CHƯƠNG II
ĐẶC THÁI, KẾT CẤU VÀ NỘI DUNG THƯ THỨ I GỬI GIÁO ĐOÀN THÊXALÔNICA
++++++
KẾT CẤU VÀ NỘI DUNG THƯ THỨ I GỬI GIÁO ĐOÀN THÊXALÔNICA
Khi đọc thư thứ I gửi giáo đoàn Thêxalônica, chúng ta nhận ra ngay kết cấu của thư, gồm hai phần. Phần nhứ nhất gồm ba chương đầu có nội dung là các lời cảm tạ ngợi khen Thiên Chúa. Phần thứ hai gồm hai chương còn lại bao gồm các lời khích lệ khuyên nhủ tín hữu.
Bình thường thánh Phaolô bắt đầu các thư của ngài với lời đội ơn Thiên Chúa. Nhưng trong thư thứ I gửi giáo đoàn Thêxalônica, lời cám tạ ngợi khen ấy được khai triển và kéo dài làm thành đề tài chính của trọn phần đầu bưc thư. Lời cám tạ trở thành một thứ điệp khúc được thánh nhân lập đi lập lại: “Chúng tôi không ngừng cám tạ Thiên Chúa cho anh chị em tất cả, và luôn luôn nhớ tới anh chị em trong lời cầu nguyện của chúng tôi” (1,2). “Đấy là lý do tại sao chúng tôi không ngừng đội ơn Thiên Chúa” (2.13). “Chúng tôi phải tạ ơn Thiên Chúa thế nào để đáp trả lại tất cả niềm vui mà nhờ công lao của anh chị em chúng tôi được nếm hưởng trước mặt Thiên Chúa chúng ta?” (3,9).
Chính thực tại sống lòng tin tuyệt diệu của tín hữu giáo đoàn Thêxalônica là lý do khiến thánh nhân không ngừng cảm tạ ngợi khen Thiên Chúa. Phải sống trong muôn ngàn khó khăn thử thách giữa một môi trường ngoại giáo đối nghịch với kitô hữu như thế, mà anh chị em Thêxalônica vẫn kiên vững sống lòng tin, lòng mến và lòng cậy một cách cụ thể, không hề suy yếu chuyển lay, thì quả thật là một ơn trọng đại chỉ có Chúa mới có thể ban cho giáo đoàn. Họ quả thật là những người được Thiên Chúa tuyển chọn. Tình yêu thương nhưng không của Thiên Chúa Cha tỏ lộ rõ ràng nơi họ. Ngài là Đấng đã lựa chọn để cho họ sống kinh nghiệm sự hiệp thông với Ngài và với các tín hữu kitô khác, trong khi đợi chờ ngày cánh chung. Nếu không vậy thì làm sao có thể giải thích được thái độ tín hữu Thêxalônica tin nhận và đáp trả lại lời kêu mời của Chúa mạnh mẽ như thế? Ngoài ra tin họ theo đạo được mọi người đồn thổi khắp nước Hy Lạp và trở thành một kiểu quảng cáo hữu hiệu cho công tác truyền giáo. Tất cả mọi sự kiện đó không thể xảy ra nếu không có bàn tay can thiệp của Thiên Chúa từ nhân. Chính vì thế thánh Phaolô vô vàn cảm tạ Chúa.
Tuy nhiên, Phaolô không chỉ hài lòng kể ra các lý do khiến thánh nhân luôn biết ơn cám tạ Chúa. Phaolô còn duyệt xét lại các biến cố đã khiến cho ngài gắn bó với các tín hữu Thêxalônica. Thánh nhân gợi lại các biến cố với tâm tình chia sẻ cảm động và nhất là với lòng biết ơn sâu thẳm đối với Thiên Chúa, là Đấng đã hướng dẫn mọi sinh hoạt truyền giáo của ngài. Có định nghĩa đây là một “cử chỉ tạ ơn” thật cũng không qúa đáng. Trong nhãn quan lòng tin và tâm tình cám mến đó sự kiện Phaolô và các cộng sự viên bị đuổi khỏi thành phố Philiphê trở thành dịp cho ngài tới rao truyền Tin Mừng tại Thêxalônica và gặp gỡ tín hữu Thêxalônica. Một biến cố tự nó là tiêu cực có thể được Thiên Chúa biến trở thành tích cực để mưu ích lợi cho phần rỗi của con người. Đang truyền giáo tại Philiphê thì bị đuổi: đó là một thất bại cho Phaolô và các cộng sự viên của ngài. Nhưng nhờ thế Phaolô và các thừa sai mới sang Thêxalônica. Và sự hiện diện của các vị tại thành phố này không phải là vô ích. Sự thất bại nhục nhã ê chề tại Philiphê khiến cho Phaolô và các cộng sự viên càng trông cậy tín thác nơi Thiên Chúa hơn. Do đó cho dù có lại gặp khó khăn thử thách tại Thêxalônica, các vị vẫn cậy trông giảng dạy với tất cả thiện tâm của mình. Thánh nhân đã ra sức rao truyền Tin Mừng của Chúa cho họ với tất cả ý hướng tốt lành, vô vị lợi và lòng hy sinh xả kỷ.
