“Chúa Kitô đang sống và Ngài muốn bạn được sống... Ngài ở trong bạn, bên cạnh bạn và Ngài không bao giờ bỏ rơi bạn”. Đó là những chia sẻ mà ĐTC Phanxicô muốn nhấn mạnh trong buổi đọc kinh Regina Coeli tại nhà thờ Chính thống nổi tiếng Alexander Nevsky, trong chuyến viếng thăm mục vụ ba ngày (5-7/5/2019) tại Bulgari và Bắc Macedonia.
Anh chị em thân mến, “Chúa Kitô đã sống lại!”.
Bằng những lời trên, từ thời cổ đại, ở vùng đất của các Kitô hữu Bulgari, những người Chính thống giáo và Công giáo đã chào nhau trong mùa Phục sinh : Christos Vozkrese! Họ bày tỏ niềm vui khôn tả vì chiến thắng của Chúa Giêsu Kitô trên sự dữ và cái chết. Đó là lời khẳng định và là chứng từ quan trọng của niềm tin chúng ta: Chúa Kitô đang sống. Ngài là niềm hy vọng và là vẻ đẹp tươi trẻ của thế giới này. Tất cả những gì Ngài chạm tới đều trở nên mới mẻ, được tràn đầy sức sống. Do đó, những lời đầu tiên mà tôi muốn nhắn gửi đến anh chị em đó là : Chúa đang sống và Ngài muốn anh chị em được sống! Ngài ở trong anh chị em, Ngài ở với anh chị em và không bao giờ bỏ rơi anh chị em. Ngài đồng hành với anh chị em. Dẫu cho anh chị em có muốn xa Ngài thì Đấng Phục sinh vẫn có đó, bên cạnh anh chị em, hằng liên lỉ kêu mời anh chị em, chờ đợi anh chị em để bắt đầu lại. Ngài không bao giờ sợ bắt đầu lại: luôn luôn đưa tay cho chúng ta để bắt đầu lại, để nâng chúng ta dậy và bắt đầu lại. Khi anh chị em cảm thấy già nua vì buồn sầu – nỗi buồn tuổi tác – hận thù, sợ hãi, nghi ngờ và thất bại, Ngài ở đó để đem lại cho anh chị em sức mạnh và hy vọng (Tông huấn Christus vivit 1-2). Ngài đang sống, Ngài muốn bạn sống và đồng hành với bạn.
Niềm tin vào Chúa Kitô phục sinh này đã được loan báo từ hơn 2000 năm trong từng ngõ ngách của trái đất, qua sứ mạng đầy quảng đại của biết bao tín hữu, những người được kêu mời để trao ban mọi sự cho việc loan báo tin mừng mà không giữ lại điều gì cho riêng mình. Trong lịch sử của Giáo hội, cũng như tại đất nước Bulgari này, đã có nhiều Mục tử nổi bật về đời sống thánh thiện. Trong đó tôi muốn nhắc đến vị tiền nhiệm của tôi, người mà anh chị em gọi là “vị thánh Bulgari”, Thánh Giáo hoàng Gioan XIII, một vị thánh mục tử, được tưởng nhớ cách đặc biệt ở nơi này, nơi ngài đã từng sống từ năm 1925 đến 1934. Ở đây ngài đã học cách đánh giá cao truyền thống của Giáo hội Đông phương, bằng cách thiết lập mối quan hệ gần gũi với các tôn giáo khác. Kinh nghiệm ngoại giao và mục vụ tại Bulgari vì thế đã để lại một dấu ấn sâu đậm trong trái tim mục tử của ngài, đến nỗi dẫn ngài đến với viễn tượng thuận lợi trong việc đối thoại đại kết nơi Giáo hội, ước muốn thực sự từ Giáo hoàng Roncalli đã từng có sự thúc đẩy đáng kể trong Công đồng Vatican II. Theo nghĩa nào đó, chúng ta phải cảm ơn vùng đất này vì trực giác khôn ngoan và truyền cảm hứng của vị “Giáo hoàng nhân ái”.
Theo vết chân của hành trình đại kết này, sắp tới đây tôi vui mừng chào đón các vị đại diện của các tôn giáo khác ở Bulgari, mặc dù đây là một quốc gia Chính thống giáo, nhưng là ngã tư đường, nơi các biểu hiện tôn giáo khác nhau gặp gỡ và đối thoại. Sự hiện diện thân mật trong buổi gặp gỡ giữa các vị đại diện của các cộng đoàn khác nhau này muốn nói đến khát khao của tất cả mọi người xuyên qua hành trình đại kết, ngày càng cần thiết hơn để “chấp nhận nền văn hóa đối thoại như phương cách, hợp tác chung như cách hành xử, nhận biết lẫn nhau như phương pháp và tiêu chuẩn” (Tài liệu về tình huynh đệ nhân loại Abu Dhabi, ngày 4 tháng 2 năm 2019).
Chúng ta đang ở gần ngôi nhà thờ cổ của Thánh nữ Sophia, và cạnh nhà thờ Thượng phụ thánh Alexander Nevsky, nơi mà trước đây tôi đã cầu nguyện để tưởng nhớ các thánh Cyrillô và Metodio, những nhà truyền giảng tin mừng cho dân tộc Slav. Với mong muốn thể hiện sự quý trọng và tình mến đối với Giáo hội Chính thống Bulgari đáng kính này, tôi đã vui mừng chào đón và ôm hôn hiền huynh của tôi là Đức Thượng phụ Neofit, cũng như các vị Tổng giám mục của Thượng hội đồng.
Giờ đây chúng ta hướng lòng lên Đức Trinh nữ Maria, Nữ vương trên trời và đất, xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa Phục sinh, ban thêm ơn lành cho vùng đất yêu dấu này luôn có được động lực cần thiết thúc đẩy để trở thành vùng đất của sự gặp gỡ, trong đó, vượt qua những khác biệt về văn hóa và tôn giáo hay chủng tộc, để có thể tiếp tục nhìn nhận và quý trọng nhau như những người con cùng một Cha.
Lời cầu xin của chúng ta được diễn tả bằng bài hát của lời kinh nguyện cổ xưa Regina Caeli. Chúng ta cùng đọc lời kinh đó nơi nhà thờ thánh nữ Sophia này, trước ảnh tượng Đức Mẹ Nesebar, nghĩa là “cửa thiên đàng”, rất thân yêu đối với vị tiền nhiệm của tôi là thánh Gioan XXIII, người đã khởi sự việc tôn kính Mẹ ở đây, Bulgari, và đã mang Mẹ theo mình cho đến chết.
G. Võ Tá Hoàng
Tags:
Đức Thánh cha