MỤC LỤC
CHƯƠNG I
BỐI CẢNH VÀ GƯƠNG MẶT GIÁO ĐOÀN THÊXALÔNICA
1. Thư gửi giáo đoàn Thêxalônica
2. Gương mặt của giáo đoàn Thêxalônica
CHƯƠNG II
ĐẶC THÁI, KẾT CẤU VÀ NỘI DUNG THƯ THỨ I GỬI GIÁO ĐOÀN THÊXALÔNICA
1. Kết cấu và nội dung thư thứ I gửi giáo đoàn Thêxalônica
2. Nội dung phần hai thư thứ I gửi giáo đoàn Thêxalônica
3. Hình thức cũ, tinh thần và nội dung mới
CHƯƠNG III
CÁC MẤU ĐIỂM THẦN HỌC NỔI BẬT TRONG THƯ THỨ I GỬI GIÁO ĐOÀN THÊXALÔNICA
1. Tâm tình cảm tạ
2. Sự tuyển chọn nhưng không
3. Cuộc sống thánh thiện và yêu thương huynh đệ
4. Tỉnh táo đợi chờ Chúa đến
5. Sức lớn mạnh của cộng đoàn kitô Thêxalônica
CHƯƠNG IV
TÁC GIẢ, KẾT CẤU VÀ NỘI DUNG THƯ THỨ II GỬI GIÁO ĐOÀN THÊXALÔNICA
1. Những vấn nạn trong thứ thứ II gửi giáo đoàn Thêxalônica
2. Ai là tác giả thư thứ II gửi giáo đoàn Thêxalônica?
3. Kết cấu và nội dung thư thứ II gửi giáo đoàn Thêxalônica
CHƯƠNG V
SỨ ĐIỆP THẦN HỌC THƯ THỨ II GỬI GIÁO ĐOÀN THÊXALÔNICA
1. Tính sổ đời trong ngày sau hết
2. Ngày Chúa đến quy tụ và hiệp nhất tín hữu
3. Các dấu chỉ báo trước ngày thế mạt
4. Lao động như một phần của ơn gọi làm người
CHƯƠNG I
BỐI CẢNH VÀ GƯƠNG MẶT GIÁO ĐOÀN THÊXALÔNICA
1. THƯ GỬI GIÁO ĐOÀN THÊXALÔNICA
Cho tới thời gian gần đây giới học giả Kinh Thánh Tân Ước đều tin rằng thư thứ nhất gửi giáo đoàn Thêxalônica là tài liệu cổ xưa nhất trong các tác phẩm của Kinh Thánh Tân Ước. Lý do là vì nó được thánh Phaolô viết giữa các năm 50-51, tức 20 năm sau khi Đức Giêsu Kitô tử nạn và phục sinh. Tuy nhiên, nếu lập trường của học giả Jean Carmignac và John O'Callagan đúng, thì giờ đây phải nói rằng Phúc âm thánh Marcô được biên soạn ra giữa các năm 43-50 là tác phẩm cổ xưa nhất trong Kinh Thánh Tân Ước. Dầu sao đi nữa, thư thứ nhất gửi giáo đoàn Thêxalônica cũng là một tài liệu và là một chứng từ vô cùng quý báu, vì nó cung cấp cho chúng ta các yếu tố giá trị giúp nhận ra một số đường nét chính trong gương mặt của các cộng đoàn kitô tiên khởi. Thật thế, thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalônica tuy gián tiếp cho biết tin tức liên quan đến giáo đoàn này, nhưng lại phản ánh một cách trực tiếp các kiểu diễn tả nòng cốt của lòng tin kitô thời đó. Nó cho thấy các tông đồ đã theo cùng một lược đồ loan báo Tin Mừng cứu độ trong Giáo Hội thời khai sinh, và việc tin nhận Tin Mừng cũng như gia nhập Giáo Hội của các tín hữu đã dựa trên cùng một nền tảng các đòi buộc được xác định một lần cho luôn mãi.
Ngoài ra thư thứ nhất gửi giáo đoàn Thêxalônica còn cho thấy thánh Phaolô không tự giới thiệu mình như là một bậc thầy, sư phụ thành lập các tôn giáo hay trường phái triết lý, nhưng thánh nhân tự giới thiệu mình như là người loan báo sứ điệp cứu độ. Tin Mừng cứu độ đó đã vang vọng lần đầu tiên tại Giêrusalem bằng tiếng Aramây, rồi được loan báo bằng tiếng Hy lạp tại Antiokia bên Siria, nơi thánh Phaolô đã trưởng thành trong ơn gọi kitô và truyền giáo.
