Đề tài và cấu trúc sách Diễm Ca
Đề tài sách Diễm Ca xem ra đơn sơ, nhưng việc giải thích nó lại là một khổ hình cho các học giả. Tự nó đây là một bài ca tình yêu phát xuất từ con tim của hai người trẻ trong lần nở hoa đầu tiên của một tình yêu biết tới tất cả mọi âm giai diễn tả của nó: từ sự say mê của các nụ hôn và các vuốt ve mơn trớn của hai người si tình cho tới ước mong gặp gỡ yêu thương; từ các khổ đau vì sự xa cách của người yêu cho tới niềm vui ồn ào nhất vì nàng trở lại, từ các lời tình yêu dịu ngọt trao đổi trong các buổi đi dạo ngoài cánh đồng hay trong các con đường làng nhỏ hẹp, cho tới các diễn tả khổ đau vì Người yêu chạy trốn. Từ chương đầu cho tới chương cuối ngự trị một bầu khí siêu thực, một thế giới của sự tươi vui phi thường; các thụ tạo được vẽ lên trên nền của các cảnh của mùa xuân vĩnh cửu, của môi trường đồng quê hay chăn nuôi, gợi lên cho các người yêu các so sánh đẹp nhất, và vì thế không thể tách rời khỏi cuộc sống và sự di chuyển của họ.
Tất cả khiến chúng ta tin rằng các bài ca làm thành tác phẩm là các mảnh thi ca được một người biên soạn gom góp lại với chủ ý đưa ra một suy niệm tôn giáo. Chúng đã được sáng tác ra để được hát trong các trường hợp đặc biệt như: cử hành đám cuới, đám hỏi, hay lễ hội trong triều đình, rồi bị tách rời khỏi thời điểm chính xác đó của cuộc sống. Các bài thơ tình yêu như được truyền lại từ Người biên soạn không luôn luôn dẫn đưa tới một việc cử hành đám cưới của hai người say mê nhau: họ cũng ca hát tình yêu đầu đời của họ, và đôi khi không có gì khác.
Chính vì thế thật là khó đề nghị một cấu trúc của sách. Ai coi nó như một thảm kịch, thì tìm thấy các cảnh, các nhân vật và hành động; người đọc nó như một câu chuyện ngụ ý bóng bẩy xa xôi, thì tìm thấy trong đó các sự kiện, các nhân vật và các thời điểm của lịch sử do thái; ai coi đó là một bài thơ tình yêu có thể chia nó thành các đoạn, các phiên khúc, các điệp khúc vv..
Vì chúng ta coi sách Diễm Ca là một sưu tập các bài ca tình yêu cổ xưa, được gợi ý bởi các lo lắng thuộc trật tự thần học và khích lệ, một cấu trúc có thể của tuyển tập là đề nghị của học giả Winandy. Đề nghị này của ông có điểm lợi là đơn sơ, và ở trong chữ và tinh thần của văn bản, được xây dựng như nó là trên hai quy chiếu hiển nhiên của văn bản về một khởi đầu và một kết thúc của một phát triển của đề tài tình yêu. Sau đây là cấu trúc do học giả Winandy đề nghị:
Chương 1 câu 5: thiếu nữ được đính hôn kiếm tìm người si mê nàng.
Chương 2 câu 7: lời xin hướng tới các con gái Giêrusalem.
Chương 2 câu 8: thiếu nữ đính hôn trông thấy Người Yêu trở lại.
Chương 2 câu 17: lời xin hướng tới Người Yêu: “Hãy trở lại”
Chương 3 câu 1: thiếu nữ đính hôn lại tìm người nàng yêu.
Chương 3 câu 5: lời xin hướng tới các con gái Giêrusalem
Chương 3 câu 6: câu hỏi “Cái gì đi lên từ sa mạc?
Chương 5 câu 1: thanh niên đính hôn xuống vườn của chàng là biểu tượng của chính thiếu nữ đính hôn.
