Bài giảng lễ Mình Máu Chúa Kitô của Đức Thánh Cha Phanxicô
Trong đoạn Tin mừng chúng ta vừa nghe thuật lại bữa Tiệc Ly, nhưng điều đáng chú ý là Tin mừng tập trung vào sự chuẩn bị hơn là chính bữa ăn. Động từ “chuẩn bị” trở lại nhiều lần. Các môn đệ hỏi : “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?” ( Mc 14:12). Chúa Giêsu sai họ đi dọn chỗ với những chỉ dẫn chính xác và họ đã tìm thấy ở đó “một căn phòng rộng rãi, trên lầu và đã dọn sẵn” (c. 15). Các môn đệ đến để chuẩn bị, thế nhưng Chúa Giêsu đã chuẩn bị trước rồi.
Có cái gì đó tương tự đã xảy ra sau phục sinh, khi Chúa Giêsu hiện ra cho các môn đệ lần thứ ba: khi họ đang đánh cá, Ngài chờ đợi họ trên bờ, nơi Ngài chuẩn bị bánh và cá cho họ. Nhưng đồng thời Ngài cũng yêu cầu các ông mang đến một ít cá mà họ vừa bắt được, cá mà Ngài đã chỉ cho họ cách thả lưới (x. Ga 21,6.9-10). Ngay cả ở đây, Chúa Giêsu đã chuẩn bị trước và yêu cầu các môn đệ của Ngài cộng tác. Thật vậy, trước lễ Vượt qua một chút, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ rằng : “Thầy đi và dọn chỗ cho anh em […] Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi” (Ga 14,2.3). Chính Chúa Giêsu là Đấng chuẩn bị, bằng những lời nhắc nhở mạnh mẽ và bằng những dụ ngôn trước cuộc Vượt qua của mình, Ngài muốn mỗi người cần phải chuẩn bị, cần phải sẵn sàng (x. Mt 24.44, Lc 12:40).
Tóm lại, Chúa Giêsu đã chuẩn bị cho chúng ta và Ngài đòi hỏi chúng ta phải chuẩn bị. Chúa Giêsu đã chuẩn bị điều gì cho chúng ta?. Ngài chuẩn bị một chỗ ở và chuẩn bị lương thực. Một chỗ ở, một nơi xứng đáng hơn nhiều so với “căn phòng rộng rãi” theo Tin mừng. Đó là căn nhà rộng rãi và to lớn của chúng ta ở đây, Giáo hội, phải có chỗ cho tất cả mọi người. Nhưng Ngài cũng đã dành cho chúng ta một chỗ trên trời, là cõi thiên đàng, để chúng ta được ở với Ngài và Ngài ở giữa chúng ta luôn mãi. Ngoài chỗ ở ra, Ngài còn chuẩn bị lương thực cho chúng ta, tấm Bánh ấy chính là Ngài : “Anh em hãy cầm lấy, đây là Mình Thầy” (Mc 14,22). Hai tặng phẩm này, chỗ ở và lương thực là thứ giúp cho chúng ta sống. Chúng là thức ăn và nơi trú ngụ vĩnh viễn. Cả hai đều được ban cho chúng ta qua Bí tích Thánh Thể. Lương thực và chỗ ở.
Ở đây Chúa Giêsu chuẩn chị cho chúng ta một chỗ nơi trần gian, vì Thánh Thể là nhịp đập con tim của Giáo hội, sinh ra Giáo hội, tái sinh Giáo hội và ban cho Giáo hội sức mạnh. Nhưng Thánh Thể cũng chuẩn bị cho chúng ta một chỗ trên trời, quê hương vĩnh cửu, vì đó là Bánh bởi trời. Xuất phát từ trời, thực vậy, bánh là chất thể duy nhất trên thế gian này có hương vị trường tồn. Đó là bánh của tương lai, mà hôm nay khiến cho chúng ta cảm nếm được một tương lai vô cùng lớn lao, lớn hơn tất cả những gì chúng ta mong đợi. Đó là bánh làm no thỏa những kỳ vọng lớn nhất của chúng ta và nuôi dưỡng những giấc mơ đẹp nhất của chúng ta. Tắt một lời, đó là bảo chứng của cuộc sống vĩnh cửu: nó không chỉ là một lời hứa mà là một bảo chứng, nghĩa là một điều báo trước, báo trước cái cụ thể về những điều sẽ được ban cho. Thánh Thể là “giữ chỗ” trên thiên đàng; Chúa Giêsu, là của ăn đàng của chúng ta trên hành trình tiến về cuộc sống hạnh phúc, không bao giờ kết thúc.
Ngoài ra, trong Bánh Thánh, Chúa Giêsu chuẩn bị cho chúng ta lương thực, của ăn nuôi dưỡng. Trong cuộc sống chúng ta cần được nuôi dưỡng liên tục, và không chỉ là thực phẩm mà còn là những dự định, khao khát, ước muốn và hy vọng. Chúng ta đói khát được yêu thương. Thế nhưng những lời khen ngợi ưa thích nhất, những món quà đẹp nhất và những kỹ thuật tiên tiến nhất vẫn không đủ, tất cả những thứ đó không bao giờ làm chúng ta no đủ. Thánh Thể là lương thực đơn sơ, như một tấm bánh, nhưng là thứ duy nhất làm no thỏa, vì không có tình yêu nào lớn hơn Thánh Thể. Ở đó chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu thực sự, chúng ta chia sẻ cuộc sống với Ngài, chúng ta cảm nhận tình yêu của Ngài; ở đó bạn có thể trải nghiệm được cái chết và phục sinh của Ngài vì chúng ta. Và khi bạn thờ lạy Chúa Giêsu trong Thánh Thể, bạn nhận được từ nơi Ngài Chúa Thánh Thần, bạn sẽ tìm thấy được bình an và niềm vui.
