Sau khoảng 100 năm truyền thống rước kiệu Thánh Thể tại Rôma không còn nữa, vào năm 1982, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khôi phục lại truyền thống này.
Trong những năm trước vào dịp lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô, ĐTC Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trọng thể trong sân của đền thờ Gioan Latêranô. Sau đó ngài dẫn đầu đoàn rước từ đền thờ Gioan Latêranô đến đền thờ Đức Bà Cả gần đó và kết thúc với phép lành Thánh Thể. Tất cả các tín hữu được mời tháp tùng vào đoàn rước sau khi tham dự thánh lễ do ĐTC cử hành. Và bất cứ ai muốn tham gia đều có thể vào quảng trường mà không phải mua vé. Theo truyền thống, các tín hữu khi tham gia đoàn rước thường mang nến sáng theo sau. Năm ngoái, ĐTC Phanxicô đã cử hành thánh lễ và dẫn đầu đoàn rước tại Ostia. Năm nay ngài cử hành thánh lễ tại Casal Bertone, và sau đó là rước kiệu như thường lệ.
Dưới đây là nguyên văn bài giảng của ĐTC Phanxicô trong thánh lễ này :
Anh chị em thân mến
Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta khám phá lại hai động từ đơn giản, thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày, đó là : nói và cho.
Động từ Nói.
Trong bài đọc I, Menkixêđê nói : “Xin Thiên Chúa Tối Cao, Đấng dựng nên trời đất, chúc phúc cho Abraham!” (St 14,19-20). Đối với Menkixêđê nói là chúc phúc. Chúc phúc cho Abraham, trong đó bao gồm cả chúc phúc cho tất cả các gia đình trên thế gian (x. St 12,3; Gal 3,8). Tất cả mọi thứ bắt đầu từ phúc lành: những lời tốt đẹp tạo nên một lịch sử tốt. Điều đó cũng xảy ra trong Tin mừng : Trước khi hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu chúc lành cho nó : “Ngài cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ” (Lc 9,16). Việc chúc lành đó làm cho 5 chiếc bánh nên nhiều lương thực : làm cho dòng thác sự lành tuôn trào.
Tại sao việc chúc phúc đem lại sự lành? Bởi vì nó biến đổi lời nói thành ơn sủng. Khi chúc phúc, người ta không làm bất cứ điều gì cho bản thân, nhưng là cho người khác. Chúc lành không phải là nói những lời hoa mỹ, không dùng những lời hợp với hoàn cảnh, nhưng là nói về điều thiện, nói bằng tình yêu. Như Menkixêđê cũng đã làm như thế khi tự phát chúc phúc cho Abraham, người chưa từng nói điều này hay làm điều kia cho ông. Chúa Giêsu cũng làm như thế, Ngài cho thấy ý nghĩa của việc chúc lành với việc phân phát miễn phí lương thực. Biết bao lần chúng ta cũng đã được chúc lành, trong nhà thờ hay ở nhà, biết bao lần chúng ta đã lãnh nhận những lời khiến chúng ta tốt hơn, hoặc dấu thánh giá trên trán… Chúng ta đã trở nên người được chúc lành trong ngày chịu Phép rửa, vào cuối mỗi thánh lễ. Bí tích Thánh Thể là trường học của phúc lành. Thiên Chúa nói tốt về chúng ta, những người con yêu quý của Ngài, và nhờ đó làm cho chúng ta thêm can đảm và mạnh dạn tiến bước (Tv 68,27), bằng cách khám phá hương vị của lời khen ngợi, giúp giải thoát và chữa lành tâm hồn. Chúng ta đến tham dự thánh lễ với niềm xác tín rằng chúng ta được Thiên Chúa chúc phúc và chúng ta ra đi để chúc phúc, để trở nên những con kênh phúc lành cho thế giới.
Thật quan trọng đối với chúng ta, là những người Mục tử, chúng ta nhớ chúc phúc cho dân Thiên Chúa. Anh em linh mục thân mến, anh em đừng sợ chúc phúc, hãy chúc phúc cho dân Thiên Chúa; anh em hãy tiến tới bằng phúc lành. Thiên Chúa muốn nói điều tốt cho dân của mình, Ngài vui sướng khi làm cho chúng ta cảm nhận được tình thương của Ngài cho chúng ta. Và chỉ khi được chúc lành, chúng ta mới có thể chúc phúc cho người khác bằng chính việc xức dầu tình yêu. Trái lại, thật buồn khi thấy ngày nay người ta dễ dàng làm điều ngược lại : nguyền rủa, khinh miệt, nhục mạ. Trong sự điên cuồng chúng ta không kiềm chế được và trút cơn thịnh nộ lên mọi thứ và mọi người. Đáng buồn thay, vì những người thường la hét to nhất, mạnh nhất, người bị tức giận luôn luôn có lý và thường lôi kéo sự đồng tình của người khác. Chúng ta đừng để mình bị lây nhiễm bởi sự kiêu căng đó, đừng để cho cay đắng xâm chiếm chúng ta, là những người ăn Bánh Thánh Thể, trong Bánh ấy luôn có hương vị ngọt ngào. Dân của Thiên Chúa thích khen ngợi, không than phiền; chúng ta được dựng nên để ban phúc chứ không phàn nàn. Trước sự hiện diện của Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu trở nên Bánh, tấm Bánh đơn sơ này chứa đựng toàn bộ thực tại của Giáo hội, chúng ta hãy học cách ban phúc lành là điều chúng ta có, để ngợi khen, chúc tụng Chúa và để không nguyền rủa dĩ vãng của mình, để nói những lời tốt đẹp cho tha nhân.
Động từ thứ hai là cho.
