía cạnh mục vụ của thể thao. Kế hoạch mục vụ có thể bao gồm các tư liệu, các tương tác một đối một và những buổi tập huấn chuyên biệt hóa cho các huấn luyện viên thể thao nào liên quan đến việc hướng dẫn trên bình diện tâm linh / giáo hội, giúp họ có khả năng làm nhân chứng, “loan báo Chúa Giêsu Kytô bằng lời nói và hành động của họ, nghĩa là biến mình thành một công cụ để Người hiện diện và hành động trong thế giới” [76].
Gia đình và cha mẹ
Đối thoại với gia đình, đặc biệt là với cha mẹ, trở thành một khía cạnh chủ yếu trong việc cổ vũ một nền chăm sóc mục vụ hữu cơ và liên tục đặc biệt nhắm vào trẻ em và thanh thiếu niên. Điều quan trọng là các gia đình phải biết và chia sẻ các mục tiêu giáo dục và mục vụ. Điều này không có nghĩa đề xuất thể thao phải là một đề xuất tuyên tín, nhưng chắc chắn nó không thể là một đề xuất trung lập đối với quan điểm về các giá trị. Do đó, điều chủ yếu là tạo ra những buổi hội họp và thảo luận với cha mẹ, làm cho họ nhận thức được mục tiêu của khóa huấn luyện được đề ra, chia sẻ các ưu tiên giáo dục với họ, làm họ biết họ phải tham gia một cách có ý thức, tôn trọng các vai trò của các huấn luyện viên và người quản lý thể thao .
Các thiện nguyện viên
Thế giới thể thao đã lớn mạnh và phát triển nhờ sự đóng góp chiến lược của các thiện nguyện viên. Các thiện nguyện viên đóng một vai trò căn bản vượt ra ngoài phạm vi kỹ năng kỹ thuật và tổ chức. Bằng các quyết định và chứng từ của mình, họ giữ cho nền văn hóa hiến tặng và phong thái cho không luôn sống động; họ giúp thể thao duy trì định hướng phục vụ người khác, không chỉ tập chú vào chiều kích kinh tế và hành chánh. Những người này cần một việc đồng hành có thể giúp họ lớn mạnh, củng cố các động lực của họ và tích hợp chúng một cách hài hòa vào cơ cấu tổ chức thể thao.
Các linh mục và người thánh hiến
Sự hiện diện mục vụ của các linh mục và những người thánh hiến trong lĩnh vực thể thao phải thể hiện vai trò của họ trong việc tạo điều kiện cho mục đích giáo dục thể thao và việc đồng hành tâm linh với các vận động viên. Vai trò này không thể được nêu rõ bằng các thuật ngữ “tri thức ” trừu tượng tách rời khỏi cuộc sống hàng ngày. Thế giới của thể thao là một thế giới chào đón, nhưng nó kêu gọi các nhà lãnh đạo mục vụ phải có sự hiện diện tập chú và tôn trọng và ý thức rõ các động lực, các vai trò và kỹ năng chuyên biệt cần thiết cho thể thao.
Điều quan trọng là việc chăm sóc mục vụ thể thao phải được lồng vào việc đào tạo các ứng viên chức linh mục và những ứng viên này có cơ hội thực hành thể thao trong lúc ở chủng viện. Trong nhiều chủng viện khắp thế giới, họ đã đang sử dụng “các thực hành tốt nhất” về thể thao trong các học viện của họ, đôi khi một cách có tổ chức cao để truyền giáo.
5.5 Một số yếu tố căn bản để lập kế hoạch mục vụ qua thể thao
Vẻ đẹp của thể thao để phục vụ giáo dục
Thể thao là một thiện ích mục vụ phải được cổ vũ tốt. Thể thao có các quy tắc, tính đặc thù, vẻ đẹp của nó và chúng ta được kêu gọi cổ vũ thể thao bằng cách tận dụng tối đa phẩm chất kỹ thuật và tổ chức. Tuy nhiên, vẻ đẹp của hoạt động thể thao, phẩm chất giảng dạy kỹ thuật và hiệu năng tổ chức không phải là các mục đích ngay trong chúng.
