MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN MỤC VỤ BÍ TÍCH HÔN PHỐI
1. THỦ TỤC TIẾN HÀNH HÔN NHÂN TRONG GIÁO HỘI
1.1 Nguyên tắc chung về việc chuẩn bị hôn nhân
Giáo luật điều 1063: Các vị chủ chăn các linh hồn buộc phải liệu sao cho cộng đoàn Giáo Hội của mình biết trợ giúp các Kitô hữu, để bậc hôn nhân được bảo tồn trong tinh thần kitô giáo và tiến tới trong sự hoàn thiện. Việc trợ giúp này phải được thực hiện nhất là:
10 Bằng việc giảng thuyết, bằng việc huấn giáo thích hợp cho nhi đồng, thanh niên và người thành niên, và cũng bằng việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, nhờ đó các Kitô hữu được giáo huấn về ý nghĩa hôn nhân kitô giáo và về vai trò của người phối ngẫu cũng như của các bậc cha mẹ kitô giáo;
20 Bằng việc chuẩn bị cá nhân để kết hôn, nhờ đó hai vợ chồng được sẵn sàng hướng đến sự thánh thiện cũng như những bổn phận của bậc sống mới;
30 Bằng việc cử hành hôn nhân cách hữu hiệu theo phụng vụ, để minh hoạ rằng hai người phối ngẫu là biểu hiện của mầu nhiệm hiệp nhất và tình yêu phong phú giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, và họ tham dự vào mầu nhiệm ấy;
40 Bằng việc giúp đỡ các đôi vợ chồng, để khi trung thành gìn giữ và bảo vệ giao ước hôn nhân, họ biết sống cuộc đời đôi bạn ngày càng thánh thiện và hoàn hảo hơn.
Ta thấy việc chuẩn bị gồm chuẩn bị xa, chuẩn bị gần, chuẩn bị trực tiếp để đi đến kết hôn và sau cùng là việc chuẩn bị sau khi kết hôn.
1.2. Học giáo lý hôn nhân
Nơi học: Có thể xin học giáo lý hôn nhân tại giáo xứ riêng của mình hay tại một giáo xứ thuận tiện cho mình, nơi mình đang cư trú vì đang học hành, công việc, công tác (trường hợp sau nên xin giấy giới thiệu cha xứ riêng để đến nơi khác học giáo lý). Các cha xứ nơi đôi bạn có cư sở hay bán cư sở có bổn phận lo liệu cho họ. Các cha xứ khác có thể giúp đỡ họ.
Thời gian học: Các dự tòng cần được học giáo lý theo thời gian quy định, hoặc ít là 6 tháng và trong thời gian này, các cha xứ và người bạn công giáo sẽ giúp họ tham dự thánh lễ và các giờ kinh nguyện chung với cộng đoàn giáo dân.
Khi có lý do phải chính đáng, ví dụ bên nữ đang mang thai và vì thể diện gia đình, hoặc người dự tòng không thể đi học giáo lý trong thời gian lâu dài vì đi làm xa hay vướng bận việc học hành, cha xứ có thể thu xếp thời gian học giáo lý cách nào thuận tiện cho đương sự, nhưng không nên quá ít và nên tăng thêm giờ học. Mục đích là giúp đương sự có thời gian học hỏi và tập sống đức tin theo giáo lý Công giáo.
Chứng chỉ đã học: Chứng chỉ giáo lý hôn nhân là bằng chứng các đương sự đã tham dự lớp giáo lý này.
1.3 Đăng ký và chuẩn bị
- Gặp gỡ và trao đổi với cha xứ: Đôi bạn đến gặp cha xứ, trước khi đăng ký kết hôn phần đời. Việc này là cần thiết vì có trường hợp đã đăng ký kết hôn phần đời, mà lại không thể cử hành hôn phối phép đạo được vì có ngăn trở tiêu hôn, thậm chí không thể chuẩn được, thí dụ còn dây hôn phối trước.
Ngoài ra, vì ích lợi mục vụ và theo văn hóa gia đình Việt Nam, khi đến gặp cha xứ, nên có sự hiện diện của cha mẹ đôi bên, hoặc ít là của cha hoặc mẹ. Trường hợp vì hoàn cảnh nào đó thì có thể cho số điện thoại để liên lạc nhờ đó có thể giúp lượng định sự trung thực của đôi bạn cách đầy đủ rõ ràng hơn.
- Xác định nơi cử hành hôn phối: Đôi bạn có thể xin cử hành hôn phối tại giáo xứ hoặc bên nam hoặc bên nữ, hoặc tại một nơi khác khi có lý do chính đáng, với phép của Đấng Bản quyền riêng hay của cha xứ riêng. Trường hợp cử hành ở nơi khác, xin các cha xứ giúp đỡ, như cung cấp những giấy tờ cần thiết. Trường hợp khác giáo phận, xin các cha giúp đáp ứng theo yêu cầu của giáo phận đó, như có giáo phận yêu cầu cha xứ bên nào làm “Tờ khai trước khi kết hôn” bên ấy[1].
- Trường hợp theo đạo để kết hôn: Cha xứ và gia đình bên công giáo nên cần xem xét trước thật kỹ lưỡng về tình trạng thong dong của đương sự, xem có bị ngăn trở gì về hôn nhân theo giáo luật và dân luật, đồng thời giúp họ giải quyết các ngăn trở này nếu có thể, trước khi linh mục tiến hành ban bí tích Rửa tội và Hôn phối cho họ.
Việc điều tra tình trạng thong dong của người lương dân hay tân tòng trước kết hôn cần có bản lý lịch ký nhận của người ấy. Trong bản lý lịch, nêu rõ các giai đoạn sống ở dâu, làm gì; họ và tên cha mẹ, anh chị em và số điện thoại của họ để cha xứ có thể liên lạc hỏi thăm điều tra.
Trường hợp người lương đã kết hôn và ly dị sau đó muốn kết hôn với người công giáo: đây là ngăn trở tiêu hôn, cần báo cho cha sở biết để giải quyết ngăn trở này trước khi đăng ký kết hôn. Có khi bản thân họ và cả bên Công giáo có thể lầm tưởng là không có ngăn trở tiêu hôn.
