Bí tích Rửa tội kitô hóa mỗi người chúng ta

Sáng nay, thứ tư 11/04/2018, tại quãng trường thánh Phêrô, trước khoảng 22 nghìn người tín hữu, Đức Thánh Cha nói về Bí tích Rửa tội, mở đầu chu kỳ Giáo lý mới về các bí tích. Bí tích rửa tội là nền tảng căn bản của đời sống kitô giáo. Bí tích Rửa tội “kitô hóa” chúng ta, làm cho chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô.


Anh chị em thân mến.

Năm mươi ngày của phụng vụ mùa phục sinh thích hợp cho việc suy tư về đời sống kitô giáo, theo bản chất, nó phát xuất từ chính Chúa Kitô. Thật vậy, chúng ta là những người tín hữu theo mức độ chúng ta để Chúa Giêsu Kitô sống trong chúng ta. Ý thức này khơi lại từ đâu nếu không phải từ khởi đầu, từ Bí tích đã thắp lên trong chúng ta đời sống kitô hữu? Đó là bí tích Rửa tội. Sự Phục sinh của Chúa Kitô, với sự mới mẻ của Ngài, đến với chúng ta qua Bí tích Rửa tội để biến đổi chúng ta theo hình ảnh của Ngài. Những người được rửa tội là của Chúa Giêsu Kitô, Ngài là Thiên Chúa của cuộc sống họ. Phép rửa là “nền tảng của mọi đời sống kitô giáo” (GLCG 1213). Đó là các Bí tích đầu tiên trong các Bí tích, là cánh cửa cho Chúa Kitô cư ngụ trong con người chúng ta và cho chúng ta được đắm chìm trong mầu nhiệm của Người.

Động từ “rửa tội” theo tiếng hy lạp nghĩa là “nhận chìm” (x. GLCG 1214). Tắm với nước là một nghi thức thông thường của nhiều niềm tin khác nhau để diễn tả chuyển bước từ tình trạng này sang tình trạng khác, dấu chỉ của việc thanh tẩy cho một khởi đầu mới. Tuy nhiên đối với chúng ta là những người kitô hữu, chúng ta không phải tránh né, nếu thân xác chúng ta được nhận chìm trong nước, thì linh hồn chúng ta được nhận chìm trong Chúa Kitô để lãnh nhận ơn tha tội và được ánh sáng thiêng linh chiếu dọi (Tertulliano, bàn về sự phục sinh và sự chết, VIII, 3: CCL 2, 931; PL 2, 806). Nhờ Chúa Thánh Thần, Bí tích Rửa tội nhận chìm chúng ta trong cái chết và phục sinh của Chúa, dìm trong giếng rửa tội con người cũ bị tội lỗi thống trị, ngăn cách chúng ta khỏi Thiên Chúa, và làm tái sinh chúng ta trong con người mới, được tái tạo trong Chúa Giêsu. Trong Người, tất cả mọi con cháu của Ađam được kêu mời đến đời sống mới. 

Bí tích Rửa tội, là một sự tái sinh. Tôi chắc chắn, và tin chắc rằng tất cả chúng ta nhớ ngày sinh của mình. Nhưng tôi tự hỏi, một chút nghi ngờ, và cũng hỏi anh chị em: Anh chị em có nhớ ngày mình được rửa tội không? Một số người nói có nhớ - rất tốt. Nhưng mà câu trả lời nghe hơi yếu một chút, bởi vì hầu như anh chị em không nhớ đến ngày này. Nhưng nếu chúng ta mừng ngày sinh ra, làm sao không mừng được, ít ra là nhớ ngày mình được tái sinh? Tôi cho anh chị em một bài làm về nhà, một bài làm về nhà hôm nay. Những ai trong anh chị em không nhớ ngày chịu phép rửa thì hỏi mẹ, hỏi cậu dì, hỏi các cháu: “có biết ngày rửa tội không?” và đừng bao giờ quên điều đó. Đó là ngày tạ ơn Thiên Chúa, vì chính ngày đó Chúa Giêsu bước vào trong tôi, Chúa Thánh Thần bước vào trong tôi. Anh chị em hiểu bài làm về nhà chưa? Tất cả mọi người phải biết ngày mình được rửa tội. Đó là ngày sinh nhật thứ hai: mừng ngày được tái sinh. Anh chị em làm ơn đừng quên điều này. 