Thể thao tạo ra các niềm đam mê và cảm xúc mạnh mẽ, nhưng nhiệm vụ của hành động mục vụ không dừng lại ở bình diện xúc cảm, nhưng là tạo ra một hiệu quả lâu bền, có khả năng trở nên sâu sắc và lâu bền trong cuộc sống hàng ngày. Nhiệm vụ mục vụ thể thao là chào đón, đồng hành, hướng dẫn và đem lại lý do để hy vọng và tin tưởng. Đó là một con đường không kết thúc trong một biến cố, nhưng đòi hỏi sự liên tục và phải tạo ra một tác động đối với cuộc sống hàng ngày.
Thể thao để xây dựng lại hiệp ước giáo dục
“Chỉ có thể thay đổi được thế giới khi chúng ta thay đổi giáo dục”. Để có một tác động cụ thể, một dự án chăm sóc mục vụ thể thao phải là một dự án liên kết với các cơ quan giáo dục địa phương, khởi đầu với các gia đình, trường học và các định chế công cộng. Nếu chúng ta muốn ảnh hưởng đến diễn trình giáo dục, ủy thác trách nhiệm giáo dục cho những người làm việc trong các hầm chứa (silo) không hề có liên hệ với nhau là không đủ. “Chúng ta cần kết hợp các nỗ lực của mọi người cho giáo dục. Cần cải cách hài hòa hiệp ước giáo dục, vì chỉ bằng cách này, nghĩa là nếu tất cả những người phụ trách giáo dục con cái và thanh niên của chúng ta cùng làm việc với nhau, giáo dục mới có thể thay đổi”[78]. Trong công trình này, Giáo Hội phải làm việc một cách chặt chẽ và tôn trọng với các nhà chức trách có thẩm quyền để đem viễn kiến của mình về một nền văn hóa thể thao phục vụ con người, vốn là một tạo vật yêu quý được dựng nên giống hình ảnh và họa ảnh của chính Thiên Chúa, đến kết quả.
Thể thao để phục vụ nhân loại
Thánh Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh đến “Tính tương đối của thể thao so với tính ưu việt của con người nhân bản, để giá trị phụ đới của thể thao được nhấn mạnh trong dự án sáng tạo của Thiên Chúa. Do đó, cũng nên nhìn thể thao trong các động lực phục vụ, chứ không phải trong lợi nhuận. Nếu người ta luôn nhớ tới các mục tiêu nhân bản hóa, họ không thể không cảm thấy nhiệm vụ không thể thiếu là biến đổi thể thao ngày càng trở thành một công cụ để nâng con người lên cao, hướng tới mục tiêu siêu nhiên mà họ vốn được kêu gọi”[79].
Điều trên có nghĩa: một kế hoạch mục vụ phải dành tính ưu việt cho con người nhân bản, vốn có sự hợp nhất diệu kỳ giữa thể xác, linh hồn và tinh thần. Thể thao phải được cổ vũ và thực hành với sự tôn trọng cao nhất đối với con người và hướng tới sự phát triển toàn diện của họ. Không thể giản lược vận động viên xuống hàng một công cụ đơn thuần được sử dụng để đạt các thành quả thể thao mà ngày nay, có lúc, gắn liền với các mục tiêu kinh tế và chính trị quan trọng.
