CANH TÂN MỤC VỤ GIỚI TRẺ
Theo sự hướng dẫn của Chúa Kitô Đang Sống
Gm. Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Kể từ Công đồng Vaticanô II, Giáo Hội đã đồng loạt bước vào một cuộc canh tân toàn diện, nhất là trên bình diện mục vụ. Công đồng được đánh giá như một lễ Hiện Xuống mới, qua đó Chúa Thánh Thần đã dẫn đưa Giáo Hội đi vào giữa lòng thế giới trên những lộ trình mới do Người vạch ra. Từ đó những sáng kiến canh tân Giáo Hội đã biến thành chương trình hành động, từ trung ương đến các địa phương.
Một trong những chương trình hành động trên qui mô Giáo Hội hoàn vũ theo đường hướng canh tân của Công đồng là công cuộc "tân Phúc Âm hóa"[1] do Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khởi xướng và đang tiếp tục được triển khai cho đến ngày nay. Tân Phúc Âm hóa được xác định là "mới trong nhiệt tình, trong các phương pháp, trong cách diễn tả".[2]
Công cuộc tân Phúc Âm hóa đã mở ra những đường hướng canh tân trên lãnh vực mục vụ và đang có những bước đi dài dưới sự hướng dẫn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Trong Tông huấn Christus Vivit (Chúa Kitô Đang Sống), ngài đã đưa ra những canh tân trong mục vụ giới trẻ, dựa trên đường hướng canh tân của Công đồng Vaticanô II, qua đó cho thấy sự liên tục trong bước phát triển của Giáo Hội.
Bài viết này lấy tựa đề "Canh tân mục vụ giới trẻ theo sự hướng dẫn của Chúa Kitô Đang Sống", vừa để trình bày cuộc canh tân mục vụ giới trẻ theo Tông huấn Chúa Kitô Đang Sống, nhưng đồng thời cũng xác định điều quan trọng nhất, đó là chính Chúa Kitô đang sống trong Giáo Hội và đang hướng dẫn Giáo Hội đến với giới trẻ theo một cách mới mẻ do Thánh Thần của Người soi sáng.
Vì những canh tân mục vụ giới trẻ trong Tông huấn Chúa Kitô Đang Sống là một sự tiếp nối đường hướng canh tân của Công đồng Vaticanô II, do đó những văn kiện của Công đồng được nhắc đến như những tham chiếu mở đầu cho phần trình bày của mỗi đề mục.
I. MỘT THOÁNG NHÌN VỀ VIỆC CANH TÂN MỤC VỤ GIỚI TRẺ
Bất cứ dân tộc nào cũng đặt nặng việc giáo dục giới trẻ, vì họ là chủ của tương lai. Vì vậy Giáo Hội luôn quan tâm đến các thế hệ trẻ. Công đồng Vaticanô II trong Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo Gravissimum Educationis đã nhấn mạnh đến việc giáo dục các thế hệ trẻ là một sứ mệnh cấp thiết nhất,[3] vì "giới trẻ là niềm hy vọng của Giáo Hội".[4]
1. Ý nghĩa và mục đích của mục vụ giới trẻ
Kinh Thánh mô tả Chúa Giêsu đã đồng hành cùng hai môn đệ trên đường Emmau như thế nào. Câu chuyện này (x. Lc 24, 13-35) đã thể hiện một cách rõ nét sự linh động của mục vụ giới trẻ. Các môn đệ trong câu chuyện có thể xem như các bạn trẻ ngày nay. Chúa Giêsu là người đặc trách giới trẻ và cuộc đồng hành của Chúa Giêsu với họ chính là mục vụ giới trẻ.
Dựa trên câu chuyện này chúng ta có thể phác họa một khái niệm về mục vụ giới trẻ như sau: Mục vụ giới trẻ là một cuộc đồng hành của toàn thể cộng đoàn tín hữu cùng với các bạn trẻ, nhằm giúp họ trưởng thành trong đức tin, nhờ đó có thể hoàn thành tốt vai trò của họ trong Giáo Hội và xã hội.
Theo cha Riccardo Tonelli, SDB, một chuyên gia lỗi lạc trong lãnh vực mục vụ giới trẻ sau Công đồng Vaticanô II: "Mục vụ giới trẻ là tất cả những hành động mà cộng đồng Hội Thánh thực hiện, dưới sự hướng dẫn quyền năng của Thần Khí Đức Giêsu, để đem lại sức sống và hy vọng sung mãn cho tất cả các bạn trẻ".[5] Định nghĩa này cho thấy mục vụ giới trẻ là một phần trong sứ mạng của Giáo Hội là loan báo Tin Mừng.
Vào ngày bế mạc Công đồng Vaticanô II (8-12-1965), các Nghị phụ đã gửi đến toàn thể nhân loại một sứ điệp, trong đó có phần sứ điệp gửi cho người trẻ như sau: "Công đồng muốn gửi cho các bạn thanh niên và thiếu nữ toàn thế giới bức sứ điệp sau cùng, vì chính các bạn sắp được nhận lấy ngọn đuốc từ tay phụ huynh và sẽ sống trong thế giới vào lúc diễn ra những biến đổi vĩ đại nhất của lịch sử. Chính các bạn, trong khi thừa hưởng phần tốt nhất của gương sáng và giáo huấn nơi cha mẹ cũng như thầy dạy, các bạn đang tiến tới việc kiến tạo xã hội ngày mai: các bạn sẽ tự cứu được mình hay sẽ bị tiêu diệt cùng với xã hội ấy".[6]
Trong Thư chung hậu Đại hội Dân Chúa 2010, Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng ngỏ lời với giới trẻ: "Theo gương Chúa Giêsu, Đấng luôn ưu ái những người trẻ, Giáo Hội hoàn vũ đang nỗ lực mời gọi người trẻ cộng tác và tham gia vào đời sống cộng đồng dân Chúa. Tại Việt Nam, Giáo Hội nên nghiên cứu và mạnh mẽ tổ chức những cử hành phụng tự thích hợp, khuyến khích giới trẻ tham gia vào các hội đoàn và những sinh hoạt cộng đồng, để ngày càng có thêm nhiều người trẻ quảng đại và can đảm, sống đức tin cách sinh động và trưởng thành. Công việc mục vụ đó cần được chuẩn bị chu đáo bằng việc giáo dục đức tin và nhân bản cho thiếu nhi. Nhờ đời sống thiêng liêng vững mạnh, giới trẻ công giáo sẽ góp phần tích cực và bền vững vào việc lành mạnh hóa xã hội hay dấn thân truyền giáo tại những nơi xa xôi".[7]
Như thế, công việc mục vụ giới trẻ góp phần làm cho giới trẻ trở nên thánh thiện và chính sự thánh thiện của giới trẻ góp phần vào việc đổi mới chính Giáo Hội. Với xác tín ấy, trong Tông huấn Christus Vivit, Đức Phanxicô đã lấy lại nguyên văn Văn kiện kết thúc Thượng hội đồng Giám mục lần thứ XV: "Qua sự thánh thiện của giới trẻ, Hội Thánh có thể bắt đầu sống lại nhiệt huyết thiêng liêng và lòng hăng say tông đồ. Hương thơm thánh thiện tỏa ra từ đời sống lành thánh của biết bao người trẻ có thể băng bó các vết thương của Hội Thánh và của thế giới, và đưa chúng ta trở lại với tình yêu viên mãn mà chúng ta đã được kêu gọi từ thuở đời đời".[8]
2. Tầm quan trọng của việc canh tân mục vụ giới trẻ
Mục vụ giới trẻ không phải là điều gì mới trong Giáo Hội, nhưng đã bắt đầu từ khi Chúa Giêsu kêu gọi các người trẻ theo Người để huấn luyện họ và sai họ lên đường loan báo Tin Mừng. Từ đó, việc mục vụ này vẫn tiếp tục trong Giáo Hội cho đến ngày nay với những thay đổi qua dòng thời gian và tùy theo những hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên, theo sự nhận định của Công đồng Vaticanô II, một đàng "trong xã hội ngày nay, giới trẻ thể hiện một sức mạnh rất quan trọng[9], đàng khác các điều kiện sinh sống của họ đã thay đổi rất nhiều, nhưng họ lại không được chuẩn bị đầy đủ để đáp ứng.[10]
Sự thay đổi não trạng và cấu trúc xã hội thường dẫn đến việc các người trẻ hay đặt lại vấn đề đối với những giá trị đã từng được thừa nhận trước đó. Đối với họ, các định chế, luật pháp, những lối suy tư và cảm nghĩ của thời đại trước dường như không còn phù hợp với trật tự thế giới hiện hành, từ đó có sự xáo trộn trầm trọng trong cách suy nghĩ và hành động của họ, khiến cho các bậc cha mẹ và nhà giáo dục cảm thấy khó khăn trong việc giáo dục người trẻ. Điều này không chỉ xảy ra trong đời sống xã hội mà còn ảnh hưởng đến đời sống tôn giáo của giới trẻ, dẫn đến việc số người bỏ thực hành tôn giáo trong giới trẻ ngày càng đông và con số này vẫn còn đang trên đà gia tốc. Nhiều người trẻ coi việc chối bỏ hay dửng dưng với đức tin như là một đòi hỏi của tiến bộ khoa học hay của nền nhân bản mới.[11]
Tại Việt Nam, "giới trẻ Việt Nam rất năng động, sẵn sàng tham gia những giao lưu và sinh hoạt xã hội. Họ mau chóng nắm bắt những thành quả của công nghệ hiện đại để nâng cao kiến thức và giúp ích cho đời. Tuy nhiên, chủ nghĩa tương đối và hưởng thụ, tình trạng giáo dục bất cập, những cách trình bày chân lý nửa vời trên các phương tiện truyền thông, những chương trình giải trí thiếu lành mạnh [...] đã đưa nhiều bạn trẻ đến một não trạng và lối sống thực dụng, làm bất cứ điều gì để hưởng lợi, miễn là không bị bắt hay không bị ai nhìn thấy. Tiêu chuẩn tốt xấu trở thành tương đối và như thế, có dấu hiệu về sự phá sản lương tâm".[12]
Công đồng Vaticanô II đã đưa ra những đường hướng đổi mới trong công việc mục vụ nói chung và cho mục vụ giới trẻ nói riêng, tạo nên ở khắp nơi những phong trào giới trẻ đáng lưu ý, nhất là từ thời Đức Gioan Phaolô II. Tuy nhiên vì thời thế thay đổi quá nhanh, theo Đức Phanxicô, công việc mục vụ giới trẻ truyền thống, mặc dù với những canh tân của Công đồng Vaticanô II, đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi những thay đổi xã hội và văn hóa. Người trẻ thường không tìm thấy nơi các chương trình mục vụ của Giáo Hội một sự đáp ứng cho các mối quan tâm, các nhu cầu và vấn đề của họ. Mặc dù hiện nay vẫn có các nhóm trẻ và các phong trào hoạt động rất tốt, nhưng vẫn cần phải xem xét cách các nhóm hoạt động và cần có một đường hướng mục vụ đổi mới hơn nữa, để có thể đáp ứng những nhu cầu luôn đổi mới của người trẻ hiện nay. Cần nhấn mạnh đến hai điều quan trọng: một là toàn thể cộng đồng phải tham gia vào việc truyền giảng Tin Mừng cho giới trẻ, hai là cấp bách mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi để người trẻ có thể đảm nhận một vai trò lớn hơn trong các chương trình mục vụ.[13]
Việc canh tân mục vụ giới trẻ không chỉ phù hợp với giới trẻ, mà còn là nhu cầu cần thiết để giúp cho Giáo Hội canh tân và trở nên luôn trẻ trung, mặc dù Giáo Hội đã trải qua hàng ngàn năm tuổi và bao gồm mọi người thuộc mọi lứa tuổi. Theo Đức Phanxicô, "tuổi trẻ là một giai đoạn trong cuộc đời, nhưng trước hết tuổi trẻ là một tình trạng của tâm hồn. Vì thế một tổ chức kỳ cựu như Hội Thánh có thể đổi mới và trẻ hóa ở những giai đoạn khác nhau trong lịch sử rất lâu dài của mình. Thật vậy, vào những thời khắc bi thảm nhất trong lịch sử của mình, Hội Thánh cảm nhận được lời mời gọi thực tâm trở về với tình yêu ban đầu [...]. Nơi Hội Thánh, người ta luôn luôn có thể gặp được Đức Kitô, "là người đồng hành và người bạn của giới trẻ".[14]
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ TÁC NHÂN CỦA MỤC VỤ GIỚI TRẺ
Trên thế giới không có một qui định chung và chính xác nào về giới trẻ. Chỉ có những qui định về tuổi thanh niên, tùy theo mỗi nước.[15] Theo Thượng hội đồng Giám mục lần thứ XV, giới trẻ bao gồm những người từ 16 đến 29 tuổi.[16] Tuy nhiên, theo lời Đức Phanxicô đã viết trên đây, tuổi trẻ không chỉ là một giai đoạn của tuổi đời, mà còn là một trạng thái tâm hồn và một thái độ. Vì vậy, những ai có tâm hồn trẻ trung đều có thể được coi là người trẻ.