1.4. Những giấy tờ cần thiết
Cha nào làm giấy giới thiệu? Nếu xin cử hành hôn phối tại giáo xứ bên nữ, cha xứ bên nam làm giấy giới thiệu bên nam cho cha xứ bên nữ, và ngược lại.
Giấy tờ cần thiết: Cha xứ nơi cử hành hôn phối tiến hành và thu thập giấy tờ cần thiết, tùy trường hợp có thể có 7 loại giấy tờ sau đây:
1)- Giấy giới thiệu kết hôn. Giấy này cần có những xác nhận cư sở, chưa có kết hôn trong thời gian cư ngụ tại giáo xứ và chưa thấy có cấm hôn hay ngăn trở tiêu hôn. Cha xứ có bổn phận cấp giấy giới thiệu, không được từ chối vì lý do đương sự không đi hoặc ít đi tham dự lễ, không tham gia sinh hoạt, không đóng góp… Trường hợp một người ngoại giáo dù ở trong hay ngoài địa bàn giáo xứ đến xin giấy giới thiệu kết hôn, cha xứ có bổn phận giúp đỡ và hướng dẫn họ[2].
2)- Giấy Chứng nhận rửa tội không quá 6 tháng và chứng nhận thêm sức: không quá sáu tháng là để tránh sự thiếu cập nhật tình trạng nhân thân, ví dụ như về kết hôn, tuyên bố hôn nhân vô hiệu, chịu chức thánh, khấn dòng… buộc phải ghi chú vào chứng thư và sổ Rửa tội. Nếu bên Công giáo chưa được Thêm sức, thì cha xứ xin Giám mục ủy quyền để ban.
3)- Tờ khai trước khi kết hôn. Nên biết Tờ khai trước khi kết hôn được làm ngay từ đầu để biết trước những ngăn trở, nếu có, và thường do cha xứ nơi cử hành hôn nhân thực hiện. Nơi nhận được giấy xin rao, thì xin cha xứ cho rao theo luật, không được hoãn hay giam lại. Tờ khai phải được thực hiên bởi riêng từng người một trước cha sở hay linh mục được ủy thác và được làm ngay từ khi đăng ký kết hôn, không được ủy thác cho giáo dân làm tờ khai.
Ngoài tờ khai, nếu là người lương hay tân tòng thì nên yêu cầu làm thêm một bản lý lịch dân sự, để biết tình trạng nhân thân và hoàn cảnh trong các thời gian sống của họ ở những nơi nào đó. Trong lý lịch, yêu cầu họ ghi thêm số điện thoại của cha mẹ và anh chị em, để cha chứng hôn có thể liên lạc và điều tra thêm.
4)- Giấy rao hôn phối.
5)- Giấy chứng chỉ giáo lý hôn nhân. Chứng chỉ giáo lý hôn nhân và Giấy đăng ký kết hôn dân sự phải hoàn có trước khi cử hành hôn phối; cách riêng chứng chỉ giáo lý hôn nhân, hay chứng nhận đã học giáo lý hôn nhân ở một nơi khác thì cha xứ nơi cử hành hôn phối có thể nhìn nhận hay kiểm tra lại nếu thấy cần thiết.
6)- Giấy đăng ký kết hôn dân sự: Giáo luật đòi phải xin phép Đấng Bản quyền khi chứng hôn cho những người không thể được công nhận hay không thể kết hôn theo luật dân sự[3], do đó giấy này buộc phải có trước khi cử hành hôn phối.
7)- Giấy chuẩn ngăn trở hay hôn phối khác đạo, hoặc các trường hợp đòi buộc khác:[4] Trường hợp có ngăn trở tiêu hôn mà có thể chuẩn được, ví dụ kết hôn khác đạo, có họ máu từ 4 đời trở xuống, có họ kết bạn, thì cần phải xin chuẩn ngăn trở đó nơi Đấng Bản quyền địa phương vì nếu không thì kết hôn sẽ vô hiệu.
Trường hợp bị luật hạn chế như thiếu giấy đăng ký kết hôn dân sự, kết hôn hỗn hợp… thì cần xin phép Đấng Bản quyền địa phương để được hợp luật.
1.5. Trách nhiệm pháp lý lập hồ sơ hôn phối
Trách nhiệm pháp lý: vì phải lập hồ sơ (gồm các loại giấy tờ liên quan, điều tra, rao báo…), và theo giáo luật, trước khi chứng hôn, linh mục chứng hôn phải biết rõ là không có ngăn trở việc cử hành hôn nhân thành sự và hợp pháp (giáo luật đ. 1066) và ngài phải làm những gì đã ấn định để chứng minh tình trạng thong dong của đương sự (giáo luật đ. 1113).
Trách nhiệm pháp lý lập hồ sơ hôn phối, trước tiên, thuộc cha xứ nơi cử hành hôn phối:
- Cha xứ bên nam nếu cha nhận cử hành hôn lễ trong giáo xứ của mình.
- Cha xứ bên nữ nếu cha nhận cử hành hôn lễ trong giáo xứ của mình.
- Cha xứ của nơi một bên tạm trú hay đã cư ngụ được một tháng hay chưa đủ một tháng mà có giấy phép của cha xứ hay của Đấng Bản quyền riêng của một trong hai bên[5]. Với quy định “đã cư ngụ một tháng”, luật vẫn tôn trọng thời gian “ba tuần” để điều tra và rao hôn phối. Và cha xứ, nếu xét thấy không có gì trở ngại, có thể cho phép đôi bạn sắp xếp trước ngày giờ lễ cưới và tiệc cưới.
Theo trách nhiệm nói chung của vị mục tử, thì cha xứ của bên nam và bên nữ, hoặc các linh mục liên hệ phải có bổn phận giúp đỡ tín hữu của mình, bằng việc cấp giấy giới thiệu cho cha xứ nơi cử hành hoàn thành hồ sơ, các chứng nhận cần thiết…
Trách nhiệm giúp đỡ này cũng có thể là đảm nhận việc thu thập các giấy tờ cần thiết thay cho cha xứ nơi chứng hôn để dễ dàng cho cha xứ nơi đương sự tạm trú nhận lời chứng hôn cho đôi bạn tại địa sở của cha (vì cha có thể từ chối với lý do không biết gì về đôi bạn). Toàn bộ giấy tờ cùng với giấy giới thiệu được gởi đến cho cha xứ nơi cử hành.