Trò chơi như căn bản của thể thao
Thể thao là một phân loại của trò chơi và việc chơi là căn bản của thể thao, ở mọi bình diện. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng nói, “Điều quan trọng là thể thao vẫn mãi là một trò chơi! Chỉ bằng cách mãi là một trò chơi, nó mới có ích cho cơ thể và tinh thần” [80]. Điều đặc biệt quan trọng là thể thao mãi là một trò chơi dành cho giới trẻ trong các bối cảnh giáo dục. Suy nghĩ về hướng đi mà giáo dục nên theo hiện nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói, “chúng ta phải khám phá chiều sâu của con người, sức khỏe căn bản, khả năng thoải mái vui chơi, có khả năng sáng tạo để chơi. Sách Khôn Ngoan nói rằng Thiên Chúa vui chơi, Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa vui chơi. Tái khám phá ra trò chơi như một kinh nghiệm giáo dục, để giáo dục không còn đơn thuần chỉ là thông tri nữa, nhưng là óc sáng tạo trong lúc chơi. Tái khám phá khía cạnh vui chơi này cho phép chúng ta phát triển trong óc sáng tạo và trong việc làm chung” [81].
Tinh thần đồng đội ngược với chủ nghĩa duy cá nhân
Điều đã được nhấn mạnh trong suốt văn kiện này là trong khi tham gia thể thao, người ta “thưởng thức được cái đẹp của tinh thần đồng đội, một điều hết sức quan trọng trong cuộc sống” [82]. Thuộc về một câu lạc bộ thể thao có nghĩa là bác bỏ mọi hình thức cá nhân chủ nghĩa, lòng vị kỷ và sự cô lập và dành “cơ hội để gặp gỡ và hiện diện bên cạnh nhiều người khác, để giúp đỡ lẫn nhau, để thi đua trong sự qúi mến lẫn nhau và lớn lên trong tình huynh đệ” [83]. Kinh nghiệm thể thao đương nhiên phát huy động lực tình bạn và việc sống chung, những điều nếu được vun trồng và trân quí có thể vượt quá các ranh giới của các lĩnh vực và đấu trường thể thao và trở thành cơ hội cho các mối tương quan có ý nghĩa và lâu bền.
Thể thao cho mọi người
Thể thao có tính tương cảm (empathic) và tập hợp mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội, tạo ra một nền văn hóa gặp gỡ. Nó phải bác bỏ nền văn hóa vứt bỏ và phải cởi mở, chào đón và hòa nhập. Thể thao cũng nên cho phép việc tích nhập tính đa dạng trong các khả năng. “Mọi người nên chơi, không phải chỉ là những người có khả năng nhất, với những lợi điểm và hạn chế của mỗi người, nhưng thực ra, nên tập chú vào những người kém may mắn, như Chúa Giêsu từng làm” [84]. Bằng cách này, “thể thao trở thành một việc phục vụ đích thực cho sự lớn mạnh của cộng đồng”[85].
Viễn kiến sinh thái về thể thao
Thời đại chúng ta đang trải qua không đơn giản là một thời đại của những thay đổi, nhưng nó là sự thay đổi của một thời đại, một sự thay đổi được gia tốc bởi các cuộc cách mạng kỹ thuật và kỹ thuật số. Giới trẻ đang lớn lên ngày nay bị ảnh hưởng sâu đậm bởi các cuộc cách mạng này, và chính thể thao cũng bị chúng ảnh hưởng. Sự hiện diện của thể thao điện tử (e-Sports) và các hình thức mới của việc dùng chất kích thích, những hình thức lệ thuộc các đổi mới kỹ thuật và y khoa, chỉ là đỉnh tảng băng sơn của một hiện tượng đang càng ngày càng thấm sâu hơn vào thể thao.
Dù các cuộc cách mạng kỹ thuật và kỹ thuật số mang lại nhiều lợi ích cho nhân loại và ta rất đúng khi ăn mừng những điều này, nhưng mô hình kỹ thuật đang thịnh hành cũng có các tác động tiêu cực của nó. Theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô, những điều vừa kể khá hiển nhiên trong một số triệu chứng, “như suy thoái môi trường, lo âu xao xuyến, mất mục đích cuộc sống và lối sống cộng đồng” [86].