Phaolô và các cộng sự viên ý thức được sứ mệnh của các vị là loan báo Tin Mừng cứu độ của Chúa, chứ không phải giảng dạy cốt ý làm đẹp lòng người đời hay hàng lãnh đạo trần gian, lại càng không phải để phỉnh nịnh ai hay tìm tư lợi. Các vị cũng không tìm hư danh từ bất cứ thành phần xã hội nào khác, kể cả các tín hữu. Các thừa sai cũng không đòi hỏi quyền được cung phụng và trợ giúp vật chất hay tài chánh, mặc dù việc các tín hữu lo lắng của ăn thức uống và nơi chốn ngủ nghỉ cho các thừa sai là thói quen thông thường của xã hội thời đó. Thay vì đòi hỏi được chu cấp và trọng đãi Phaolô và các cộng sự viên đã phải cố gắng tự lực mưu sinh, cần cù làm việc ngày đêm để có phương tiện nuôi thân, mà không phải phiền lụy tới các tín hữu và trở thành gánh nặng cho họ. Thế rồi ngoài việc giảng dạy Tin Mừng cứu độ một cách hoàn toàn nhưng không, Phaolô và các cộng sự viên còn nêu gương sống đơn sơ, khiêm tốn, và rất mực yêu thương, chú ý tới các tín hữu. Không có chuyện quan liêu, hách dịch, bao cấp, trịch thượng và đòi hỏi. Lại càng không có chuyện “cả vú lấp miệng em”, mắng mỏ, đánh đập, hất hủi và đối xử hạ cấp. Trái lại, các vị có cung cách cư xử rất trân trọng đối với tín hữu, âu yếm, hiền dịu và chân thành với họ như cha mẹ lo lắng cho con cái nhỏ dại. Đặc biệt các vị không ngừng khuyên bảo, an ủi và nài xin các tín hữu sống xứng đáng với Thiên Chúa, Đấng đã gọi họ vào Nước của Ngài để hưởng vinh quang bất diệt. Qua những lời lẽ tâm sự chân tình ấy, thánh Phaolô cho chúng ta thấy cả một tinh thần tu đức truyền giáo và đường lối sư phạm truyền giáo, mà hàng giáo sĩ tu sĩ và các người có nhiệm vụ rao truyền Tin Mừng thuộc mọi thời đại phải năng để tâm suy gẫm (2,1-16).
Thái độ của tín hữu Thêxalônica vui mừng tiếp nhận Tin Mừng giữa mọi chống đối khó khăn của môi trường ngoại giáo trở thành kỷ niệm không bao giờ phai nhòa trong ký ức Phaolô. Tất cả trở thành nguồn hứng khởi khiến Phaolô xúc động cám tạ đội ơn Thiên Chúa, là Đấng đã ban cho thánh nhân ơn hăng say rao giảng Tin Mừng và cho tín hữu lòng nhiệt thành tiếp nhận Tin Vui cứu độ. Từ đó nảy sinh một giáo đoàn kitô sống động đích thực tại Thêxalônica .