Theo sau động từ “nói” là từ “cho”, như Abraham sau khi được Menkixêđê chúc phúc đã “biếu ông Menkixêđê một phần mười tất cả chiến lợi phẩm” (St 14,20). Cũng như Chúa Giêsu, sau khi dâng lời chúc tụng, Ngài cho bánh để nó được phân phát, điều này diễn tả một ý nghĩa rất đẹp : bánh không chỉ là sản phẩm để tiêu dùng mà còn là phương tiện để chia sẻ. Thật ngạc nhiên vì trong trình thuật hóa bánh ra nhiều người ta không bao giờ đề cập tới việc nhân lên. Trái lại, các động từ được cùng là “bẻ ra, trao cho, phân phát” (x Lc 9,16). Tóm lại, trình thuật không nhấn mạnh việc nhân lên nhiều mà là hành động chia sẻ. Điều này thật quan trọng : Chúa Giêsu không làm ma thuật, không biến 5 chiếc bánh thành 5000 rồi sau đó nói: “nào hãy phân phát nó đi”. Không !. Chúa Giêsu cầu nguyện, chúc lành cho 5 chiếc bánh đó và bắt đầu bẻ ra, với niềm tín thác vào Chúa Cha. Và 5 chiếc bánh đó dư tràn. Đó không phải là phép thuật, nhưng là tin tưởng vào Thiên Chúa và trong sự quan phòng của Ngài.
Trên thế giới chúng ta luôn tìm cách tăng lợi nhuận, để tăng thu nhập... Đúng vậy, nhưng đâu là điểm dừng? Để cho hay để sở hữu? Để chia sẻ hay để tích lũy? Nền “kinh tế” của Tin mừng tăng lên qua việc chia sẻ, phân phát, không phàm ăn từng chút, nhưng mang lại cho thế giới cuộc sống (Ga 6,33). Động từ Chúa Giêsu dùng không phải là sở hữu, nhưng cho đi.
Chúa Giêsu nói với các môn đệ cách dứt khoát : “Chính các con hãy cho họ ăn” (Lc 9, 13). Chúng ta thử hình dung những lý do mà các môn đệ đưa ra : “Chúng con không có bánh để ăn, việc gì chúng con phải nghĩ đến người khác. Tại sao chúng con phải cho họ ăn, khi họ đến để nghe Thầy mình? Nếu họ không mang của ăn, họ trở về nhà, đó là chuyện của họ, hoặc họ đưa tiền cho chúng con và chúng con sẽ đi mua”. Các môn đệ lập luận không sai, nhưng đó không phải là lập luận của Chúa Giêsu, Ngài không có suy luận đó, nhưng : Chính các con hãy cho họ ăn. Những gì chúng ta có đều mang lại hoa trái nếu chúng ta biết cho đi - đây là điều Chúa Giêsu muốn nói – cho ít hay nhiều điều đó không quan trọng. Thiên Chúa làm những điều vĩ đại từ cái kém cỏi của chúng ta, như Ngài đã làm với năm chiếc bánh. Ngài không làm những điều kỳ diệu bằng những hành động ngoạn mục. Ngài không có cây đũa thần nhưng hành động bằng những điều hèn mọn. Việc làm đó của Thiên Chúa là một sự khiêm nhường rất lớn, chỉ thực hiện bằng tình yêu. Và tình yêu làm nên những điều vĩ đại từ những gì nhỏ bé nhất. Bí tích Thánh Thể cũng dạy cho chúng ta điều đó : vì ở đó Thiên Chúa ẩn mình trong tấm bánh. Đơn sơ, thiết yếu, tấm bánh được bẻ ra và chia sẻ, Bí tích Thánh Thể mà chúng ta lãnh nhận cho phép chúng ta nhìn thấy mọi việc như Chúa đã làm. Và Bí tích này truyền cảm hứng để chúng ta biết trao ban chính mình cho người khác. Đó là phương thuốc giải độc chống lại suy nghĩ: “tôi rất tiếc, đó không phải là chuyện của tôi”, “tôi không có thời gian, tôi không thể, không phải là việc của tôi”; chống lại việc nhìn lánh sang hướng khác.
Thành phố của chúng ta đang đói khát yêu thương và sự chăm sóc, khổ đau vì suy đồi và bị bỏ rơi, trước nhiều người già cô đơn, trước những gia đình khó khăn, những bạn trẻ đang vật lộn để kiếm cơm bánh và nuôi ước mơ của mình, Chúa nói với bạn : “Chính con hãy cho họ ăn”. Và bạn có thể trả lời : “Con có ít, con không có khả năng để làm điều này”. Điều đó không đúng, cái ít của bạn nhưng rất nhiều trong mắt Chúa Giêsu nếu bạn không giữ cho riêng mình, nếu bạn đưa nó vào cuộc chơi. Bạn sẽ không cô đơn : vì bạn có Thánh Thể, của ăn đàng, Bánh của Chúa Giêsu. Trong đêm nay chúng ta sẽ được nuôi dưỡng bởi Thân thể của Đấng hiến thân vì chúng ta. Nếu chúng ta đón nhận bằng con tim, Bánh này sẽ tỏa ra trong chúng ta sức mạnh yêu thương : chúng ta sẽ cảm nhận được may mắn và được yêu thương, chúng ta sẽ muốn chúc lành và yêu thương, bắt đầu từ đây, trong thành phố của chúng ta, trên con đường mà tối nay chúng ta đi qua. Chúa đến trên đường để ban phúc lành, chúc phúc cho chúng ta và ban cho chúng ta sự can đảm. Ngài cũng đòi hỏi chúng ta hãy biết chúc lành và cho đi.
Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
Tags:
Suy niệm C