Chúng ta hãy nhớ những lời sau cùng của Đấng Phục sinh nói với các Tông đồ, rõ ràng đó là một lệnh truyền: “Anh em hãy đi và hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Matt 28,19). Qua việc rửa tội, ai tin vào Chúa Kitô thì được nhận chìm trong chính đời sống của Ba Ngôi. Thực vậy, không phải bất cứ nguồn nước nào của Phép rửa, nhưng là nước trong đó đã được khẩn nài Chúa Thánh Thần “Đấng ban sự sống” (Kinh Tin kính). Chúng ta nghĩ đến điều mà Chúa Giêsu đã nói với Nicôđêmô khi giải thích cho ông ta về việc tái sinh đối với sự sống thần linh: “không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí (Ga 3,5-6). Vì vậy phép rửa còn được gọi là “tái sinh”. Chúng ta tin rằng Thiên Chúa đã cứu chuộc chúng ta “nhờ vào lòng thương xót của Ngài, với nước tái sinh và đổi mới trong Chúa Thánh Thần” (Tt 3,5). Phép rửa là dấu chỉ hiệu quả của việc tái sinh, để bước đi trong cuộc sống mới. Thư thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma nhắc đến điều đó: “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới (Rm 6, 3-4). Khi chúng ta được dìm trong Chúa Kitô, Bí tích Rửa tội cũng làm cho chúng ta thành chi thể của Thân thể Chúa, là Giáo hội, và thông phần vào sứ mạng của Ngài ở trần gian (x. GLCG 1213). 

Là những người đã chịu phép rửa nên chúng ta không hề cô đơn: chúng ta là chi thể của Thân thể Chúa. Sức sống tuôn ra từ giếng rửa tội được minh họa bởi những lời của Chúa Giêsu: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái (Ga 15,5). Chính cuộc sống ấy, cuộc sống của Chúa Thánh Thần, tuôn chảy từ Chúa Kitô sang những người chịu phép rửa, hiệp nhất mọi người trong cùng một Thân thể (1 Cor 12,13), được xức dầu thánh và được nuôi dưỡng nhờ bàn tiệc Thánh Thể. Bí tích rửa tội cho phép Chúa Kitô sống trong chúng ta và để chúng ta sống kết hiệp với Ngài, để cộng tác với Giáo hội, mỗi người tùy theo khả năng của mình, làm biến đổi thế giới. Được lãnh nhận một lần duy nhất, phép rửa chiếu soi toàn thể cuộc sống của chúng ta, đưa dẫn từng bước chân của chúng ta hướng về Giêrusalem trên trời. Bí tích Rửa tội có khởi đầu và có kết thúc. Bí tích ví như một lộ trình đức tin, mà chúng ta gọi là giai đoạn dự tòng, hiển nhiên khi họ là người trưởng thành đến xin Phép rửa. Nhưng kể cả các trẻ nhỏ, từ thời xưa, cũng được rửa tội nhờ đức tin của cha mẹ (Nghi thức Rửa tội trẻ em, phần dẫn nhập, 2). Và dựa vào điều trên tôi muốn nói với anh chị em một chuyện. Một số người cho rằng: không hiểu tại sao lại rửa tội cho trẻ nhỏ?. Chúng ta hy vọng rằng, đứa nhỏ lớn lên, nó hiểu biết và chính nó đến xin Rửa tội. Nhưng làm điều này có nghĩa là không tin vào Chúa Thánh Thần, bởi vì khi chúng ta rửa tội cho một em nhỏ, Chúa Thánh Thần bước vào trong nó, và Chúa Thánh Thần làm lớn lên trong nó các nhân đức kitô giáo, ngay từ khi còn nhỏ, để rồi sinh hoa kết trái. Chúng ta phải luôn trao cơ hội này cho tất cả mọi người, tất cả các trẻ nhỏ, để có trong họ Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn họ trong suốt cuộc đời. Anh chị em đừng quên rửa tội cho các trẻ em! Không ai là người xứng đáng nhưng Phép rửa luôn ban nhưng không cho tất cả mọi người, người lớn và trẻ sơ sinh. Như đã xảy ra đối với hạt giống tràn đầy sự sống, ơn sủng này bén rễ và mang lại hoa trái nơi mảnh đất được nuôi dưỡng bởi đức tin. Những lời hứa rửa tội mà hằng năm chúng ta tuyên hứa lại trong đêm Vọng Phục sinh phải được làm sống lại từng ngày để cho Bí tích Rửa tội “kitô hóa”: chúng ta không sợ những lời này: Bí tích rửa tội “kitô hóa” chúng ta, ai đã lãnh nhận phép rửa thì được “kitô hóa” nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, được biến đổi trong Chúa Kitô và làm cho người ấy thực sự thành một Kitô khác.
Mới hơn Cũ hơn