Tuổi trẻ là tầng lớp năng động nhất của bất cứ xã hội nào và là giai đoạn quyến rũ nhất của cuộc đời. Khi nói đến tuổi trẻ, người ta thường nghĩ ngay đến tất cả những gì là đẹp trong cuộc sống, như sắc đẹp, sức khỏe, thể thao, thời trang, nghệ thuật, truyền thông, công nghệ mới, mạo hiểm, giải trí, những mối quan hệ, chủ nghĩa lý tưởng, sáng tạo và những giấc mộng lớn.
Người trẻ là đối tượng quan tâm của mục vụ giới trẻ. Sự quan tâm đặc biệt này không chỉ được thể hiện qua các chương trình mục vụ trên toàn Giáo Hội, tại mỗi Giáo phận và nơi các giáo xứ, mà còn được phản ánh qua các văn kiện chính thức của Giáo Hội, nhất là từ Công đồng Vaticanô II. Thực vậy, tại Công đồng Vaticanô II, giới trẻ đã được đề cập đến qua 1 Hiến chế, 8 Sắc lệnh và 1 Tuyên ngôn, cộng với Sứ điệp gửi người trẻ khi bế mạc Công đồng.[17]
Tuy nhiên, trong việc thực hiện mục vụ giới trẻ, người trẻ được nhắm đến không chỉ như đối tượng phục vụ, mà còn như tác nhân của chương trình mục vụ này, như lời mời gọi của Công đồng Vaticanô II qua Sắc lệnh về Tông đồ giáo dân Apostolicam Actuositatem: "Người trẻ phải trở nên những tông đồ đầu tiên và trực tiếp của giới trẻ, chính những người trẻ hoạt động tông đồ giữa giới trẻ, tùy theo môi trường xã hội họ đang sống".[18]
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là vị mục tử luôn gần gũi với người trẻ và được người trẻ khắp thế giới yêu mến. Ngài đã khẳng định: "Chính các bạn trẻ là tông đồ cho các bạn trẻ khác".[19] Từ khẳng định ấy, ngài đã có sáng kiến tổ chức Đại hội giới trẻ thế giới cứ hai năm một lần. Trong những dịp này ngài đích thân đến gặp gỡ các bạn trẻ, lắng nghe họ và hướng dẫn họ, nhất là mời gọi họ tham gia truyền giáo: "Công cuộc loan báo Tin Mừng cho thế giới vào những thập kỷ tương lai tùy thuộc vào các con. Các con hãy làm cho Giáo Hội tươi trẻ nhờ sự hiện diện thân thiện của các con".[20] Trong Tông huấn Kitô hữu giáo dân Christifideles Laici ngài viết: "Không được coi người trẻ như chỉ là đối tượng của mối quan tâm mục vụ của Giáo Hội. Thật sự họ là và phải được khuyến khích để trở nên những chủ thể năng động, dự phần vào công cuộc Phúc Âm hóa và đổi mới xã hội".[21]
Trong Tông huấn Giáo Hội tại Á châu Ecclesia in Asia, ngài viết: "Chương trình huấn luyện Kitô giáo dành cho giới trẻ châu Á phải giúp người trẻ ý thức rằng họ không chỉ là đối tượng chăm sóc mục vụ của Giáo Hội, mà còn là 'nhân viên và cộng sự viên' trong sứ vụ của Giáo Hội qua các hoạt động tông đồ yêu thương và phục vụ khác nhau'. Bởi đó, tại các giáo xứ và Giáo phận, thanh niên nam nữ phải được mời tham gia vào việc tổ chức các hoạt động liên quan đến mình".[22] Lời mời gọi và những khẳng định trên đây của Đức Gioan Phaolô II chỉ là sự lặp lại và nhấn mạnh giáo huấn của Công đồng Vaticanô II.
Áp dụng đường hướng này tại Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã viết trong Thư gửi Đại hội dân Chúa 2010 như sau: "Sống trong một đất nước có tỷ lệ dân số trẻ rất cao, đồng thời kinh nghiệm được về khả năng, sự nhiệt tình và tính năng động của người trẻ, Giáo Hội tại Việt Nam ý thức rằng người trẻ không chỉ là tương lai nhưng còn là chính hiện tại của Giáo Hội. Do đó, mục vụ giới trẻ vừa phải nhìn người trẻ như đối tượng cần được chăm sóc, vừa phải xem họ như những chủ thể, sứ giả loan báo Tin Mừng, đặc biệt trong môi trường của giới trẻ. Để thực hiện mục tiêu này, Giáo Hội tại Việt Nam cần đầu tư năng lực và thời giờ hơn nữa cho mục vụ giới trẻ, cách riêng trong hoàn cảnh ngày nay khi người trẻ phải đối diện với nhiều khó khăn cũng như cám dỗ trong cuộc sống. Cần nghiên cứu cách nghiêm túc về tình hình giới trẻ và tìm kiếm những phương thế đồng hành thiết thực với họ trong cuộc sống. Theo hướng đi này, việc đào tạo những linh hoạt viên giới trẻ có tinh thần truyền giáo và biết làm việc tập thể là điều hết sức cần thiết".[23]
Cuối cùng, trong Tông huấn Christus Vivit, Đức Phanxicô đã lặp lại lời kêu gọi của Thượng hội đồng về việc triển khai một mục vụ giới trẻ có tính bao gồm, có chỗ cho mọi tầng lớp người trẻ, để chứng tỏ rằng chúng ta là một Giáo Hội luôn mở rộng cửa. Không nhất thiết là những người tốt mới có thể tham gia vào các hoạt động mục vụ giới trẻ, chỉ cần người trẻ có một tâm hồn cởi mở và sẵn sàng muốn gặp gỡ Chúa.[24]
Thêm vào đó, Đức Phanxicô đã khẳng định: "Tôi muốn tuyên bố rõ ràng rằng chính người trẻ là tác nhân của mục vụ giới trẻ. Chắc chắn họ cần được hỗ trợ và hướng dẫn, nhưng đồng thời họ cũng phải được tự do phát triển những cách thức mới với tinh thần sáng tạo và táo bạo [...]. Hãy quan tâm giúp người trẻ vận dụng sự thông minh, năng khiếu và kiến thức của mình để giải quyết các vấn đề nhạy cảm, cũng như các mối bận tâm của những người trẻ khác bằng ngôn ngữ của họ".[25]
Như thế, việc canh tân mục vụ giới trẻ trong Giáo Hội ngày càng phát triển theo hướng khẳng định vai trò tác nhân của giới trẻ trong mục vụ giới trẻ, đặt tin tưởng vào giới trẻ, hy vọng vào khả năng của họ, mặc dù vẫn không phủ nhận hay coi thường việc toàn thể Giáo Hội phải tham dự vào việc đồng hành với giới trẻ, để giúp giới trẻ ngày càng trưởng thành trong đức tin, nhờ đó chính họ có thể đảm trách sứ vụ tông đồ giữa lòng Giáo Hội và xã hội.
III. PHƯƠNG PHÁP
"Mỗi lần muốn canh tân Hội Thánh, chúng ta phải quay trở về với Đức Kitô là người tiên khởi loan báo Tin Mừng và luôn mang lại điều mới mẻ cho chúng ta".[26] Bởi vậy, để canh tân mục vụ giới trẻ, chúng ta cũng cần quay trở lại phương pháp của Đức Kitô trên đường Emmau. Chúng ta bắt chước đường lối của Người: trước hết là tìm cách tiếp cận các bạn trẻ rồi gia nhập nhóm của họ; chúng ta đồng hành trên cùng một con đường với họ; lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của họ; kiên nhẫn giải thích cho họ dựa trên Lời Chúa; cùng dừng chân và ở lại với họ; cùng đồng bàn với họ và chia sẻ cùng một tấm bánh với họ; cuối cùng biến họ thành những nhân chứng cho Tin Mừng.
1. Từ đồng hành đến hiệp hành
Theo gương Chúa Giêsu, Giáo Hội cũng đã áp dụng việc đồng hành thiêng liêng đối với các anh chị em dự tòng và mọi thành phần dân Chúa qua các giai đoạn tăng trưởng đức tin, đặc biệt đối với những người muốn đạt đến sự trọn lành trong đời sống tu trì. Trong Tông huấn Ecclesia in Asia, Đức Gioan Phaolô II cũng nói đến "một khoa sư phạm dẫn đưa người ta từng bước tới sự lãnh hội đầy đủ mầu nhiệm".[27]
Cũng trong Tông huấn này, ngài đã nhắn nhủ: "Nếu muốn người trẻ là những nhà truyền giáo đích thực thì Giáo Hội phải dành cho họ sự chăm sóc mục vụ thích đáng. Đồng ý với các Nghị phụ Thượng hội đồng, tôi khuyên ở đâu có thể làm được, mỗi Giáo phận tại châu Á chỉ định các vị tuyên úy hay đặc trách giới trẻ có thể thúc đẩy việc huấn luyện tâm linh và tông đồ cho giới trẻ. Các trường học và các giáo xứ công giáo đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc cung cấp cho người trẻ một sự huấn luyện toàn diện bằng cách đưa họ vào con đường làm môn đệ chân chính của Đức Kitô và phát huy nơi họ những đức tính căn bản cần thiết để thi hành sứ vụ. Các phong trào tông đồ giới trẻ và các câu lạc bộ giới trẻ có khả năng giúp người trẻ cảm nghiệm thế nào là tình bằng hữu Kitô giáo, một điều hết sức quan trọng đối với người trẻ giáo xứ, các hiệp hội và các phong trào có thể giúp người trẻ đương đầu tốt hơn với các áp lực xã hội bằng cách không những giúp họ trưởng thành hơn trong đời sống Kitô hữu, mà còn giúp họ định hướng nghề nghiệp và nhận định về ơn gọi của mình".[28] Mặc dù trong các giáo huấn trên, Đức Gioan Phaolô II không trực tiếp dùng từ "đồng hành", nhưng thực ra ý tưởng về sự đồng hành đã xuất hiện rõ ràng.
Đặc biệt, đối với Đức Phanxicô, "đồng hành" là từ ngữ chủ đạo thường thấy xuất hiện trong các văn kiện của ngài. Trong Tông huấn Evangelii Gaudium, ngài đã đề cập đến nghệ thuật đồng hành thiêng liêng nhằm dẫn đưa người khác đến cùng Thiên Chúa.[29]
Tông huấn Christus Vivit được Đức Phanxicô biên soạn dựa trên Văn kiện kết thúc Thượng hội đồng Giám mục lần thứ XV. Văn kiện này đã được các Nghị phụ biên soạn dựa trên lược đồ của thuật trình về cuộc đồng hành của Đức Kitô phục sinh với hai môn đệ trên đường Emmau, từ lúc Người nhập đoàn với họ trên đường cho đến việc bẻ bánh trong bữa ăn chiều.