Đàng khác thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalônica cũng cho chúng ta thấy bản thảo đầu tiên, tuy chưa đầy đủ nhưng rất ý nghĩa liên quan tới các đề tài, mà thánh Phaolô sẽ thảo luận và khai triển một cách sâu rộng sau này trong các thư của ngài. Do đó khi so sánh một đề tài như được khai triển trong các thư, chúng ta có thể nhận ra tiến trình phát triển trong tư tưởng sáng tạo và phong phú của thánh nhân trước các tình trạng sống và các vấn đề mới thường xuyên nảy sinh trong cùng một cộng đoàn hay trong các cộng đoàn khác nhau. Thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalônica cũng cho thấy gương mặt của một Phaolô hăng say hướng về biến cồ Chúa Kitô quang lâm, để kết thúc lịch sử thế giới hiện tại và khai mào lịch sử thế giới của cộng đoàn tương lai, trong đó loài người được sống kết hiệp với Thiên Chúa Cha và với Con của Ngài đã phục sinh. Tuy nhiên chẳng bao lâu sau đó thánh nhân chuyển hướng tư tưởng: từ thái độ nôn nóng đợi chờ Phaolô nêu bật thái độ đúng đắn của lòng tin kitô là sống tràn đầy giây phút hiện tại, trong đợi chờ, nhưng đồng thời và nhất là trong tin yêu phó thác. Khi biết sống tràn đầy hiện tại là tín hữu đã nếm hưởng được phần nào thực tại của ơn cứu độ mai sau rồi.
Dầu sao đi nữa, thư thứ nhất gửi giáo đoàn Thêxalônica cũng cho phép chúng ta nhận thấy thánh Phaolô luôn luôn chung nhịp với cuộc sống hồi hộp phấn khởi của cộng đoàn kitô, mà thánh nhân muốn đối thoại trong thư. Các thư của thánh nhân không phải là các tác phẩm được viết ra từ bàn giấy, xa cách thực tại sống của các tín hữu, cũng không phải là các khảo luận trừu tượng của các tư tưởng gia sống lẻ loi trong thế giới riêng rẽ của mình, mà là các trao đổi kinh nghiệm phong phú của lòng tin với các nhân vật cụ thể, có các vấn đề và các âu lo khắc khoải cần được giải quyết. Thật vậy, tuy ở xa họ trong không gian nhưng Phaolô đối thoại trực tiếp với các tín hữu. Cuộc đối thoại qua thư tín này tiếp tục các buổi giảng dạy diện đối diện trước đây, khi thánh nhân còn sống giữa họ, loan báo Tin Mừng cứu độ cho họ và dạy dỗ họ. Các từ ngữ cũng như kiểu diễn tả và giọng điệu đầm ấm trong các thư không cho phép chúng ta kết luận rằng các thư ngài viết trình bầy các lý thuyết trừu tượng, lạnh lùng, xa vắng. Trái lại chúng chứng minh cho thấy tính chất cấp thời, và là chìa khóa giúp đọc hiểu và đi sâu vào cuộc sống của các tín hữu trong Giáo Hội thời khai sinh. Phaolô sát cánh kề vai sống kinh nghiệm lòng tin sốt dẻo đó với các tín hữu của nình, thuộc các nhóm thiểu số sống rải rác trong thế giới rộng lớn đa diện của một số thành phố lớn trong đế quốc Roma hồi thế kỷ thứ I.
Các tài liệu khác nhau, đặc biệt là sách Công Vụ, cho chúng ta biết cộng đoàn Thêxalônica đã khai sinh vào năm 50. Hồi đó Phaolô đã cùng Silvano và Timôtê vượt biên giới Tiểu Á vào giảng đạo tại vùng Maceđonia thuộc đế quốc Roma. Để nêu bật tầm quan trọng sự hiện diện của đoàn truyền giáo từ Siria tức vùng Tiểu Á sang rao truyền Tin Mừng tại Maceđonia tức châu Âu, sách Công Vụ đã nhắc tới một thị kiến. Trong chương 16,9-10 thánh sử Luca kể lại rằng trong thị kiến Phaolô trông thấy một người vùng Maceđonia mời thánh nhân đến rao truyền Tin Mừng cứu độ trong quê hương của ông. Phaolô coi đó là dấu chỉ Chúa muốn cho ngài đến truyền giáo trong vùng này. Thật ra, mọi chặng trong tiến trình truyền giáo trên thế giới đều được Thiên Chúa hướng dẫn. Và thế là Phaolô cùng các bạn đồng hành sang Maceđonia. Chỉ sau mấy ngày rao giảng các vị thành lập được một cộng đoàn nhỏ tại thành phố Philiphê, là thành phố lớn vùng Maceđonia. Nhưng chẳng bao lâu sau đó Phaolô và các cộng sự viên phải rời thành phố này, vì bị vu khống là gây rối loạn và truyền bá các thói tục chống lại người Roma. Hai vị bị bắt, bị đánh đòn và tống ngục, rồi sau đó được yêu cầu rời khỏi thành phố. Biến cố này được thánh Luca tường thuật tỉ mỉ trong chương 16,11-40 sách Công Vụ. Thánh Phaolô cũng nhắc tới nó trong chương 2,2 thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalônica.
