Giáo hội được sinh ra từ lửa tình yêu và từ ngọn lửa bùng lên trong ngày lễ Hiện Xuống

Bài giáo lý thứ ba về sách Công vụ Tông đồ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư ngày 19/06/2019 tại quãng trường thánh Phêrô.



3. “Lưỡi như hình lưỡi lửa” (Cv 2,3)

Anh chị em thân mến

50 ngày sau lễ Phục sinh, trong phòng tiệc ly, nơi gần như là nhà của các tông đồ, có sự hiện diện của Đức Maria, Mẹ của Chúa, là yếu tố gắn kết giữa họ với nhau, các Tông đồ trải nghiệm một biến cố vượt quá mọi mong đợi của họ. Các tông đồ hiệp nhất với nhau trong cầu nguyện – [cầu nguyện là “lá phổi” đem lại hơi thở cho người môn đệ trong mọi thời đại; không cầu nguyện, chúng ta không thể là môn đệ của Chúa Giêsu; không cầu nguyện, chúng ta không thể là kitô hữu được! vì cầu nguyện là không khí, là lá phổi của cuộc sống kitô hữu] – họ ngạc nhiên trước sự xâm nhập của Thiên Chúa. Một sự xâm nhập vì không chịu đựng được sự đóng kín : Ngài mở toang những cánh cửa qua sức mạnh của một cơn gió, nhắc ta nhớ đến ruah, hơi thở thuở ban sơ, và hoàn thành lời hứa ban “sức mạnh” được Đấng Phục sinh thực hiện trước khi từ biệt họ (x. Cv 1, 8). Bỗng nhiên một tiếng động từ trời phát ra “như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp” (Cv 2,2).

Sau cơn gió, lửa được thêm vào gợi lại hình ảnh bụi gai đang cháy và Sinai với tặng phẩm là mười điều răn (x. Xh 19,16-19). Theo truyền thống Kinh thánh, lửa đi kèm với sự biểu lộ của Thiên Chúa. Qua ngọn lửa Thiên Chúa ban lời hằng sống và sinh lực của Ngài (x. Dt 4,12) ngõ hầu mở ra cho tương lai. Lửa tượng trưng cho công việc sưởi ấm, chiếu sáng và thử nghiệm mọi con tim, cho việc chăm sóc của Ngài trong việc chứng minh khả năng chịu đựng đối với những công trình nhân loại, trong việc thanh tẩy và tái sinh nó. Trong khi ở Sinai người ta nghe được tiếng của Chúa, thì tại Giêrusalem, vào ngày lễ Ngũ Tuần, người lên tiếng là Phêrô, tảng đá mà trên đó Chúa Kitô đã chọn để xây dựng Giáo hội của Ngài. Mặc dù lời của Phêrô yếu đuối và thậm chí còn chối bỏ Thiên Chúa, nhưng qua lửa của Thánh Thần, lời đó có thêm sức mạnh, có thể xuyên qua mọi con tim và có thể thúc đẩy việc hoán cải. Thật vậy, Thiên Chúa chọn những gì thế gian cho là yếu kém để hạ nhục những kẻ hùng mạnh (x. 1Cr 1,27).

Bởi vậy, Giáo hội được sinh ra từ lửa tình yêu, từ “ngọn lửa” bùng lên trong ngày lễ Hiện Xuống và biểu lộ sức mạnh Lời của Đấng Phục sinh được thấm nhuần Thánh Thần. Giao ước mới và dứt khoát được thiết lập không còn dựa trên lề luật được viết trên bia đá, nhưng dựa trên hành động của Thánh Thần Chúa, Đấng làm cho tất cả mọi sự nên mới mẻ và được khắc ghi trong những con tim bằng thịt.