Nên nhớ cha xứ có thẩm quyền chứng hôn trong địa bàn giáo xứ của mình, nên ngài có thể chứng hôn hay ủy quyền cho người khác chứng hôn trong giáo xứ của mình. Không được hiểu sai là cha xứ của bên nam hay bên nữ đó, đã ủy quyền chứng hôn cho cha xứ nơi cử hành.
1.6. Rao hôn phối
- Rao hôn phối là một cách có thể khám phá ra các ngăn trở tiêu hôn[6] và cấm kết hôn[7]. Tờ xin rao hôn phối phải được gởi đến các cha xứ của các bên, cả cha xứ của bên người lương đang cư ngụ, và thêm những cha xứ của nơi mà người kết hôn đã có cư ngụ trong một thời gian khá lâu và tại đó có hồ nghi là đương sự có kết hôn dân sự hay có sống chung ngoại hôn.
- Thủ tục rao: Rao ba lần, trừ trường hợp có lý do chính đáng được miễn rao. Rao ba lần, thường được rao vào ba Chúa Nhật liên tiếp. Cha xứ có quyền miễn rao một lần, cha hạt trưởng cho miễn rao hai lần và Bản quyền địa phương cho miễn rao ba lần[8].
- Trách nhiệm làm tờ rao: Cha xứ nơi cử hành hôn phối làm giấy rao hôn phối và gửi cho các cha xứ liên hệ.
- Trách nhiệm hồi báo kết quả: Các cha đã nhận tờ rao phải gởi lại tờ rao hôn phối cho cha xứ nơi cử hành hôn phối cùng với lời ghi chú, nếu có, về vấn đề ngăn trở hay hoài nghi[9].
Khi không thể liên hệ được với cha xứ riêng của đương sự, chẳng hạn đương sự ở quá xa nhà thờ, thì để xác nhận tình trạng thong dong, có thể dựa vào giấy của chính quyền chứng thực chưa đăng ký kết hôn lần nào, và lời chứng hay cam kết của gia đình cha mẹ đôi bên.
2. CỬ HÀNH HÔN NHÂN VÀ NHỮNG VIỆC LIÊN HỆ
Khi đã hoàn thành các thủ tục, xét không có những ngăn trở, vị tư tế hay phó tế có thẩm quyền sẽ tiến hành hôn phối cho đôi bạn theo thể thức Giáo Hội quy định với một số lưu ý như sau.
- Nghi thức hôn nhân thông thường: cử hành bí tích hôn phối trong Thánh lễ[10].
- Nghi thức hôn nhân hỗn hợp: Hôn nhân giữa một người công giáo và một người có rửa tội ngoài công giáo, (ví dụ như Tin lành, Anh giáo), phải sử dụng nghi thức cử hành hôn nhân ngoài Thánh lễ, trừ khi cần thiết và có phép của Đấng Bản quyền địa phương[11].
- Nghi thức hôn nhân khác đạo: Hôn nhân của một người công giáo với một người lương hay chưa rửa tội, thì dùng nghi thức hôn nhân khác đạo: không làm trong Thánh lễ. Tuy nhiên nếu thấy cần và được phép của bản quyền địa phương thì có thể cử hành trong Thánh lễ[12].
- Các đôi bạn công giáo có thai trước khi cưới: các cha xứ tùy hoàn cảnh và tùy từng trường hợp lấy lòng bác ái mục tử lo liệu Thánh lễ cho họ cách nào đó nếu không gây ra một gương xấu. Đây là trường hợp cần có sự nhạy bén mục vụ, cần suy xét cảm thông, không nên khắt khe, cứng nhắc. Chú ý đến hướng truyền giáo tích cực đối với hôn nhân khác đạo có phép chuẩn.
Trường hợp đã chung sống (tư hôn) và đã có con cái: nếu đôi bạn mong muốn được hợp thức hóa, đến cha xứ để xin xem xét, nếu thấy có ngăn trở, thì cha xứ sẽ xin chuẩn ngăn trở và cử hành hôn phối cho đôi bạn.
- Tránh phân biệt đối xử: Trong việc cử hành hôn nhân, nên diễn tả tính cách long trọng của lễ cưới ra bên ngoài một cách thích đáng, kể cả trong việc trang trí nhà thờ. Nhưng không nên có sự phân biệt giữa các cá nhân, địa vị xã hội, hoặc giàu hay nghèo[13].
- Giấy thông báo kết hôn: Sau khi cử hành hôn lễ, cha xứ nơi cử hành hôn phối phải gửi giấy thông báo kết hôn cho cha xứ nơi đương sự rửa tội để được ghi vào sổ rửa tội (đ. 1122), và nên gửi cho các cha xứ liên hệ như cha xứ bên nam hoặc bên nữ, hay cả hai cha xứ trong trường hợp đôi bạn cử hành hôn phối ở nơi khác.
- Sổ Gia đình công giáo: được cấp bởi Cha xứ riêng (tức là nơi đương sự có cư sở hay bán cư sở,…),còn linh mục chứng hôn sẽ cấp giấy chứng nhận hôn phối đã cử hành của đôi bạn để ghi vào sổ gia đình. Nếu giấy chứng nhận hôn phối đã được in sẵn trong sổ gia đình thì vị linh mục chứng hôn có thể ký vào đó, không cần cấp một giấy khác.
3. NHỮNG TRƯỜNG HỢP HÔN NHÂN ĐẶC BIỆT
3.1 Hôn nhân hỗn hợp
- Khái niệm: Hôn nhân hỗn hợp là hôn nhân giữa hai người đã được rửa tội, mà một bên thuộc Giáo Hội công giáo và bên kia thuộc một Giáo Hội hay một cộng đoàn Giáo Hội không hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội công giáo[14].
- Cần xin phép: Hôn nhân hỗn hợp chỉ hợp pháp khi có phép minh nhiên của giáo quyền[15].
- Hồ sơ: Hồ sơ và điều kiện để xin phép cử hành hôn nhân hỗn hợp cũng tương tự như hồ sơ xin chuẩn hôn nhân khác đạo[16].