Thể thao trong bối cảnh này có thể phản văn hóa ở chỗ nó cung cấp cho giới trẻ cơ hội gặp mặt đối mặt với những người trẻ khác, những người, đôi khi, có những bối cảnh rất khác với chính họ. Trong khi chơi trong một đội, họ học được cách đối phó với việc tranh chấp lẫn nhau một cách trực tiếp, trong khi tham gia vào một hoạt động rất có ý nghĩa đối với họ. Họ cũng có cơ hội chơi đua với giới trẻ từ các khu vực khác trong cộng đồng, từ nước họ hoặc từ thế giới và nhờ vậy mở rộng phạm vi tiếp xúc nhân bản. Những kinh nghiệm như thế có thể giúp người trẻ nhận ra rằng họ là một phần của một điều gì lớn hơn bản thân họ và là một phần của điều mang lại ý nghĩa và mục đích cho cuộc sống của họ.
Kết luận
Thể thao là một bối cảnh trong đó nhiều bạn trẻ và những người khác thuộc mọi nền văn hóa và truyền thống tôn giáo đều học cách hiến tặng hết sức mình. Những loại kinh nghiệm này có thể được dùng làm “tín hiệu của siêu việt” [87]. Văn kiện này đã chứng tỏ các trải nghiệm mà người ta có khi tham gia thể thao – trải nghiệm niềm vui, gặp gỡ những người khác với chính mình và xây dựng cộng đồng, lớn mạnh trong các nhân đức và tự vượt quá bản thân mình – cũng có thể dạy chúng ta một điều gì đó về con người nhân bản và số phận của họ.
Trong bài nói chuyện với Trung tâm thể thao Ý năm 2014, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã động viên những người nghe ngài và khuyến khích chúng ta hôm nay hãy hiến tặng hết sức mình, không chỉ trong thể thao, mà cả trong các lãnh vực khác của cuộc sống: “Là những nhà thể thao, tôi mời gọi các bạn không những vui chơi, như các bạn đã làm, nhưng còn một điều khác hơn: hãy thách thức chính các bạn trong trò chơi cuộc sống như các bạn đang ở trong trò chơi thể thao. Hãy thách thức chính các bạn trong việc mưu cầu điều tốt, cả trong Giáo Hội lẫn ngoài xã hội, không sợ sệt, một cách can đảm và hứng khởi. Hãy tham gia với những người khác và với Thiên Chúa; Đừng an phận với “trói buộc” tầm thường, hãy hiến tặng hết mình, dành cuộc sống của các bạn vào những gì thực sự quan trọng và tồn tại mãi mãi” [88].
Vũ Văn An – vietcatholic.org
_________________________
[1] Gaudium et Spes, 1.
[2] Đức Phanxicô, Diễn Văn với Liên Đoàn Quần Vợt Ý, 8 tháng Năm 2015.
[3] Xem D. Vanysacker, The Catholic Church and Sport. A burgeoning territory within historical Research! Revue d’histoire ecclésiastique. Louvain Journal of Church History 108 (2013), 344-356.
[4] Đức Gioan Phaolô II, Bài Giảng dịp Năm Thánh Đấng Cứu Chuộc, 12 tháng Tư 1984.
[5] Đức Phanxicô, Diễn Văn với các thành viên của Ủy Ban Thế Vận Âu Châu, 23 tháng Mười Một 2013.
[6] Trong bối cảnh Hoa Kỳ, theo J. Stuart Weir, ngành tuyên úy thể thao trong các môn thể thao chuyên nghiệp bắt đầu với thừa tác vụ Kitô Giáo cạnh các cầu thủ NFL từ giữa thập niên 1960. Ngoài ra, ông viết rằng John Jackson là tuyên úy đầu tiên được chính thức bổ nhiệm cho một câu lạc bộ túc cầu tháng Ba 1962. J. Stuart Weir, “Sports Chaplaincy: A Global Overview” in: Sports Chaplaincy: Trends, Issues and Debates. Ed. by A. Parker, N.J. Watson and J.B. White. London 2016.
