Gợi ý cho bạn khi cảm thấy cuộc sống muộn phiền và cô đơn.

Chúa muốn an ủi bạn, khung cảnh dưới đây có thể giúp chữa lành tâm hồn bạn.



Sống trong một thế giới chứa đầy những khó khăn, chúng ta thường cảm thấy bị từ chối và phản bội từ phía những người chúng ta yêu thương nhất. Rõ ràng là đôi khi chúng ta cảm thấy không được yêu thương và rất cô đơn.

Trong những lúc như vậy, Chúa Giêsu muốn gửi tặng chúng ta một thông điệp yêu thương, và một khung cảnh đặc biệt trong Kinh thánh có thể đem lại cho chúng ta sự an ủi và bình an.

Khung cảnh ấy không tức khắc đem đến cho chúng ta những suy tư, nhưng khi chúng ta phân tích thật kỹ thì có thể đây là gợi ý tốt để cầu nguyện hàng giờ. Câu chuyện trích từ Tin mừng Gioan và ta thấy ở đó khoảnh khắc ngắn ngủi “người môn đệ Chúa yêu” tựa đầu trên ngực của Thầy trong bữa tiệc ly. “Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giê-su thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Đức Giê-su” (Ga 13,23).

Đoạn Tin mừng ngắn này cung cấp cho chúng ta rất nhiều điều.

Trước hết, thay vì nhận dạng người môn đệ, thì thánh Gioan xác định rằng đó là người “được Chúa Giêsu yêu mến”. Nếu có thể đề cập đến một cá nhân cụ thể, thì chúng ta có thể áp dụng nó cho mỗi người chúng ta, những người mà Chúa Giêsu yêu mến. 

Chúa Giêsu đã mạc khải cho thánh nữ Margherita Maria Alacoque như sau: “Trái tim Ta say mê tình yêu dành cho loài người và đặc biệt là cho con, đến nỗi không thể nào kiềm giữ trong bản thân Ta ngọn lửa yêu thương mãnh liệt, nên Ta cảm thấy cần phải tuôn đổ chúng”. Chúa Giêsu yêu thương chúng ta vô cùng, nhiều hơn những gì chúng ta có thể nghĩ ra, và Ngài muốn tuôn đổ tình yêu của Ngài trên chúng ta. Ngài không thể kiềm giữ được tình yêu mà Ngài dành cho chúng ta.

Trong bữa tiệc ly, người môn đệ này tựa đầu vào ngực, vào trái tim Chúa Giêsu. Chúng ta hãy suy nghĩ trong vài giây. 

Bạn có muốn nghỉ ngơi trong trái tim của Chúa Giêsu không?

Hãy quay lại tuổi thơ, khi bạn là một đứa trẻ, khi bạn tựa vào ngực của cha mẹ, được ôm trong vòng tay của họ, bạn đã cảm thấy thế nào. Đó cũng là những gì Chúa Giêsu muốn chúng ta làm, và đó cũng là những cảm xúc mà Ngài muốn chúng ta cảm nghiệm khi chúng ta nghĩ về hình ảnh này.
Chúa Giêsu đã mời thánh nữ Margherita làm điều đó khi Ngài đến thăm : "Ngài cho tôi được nghỉ ngơi rất lâu trên ngực Ngài và tôi khám phá được những điều kỳ diệu của tình yêu Ngài, những bí ẩn không thể giải thích được của Thánh Tâm Ngài”.

Khung cảnh này có thể trở nên sống động mỗi khi chúng ta lãnh nhận Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Sau khi tiếp nhận Ngài vào trong thân thể của chúng ta, trở lại băng ghế, chúng ta có thể suy niệm khung cảnh này. Có thể đây sẽ là một kinh nghiệm mạnh mẽ nếu chúng ta thực sự tin rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta và Ngài đang mời gọi chúng ta hãy đến nghỉ ngơi trong trái tim của Ngài.

Hãy nhớ rằng chúng ta không bao giờ đơn độc trên thế giới này, ngay cả khi mọi người đã bỏ rơi chúng ta. Chúa Giêsu đã từng bị bỏ rơi trên thập tự giá và Ngài hiểu rõ cảm giác này, Ngài muốn chúng ta tham dự vào bữa tiệc của Ngài và tựa đầu vào trái tim của Ngài. Bằng cách này, chúng ta có thể cảm nhận được nhịp đập của tình yêu Ngài.

Chúa Giêsu luôn mời gọi chúng ta như thế và chúng ta cần phải mau mắn đáp lại lời mời gọi ấy và chấp nhận một sự thật đó là Thiên Chúa yêu thương chúng ta nhiều hơn những gì chúng ta nghĩ.

Lạy CHÚA, xin lắng nghe lời con cầu khẩn,
tiếng con van nài, xin để ý lưu tâm.

Lâm cảnh ngặt nghèo, con kêu lên Chúa,
vì Chúa vẫn đáp lời.

Không một thần linh sánh kịp Ngài, lạy Chúa,
việc Ngài làm, quả thật vô song.

Lạy Chúa, muôn dân chính tay Ngài tạo dựng
sẽ về phủ phục trước Thánh Nhan, và tôn vinh danh Ngài.

Vì Ngài thật cao cả, và làm nên những việc lạ lùng;
chỉ một mình Ngài là Thiên Chúa.

Xin dạy con đường lối Ngài, lạy CHÚA,
để con vững bước theo chân lý của Ngài.
Xin Chúa hướng lòng con,
để con biết một niềm kính tôn Danh Thánh.

Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, con hết lòng cảm tạ,
Thánh danh Ngài, con mãi mãi tôn vinh,

vì tình Chúa thương con như trời như biển,
Ngài đã kéo con ra khỏi vực thẳm âm ty. 
(Tv 86, 6-13)

Philip Kosloski
Võ Tá Hoàng
Mới hơn Cũ hơn