Chương 5 câu 2: thiếu nữ đính hôn còn tìm người yêu của nàng.
Chương 6 các câu 2-3: thanh niên đính hôn ở trong “vườn” của chàng.
Chương 6 câu 10: một câu hỏi khác: “Người nữ đó là ai?”
Chương 8 câu 4: một lời xin khác hướng tới các con gái Giêrusalem.
Chương 8 câu 5: một câu hỏi khác: “Ai là người nữ đó?
Chương 8 câu 6-7a : kết luận tổng quát: “Hãy đặt em như ấn tín trên tim anh” và các lời nóng bỏng của tình yêu.
Chúng ta có thể thêm vào lược đồ trên đây chương 1 câu 1-4: là phần dẫn nhập tổng quát chứa đựng tất cả mọi đề tài sẽ được khai triển trong sách và trong chương 8 câu 7b tới 14. Đây là các bài thơ rải rác được thu thập nhân đanh các đề tài giống với các đề tài của sách Diễm Ca. Tuy nhiên, lược đồ để nguyên sự độc lập của các văn bản riêng rẽ của sách Diễm Ca hay của phần trong đó chúng được để vào, và mỗi một phần chỉ diễn tả một khác biệt của để tài duy nhất gợi ý cho các từ và các bài ca: tình yêu nhân loại giữa hai người trẻ tìm nhau và tránh nhau, là nguồn vui vô tận hay của nỗi đau đớn nung nấu đối với họ.
Đâu là nguồn gốc của sách Diễm Ca? Theo đề tựa chương 1 câu 1, sách Diễm Ca phải được coi như một tác phẩm của vua Salomon, là người đã sáng tác 5.000 bài thơ, theo chứng tá của sách các Vua I chương 5 câu 12. Cả hai thánh vịnh 72 và 127 cũng được gán cho vua Salomon, nhưng chắc là gán nhầm.
Toàn truyền thống dựa trên tựa đề này đã không bao giờ nghi ngờ sách Diễm Ca là của vua Salomon. Tựa đề này đã rất là cổ xưa, bởi vì chúng ta tìm thấy nó trong văn bản Thánh Kinh Hy Lạp 70, trong hình thái rất có ý nghĩa của thể tuỳ thuộc thay vì thể chiếm hữu như trong bản văn Thánh Kinh Latinh Vulgata. Người ta đã viết nhiều về hình thái của đề tựa này, dẫn nhập quan hệ đại danh từ vào trong hình thái dài hơn chống lại việc sử dụng thường hằng trong toàn phần còn lại của văn bản trong hình thái viết tắt, thuộc một thứ ngôn ngữ sau này. Không biết quan hệ đại danh từ này có thể là một hình thái ám chỉ tác giả của một tác phẩm hay là một hình thái đặc biệt đặt để sách Diễm Ca vào trong một loạt các sách đặc biệt, trong một loại văn thể hình dung.
Lập trường của các học giả ngày nay bỏ gán sách Diễm Ca cho vua Salomon như viết trong tựa đề vì các lý do ngôn ngữ. Thật ra ngôn ngữ sách của Diễm Ca nói chung thuộc thời sau này, và giả thiết có nhiều bài ca làm thành sách. Nhưng dấu nhấn trên vua Salomon trong tựa đề không bị quên, vì tên nhà vua xuất hiện trong văn bản sách Diễm Ca: trong các văn bản chương 1,5; 3,7-11; 8,11 hay được giả thiết như trong các văn bản chương 1,3; 1,12; 1,9. Nó khá ích lợi cho chúng ta vì hai lý do: thứ nhất, để nghiên cứu nguồn gốc cuối cùng của sách Diễm Ca và để định hướng cho việc giải thích sách một cách chắc chắn nhất, như đã được đề nghị, bởi bàn tay người đã viết ra nó.
