Kỷ Niệm 50 Năm Ngày Ban Hành Tông Hiến Sách Lễ Rôma

.

Tháng Tư năm nay, chúng ta kỷ niệm đúng 50 năm ngày ĐGH Phaolô VI ban hành Tông Hiến Sách Lễ Rôma (03/04/1969 – 03/04/2019). Chúng ta dễ dàng tìm thấy Tông Hiến Sách Lễ Rômanày nằm ngay ở những trang đầu của Sách Lễ, chỉ sau Sắc Lệnh công bố ấn bản Sách Lễ Rôma của Bộ Phụng Tự (Prot. N. 166/70). Tông Hiến này thực sự quan trọng vì là văn kiện chuẩn nhận các bản văn thuộc một ấn bản mới của cuốn Sách Lễ Rôma, tức ấn bản mẫu thứ nhất(editio typica I), ra đời năm 1970.

Tính từ Công đồng Trentô cho tới nay, kể như chúng ta có hai cuốn Sách Lễ Rôma chủ yếu: đó là Sách Lễ Rôma của Đức Piô V ra đời năm 1570 (thường gọi là Sách Lễ 1570) và Sách Lễ Rôma của Đức Phaolô VI được xuất bản năm 1970. Đây là ấn bản mẫu thứ I. Sau ấn bản mẫu thứ I này, chúng ta đã có thêmlần lượt ấn bản mẫu thứ II (năm 1975) và thứ III (năm 2002). Tại thời điểm này, chúng ta vẫn sử dụng Sách Lễ Rôma ấn bản mẫu thứ II (phiên bản tiếng Việt 1992) pha lẫn với Nghi thức Thánh Lễ 2002 (phiên bản tiếng Việt 2005). Chắc phải chờ trong một thời gian nữa, chúng ta mới có phiên bản tiếng Việt trọn bộ Sách Lễ Rôma theo ấn bản mẫu thứ III (2002).

SÁCH LỄ CỦA ĐỨC PIÔ V 

Cuốn Sách Lễ của Đức Piô V được xuấn bản dựa theo Tông sắc "Quo primum" của ĐGH Piô V (ban hành ngày 14/07/1570). Sách Lễ này là hoa trái của Công đồng Trentôsau khi đã cân nhắc các vấn đề về mô hình và cấu trúc của Thánh Lễ vốn đã được cử hành từ thời thánh Gregorio (thế kỷ VI). Từ Công đồng này, một ủy ban đã được thiết lập nhằm chuẩn bị cho ra đời một cuốn Sách Lễ thống nhất trong toàn thể Hội Thánh: Sách Lễ của Đức Piô V. Kểtừ đó,Sách Lễ của Đức Piô Vđược sử dụng khắp nơi thuộc Giáo Hội La tinh ngoại trừ những nơi được phép cử hành theo một bản văn phụng vụ khác vốn đã tồn tại lâu đời ít là hai thế kỷ. Ngoại lệ này bảo tồn được những khác biệt và đặc nét nằm trong nghi lễ của một số Dòng tu cũng như một vài nghi lễ địa phương,chẳng hạn nghi điển phụng vụ Milan và Mozarabic. Như vậy, nếu tính cho tới khi Thánh Lễ của Đức Phaolô VI xuất hiện theo sau Công đồng Vatican II thì Thánh Lễ Trentô đã được cử hành trong Giáo Hội Công Giáo ngót nghét 1500 năm. Sách Lễ của Đức Piô Vđã được thích nghi nhiều lần bởi các ĐGH sau: [i] Đức Clêmentê VIII (1604): cho sửa lại những chỗ in sai và hiệu đính lại những phần dịch Kinh Thánh trong Sách Lễ được coi là chưa chuẩn xác; [ii] Đức Urbanô VIII (1634): hiệu đính một số bài ca trong Sách Lễ; [iii] ĐứcClêmentê XIII (1693 – 1769): bổ sung Kinh Tiền Tụngvề Chúa Ba Ngôi cho các Thánh Lễ Chúa Nhật; [iv] Đức Lêô XIII (1810-1820): bắt buộc sử dụng các lời nguyện sau Thánh Lễ nhằm kết thúc Thánh Lễ; [v] Đức Piô X (1910): đưa ra một số thay đổi trong phần hiệp lễ; [vi] Đức Piô XII: năm 1951, ngài cho phục hồi những lễ nghi cổ đêm thứ Bảy Tuần Thánh; năm 1955, phục hồi toàn bộlễ nghi Tuần Thánh và Bộ LễNghi,dưới triều đại của ngài, đã ra sắc lệnh đơn giản hóa chữ đỏ; [vii] Đức Gioan XXIII (1960): ban hành bộ chữ đỏ mới cho Thánh Lễ. Phiên bản cuối cùng của Sách Lễ Tridentinô chính là Sách Lễ 1962 ra đời trong triều đại của ĐGH Gioan XXIII.

