Trong buổi tiếp kiến chung sáng nay tại quãng trường thánh Phêrô, thứ tư 23/05/2018, Đức Thánh Cha bắt đầu những bài giáo lý mới về Bí tích Thêm sức. Trong bài giáo lý đầu tiên này Đức Thánh Cha nói về chủ đề chứng nhân Kitô giáo. Sau khi tóm tắt bài giáo lý bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, Đức Thánh Cha đặc biệt chào mừng đến các nhóm tín hữu, khách hành hương đang hiện diện tại quãng trường, đồng thời ngài mời gọi mọi người cầu nguyện cho những người công giáo tại Trung Quốc.
Bài Giáo Lý về Bí tích Thêm Sức
1. Chứng nhân Kitô giáo.
Anh chị em thân mến
Sau những bài giáo lý về Bí tích Rửa tội, những ngày tiếp theo sau lễ Hiện Xuống này mời gọi chúng ta suy tư về chứng từ mà Chúa Thánh Thần đã khơi gợi nơi những người đã chịu phép rửa, bằng cách đặt cuộc sống của họ vào trong chuyển động, mở ra vì lợi ích của người khác. Đối với các môn đệ của mình, Chúa Giêsu đã trao gửi cho họ một sứ mạng cao cả: “Anh em hãy là muối và là ánh sáng cho thế gian” (x. Mt 5,13-16). Đây là những hình ảnh khiến chúng ta nghĩ đến thái độ của chúng ta, vì thiếu hay quá dư thừa muối khiến cho thức ăn không ngon, cũng như vì quá thiếu hay quá nhiều ánh sáng khiến chúng ta không nhìn thấy. Thực vậy, người có thể khiến cho chúng ta thành muối, cung cấp hương vị, giữ chúng ta khỏi hư thối, và trao ban ánh sáng chiếu soi thế giới, chỉ có Chúa Thánh Thần của Chúa Kitô mà thôi! Và đây là ơn mà chúng ta lãnh nhận trong Bí tích Thêm sức hoặc Xức dầu, qua những điều trên tôi muốn dừng lại đây để suy tư cùng anh chị em. Được gọi là “Bí tích Thêm sức” là bởi vì nó kiện toàn Bí tích Rửa tội và tăng cường ơn sủng (GLCG, 1289); cũng vậy “Xức dầu”, qua đó chúng ta lãnh nhận Thánh Thần nhờ việc xức “dầu thánh”, - dầu trộn với hương thơm được thánh hiến bởi Giám mục – một từ ám chỉ đến “Chúa Kitô”, Đấng được xức dầu Thánh Thần.
Bước đầu tiên là được tái sinh để sống cuộc sống thiêng liêng trong Bí tích Rửa tội; cần phải được hành xử như những người con của Thiên Chúa, cụ thể là, làm cho phù hợp với Chúa Kitô, Đấng hoạt động trong Hội thánh, cho phép mình được tham gia vào sứ mạng của Ngài trong lòng thế giới. Đây là điều được ban cho nhờ xức dầu Thánh Thần: “không có sức mạnh của Thánh Thần, không có gì tồn tại nơi con người” (Ca tiếp liên lễ Hiện xuống). Không có quyền năng của Thánh Thần chúng ta không thể làm được gì: Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta sức mạnh để tiến bước. Trọn cuộc đời của Chúa Giêsu đã được linh hoạt bởi Chúa Thánh Thần thế nào thì cũng vậy, cuộc sống của Giáo hội và mỗi chi thể của Giáo hội đều ở dưới sự hướng dẫn của cùng một Thánh Thần.
