Bí tích Rửa tội gia tăng sức mạnh để chiến thắng sự dữ

Sáng nay 25/04/2018, lúc 9.25 tại quãng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các tín hữu và khách hành hương đến từ khắp nơi trên thế giới. Trong bài giáo lý sáng nay, ĐTC tiếp tục suy tư về Bí tích Rửa tội với chủ đề : Bí tích Rửa tội gia tăng sức mạnh để chiến thắng sự dữ.

Giáo lý về Bí tích Rửa tội: 3 . Sức mạnh để chiến thắng sự dữ



Anh chị em thân mến

Trong ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta tiếp tục suy tư về Bí tích Rửa tội. Tin mừng soi sáng cho các ứng viên và khơi dậy sự gắn kết đức tin: “Bí tích Rửa tội, theo cách đặc biệt, là “bí tích đức tin”, vì nó đánh dấu việc gia nhập vào trong đời sống đức tin (GLCG 1236). Và tin là trao hiến chính mình cho Chúa Giêsu, Đấng được chân nhận như “mạch nước tuôn trào […] sự sống đời đời’’ (Ga 4,14), “ánh sáng cho thế gian” (Ga 9,5), “sự sống và là sự sống lại” (Ga 11,25), như người dẫn đường, ngay cả hôm nay, cho những người dự tòng sắp lãnh nhận việc khởi đầu kitô giáo.

Được giáo dục bằng cách lắng nghe Chúa Giêsu, từ giáo huấn và những việc làm của Ngài, điều đó làm sống lại nơi các dự tòng kinh nghiệm của người phụ nữ Samaritana khát nước hằng sống, của người mù từ khi mới sinh được nhìn thấy ánh sáng, của lazaro, người được ra khỏi mộ. Tin mừng mang trên mình sức mạnh để biến đổi những ai đón nhận bằng đức tin, bằng cách tháo gỡ họ ra khỏi sự thống trị của sự dữ để học cách phục vụ Thiên Chúa với niềm vui và mới mẻ của cuộc sống.

Không ai đến giếng rửa tội một mình bao giờ, nhưng được đồng hành bởi lời cầu nguyện của toàn thể Giáo hội, như Kinh cầu Các thánh, trước lời nguyện trừ tà và xức dầu trước khi rửa tội cho các dự tòng cho biết. Đó là những cử chỉ, ngay từ xưa, bảo đảm cho tất cả mọi người đang chuẩn bị được tái sinh làm con cái Chúa mà lời cầu nguyện của Giáo hội giúp họ chiến đấu chống lại sự dữ, đồng hành với họ trên đường lành, giúp họ thoát khỏi quyền lực tội lỗi để bước sang vương quốc ân sủng của Thiên Chúa.

Lời cầu nguyện của Giáo hội. Giáo hội cầu nguyện và cầu nguyện cho tất cả mọi người, cho tất cả chúng ta. Chúng ta là Giáo hội, chúng ta cầu nguyện cho người khác nữa. Cầu nguyện cho người khác là điều tốt. Biết bao lần chúng ta không có nhu cầu cấp thiết nào nên chúng ta không cầu nguyện. Chúng ta phải cầu nguyện, hiệp với Giáo hội, để cầu cho người khác: “Lạy Chúa, con xin Chúa cho những người túng thiếu, cho những người không có đức tin…”. Anh chị em đừng quên rằng : lời cầu nguyện của Giáo hội luôn được thực thi. Nhưng chúng ta phải bước vào trong lời cầu nguyện và cầu nguyện cho toàn thể dân của Chúa và cho những người đang cần lời cầu nguyện. Vì vậy, con đường của các dự tòng trưởng thành được ghi dấu bởi việc linh mục lặp đi lặp lại lời nguyện trừ tà (GLCG 1237), hoặc bằng việc cầu nguyện xin ơn giải thoát khỏi mọi điều vốn ngăn cách khỏi Chúa Kitô và ngăn cản ta kết hiệp mật thiết với Chúa. Đối với các trẻ em cũng vậy, ta cầu xin Thiên Chúa giải thoát chúng khỏi tội nguyên tổ và thánh hiến chúng thành nơi cư ngụ của Chúa Thánh Thần (nghi thức rửa tội trẻ em, số 56). Các trẻ em. Hãy cầu nguyện cho chúng, có sức khỏe về tinh thần và thể xác. Đó là cách thức bảo vệ chúng bằng lời cầu nguyện. Như các Tin mừng đã chứng minh, chính Chúa Giêsu đã chiến đấu và trục xuất ma quỷ để biểu lộ sự xuất hiện của Nước Thiên Chúa (x. Mt 12,28): cuộc chiến thắng của Chúa trên quyền lực sự dữ nhường chỗ cho uy quyền của Thiên Chúa, Đấng làm cho người tín hữu vui lòng và hòa giải họ với sự sống.