- Trường hợp đã có hôn phối trước: Không nhận hồ sơ hôn phối của người đã được rửa tội ngoài Giáo Hội công giáo mà đã có hôn phối trước, dù đã ly dị phần đời[17].
- Nghi thức: phải sử dụng nghi thức cử hành hôn nhân ngoài Thánh lễ, trừ khi cần thiết và có phép của Đấng Bản quyền địa phương thì được cử hành trong Thánh lễ[18].
3.2. Hôn nhân khác đạo
- Giấy tờ: Các đôi hôn phối khác đạo cũng phải làm đầy đủ thủ tục giấy tờ như trường hợp hôn phối thông thường, đồng thời kèm thêm giấy chuẩn hôn phối khác đạo[19].
- Gặp gỡ: Đôi bạn nên đến gặp Cha xứ và ngài cần dành thời giờ gặp gỡ đôi bạn và nhất là cha mẹ bên ngoại giáo. Việc ân cần tiếp đón thân tình, cởi mở đối thoại và kiên nhẫn giảng giải có thể giúp giải tỏa nhiều hiểu lầm của người lương đối với đạo công giáo và đôi khi nhờ đó họ lại có thể tự nguyện theo đạo[20].
- Điều kiện chuẩn: Đặc biệt, cha xứ cần quan tâm giải thích để đôi bạn dự hôn hiểu rõ và chu toàn những điều kiện cần thiết để được chuẩn khác đạo như được quy định trong Giáo luật. Người bên lương cũng cần được học hỏi giáo lý hôn nhân của bên công giáo[21]. Phía bên gia đình công giáo cũng cần tích cực góp phần vào việc học hỏi này.
- Thẩm quyền chuẩn: Thường do Giám mục giáo phận hoặc cha Tổng đại diện chuẩn theo luật chung (x. đ. 1078§1).
- Trường hợp không chuẩn: không nhận đơn xin chuẩn hôn nhân khác đạo, nếu bên không rửa tội đã có một hôn nhân tự nhiên, dù đã ly dị phần đời[22].
Trong trường hợp này, đương sự (tức bên không rửa tội) có thể được hưởng đặc ân Phaolô, nếu trở lại đạo. Nhưng cần lưu ý chất vấn bên không rửa tội (interpellatio); nếu không, việc cử hành hôn nhân sẽ không thành sự (đ. 1144§1). Đức Giám mục giáo phận thường ban cho các cha xứ năng quyền thực hiện việc chất vấn này và ban đặc ân Phaolô.
Trường hợp thấy rõ không thể chất vấn hoặc có chất vấn cũng vô ích, cha xứ trình lên đấng Bản quyền để được chuẩn chính việc chất vấn ấy (đ. 1144§2).
- Nghi thức: không làm trong Thánh lễ, cũng không trao Mình Thánh Chúa cho bên Công giáo trong chính nghi thức hôn phối. Nếu thấy cần và được phép của bản quyền địa phương thì có thể cử hành trong Thánh lễ[23].
3.3. Hôn nhân giả
Không được tìm cách gian dối thực hiện và các linh mục không thể chấp nhận việc giả vờ kết hôn dân sự với một người nào đó vì lý do để được bảo lãnh ra nước ngoài, vì lợi lộc, hay chức vụ…
Hôn nhân giả là vô hiệu hay nói đúng hơn không có tồn tại dây hôn phối. Giáo Hội không nhìn nhận hôn nhân giả.
4. CHĂM SÓC MỤC VỤ NHỮNG TRƯỜNG HỢP KHÓ KHĂN VÀ BẤT HỢP LUẬT
4.1 Trường hợp ly thân
- Ly thân chỉ có thể được dùng như cách cuối cùng sau khi đã cố gắng mọi cách để tránh mà không mang lại kết quả gì. Giáo luật đề ra hai lý do hợp pháp để ly thân: ngoại tình (đ. 1152); gây nguy hiểm nghiêm trọng về tinh thần hay thể xác cho bên kia hoặc cho con cái, hay bằng cách nào khác làm cho đời sống chung trở nên nặng nề (đ. 1153).Trong trường hợp bị nguy hiểm nghiêm trọng về tinh thần hay thể xác, bên “nạn nhân” cũng có thể ly thân do quyền riêng của mình, nếu có nguy cơ do phải chờ đợi.
Dù sao, trong cả hai trường hợp, ngoại tình hay nguy hiểm nghiêm trọng về tinh thần hay thể xác, thì trong vòng sáu tháng phải đưa vụ án ly thân ra trước nhà chức trách Giáo Hội, và thẩm quyền này sẽ thẩm định xem có thể giải hòa đôi bên không, hay phải giải quyết bằng một sắc lệnh của Giám mục giáo phận hay bằng một bản án của thẩm phán, chiếu theo quy tắc của luật (x. đ. 1692).
- Trong mọi trường hợp, khi hết lý do ly thân thì phải lập lại cuộc sống chung vợ chồng (đ. 1153§2).
- Không ngăn cấm họ lãnh nhận các bí tích, đặc biệt bên bị phân ly, tức bên vô tội[24] xét vì tình trạng họ sống ly thân vẫn còn cho thấy họ tôn trọng giá trị bất khả phân ly của hôn nhân[25].
4.2 Trường hợp ly dị không tái hôn sau khi li dị phần đời
Cần phân biệt người đơn thuần chỉ là nạn nhân với người là nguyên nhân gây ra cuộc ly dị:
- Trường hợp là nạn nhân: “việc lãnh nhận các bí tích tự nó không bị ngăn trở gì, nếu việc ly dị dân sự (cả khi phải “đứng đơn”) là cách duy nhất khả dĩ để bảo đảm quyền lợi chính đáng, như sự an toàn về tinh thần hay thể xác cho bản thân, việc chăm sóc con cái, thừa kế”[26],...
- Trường hợp là nguyên nhân: phải cho cha xứ biết “mình ý thức dù đã được tòa đời cho ly hôn, thì vẫn bị ràng buộc bởi dây hôn phối và hiện nay sống ly thân vì có lý do chính đáng, ví dụ vì không thể tái lập đời sống chung vợ chồng”[27]. Nếu họ ý thức như vậy và tỏ lòng sám hối, thì cha xứ có thể cho họ được xưng tội rước lễ, hoặc ngài có thể hỏi ý kiến người có thẩm quyền.