Rời Philiphê thánh Phaolô và các bạn đồng hành tới Thêxalônica, thủ phủ của vùng Maceđonia. Thành phố này được tướng Cassandro thành lập hồi năm 315 trước Công nguyên, và lấy tên vợ là Thessalonike, tức em gái của Aláchxăng Đại Đế đặt cho thành phố mới. Kiểu tổ chức xã hội và chính trị tại Thêxalônica cũng giống như trong các thành phố hy lạp khác thời bấy giờ. Phải nói rằng Thêxalônica là trung tâm thương mại phồn thịnh bậc nhất hồi thế kỷ thứ I, vì là thành phố cảng nằm cạnh bờ biển Egeo, và trên con lộ Egnatia phía tây nối liền với Italia và phía đông nối liền với vùng Bosforo. Trên bình diện tôn giáo Thêxalônica nổi tiếng vì sự hiện diện của nhiều tôn giáo khác nhau. Bên cạnh các thần của người Roma được chính quyền tôn sùng, còn có các thần địa phương của vùng Tracia và các tôn giáo huyền bí du nhập từ Ai Cập và Tiểu Á. Công tác truyền giáo của thánh Phaolô và các thừa sai gặt hái nhiều kết quả trong thành phố lớn này. Các vị đặt nền cho một cộng đoàn kitô như thánh Luca kể lại trong chương 17,14 sách Công Vụ, và thánh Phaolô nhắc lại cho tín hữu Thêxalônica biết trong chương 2,1-16 thư thứ nhất gửi cho họ. Tuy nhiên, thánh Phaolô và các cộng sự viên cũng không ở lại lâu trong cộng đoàn kitô mới thành lập, vì gặp sự thù nghịch và sức chống đối mãnh liệt, đặc biệt của cộng đoàn do thái sống tại đây (Cv 17,5-10). gí
Để có cớ vu khống Phaolô và các cộng sự viên, người do thái thuê bọn du đãng quấy phá và gây rối loạn trong thành phố, rồi xông tới nhà Giason tính bắt hai vị. Nhưng không tìm thấy các vị, họ nổi giận bắt Giason và điệu đến trước mặt chính quyền địa phương, vu khống cho tội gây náo động khắp thế giới và đến thành Thêxalônica để tiếp tục gây rối, chống đối sắc lệnh của nhà vua và tuyên truyền rằng có một vua khác là Giêsu. Sau khi bắt nộp tiền thế chân, giới lãnh đạo trả tự do cho Giason và mấy tín hữu khác. Ngay trong đêm hôm đó tín hữu cộng đoàn đưa Phaolô và Sila rời khỏi thành phố sang Berea. Thế là thánh Phaolô và cộng sự viên Sila bắt buộc phải bỏ giáo đoàn trẻ Thêxalônica mới thành lập. Trình thuật truyền giáo trong sách Công Vụ, chương 17,10-18,17 cho biết thánh Phaolô sang truyền giáo tại Berea, rồi Athènes và Côrintô. Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalônica thánh Phaolô cũng nhắc lại cho tín hữu biết người do thái đã theo sang Berea chống đối và quấy phá công cuộc truyền giáo, nên thánh nhân đành để Timôtêô và Sila ở lại đây rồi một mình đi Athènes và Côrintô rao giảng Tin Mừng.
Vì bất đắc dĩ phải rời giáo đoàn Thêxalônica trong tình trạng căng thẳng và khó khăn như thế, nên thánh Phaolô không an lòng. Một mặt các kitô hữu mới theo đạo bị các người do thái sách nhiễu (1 Ts 2,14), mặt khác lại không có ai tiếp tục giảng giải giáo lý và giúp họ đào sâu sự hiểu biết và trưởng thành trong lòng tin. Thánh Phaolô sợ các khó khăn thử thách khiến họ ngã lòng bỏ đạo. Thánh nhân lại không thể tới thăm họ được, vì bị Satan cản ngăn. Đây là kiểu nói quy ước. Thật ra, lý do chính là vì thánh nhân bị nhóm do thái đối nghịch theo dõi rất sát, khó có thể qua mặt họ được. Do đó từ Athènes thánh Phaolô mới gửi Timôtêô về thăm giáo đoàn thay ngài (1 Ts 3,1-2). Trong khi đó vì không thành công trong công tác loan báo Tin Mừng tại Athènes, nên Phaolô và Silvano đã đi Côrintô. Chính tại đây thánh nhân gặp lại Timôtêô từ Thêxalônica trở về cho tin tức. Tín hữu giáo đoàn Thêxalônica chẳng những kiên trì trong lòng tin, mà còn sống đạo mạnh mẽ nữa. Phaolô như người chết sống lại. Mọi âu lo khắc khoải đều tan biến hết, nhường chỗ cho niềm vui khôn tả. Thánh nhân cám tạ ơn Chúa vô vàn vì đã gìn giữ các tín hữu Thêxalônica. Thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalônica đã nảy sinh trong bối cảnh ấy.
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Linh Tiến Khải
Tags:
Thần học