Chúa Giêsu Hiển linh là biểu tượng của ánh sáng

Trong buổi đọc Kinh Truyền tin với khoảng 60 nghìn khách hành hương tại quãng trường thánh Phêrô, ngày lễ Hiển Linh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy niệm về việc tỏ mình của Chúa Giêsu, biểu tượng cho ánh sáng. Các ngôn sứ trong Cựu ước đã nói về ánh sáng này : “Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi”. Sau đó ngài mời gọi mỗi người tín hữu hãy để cho mình được chiếu soi bởi ánh sáng của Chúa Giêsu, đến từ Bêlêm. Đừng để cho nỗi sợ hãi đóng kín con tim của chúng ta, nhưng hãy can đảm mở lòng ra cho ánh sáng, nhẹ nhàng và kín đáo. Lúc đó, giống như các Đạo sĩ, chúng ta sẽ cảm nghiệm được một “niềm vui rạng vỡ” (c.10) mà chúng ta không thể nào giữ riêng cho mình.



Anh chị em thân mến

Hôm nay lễ Chúa Hiển linh, là ngày lễ tỏ mình của Chúa Giêsu, tượng trưng cho ánh sáng. Trong các bản văn tiên tri, ánh sáng này là lời hứa : ánh sáng đã được hứa hẹn. Thật vậy, Isaia đã nói với Giêrusalem bằng những lời sau: “Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi”. (60,1). Lời mời của vị ngôn sứ - hãy đứng lên vì ánh sáng đã đến – cho thấy sự bất ngờ, vì nó được đặt sau cuộc lưu đày đầy khắc nghiệt và vô số những khổ nhục mà dân chúng đã trải qua.

Lời mời gọi này hôm nay cũng vang vọng cho chúng ta, những người đã cử hành lễ Chúa Giáng sinh và khích lệ chúng ta hãy để cho mình chạy đến với ánh sáng Bêlem. Cả chúng ta cũng được mời gọi không phải để dừng lại nơi những dấu chỉ bên ngoài của sự việc, nhưng bắt đầu từ đó, lộ trình của con người và của các tín hữu trải qua trong sự mới mẻ của cuộc sống.

Ánh sáng mà ngôn sứ Isaia tiên báo trong Tin mừng đó là sự hiện diện và gặp gỡ. Và Chúa Giêsu sinh ra ở Bêlem, thành vua Đavít, đã đến để mang lại ơn cứu độ cho những người ở gần và ở xa: cho tất cả mọi người. Thánh sử Matthêu nêu ra những cách thức khác nhau qua đó người ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa và phản ứng với sự hiện diện của Ngài. Ví dụ, Hêrôđê và các kinh sư ở Giêrusalem có tâm hồn cứng cõi, họ cố chấp và từ chối cuộc viếng thăm của Hài nhi. Đó là một khả năng: tự khép lại đối với ánh sáng. Họ đại diện cho bao nhiêu người, cho cả chúng ta hôm nay, họ sợ cuộc giáng lâm của Chúa Giêsu và họ đóng con tim đối với anh chị em đang cần họ giúp đỡ. Hêrôđê sợ mất hết quyền lực và không nghĩ đến lợi ích thực sự cho dân, nhưng nghĩ cho lợi ích cá nhân mình. Các kinh sư và các thủ lãnh trong dân sợ hãi vì họ không biết nhìn xa hơn những điều chắc chắn của họ, cho nên họ không thể nhận ra được sự mới mẽ nơi Chúa Giêsu.

Trái lại, điều khác biệt chính là kinh nghiệm của các Đạo sĩ (x. Mt 2,1-12). Họ đến từ Đông phương, đại diện cho mọi dân tộc xa rời truyền thống đức tin Do thái. Tuy nhiên, họ để cho ngôi sao hướng dẫn mình và đối diện với một hành trình dài đầy rủi ro để đạt đến mục đích và nhận ra sự thật về Đấng Mêsia. Các Đạo sĩ đã mở lòng ra cho điều “mới mẽ”, và đã để lộ ra cho biết điều mới mẽ vĩ đại nhất và ngạc nhiên nhất của lịch sử đó là : Thiên Chúa làm người. Các đạo sĩ phủ phục trước Chúa Giêsu, họ dâng cho Ngài những món quà tượng trưng : vàng, nhủ hương và mộc dược; Bởi vì việc tìm kiếm Thiên Chúa không chỉ bao gồm sự kiên nhẫn trên đường mà còn là sự quãng đại trong tâm hồn. Và cuối cùng, họ trở lại “quê quán của mình” (c 12); Tin mừng kể rằng các Đạo sĩ trở về trên “một con đường khác”.

Anh chị em thân mến, mỗi khi có một người gặp gỡ Chúa Giêsu, họ thay đổi con đường, trở lại với cuộc sống theo cách khác, trở về để làm mới lại, bằng "một con đường khác”. Các Đạo sĩ trở về “quê quán của họ” mang trong mình mầu nhiệm về một vị Vua khiêm nhường và nghèo khó. Chúng ta có thể tưởng tượng được rằng họ kể lại cho tất cả mọi người kinh nghiệm sống: ơn cứu rỗi do Thiên Chúa ban tặng nơi Chúa Giêsu là ơn dành cho tất cả mọi người, ở xa cũng như gần. Người ta không thể “chiếm đoạt” Hài nhi ấy: Ngài là quà tặng cho mọi dân tộc.

Cũng vậy, chúng ta thực hiện một chút thinh lặng trong tâm hồn và hãy để cho mình được chiếu soi bởi ánh sáng của Chúa Giêsu, đến từ Bêlêm. Đừng để cho nỗi sợ hãi đóng kín con tim của chúng ta, nhưng hãy can đảm mở lòng ra cho ánh sáng, nhẹ nhàng và kín đáo. Lúc đó, giống như các Đạo sĩ, chúng ta sẽ cảm nghiệm được một “niềm vui rạng vỡ” (c.10) mà chúng ta không thể nào giữ riêng cho mình. Xin Đức Trinh nữ Maria, ngôi sao đưa dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu nâng đỡ chúng ta trong hành trình này; và Mẹ là người làm cho các Đạo sĩ và tất cả những ai chạy đến bên Mẹ gặp được Chúa Giêsu.

Sau Kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha nói:

Một vài Giáo hội Đông phương, Công giáo và Chính thống, theo lịch Giulianô, sẽ cử hành lễ Giáng sinh vào ngày mai. Tôi gửi lời chào thân ái của tôi đến họ với tình huynh đệ trong dấu chỉ hiệp thông giữa tất cả mọi kitô hữu chúng ta, là những người nhận ra Chúa Giêsu là Thiên Chúa và là Đấng Cứu độ. Chúc mừng giáng sinh tất cả mọi người.

Hiển linh cũng là Ngày Truyền giáo của Trẻ em, mà năm nay mời gọi các nhà truyền giáo trẻ tuổi nhất hãy là “những vận động viên của Chúa Giêsu” để làm chứng cho Tin mừng trong gia đình, nơi trường học, và những nơi giải trí.
Mới hơn Cũ hơn