4.3 Trường hợp ly dị và tái hôn
Các tín hữu ly dị và tái hôn dân sự thì vẫn thuộc về Chúa Kitô và Giáo Hội, họ vẫn còn sự hiệp thông với Giáo Hội. Do đó, họ không thể bị loại ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô, cũng như sự chăm sóc của Giáo Hội, đặc biệt là của giáo xứ. Tuy nhiên, họ không thể được chấp nhận cho xưng tội và rước lễ vì tình trạng của họ, một cách khách quan, vừa đi ngược với đòi hỏi hoán cải của bí tích hòa giải, vừa trái ngược với tính bất khả phân ly của dây hôn phối đã thành sự[28]. Nên biết, cấm xưng tội rước lễ không đồng nghĩa với cấm tham dự Thánh lễ hay tham gia vào đời sống Giáo Hội và giáo xứ[29].
Tuy nhiên, có một số trường hợp người công giáo ly dị tái hôn vẫn được cho xưng tội rước lễ khi buộc phải giữ những điều kiện luân lý (sống xa nhau hoặc quyết tâm tiết dục hoàn toàn) và tuân theo quy định thực hành.
4.3.1 Trường hợp ly dị tái hôn được xưng tội rước lễ với những điều kiện đặc biệt[30].
1) Họ đã sống ly thân về thể lý, đã ở riêng: được coi như họ đã tách xa nhau như luật buộc và có thể xưng tội rước lễ bình thường.
2) Do hoàn cảnh đặt biệt họ sống chung nhưng quyết tâm sống hoàn toàn tiết dục: nghĩa là chấm dứt hành vi dành riêng cho vợ chồng và sống với nhau như anh em ruột, trong sự kính trọng và giúp đỡ lẫn nhau[31]. Khi đó coi như họ không ở trong tình trạng tội nặng thường xuyên và ngoan cố, nên có thể choxưng tội chịu lễ. Thực tế có nhiều lý do hệ trọng họ không thể xa nhau như luật buộc nhưng họ quyết tâm sống hoàn toàn tiết dục, một số hoàn cảnh cụ thể như:
- Con cái của họ còn nhỏ cần có cha mẹ giáo dục, tránh làm tổn thương tâm lý nơi trẻ thơ…
- Họ đã già yếu, cao niên không còn khả năng sinh hoạt vợ chồng.
- Cả hai hoặc một trong hai ở trong tình trạng bệnh tật nặng triền miên, yếu nhược không thể sinh hoạt vợ chồng.
3) Người tái hôn tin chắc theo lương tâm rằng hôn nhân trước của mình vô hiệu (tông huấn Sacramentum caritatis, số 29)[32]. Trường hợp này muốn giải quyết tận gốc thì phải xin tòa án hôn phối có năng quyền cứu xét và tuyên bố hôn nhân trước của họ vô hiệu. Nếu việc tuyên bố hôn nhân vô hiệu không thể thực hiện được, thì họ phải quyết tâm tiết dục hoàn toàn như đã nói và tuân thủ những qui định chung thì mới có thể cho xưng tội rước lễ.
4.3.2 Quy định thực hành
Dù có quyết tâm sống tiết dục (tòa trong) nhưng tình trạng hôn nhân bất hợp pháp của họ lại có nhiều người biết (tòa ngoài), nên việc cho xưng tội rước lễ cách công khai của họ có thể gây ra hiểu lầm và gương xấu. Đấng Bản quyền có thể cho xưng tội rước lễ tại những nhà thờ mà ở đó không ai biết họ, để khỏi gây ra hiểu lầm và gương xấu[33].
Cụ thể đương sự làm đơn gởi Đấng bản quyền và qua cha xứ của mình trong đó bày tỏ sự sám hối chân thành, đồng thời nói lên quyết tâm chấm dứt hành vi vợ chồng và biến tương quan vợ chồng thành tương quan ruột thịt, kính trọng và giúp đỡ lẫn nhau. Họ đến trình bày với cha xứ, và cha xứ có thể thẩm tra thực tế, ký chứng nhận đơn của đương sự và trình cho Đấng Bản quyền để xem xét nơi chốn và dịp thuận lợi(thường xuyên hay một vài dịp đặc biệt) cho họ xưng tội rước lễ.
4.4. Đối với người công giáo tổ chức hôn nhân dân sự
Một người công giáo mà không cử hành hôn nhân theo phép đạo, thì theo Giáo luật, không những hôn nhân của họ bất thành, bất hợp pháp, mà bản thân họ còn không được rước lễ theo quy định của Giáo luật, đ. 915[34].
Còn những người đã tích cực tổ chức đám cưới không theo phép đạo như thế, thì vi phạm cách nặng giáo lý về bí tích hôn phối. Giáo luật không có quy định một hình phạt nào cho sự vi phạm này vì theo luật chung, đó là thuộc “tội luân lý” chứ không phải là “tội phạm hình sự”. Tội luân lý thì được tha qua bí tích Giải tội với điều kiện ăn năn, dốc lòng chừa, xưng tội (đ. 916).
Nhưng việc người công giáo hoặc cố tình tổ chức hoặc tích cực tham đám cưới dân sự như thế, không chỉ là vấn đề của lương tâm cá nhân người đó với Chúa, mà còn là vấn đề kỷ luật của Giáo Hội, vì gây một thiệt hại khách quan cho sự hiệp thông Giáo Hội, làm cớ vấp phạm cho các tín hữu đang sống phù hợp với những đòi hỏi của sự hiệp thông này, khiến lương tâm của họ có thể bị bất an hay đi đến hiểu sai việc thực thi đời sống đức tin.
Do đó, Hội đồng Giáo hoàng giải thích các văn bản luật pháp đã ra một tuyên bố kêu gọi: “Các vị chủ chăn phải có hành động, vừa kiên nhẫn mà cũng vừa kiên quyết, để bảo vệ sự thánh thiện của bí tích (hôn phối và Thánh Thể), bảo vệ luân lý Kitô giáo và để huấn luyện lương tâm các Kitô hữu”[35].