Anh chị em thân mến! Chúng ta chọn lương thực sự sống này. Chúng ta đặt Thánh lễ ở vị trí đầu tiên, chúng ta tái khám phá việc thờ phượng Chúa trong cộng đoàn của chúng ta! Chúng ta xin cho mình ơn được đói khát Chúa, với ước muốn không cùng để lãnh nhận điều mà Ngài đã chuẩn bị cho chúng ta.
Tuy nhiên, cũng như các môn đệ, hôm nay Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta chuẩn bị. Giống như các môn đệ, chúng ta hỏi Ngài: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?”. Ở đâu: Chúa Giêsu không muốn những chỗ dành riêng và độc quyền. Ngài tìm đến những chỗ mà tình yêu không đạt đến được, hy vọng không đụng chạm được. Ở những nơi thiếu tiện nghi là nơi Ngài muốn đi đến và Ngài đòi hỏi chúng ta phải chuẩn bị mọi thứ cho Ngài. Biết bao nhiêu người không có chỗ cho đàng hoàng để sống và lương thực để ăn. Tất cả chúng ta đều biết những người cô thân, đau khổ, túng thiếu: họ là những nhà tạm bị bỏ rơi. Chúng ta nhận lãnh từ Chúa Giêsu lương thực và nơi trú ngụ, chúng ta ở đây để chuẩn bị một chỗ ở và lương thực cho những anh em thiếu thốn này. Chúa Giêsu đã trở nên tấm bánh được bẻ ra cho chúng ta; Ngài muốn mỗi người chúng ta hãy biết hiến trao cho tha nhân. Ngài muốn chúng ta không còn sống cho chính mình mà là một người sống vì người khác. Bằng cách này chúng ta sống theo Thánh Thể: khi đổ vào thế giới tình yêu mà chúng ta kín múc từ thân xác của Chúa. Thánh Thể trong cuộc sống được thực hiện bằng cách chuyển từ tôi sang bạn.
Tin mừng còn nói, các môn đệ chuẩn bị bữa Tiệc Ly sau khi đã “đi vào thành” (c.16). Hôm nay, Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta chuẩn bị cho Ngài đến, không phải ở bên ngoài, ở cách xa, nhưng bước vào trong thành phố của chúng ta. Ngay cả ở thành phố này là “Ostia”, nghĩa là lối vào, cánh cửa. Ôi lạy Chúa, có bao nhiêu cánh của mà Ngài muốn chúng con mở ra cho Ngài ở đây? Có bao nhiêu cánh cổng mà Ngài muốn chúng con phải mở toang ra; có bao nhiêu rào cản mà chúng con cần phải vượt qua? Chúa Giêsu muốn rằng những bức tường của sự thờ ơ và những cấu kết ngầm phải được phá bỏ, nhổ bỏ những tấm chắn của hống hách và kiêu căng, mở ra những nẻo đường cho công bình, đúng đắn và hợp pháp. Bờ biển rộng lớn của thành phố này gợi lên vẽ đẹp của sự cởi mở và ra khơi trong cuộc sống. Nhưng để thực hiện được điều này cần phải tháo gỡ những nút thắt đang trói buộc chúng ta với những cái neo của sợ hãi và áp bức. Thánh Thể mời gọi chúng ta biết để cho mình được làn sóng của Chúa Giêsu cuốn theo, đừng nằm lì trên bãi biển để mong đợi cái gì đó mang đến, nhưng phải nhổ neo giải phóng, can đảm và hiệp nhất.
Kết thúc bài Tin mừng, sau khi “hát thánh vịnh xong, Đức Giêsu và các môn đệ ra đi” (v. 26). Vào cuối Thánh lễ, chúng ta cũng sẽ ra đi. Chúng ta sẽ đi với Chúa Giêsu, sẽ đi khắp mọi nẻo đường trong thành phố này. Chúa muốn sống giữa chúng ta. Ngài muốn thăm viếng từng hoàn cảnh, bước vô nhà, hiến trao lòng thương xót giải phóng, chúc lành và an ủi. Anh em đã cảm thấy được những hoàn cảnh đau khổ; Chúa muốn sống gần anh em. Chúng ta hãy mở rộng cửa cho Ngài và nói với Ngài rằng :
Lạy Chúa, xin hãy đến viếng thăm chúng con.
Chúng con đón nhận Chúa vào trong tâm hồn chúng con,
trong gia đình, và trong thành phố của chúng con.
Tạ ơn Chúa vì đã dọn sẵn cho chúng con lương thực của cuộc sống và một chỗ ở trên trời.
Xin làm cho chúng con thành những người chuẩn bị tích cực,
thành những người mang vác niềm vui của Chúa, vì Chúa là sự sống,
để mang đến cho anh em sự công chính và bình an trên mọi nẻo đường của chúng con. Amen.
G. Võ Tá Hoàng
Tags:
Suy niệm B