[7] Đức Piô XII, Diễn văn với Các Nhà Thể Thao Ý, 20 tháng Năm 1945.
[8] Đức Phaolô VI, Diễn văn với các thành viên của Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế, 28 tháng Tư 1966.
[9] Đức Gioan Phaolô II, Diễn văn với các tham dự viên Hội Nghị Toàn Quốc của Hội Đồng Giám Mục Ý, 25 tháng Mười Một 1989.
[10] Xem P. Kelly SJ, Catholic perspectives on sports. From Medieval to modern times, Mahwah, NJ 2012.
[11] Xem A. Stelitano, A.M. Dieguez & Q. Bortolato, I Papi e lo sport, 4-5.
[12] Conferenza Episcopale Italiana, Sport e Vita cristiana, n.32.
[13] Đã dẫn. n. 11.
[14] Đức Gioan Phaolô II, Bài Giảng dịp Năm Thánh Đấng Cứu Chuộc, 12 tháng Tư 1984.
[15] P. Gummert, “Sport”, in: Brill’s New Pauly. Ed. by H. Cancik and H. Schneider, English Edition by: Christine F. Salazar, Classical Tradition volumes.
[16] Đức Gioan Phaolô II, Bài Giảng dịp Năm Thánh dành cho Người Thể Thao 29 tháng Mười 2000.
[17] Xem P. Kelly, Catholic Perspectives on Sports: From Medieval to Modern Times, Mahwah, NJ 2012.
[18] W. Behringer, Kulturgeschichte des Sports: Vom antiken Olympia bis ins 21. Jahrhundert, München 2011, 198-238.
[19] Đã dẫn., 257.
[20] Xem N. Müller, “Die olympische Devise ‘citius, altius, fortius’ und ihr Urheber Henri Didon”, in: Wissenschaftliche Kommission des Arbeitskreises Kirche und Sport (ed.), Forum Kirche und Sport 2, Düsseldorf 1996, 7-27.
[21] Xem D. Vanysacker, “The Attitude of the Holy See Toward Sport During the Interwar Period (1919–39)”, in Catholic Historical Review 101 (2015) 4, 794-808; cũng nên xem D. Vanysacker, “La position du Saint-Siège sur la gymnastique féminine dans l’Allemagne de L’entre-deux-guerres (1927-1928) à partir de quelques témoignages tirés des archives des nonciatures de Munich et Berlin” to appear in Miscellanea Pagano.
[22] Xem C. Hübenthal, “Morality and Beauty: Sport at the Service of the Human Person”, in Sport and Christianity: A Sign of the Times in the Light of Faith, ed. by K. Lixey, C. Hübenthal, D. Mieth & N. Müller, Washington DC 2012, 61-78.
[23] Xem H. Reid, Introduction to the Philosophy of Sport, Lanham, MA 2010, 180-185.
[24] Đức Phanxicô , Evangelii gaudium nn. 234,236.
[25] Trong cùng một đường hướng, sử gia thể thao Allen Guttmann áp dụng các phân biệt nhị phân để định nghĩa thể thao. Ông bắt đầu với phạm trù trò chơi (play), sau đó tiếp diễn với việc xác định thể thao như là trò chơi có tổ chức (= games), các cuộc chơi thi đấu (=contests), thi đấu thể lý (= sports). Xem A. Guttmann, A Whole New Ball Game: An Interpretation of American Sports, Chapel Hill – London 1988.
[26] Đức Gioan Phaolô II, Diễn văn với Các Đội Túc Cầu Ý và Á Căn Đình, 25 tháng Năm 1979.
[27] Đức Gioan Phaolô II, Diễn văn với Ủy Ban Thế Vận Ý 20 tháng Mười Hai 1984.
[28] Đức Gioan Phaolô II, Diễn văn với Các Quản Trị Viên và Vận Động Viên đội túc cầu Milan, 12 tháng Năm 1979.