SÁCH LỄ CỦA ĐỨC PHAOLÔ VI

Như trường hợp của Sách Lễ 1570, những thay đổi được đưa vào Sách Lễ mới này bao gồm các yếu tố vốn là thành quả từ học thuật chứ không phải do ngẫu hứng. Thời đại của Công đồng Trentô là thời gian mà nghiên cứu khoa học về di sản phụng vụ của Giáo Hội bắt đầu được đánh giá cao hơn, và thánh Piô V đã lưu ý rằng các cộng sự của ngài đả dày công nghiên cứu các nguồn tài liệu phụng vụ trong thư viện Vatican nhằm chuẩn bị cho việc ban hành Sách Lễ được duyệt lại. Trong các thế kỷ tiếp theo, các bản thảo cổ đã được sao chép và in lại giúp ích rất nhiều cho các học giả. Loại nghiên cứu này vẫn được tiếp tục cho đến nay và có một số trong đó đã tác động không nhỏ đến nội dung cũng như bố cục của Sách Lễ mới, tức Sách Lễ của Đức Phaolô VI.

So với Sách Lễ Rôma ra đời từ thời Công đồng Trentô (năm 1570), Sách Lễ mới của Công đồng Vatican II, tức Sách Lễ của Đức Phaolô VI,được xuất bản đúng 400 năm sau đó (1970). Chẳng có gì lạ lẫm khi Sách Lễ mới ẩn chứa trong nó những ý tưởng và nỗ lực của phong trào phụng vụ [vốn đã bắt đầu từ thế kỷ 19 và rồi tiếp tục đà phát triển ở thế kỷ 20] cũng như những đòi hỏi của Hiến chế Phụng Vụ Thánh “Sacrosanctum Concilium” (= PV), ra đời năm 1963.

Để thực hiện những cải cách phụng vụ của Công đồng Vatican II, trước khi kết thúc Công đồng [vào tháng 12 năm 1965], đầu năm 1964, Đức Phaolô VI đã thiết lập một Ủy ban gồm 50 Hồng Y và Giám mục. Ủy ban này có nhiệm vụ giám sát công việc của các nhóm chuyên viên phụng vụ khắp nơi trên thế giới. Nhờ vậy, vào thứ Năm Tuần Thánh (03/04/1969), ĐTC Phaolô VI đã có thể công bố Tông Hiến Missale Romanum.Ngoài ra, ngài còn cho công bố Nghi thức Thánh Lễ (06/04/1969); Thứ tự các Bài đọc Kinh Thánh (25/05/1969); Sách Bài đọc (30/09/1970) và toàn văn Sách Lễ Rôma (26/03/1970). 

Ngày kỷ niệm 50 năm công bố Tông Hiến Missale Romanumthật là thời điểm thích hợp để chúng ta nhìn lại những gì mà Đức Phaolô VI đã nỗ lực thực hiện trong cuộc canh tân phụng vụ của Công đồng Vatican II hầu có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn nữa kinh nghiệm cử hành và tham dự Thánh Lễ trong những thập kỷ vừa qua cũng như thấm nhuần cách thức chúng ta cử hành và tham dự Thánh Lễ hôm nay.