Lời của các Tông đồ được thấm nhuần Thần Khí của Đấng Phục sinh, trở nên mới mẻ, khác biệt, nhưng có thể hiểu được, có thể được diễn dịch đồng thời sang tất cả các ngôn ngữ : thực vậy “nhiều người nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình” (Cv 2,6). Đó là ngôn ngữ của sự thật và tình yêu, là ngôn ngữ phổ quát, ngay cả những người mù chữ cũng có thể hiểu được nó. Mọi người đều có thể hiểu ngôn ngữ của sự thật và tình yêu. Nếu chúng ta đi trên đường chân lý bằng con tim, bằng sự chân thành của mình, và đi trên con đường yêu thương, chắc hẳn mọi người sẽ hiểu chúng ta. Ngay cả khi chúng ta không thể nói, nhưng với sự âu yếm, đó là chân thật và yêu thương.

Chúa Thánh Thần không chỉ được thể hiện qua một bản giao hưởng âm thanh, kết hợp và tạo nên sự hài hòa những khác biệt mà còn được trình bày như là nhạc trưởng của dàn nhạc, chơi những bản tổng phổ ngợi khen dành cho những “công trình vĩ đại” của Thiên Chúa. Thánh Thần còn là nghệ nhân của hiệp thông, là nghệ sĩ của hòa giải, biết xóa bỏ những rào cản giữa những người Do thái và Hy lạp, nô lệ và tự do, để biến tất cả nên một thân thể. Ngài kiến tạo nên cộng đoàn các tín hữu bằng cách làm hài hòa sự thống nhất của thân thể và sự đa dạng của chi thể. Ngài làm cho Giáo hội phát triển bằng cách giúp cho Giáo hội vượt qua mọi giới hạn của con người, mọi tội lỗi và bất cứ điều xấu nào.

Điều diệu kỳ thì muôn vàn, và người ta tự hỏi liệu những con người ấy có say rượu không. Bấy giờ Phêrô đã can thiệp thay mặt cho tất cả các tông đồ và đọc lại sự kiện đó dưới ánh sáng của Gioen chương 3, đoạn loan báo về sự tuôn đổ mới của Thánh Thần. Các môn đệ của Chúa Giêsu không say rượu, nhưng họ đang sống với điều mà thánh Ambrôsiô gọi là : “say sưa điều độ Thánh Thần”, là điều thắp lên giữa dân Thiên Chúa lời tiên tri qua những giấc mơ và thị kiến. Ơn tiên tri này không chỉ dành riêng cho một số người mà cho tất cả những ai cầu khẩn nhân danh Thiên Chúa.

Từ giờ trở đi, Thánh Thần Chúa lay động mọi tâm hồn để đón nhận ơn cứu độ qua một Người, là Chúa Giêsu Kitô, Đấng mà con người đã đóng đinh trên gỗ giá và Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại từ cõi chết, “giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết” (Cv 2,24). Chính Ngài đã tuôn đổ Thánh Thần, Đấng điều khiển bản hợp xướng ngợi ca và tất cả mọi người có thể lắng nghe. Như Đức Bênêđictô XVI đã nói “Lễ Hiện xuống là thế này : Chúa Giêsu, nhờ Người, chính Thiên Chúa đến với chúng ta và lôi kéo chúng ta vào trong Ngài” (bài giảng 3/6/2016). Chúa Thánh Thần hoạt động nhờ sức lôi cuốn thần thiêng : Thiên Chúa quyến rũ chúng ta bằng Tình yêu của Ngài và do đó lôi cuốn chúng ta, để chuyển dời lịch sử và khởi động các tiến trình nhờ đó sự sống mới được thẩm thấu. Thật vậy, Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có khả năng làm cho mọi hoàn cảnh trở nên con người và huynh đệ, bắt đầu từ những ai đón tiếp Ngài.

Chúng ta cầu xin Thiên Chúa cho chúng ta được trải nghiệm lễ Hiện xuống mới, mở rộng con tim và hòa hợp những cảm xúc của chúng ta với Chúa Kitô, để chúng ta loan báo lời có sức biến đổi của Chúa mà không e ngại và làm chứng cho cho sức mạnh của tình yêu làm sống lại cuộc sống của tất cả những gì mà tình yêu gặp gỡ.

G. Võ Tá Hoàng
Mới hơn Cũ hơn