Hãy để cho ơn của Bí tích Rửa tội kết trái trong cuộc sống chúng ta


Bài giáo lý của Đức Thánh Cha về Bí tích Rửa tội, sáng thứ tư 16/5/2018 tại quãng trường thánh Phêrô. Đây cũng là bài cuối cùng kết thúc loạt bài suy tư về Bí tích Rửa tội. Qua bài giáo lý hôm nay, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người : “Hãy để cho ơn của Bí tích Rửa tội sinh hoa kết quả trên nẻo đường thánh thiện. Hãy để cho mọi sự mở ra với Thiên Chúa và luôn chọn Ngài, chọn Thiên Chúa. Đừng nản chí, bởi vì bạn có sức mạnh của Chúa Thánh Thần để làm cho nó có thể, và tóm lại, sự thánh thiện là hoa trái của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời bạn” (x. Gal 5,22-23)

6. Mặc lấy Đức Kitô

Anh chị em thân mến

Hôm nay chúng ta kết thúc chu kỳ giáo lý về Bí tích Rửa tội. Những kết quả thiêng liêng của bí tích này tuy vô hình đối với con mắt nhưng hoạt động trong tâm hồn của người đã trở nên thụ tạo mới, được nên sáng tỏ rõ ràng qua việc trao chiếc áo trắng và ngọn nến cháy sáng. 

Sau việc thanh tẩy để tái sinh, ta có khả năng tái tạo lại con người theo Thiên Chúa trong sự thánh thiện đích thực (x. Eph 4,24). Tất nhiên, từ những thế kỷ đầu, những người mới được rửa tội mặc một chiếc áo mới, tinh trắng, tựa như sự rạng ngời của cuộc sống bước theo Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Chiếc áo trắng, diễn tả cách biểu tượng điều đã xảy ra trong bí tích, cho thấy khả năng của sự biến đổi trong vinh quang Thiên Chúa. 

Mặc lấy Đức Kitô nghĩa là gì? Thánh Phaolô nhắc đến khi giải thích về những nhân đức mà những người được rửa tội phải trau dồi: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Col 3,12-14).

Nghi thức trao ngọn lửa được lấy từ cây nến Phục sinh, cũng gợi lại hiệu quả của Bí tích Rửa tội. Vị linh mục nói “Anh em hãy lãnh nhận ánh sáng Chúa Kitô”. Những lời trên muốn nói rằng chúng ta không phải là ánh sáng, nhưng ánh sáng chính là Chúa Giêsu Kitô (Ga 1,9;12,46), Đấng đã sống lại từ cõi chết, đã chiến thắng bóng đêm sự dữ. Chúng ta được kêu mời lãnh nhận ánh sáng của Thiên Chúa! Như ngọn lửa của cây nến phục sinh đã thắp lên ánh sáng cho từng ngọn nến thế nào thì đức ái của Chúa Phục sinh thắp lên trong con tim của những người được rửa tội, đổ đầy ánh sáng và sức nóng cho nó như vậy. Và vì thế, từ những thế kỷ đầu, Bí tích Rửa tội cũng được gọi là “sự soi sáng” và những người được rửa tội được gọi là những “người được soi sáng”.

Thực vậy, đó là ơn gọi kitô hữu: “luôn bước đi như những người con của ánh sáng, bằng cách kiên trì trong đức tin” (xem Nghi thức gia nhập kitô giáo của người lớn, số 226; Ga 12,36). Nếu đó là các trẻ em thì bổn phận là của những bậc làm cha mẹ, cùng với cha mẹ đỡ đầu, chăm sóc để nuôi dưỡng ngọn lửa của ơn rửa tội nơi con cái họ, bằng cách giúp chúng kiên trì trong đức tin (x. Nghi thức rửa tội cho trẻ em, số 73). “Việc giáo dục kitô giáo là quyền của các em; nó hướng đến việc giúp đỡ các em dần nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa nơi Chúa Kitô: như thế đích thân chúng có thể xác nhận đức tin qua việc chúng được rửa tội (sđd, dẫn nhập, số 3).

Sự hiện diện sống động của Chúa Kitô, qua việc gìn giữ, bảo vệ và mở rộng trong chúng ta, là ngọn đèn rọi chiếu cho những bước đường của chúng ta, là ánh sáng hướng dẫn những chọn lựa của chúng ta, là ngọn lửa nung đốt mọi tâm can để đi đến gặp gỡ Thiên Chúa, đem lại cho chúng ta khả năng giúp đỡ những người đang cùng đi với chúng ta, cho đến sự hiệp thông không thể tách rời khỏi Ngài. Vào ngày đó, sách Khải huyền nói, “Sẽ không còn đêm tối nữa, họ sẽ không cần ánh sáng của đèn, cũng chẳng cần ánh sáng mặt trời, vì Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trên họ, và họ sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời” (Kh 22,5).

Việc cử hành Bí tích rửa tội được kết thúc bằng kinh Lạy Cha, đó là đặc trưng của cộng đoàn con cái Chúa. Thực vậy, các em được tái sinh nhờ Bí tích Rửa tội, chúng lãnh nhận đầy tràn ơn của Chúa Thánh Thần trong Bí tích Thêm sức và thông phần vào Bí tích Thánh Thể, bằng cách khám phá ra việc hướng về Thiên Chúa khi gọi Ngài là “Cha” là như thế nào.

Kết thúc những bài giáo lý về Bí tích Rửa tội, tôi nhắc lại cho từng người trong anh chị em lời mời mà tôi đã trình bày trong Tông huấn Gaudete et exultate: “Hãy để cho ơn của Bí tích Rửa tội sinh hoa kết quả trên nẻo đường thánh thiện. Hãy để cho mọi sự mở ra với Thiên Chúa và luôn chọn Ngài, chọn Thiên Chúa. Đừng nản chí, bởi vì bạn có sức mạnh của Chúa Thánh Thần để làm cho nó có thể, và tóm lại, sự thánh thiện là hoa trái của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời bạn” (x. Gal 5,22-23) (số 15)

G. Võ Tá Hoàng
Mới hơn Cũ hơn