Mở đầu chương bảy của Tông huấn Christus Vivit với tựa đề "Mục vụ giới trẻ", sau khi nói lên tính bất cập của mục vụ giới trẻ truyền thống trong một xã hội đang có những đổi thay quá lớn và quá nhanh chóng, Đức Phanxicô đã nói ngay đến "một mục vụ mang tính hiệp hành (synodalité)". Từ "đồng hành" đến "hiệp hành", đó là bước đi mới trong mục vụ giới trẻ ngày nay. Điều này đã được các Nghị phụ giải thích trong Văn kiện kết thúc Thượng hội đồng, đại ý như sau:
Câu chuyện về sự đồng hành của Đức Kitô phục sinh với các môn đệ trên đường Emmau cho thấy sự đồng hành đòi buộc những người trong cuộc phải sẵn sàng cùng đi với nhau trên một chặng đường dài, sẵn sàng thiết lập một mối liên hệ có ý nghĩa. Nguồn gốc của thuật ngữ "đồng hành" (tiếng Ý: accompagnare, tiếng Pháp: accompagner, tiếng Anh: accompany) phát sinh từ hình ảnh một tấm bánh được bẻ ra và chia sẻ cho nhau (cum pane).[30]
2. Hiệp hành như thế nào?
"Tại Thượng hội đồng, nhiều đề nghị cụ thể được nêu lên nhằm đổi mới mục vụ giới trẻ và giải phóng nó khỏi những cách thức không còn hiệu quả vì thiếu khả năng đối thoại với nền văn hóa người trẻ thời đại".[31]
Theo Christus Vivit, mục vụ giới trẻ đổi mới phải có tính hiệp hành, tức là có khả năng liên kết mọi thành phần dân Chúa trong một hành trình chung cùng với giới trẻ. Mỗi thành viên trong Giáo Hội sẽ sử dụng những đặc sủng mà Chúa Thánh Thần đã ban, tùy theo ơn gọi và vai trò của mình trong cộng đoàn, để lãnh nhận trách nhiệm đồng hành với giới trẻ trong sự hiệp thông với nhau,[32] thể hiện tính tham gia và đồng trách nhiệm trong cộng đồng dân thánh, một cộng đồng hiệp nhất trong đa dạng. Không nên loại trừ ai và không ai nên tự loại trừ chính mình.[33]
Để thực hiện được điều này, mỗi thành viên trong Giáo Hội cần phải thay đổi não trạng cũ của mình, để theo sát cách làm của Chúa Giêsu. Thượng hội đồng nhìn nhận rằng các thành viên của Giáo Hội có những lúc thay vì lắng nghe các người trẻ một cách chăm chú, thì thường có xu hướng cung cấp cho họ những câu trả lời và những giải pháp có sẵn, mà không cho phép họ nêu lên các câu hỏi và cũng không muốn đối đầu với các thách thức mà họ đặt ra. Cũng vậy, người lớn thường bị cám dỗ kể ra những sai sót của người trẻ ngày nay với thái độ phê phán. Điều này càng tạo nên khoảng cách giữa họ với giới trẻ khiến cho việc đồng hành dễ dẫn đến thất bại. Bởi vậy những người có trách nhiệm trong Giáo Hội cần gạt bỏ các định kiến hẹp hòi và lắng nghe giới trẻ một cách cẩn thận, với sự đồng cảm.[34]
Để thực hiện việc hiệp hành với giới trẻ trong chương trình canh tân mục vụ giới trẻ, những người có trách nhiệm phải đổi mới cách suy nghĩ, phải là những người đi trước, theo nghĩa là những người có khả năng tác động đến giới trẻ do sự gần gũi, phẩm chất và kinh nghiệm, như lời Đức Phanxicô nói: "Nếu các bạn muốn đồng hành với người khác trên nẻo đường này, các bạn phải là người đầu tiên đi nẻo đường đó, ngày này qua ngày khác".[35]
Tại Thượng hội đồng, nhiều Nghị phụ đã nêu lên việc thiếu các chuyên gia chuyên việc đồng hành và nhận ra sự cần thiết phải huấn luyện các linh mục, tu sĩ và cả các giáo dân, không phân biệt nam nữ, để họ đồng hành với người trẻ.[36] Cần phải đồng hành cách đặc biệt với những bạn trẻ có tiềm năng lãnh đạo, để giúp họ được đào tạo kỹ lưỡng. Các bạn trẻ gặp gỡ trước Thượng hội đồng đã yêu cầu Giáo Hội quan tâm phát triển "những chương trình mới về thuật lãnh đạo trong đào tạo và không ngừng phát triển những người lãnh đạo trẻ [...]. Hơn nữa, chúng ta cũng tin rằng các chủng sinh và tu sĩ cần có năng lực lớn hơn trong việc đồng hành với các nhà lãnh đạo trẻ".[37]
Theo sự mong ước của người trẻ, những người hướng dẫn giới trẻ phải là những Kitô hữu trung thành trong việc dấn thân cho Chúa và tha nhân, không ngừng tìm kiếm sự thánh thiện, một người bạn tâm tình và không phán xét, đầy tình thương, sẵn sàng lắng nghe và tích cực đáp ứng các nhu cầu của người trẻ, sẵn sàng chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của họ, đồng thời cũng sẵn sàng thừa nhận các giới hạn của mình. Ngoài ra, những người hướng dẫn giới trẻ không nên bắt người trẻ phải theo họ cách thụ động, nhưng chỉ đi bên cạnh họ và giúp họ tích cực tham gia vào hành trình, giúp họ tự mình biện phân các vấn đề, tôn trọng tự do và sự độc lập của người trẻ, đặt niềm tin vào khả năng của người trẻ đối với việc tham gia vào đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội.[38]
Việc đào tạo những người đồng hành nòng cốt ấy không chỉ dừng lại ở phẩm chất của họ, mà còn trình bày cho họ phong cách mới trong việc mục vụ giới trẻ. Giới trẻ khiến chúng ta phải có phong cách mới và chiến lược mới trong công việc mục vụ được áp dụng cho họ. Cho đến nay có lẽ chúng ta thường quan tâm đến việc mọi sự phải được lên kế hoạch thích đáng, với các cuộc họp thường xuyên và thời gian cố định; trong khi đó hầu hết người trẻ ngày nay ít quan tâm đến cách tiếp cận mục vụ này. Vì vậy mục vụ giới trẻ cần phải linh hoạt hơn: mời người trẻ tham gia các sự kiện mang đến cho họ cơ hội không chỉ để học hỏi, mà còn để trò chuyện, ca hát, lắng nghe những câu chuyện có thật, cùng nhau cử hành và trải nghiệm cuộc gặp gỡ chung với Thiên Chúa.[39]
Tuy nhiên, việc lựa chọn phong cách mới không có nghĩa là hoàn toàn loại bỏ những gì đã có. Do đó, chúng ta nên xem xét nhiều hơn các thực hành đã chứng tỏ là có giá trị, chẳng hạn các phương pháp, cách diễn tả và mục đích đã chứng tỏ là thực sự hữu hiệu trong việc đưa những người trẻ đến với Chúa Kitô và Giáo Hội, tận dụng mọi điều đã từng đem lại kết quả tốt đẹp và truyền đạt hữu hiệu niềm vui Tin Mừng.[40]
Mục vụ giới trẻ được thực hiện theo 2 hướng chính, như lời Đức Phanxicô đã nói: "Tôi chỉ muốn nhấn mạnh cách vắn tắt rằng mục vụ giới trẻ bao gồm hai hướng đi chính. Một là tìm kiếm, mời và kêu gọi để hấp dẫn các bạn trẻ mới, hướng các bạn tới một kinh nghiệm về Chúa. Hai là thăng tiến, phát triển một lộ trình cho những người đã có kinh nghiệm đó để trưởng thành hơn".[41]
Trong hướng thứ nhất là tìm kiếm, chính người trẻ biết cách tốt nhất để đến với nhau, chẳng hạn qua việc tham gia các sự kiện, những cuộc thi đua thể thao, sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, video, ca nhạc, những cuộc trò chuyện, những cuộc tĩnh tâm và nhiều cách khác. Họ chỉ cần được khuyến khích để tận dụng những dịp như thế vào việc đánh thức kinh nghiệm đức tin và nhiệt tâm truyền giáo đối với các bạn. Chúng ta cần sử dụng trước nhất các ngôn ngữ gần gũi của tình yêu thương quảng đại có khả năng đánh động con tim, đánh thức hy vọng và ước muốn của người trẻ, tác động lên cuộc sống của họ. Người trẻ cần được tiếp cận bằng ngữ pháp của tình yêu, chứ không phải bằng cách giảng giải.[42]
Trong hướng thứ hai là thăng tiến, người trẻ cần được giúp đỡ để có được một cảm nghiệm mạnh mẽ về Thiên Chúa. Thay vì quá bận tâm đến việc trình bày quá nhiều và quá lý thuyết về các học thuyết dễ gây cho người trẻ cảm giác nặng nề buồn chán, chúng ta hãy cố gắng củng cố cảm nghiệm tuyệt vời có sức nâng đỡ đời sống Kitô hữu của họ. Dĩ nhiên bất cứ một dự án giáo dục đức tin nào cũng bao gồm việc huấn luyện về tín lý và luân lý Kitô giáo, nhưng điều quan trọng hơn cần quan tâm là sự phát triển sứ điệp sơ truyền (kerygma), tức cảm nghiệm nền tảng về cuộc gặp gỡ Thiên Chúa trong mầu nhiệm tử nạn và Phục sinh của Đức Kitô mà các tông đồ đã loan truyền và làm chứng, và sự tăng trưởng trong tình yêu huynh đệ cộng đồng. Mục vụ giới trẻ phải luôn luôn bao gồm các dịp để đổi mới và đào sâu cảm nghiệm bản thân về tình yêu của Thiên Chúa. Điều này có thể được các người trẻ thực hiện bằng những cách khác nhau: khoảnh khắc thờ lạy, thời gian suy niệm, chứng từ, bài hát, v.v.[43]
"Ngoài những mục vụ thông thường, theo kế hoạch đã định, mà các giáo xứ và các phong trào thực hiện, một điều cũng rất quan trọng là dành chỗ cho một mục vụ giới trẻ có tính 'đại chúng'. Mục vụ này cần một phong cách, lịch trình, nhịp độ và phương pháp khác. Nó mở rộng hơn và uyển chuyển hơn, mục vụ này mở ra đi đến những nơi khác nhau mà người trẻ thực tế đang hoạt động, thúc đẩy những phẩm chất lãnh đạo tự nhiên và đặc sủng mà Chúa Thánh Thần đã gieo vãi. Trước hết cần phải tránh áp đặt nhiều chướng ngại, quy tắc, kiểm soát và các cơ cấu trách nhiệm lên các tín hữu trẻ trung đang là những lãnh đạo tự nhiên trong khu vực của họ và trong các môi trường khác. Chúng ta chỉ cần đồng hành và khích lệ họ, tin tưởng hơn nữa vào sự quan phòng của Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động như Người muốn".[44] "Mục vụ giới trẻ, khi không chỉ dành cho thành phần ưu tú mà mở ra cho 'đại chúng', là một quá trình chậm rãi, đầy tôn trọng, kiên nhẫn, tin tưởng, nhiệt thành và đầy trắc ẩn".[45]
Cuối cùng, đến một lúc nào đó người đồng hành phải biết cách tự xóa để người trẻ có thể theo con đường mà họ đã khám phá ra, như Chúa Giêsu đã biến mất trước mặt các môn đệ làng Emmau, để họ ở lại với khám phá mới, với trái tim nóng bỏng và một lòng khao khát lập tức lên đường chia sẻ cảm nghiệm gặp Chúa cho người khác (x. Lc 24: 31-33).[46]
IV. CÁC MÔI TRƯỜNG MỤC VỤ GIỚI TRẺ
1. Gia đình
Nếu giới trẻ gồm những người từ 16 đến 29 tuổi, thì gia đình là nơi họ chuẩn bị bước vào tuổi trưởng thành, và nếu họ đã lập gia đình thì đây là thời gian quan trọng nhất quyết định hạnh phúc cuộc đời của họ. Vì thế, gia đình chính là môi trường đầu tiên và quan trọng nhất của mục vụ giới trẻ.
Công đồng Vaticanô II đã khẳng định "gia đình là một trường học phát triển nhân tính"[47] và "sự lành mạnh của con người cũng như của xã hội nhân loại và Kitô giáo liên kết chặt chẽ với tình trạng tốt đẹp của cộng đoàn hôn nhân và gia đình".[48] Việc biện phân ơn gọi để lựa chọn bậc sống được thể hiện hầu hết trong tuổi trẻ và bắt đầu từ môi trường gia đình.[49]
Việc mục vụ đối với người trẻ trong gia đình trước hết thuộc về bổn phận và sứ mệnh của cha mẹ. Nếu mục vụ giới trẻ được xác định là một sự đồng hành với người trẻ để dẫn đưa họ đến với Thiên Chúa, thì không ai có thể đảm nhận vai trò này tốt hơn là cha mẹ, vì cha mẹ là người luôn kề cận với con cái và hiểu biết chúng nhiều hơn bất kỳ ai khác.