Bí tích Rửa tội không phải là một công thức ma quái nhưng là ơn huệ của Chúa Thánh Thần, Đấng cho phép những ai đón nhận Ngài “chiến đấu chống lại thần dữ”, bằng cách tin rằng “Thiên Chúa đã sai Con của Ngài vào thế gian để hủy diệt quyền lực của satan và đưa con người từ bóng đêm vào trong vương quốc sáng lạng vô biên của Ngài. (Nghi thức Rửa tội cho trẻ em, số 56). Nhờ kinh nghiệm chúng ta biết rằng cuộc sống người kitô hữu luôn bị cám dỗ, nhất là cám dỗ tự tách mình ra khỏi Thiên Chúa, khỏi lòng muốn của Ngài, khỏi sự thông hiệp với Chúa, để rồi lại ngã vào trong những mối quan hệ ràng buộc của thế gian. Và Bí tích Rửa tội chuẩn bị cho chúng ta, đem lại cho chúng ta sức mạnh để chiến đấu mỗi ngày, cả cuộc chiến chống lại ma quỉ, như thánh Phêrô đã nói : ma quỉ như sư tử chờ chực để cắn xé và để hủy diệt chúng ta. 

Bên cạnh lời cầu nguyện, còn có việc xức dầu trên ngực cho các dự tòng, qua đó họ nhận được sức mạnh để từ bỏ ma quỉ và tội lỗi, trước khi tiếp cận với nguồn mạch và tái sinh trong cuộc sống mới (làm phép dầu, lời tựa số 3). Bởi vì tính chất của dầu là thấm nhập vào trong các mô mạch của thân thể hầu đem lại cho nó các lợi ích. Các đấu sĩ ngày xưa đã dùng dầu xoa lên da để làm các cơ bắp săn chắc và để thoát ra một cách dễ dàng khi bị đối thủ nắm chặt. Dưới ánh sáng của biểu tượng này các tín hữu ở các thế kỷ đầu đã áp dụng việc dùng dầu bôi vào thân thể các dự tòng khi Rửa tội bằng dầu được chúc lành bởi Giám mục, muốn nói rằng, qua “dấu chỉ cứu độ này”, nhờ sức mạnh của Chúa Kitô Cứu thế, củng cố để chống lại sự dữ và chiến thắng sự dữ (Nghi thức rửa tội cho trẻ em số 105).

Thật khó để chiến đấu chống lại sự dữ, khó để mà thoát ra khỏi những lừa gạt, nhằm lấy lại sức mạnh sau cuộc đấu tranh mệt mỏi, nhưng chúng ta phải biết rằng, tất cả đời sống Kitô giáo là một cuộc chiến đấu. Cho nên, chúng ta phải biết rằng chúng ta không đơn côi, Mẹ Giáo hội cầu nguyện cho con cái của mình, tái sinh chúng trong Bí tích Rửa tội, để chúng ta không bị khuất phục đối với cạm bẫy của ma quỉ nhưng là chiến thắng quyền lực ma quỉ bằng sức mạnh của Chúa Kitô Phục sinh. Được gia tăng sức mạnh từ Chúa Phục sinh, Đấng đã đánh bại hoàng tử của thế gian này (x. Ga 12,31). Cũng vậy, chúng ta có thể nhắc lại với niềm tin của thánh Phaolô: “Tôi có thể chịu được tất cả trong Đấng đã ban cho tôi sức mạnh” (Phil 4,13). Tất cả chúng ta có thể chiến thắng, chiến thắng tất cả, nhưng phải với sức mạnh đến từ Chúa Giêsu.

G. Võ Tá Hoàng
Mới hơn Cũ hơn