Ngoài ra cũng nên ghi nhận rằng trong nước Ai Cập cổ đã có rất nhiều bài ca tình yêu được sáng tác, trước các bài ca tình yêu của Israel rất lâu, và chúng cũng được thu thập thành các tuyển tập khác nhau để cho các sử dụng riêng biệt, và chúng được phổ biến ngoài Ai Cập, đặc biệt dọc vùng duyên hải Palestina, nơi dân tộc Philitinh, và người Phênêxi sinh sống. Người ta cũng biết rằng Israel đã có biết bao nhiêu tiếp xúc với người Philitinh dưới thời vua Đavít và Salomon. Đavít đã từng được chọn để hát và gẩy đàn để giải sâu cho vua Saul bất hạnh (1 Sm 16,16), trước khi bị nhà vua ghen ghét tìm cách giết, khiến cho Đavít phải trốn sang đất của người Philitinh (x. 1 Sam 16,16) và đã lưu lại trong triều đình của vua Philitinh là Akhít tại Gat một thời gian dài (x. 1 Sam 27,2.5).
Nhưng chính dưới thời vua Salomon ảnh hưởng của thơ văn tình yêu cũng như tư tưởng khôn ngoan của Ai Cập chắc chắn đã ảnh hưởng mạnh mẽ và định đoạt hơn trên nền văn chương do thái.
Một truyền thống được giữ lại trong sách Giảng Viên chương 2 câu 8 cho biết rằng nền quân chủ Do thái đã muốn được bao quanh bởi sự sang trọng của nền văn hoá, của ca nhạc. Ngoài ra người ta cũng còn biết rằng Salomon đã cưới công chúa Ai Cập làm vợ như kể trong sách các Vua I chương 3,1:” Salomon thành con rể của Pharaô vua Ai Cập, vì đã cuới công chúa vua Ai Cập, và đưa nàng về Thành của Đavít, cho đến khi hoàn thành việc xây cất cung điện của ông, cũng như Đền Thờ Giavê và tường thành Giêrusalem”.
Điều này không muốn khẳng đình rằng vua Salomon đã sáng tác các bài ca trong sách Diễm Ca, nhưng ít nhất đã có thể bắt đầu hay tiếp tục một cố gắng của vua Đavít, rồi tạo thuận tiện cho sự tiến triển của một loại thơ của triều đình Ai Cập trên đất Palestina. Thật thế, vì có vài quy chiếu về vua Salomon và vua Đavít trong cùng cuốn sách. Và mau chóng đã có các tuyển tập thành hình như đã được xác nhận trong sách Châm Ngôn chương 25 câu 1: “Đây cũng là những châm ngôn của vua Salomon, được quần thần của Khítkigia, vua nước Giuđa ghi chép lại”. Chắc chắn là đã có các sưu tập sau đó được đưa vào tuyển tập của chúng ta.
Về các bài ca này có lẽ đã được thu thập lại thành các tập nhỏ chúng ta có thể nghe một tiếng vang nào đó trong các văn bản của các ngôn sứ từ ngôn sứ Amos cho tới các ngôn sứ thời lưu đầy, khi các tiếng của niềm vui phải im lặng trước nỗi cay đắng của thời điểm chính trị đen tối thê thảm khi đó. Ngôn sứ Amos báo trước cho dân Do thái biết các tiếng hát vui tươi sẽ biến thành tiếng than khóc sầu thương (Am 8,9-10): Ngôn sứ Isaia hát lên bài ca tình yêu (Is 5,1-3) giống như bài ca sách Diễm Ca chương 8,11-12. Đặc biệt trong nhiều văn bản ngôn sứ Giêrêmia nhớ lại tiếng kêu tươi vui và hân hoan, tiếng hát của phu quân và phu thê (Gr 7,34; 16,9; 25,10; 31,4; 31,10-14; 33,10-11). Một tiếng vang của việc chấm dứt các tiếng hát đó chúng ta có thể tìm thấy trong chương 5 câu 14 sách Ai Ca: “Cổng thành vắng bóng hàng kỳ mục, thanh niên hết đàn ca xướng hát”.
Tags:
Thần học