Cùng với chương 17,1-10 sách Công Vụ, thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalônica là tài liệu qúy báu giúp chúng ta hình dung ra gương mặt của giáo đoàn trẻ Thêxalônica, mà thánh Phaolô đã phải từ giã, một thời gian ngắn sau khi thành lập. Chương 16,2 sách Công Vụ nói là sau ba tuần. Nhưng có lẽ thời gian lưu lại Thêxalônica đã lâu hơn, vì chương 4,16 thư gửi tín hữu Philiphê cho chúng ta biết là thánh Phaolô và các cộng sự viên đã hai lần nhận được viện trợ từ Philiphê, là thành phố nằm cách Thêxalônica 150 cây số.
Trước hết giáo đoàn Thêxalônica gồm các tín hữu không do thái theo Kitô (1,9), nghĩa là một cộng đoàn khác với các cộng đoàn gồm các tín hữu gốc do thái theo Kitô như cộng đoàn Giêrusalem và các cộng đoàn hỗn hợp gồm các anh chị em do thái và không do thái theo đạo, như trường hợp cộng đoàn Antiochia bên Siri. Các tín hữu Thêxalônica vừa tin nhận Thiên Chúa duy nhất như đã được tín hữu do thái tuyên xưng, vừa tin nhận Đức Giêsu Kitô Đấng đã chết và sống lại là Con của Ngài. Nghĩa là họ tin nhận tôn giáo độc thần và lòng tin Kitô (1,9-10). Lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô tử nạn và phục sinh được minh xác qua các công thức tuyên xưng lòng tin được thánh Phaolô lập đi lập lại trong thư chẳng hạn như: “Nếu Đức Giêsu đã chết và đã sống lại và chúng ta tin Ngài...” (4,14), hay “Ngài đã chết cho chúng ta...”(5,10), hoặc “...chờ đợi Con của Chúa từ trời xuống, Đấng Thiên Chúa đã cho sống lại từ kẻ chết” (1,10).
Tuy nhiên trong thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalônica thánh Phaolô đã nhấn mạnh tới biến cố Chúa Kitô quang lâm để cứu rỗi các tín hữu. Chương 1,9-10 là kiểu tóm tắt kiểu cách rao giảng Tin Mừng chung trong thời Giáo hội khai sinh: “Ai nấy đều nhắc tới cách thức anh chị em đã đón tiếp chúng tôi và thuật lại việc anh chị em đã mau mắn từ bỏ các tà thần để quay về thờ phượng Thiên Chúa hằng sống và chân thật như thế nào, cũng như đợi chờ Con của Ngài từ trời xuống, Đấng đã được Ngài cho sống lại từ kẻ chết, là Đức Giêsu Đấng giải thoát chúng ta khỏi cơn thịnh nộ gần kề”. Ở đây kinh nghiệm kitô được định nghĩa như là việc chờ đợi Chúa Giêsu trở lại vào ngày sau hết. Tín hữu hướng cái nhìn của minh về tương lai. Như thế có thể định nghĩa cuộc sống của tín hữu trong cộng đoàn Thêxalônica như là hy vọng vào ơn cứu độ mai sau. Trên thực tế họ đợi chờ Chúa Kitô từ trời xuống để đem họ lên theo về thế giới thiên linh của Thiên Chúa. Cũng chính vì thế hánh Phaolô mới viết trong chương 4,16-17: “Vì khi hiệu lệnh được ban ra, và tỗng lãnh thiên thần lên tiếng, cùng với tiếng kèn của Thiên Chúa trổi vang, thì chính Chúa Kitô sẽ từ trời xuống: Khi đó những kẻ đã chết trong Chúa Kitô sẽ sống lại trước tiên. Tiếp đến là chúng ta, những người còn sống sót, chúng ta sẽ được cất nhắc lên với họ trên các tầng mây để gặp Chúa trên không trung và như thế chúng ta sẽ sống với Chúa luôn mãi”.
