Âm nhạc và suy niệm trong Tuần thánh

Những bài hát sẽ giúp bạn đi sâu hơn vào các mầu nhiệm từ Chúa nhật lễ lá đến Phục sinh.

Đối với 1.2 tỷ người Công giáo trên thế giới, Tuần thánh đánh dấu một tuần quan trọng nhất trong năm phụng vụ. Tuần Thánh đi sâu vào tâm hồn của người tín hữu, đó là việc tưởng niệm cái chết và Phục sinh của Chúa Giêsu thành Nazareth hơn 2000 qua. Như Cha Robert Barron đã nói : “Không có Phục sinh, Kitô giáo sẽ sụp đổ. Đó là vị thế và là đích điểm của đức tin. Cho nên, phủ nhận Phục sinh thì không còn là Kitô hữu nữa. Bạn có thể thu nhặt từng mảnh, mẫu giáo lý Kitô giáo ở đâu đó, và bạn có thể đi theo Chúa Giêsu như người thầy hướng dẫn tinh thần khôn ngoan, nhưng nếu không có Phục sinh thì mọi thứ đều sụp đổ”.

Tất nhiên, khi nhân vật Giêsu lịch sử xuất hiện nhiều người đã cố gắng giảm thiểu Chúa Giêsu thành một người hướng dẫn tinh thần khôn ngoan, như Socrate hoặc Khổng tử. Nhưng bạn có nghĩ ra nếu như người thầy hoặc người cố vấn của bạn nói “Tôi là đường, là sự thật và là sự sống”? Bạn nghĩ thế nào? Vậy mà con người lịch sử này đã làm như thế. CS Lewis đã chú giải với “trilemma” - [tình huống bị kẹt giữa ba điều phải chọn lựa] - của ông rằng : Chúa Giêsu là kẻ nói dối, là kẻ mất trí hoặc Ngài là Thiên Chúa.

Tuy nhiên, Chúa Giêsu có phải là một người như Lewis nói không? Đó là vấn đề; Và tất cả đều xoay quanh Tin mừng Phục sinh, một sự kiện mà hàng tỷ người Kitô hữu trên thế giới cho đến nay vẫn tuyên xưng điều này.

Những điều đã xảy ra trong tuần đó tại sao lại quan trọng đến như vậy trong suốt bao nhiêu thế kỷ qua?

Để trả lời phần nào cho những vấn nạn trên, dưới đây là những bài thánh ca và suy niệm từng ngày trong Tuần Thánh. Mỗi ngày, tương ứng với các đoạn trong tin mừng Matthêu, đi kèm bằng những bài thánh ca và bài suy niệm trích từ Giáo lý Hội thánh Công giáo.

Viên ngọc quý đã tỏa sáng theo cách của nó; sức mạnh và vinh quang của thập giá và Phục sinh đã biến đổi thế giới trong một tuần.

Chúa nhật lễ lá : Chúa Giêsu lên Giêrusalem (Mt 21:1-11)



“Giêrusalem sẽ đón nhận Đấng Mêsia của mình như thế nào? Trong khi Đức Giêsu trốn tránh mọi ý đồ của dân chúng muốn tôn Người làm vua thì Người lại chọn thời điểm và chuẩn bị mọi chi tiết chuyến vào Giêrusalem, thành phố của "Đavít, Cha của Người"  với tư cách là Đấng Mêsia. Người được dân chúng hoan hô như con vua Đavít, Đấng mang lại ơn cứu độ (Hosanna có nghĩa là "Xin cứu chúng con","Xin ban ơn cứu độ!"). Nhưng "Vua Vinh hiển" lại "ngồi trên lưng lừa con" tiến vào thành. Người không chinh phục Nữ Tử Sion bằng mưu mẹo hay bằng bạo lực, nhưng bằng sự khiêm nhường, chứng từ của Chân lý. Vì thế ngày hôm đó, thần dân vây quanh Người là giới trẻ và "những người nghèo của Thiên Chúa", tung hô Người như các thiên thần đã loan báo Người cho các mục đồng, Lời tung hô : "Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa" được Hội Thánh sử dụng trong kinh "Thánh! Thánh! Thánh!", để mở đầu nghi thức tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Chúa” (GLCG 559).

Thứ hai : Chúa Giêsu tẩy rửa đền thờ (Mt 21,12-27)



“Đối với Người, Đền Thờ là nhà của Cha Người, nhà cầu nguyện. Người phẫn nộ vì tiền đường Đền Thờ đã trở thành nơi buôn bán. Vì yêu Cha tha thiết, Người xua đuổi con buôn khỏi Đền Thờ : "Đừng biến nhà Cha tôi thành chợ búa". Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Thánh Kinh: "Lòng nhiệt thành lo việc nhà Chúa, sẽ thiêu đốt tôi. Sau khi Người phục sinh, các tông đồ vẫn một lòng tôn kính Đền Thờ” (GLCG 584).

Thứ Ba : Chúa Giêsu giảng dạy cho dân (Mt 24: 1-35)



“Trước khi chịu nạn, Đức Giêsu đã loan báo Đền Thờ sẽ bị tàn phá và không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào. Đây là dấu chỉ tiên báo thời cánh chung sẽ khởi đầu với cuộc Vượt Qua của Người. Những lời tiên báo đó đã bị những kẻ chứng gian bóp méo, khi vị Thượng Tế thẩm vấn Đức Giêsu, và sau đó, người ta lại dùng để nhục mạ Người khi Người bị đóng đinh trên cây thập giá” (GLCG  585).