Vai trò của cha mẹ và gia đình nói chung trong việc đồng hành với giới trẻ càng quan trọng và cấp bách hơn nữa trong bối cảnh xã hội hiện nay, như lời Đức Gioan Phaolô II trong Tông huấn Familiaris Consortio: "Đứng trước một xã hội ngày càng có nguy cơ làm cho con người mất nhân tính và trở thành vô danh, tức là một xã hội phi nhân và phi nhân hóa với những hậu quả tiêu cực dưới nhiều hình thức 'chạy trốn', như nghiện rượu, dùng ma túy, hoặc cả nạn khủng bố, ngày nay gia đình vẫn còn có sức và chiếu tỏa những năng lực phi thường có thể giải thoát con người ra khỏi sự vô danh, làm cho con người ý thức lại phẩm giá của mình, làm giàu cho con người một nhân tính sâu xa và tích cực đưa dẫn con người với sự duy nhất và độc đáo của mình vào trong mạch sống xã hội".[50]
Trong gia đình, cha mẹ và những người lớn là những người đồng hành đầu tiên của người trẻ. Về vấn đề này Đức Phanxicô đã viết trong Tông huấn Christus Vivit: "Người trẻ cần được tôn trọng sự tự do, nhưng họ cũng cần được đồng hành. Gia đình phải là nơi đồng hành đầu tiên. Mục vụ giới trẻ có thể giới thiệu một chương trình sống dựa trên nền tảng Đức Kitô, như xây dựng một ngôi nhà, một gia đình phải đặt trên nền đá (x. Mt 7, 24-25). Đối với phần lớn người trẻ thì ngôi nhà ấy, dự phóng ấy sẽ được xây dựng trên hôn nhân và tình yêu vợ chồng. Vì thế mục vụ giới trẻ và mục vụ gia đình cần phải phối kết với nhau, để bảo đảm sự đồng hành liên tục và thích hợp trong tiến trình ơn gọi".[51]
Việc đồng hành trong gia đình chủ yếu giúp người trẻ ngày càng trưởng thành hơn về phương diện nhân bản và trong đời sống đức tin, nhờ lời giáo huấn và gương sáng của cha mẹ, ông bà, cũng như nhờ vào truyền thống đạo đức của gia đình. Một khi đã trưởng thành, người ta vẫn không đánh mất các giá trị của tuổi trẻ. Kinh nghiệm của một tuổi trẻ được sống tốt luôn luôn tồn tại, tiếp tục lớn lên và sinh hoa kết trái suốt tuổi trưởng thành. Để rồi từ đó, tại mỗi thời điểm trong cuộc sống, con người có thể làm mới sự trẻ trung của mình. Điều đó xảy ra không chỉ trên bình diện nhân bản, mà còn trên bình diện đức tin và đời sống thiêng liêng.[52]
Mục vụ giới trẻ tại gia đình còn nhắm mục đích hướng dẫn người trẻ thực thi sứ vụ tông đồ. Công đồng Vaticanô II đã khẳng định: "Toàn thể gia đình và chính đời sống chung của gia đình phải nên như trường huấn luyện đầu tiên cho việc tông đồ...".[53] Ngoài ra, "con cái là những phần tử sống động trong gia đình nên cũng góp phần riêng vào việc thánh hóa cha mẹ".[54] Tất cả những điều này đã được Công đồng Vaticanô II khẳng định và trong Tông huấn Christus Vivit Đức Phanxicô thấy không cần phải lặp lại nữa.
2. Giáo xứ
Việc tông đồ giáo dân được Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh trong toàn Giáo Hội, đặc biệt tại các giáo xứ. "Giáo xứ là một hình thức tông đồ cộng đồng kiểu mẫu, vì đó là nơi qui tụ đủ mọi hạng người thành một cộng đoàn và đem họ vào tinh thần đại đồng của Giáo Hội. Giáo dân nên tập thói quen cộng tác chặt chẽ với các linh mục của mình để hoạt động trong giáo xứ".[55] Việc chăm sóc mục vụ cho giới trẻ tại các giáo xứ bắt đầu bằng những lớp giáo lý để giúp giới trẻ sống đức tin đã lãnh nhận, đồng thời cũng huấn luyện giới trẻ trở thành những tông đồ.
Để thực hiện điều này, tại các giáo xứ, giới trẻ thường được chia ra thành các nhóm từ gần đến xa như sau:[56]
1) Nhóm nòng cốt: gồm những bạn trẻ được đào tạo kỹ lưỡng để đứng đầu các nhóm, chịu trách nhiệm điều hành mọi sinh hoạt của nhóm và có khả năng giúp đỡ các thành viên của nhóm lớn. Tiêu biểu cho nhóm này có thể là các linh mục và tu sĩ trẻ, những người đặc trách giới trẻ, các giáo lý viên, huynh trưởng.
2) Nhóm nhiệt tình: bao gồm những người trẻ trưởng thành về đức tin, nhiệt thành tham gia vào các hoạt động nhằm mang lại thiện ích cho nhiều người.
3) Nhóm hội đoàn: gồm các bạn trẻ tham gia vào các đoàn thể khác nhau trong giáo xứ, sẵn sàng thực hiện những công việc do đoàn thể giao.
4) Nhóm đạo đức: bao gồm các bạn trẻ luôn tham gia các sinh hoạt đạo đức tại giáo xứ, luôn tham dự thánh lễ Chúa nhật. Họ tham gia các sinh hoạt trong giáo xứ nhưng không phải là thành viên của hội đoàn nào.
5) Nhóm quần chúng: chiếm đa số, bao gồm các bạn trẻ chỉ tham gia các sinh hoạt tôn giáo theo mùa hoặc vào những dịp đặc biệt. Họ chưa thực sự có được mối tương quan mật thiết với Chúa và Giáo Hội. Họ chưa hiểu biết về đạo bao nhiêu và tinh thần đạo nhiều khi còn tách rời khỏi các sinh hoạt thường ngày.
Điểm mới mẻ trong đường hướng mục vụ giới trẻ của Đức Phanxicô là ngài quan tâm đến nhóm quần chúng này. Đó có thể là những nhà lãnh đạo bình dân, không thuộc thành phần ưu tú trong giáo xứ hay thuộc về những đoàn thể đã có sẵn. Đó cũng có thể là những người trẻ có cái nhìn khác chúng ta về cuộc sống, những người thuộc các tôn giáo khác, hoặc ngay cả những người xa lạ với tôn giáo. Tuy nhiên tất cả mọi người trẻ, không trừ ai, đều ở trong trái tim của Chúa, và do đó cũng không ngoài trái tim của Giáo Hội.[57] Để phục vụ nhóm này ngài đề nghị một phương pháp mục vụ 'đại chúng' như đã nói trên đây.
"Cộng đoàn có một vai trò rất quan trọng trong việc đồng hành với người trẻ; toàn thể cộng đoàn phải ý thức trách nhiệm, đón nhận, động viên, khích lệ và thúc đẩy người trẻ. Điều đó hàm nghĩa chúng ta nên nhìn người trẻ với sự thông cảm, trân trọng và thương yêu, đừng cứ mãi phán xét họ hay đòi hỏi họ phải hoàn hảo trước tuổi".[58]
Cần tạo thêm chỗ cho các tiếng nói của người trẻ được cộng đoàn giáo xứ lắng nghe. Giáo xứ nên cung cấp cho người trẻ những nơi họ có thể đến và đi tự do, những khung cảnh thân thiện và thoải mái, nơi tình bạn có thể phát triển, nơi những người trẻ nam nữ có thể gặp nhau, ở đó họ cảm thấy được chào đón và sẵn sàng gặp gỡ những người trẻ khác, trong những lúc khó khăn hay những dịp vui, nơi họ có thể chia sẻ âm nhạc, trò chơi, thể thao và cả suy niệm cầu nguyện nữa.[59]
3. Xã hội
Xã hội là môi trường rộng lớn vừa ảnh hưởng trên người trẻ vừa chịu ảnh hưởng của họ. Giới trẻ cần được huấn luyện và đồng hành để có khả năng thánh hóa môi trường sống và làm chứng cho Tin Mừng. Môi trường sống của giới trẻ ngày nay là một xã hội ngày càng theo lối sống ích kỷ, không biết quan tâm đến người khác, đến ích chung, môi trường. Các giá trị truyền thống bị băng hoại. Lương tâm không còn chỗ đứng, tôn giáo bị loại trừ nhường chỗ cho văn minh tiến bộ. Việc quảng cáo nhằm phục vụ chủ nghĩa hưởng thụ, làm phai mờ ranh giới giữa thật và giả.
Công đồng Vaticanô II đã dạy: "Phải huấn luyện cho giới trẻ biết tham gia vào đời sống xã hội, để sau khi được chỉ dẫn đúng đắn về những hành trang cần thiết và thích hợp, các thanh thiếu niên có thể tích cực dấn thân tham gia những đoàn thể khác nhau của cộng đồng nhân loại, cởi mở khi đối thoại với tha nhân cũng như hăng say hoạt động để góp phần thực hiện công ích".[60] Đặc biệt phải giáo dục giới trẻ về tinh thần trách nhiệm trong xã hội.[61]
Cửa ngõ đầu tiên để giới trẻ bước chân vào xã hội là môi trường học đường. Đối với giới trẻ mà mục vụ giớ trẻ đang nhắm tới thì môi trường học đường đó là những năm cuối chương trình phổ thông, những năm đại học và sau đại học. Đó là thời gian giới trẻ trang bị cho mình những vốn liếng tri thức để bước vào đời, tuy nhiên đây cũng là thời kỳ giới trẻ chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi các học thuyết, các luồng tư tưởng.
Mối quan tâm về môi trường học đường đối với giới trẻ đã được Đức Phanxicô thể hiện đặc biệt qua Christus Vivit. Ngài khẳng định rằng trường học chắc chắn là nơi thu hút người trẻ nhiều nhất, do đó Giáo Hội cần quan tâm thiết lập các trường riêng của mình với nhiều ngành học và trình độ khác nhau, đồng thời cũng quan tâm đến việc đào tạo các giáo viên công giáo. Tuy nhiên cũng cần xem xét cách dạy dỗ cho học sinh về các giá trị tôn giáo và luân lý, khiến chúng không được chuẩn bị để xác tín, sống và đề cao các giá trị đó trong một thế giới mà các giá trị đó đang bị chế diễu.[62]
"Các cơ sở giáo dục của Giáo Hội chắc chắn là môi trường chung cho sự đồng hành. Các cơ sở ấy giúp hướng dẫn rất nhiều người trẻ, nhất là khi tìm cách đón tiếp mọi người trẻ, không phân biệt tôn giáo họ lựa chọn, nguồn gốc văn hóa và hoàn cảnh của họ trên phương diện cá nhân, gia đình hay xã hội. Như thế đóng góp của Giáo Hội là căn bản trong việc giáo dục toàn diện cho giới trẻ ở khắp nơi trên thế giới".[63] Các trường công giáo vẫn là nơi thiết yếu cho việc rao giảng Tin Mừng cho giới trẻ.[64]
Rất tiếc tại Việt Nam, Giáo Hội công giáo chưa được phép mở các trường tiểu học, trung học và cao đẳng, đại học. Do đó việc mục vụ giới trẻ tại môi trường học đường rất hạn chế, chỉ thông qua những hoạt động tông đồ khéo léo của các thầy cô công giáo.