Được thụ thai trong lòng Đức Trinh nữ nhờ công trình của Thánh Thần, Chúa Giêsu bắt đầu sứ mạng của mình sau khi bước ra khỏi dòng nước sông Giođan. Ngài được thánh hiến bởi Chúa Thánh Thần, Đấng ngự xuống và đậu lại trên Ngài (x. Mc 1,10; Ga 1,32). Chúa Giêsu đã công bố điều đó cách rõ ràng trong hội đường Nazareth: thật tuyệt vời làm sao khi Chúa Giêsu tự giới thiệu mình, đâu là căn tính của Chúa Giêsu trong hội đường ở Nazareth! Chúng ta lắng nghe xem Ngài đã làm gì: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, Ngài đã xức dầu cho tôi và sai tôi đi loan báo tin mừng cho người nghèo khó” (Lc 4,18). Chúa Giêsu tự giới thiệu về mình trong hội đường của quê hương mình như Đấng được xức dầu, Đấng được xức dầu bởi Thánh Thần.
Chúa Giêsu là Đấng tràn đầy Thánh Thần và là suối nguồn của Thánh Thần mà Chúa Cha đã phán hứa (Ga 15,26; Lc 24,49; Cv 1,8; 2,33). Thật vậy, đêm Phục sinh, Đấng sống lại thổi hơi trên các môn đệ và nói : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22); và trong ngày lễ Hiện Xuống quyền năng của Chúa Thánh Thần tuôn đổ xuống trên các Tông đồ dưới hình thức lạ thường (x. Cv 2,1-4) như chúng ta đã biết.
“Hơi thở” của Chúa Kitô Phục sinh đổ đầy những lá phổi của cuộc sống Giáo hội; và thực tế là môi miệng của các môn đệ, “tràn đầy Thánh Thần”, họ mở miệng công bố cho tất cả mọi người biết về những công trình lớn lao của Thiên Chúa (x. Cv 2,1-11).
Lễ Hiện xuống - mà chúng ta đã cử hành vào Chúa nhật vừa rồi- là cho Giáo hội điều đã ban cho Đức Kitô, là xức dầu Thánh Thần đã được lãnh nhận ở sông Giordan, tức là, Hiện xuống thúc đẩy người truyền giáo cháy hết mình cho việc thánh hóa con người, nhằm làm vinh danh Thiên Chúa. Nếu Chúa Thánh Thần hoạt động nơi mỗi bí tích, thì Ngài cũng thực hiện cách đặc biệt trong Bí Tích Thêm Sức “nơi những người tín hữu lãnh nhận như là Ơn của Thánh Thần” (Paul VI, Apostolic Constitution Divinae Consortium Naturae). Và trong lúc xức dầu, Giám mục nói lời này: “Con hãy lãnh nhận Chúa Thánh Thần, Đấng được ban cho con như ân sủng”: Thánh Thần là ơn cao vời của Thiên Chúa. Và tất cả mỗi người chúng ta đều có Thánh Thần trong mình. Chúa Thánh Thần ở trong trái tim, trong linh hồn chúng ta. Và Chúa Thánh Thần hướng dẫn cuộc sống chúng ta để chúng ta trở nên muối và ánh sáng công chính cho mọi người.
Nếu trong bí tích Rửa tội Chúa Thánh Thần nhận chìm chúng ta trong Chúa Kitô, thì trong bí tích Thêm Sức Chúa Kitô đổ tràn trên chúng ta Thần Khí của Ngài, thánh hiến chúng ta thành chứng nhân của Ngài, để chúng ta tham dự vào trong cùng một nguyên lý sự sống và sứ mạng, theo kế hoạch của Cha trên trời. Chứng tá của những người đã được thêm sức cho thấy việc đón nhận Thánh Thần và sự ngoan ngoãn đối với sự linh hứng sáng tạo của Ngài. Tôi tự hỏi: Làm sao người ra thấy rằng chúng ta đã lãnh nhận Ơn Thánh Thần? Nếu chúng ta thực hiện các công việc của Thánh Thần, nếu chúng ta nói lên các lời do Thánh Thần dạy bảo (x. 1 Cr 2,13). Chứng nhân kitô giáo cốt ở chỗ chỉ làm và làm tất cả những gì Thánh Thần của Chúa Kitô đòi hỏi chúng ta, bằng cách ban cho chúng ta sức mạnh để chu toàn nó.
G. Võ Tá Hoàng
Tags:
Đức Thánh cha