[29] Đức Gioan Phaolô II, Diễn văn với Hội Nghị Quốc Tế về chủ đề “Trong thời gian năm thánh: khuôn mặt và linh hồn của thể thao” 29 tháng Mười 2000.
[30] Xem Mt 7:13-14.
[31] Tiếp nhận bởi Pierre de Coubertin, sáng lập viên Các Trò Chơi Thế Vận Hiện Đại cuối thế kỷ 19.
[32] Đức Phanxicô, Diễn văn với các tham dự viên Cuộc Gặp Gỡ IV do Scholas Occurrentes cổ vũ, 5 tháng Hai 2015.
[33] Đức Gioan Phaolô II, Diễn văn với đội túc cầu quốc gia Mễ Tây Cơ, 3 tháng Hai 1984.
[34] Đức Bênêđíctô XVI, Diễn văn với các thành viên của đội trượt tuyết Núi Alps Áo, 6 tháng Mười 2007.
[35] Đức Phanxicô, Diễn văn với các thành viên của FIFA, 11 tháng Mười Hai 2000.
[36] Đức Phanxicô, Diễn văn với các thành viên của các hiệp hội thể thao dịp Kỷ Niệm năm thứ 70 ngày thành lập Trung Tâm Thể Thao Ý 7 tháng Sáu 2014.
[37] Xem J. Parry, S. Robinson, N. Watson and M. Nesti, Sport and Spirituality: An introduction, London 2007.
[38] Đức Gioan Phaolô II, Bài giảng dịp Năm Thánh dành cho nhà thể thao, 29 tháng Mười 2000.
[39] Đức Gioan Phaolô II, Diễn văn với các đại biểu câu lạc bộ leo núi Ý, 26 tháng Tư 1986.
[40] Xem J. Pieper, About Love, Chicago, 1974.
[41] Đức Phanxicô, Evangelii gaudium, n.1.
[42] Đức Gioan Phaolô II, Diễn văn với các vận động viên các giải vô địch thể dục thế giới ở Rôma, 2 tháng Chín 1987.
[43] Gaudium et spes, n. 61
[44] Đức Gioan Phaolô II, Diễn văn với các vận động viên các giải vô địch thể dục thế giới ở Rôma, 2 tháng Chín 1987.
[45] 1Cr 12:21-27.
[46] Đức Gioan Phaolô II, Diễn văn với phái đoàn của đội túc cầu “Real Madrid Club de Futbol”, 16 tháng Chín 2002.
[47] Đức Phanxicô, Evangelii gaudium, n. 59.
[48] Đức Bênêđíctô XVI, Kinh Truyền Tin, 8 tháng Bẩy 2007.
[49] Xem Hợp Tuyển Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, n. 194.
[50] Đức Gioan Phaolô II, Diễn văn với phái đoàn của đội túc cầu “Futbol Club Barcelona”, 14 tháng Năm 1999.
[51] Đức Phanxicô, Diễn văn với Liên Đoàn Quần Vợt Ý, Đại Sảnh Phaoô VI, 8 tháng Năm 2015.
[52] Đức Gioan Phaolô II, Diễn văn với phái đoàn đội túc cầu “A.S. Roma”, 30 tháng Mười Một 2000.
[53] Đức Phanxicô, Diễn văn với các thành viên của Ủy Ban Thế Vận Âu Châu, 23 tháng Mười Một 2013.
[54] Đức Phanxicô, Amoris laetitia, 267.
[55] Gaudium et spes, 12.
[56] Xem H. Gumbrecht, In Praise of Athletic Beauty, Cambridge 2006.
[57] Gaudium et spes, n. 9.
[58] Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologica, Part 1, Question 1, Article 8, Response to Objection 2.
[59] Đức Phanxicô, Diễn văn với đội túc cầu Fiorentina và Napoli và phái đoàn Liên Đoàn Túc Cầu Ý và Serie A League, 2 tháng Năm 2014.