Bên cạnh học đường, Đức Phanxicô còn quan tâm đến nhiều môi trường xã hội khác mà giới trẻ đang sinh sống, cần có sự đồng hành của Giáo Hội. Đứng trước một thế giới đầy bạo lực và ích kỷ, người trẻ có thể bị cám dỗ rút vào các nhóm nhỏ để trốn tránh những vấn đề và những thách thức do xã hội đặt ra, để cảm thấy an toàn trong nội bộ của mình. Họ quên rằng họ được mời gọi dấn thân vào chỗ nước sâu, giữa lòng xã hội để góp phần xây dựng xã hội mới theo tinh thần Tin Mừng. Đức Phanxicô mời gọi họ hãy biết vượt ra ngoài các nhóm nhỏ mang tính nội bộ ấy để xây dựng "tình bạn xã hội", xây dựng những cây cầu nối kết những khác biệt giữa lòng xã hội.[65]
Thượng hội đồng nhìn nhận rằng "dấn thân xã hội là một nét đặc thù của giới trẻ hôm nay, dù với những cách thức khác so với các thế hệ trước đây. Tuy có một số sống dửng dưng, nhưng vẫn có nhiều người trẻ sẵn sàng đáp lại lời kêu gọi hoạt động thiện nguyện, trở nên công dân tích cực và sống tình liên đới trong xã hội: điều quan trọng là chúng ta phải đồng hành và khuyến khích người trẻ phát triển tài năng, năng lực và óc sáng tạo và thúc đẩy họ gánh vác trách nhiệm. Dấn thân xã hội và tiếp xúc trực tiếp với người nghèo là một cơ hội quan trọng để người trẻ khám phá hay đào sâu đức tin và để họ phân định ơn gọi của mình. [...] Cũng có người đã ghi nhận thái độ sẵn sàng dấn thân vào lĩnh vực chính trị vì lợi ích chung nơi người trẻ".[66]
V. CÁC LÃNH VỰC MỤC VỤ GIỚI TRẺ
1. Giáo dục
Giáo dục là lãnh vực đầu tiên của mục vụ giới trẻ, bởi lẽ theo Công đồng Vaticanô II, giới trẻ có quyền được hưởng một nền giáo dục đầy đủ. Giới trẻ cần được giáo dục để phát triển hài hòa các khả năng thể lý, luân lý và tinh thần, giúp họ phát triển ý thức trách nhiệm. Ngoài ra phải huấn luyện cho họ biết tham dự đời sống xã hội, để sau khi được chỉ dẫn đầy đủ về những phương tiện cần thiết và thích hợp, họ có thể tích cực dấn thân, hăng say hoạt động để góp phần thực hiện công ích.[67] "Vì vậy Thánh Công đồng nhắc lại cho những chủ chăn hướng dẫn các linh hồn nhiệm vụ rất quan trọng là phải thu xếp mọi sự để các tín hữu được hưởng nhờ nền giáo dục Kitô giáo, nhất là giới trẻ, niềm hy vọng của Giáo Hội".[68]
Mục vụ giáo dục cho giới trẻ bắt đầu từ gia đình: "Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục chúng và vì thế họ được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng [...]. Do đó, gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội cần thiết cho mọi đoàn thể".[69]
"Nhiệm vụ giáo dục trước hết thuộc về gia đình, nhưng cũng cần đến sự trợ giúp của toàn thể xã hội [...]. Với danh nghĩa đặc biệt, Giáo Hội có trách nhiệm giáo dục, không những vì Giáo Hội cũng là xã hội trần gian, phải được thừa nhận có khả năng giáo dục, nhưng nhất là vì Giáo Hội có nhiệm vụ loan truyền cho mọi người biết con đường cứu rỗi [...]. Như một người mẹ, Giáo Hội có nhiệm vụ bảo đảm cho con cái một nền giáo dục, đem tinh thần Kitô thấm nhuần đời sống chúng".[70]
Việc giáo dục toàn diện cho giới trẻ gồm có 4 chiều kích: nhân bản, tri thức, đức tin, mục vụ tông đồ. Trong Tông huấn Christus Vivit, Đức Phanxicô nhấn mạnh đến giáo dục nhân bản và giáo dục đức tin.
Về việc giáo dục nhân bản, mục vụ giới trẻ cần góp phần xây dựng nhân cách độc lập cho người trẻ, tức là giúp họ phát triển tư duy và sáng tạo, tự do và trách nhiệm, để trở thành những người có nội lực và bản lãnh có khả năng đảm trách nhiệm vụ, vững vàng trước mọi thách đố. Giáo dục nhân bản bằng sự đồng hành chứ không phải áp đặt. Vì thế người đồng hành phải được đào tạo kỹ lưỡng, để có đủ khả năng, kiến thức và kinh nghiệm, trong việc tư vấn cho các bạn trẻ. Cũng cần giáo dục người trẻ về tính dục, để họ ý thức rằng tính dục có một tầm quan trọng thiết yếu đối với cuộc sống và tiến trình tăng trưởng bản sắc của họ. Tuy nhiên, trong một thế giới nặng về tính dục thì việc duy trì một thái độ lành mạnh đối với tính dục không phải là điều dễ dàng.[71]
Về việc giáo dục đức tin, mục vụ giới trẻ cần nâng đỡ và đồng hành với người trẻ trong hành trình tìm kiếm ý nghĩa tối hậu và hướng đi đúng đắn cho cuộc sống, nhờ sự soi dẫn của đức tin. Giúp người trẻ khám phá căn tính Kitô hữu của mình. Việc giáo dục đức tin đối với giới trẻ bao giờ cũng bao gồm việc huấn luyện về tín lý và luân lý Kitô giáo. Tuy nhiên, phải theo hai mục tiêu chính: một là phát triển sứ điệp sơ truyền (kerygma), tức cảm nghiệm về cuộc gặp gỡ Thiên Chúa qua cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô; hai là phát triển tình yêu huynh đệ trong cộng đoàn.[72]
Việc giáo dục đức tin cũng bao hàm tiến trình đào tạo lương tâm của người trẻ, qua đó chúng ta giúp họ để cho Đức Kitô biến đổi, không những giúp họ biện phân để nhận diện tội lỗi, mà còn giúp họ nhận ra việc làm của Chúa trong đời sống hằng ngày, qua các biến cố lịch sử bản thân và thế giới chung quanh, giúp họ có được đức khôn ngoan có khả năng đem lai một định hướng toàn diện cho cuộc sống qua những chọn lựa cụ thể.[73]
2. Nghề nghiệp
Một trong những mối quan tâm hàng đầu của giới trẻ là nghề nghiệp. Nhờ nghề nghiệp người ta làm phong phú chính mình, phát triển khả năng, nuôi sống bản thân và gia đình, liên kết với anh em và góp phần phục vụ đồng loại, nâng cao xã hội. Hơn nữa, nhờ thực thi nghề nghiệp, con người dùng trí óc và sức lao động của mình để cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu chuộc của Chúa.[74] Đặc biệt, "nhờ công ăn việc làm, họ phải tiến xa hơn trên đường thánh thiện, một sự thánh thiện còn có tính cách tông đồ".[75] Vì vậy, Công đồng mời gọi "phải liệu sao cho mỗi người có công việc đầy đủ và thích hợp, đồng thời hấp thụ được một sự huấn luyện thích ứng về kỹ thuật và nghề nghiệp".[76]
Trong Tông huấn Christus Vivit, Đức Phanxicô đã lấy lại tư tưởng của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ để mở đầu cho phần trình bày về mục vụ nghề nghiệp nơi giới trẻ. Thời điểm người trẻ bước vào tuổi trưởng thành được đánh dấu bằng việc họ gia nhập vào thế giới của nghề nghiệp, công ăn việc làm. "Bạn làm nghề gì?" là một đề tài thường xuyên trong các cuộc trò chuyện của giới trẻ, vì nghề nghiệp là điều hết sức quan trong đối với họ. Nghề nghiệp không chỉ giúp người trẻ đáp ứng những nhu cầu thực tế của cuộc sống, mà còn xác định và ảnh hưởng đến căn tính và ý thức về chính mình của người trẻ, giúp họ khám phá và hoàn thành các giấc mơ đầu đời. Mặc dù nghề nghiệp có thể chưa giúp họ hoàn thành giấc mơ, nhưng nguyên việc theo đuổi giấc mơ qua việc hoàn thành các công việc cũng giúp họ tiến lên mỗi ngày. Ngoài ra chính nghề nghiệp cũng đưa họ vào các mối quan hệ xã hội, là nơi họ tạo được tình bạn và tình đồng nghiệp với những người xung quanh. Nghề nghiệp cũng là nơi người trẻ phân định và khám phá ra tiếng gọi của Chúa.[77]
Về phần mình, Đức Phanxicô cũng xác định: "Đây là một vấn đề xã hội cơ bản, vì đối với một người trẻ, việc làm không đơn thuần chỉ là để kiếm tiền, mà là một thể hiện phẩm giá con người, một con đường để trưởng thành và hội nhập xã hội. Việc làm là một động lực thường xuyên giúp phát triển tinh thần trách nhiệm và khả năng sáng tạo, bảo vệ chống lại xu hướng chủ nghĩa cá nhân và hưởng thụ. Việc làm còn là một hành vi tạ ơn Chúa bằng cách phát huy các khả năng riêng của mình".[78]
Tiếp lời của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ về việc nghề nghiệp cũng là nơi các bạn trẻ khám phá ra tiếng gọi của Chúa, Đức Phanxicô nói rằng khi biết Chúa muốn kêu gọi các bạn trẻ theo đuổi một nghề nào đó, thì họ hãy vận dụng hết khả năng của mình để cống hiến cách quảng đại và đầy hy sinh, nhờ đó họ đem lại cho nghề nghiệp của họ một ý nghĩa và đáp ứng lời kêu gọi của Chúa, và như thế họ sẽ cảm nhận được một niềm vui và hạnh phúc khi thực hiện nghề nghiệp của mình.[79]
3. Ơn gọi
Công đồng Vaticanô II mời gọi các Giám mục hãy nhiệt thành thúc đẩy các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân của mình sống thánh thiện tùy theo ơn gọi đặc biệt của mỗi người.[80]
Theo Tông huấn Christus Vivit, "từ 'ơn gọi' có thể hiểu theo nghĩa rộng là một tiếng gọi của Thiên Chúa. Ơn gọi ấy bao gồm tiếng gọi đi vào hiện hữu, tiếng gọi sống tình bạn với Người, tiếng gọi nên thánh, v.v. Điều đó thật quan trọng, vì nó đặt đời sống chúng ta trước tôn nhan Chúa, Đấng yêu thương chúng ta, và cho chúng ta hiểu rằng không có gì phát sinh bởi hỗn mang vô nghĩa, nhưng mọi sự đều ở trên con đường đáp lại tiếng Chúa, Người có một kế hoạch tuyệt vời cho chúng ta".[81]
Ơn gọi theo nghĩa rộng ấy được thể hiện qua các ơn gọi theo nghĩa hẹp, từ đó hình thành những cách sống khác nhau trong Giáo Hội. Những cách sống khác nhau ấy thường được tập trung vào hai bậc sống chính: đó là đời sống gia đình và đời sống tu trì. Vì vậy mục vụ giới trẻ cũng không thể bỏ qua việc đồng hành giúp các bạn trẻ khám phá ơn gọi và thể hiện qua bậc sống của mình.