Thứ tư: Giuđa phản bội trao nộp Chúa Giêsu (Mt 26: 14-16)



“Chính trong cuộc khổ nạn, khi lòng thương xót của Đức Kitô chiến thắng tội lỗi, mà tội lỗi lộ rõ nhất tính hung bạo và đa dạng của nó : các thủ lãnh và dân chúng cứng lòng tin, căm thù, chối bỏ và nhạo báng Người; Philatô hèn nhát; quân lính tàn bạo; Giuđa phản bội, gây đau đớn cho Đức Giêsu; Phêrô chối Thầy và các tông đồ bỏ trốn. Tuy nhiên, chính vào giờ của bóng tối và thủ lãnh thế gian này có vẻ thắng thế, Đức Kitô đã tự hiến và âm thầm trở nên nguồn mạch vô tận thông ban ơn tha tội cho chúng ta” (GLCG 1851).

Thứ Năm tuần thánh : Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly (Mt 26, 17-30)



Hòa tấu Saxophone Luật Yêu Thương


“Trong bữa tiệc sau hết, vào đêm bị nộp, Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã thiết lập Hy Tế Tạ Ơn bằng Mình và Máu Người… Bí tích Thánh Thể là "nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu". "Những bí tích khác cũng như các thừa tác vụ và các hoạt động tông đồ đều gắn liền với bí tích Thánh Thể và qui hướng về đó. Thật vậy, phép Thánh Thể Chí Thánh chứa đựng tất cả của cải thiêng liêng của Hội Thánh, đó là chính Chúa Kitô, là mầu nhiệm Phục Sinh của chúng ta". “Bí tích Thánh Thể biểu thị và thể hiện sự hiệp thông đời sống với Thiên Chúa và hiệp nhất Dân Thiên Chúa. Việc Thiên Chúa thánh hóa trần gian trong Chúa Kitô cũng như việc con người trong Thánh Thần, tôn thờ Chúa Kitô và nhờ Người tôn thờ chính Chúa Cha, cùng đạt tới tột đỉnh trong bí tích Thánh Thể". Và cuối cùng, nhờ cử hành bí tích Thánh Thể, ngay từ bây giờ chúng ta được kết hiệp với phụng vụ trên trời và tiền dự vào đời sống vĩnh cửu, "khi Thiên Chúa có toàn quyền trên mọi sự" (GLCG 1323-1326).

Thứ sáu Tuần Thánh : Chúa Giêsu bị đóng đinh và an táng (Mt 27: 32-61)





Vì không hề phạm tội, Chúa Giêsu không bao giờ bị Thiên Chúa ruồng bỏ. Người đã đón nhận chúng ta trong tình yêu cứu chuộc hằng liên kết Người với Chúa Cha, cho đến độ Người xem như bị tách lìa Thiên Chúa vì tội chúng ta, nên Người thay chúng ta mà thốt lên trên thập giá : "Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Chúa nỡ bỏ con!". Vì đã muốn liên kết Đức Kitô với chúng ta là những kẻ tội lỗi, nên Thiên Chúa "đã chẳng dung tha, nhưng đã trao nộp chính Con Một của Người vì hết thảy chúng ta", để chúng ta "được hoà giải với Người nhờ cái chết của Con Một Người" (GLCG 603).

Thứ Bảy Tuần Thánh : Chúa Giêsu Xuống âm phủ và các môn đệ của Ngài khóc thương (Mt 27, 62-66)




Hòa tấu saxophone Tâm Tình Ca 3

Hôm nay Đức Kitô đã xuống âm phủ để "kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa và ai nghe thì được sống". Đức Giêsu, "Đấng khơi nguồn sự sống", đã "nhờ cái chết của Người, tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, và đã giải  thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ" (GLCG, 635).

Chúa nhật Phục sinh : Chúa Giêsu phục sinh từ cõi chết (Mt 28, 1-20)



"Nếu Đức Kitô không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và đức tin của anh em cũng trống rỗng". Trên hết mọi sự, Phục Sinh xác nhận tất cả những gì chính Đức Kitô đã làm và đã dạy. Khi phục sinh, Đức Kitô chứng tỏ Người có thẩm quyền của một vị Thiên Chúa, nên toàn thể các chân lý kể cả những chân lý mà lý trí loài người khó chấp nhận, đều đáng tin.

Đức Kitô Phục Sinh hoàn tất những lời hứa của Cựu Ước và của chính Người khi còn sống tại thế. Thuật ngữ "đúng theo Kinh Thánh" cho thấy việc Đức Kitô Phục Sinh hoàn tất các lời tiên báo này. Phục Sinh xác nhận thiên tính thật của Đức Giêsu. Người đã nói : "Khi các ông đưa Con Người lên cao, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu". Phục Sinh của Đấng bị đóng đinh chứng minh rằng Người thực sự là "Đấng Hằng Hữu", là Con Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa” (GLCG 651-653).


[Bài viết của tác giả Matthew Becklo. Phần âm nhạc được biên tập lại phù hợp với thính giả Việt Nam]
Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng
Mới hơn Cũ hơn