Nội dung của Sách Lễ Đức Phaolô VI

Như đã nói trên, toàn văn cuốn Sách Lễ Đức Phaolô VI được phát hành vào ngày 26/03/1970. Khi ban hành Tông hiến Missale Romanum ngày 03/04/1969, Tòa Thánh mới chỉ xuất bản được “Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma” (Institutio Generalis Missalis Romani) và “Nghi thức Thánh Lễ” (Ordo Missae) mà thôi. 

Sách Lễ Đức Phaolô IV gồm những phần sau:

(1) Giới thiệu các văn kiện của Giáo Hội: Các Sắc Lệnh của Bộ Phụng tự (1970 và 1975); Tông hiến Missale Romanum (3/4/1969) và “Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma”(được tu chỉnh nhiều lần vào các năm 1970, 1972, 1975 và 1991). Đây là một loại tài liệu mới mẻ, nó không chỉ đưa ra những hướng dẫn chữ đỏ mà còn đặt chúng vào bối cảnh nghi thức và thần học. Thêm vào đó là “Quy chế Tổng quát về Năm Phụng vụ và Niên lịch”;

(2) Phần riêng dùng cho các mùa phụng vụ chẳng hạn những lời nguyện cho mùa Vọng và mùa Giáng sinh, mùa Chay, mùa Phục sinh, mùa Thường niên và những lễ trọng về Chúa trong lịch chung;

(3) Nghi thức Thánh Lễ đặt ở giữa cuốn Sách Lễ: gồm Nghi thức Thánh Lễ có Cộng đoàn (383-476) và Nghi thức Thánh Lễ không có Cộng đoàn (477-486); 

(4) Phần phụ lục ngắn với những công thức khác nhau dùng khi bắt đầu Thánh Lễ và Nghi thức Thống hối, dùng để dẫn vào và kết thúc những kinh Tiền tụng, những lời tung hô sau truyền phép trong KNTT (487-492), Phép lành trọng thể và Lời nguyện trên dân (493-511); 

(5) Tiếp theo là phần riêng lễ các thánh (513-661); Những lời nguyện dùng cho Thánh Lễ có Nghi thức riêng (727-782); Thánh Lễ và lời nguyện cho những nhu cầu và những dịp khác nhau (783-854); Thánh Lễ ngoại lịch (855-877); Thánh Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời (879-914); 

(6) Sách Lễ kết thúc với phần phụ lục, bao gồm: Làm phép và rảy nước thánh (917-920); Các mẫu Lời nguyện Tín hữu (921-931); Nghi thức ủy thác các thừa tác viên cho rước lễ (931); Các lời nguyện để chuẩn bị Thánh Lễ (931-934) và cảm tạ sau Thánh Lễ (934-937); Những giai điệu để hát những bản văn trong Thánh Lễ (939-978); Mục lục (979-999). 

Những điểm nổi bật trong Sách Lễ của Đức Phaolô VI

Sách Lễ của Đức Phaolô VI đã có nhiều thay đổi so với ấn bản trước, đáng chú ý nhất chính là việc sữ dụng ngôn ngữ địa phương thay thế cho tiếng latinh vốn là ngôn ngữ duy nhất để cử hành Thánh Lễ Trentô. Thế nhưng, chính ĐTC Phao lô VI lại đặc biệt chú ý đến ba điểm sau:

(1) Điểm thứ nhất 

Điều đầu tiên, có lẽ gây ngạc nhiên cho những ai đọc Tông Hiến Missale Romanum50 năm sau, đó là ĐTC đã coi “điểm mới mẻ chính yếu” (par. 6) trong Sách Lễ mới chính là đã có thêm nhiều Kinh Nguyện Thánh Thể hơn để cộng đoàn có thể lựa chọn cử hành, tức là có nhiều Kinh Tiến Dâng (Anaphora) được thêm vào bên cạnh Lễ Quy Rôma (Canon) đáng kính, vốn là Kinh Nguyện Thánh Thể duy nhất được sử dụng tuyệt đối trong toàn Hội Thánh Công Giáo ở Tây phương suốt gần 15 thế kỷ (từ thế kỷ IV đến thế kỷ XX). Khi thực hiện điều này, ĐTC dựa theo một số dạng thức thực hành bên các Giáo Hội Đông phương, từ lâu, họ đã có tập quán sử dụng nhiều Kinh Tiến Dâng / Kinh Nguyện Thánh Thể trong cử hành Hy lễ Tạ ơn. Cụ thể là, Hội Thánh đã phục hồi Kinh Tạ Ơn của thánh Hippôlytô đã tồn tại từ thế kỷ III làm thành Kinh Nguyện Thánh Thể II. Kinh Nguyện Thánh Thể III được soạn thảo theo hướng đề nghị bởi tác giả Vagaggini: mang âm hưởng của các Kinh Nguyện Thánh Thể theo nghi lễ Alexandria, Byzantine và Maronite, thậm chí vay mượn từ phụng vụ Gallican. Kinh Nguyện Thánh Thể III diễn tả đạo lý về Hy tế Thánh Thể một cách tỏ tường cũng như tôn vinh Chúa Thánh Thần một cách xứng hợp bằng việc nhắc lại danh Chúa Thánh Thần đến 4 lần. Điều này làm dịu bớt đi sự kinh ngạc của những anh em theo Lễ nghi Đông phương khi không thấy đề cập gì mấy đến Chúa Thánh Thần trong Lễ Quy I của chúng ta ngoại trừ trong Vinh Tụng Ca. Kinh Nguyện Thánh Thể IV vay mượn từ phụng vụ Đông phương, đặc biệt là từ Hy-lạp, tương tự như Kinh nguyện của thánh Basil. Kinh Nguyện Thánh Thể IV tường thuật lại những khoản khắc vĩ đại trong lịch sử cứu độ và liên kết với lịch sử riêng của chúng ta với trung tâm lịch sử cứu độ là chính Chúa Kitô. Các Kinh nguyện Thánh Thể I, II, II và IV đã được chuẩn nhận ngày 27/04/1968. Sau đó, 3 Kinh nguyện Thánh Thể sử dụng trong Thánh Lễvới trẻ em và 2 Kinh nguyện Thánh Thể dùng cho Thánh Lễ hòa giải được chuẩn nhận năm 1974. 

Tuy rút ra từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng “vì những lý do được gọi là lý do mục vụ và để cho cử hành đồng tế diễn ra cách dễ dàng hơn” (par. 6), trong các Kinh Nguyện Thánh Thể mới này, những lời của Chúa, tức lời thánh hiến bánh và rượu, được giữ nguyên như nhau trong bất cứ Kinh Nguyện Thánh Thể nào. 

Bên cạnhđó, một loạt các Kinh Tiền Tụng đã được đem vào Sách Lễ mới vì trước cuộc canh tân phụng vụ theo Công đồng Vatican II, chỉ có 15 Kinh Tiền Tụng, tính luôn cả 5 Kinh Tiền Tụngmới được thêm vào cho các Thánh Lễ: cầu cho người quá cố (năm 1919); thánh Giuse (1919); Chúa Kitô Vua (1925); Thánh Tâm (1928); và Truyền Dầu (thứ Năm Tuần Thánh). Đến năm 1968, Thánh Bộ Lễ nghi cho xuất bản thêm 8 Kinh Tiền Tụngmới cùng lúc với việc ban hành 3 Kinh Tạ Ơn mới (II; III và IV). Sách Lễ Rôma 1970 chứa đựng hơn 80 Kinh Tiền Tụng. Một lần nữa, số lượng Kinh Tiền Tụnglại tăng bội lên tới 108 trong Sách Lễ Rôma ấn hành năm 1975 mà phần lớn in trong phần Thường lễ (72). Chúng thích ứng với sự đa dạng của các mùa phụng vụ, các phạm trù thánh nhân khác nhau, không chỉ giới hạn các thánh tông đồ và tuẫn đạo như trong cuốn Sacramentarium Veronese. Hiện nay, với ấn bản III của Sách Lễ Rôma (2002), số Kinh Tiền Tụnglà 99 mà hầu hết là dựa trên những Kinh Tiền Tụngtừ truyền thống xa xưa. 