Trước hết là sự đồng hành để giúp giới trẻ biện phân ơn gọi của mình. "Để phân định ơn gọi của riêng mình, ta phải nhận ra rằng ơn gọi này là tiếng gọi của một người bạn: đó là Chúa Giêsu".[82] Đây là một hình thức biện phân đặc thù liên quan đến nỗ lực khám phá ơn gọi riêng của mình, nên không ai có thể làm thay cho đương sự được. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là người trẻ tự khép kín trên chính mình, nhưng cần phải biết lắng nghe đối với Chúa và người khác, cũng như đối với chính thực tại.[83] Những người có thể đồng hành giúp người trẻ phân định ơn gọi của mình có thể là các linh mục, tu sĩ, giáo dân, những nhà chuyên môn, kể các các bạn bè trẻ có trình độ. Điều tối quan trọng đối với người đồng hành cũng là phải biết lắng nghe.[84] Sau khi biện phân thì phải quyết định theo đuổi ơn gọi. Dù ơn gọi là một hồng phúc, nhưng nó vẫn có tính đòi hỏi: để hưởng ơn gọi, cần phải biết sẵn sàng chấp nhận rủi ro.[85]
- Đối với ơn gọi sống đời gia đình
Trong cuộc sống của phần lớn người trẻ, bên cạnh việc tìm kiếm nghề nghiệp còn có một quan tâm lớn nữa là lập gia đình. Người trẻ cảm thấy tiếng gọi của tình yêu và họ mơ ước gặp được người có thể cùng với họ xây dựng cuộc sống. Đây là một ơn gọi mà chính Thiên Chúa làm cho họ biết đến qua những cảm xúc của mình.[86] Trong việc phân định ơn gọi này, gia đình của họ là nơi tham chiếu chính và cha mẹ trở thành những người đồng hành quan trọng của họ. Trong khi họ lo lắng trước bóng ma của những vụ ly thân, ly dị, ly dị tái hôn đang phủ bóng nơi các gia đình khác, thì gương sáng về lòng chung thủy và những lời khuyên khôn ngoan của cha mẹ trở thành một chỗ dựa cho họ.[87]
Ngày nay, do ảnh hưởng của chủ nghĩa hưởng thụ và duy tương đối, người ta cho rằng sự bền vững của hôn nhân là một điều không thể thực hiện được và cũng không cần thiết. Đứng trước thực trạng đó, Đức Phanxicô kêu gọi các bạn trẻ hãy chứng tỏ cho mọi người thấy điều ngược lại là họ có khả năng yêu thương thực sự với lòng chung thủy và sẵn sàng lãnh nhận trách nhiệm đối với gia đình. Để thực hiện được điều này, mục vụ giới trẻ có nhiệm vụ giúp các bạn trẻ chuẩn bị cho ơn gọi sống đời hôn nhân bằng cách giúp họ trưởng thành trong tính dục cũng như trong tình yêu, hiểu biết ý nghĩa thực sự của hôn nhân Kitô giáo và quyết tâm xây dựng gia đình theo chương trình mà Thiên Chúa đã mời gọi họ bước vào.[88]
- Đối với ơn gọi sống đời thánh hiến
Đức Phanxicô nhắn nhủ giới trẻ: "Trong việc phân định ơn gọi, không được loại trừ khả năng dâng hiến cho Thiên Chúa trong chức linh mục, trong đời sống tu sĩ hay trong các hình thức thánh hiến khác".[89]
Ơn gọi theo nghĩa hẹp nhất là ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ, tức là ơn gọi sống đời tu trì, thánh hiến. Toàn thể cộng đồng Kitô hữu có trách nhiệm cổ võ ơn thiên triệu,[90] phần đóng góp trước tiên và nhiều nhất cho nghĩa vụ này thuộc về các gia đình, vì nhờ đời sống đạo sốt sắng, gia đình có thể được coi như một chủng viện sơ khởi; tiếp đến là các giáo xứ, nơi người trẻ được dự phần vào một cuộc sống phong phú dồi dào. Các linh mục là những người trước tiên có bổn phận giới thiệu ơn gọi này cho giới trẻ, qua lời giảng dạy và bằng chứng từ đời sống. Cần phải trình bày cho giới trẻ biết nhu cầu của Giáo Hội, ý nghĩa và sự cao quí của ơn gọi tu trì, đồng thời động viên họ sẵn sàng và quảng đại đáp lại tiếng Chúa gọi. Các phụ huynh, giáo viên và tất cả những ai tham gia cách nào đó vào việc giáo dục giới trẻ cũng cần tích cực góp phần vào công việc này. Đừng nghĩ rằng giới trẻ sẽ nghe được tiếng gọi của Chúa một cách lạ thường. Đúng hơn, tiếng gọi đó phải được tìm hiểu và phân định qua những dấu hiệu hằng ngày Chúa vẫn dùng để bày tỏ thánh ý Người cho những Kitô hữu khôn ngoan.[91]
Ngày nay Chúa Giêsu vẫn đang tiếp tục bước đi giữa chúng ta và kêu gọi chúng ta bước theo Người như ngày xưa tại Galilê. Tuy nhiên trong một thế giới xô bồ của thời đại hôm nay, dường như không còn chỗ thinh lặng để người trẻ nhận ra tiếng Chúa. Vì thế, chúng ta hãy giúp cho người trẻ có được những giây phút tĩnh lặng để cầu nguyện và nhận ra tiếng Chúa mời gọi từ bỏ mọi sự và hiến dâng trọn cuộc sống cho Người như các môn đệ ngày xưa.[92]
4. Truyền giáo
Trong Tông huấn Christus Vivit, Đức Phanxicô đã viết: "Nếu biết lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần đang nói với mình, chúng ta sẽ nhận ra rằng mục vụ giới trẻ phải luôn là mục vụ truyền giáo".[93]
Ngày nay, giới trẻ có nhiều cơ hội để tham gia vào đời sống xã hội, vì thế họ cũng cần phải được huấn luyện để làm việc tông đồ trong môi trường xã hội. Do đó, qua mục vụ tông đồ giới trẻ, Giáo Hội "phải tập cho các thanh thiếu niên biết làm tông đồ và thấm nhuần tinh thần này. Việc huấn luyện này cần phải được tiếp tục trong suốt đời chúng tùy theo đòi hỏi của những trách nhiệm mới mà chúng lãnh nhận".[94]
Theo Đức Phanxicô, không mất nhiều công sức lắm để biến người trẻ trở thành nhà truyền giáo, ngay cả những người yếu ớt, bị hạn chế và đang gặp rắc rối cũng có thể trở thành nhà truyền giáo theo cách riêng của họ, chẳng hạn một người trẻ đi hành hương để cầu nguyện cho một người bạn thì cũng là một nhà truyền giáo rồi. Họ có thể vượt qua sự dè dặt, vượt qua khung cảnh gia đình hoặc nhóm nhỏ của mình để đi thăm viếng người khác. Người trẻ có thể truyền giáo bằng những phương tiện hiện đại, như các mạng xã hội chẳng hạn.[95]
Một khi đã tràn đầy tình yêu Chúa Kitô thì người trẻ được mời gọi làm chứng nhân cho Tin Mừng bất cứ ở đâu, qua cách sống của họ. Họ có thể kể chuyện về Chúa Giêsu cho người khác nghe. Và Đức Phanxicô ước mong các bạn trẻ cảm nghiệm được một sự thôi thúc mãnh liệt như thánh Phaolô ngày xưa (x. 1Cr 9,16), để mạnh dạn chia sẻ niềm tin vào Đức Kitô cho các bạn, và coi đó như một nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.[96]
Theo cha Rossano Sala, SBD, truyền giáo có nghĩa là "mang Chúa đến" và "mang đến Chúa". Người truyền giáo được gọi là chứng nhân Tin Mừng. Trong tiếng Latinh, từ testis (chứng nhân) bắt nguồn từ terstis (đệ tam nhân), tức là kẻ đứng giữa hai người, liên hệ chặt chẽ với cả hai bên.[97] Người đóng vai chứng nhân Tin Mừng trước hết phải gắn bó với Chúa để biết Chúa nhiều hơn, rồi sau đó mới có khả năng nói về Chúa cho kẻ khác. Vì thế, trước khi được sai đi làm tông đồ rao giảng Tin Mừng, Phêrô và các bạn đã là những môn đệ sống gần gũi với Chúa Giêsu để hiểu biết Người. Ngày nay xem ra người ta nói nhiều về Chúa, nhưng ít nói với Chúa. Hậu quả là họ nói về một Thiên Chúa do người ta kể lại, chứ không từ một cảm nghiệm thân mật với Người. Người ta sẽ dễ dàng nhận ra sự khác biệt giữa một người "thân tín của Chúa" với một người "quảng cáo Lời Chúa".[98] Vì thế, để giúp người trẻ tham gia công cuộc truyền giáo, trước hết Giáo Hội phải đồng hành với họ trong đời sống thân tình với Chúa.
Một khi đã có những cảm nghiệm thân tình với Chúa Giêsu, giới trẻ đừng ngại mang Chúa đi khắp nơi, vào mọi lãnh vực của cuộc sống, thậm chí đến những vùng ngoại vi xã hội, đến với những người hững hờ với đức tin và xa cách Chúa nhất. Chúa Kitô mời gọi các bạn trẻ trở thành những nhà truyền giáo không sợ hãi, bất cứ ở đâu, trong bất kỳ môi trường nào. Đừng ngại hy sinh cho công cuộc truyền giáo, đừng vì những khó khăn mà chùn bước, cũng đừng đợi đến ngày mai để đóng góp năng lực, sự táo bạo và sự sáng tạo vào việc thay đổi thể giới, bởi vì tuổi trẻ không phải là một thời gian giao thời, nhưng là chính hiện tại của Thiên Chúa.[99]
5. Di dân
Di cư không phải là một hiện tượng mới, vì nó đã xuất hiện từ những thời cổ đại của lịch sử loài người. Tuy nhiên với tình hình thế giới hiện nay, hiện tượng di cư ngày càng xuất hiện nhiều hơn khiến cho Giáo Hội đặc biệt quan tâm đến những di dân. Công đồng Vaticanô II dạy rằng họ phải được đối xử tốt, được tôn trọng, tránh mọi kỳ thị.[100] Họ phải được các cơ quan quốc tế cứu trợ,[101] được các Giám mục đặc biệt quan tâm,[102] được các Kitô hữu ân cần tiếp đón.[103]
Trong Thư chung hậu Đại hội dân Chúa 2010, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã dẫn lời Đức Bênêđictô XVI lưu ý các Giám mục Việt Nam: "Mong rằng Anh Em phát triển nền mục vụ thích hợp cho các người trẻ di dân trong nước, qua việc tăng cường hợp tác giữa các giáo phận gốc của người trẻ, cũng như các giáo phận họ đến, và bằng việc cung cấp cho họ những lời khuyên về mặt đạo đức và các chỉ dẫn thực hành".[104]
Ngày nay, di dân lại càng trở thành một hiện tượng nổi cộm trên hiện tình thế giới, và được Đức Phanxicô gọi là một "mẫu thức của thời đại".[105] Theo Thượng hội đồng Giám mục lần thứ XV, "di dân không phải là một trường hợp khẩn cấp có tính tạm thời. Các cuộc di dân có thể diễn ra trong cùng một quốc gia hoặc giữa các quốc gia khác nhau. Hội Thánh đặc biệt quan ngại cho những người phải chạy thoát khỏi chiến tranh, bạo lực, các hành vi đàn áp chính trị hay tôn giáo, các thảm họa tự nhiên do biến đổi khí hậu hay do tình trạng nghèo đói cùng cực: nhiều người trong số họ là người trẻ. Nói chung, họ đang đi tìm cơ hội cho bản thân và gia đình mình. Họ mơ ước một tương lai tốt đẹp hơn và mong muốn tạo ra những điều kiện để thực hiện ước mơ đó".[106]
Di dân trở thành đối tượng của một lãnh vực mục vụ, gọi là mục vụ di dân. Phần lớn những người di dân nằm trong độ tuổi của giới trẻ. Vì vậy, mục vụ di dân trở thành một lãnh vực của mục vụ giới trẻ, và với ưu tư mục vụ của một vị chủ chăn hoàn vũ, Đức Phanxicô đã thốt lên: "Làm sao chúng ta lại không nghĩ đến nhiều người trẻ bị ảnh hưởng bởi hiện tượng di dân?".[107]
Những di dân trẻ khi sống cách ly khỏi gia đình và quê hương, họ dễ bị rơi vào tình trạng mất gốc về văn hóa và tôn giáo. Trong khi đó những người trong gia đình còn ở lại, thường là những người già cả bệnh tật hay trẻ em, rơi vào hoàn cảnh thiếu thốn, cô đơn, không nơi nương tựa. Giáo Hội có nhiệm vụ giúp đỡ chẳng những đối với những di dân tại nơi họ đến, mà còn đối với những người còn ở lại. Tại những nơi di dân đến, Giáo Hội tạo điều kiện để họ gặp gỡ cộng đoàn địa phương, giúp họ hội nhập vào cộng đoàn đó, khiến họ được phát triển toàn diện và chính họ cũng góp phần làm phong phú hóa cộng đoàn địa phương đón nhận họ.[108]
6. Truyền thông
Hơn bao giờ hết, ngày nay truyền thông là một lãnh vực thu hút giới trẻ nhiều nhất. Giới trẻ tham gia vào mạng lưới truyền thông xã hội ngày càng nhiều và coi đó như một nhu cầu không thể thiếu. Các trang mạng cung cấp cho họ rất nhiều kiến thức một cách nhanh chóng, nhưng đồng thời cũng khiến cho giới trẻ bị lạc lối bởi những thông tin sai lạc hay có nội dung phản đạo đức, trong khi giới trẻ chưa có đủ khả năng biện phân.