Hiện nay có giáo phận ra luật phạt cho cả những người tổ chức và người tham dự những đám cưới như thế. Giáo phận Qui Nhơn không ra hình phạt tổng quát, nhưng theo hướng dẫn của Giám mục giáo phận thì áp dụng tùy trường hợp cụ thể với nguyên tắc: những người có liên hệ càng gần với đôi bạn sẽ bị phạt nhẹ hơn so với những người có liên hệ xa và tùy theo mức độ ngoan cố của họ. Ví dụ: cha mẹ, anh chị ruột, không đồng ý tổ chức đám cưới như thế, đã trình bày sự việc với cha xứ và đã khuyên giải con em mà không thể được, nhưng vì ảnh hưởng của phong tục xã hội họ buộc lòng phải tổ chức hay tham dự đám cưới thì sẽ chịu hình phạt nhẹ; còn bạn bè quen biết sơ sơ hay chỉ có tính xã giao nhưng lại tích cực vận động để tổ chức hay đi dự đám cưới, thì chịu hình phạt nặng hơn. Tuy nhiên nếu cha mẹ hay người thân cố tình tổ chức đám cưới bất chấp luật đạo thì càng chịu hình phạt nặng hơn tất cả những người khác, vì họ đã gây ra gương xấu lớn hơn[36].
Biện pháp phạt vừa nói phải có hạn định (3 tháng, 6 tháng hay một năm) và cha xứ nhắc nhớ đồng thời mời gọi họ trở lại đời sống đạo bình thường khi mãn thời hạn đó.
Nên nhớ cha xứ không có quyền ra “vạ” tùy ý[37]. Nhưng với vai trò chủ chăn của giáo xứ, ngài có thể ra “biện pháp” mục vụ nào đó[38] để “nhắc nhở” và “răn đe”, nhưng phải theo tinh thần và tôn trọng những quy định của Giáo luật: đi từ nhắc nhở đến cảnh cáo, khiển trách, ra việc sám hối… Và khi thấy người vi phạm hết ngoan cố, thì không được từ chối tha thứ[39]. Và nhất là các ngài cần kiên nhẫn qua việc dạy giáo lý, gây ý thức và tin vào Ơn Chúa.
4.5. Con cái trong gia đình rối
Khi sinh con cha mẹ có thể đến cha xứ để xin rửa tội. Cha xứ lo liệu ban phép Rửa tội cho trẻ sơ sinh hay ấu nhi là con cái của đôi bạn hoặc rối vợ rối chồng, hoặc chung sống ngoài phép hôn phối, hoặc là con ngoại hôn, nếu cha mẹ của em hay một trong hai người xin Rửa tội cho em bé và cha xứ thấy có hy vọng chắc chắn em sẽ được giáo dục trong đạo Công giáo. Khi hoàn toàn thiếu niềm hy vọng này, cha xứ phải hoãn việc ban bí tích Rửa tội cho em bé sau khi giải thích cho cha mẹ em biết rõ lý do (GL.đ. 868)
Hoàn cảnh sống rối hôn phối hay sống trong tội công khai của cha mẹ không đương nhiên suy đoán là “hoàn toàn thiếu niềm hy vọng” mà từ chối Rửa tội ấu nhi. Khi đến tuổi, các em này vẫn được đón nhận để theo học các lớp giáo lý và chịu các bí tích bình thường khác.
Trường hợp đứa con không rõ người cha, thì phải ghi tên mẹ, nếu mẫu tính được biết cách công khai hoặc nếu chính người mẹ yêu cầu bằng văn bản hay trước mặt hai người chứng; cũng phải ghi tên người cha nếu phụ tính được chứng mình qua một tài liệu chính thức hay qua lời tuyên bố của đương sự trước mặt cha xứ và hai nhân chứng; nếu không, chỉ phải ghi tên người được Rửa tội mà thôi, không ghi tên cha hoặc mẹ (đ. 877§2).
Trường hợp là con nuôi, phải ghi tên cha mẹ nuôi, ít là khi điều đó được thể hiện trong sổ hộ tịch địa phương, và ghi tên cha mẹ ruột (điều 877§3).
4.6 Vấn đề thờ cúng tổ tiên
Thờ cúng tổ tiên hay nói cách khác là đạo ông bà là vấn đề “nhạy cảm” nhất là trong hôn nhân khác đạo. Người tân tòng ở nhà cha mẹ mình, hay người phối ngẫu sống trong gia đình cha mẹ vợ/chồng ngoại giáo, vốn trọng tục lệ thờ cúng ông bà tổ tiên, cần lưu ý những việc sau đây[40]:
- Được thực hành những việc đốt hương, nhang, đèn, nến trên bàn thờ gia tiên.
- Được vái lạy trước bàn thờ gia tiên, tổ tiên, vì là những cử chỉ thái độ hiếu thảo tôn kính đối với ông bà tổ tiên.
- Ngày giỗ (có khi gọi là kỵ nhật) được “cúng giỗ” trong gia đình theo phong tục địa phương.
- Trong tang lễ được vái lạy trước thi hài người quá cố, đốt hương vái theo phong tục địa phương.
- Được tham dự nghi lễ tôn kính vị Thành Hoàng quen gọi là “phúc thần” tại đình làng, để tỏ lòng cung kính biết ơn những vị đã có công với dân tộc hoặc là ân nhân của dân làng.
Lm. Giuse Huỳnh Văn Sỹ
Đại diện Tư pháp Giáo phận Qui Nhơn
-------------------------
67 Giáo luật đ. 1115: Hôn nhân phải được cử hành tại giáo xứ mà một trong hai người kết ước có cư sở hoặc bán cư sở hay đã cư ngụ một tháng, hoặc nếu là những người không có cư sở, phải được cử hành tại giáo xứ mà họ đang cư ngụ; hôn nhân có thể được cử hành tại nơi khác, khi có phép của Đấng Bản Quyền riêng hay của cha sở riêng.
