Loạt bài giáo lý về sách Công vụ Tông đồ của ĐTC Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung tại quãng trường thánh Phêrô sáng thứ tư ngày 12/06/2019.
2. “Ông được kể thêm vào số mười một Tông Đồ” (Cv 1,26).
Anh chị em thân mến !
Chúng ta đã bắt đầu loạt bài giáo lý theo “hành trình” : hành trình của Tin mừng được sách Công vụ Tông đồ thuật lại, bởi vì cuốn sách này cho chúng ta thấy rõ ràng lộ trình của Tin mừng, làm thế nào mà Tin mừng đã ra đi, đi thật xa, vượt qua mọi thứ… Tất cả bắt đầu từ sự Phục sinh của Chúa Kitô. Thật vậy, đây không phải là một biến cố giữa những biến cố khác, nhưng là nguồn cội của cuộc sống mới. Các Tông đồ biết điều đó và – vâng theo lệnh truyền của Chúa Giêsu - ở lại trong sự hiệp nhất, đồng tâm và chuyên cần cầu nguyện. Họ sát cánh cùng Đức Mẹ Maria, và chuẩn bị đón nhận quyền năng của Thiên Chúa không theo cách thụ động nhưng là củng cố sự hiệp thông giữa họ với nhau.
Cộng đoàn đầu tiên đó được hình thành từ khoản hơn kém 120 anh chị em: một con số mà trong đó có con số 12, biểu tượng cho dân Israel, vì nó đại diện cho 12 chi tộc, và là biểu tượng đối với Giáo hội, đối với 12 vị Tông đồ được Chúa Giêsu tuyển chọn. Nhưng giờ đây, sau biến cố đau thương của cuộc khổ nạn, các Tông đồ của Chúa không còn 12 nữa mà là 11. Một trong số họ, là Giuđa, không còn nữa: ông đã tước bỏ cuộc sống mình, nát tan vì hối hận.
Trước đó, Giuđa đã bắt đầu tách mình ra khỏi sự hiệp thông với Chúa và người khác để hành động một mình, tự cô lập mình, và bám víu vào của cải đến độ bóc lột những người nghèo, không còn tin vào tầm nhận thức của vô vị lợi và của việc dâng hiến bản thân, đến độ để cho virus của sự kiêu căng lây nhiễm vào trong tâm trí và con tim, biến ông từ một “người bạn” thành kẻ thù và trở thành “tên dẫn đường cho những người bắt Đức Giêsu” (Cv 1, 16 ). Giuđa đã nhận được ân sủng lớn lao là thuộc về nhóm cận thân với Chúa Giêsu và tham dự vào trong chính sứ vụ của Ngài, nhưng đến một lúc ông đã muốn tự “cứu” mạng sống mình với kết quả là đánh mất chính mạng sống mình (x.Lc 9, 24). Ông đã từ chối lệ thuộc con tim vào Chúa Giêsu và đã đặt mình ra khỏi sự hiệp thông với Ngài và với các môn đệ của Ngài. Ông đã từ chối làm môn đệ và tự đặt mình lên trên vị Thầy. Ông đã bán Thầy và với cái giá “tiền công của tội ác”, ông đã tậu một thửa đất, không để sinh hoa kết trái nhưng đã thấm đẫm máu của chính mình (x. Cv 1,18-19).
Nếu Giuđa ưa thích cái chết hơn sự sống (x. Đnl 30,19; Hc 15,17) và đã theo gương của những kẻ ác, con đường ác nhân khác nào ngõ tối và dẫn vào chốn diệt vong (Cn 4,19; Tv 1,6), thì trái lại, 11 tông đồ đã lựa chọn sự sống, phúc lành, họ trở nên có trách nhiệm trong việc biến nó thành dòng chảy cho bộ mặt của họ trong lịch sử, từ đời nọ đến đời kia, từ dân tộc Israel cho đến Giáo hội.
Thánh sử Luca cho chúng ta thấy rằng trước sự từ bỏ của một trong nhóm 12, người đã tạo ra một vết thương cho thân thể cộng đoàn, điều cần thiết là ủy thác nhiệm vụ của Giuđa sang cho người khác. Và ai là người có thể đảm nhận chức vụ đó? Thánh Phêrô đưa ra điều kiện : người mới phải là môn đệ của Chúa Giêsu ngay từ đầu, cụ thể là từ phép rửa tại sông Giođan, cho đến kết thúc, là khi Chúa được rước lên trời (x. Cv 1, 21-22). Nhóm 12 cần phải được tái lập. Lúc này quan điểm thực hành biện phân cộng đồng được bắt đầu, nó bao gồm việc nhìn thấy thực tại bằng đôi mắt của Thiên Chúa, và trong quan điểm của sự hiệp nhất và hiệp thông.
Có hai ứng viên là Giuse Barsaba và Matthia. Lúc bấy giờ toàn thể cộng đoàn cầu nguyện như sau : “Lạy Chúa, chính Chúa thấu suốt lòng mọi người; giữa hai người này, xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai để nhận chỗ trong sứ vụ Tông Đồ, chỗ Giuđa đã bỏ để đi về nơi dành cho y" ( Cv 1 : 24-25). Và qua cuộc rút thăm, Chúa tiến cử Matthia, người được kể thêm vào trong số 11 Tông đồ. Như thế thân thể nhóm 12 đã được phục lập, một dấu chỉ của sự hiệp thông, và hiệp thông vượt thắng mọi chia rẽ, cô lập, vượt thắng được tâm thức tuyệt đối hóa không gian riêng tư; một dấu chỉ cho thấy sự hiệp thông là chứng từ đầu tiên mà các Tông đồ đã đưa ra. Chúa Giêsu đã nói : “từ nay mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Trong Công vụ Tông đồ, nhóm 12 đã biểu lộ phong cách của Chúa. Họ là những chứng nhân được ủy thác của công trình cứu độ của Chúa Kitô và họ không biểu lộ cho thế gian thấy sự hoàn hảo được cho là của họ, nhưng nhờ ơn hiệp nhất, họ đề cao một Người khác, người đang sống theo phong cách mới giữa dân tộc của mình. Người này là ai? Đó chính là Chúa Giêsu. Các Tông đồ chọn sống dưới quyền của Đấng Phục sinh trong sự hiệp nhất giữa anh em với nhau, điều này trở thành bầu khí duy nhất có khả năng dâng hiến bản thân thực sự.
Chúng ta cũng cần phải tái khám phá vẻ đẹp của việc làm chứng cho Đấng Phục sinh, bằng cách bước ra khỏi thái độ tự quy về mình, biết khước từ để giữ lại mọi ơn huệ của Thiên Chúa và không chào thua trước những cái tầm thường. Sự kết dính của mái trường tông đồ cho thấy nó giống như DNA của cộng đoàn kitô hữu có sự hiệp nhất và tự do khỏi bản thân, cho phép chúng ta không sợ hãi sự khác biệt, không gắn bó với của cải và lợi lộc và trở thành những người tử đạo, tức là trở thành những chứng nhân rực sáng của Thiên Chúa hằng sống và hoạt động trong lịch sử.
G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