Ngay từ Công đồng Vaticanô II, Giáo Hội đã quan tâm đến vấn đề này và đã đưa ra những hướng dẫn khôn ngoan. Giáo Hội mời gọi giới trẻ hãy giữ được sự điều độ và kỷ luật bản thân trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông, hãy cố gắng tìm hiểu kỹ lưỡng các nội dung thông tin và trao đổi với các nhà giáo dục, các nhà chuyên môn, để biết phán đoán cách đúng đắn. Các bậc phụ huynh phải quan tâm nhiều đến con cái khi chúng sử dụng các phương tiện này. Việc sử dụng đúng đắn các phương tiện truyền thông xã hội đòi phải có những hướng dẫn về lý thuyết và thực hành thích hợp cho từng lứa tuổi và phải theo đúng các nguyên tắc luân lý công giáo.[109] Giáo Hội cũng đặc biệt quan tâm đến việc đem tinh thần Kitô giáo vào các chương trình giáo dục người trẻ trong lãnh vực truyền thông.[110]
Ngày nay, vấn đề truyền thông còn được đẩy lên một điểm vượt xa so với tình trạng cách đây nửa thế kỷ. Trong Tông huấn Christus Vivit, Đức Phanxicô đã lấy lại nhận định của Thượng hội đồng Giám mục lần thứ XV: "Thế giới kỹ thuật số đặc trưng cho thế giới đương thời. Thông thường có rất nhiều người đang triền miên đắm chìm trong thế giới ấy. Giờ đây vấn đề không chỉ còn là 'sử dụng' các công cụ truyền thông, mà là sống trong một nền văn hóa đã được số hóa rộng rãi. Nền văn hóa ấy tác động sâu xa lên khái niệm không gian và thời gian, lên cách nhận thức về bản thân, về tha nhân và về thế giới, lên cách giao tiếp, cách học hỏi, cách tìm hiểu thông tin và cách tương quan với người khác".[111]
Các mạng lưới xã hội đã tạo ra một cách truyền đạt và kết nối mới. Chúng được coi như các quảng trường công cộng nơi người trẻ hiện diện nhiều thời giờ và gặp nhau dễ dàng. Chúng cung cấp những cơ hội phi thường để gặp gỡ và trao đổi, truy cập thông tin và kiến thức. Đây cũng là diễn đàn cho giới trẻ tham gia vào các sáng kiến và hoạt động mục vụ. Tuy nhiên, mặt trái của thế giới kỹ thuật số, nhất là các trang mạng đen, là một không gian của sự cô đơn, thao túng, bóc lột và bạo lực, khai thác tình dục, phổ biến những thông tin giả khiến con người đánh mất ý thức về sự thật, bôi nhọ danh dự của người khác...[112]
Đứng trước tình trạng như thế, Giáo Hội phải đồng hành với các bạn trẻ để giúp họ tìm cách vượt từ một thế giới ảo với bao nguy hiểm sang một nền truyền thông tốt đẹp và lành mạnh, biến nguy cơ thành thời cơ khi biết sử dụng kỹ thuật truyền thông mới vào việc loan báo Tin Mừng và truyền đạt các giá trị thực sự cho con người thời hiện đại.[113]
7. Các lãnh vực cần được phát triển
Ngoài ra, trong Tông huấn Christus Vivit, từ số 224 đến 229, Đức Phanxicô cũng tóm kết một số lãnh vực mục vụ giới trẻ và đưa vào mục "các lãnh vực cần được phát triển", gồm có đời sống cầu nguyện và chiêm niệm, những loại hình nghệ thuật, các hoạt động thể thao, tình yêu thiên nhiên và việc bảo vệ môi trường.
- Đời sống cầu nguyện và chiêm niệm
Nhiều người cho rằng giới trẻ chỉ thích vui chơi ồn ào và hướng ngoại, nhưng Đức Phanxicô nhận định rằng có nhiều người trẻ đã tiến đến chỗ đánh giá cao sự yên lặng, thích sống gần gũi với Chúa qua việc cầu nguyện và chiêm niệm. Họ tự qui tụ thành những nhóm tôn thờ Thánh Thể và chia sẻ Lời Chúa. Giáo Hội cần đồng hành để giúp họ tìm ra những cách thức và phương tiện giúp họ thực hiện được điều này, qua những cử hành phụng vụ sống động và những cuộc lễ có sự tham gia tích cực của người trẻ, tránh những hình thức tổ chức khô khan, nặng nề, khiến họ mệt mỏi và chán ngán.[114]
Đối với giới trẻ, tình bạn rất quan trọng. Vì vậy cần giúp họ sống tình bạn thân thiết với Chúa Giêsu, vì Người là bạn của giới trẻ. Sống tình bạn với Chúa Giêsu bằng cách tâm sự và chuyện vãn với Người, qua đó người trẻ cảm thấy gần gũi với Người, sẵn sàng trình bày với Người mọi khía cạnh và những bí mật thâm sâu nhất của cuộc sống, sẵn sàng dành cho Người một không gian để Người hành động. Nhờ cách này, người trẻ sẽ cảm thấy Chúa Giêsu ở bên cạnh họ, không những trong những lúc cầu nguyện, mà còn ở mọi thời điểm trong cuộc sống, nhất là trong những lúc khó khăn, chán nản, như hai môn đệ trên đường Emmau xưa. Đó là cách mà Đức Phanxicô gọi là "kết nối trực tuyến" với Chúa Giêsu.[115]
- Các loại hình nghệ thuật
Các loại hình nghệ thuật cũng là lãnh vực được giới trẻ ngày nay quan tâm và có sức lôi cuốn rất lớn đối với họ, vừa để thưởng thức vừa thể thể hiện năng khiếu, như thoại kịch, hội họa, phim ảnh, khiêu vũ, các chương trình văn nghệ, diễn nguyện, nhất là âm nhạc. Không có sự kiện nào thu hút đông đảo giới trẻ cho bằng những cuộc biểu diễn âm nhạc. Do đó, mục vụ giới trẻ không thể bỏ qua các loại hình nghệ thuật nếu muốn thu hút giới trẻ và dùng nghệ thuật như phương thế dẫn đưa giới trẻ đến với Chúa và với nhau. Đặc biệt, âm nhạc là lãnh vực mà giới trẻ đắm mình vào đó nhiều nhất, vì nó khơi dậy và làm lan truyền cảm xúc đến tất cả mọi người. Lời ca tiếng hát có sức đi vào lòng người và đánh động họ. Ngôn ngữ âm nhạc cũng đóng góp rất nhiều vào các cử hành phụng vụ, khiến cho giới trẻ tham gia với sự say mê và sốt sắng. Ca hát cũng tạo nên động lực và tâm tình cho người trẻ khi họ lữ hành qua cuộc sống, khiến cho cuộc sống trở nên thú vị hơn.[116]
- Các hoạt động thể thao
Những hoạt động thể thao cũng thu hút giới trẻ không kém. Cứ tính số người theo dõi các chương trình thể thao thì thấy rõ. Trọng tâm của hoạt động thể thao là niềm vui: niềm vui được vận động để phát triển sức khỏe, niềm vui được qui tụ với nhau. Ngày xưa các thánh giáo phụ cũng đã dùng đến hình ảnh luyện tập của các lực sĩ để gợi ý cho các người trẻ phát triển sức mạnh của họ và vượt qua sự biếng nhác, buồn chán, hoặc để minh họa cho giá trị của những hy sinh và nỗ lực cần thiết trong việc phát triển các nhân đức. Do đó mục vụ giới trẻ không nên đáng giá thấp tiềm năng của thể thao trong lãnh vực giáo dục và đào tạo người trẻ. Giáo Hội phải đồng hành với giới trẻ trong lãnh vực này, vừa để giúp giới trẻ tiếp nhận những điều hữu ích từ những hoạt động thể thao, đồng thời cũng giúp họ tránh được những tiêu cực đi kèm, như tinh thần hiếu thắng, nạn sùng bái thần tượng vô địch, ý đồ phục vụ lợi ích thương mại, ý muốn thành công bằng mọi giá, riêng tại Việt Nam còn có nạn cá độ tại hại khiến cho nhiều gia đình phải điêu đứng.[117]
- Tình yêu thiên nhiên và việc bảo vệ môi trường
Đức Phanxicô là vị Giáo hoàng đặc biệt quan tâm đến tình yêu thiên nhiên và vấn đề bảo vệ môi trường, theo gương thánh Phanxicô Assisi mà ngài đã chọn làm thánh hiệu cho ngôi vị Giáo hoàng của ngài. Mối quan tâm này đã biến thành giáo huấn của ngài qua Thông điệp Laudato sí về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, được ban hành ngày 24 tháng 5 năm 2015.
Trong Tông huấn Christus Vivit, ngài đã khẳng định rằng thiên nhiên có một sức hấp dẫn đặc biệt đối với người trẻ, điều này được nhìn thấy qua các tổ chức và hoạt động của người trẻ, như phong trào hướng đạo, các cuộc cắm trại dã ngoại, những cuộc đi bộ đường dài, những cuộc thám hiểm thiên nhiên. Đồng thời ngài cũng kêu gọi người trẻ hãy nhận ra nhu cầu cần phải chăm sóc, bảo vệ và cải thiện môi trường. Theo tinh thần của thánh Phanxicô Assisi, tình yêu thiên nhiên và sự quan tâm chăm sóc môi trường có thể góp phần khai tâm người trẻ bước vào một tình huynh đệ phổ quát và dẫn họ đến việc thực hành cầu nguyện chiêm niệm.[118]
KẾT LUẬN
"Mục vụ giới trẻ" là chủ đề của chương bảy, một trong số 9 chương của Tông huấn Christus Vivit mà Đức Phanxicô gửi đến người trẻ và cộng đoàn dân Chúa. Tuy nhiên, có thể nói toàn bộ nội dung của Tông huấn đều liên quan đến chương trình mục vụ giới trẻ mà mọi thành phần dân Chúa đều được mời gọi tham gia. Qua Tông huấn này, chúng ta thấy Đức Phanxicô muốn đẩy mạnh sự đổi mới trong chương trình mục vụ của Giáo Hội đã được phác họa qua những văn kiện mà ngài đã ban hành trước đây, một sự canh tân khởi đi từ đường hướng canh tân của Công đồng Vaticanô II, nhưng với những thích nghi cho phù hợp với thực trạng mới luôn biến chuyển của xã hội và Giáo Hội. Nhìn chung, không có sự đứt đoạn giữa mục vụ giới trẻ và các hoạt động mục vụ khác của Giáo Hội, cũng như không có sự đứt đoạn giữa việc canh tân mục vụ giới trẻ trong Tông huấn Christus Vivit với các chương trình mục vụ giới trẻ đã có trước đây. Nguyên việc đặt tên cho Tông huấn là Christus Vivit - Chúa Kitô Đang Sống, cũng khiến chúng ta nghĩ đến đoạn thư gửi tín hữu Do-thái: "Đức Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy mãi đến muôn đời" (Dt 13,8), tức là một Đức Kitô luôn trẻ trung, không thay đổi theo thời gian, đang sống trong Giáo Hội và làm cho Giáo Hội mãi mãi trẻ trung, vì "tất cả những gì Người chạm đến đều trở nên tươi trẻ, mới mẻ, tràn đầy sức sống".[119] Sự mới mẻ trong chương trình mục vụ giới trẻ mà Đức Phanxicô đưa ra cũng vậy: đổi mới nhưng không đổi thay, tức là phát triển mà vẫn không đánh mất hay phủ nhận bản chất cùng với những gì đã đạt được qua dòng thời gian.
-----------------------------------------------------
[1] x. GIOAN PHAOLÔ II, Diễn văn tại Hội nghị thường kỳ lần thứ 19 của CELAM (9-3-1983), trong Insegnamenti di Giovanni Paolo II (1983) VI/1, tr. 698. CELAM là hình thức viết tắt của Consejo Episcopal Latino-Americano trong tiếng Tây Ban Nha, có nghĩa là Hội đồng Giám mục Mỹ châu Latinh. Theo một số tác giả, cách gọi ấy đã được Đức Gioan Phaolô II sử dụng lần đầu tiên tại Geniezno (3-6-1979). Sáu ngày sau, nó đã vang lên trong cuộc tông du lần đầu tiên của ngài tại Ba Lan (9-6-1979), khi ngài giơ cao cây thánh giá mới bằng gỗ tại Nowa Huta và nói: «Một cuộc tân Phúc Âm hóa đã bắt đầu»: xem Editoriale, "La nuova evangelizzazione", trong La Civiltà Cattolica 145(1994)III, tr. 352.
[2] GIOAN PHAOLÔ II, Diễn văn tại Hội Nghị thường kỳ lần thứ 19 của CELAM, sđd., tr. 698.
[3] x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo Gravissimum Educationis (28-10-1965), phần dẫn nhập.
[4] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Gravissimum Educationis, số 2.
[5] Được trích dẫn trong ROSSANO SALA, SDB, "Mục vụ giới trẻ: suy tư thần học", trong Thời sự thần học, số 80, tháng 5/2018, tr. 140. Rossano Sala là một linh mục dòng Don Bosco, giáo sư đại học Salesianum (Roma), giám đốc nguyệt san Note di pastorale giovanie, được Đức Phanxicô bổ nhiệm làm thư ký đặc biệt cho Thượng hội đồng Giám mục 2018.
[6] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sứ điệp gửi người trẻ nhân dịp bế mạc Công đồng (8-12-1965).
[7] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Thư chung hậu Đại hội dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đồng dân Chúa Việt Nam, số 29.
[8] Văn kiện kết thúc Thượng hội đồng Giám mục lần thứ XV, số 167; PHANXICÔ, Tông huấn gửi người trẻ và cộng đoàn dân Chúa Christus Vivit (25-3-2019), số 50.
[9] x. PIÔ X, Huấn từ cho Hiệp hội công giáo giới trẻ Pháp về lòng đạo đức, tri thức và hành động, 25.9.1904: AAS 37 (1904-1905), tr. 296-300.
[10] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc lệnh về tông đồ giáo dân Apostolicam Actuositatem (18-11-1965), số 12.