[2] Về bổn phận của cha xứ, theo Giáo luật điều 771§2. Các ngài cũng phải liệu sao để sứ điệp Tin Mừng được truyền đến những người không tin đang ở trong địa hạt mình, bởi vì việc coi sóc các linh hồn phải được nới rộng tới họ cũng như tới các tín hữu; và xem thêm Phaolô VI, Tông huấn Loan báo Tin Mừng, số 55-57.
Trường hợp một người ngoại giáo nơi khác đến xin kết hôn với một người thuộc giáo xứ, cha xứ có thể viết đôi lời giới thiệu để giúp người ngoại giáo này dễ dàng hơn trong việc tiếp xúc với cha xứ ở địa phương họ để được điều tra xác nhận tình trạng thong dong,…
[3] Điều 1071. §1. Trừ trường hợp cần thiết, nếu không có phép Đấng Bản Quyền địa phương, không ai được chứng hôn:
10 hôn nhân của những người không có cư sở;
20 hôn nhân nào không thể được công nhận hay không thể được cử hành chiếu theo quy tắc của luật dân sự;
30 hôn nhân của người mắc những nghĩa vụ tự nhiên phát sinh do cuộc phối hợp trước, đối với bên kia hoặc đối với con cái;
40 hôn nhân của người đã hiển nhiên chối bỏ đức tin công giáo;
50 hôn nhân của người còn đang bị mắc vạ;
60 hôn nhân của người vị thành niên, khi cha mẹ không hay biết hoặc đã phản đối cách hợp lý;
70 hôn nhân cử hành qua người đại diện, được nói đến ở điều 1015.
§2. Đấng Bản Quyền địa phương không được ban phép chứng hôn cho người đã hiển nhiên chối bỏ đức tin công giáo, trừ khi đã giữ những quy tắc được nói đến ở điều 1125, với những thích nghi cần thiết.
[4] Cha xứ chỉ giới thiệu đôi hôn phối xin chuẩn khác đạo sau khi đã điều tra cẩn thận không thấy có ngăn trở nào khác. Hồ sơ ghi cẩn thận đầy đủ, và phải cho ý kiến của mình về đôi ấy.
[5] X. Giáo luật đ. 1115 đã nói ở ghi chú số 1.
[6] Trong Giáo luật có các ngăn trở tiêu hôn, tức là ngăn trở làm cho việc kết hôn không thành: đ. 1083, tuổi (nữ 14 và nam 16 tuổi); đ. 1084 về bất lực; đ. 1085 về dây hôn phối trước; đ. 1086 về hôn nhân khác đạo (người công giáo và người lương); đ. 1087 về chức thánh; đ. 1088 về lời khấn dòng trọn đời; đ. 1089 về việc bị bắt cóc ép kết hôn; đ. 1090 về tội sát hại người phối ngẫu; đ. 1091 về người có họ máu hàng dọc bất cứ bậc nào, họ máu hàng ngang từ 4 bậc trở xuống; đ. 1092 về họ kết bạn tức là họ hàng do hôn nhân mà có, hàng dọc bất cứ bậc nào; đ. 1093 về công hạnh tức ăn ở tư hôn hay hôn nhân trước bất thành, bậc thứ nhất hàng dọc; đ. 1094 về con nuôi sẽ bất thành hàng dọc và hàng ngang bậc hai.
[7] Giáo luật điều 1071 đã nêu trên (ghi chú số 3).
[8] x. Bản năng quyền thập niên 1971-1980, tr. 67.87
[9] Giáo luật điều 1069: Tất cả mọi tín hữu buộc phải trình báo cho cha sở hoặc cho Đấng Bản Quyền địa phương những ngăn trở mà họ biết được, trước khi hôn nhân được cử hành.
[10] x. Nghi thức cử hành hôn nhân, Những điều cần biết trước, số 29. Số 34 nói đến “lễ hôn phối”.
[11] x. Nghi thức cử hành hôn nhân, Những điều cần biết trước, số 36.
[12] x. Nghi thức cử hành hôn nhân, số 36.152-178.
[13] x. Nghi thức cử hành hôn nhân, Những điều cần biết trước, số 31. Theo số này, cũng có thể dành những chỗ danh dự cho một số người nào đó như các chức bậc trong chính quyền theo luật phụng vụ quy định.
[14] x. đ. 1124. Phân biệt với hôn nhân khác đạo, là hôn nhân giữa một người công giáo và một người không rửa tội (đ. 1086).
[15] Lưu ý, đối với hôn nhân hỗn hợp thì chỉ cần "xin phép" nếu không thì là hôn nhân bất hợp pháp nhưng thành sự; còn hôn nhân khác đạo thì chỉ thành sự khi có chuẩn minh thị của giáo quyền (đ. 1086).
[16] Gồm: giấy giới thiệu kết hôn, giấy chứng nhận rửa tội của người thuộc cộng đoàn Giáo Hội khác, giấy rao hôn phối, giấy chứng chỉ giáo lý hôn nhân, giấy đăng ký kết hôn dân sự, tờ khai trước khi kết hôn, giấy xin phép cử hành hôn nhân hỗn hợp.
[17] Giáo Hội công giáo không cứu xét và tuyên bố hôn phối vô hiệu của người thuộc các cộng đoàn GH khác. Vì lý do đại kết, GH công giáo tôn trọng luật lệ và thẩm quyền của những GH hay những cộng đoàn Giáo Hội không hiệp thông trọn vẹn với GH công giáo (x. đ.11, khác với Bộ giáo luật 1917, đ. 12 áp dụng luật lệ của GH công giáo trên cả tín hữu Chính Thống, Tin Lành).
[18] x. Nghi thức cử hành hôn nhân, Những điều cần biết trước, số 36.
[19] Giấy chuẩn hôn phối khác đạo làm thành hai bản, một để cha xứ tiến hành hôn phối, một lưu tại Tòa Giám mục.
[20] Chính đôi bạn nên đến gặp và xin chuẩn hôn phối khác đạo, để có dịp được tiếp xúc và giảng giải thêm.
[21] x. đ. 1125: Bên Công giáo phải tuyên bố mình sẵn sàng tránh mọi nguy cơ mất đức tin và thành thật cam kết sẽ làm hết sức để tất cả con cái được rửa tội và được giáo dục trong Giáo Hội Công giáo; bên không Công giáo phải được thông báo kịp thời để biết và ý thức về lời cam kết và nghĩa vụ của bên công giáo; đồng thời cả hai bên phải được giáo huấn về những mục đích và đặc tính chính yếu của hôn nhân mà không bên nào được loại bỏ.