Biến cố Phaolô phải bất thình lình xa rời cộng đoàn mới thành hình chưa được bao lâu lại càng in nét sâu đậm trong ký ức Phaolô hơn nữa (2,17-3,10). Thánh nhân khắc khoải muốn gặp lại các tín hữu, nhưng việc trở lại Thêxalônica gặp qúa nhiều chướng ngại không vượt thắng được. Bên cạnh nỗi nhớ thương đó là sự âu lo cho số phận của họ, phải đương đầu với mọi đối nghịch của môi trường xã hội chung quanh. Phaolô sợ các tín hữu mới theo đạo chán nản ngã lòng trước các bắt bớ và chèn ép đó. Sau cùng, khi không biết làm sao hơn, thánh nhân gửi cộng sự viên của mình là Timôtêô về Thêxalônica thăm tín hữu giáo đoàn thay ngài, xem tình hình giáo đoàn ra sao. Khi Timôtêô trở lại cho biết chẳng những tín hữu kiên trì trong mọi thử thách mà còn sống đạo hăng say sốt mến, nêu gương cho mọi người gần xa và luôn ghi nhớ công lao vị tông đồ đã đem Tin Mừng cứu độ tới cho họ và không nề quản yêu thương, hy sinh, xả kỷ, săn sóc họ như người mẹ săn sóc con thơ (2,7), như người cha lo lắng cho con cái (2,11), thánh Phaolô vui mừng qúa đỗi, không tìm ra lời nào để tạ ơn Thiên Chúa nữa (3,9). Và thánh nhân kết thúc phần thứ nhất của thư với hai lời khẩn cầu, nài xin Thiên Chúa san bằng mọi khó khăn chướng ngại trên con đường dẫn tới Thêxalônica, để thánh nhân có thể tới viếng thăm họ, và xin Chúa luôn trợ giúp các tín hữu Thêxalônica rất thân mến của ngài lớn lên trong tình yêu thương và có cung cách sống không thể chê trách vào đâu được (3,11-13).
Xét trên bình diện hình thức chúng ta nhận thấy kiểu nói sóng đôi “chúngtôi - anh chị em”, làm thành hai trục của ký ức nói trên. Đây là một lịch sử được dệt từ hai mặt: một phía là thánh Phaolô và các thừa sai cộng sự viên, phía kia là các tín hữu của cộng đoàn Thêxalônica. Chiếc thoi giao thoa đó chạy rất nhanh trong chương 1,5-10: chúng tôi đã loan báo Tin Mừng tại Thêxalônica không phải chỉ bằng lời nói, mà còn với sức mạnh của Chúa Thánh Thần nữa (1,5-6). Anh chị em đã tiếp nhận Lời của Thiên Chúa với niềm vui giữa muôn ngàn khó khăn thử thách, nêu gương sáng cho người khác (1,7-8). Chúng tôi đã được tiếp đón nồng nhiệt (1,9). Anh chị em đã hoán cải trở về với Thiên Chúa duy nhất chân thật và với Chúa Giêsu (1,9-10). Tiếp đến là sự hiện diện hoạt động của “chúng tôi” tại Thêxalônica (2,1-12) và thái độ gắn bó xác tín vào lòng tin của “anh chị em” Thêxalônica (2,13-16). Sau đó là nỗi âu lo của “chúng tôi” phải rời xa giáo đoàn mới thành hình chưa được bao lâu (2,17-3,5). Nhưng “anh chị em” đã kiên vững trong lòng tin. Do đó “chúng tôi” được tràn đầy an ủi và niềm vui khôn xiết (3,7-13).
Trong hình thái và lược đồ ngôn ngữ đó tiềm ẩn cả một kinh nghiệm gặp gỡ, hiệp thông sâu xa nối kết thánh Phaolô, các thừa sai cộng sự viên và tín hữu giáo đoàn Thêxalônica. Cái giao thoa ngôn ngữ “chúng tôi- anh chị em” diễn tả cái giao thoa sự sống giữa cá vị thành lập giáo đoàn kitô với các tín hữu thành phần của giáo đoàn. Sợi dây nối kết hai bên là Tin Mừng của Chúa, nghĩa là lời loan báo qua Chúa Giêsu Kitô tử nạn và phục sinh, Thiên Chúa ban ơn cứu độ cho con người và mời gọi con người bước vào một cuộc sống mới của lòng tin cậy mến. Việc tham dự vào biến cố đó khiến cho tín hữu bước vào vòng hiệp thông sâu xa giữa các người loan báo Tin Mừng và các người nghe loan báo Tin Mừng. Sự kết hiệp đó đặt nền tảng trên cùng lời được loan báo và được tiếp nhận, trên cùng một niềm tin được rao giảng và được đón nhận, trên cùng một niềm hy vọng được cống hiến và được tiếp thu. Từ đó phát sinh ra một tình huynh đệ thiêng liêng, khiến cho tín hữu dấn thân cả cuộc đời. Đây là lý do tại sao thánh Phaolô không ngừng gọi các tín hữu Thêxalônica là “anh chị em”. Thư gửi cho họ phát xuất từ tình yêu thương huynh đệ và diễn tả sự hiệp nhất huynh đệ ấy.
Tags:
Thần học