[11] x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới hôm nay Gaudium et Spes (7-12-1965), số 7.
[12] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Thư chung hậu Đại hội dân Chúa 2010, số 5.
[13] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 202.
[14] PHANXICÔ, Christus Vivit, số 34.
[15] Trên thế giới, các nước có qui định về độ tuổi thanh niên khác nhau: nhiều nước qui định từ 18 đến 24 tuổi, hoặc từ 15 đến 24 tuổi, một số nước qui định từ 15 đến 30 tuổi. Tại Việt Nam, ngày 26-10-2005 Quốc hội thảo luận về Dự án luật thanh niên và Ban thường vụ Quốc hội đã nhất trí độ tuổi của thanh niên Việt Nam là từ 16 đến 30 tuổi. Về các hạn kỳ tuổi của đời sống con người, người ta thường phân chia như sau: Tuổi thiếu nhi: 12 tuổi trở xuống; tuổi thiếu niên: 13-17 tuổi; tuổi thanh niên: 18-39 tuổi; tuổi trung niên: 40-59; tuổi cao niên: 60 tuổi trở lên.
[16] x. Văn kiện kết thúc Thượng hội đồng Giám mục lần thứ XV, số 10; PHANXICÔ, Christus Vivit, số 68.
[17] Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới hôm nay Gaudium et Spes, 7, 27, 31, 52, 60, 66, 82, 88, 89; Sắc lệnh về tông đồ giáo dân Apostolicam Actuositatem, 9, 12, 30, 31, 33;; Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội Ad Gentes, 12, 38; Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục Presbyterorum Ordinis, 6, 11; Sắc lệnh về nhiệm vụ mục tử của các Giám mục trong Giáo Hội Christus Dominus, 30; Sắc lệnh về canh tân thích nghi đời sống dòng tu Perfectae Caritatis, 0, 24; Sắc lệnh về đại kết Unitatis Redintegratio, 23; Sắc lệnh về đào tạo linh mục Optatam Totius, 2; Sắc lệnh về các phương tiện truyền thông xã hội Inter Mirifica, 10, 11, 12. 14, 16; Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo Gravissimum Educationis, 0, 1, 2, 4, 10, 11.
[18] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Apostolicam Actuositatem, số 12.
[19] GIOAN PHAOLÔ II, Ngỏ lời với các Giám mục Pháp, ngày 23.3.1982.
[20] GIOAN PHAOLÔ II, Ngỏ lời với giới trẻ tại Đại hội giới trẻ thế giới năm 1985.
[21] GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Kitô hữu giáo dân Christifideles Laici (30-12-1988), số 46.
[22] GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Giáo Hội tại Á châu Ecclesia in Asia (6-11-1999), số 47.
[23] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Thư chung hậu Đại hội dân Chúa 2010, số 44.
[24] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 234.
[25] PHANXICÔ, Christus Vivit, số 203.
[26] ROSSANO SALA, SDB, "Mục vụ giới trẻ: suy tư thần học", trong Thời sự thần học, sđd., tr. 146.
[27] GIOAN PHAOLÔ II, Ecclesia in Asia, số 20.
[28] GIOAN PHAOLÔ II, Ecclesia in Asia, số 47.
[29] x. PHANXICÔ, Evangelii Gaudium, số 169-173.
[30] x. Văn kiện kết thúc Thượng hội đồng Giám mục lần thứ XV, số 92.
[31] PHANXICÔ, Christus Vivit, số 208.
[32] "Nếu sự hiệp thông là cứu cánh của mọi hoạt động của Giáo Hội, thì hiệp thông cũng phải là phương thế để đạt đến cứu cánh. Không thể tách rời cứu cánh và phương thế. Phương thế phát xuất từ cứu cánh và phải dẫn đến cứu cánh. Chúa Giêsu là chân lý mà ta phải đạt đến, đồng thời cũng là con đường mà ta phải đi. Sự thông hiệp là cứu cánh, thì các phương thế dẫn đến đó cũng phải biểu lộ tính hiệp thông. Tiếc rằng chúng ta thường chỉ nghĩ đến cứu cánh (các nguyên tắc, chân lý) mà bỏ qua các tiến trình và phương pháp. Nói cách khác, các phương pháp hoạt động mục vụ cần mang tính chất hiệp thông, nghĩa là đối thoại. Những người dấn thân vào mục vụ giới trẻ cần có khả năng làm việc chung với nhau. Điều này khác với tư cách đòi hỏi nơi một lãnh đạo một công ty hay doanh nghiệp. Trong một đội ngũ hoạt động mục vụ, người lãnh đạo không nên tự coi mình như người chỉ huy, đốc thúc các nhân viên, nhưng đúng hơn là người điều phối các công tác, tạo ra một bầu khí hòa hợp giữa các cộng sự viên". ROSSANO SALA, SDB, "Mục vụ giới trẻ: suy tư thần học", trong Thời sự thần học, sđd., tr. 151.
[33] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 206.
[34] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 65-66.
[35] PHANXICÔ, Christus Vivit, số 298.
[36] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 244.
[37] Tài liệu kết thúc Hội nghị giới trẻ tiền Thượng hội đồng, chuẩn bị cho khóa họp thường lệ lần thứ XV của Thượng hội đồng Giám mục, Roma (24-3-2018), số 12.
[38] x. Tài liệu kết thúc Hội nghị giới trẻ tiền Thượng hội đồng, số 10; PHANXICÔ, Christus Vivit, số 246.
[39] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 204.
[40] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 205.
[41] PHANXICÔ, Christus Vivit, số 209.
[42] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 210-211.
[43] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 212-214.
[44] PHANXICÔ, Christus Vivit, số 230.
[45] PHANXICÔ, Christus Vivit, số 236.
[46] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 296.
[47] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Gaudium et Spes, số 52.
[48] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Gaudium et Spes, số 47.
[49] x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Gaudium et Spes, số 52.
[50] GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn về những bổn phận của gia đình Kitô hữu trong thế giới ngày nay Familiaris Consortio (22-11-1981), số 43.
[51] PHANXICÔ, Christus Vivit, số 242.
[52] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 160.
[53] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Apostolicam Actuositatem, số 30.
[54] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Gaudium et Spes, số 48.
[55] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Apostolicam Actuositatem, số 10.
[56] x. GIOAN LÊ QUANG VIỆT, "Mục vụ cho giới trẻ Việt Nam", trong Hiệp Thông, bản tin của Hội đồng Giám mục Việt Nam, số 65 (tháng 5 & 6 năm 2011, tr. 49-51.
[57] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 231-235.
[58] PHANXICÔ, Christus Vivit, số 243.
[59] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 218.
[60] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Gravissimum Educationis, số 1.
[61] x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Gaudium et Spes, số 31.
[62] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 221.
[63] PHANXICÔ, Christus Vivit, số 247.
[64] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 222-223.
[65] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 168-169.
[66] Văn kiện kết thúc Thượng hội đồng Giám mục lần thứ XV, số 46; PHANXICÔ, Christus Vivit, số 170.
[67] x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Gravissimum Educationis, số 1.
[68] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Gravissimum Educationis, số 2; x. Sắc lệnh về nhiệm vụ mục vụ của các Giám mục trong Giáo Hội Christus Dominus (28-10-1965), số 12-14.
[69] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Gravissimum Educationis, số 3.
[70] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Gravissimum Educationis, số 3.
[71] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 81.
[72] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 213.
[73] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 282.
[74] x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Gaudium et Spes, số 9, 34, 35, 61, 67; x. Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium (21-11-1964), số 41.
[75] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Lumen Gentium, số 41.
[76] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Gaudium et Spes, số 66.
[77] x. HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC HOA KỲ, Son and Daughters of Light: A Pastoral Plan for Ministry with Young Adults, 12-11-1996, phần một, số 3; PHANXICÔ, Christus Vivit, số 268.
[78] PHANXICÔ, Christus Vivit, số 271.
[79] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 273.
[80] x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Christus Dominus, số 15.
[81] PHANXICÔ, Christus Vivit, số 248.
[82] PHANXICÔ, Christus Vivit, số 287.
[83] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 283-284.
[84] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 291.
[85] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 289.
[86] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 258-259.
[87] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 262.
[88] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 264-265.
[89] PHANXICÔ, Christus Vivit, số 276.
[90] Một trong những mối lo âu chính yếu của Giáo Hội ngày nay là hầu như khắp nơi đều thấy số ơn thiên triệu giảm sút rất nhiều; x. PIÔ XII, Tông huấn Menti Nostrae: “Ở các miền công giáo cũng như nơi các xứ truyền giáo, con số linh mục hầu như không đủ để đáp ứng những nhu cầu càng ngày càng tăng”: AAS 42 (1950), tr. 682; GIOAN XXIII: “Vấn đề ơn thiên triệu giáo sĩ và tu sĩ là mối lo âu hàng ngày của Giáo Hoàng …, đó là lời khẩn cầu của Giáo Hoàng khi cầu nguyện, là ước vọng mãnh liệt trong tâm hồn Giáo Hoàng”: Huấn từ cho Đại hội quốc tế lần I về ơn gọi tiến tới bậc trọn lành, 16.12.1961: AAS 54 (1962), tr. 33.
[91] x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục Presbyterorum Ordinis (7-12-1965), số 11; Sắc lệnh về việc đào tạo linh mục Optatam Totius (28-10-1965), số 2. "Tiếng Chúa gọi được biểu hiện bằng hai cách khác nhau, nhưng đều tuyệt diệu và quy về một hướng: có thể đó là tiếng nói bên trong, tiếng nói của ơn thánh, của Chúa Thánh Thần, của sức lôi cuốn nội tâm khôn tả, qua giọng nói âm thầm và quyền năng của Chúa vang lên nơi thâm tâm sâu thẳm trong con người; cũng có thể đó là tiếng nói từ bên ngoài, mang tính cách nhân loại, khả giác, xã hội, pháp lý và cụ thể, đó là tiếng nói của một thừa tác viên Lời Chúa, của một tông đồ, của Phẩm trật được Đức Kitô thiết lập như một phương thế cần thiết và như trung gian diễn đạt sứ điệp của Ngôi Lời và của giới luật Thiên Chúa. Về điều này, giáo lý công giáo nhắc lại lời thánh Phaolô: “Làm sao nghe biết được nếu không có ai rao giảng? Đức tin có được là do nghe nói (Rm 10,14.17)": PHAOLÔ VI, Huấn dụ ngày 5.5.1965: L'Osservatore Romano, 6.5.1965, tr. 1.
[92] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 277.
[93] PHANXICÔ, Christus Vivit, số 240.
[94] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Apostolicam Actuositatem, số 30.
[95] PHANXICÔ, Christus Vivit, số 239-241.
[96] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 175-176.
[97] x. P. MARTINELLI, La testimonianza. Verità di Dio e libertà dell'uomo, Paoline, Milano 2002, tr. 7.
[98] x. ROSSANO SALA, SDB, "Mục vụ giới trẻ: suy tư thần học", trong Thời sự thần học, sđd., tr. 148.
[99] x, PHANXICÔ, Christus Vivit, số 177-178.
[100] x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Gaudium et Spes, số 27, 66.
[101] x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Gaudium et Spes, số 84.
[102] x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Christus Dominus, số 18; Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội Ad Gentes (7-12-1965), số 20.
[103] x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Apostolicam Actuositatem, số 11.
[104] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Thư chung hậu Đại hội dân Chúa 2010, số 31.
[105] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 91-94.
[106] Văn kiện kết thúc Thượng hội đồng Giám mục lần thứ XV, số 25; PHANXICÔ, Christus Vivit, số 91.
[107] PHANXICÔ, Christus Vivit, số 91.
[108] x. Văn kiện kết thúc Thượng hội đồng Giám mục lần thứ XV, số 27; PHANXICÔ, Christus Vivit, số 93.
[109] x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Inter Mirifica, số 10, 16.
[110] x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Gravissimum Educationis, số 4; Inter Mirifica, số 13, 14.
[111] Văn kiện kết thúc Thượng hội đồng Giám mục lần thứ XV, số 21; PHANXICÔ, Christus Vivit, số 86.
[112] x. Văn kiện kết thúc Thượng hội đồng Giám mục lần thứ XV, số 22- 24; PHANXICÔ, Christus Vivit, số 87- 89.
[113] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 90, 104.
[114] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 224-225.
[115] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 150, 155-156, 158.
[116] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 226.
[117] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 227.
[118] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 228.
[119] PHANXICÔ, Christus Vivit, số 1.
Tác giả bài viết: Gm. Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Tags:
Văn kiện giáo hội