[22] x. đđ. 1085; 1086 §§ 1-2.
[23] x. Nghi thức cử hành hôn nhân, Những điều cần biết trước, số 36.
[24] x. GIOAN PHAOLÔ II, Tông Huấn Familiaris Consortio, 22/11/1981, số 83.
[25] x. HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC Ý, Cẩm nang mục vụ gia đình, số 211.
[26] x. HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC Ý, số 211; x. GIOAN PHAOLÔ II, Tông Huấn Familiaris Consortio, 22/11/1981, số 83.
[27] x. HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC Ý, Cẩm nang mục vụ gia đình, số 212.
[28] x. đ. 915; HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG GIẢI THÍCH VĂN BẢN LUẬT PHÁP, Tuyên bố Il Codice di Diritto Canonico, 24/06/2000, trong Communicationes 32 (2000), 159-162. Sách giáo lý của Hội Thánh công giáo,số 1650được Đức Gioan Phaolô II công bố năm 1992, đã dạy: "Nhiều người công giáo, ở một số nơi, đã ly dị và tái hôn theo luật đời. Giáo Hội, vì trung thành với lời của Chúa Giêsu Kitô ("Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác thì cũng phạm tội ngoại tình": Mc 10, 11-12), nên không thể công nhận việc tái hôn như vậy là thành sự. Nếu những người đã ly dị tái hôn theo luật đời, thì họ ở trong tình trạng vi phạm luật Thiên Chúa một cách khách quan. Kể từ lúc đó, họ không được rước lễ, bao lâu còn sống trong tình trạng này... ".
[29] Xem GIOAN PHAOLÔ, Tông huấn Familiaris consortio, 22.11.1981, số 84.
[30] x. GIOAN PHAOLÔ II, Tông Huấn Familiaris Consortio, 22/11/1981, số 84; HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC Ý, Cẩm nang mục vụ gia đình, số 220. Đặc biệt tham khảo: MATTHÊÔ NGUYỄN VĂN KHÔI, Vai trò của lương tâm trong những quyết định luân lý liên quan đến gia đình, trong TÒA GIÁM MỤC QUI NHƠN - BAN THƯỜNG HUẤN, Amoris Laetitia, niềm vui yêu thương niềm vui chia sẻ, năm 2016, đặc biệt từ trang 50 đến 66.
[31] Quyết tâm tiết dục, tránh khỏi những hành vi dành riêng cho vợ chồng, là một đòi hỏi của sự sám hối nghiêm túc, nhưng đàng khác chỉ cần có quyết tâm nghiêm túc đã đủ, nghĩa là chắc chắn một cách luân lý rằng hối nhân quyết tâm hết sức có thể để tránh xa những nguy cơ sa ngã.
[32] Nên biết rằng, Thư của Thánh bộ Giáo lý Đức tin ngày 14 tháng 9 năm 1994, số 6, đã minh định: «Người tín hữu nào thường xuyên sống "như vợ chồng" với một người không phải vợ hay chồng chính thức của mình thì không thể rước lễ. Nếu người ấy nghĩ rằng mình có thể rước lễ, thì vì tính trầm trọng của vấn đề cũng như những đòi hỏi của thiện ích thiêng liêng của con người, các vị mục tử và các cha giải tội có bổn phận nặng nề là phải cho người ấy biết rằng một phán đoán lương tâm như thế rõ ràng trái nghịch với giáo lý của Giáo Hội».
[33] Việc hiểu lầm và gương xấu là vì họ đã làm tổn thương đến thiện ích thiêng liêng của Giáo Hội là sự hiệp thông được diễn tả qua bí tích Thánh Thể và giáo lý thánh thiện của Giáo Hội, vì họ khiến người ta nghĩ rằng Giáo Hội mặc nhiên phủ nhận tính bất khả phân ly của hôn nhân, hay "nghĩ rằng Giáo Hội ủng hộ một nền luân lý hai mặt" (xem Tông huấn Amoris Laetitia, số 300).
[34] Giáo luật, đ. 915: “Những người ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường không được rước lễ”; x. GIOAN PHAOLÔ II, Tông Huấn về gia đình Familiaris consortio, 22/11/1981, số 84; SGLHTCG, 11/10/1992, số 1650; BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Thư Năm quốc tế gia đình, 14/9/1994, trong EV 14/1451-1464.
[35] HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG GIẢI THÍCH CÁC VĂN BẢN LUẬT PHÁP, Tuyên bố The Code, 26/06/2000, số 1.
[36] Cha xứ cần phân định những trường hợp cụ thể, nên tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể của đương sự và sự cảm thông, trách máy móc vô cảm. Có người dù không dự đám cưới nhưng kín đáo gởi quà cho đôi bạn. Nên biết tập tục người Việt Nam, có qua có lại theo kiểu "trả nợ miệng", không ai đòi nhưng cảm thấy sự ràng buộc nào đó người ta phải trả bằng cách "đi đám"….
[37] Vạ là một loại hình phạt tiền kết nên phải hết sức hạn chế và chỉ áp dụng cho những tội phạm rất nặng và nhắm có hiệu quả thực sự (x. đ. 1318); lại nữa, trong cùng một nước, luật hình sự cần được ban hành đồng nhất với nhau (x. đ. 1316). Tại Giáo phận Qui Nhơn, các cha xứ thường xin ý Đức Giám mục rồi mới áp dụng hình phạt.
[38] x. đđ. 1339-1340; 1077.
[39] x. đđ. 1341; 1358.
[40] x. HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Thông cáo về việc tôn kính Ông bà Tổ tiên và các bậc Anh hùng Liệt sĩ, 20.10.1964; Hội nghị Nha Trang, 14.11.1974, trong HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Giáo Hội Cônggiáo Việt Nam, Niên giám 2004, Hà Nội 2004, “Giáo Hội Việt Nam với việc thờ kính tổ tiên”, tr. 487-490.
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Huỳnh Văn Sỹ
Tags:
Kiến thức công giáo