(2) Điểm thứ hai 

Điểm thay đổi thứ hai được Đức Thánh Cha nhấn mạnh và là một thay đổi mà chúng ta thấy rõ ràng ngay lập tức khi so sánh giữa hình thức Thánh Lễ cũ và hình thức Thánh Lễ mới, đó là Nghi thức Thánh Lễ được đơn giản hơn, đáp ứng yêu cầu trực tiếp của các Nghị phụ Công đồng (x. PV 50 ). Ý định tổng quát của những thay đổi này là làm cho các phần trong Thánh Lễ liên kết với nhau cách hợp lý và rõ ràng hơn. Trong khi “Thánh Lễ đối thoại” đã bắt đầu xuất hiện ở nơi nọ nơi kia vào thời điểm này, thì giờ đây, việc đối thoại trong Thánh Lễ đã trở thành một hình thức xác định của cử hành. Thay vì chỉ có các người giúp thay mặt cho mọi người thưa với linh mục, thì nay, chẳng hạn, trong nghi thức sám hối, toàn thể cộng đoàn được kêu gọi thể hiện ra bên ngoài và bằng lời diễn tả nỗi sầu buồn về tội lỗi đã phạm và đáp lại vị tư tế trong nhiều cuộc đối thoại khác nhau. Nét mới tiếp theo là việc nhấn mạnh đến bài giảng và coi giảng lễ như là một phần không thể thiếu của Thánh Lễ cũng như bổ sung phần Lời nguyện Tín hữu vào lúc kết thúc Phụng vụ Lời Chúa. Những loại thay đổi này nhằm tạo điều kiện cho cộng đoàn dễ dàng tham gia tích cực vào Thánh Lễ (x. PV 50).

(2) Điểm thứ ba 

Cuối cùng, thay đổi thứ ba được nhấn mạnh trong Tông Hiến Missale Romanum là sự mở rộng hơn Sách Bài Đọc. Phụng vụ Lời Chúa gồm ba bài đọc trong dịp lễ Chúa Nhật cũng như lễ trọng và đi theo chu kỳ 3 năm thay vì theo chu kỳ một năm như đã thực hành trong lịch sử Giáo Hội cả ngàn năm qua. Hai bài đọc Sách Thánh cho những ngày lễ trong tuần. Bài đọc thứ nhất theo theo chu kỳ hai năm (năm chẵn và năm lẻ) trong khi Phúc Âm đi theo chu kỳ một năm (PV 51). Bài giảng được phục hồi như một phần không thể thiếu của Thánh Lễ (PV 52). Sử dụng ngôn ngữ bản xứ cho các bài đọc và lời nguyện (PV 54). Các bài đọc Kinh Thánh được in trong cuốn Lectionarium ban hành ngày 25/05/1969 với sắc lệnh Ordinem Scripturae và được tái bản năm 1981 với phần Dẫn Nhập dài hơn. ĐGH Phaolô VI hy vọng rằng tất cả những thay đổi trên sẽ giúp các tín hữu tăng thêm hiểu biết và lòng mộ mến đối với Kinh Thánh.

