Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã giải thích cho chúng ta ý nghĩa thực sự của những lời cầu nguyện rất quan trọng này
Tất cả chúng ta đều biết đọc kinh Kính Mừng, nhưng có bao nhiêu người biết ý nghĩa thực sự của nó? Lời kinh đó muốn dạy chúng ta điều gì?
Trong cuốn sách "Maria, Mẹ của tất cả mọi người”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích cho chúng ta biết ý nghĩa của những lời kinh rất quan trọng này.
Bà đầy ân sủng
Sứ thần Gabriel gọi Đức Maria "đầy ân sủng" (Lc 1, 28 ): Đức Thánh Cha nói: nơi Mẹ "không có chỗ cho tội lỗi, vì từ đời đời Thiên Chúa đã chọn Mẹ của Chúa Giêsu và gìn giữ mẹ khỏi nguyên tội”.
“Và Ngôi lời đã trở thành xác phàm trong cung lòng Mẹ. Chúng ta cũng được kêu gọi lắng nghe Chúa nói với chúng ta và đón nhận ý muốn của Ngài. Thiên Chúa luôn luôn nói chuyện với chúng ta”.
Thiên Chúa ở cùng bà
Đức Thánh Cha nói : điều đã xảy ra nơi Đức Mẹ Đồng Trinh theo cách độc đáo thì “cũng xảy ra nơi chúng ta trong mức độ tâm linh khi chúng ta tiếp đón Lời Chúa bằng con tim vui vẻ và chân thành và biết đem ra thực hành”. Điều đó xảy ra như thể Thiên Chúa chiếm hữu thân xác chúng ta, Ngài đến và ở trong chúng ta, vì Ngài cư ngụ nơi những ai yêu mến và tuân giữ lời Ngài. Thật không dễ để hiểu được điều này, nhưng có thể dễ dàng cảm nhận được nó trong tâm hồn”.
“Chúng ta nghĩ rằng việc nhập thể của Chúa Giêsu chỉ là một hành động của quá khứ chứ không liên quan gì đến đời sống cá nhân của chúng ta sao? Tin vào Chúa Giêsu có nghĩa là hiến dâng cho Ngài thân xác của chúng ta, bằng sự khiêm tốn và can đảm của Đức Maria.
Bà có phước lạ ơn mọi người nữ
Đức Maria đã sống đức tin này thế nào? – ĐTC trả lời : “Mẹ đã sống giản dị giữa trăm nghìn công việc và lo lắng của một người mẹ mỗi ngày, chẳng hạn như cung cấp thức ăn, quần áo, chăm sóc nhà cửa… Cuộc sống đời thường của bà mẹ này ở trần gian là nơi diễn ra mối tương quan cá nhân và đối thoại sâu xa giữa Mẹ với Thiên Chúa, giữa Mẹ với Con của mình”.
Và Giêsu con lòng Bà gồm phước lạ
Đức Maria dễ tiếp thu nhưng không thụ động.
“Ở mức độ tự nhiên, Mẹ đón nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần rồi dâng hiến máu thịt mình cho Con Thiên Chúa để Ngài được hình thành nơi Mẹ, về mặt tâm linh, Mẹ đón nhận ân sủng và đáp lại điều đó bằng đức tin của mình”. Về điều này thánh Augustinô giải thích rằng : Đức Trinh Nữ “trước hết đã thụ thai trong tâm hồn và sau là trong cung lòng Mẹ. Mẹ đã thụ thai trước là đức tin và sau là Thiên Chúa”.
Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời
ĐTC giải thích : Mẹ của Đấng Cứu Chuộc, "đi trước chúng ta và liên tục củng cố chúng ta trong đức tin, ơn gọi và sứ vụ. Với mẫu gương khiêm nhường và sẵn sàng làm theo ý Chúa, Mẹ giúp chúng ta chuyển đổi niềm tin của mình thành lời loan báo Tin Mừng và không biên giới”.
Cầu cho chúng con là kẻ có tội
Để giải thích ý nghĩa của đoạn kinh này, ĐTC kể lại một câu chuyện :
“Tôi nhớ có một lần ở đền thánh Luján, tôi ngồi trong tòa giải tội và trước tôi là một hàng dài những tội nhân. Có một cậu bé ăn mặc rất hiện đại, đeo bông tai, xăm trổ cùng mình… Cậu ấy đã đến kể cho tôi những gì đã xảy ra với cậu ấy. Đó là những vấn đề nghiêm trọng, khó khăn. Và cậu ấy nói với tôi : con cũng kể tất cả mọi thứ cho mẹ của con, và mẹ khuyên con hãy chạy đến với Đức Mẹ, Mẹ sẽ cho con biết con sẽ phải làm gì. Vậy đó, một người phụ nữ có món quà là lời khuyên. Bà ta không biết làm sao để thoát khỏi vấn đề của con trai mình, nhưng đã chỉ ra một con đường đúng đắn : hãy đến với Đức Mẹ, Mẹ sẽ chỉ cho con. Món quà ở đây là lời khuyên. Bà mẹ đó khiêm tốn, đơn sơ, đã cho con mình lời khuyên rất đúng. Đúng thế, cậu bé này đã nói với tôi : Con đã trông lên Đức Mẹ và con đã cảm thấy con phải làm điều này, điều kia… Món quà ở đây là lời khuyên. Các bà mẹ có món quà này, hãy cầu xin nó cho con cái của mình. Món quà khuyên dạy con cái là ơn của Thiên Chúa”.
Khi này và trong giờ lâm tử
Chúng ta hãy phó thác cho Đức Maria “bởi vì Mẹ là mẹ của người anh đầu lòng, là Chúa Giêsu; xin Mẹ dạy cho chúng ta có được như Mẹ, tinh thần mẫu tử đối với con cái của mình, với khả năng chân thành đón nhận, tha thứ, gia tăng sức mạnh và truyền dẫn niềm tin và hy vọng. Đó là tất cả những gì làm nên một người mẹ”.
Hành trình tiến về quê Trời của Đức Maria đã bắt đầu “từ tiếng thưa “vâng” ở Nazareth, khi đáp lại lời của Sứ giả nước trời, người đã loan báo cho Mẹ biết ý muốn của Thiên Chúa. Và thực sự là như thế, mỗi khi chúng ta thưa “xin vâng” theo ý Thiên Chúa là chúng ta tiến một bước về quê Trời, tiến về cuộc sống vĩnh cửu”.
G. Võ Tá Hoàng