Qua đó chúng ta nhận ra thái độ trông chờ nôn nóng thái qúa của tín hữu Thêxalônica. Mọi người đều nghĩ rằng biến cố Chúa Giêsu Kitô quang lâm rất gần kề, nên nhiều tín hữu, kể cả thánh Phaolô nữa cũng tin rằng mình sẽ còn sống cho tới lúc ấy và tham dự vào biến cố cứu độ trọng đại này. Có thể họ đã nghĩ rằng vì Chúa Giêsu Kitô đã phục sinh vinh hiển và chiến thắng cái chết, nên Ngài cũng sẽ miễn cho họ khỏi phải sống kinh nghiệm khủng khiếp này của cái chết. Cũng giống như ông Enoc, tổ phụ thời tiền lụt hồng thủy và ngôn sứ Elia, là những người đã được Thiên Chúa ban ơn đặc biệt cho trực tiếp bước vào thế giới thiên quốc, mà không phải sống kinh nghiệm cái chết và sự rữa nát của thân xác (St 5,24; 2 V 2,1-11), các kitô hữu Thêxalônica nghĩ rằng họ cũng sẽ được trực tiếp từ trần gian bước vào căn nhà trên trời. Ơn cứu rỗi chính là sự kiện được bước vào cuộc sống hạnh phúc thiên quốc ấy. Và đó là nỗi niềm mong ước nồng cháy của cộng đoàn kitô thời bấy giờ.
Phải nói ngay rằng chẳng bao lâu sau đó các sự kiện cụ thể đã giúp tín hữu Thêxalônica và cả thánh Phaolô nữa nhận ra cái ngây thơ và hão huyền của sự hy vọng này. Tuy nhiên, thái độ nôn nóng trông chờ biến cố Chúa Giêsu Kitô trở lại phán xét trần gian đó đã ảnh hưởng trên cung cách sống thường ngày của các tín hữu. Một số người vì qúa tin chắc là chẳng bao lâu nữa Chúa Kitô sẽ quang lâm, nên họ khoanh tay chờ đợi, bỏ bê công ăn việc làm, lơ là bổn phận thường ngày, mọi việc trần gian khác và gây hang mang lo lắng cho người khác. Do đó trong thư thánh Phaolô đã phải khuyên các anh chị em này bình tĩnh trở lại và tiếp tục chu toàn các công việc và bổn phận thường ngày (4,11). Thật ra ngoài một số người kể trên, tín hữu cộng đoàn Thêxalônica sống rất can đảm và dấn thân. Chính thánh Phaolô cũng đã phải công nhận rằng lòng tin của tín hữu trong cộng đoàn thể hiện ra trong cuộc sống cụ thể. Tình yêu thương đối với Thiên Chúa được tín hữu Thêxalônica diễn tả bằng các công tác liên đới trợ giúp. Và mặc dù phải sống trong một hoàn cảnh đầy đối nghịch, khó khăn, bất trắc và đe dọa, họ vẫn kiên trì đợi chờ ngày Chúa đến (1,3). Càng gặp thử thách khó khăn bao nhiêu họ lại càng gắn bó và bám chặt vào Chúa bấy nhiêu, đến nêu gương sáng cho tín hữu mọi giáo đoàn khác (1,7).
Trên bình diện luân lý, nội dung thư gửi tín hữu Thêxalônica hé mở cho thấy môi trường xã hội Thêxalônica có các đòi buộc nghiêm chỉnh và dân chúng rất hướng về các giá trị tinh thần. Thánh Phaolô không ghi nhận trường hợp bất thường nào trong cuộc sống của tín hữu. Ngài chỉ muốn củng cố con đường lòng tin mà các tín hữu đã bắt đầu với ngài (4,1). Đặc biệt thánh nhân muốn khuyên nhủ tín hữu dấn thân sống đời sống thánh thiện, xa lánh sự dữ và tội lỗi, để luôn luôn sẵn sàng gặp Chúa Giêsu Kitô, khi Ngài quang lâm. Nói cách khác, Phaolô khuyên tín hữu phải sống làm sao để đừng đánh mất ơn cứu độ trong ngày cuối cùng của Chúa (5,4). Thí dụ ngài viết trong chương 5 câu 23 như sau: “Ước chi Thiên Chúa của hòa bình thánh hóa anh chị em hoàn toàn, và ước chi tinh thần, linh hồn và thân xác của anh chị em được giữ gìn trọn vẹn để anh chị em không thể bị trách cứ gì khi Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta đến”.
