Bài giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxicô về Bí tích Rửa tội tại quãng trường thánh Phêrô, sáng thứ tư ngày 02/05/2018
Bài 4. Nước là nguồn mạch sự sống
Anh chị em thân mến
Tiếp tục suy tư về Bí tích Rửa tội, hôm nay tôi muốn dừng lại ở những nghi thức chính, giải thích về nguồn gốc Bí tích Rửa tội.
Trước hết chúng ta nói về nước, nước mà chúng ta đã khẩn cầu quyền năng của Thánh Thần để có được sức mạnh tái sinh và đổi mới (x. Ga 3,5; Tt 3,5). Nước là nguồn gốc của sự sống và sung túc, khi thiếu nước sẽ làm mất đi mọi phong phú, như đã từng xảy ra trong sa mạc. Tuy nhiên, nước có thể là nguyên nhân của sự chết, khi nó nhận chìm giữa những cơn sóng của nó hay khi sóng lớn đánh tan tác mọi sự;. Cuối cùng, nước có khả năng rửa sạch và thanh tẩy.
Khởi đi từ biểu tượng tự nhiên được nhận biết cách rộng rãi này, Kinh thánh diễn tả những can thiệp và lời hứa của Thiên Chúa qua dấu chỉ của nước. Tuy nhiên, khả năng tha thứ tội lỗi tự nó không có trong nước, như thánh Ambrôsiô đã giải thích cho những người mới được rửa tội: “Anh đã thấy nước, nhưng không phải mọi thứ nước đều chữa lành: nước chữa lành được là nhờ ơn của Chúa Kitô. […] hành động là của nước, hiệu quả của Chúa Thánh Thần (De sacramentis 1,15).
Cho nên, Giáo hội cầu xin hoạt động của Thánh Thần trên nước “để những người lãnh nhận Bí tích Rửa tội, được chôn vùi với Chúa Kitô trong cái chết và cùng sống lại trong sự sống bất diệt với Ngài” (Nghi thức rửa tội trẻ em, số 60). Lời cầu ban phép nước nói rằng: Thiên Chúa đã chuẩn bị nước “để trở nên dấu chỉ cho Bí tích Rửa tội” và nhắc đến những hình ảnh báo trước trong Kinh thánh: trên nguồn nước Thần Khí đã bay lượn để đem lại cho nó hạt mầm của sự sống (cfr Gen 1,1-2); Nước lụt hồng thủy đã đánh dấu sự kết thúc của tội lỗi và bắt đầu cuộc sống mới (x. St 1,1-2); qua nước Biển đỏ con cái của Abraham được giải phóng khỏi kiếp nô lệ Ai cập (x Xh 14,15-31). Trong tương quan với Chúa Giêsu, nước nhắc đến phép rửa ở sông Giordan (x. Mt 3,13-17) máu và nước đã đổ ra từ cạnh sườn (x. Ga 19, 31-37), và lệnh truyền cho các môn đệ làm phép rửa cho tất cả mọi dân tộc nhân danh Ba Ngôi (X. Mt 28,19). Được củng cố trong tưởng niệm này, chúng ta cầu xin Thiên Chúa đổ tràn trong nguồn nước này ơn thánh của Chúa Kitô chịu chết và sống lại (x. Nghi thức rửa tội trẻ em, số 60). Như thế, nước này đã biến đổi thành nước mang trong mình sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Và cùng với nước này, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng ta rửa tội cho mọi người, rửa tội cho người lớn, cho trẻ em và cho tất cả mọi người.
Giếng nước đã được thánh hóa, giờ đây cần phải chuẩn bị tâm hồn để đón nhận Bí tích Rửa tội. Điều này xảy ra qua việc từ bỏ sa tan và tuyên xưng đức tin, hai hành động liên kết chặt chẽ với nhau. Trong phạm vi mà qua đó tôi nói “không” đối với những khuyến dụ của ma quỉ - kẻ chia cách – tôi có thể nói “có” với Thiên Chúa, Đấng mời gọi tôi trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong tư tưởng và hành động.
Ma quỉ chia rẽ, còn Thiên Chúa luôn hiệp nhất cộng đoàn, hiệp nhất mọi người thành một dân duy nhất của Ngài. Không thể kết hợp với Chúa Kitô bằng cách đặt ra những điều kiện. Cần phải cắt ra khỏi những mối ràng buộc chắc chắn để có thể thực sự ôm lấy tha nhân; hoặc là ở trong tình trạng tốt với Thiên Chúa, hoặc trong tình trạng tốt với ma quỷ. Vì thế việc từ bỏ và hành động của đức tin đi đôi với nhau. Cần phải cắt bỏ những nhịp cầu, để nó lại phía sau, để bắt đầu con đường mới là Chúa Kitô.
Trả lời những câu hỏi “anh chị có từ bỏ ma quỷ, tất cả mọi việc làm của nó, và tất cả mọi cám dỗ của nó không?”, đó là công thức ở ngôi thứ nhất số ít : “con từ bỏ”. Đồng thời niềm tin vào Giáo hội được tuyên xưng, khi nói: “con tin”. Tôi từ bỏ và tôi tin: đây là nền tảng của Bí tích Rửa tội. Đó là một sự chọn lựa trách nhiệm, đòi hỏi phải được thực hiện bằng những hành động cụ thể của niềm tín thác vào Thiên Chúa. Hành động của đức tin giả thiết một cam kết rằng chính Bí tích Rửa tội sẽ giúp duy trì lòng kiên vững trong mọi hoàn cảnh và mọi thử thách khác nhau của cuộc sống. Chúng ta nhớ lại sự khôn ngoan của người Israel xưa: “Con ơi, nếu con muốn dấn thân phụng sự Đức Chúa, thì con hãy chuẩn bị tâm hồn để đón chịu thử thách (Hc 2,1), tức là chuẩn bị để chiến đấu. Và sự hiện diện của Chúa Thánh Thần sẽ ban cho chúng ta sức mạnh để chiến đấu thành công.
Anh chị em thân mến, khi chúng ta nhúng tay vào trong nước phép – khi bước vào trong nhà thờ chúng ta chạm vào nước thánh – và chúng ta làm dấu Thánh giá, chúng ta nghĩ đến niềm vui và biết ơn Bí tích Rửa tội mà chúng ta đã lãnh nhận – nước được làm phép này nhắc chúng ta về Bí tích Rửa tội – và làm mới lại tiếng “Amen” của chúng ta – “tôi hài lòng” -, để sống chìm đắm trong tình yêu của Ba ngôi rất thánh.
Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
Nguồn tin: w2.vatican.va
Tags:
Đức Thánh cha