[60] Đức Phanxicô, Diễn văn với các thành viên của Ủy Ban Thế Vận Âu Châu, 23 tháng Mười Một 2013.
[61] Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn Thị về tự do và giải phóng Kitô Giáo “Chân lý làm chúng ta tự do”, 22 tháng Ba 1986.
[62] Đã dẫn
[63] Xem D. Meggysey, Out of Their League, Berkeley, CA 1970, p. 231.
[64] Xem E. Erikson, Identity and the Life Cycle, New York 1980.
[65] Conferenza Episcopale Italiana, “Sport e Vita Cristiana”, n. 43.
[66] Đức Phanxicô, Bài giảng trong thánh lễ với các tân Hồng Y, 15 tháng Hai 2015.
[67] Đức Bênêđíctô XVI, Diễn văn với Giáo Triều Rôma, 21 tháng Mười Hai 2009.
[68] Đã dẫn.
[69] Đức Phanxicô, Diễn văn với các tham dự viên Hội Nghị Thế Giới “Giáo Dục ngày nay và ngày mai: Một niềm say mê đổi mới”, Đại sảnh Phaolô VI, 21 tháng Mười Một 2015.
[70] Đã dẫn.
[71] Đức Phanxicô, Diễn văn với các ham dự viên Hội Nghị “Thể Thao để Phục Vụ Nhân Loại”, 5 tháng Mười 2016.
[72] Xem N.J. Watson & A. Parker (Ed.), Sports, Religion, and Disability. New York, 2015.
[73] Đức Phanxicô, Diễn văn với các thành viên của các hiệp hội thể thao dịp Kỷ Niệm năm thứ 70 ngày thành lập Trung Tâm Thể Thao Ý 7 tháng Sáu 2014..
[74] Tài tử ở đây có ý chỉ một vận động viên tham dự vì lòng yêu thể thao, chứ không phải chỉ vì tiền.
[75] Đức Phanxicô, Diễn văn với phái đoàn các dội túc cầu quốc gia của Á Căn Đình và Ý, 13 tháng Támt 2013.
[76] Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Lưu Ý Tín Lý về một số khía cạnh của Phúc Âm Hóa số 2, 3 Tháng Mười Hai 2007.
[77] Đức Phanxicô, Diễn văn với các tham dự viên Cuộc Gặp Gỡ IV do Scholas Occurrentes cổ vũ, 5 tháng Hai 2015.
[78] Đã dẫn.
[79] Đức Gioan Phaolô II, Diễn văn với các tham dự viên trong Hội Nghị Toàn Quốc của Hội Đồng Giám Mục Ý, 25 tháng Mười Một 1989.
[80] Đức Phanxicô, Diễn văn với các thành viên của các hiệp hội thể thao dịp Kỷ Niệm năm thứ 70 ngày thành lập Trung Tâm Thể Thao Ý 7 tháng Sáu 2014.
[81] Đức Phanxicô, Diễn văn với các tham dự viên Cuộc Gặp Gỡ IV do Scholas Occurrentes cổ vũ, 5 tháng Hai 2015.
[82] Đức Phanxicô, Diễn văn với các thành viên của các hiệp hội thể thao dịp Kỷ Niệm năm thứ 70 ngày thành lập Trung Tâm Thể Thao Ý 7 tháng Sáu 2014.
[83] Đã dẫn.
[84] Đã dẫn.
[85] Đức Gioan Phaolô II, Diễn văn với phái đoàn của đội túc cầu “Juventus”, 23 tháng Ba 1991.
[86] Đức Phanxicô, Laudato si’ nn. 107, 108, 110.
[87] Xem P.L. Berger, A Rumour of Angels: Modern Society and the Rediscovery of the Supernatural, New York 1969.
[88] Đức Phanxicô, Diễn văn với các thành viên của các hiệp hội thể thao dịp Kỷ Niệm năm thứ 70 ngày thành lập Trung Tâm Thể Thao Ý 7 tháng Sáu 2014.
Tags:
Văn kiện giáo hội