Liên quan tới nội dung các giáo huấn luân lý đạo đức thánh Phaolô chỉ đưa ra các lời kêu gọi chung chung khiến chúng ta liên tưởng tới các đề tài và lược đồ thuộc truyền thống do thái nổi tiếng là có giá trị luân lý cao với các đòi buộc nghiêm ngặt. Nhưng các điểm này không diễn tả sắc thài đặc thù của các cộng đoàn kitô tiên khởi. Tuy nhiên cần xác định rằng các đòi buộc luân lý mà thánh Phaolô và các thừa sai đề ra cho các tín hữu ngoại giáo Thêxalônica theo Kitô, cũng đã là một lý trởng luân lý cao, so sánh với thói tục sống buông thả trước kia của họ.
Chúng ta không có nhiều tin tức giúp hiểu biết kiểu cách tổ chức nội bộ của cộng đoàn kitô Thêxalônica. Trong thư thứ nhất thánh Paholô chỉ nói tới một vài tín hữu chú ý tới các anh chị em khác và cố gắng khuyến cáo họ khi có chuyện gì cần nói. Họ là các thủ lãnh tự phát, được cộng đoàn thừa nhận vì các nỗ lực dấn thân và vì khả năng của họ, chứ không phải là một quyền bính được thành lập theo nguyên tắc. Thánh Phaolô cũng khuyên tín hữu tôn trọng và qúy mến họ, không dựa trên một quyền hợp hiến nhưng là vì các dấn thân và công việc ích lợi mà họ làm cho cộng đoàn. Phaolô viết trong chương 5,12-13: “Thưa anh chị em, chúng tôi xin anh chị em hãy qúy trọng các người giữa anh chị em đã lao nhọc trong việc hướng dẫn anh chị em trong Chúa và sửa dạy anh chị em. Hãy hết lòng kính trọng họ với tình yêu thương vì công việc họ làm. Và hay sống hòa bình với nhau”. Những gì thánh Phaolô viết trên đây cho thấy các vị lãnh đạo cộng đoàn ấy gồm nhiều người theo kiểu các người lãnh đạo có đặc sủng, chứ không phải chỉ là một vị lãnh đạo được chính thức cắt đặt cai quản cộng đoàn. Nói cách khác, trong cộng đoàn kitô Thêxalônica đã có các tín hữu có khả năng, tình nguyện và có sáng kiến đứng ra đảm lãnh trách nhiệm phục vụ cộng đoàn.
Trên bình diện đối ngoại, thư thánh Phaolô cho chúng ta biết các tín hữu kitô Thêxalônica phải sống trong môi trường thù nghịch với họ. Thánh Phaolô không ngần ngại so sánh tình trạng sống của giáo đoàn Thêxalônica với con đường thập giá của các cộng đoàn bên Palestine (2,4). Tuy thánh Phaolô không bao giờ nói tới việc bắt đạo, nhưng sự kiện ngài nêu bật các khó khăn và đối kháng do người do thái gây ra cho các tín hữu của giáo đoàn trẻ này, khiến cho chúng ta có thể kết luận là quả thật tín hữu đã bị sách nhiễu. Cũng có thể nói thêm rằng người do thái sống tại Thêxalônica còn xúi dục dân ngoại chống đối nhóm tín hữu kitô. Dẫu thế nào đi nữa, vì lựa chọn theo Chúa Kitô và sống lòng tin của mình, nhóm kitô hữu Thêxalônica phải sống trong hoàn cảnh bị cô lập hóa.
Chúng ta cũng không có tin tức chính xác liên quan tới chân dung của các thành phần tín hữu thuộc cộng đoàn Thêxalônica. Theo chương 17,4 sách Công Vụ trong các tín hữu có một số phụ nữ thuộc lớp thượng lưu. Nhưng vì tác phả của thánh Luca có mục đích bênh vực Kitô giáo, nên khó mà biết chắc tin trên là tin có thực hay chỉ lá một kiểu quảng cáo cho giáo đoàn này. Dựa trên lời thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu hãy làm việc để có cơm bánh, hãy làm việc để mưu sinh chứ đừng ăn không ngồi rỗi, chúng ta có thể khẳng định rằng các tín hữu là giới công nhân lao động (4,11). Vào thời đó giới lao động gồm các nô lệ, phu khuân vác tại bến cảng Thêxalônica, và gới tiểu công nghệ. Qua đó chúng ta có thể hình dung ra các thành phần cộng đoàn. Đa số họ là dân lao động thuộc giai tầng thấp kém trong xã hội.
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Linh Tiến Khải
Tags:
Thần học