Một số thay đổi khác trong Sách Lễ của Đức Phaolô VI

Tông Hiến Missale Romanum lưu ý rằng các phần khác của Sách Lễ Rôma “cũng được duyệt lại và sửa đổi nhiều. Đó là: chu kỳ các mùa, chu kỳ lễ kính thánh, phần lễ chung các thánh, các lễ cho nghi thức riêng và các lễ tùy hoàn cảnh như quen gọi” (par. 11). Cụ thể là, thêm vào các lời nguyện mới, một số lời nguyện được rút ra từ các bản văn cổ xưa nhưng được sửa lại theo đúng nghĩa các bản văn cũ; còn một số lời nguyện khác thì đáp ứng những nhu cầu mới của thời buổi này, làm giảm số lần lặp lại lời nguyện liên quan đến Sách Lễ Trentô. “Quy chế Tổng quát” cũng đã được soạn thảo, đưa ra “các quy tắc mới […] cho việc cử hành Hy lễ Tạ ơn (par. 5), thay thế luật chữ đỏ của Sách Lễ trước đó. Thêm nữa, Sách Lễ mới đưa trở lại nghi thức chúc bình an vào phần Phụng vụ Thánh Thể;Vào những dịp đặc biệt, dân chúng có thể rước lễ dưới hai hình (PV 55);Phục hồi cử hành lễ Vọng Phục sinh như là thành phần của Tam Nhật Thánh trong Tuần Thánh và làm cho cử hành này nên xinh đẹp, phong phú và mang đầy tính biểu tượng; Vào những dịp khác nhau, các linh mục có thể đồng tế (PV 57-58), một điều trước kia chỉ xảy ra trong dịp lễ phong chức linh mục và chỉ có các Đức Giám Mục mới đồng tế; Có những vị trí khác nhau để [vị tư tế] cử hành ứng với những phần khác nhau trong cấu trúc Thánh Lễ, không còn việc mọi thứ được thực hiện chỉ tại bàn thờ nữa (PV 50). Vì vậy, việc công bố Lời Chúa diễn ra tại giảng đài; Phụng vụ Thánh Thể diễn ra tại bàn thờ; còn các phần thuộc về Nghi thức Nhập lễ, Nghi thức Kết lễ cũng như những phần khác sẽ được cử hành tại ghế chủ tọa. 

Sách Lễ mới cho thời đại mới

Ở một mức độ lớn hơn, những thay đổi được đưa vào Sách Lễ này được thúc đẩy bởi ý muốn thích nghi Sách Lễ với “những tâm tình mới của thời đại này (par. 2). Trong khi ca ngợi Sách Lễ Trentô mà các sứ giả rao giảng Tin Mừng “đã mang vào hầu hết mọi vùng đất”trên thế giới (par. 1), cũng như trong khi thừa nhận những nét cổ kính về nội dung của Sách Lễ cũ và thực tế là Sách Lễ cũ đã nuôi dưỡng lòng đạo đức của vô số các thánh một cách dồi dào, thánh Phaolô VI vẫn thúc đẩy công cuộc canh tân phụng vụ của Công đồng để rồi cho ra đời Sách Lễ mới của Vatican II. Ngài được bầu chọn lên ngai tòa Phêrô trong một thời đại vốn đã chứng kiến và đang tiếp tục chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ về xã hội, văn hóa và công nghệ hơn bao giờ hết trong lịch sử loài người, cả điều tốt lẫn điều xấu. ĐGH ắt hẳn biết rõ tầm quan trọng của những thay đổi đã được thực hiện đối với phụng vụ thánh, ngài tin chắc rằng công việc này cuối cùng sẽ giúp các tín hữu lớn lên về đàng thánh thiện trong thế giới hiện đại. 

THAY LỜI KẾT 

Giống như người tiền nhiệm của mình là thánh Piô V, ĐTC Phaolô VI hy vọng Sách Lễ mới sẽ củng cố sự hiệp nhất của Giáo Hội. Vào thế kỷ XVI, Hội Thánh tìm kiếm và xây dựng sự hiệp nhất thông qua hành động bãi bỏ các khác biệt của phụng vụ địa phương và nhấn mạnh hơn đến sự thống nhất với Vị Giám mục Rôma trong cách thức cử hành Thánh Lễ. Trong trường hợp của Thánh Phaolô VI, với cùng một mục tiêu là sự hiệp nhất Công Giáo nhưng ngài lại có một điểm nhấn khác: đó là mọi người ở khắp nơi sẽ tham gia trọn vẹn, ý thức và tích cực hơn vào Thánh Lễ bằng cả tâm trí và thân xác của họ, đồng thời cử hành ở tất cả mọi nơi một phụng vụ về cơ bản là giống nhau dù rằng khác biệt về ngôn ngữ.

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS

Mới hơn Cũ hơn